Suy niệm 1
"Đừng sợ và đừng nghi ngờ nữa" -----------------------------
Một tuần sau lễ Chúa Giêsu Phục Sinh, Giáo Hội muốn chúng ta nhìn lại đời sống của các Tông Đồ để hiểu biết việc tin vào Chúa Kitô Phục sinh không phải là chuyện dễ.
Có lẽ chúng ta, nếu là người đạo đức, đừng nên vội trách các Tông Đồ, đặc biệt là Tôma là quá sợ hãi và cứng lòng tin. Nói đúng hơn, nên cám ơn các ngài, vì nhờ các ngài mà chúng ta dễ nhận thấy những khủng hoảng và thách đố về Đức tin. Các ngài cũng là những con người yếu đuối, dù đã lãnh nhận biết bao ơn lành. Vì yếu đuối nên các ngài sợ hãi và nghi ngờ. Nhìn vào các ngài, sau khi đã lãnh nhận ơn Phục Sinh, chúng ta có thể nói với chính mình: Đừng sợ và đừng nghi ngờ nữa.
1- Đừng sợ: Chiều ngày Phục sinh, các môn đệ họp nhau để điểm lại những diễn biến vừa xảy ra xung quanh việc Chúa sống lại. Phêrô và Gioan, hai trong ba người được Chúa yêu mến nhất đã ra mồ. Nhưng chẳng thấy xác Chúa đâu, chỉ còn lại ngôi mộ trống. Họ hối tiếc không được diễm phúc như mấy bà mấy chị đã thấy Chúa sống lại.
Dù sao, nỗi sợ hãi và nghi ngờ vẫn còn đó. Họ phải rút lui vào phòng kín cài then cho chắc để rồi suy tính: Việc Chúa sống lại có thật không, hay chỉ là ảo tưởng của phái yếu? Nhưng nếu Ngài sống lại thật, thì một ngày nào đó chúng mình cũng phải trải qua con đường thập giá. Nếu phải cùng uống chén đắng với Thày thì có gì là sung sướng. Gioan và cả mấy chị đã chứng kiến cái chết thê thảm của Thầy mình trên thập giá, chắc chắn nghĩ rằng mình cũng phải chung số phận với Thầy. Vì thế họ sợ hãi và tìm cách ẩn náu.
Còn chúng ta, chúng ta đang sống trong thế giới đầy sợ hãi: tai nạn giao thông, trộm cắp, thất nghiệp, quyền lực của đồng tiền, bệnh tật và tuỏi già...Giáo Hội đang sợ phải đối diện với một thế giới hiện đại.
Thế giới ấy đang đẩy đưa con người co cụm lại trong những pháo đài của học thuyết và của cả giáo lý nữa. Tình trạng này đang làm cho con người phải thoả hiệp với thế giới, đến nỗi đánh mất luôn căn tính của chính mình: không còn là người có đạo, không còn là một linh mục, một tu sỹ hay một chủng sinh nữa. Giáo Hội cũng đang sợ phải đối diện với trào lưu Hồi Giáo quá khích, với chủ nghĩa tục hóa, với việc thực hành tôn giáo đang suy đồi, nhất là với tình trạng của nhiều người sống như không có Chúa, vì họ cho rằng Thiên Chúa đã chết.
Tuy nhiên, dù Chúa Giêsu đã chết, nhưng Ngài thực sự sống lại. Hôm nay Ngài hiện ra với các tông đồ để chứng minh điều đó và còn ban bình an cho các ông nữa. Hôm nay các ông rất cần tìm lại sự bình an lương tâm và biết mình đã được Thầy mình yêu mến và tha thứ. Hôm nay các ông rất đỗi vui mừng vì thấy Ngài, hỏi han Ngài và chiêm ngắm Ngài.
Còn đối với Giáo Hội và mỗi người, ơn huệ ngày lễ Phục Sinh đã được ban để không thất vọng vì Chúa Giêsu đã sống lại và sống mãi. Trong Giáo Hội có biết bao dấu chỉ hy vọng đang đánh tan những chủ thuyết tưởng chừng một thời thống trị thế giới.
Thánh Gioan Phaolô II khi lên ngôi Giáo hoàng, đã nhận thấy những thách đố của một thế giới mới đầy nguy hiểm cho đời sống đức tin và luân lý. Dẫu vậy, Ngài vẫn lạc quan và nói với thế giới qua thông điệp “sứ vụ Đấng Cứu Độ”: "Anh em đừng sợ". Hơn nữa cũng trong dịp lễ Phục Sinh 2005 là Phục sinh cuối cuộc đời trần thế của ngài, ngài nằm trên giường bệnh, nhưng khuôn mặt ngài vẫn toát lên một sự thanh thản và bình an. Khuôn mặt của ngài đầy Chúa. Trước khi ngài qua đời, Đức Hồng Y Jean Louis Tauran, Bộ trưởng bộ ngoại giao tới thăm và nói với giới báo trí: “Tôi thấy Đức Thánh Cha rất thư thái, điềm tĩnh và bình lặng. Ngài nằm trên giường, thở không chút mệt nhọc. Đúng là ngài đã nhận được sự bình an của Đấng Phục sinh”.
2 - Đừng nghi ngờ nữa! Tôma, một trong Nhóm Mười Hai không gặp may mắn. Ông vắng mặt khi Chúa Giêsu sống lại hiện đến vào tuần trước. Các bạn của ông kể cho ông nghe Chúa đã sống lại thật và hiện đến với họ. Nhưng ông vẫn không tin và cho rằng đó chỉ là tưởng tượng và ảo giác. Ông tiếp tục nghi ngờ.
Tôma đâu có phải là con người kém cỏi bình thường. Ông rất dũng cảm “sẵn sàng chết vì Thầy”. Nhưng ông không muốn chết cho một bóng ma. Ông yêu cầu phải có bằng chứng cụ thể. Chúa Giêsu cũng rất hài hước và nhẫn nại, cứ để cho Tôma phải đắm đuối nghi ngờ khoảng một tuần lễ. Tội nghiệp cho ông! Ông đã phải trải qua bảy đêm thức trắng và tự nhủ rằng: "Không, tôi không thể tin được nếu không có bằng chứng cụ thể". Nhưng cũng kỳ diệu cho Tôma ! Ông đã phải chịu đau khổ vì sự nghi ngờ của mình.
Còn chúng ta hôm nay tin vào Chúa Kitô Phục Sinh cũng không dễ gì. Đừng quên rằng Đức tin vì là sống động nên không thể là một điều chắc chắn không lay chuyển như đinh đóng cột được. Đức tin đó là một con đường gặp gỡ, một câu chuyện tình trải dài khi sống thân mật với Chúa và cả lúc đêm tối của Đức tin. Vì thế,
- Đừng vội giày vò chống lại sự nghi ngờ đang ẩn núp trong chúng ta.
- Hãy chấp nhận những khó khăn khi tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Phục Sinh.
- Khi nghi ngờ cần phải học làm quen.
- Lúc ngờ vực cần phải khiêm tốn.
Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có cái nhìn tích cực và nhận thấy: những lúc nghi ngờ như thế lại là lúc chúng ta đang bước trên con đường mòn để thanh tẩy Đức tin. Chỉ sợ rằng trong hành trình Đức tin, chắng có lúc nào chúng ta thân mật với Chúa: khi đọc kinh cũng như khi đi lễ chẳng có một tâm tình gì, chẳng có lúc nào chúng ta bị khủng hoảng về Đức Tin. Plaise Pascal nói một câu rất tích cực về sự nghi ngờ của Đức tin: "Nghi ngờ về Thiên Chúa, chính là đã tin vào Người".
Đức tin là ân ban từ Thiên Chúa. Người ban cho chúng ta các dấu chỉ để nhờ đó chúng ta tin vào Người. Còn về phía chúng ta, tin là yêu mến. Tin có nghĩa là chúng ta hãy trở nên một người tình đi tìm kiếm một người tình là chính Thiên Chúa. Trong khi đi tìm kiếm Thiên Chúa, dù chúng ta chưa gặp Ngài, chúng ta vẫn cảm thấy hạnh phúc, vì Chúa đã nói: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
CẢM NGHIỆM VÀ LOAN TRUYỀN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
(Cv 2,42- 47; Pr,1,3- 9; Ga 20,19- 31)
Hôm nay, toàn thể nhân loại ngập tràn lòng thương xót Chúa, bởi vì hôm nay là ngày mà mọi cánh cửa của lòng thương xót được mở ra để ấp ủ những ai tín thác nơi Chúa như lời Ngài đã phán với thánh nữ Maria Faustina: “Ta muốn ngày lễ kính lòng thương xót là một trợ giúp và là nơi trú ẩn cho mọi linh hồn và nhất là cho những người tội lỗi đáng thương. Trong ngày ấy, lòng thương xót của Ta sẽ rộng mở, Ta sẽ tuôn đổ một đại duơng hồng ân xuống các linh hồn đến gần nguồn mạch lòng thương xót của Ta” (Tiểu nhật ký, số 699).
Các lỗ đinh ở chân tay và vết đâm từ cạnh sườn Đức Giêsu mà hôm nay Ngài tỏ ra cho Tôma được thấy đã mạc khải cho chính Tôma và cả chúng ta thấy lòng thương xót vô bờ của Ngài dành cho nhân loại.
1. Lòng thương xót của Chúa dành cho Tôma
Thánh sử Gioan hôm nay trình thuật sự kiện Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ, trong đó có Tôma. Hình ảnh Tôma được hiện lên như là nhân vật chính trong bài Tin Mừng hôm nay. Nói cách khác, nếu không có thắc mắc đến độ thách thức của Tôma thì có lẽ chưa chắc đã có lần hiện ra này của Đức Giêsu! Bởi vì: trước đó, sau khi nghe các Tông đồ khác thuật lại việc Đức Giêsu phục sinh hiện ra với các ông, Tôma đã không tin. Ngược lại, ông còn tuyên bố thật thẳng thừng rằng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25).
Tôma thuộc típ người thực nghiệm, tức là không thể tin nếu không mắt thấy, tai nghe, tay sờ. Lý do chính yếu làm cho Tôma không thể tin nổi việc Đức Giêsu sống lại, đó là: ông đã hiểu sai về sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu. Vì thế, lời tiên báo của Đức Giêsu trước đó không lay động gì với suy nghĩ của ông về con người vĩ đại của Đức Giêsu.
Quả thật, ông hiểu Đức Giêsu là Đấng Mêsia theo kiểu trần gian, tức là một người quyền thế chứ không phải là người yếu đuối như vậy.
Khi hiểu như thế, ông đã hoàn toàn thất vọng về cái chết của Thầy mình. Ông không còn tin tưởng vào tương lai. Vì vậy, khi nghe các Tông đồ báo tin Thầy đã sống lại và đã hiện ra với họ, trong ông luôn luôn nghĩ là điều hoang tưởng. Chính sự nghi ngờ này đã làm cho ông dám cả gan thách thức Chúa để thỏa mãn sự hiếu tri!
Chúa thương Tôma vì Ngài hiểu được sự yếu đuối và tham sân si của ông. Ngài không trách và cũng không lên án, nhưng ngược lại, Ngài đã yêu thương ông bằng tình yêu đặc biệt.
Vì thế, chúng ta không lạ gì khi lần này hiện ra, Đức Giêsu đã nhắm thẳng vào Tôma với lòng trìu mến ông cách đặc biệt, đồng thời Ngài cũng củng cố lòng tin nơi ông, nên Ngài nói: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20, 27).
Sự nghi ngờ tan biến khi lòng thương xót của Đức Giêsu phủ lấp trên con người và tâm trí Tôma. Vì thế, ông đã thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20, 28). Lời thốt lên này cho thấy ông thật ngỡ ngàng trước lòng thương xót đặc biệt của Đức Giêsu dành cho ông. Mặt khác, đây cũng là lời tuyên xưng đức tin của ông vào Đấng Phục Sinh.
Như vậy, trước đó, Tôma đã cứng lòng không chịu tin. Nhưng khi Đức Giêsu tỏ lòng thương xót của Ngài cho ông, ông đã hoàn toàn thay đổi và xác tín niềm tin của mình vào Chúa cách mạnh mẽ.
Còn chúng ta ngày nay khi đứng trước lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta có thái độ nào?
2. Thực trạng niềm tin nơi xã hội hôm nay
Xã hội ngày càng phát triển, con người luôn đề cao tri thức, khoa học thực nghiệm, hiện sinh. Nhân loại đang có chủ trương giải nghi huyền nhiệm. Chính vì điều này mà con người hôm nay bị đóng khung bởi những kiến thức thực dụng.
Ngày nay, con người ít muốn nhắc đến niềm tin tôn giáo. Họ cũng chẳng cần để ý đến những dấu chỉ thời đại. Và ít khi nghĩ đến việc phải thi hành bổn phận về lòng thương xót.
Biết bao nhiêu mặc khải về tình thương của Thiên Chúa, nhưng đã bị con người bỏ qua. Biết bao nhiêu lời mời gọi tương thân tương ái của Giáo Hội, nhưng vẫn chỉ có những ngọn lửa leo loét trong màn đêm dày đặc. Biết bao nhiêu lời mời gọi xây dựng hòa bình trong sự thật và công bằng, nhưng cũng chỉ như tiếng kêu lạc lõng giữa rừng sâu!
Khác với Tôma, con người ngày nay luôn tìm mọi cách để giải nghi huyền nhiệm. Họ muốn quy chiếu tất cả vào khả năng của con người. Tuy nhiên, sự thật cho thấy, con người đã thất bại nặng nề khi khước từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Con người đã bị thiên nhiên quay lưng lại khi không biết vận hành theo trình tự của Thiên Chúa tạo hóa.
Vì vậy, chúng ta không lạ gì khi nhìn ra xã hội hôm nay với bức tranh phân hóa giàu nghèo ngày càng nổi cộm. Hố sâu hay bức tường cao là những thứ được đào và xây lên bởi sự ích kỷ, kiêu ngạo của con người để loại trừ, phân biệt… Sự vô cảm, lạnh nhạt, thiếu tình thương đang dần trở thành căn bệnh thời đại. Sự bất an và mất hạnh phúc khi con người nhân danh chiến tranh để xây dựng hòa bình mà bỏ qua công lý và sự thật đang ngày càng leo thang… Và biết bao đau thương khác đang ngày đêm diễn ra trong xã hội loài người chỉ vì thiếu đi sự cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa như Tôma khi xưa.
3. Người Kitô hữu và lòng thương xót
Đứng trước thực trạng đó, người Kitô hữu được mời gọi xác tín ngày càng mạnh mẽ niềm tin của mình vào Thiên Chúa, nhất là biết nhạy bén với các dấu chỉ thời đại để loan truyền lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người và thế giới hôm nay.
Thật vậy, lúc này, hơn bao giờ hết, trong một xã hội muốn loại trừ Thiên Chúa như vậy, chúng ta được mời gọi trở nên khí cụ của lòng thương xót; trở nên ngọn hải đăng soi sáng cho những con thuyền đang chơi vơi giữa đại dương mênh mông; là chiếc la bàn trong rừng sâu để chỉ dẫn cho những ai mất định hướng; là biển chỉ đường cho những ai muốn tìm về Chân Thiên Mỹ; là tấm bánh cho những ai đói nghèo; là ly nước cho những ai đang khát; là mái nhà cho những ai không chỗ nương thân; là niềm hy vọng cho những ai thất vọng; là điểm tựa cho những ai mất niềm tin…
Muốn làm được điều đó, mỗi người chúng ta hãy có tâm tình của chính thánh Tôma khi đối diện với lòng thương xót của Đức Giêsu, đó là biết thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).
Mong thay mỗi người chúng ta sẽ là những người nhận ra lòng thương xót vô biên của Chúa như thánh Tôma khi xưa. Đồng thời biết làm chứng về lòng thương xót ấy cho mọi người xung quanh. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
=====================
Suy niệm 3
Chúa Là Đấng Xót Thương Xót
(Ga 20, 19-31)
Nhân dịp phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30.04.2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt tên cho Chúa nhật tiếp liền sau Đại Lễ Phục Sinh là Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, kính nhớ việc Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Truyền thống Giáo hội đã coi đây như là nguồn gốc của Bí tích Hòa Giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.
Cử chỉ trao ban bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.
Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đầy những thương tích về thể lý, tâm lý và luân lý cần thiết biết bao lòng thương xót của Thiên Chúa!
Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, Giáo hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang: "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.
Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi và ơn thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian mà theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến Bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần (x. Ga 3, 5; 4, 14).
Lời kinh chúng ta vẫn đọc: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, Ðấng cứu độ duy nhất của chúng ta! Những tia sáng của lòng từ bi Chúa mang lại niềm hy vọng cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi. Chúa Giêsu Kitô là Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhập thể. Vậy, chúng ta hãy luôn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa, là Ðấng luôn chờ đợi và yêu thương chúng ta, đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa, là Ðấng luôn luôn yêu thương, dịu hiền, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta. Cả khi chúng ta xa rời, Thiên Chúa vẫn luôn gần gũi và sẵn sàng giang tay ra ôm ấp chúng ta vào lòng, nếu chúng ta trở về với Chúa.
Khi quảng diễn về lòng thương xót của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Dung mạo của Thiên Chúa là dung mạo của một người Cha đầy lòng thương xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối… Lòng thương xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính” (Kinh Truyền Tin, 17.03.2013).
Giờ kinh Truyền Tin ngày 11.01.2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với dân chúng: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót. Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau”. Để hàng ngày cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa và thực thi lòng thương xót đối với tha nhân trong cuộc sống. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta xóa bỏ sự thờ ơ, ngài viết: “Chúng ta đừng sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm … đừng rơi vào trong thói quen đánh mất cảm xúc…” (x.Misericordiae Vultus số 15).
Ngài xác tín rằng, cốt lõi của Phúc Âm là tình thương, (x. Huấn từ 28.03.2014). Vì thế, theo nguyên tắc, tất cả mọi cơ cấu, nguyên tắc, luật lệ và tổ chức của Giáo Hội đều phải làm sao để hướng về và đạt đến đích điểm là tình thương (x. Niềm vui Phúc Âm,26-43). Bởi vậy, trong thực hành, Giáo Hội cần phải là một bệnh viện lưu động để chữa lành, chứ không phải chỉ mở cửa đón nhận tội nhân và nạn nhân trở về mà thôi (x. trả lời Phỏng Vấn 04.12.2014). Ngài muốn Giáo Hội phải đi đến tận rìa mép của xã hội để tìm kiếm các con chiên lạc đáng thương, thậm chí Giáo Hội phải ăn uống với thành phần đàng điếm và thu thuế tội lỗi (Huấn từ bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngày 18.10.2014).
Lạy Mẹ maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp chúng con duy trì lòng tín thác vào Con Mẹ. Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thánh nữ Faustina, xin trợ giúp chúng con, để chúng con được cùng với các thánh hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", bây giờ và mãi mãi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ