Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật III PS

Cập nhật lúc 21:06 28/04/2017
Suy niệm 1
“Họ nhận ra Người lúc bẻ bánh”
-----------------------------
Khắp nơi đây đó thập giá vẫn tiếp tục mọc lên: đau khổ, bệnh tật, cô đơn và chết chóc. Thập giá đó có thể làm bầm tím lịch sử cuộc đời mỗi người, mà tại sao Thiên Chúa cứ im lặng?
Đọc bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy: vào buổi sáng hôm đó, bóng tối của thập giá vẫn in hình trên nẻo đường Emmaus mà hai môn đệ đang bước đi, lòng buồn vô hạn. Bóng tối vẫn theo sau họ; họ chỉ nghĩ đến cây thập giá khổ nhục, trong khi Chúa Giêsu theo sát họ mà họ không biết. Đây là một câu chuyện khá hấp dẫn ! Đây cũng là câu chuyện luôn có tính thời sự trong đời sống của mỗi người chúng ta. Con đường Emmaus không thiếu, nhưng sự hiện diện kỳ diệu của Thiên Chúa lại càng nhiều và càng rõ ràng hơn.
Câu chuyện diễn biến như sau: ngày thứ ba sau khi Chúa Giêsu chịu chết, hai trong số các môn đệ của Người rời thành thánh Giêrusalem trở về Emmaus để tìm kiếm một nghề khác có tiền. Mệt mỏi, chán nản, họ cùng nhau lặp đi lặp lại hy vọng của mình đã sụp đổ. Giấc mơ một ngày nào đó trở nên một bộ trưởng trong triều đại Đấng Mesia giờ đây đã tan biến. Đang khi họ trò chuyện với nhau, thì một ai đó đuổi theo và kín đáo len lỏi chuyện vãn với họ. Hầu như họ đã không ngước mắt nhìn vì quá lo lắng và chìm ngập trong cơn buồn thảm. Ai đó chính là Chúa Giêsu. Và Ngài bắt đầu hỏi chuyện họ.
- À này, xem chừng các anh không được vui phải không?
+ Vui thế nào được! Ông lại không biết điều gì mới xẩy ra ư?
- Điều gì thế?
+ Lại còn điều gì à! Thông tin mấy ngày hôm nay đã quá rõ. Ông lại không biết sao?
- Vậy tin đó có quan trọng lắm không?
+ Không những quan trọng mà còn tồi tệ và ghê sợ là khác ngay trong thành thánh của chúng ta. Thế ông có biết một người thúc giục dân nổi dậy và làm các phép lạ không? Nhiều người nói rằng Ngài là Đấng Messia?
- Điều gì xẩy đến cho Ngài?
+ Người ta giết Ngài! Người ta đóng đinh Ngài như một tên trộm. Tệ hơn nữa là người ta đóng đinh Ngài mà Ngài lại chẳng phản ứng gì.
- Thế thì các anh thất vọng là phải!
+ Dù sao cũng có một tia hy vọng là mấy chị em phụ nữ nói với chúng tôi rằng họ đã thấy Ngài sống lại. Nhưng đó vẫn chỉ là chuyện của đàn bà. Hai trong các bạn bè của chúng tôi là Phêrô và Gioan đến mộ để xác nhận điều đó, nhưng chẳng thấy gì….
- Thế thì vẫn chỉ là thất vọng thôi ư?
+ Người ta hoàn toàn tin tưởng và đặt hy vọng vào Ngài vì Ngài làm nhiều phép lạ. Rồi cuối cùng người ta cũng sai lầm lớn.
- Đúng, tôi thấy các anh thật xấu số.
Tất cả chúng ta nhiều lúc cũng là môn đệ trên đường Emmaus. Lúc đó Chúa Giêsu cũng đến bắt chuyện với chúng ta. Ngài khởi xướng cuộc chuyện trò. Ngài bám sát chúng ta trên nẻo đường đó, mặc dù chúng ta quay lưng không hướng nhìn Ngài. Ngài  ở bên cạnh chúng ta cách kín đáo. Ngài ở với chúng ta để Ngài chia sẻ với chúng ta nhất là khi chúng ta chịu đau khổ. Ngài không đến để xoá bỏ bệnh tật. Ngài không đến để thay thế các y bác sỹ. Ngài chịu đựng đau khổ và bệnh tật cùng với chúng ta. Ngài như người mẹ âu yếm ôm đứa con cho đến cùng dù đứa con đó phải chết trên tay. Ngài không ở với chúng ta như cơn gió thoáng qua. Ngài cùng bước đi 11 km với hai môn đệ đi làng Emmaus và ở với họ cả ba giờ đồng hồ. Ngài liên tục ở với chúng ta trong mọi thử thách. Ngài yên lặng để chúng ta nói với Ngài và kêu lên những nỗi khổ cực của chúng ta cho Ngài.
Khi quá khổ đau chúng ta hãy kêu lên Ngài lời Thánh Vịnh: “Lạy Chúa nếu Chúa ngủ, xin hãy thức dậy. Chúa biết rõ con không có thể chịu đựng được nữa”! Hãy giải phóng mọi nỗi cay đắng của chúng ta bằng cách phó dâng cho Ngài. Ngài giả vờ không biết các biến cố ở Giêrusalem để các môn đệ nói ra. Chúa làm như vậy không phải là để trêu chọc hoặc tò mò, nhưng là để các môn đệ khỏi căng thẳng và hướng tới thứ giáo lý sáng ngời mà Ngài sắp giải thích cho họ.
- Hình như các anh không có khả năng hoặc không nhớ lời Kinh Thánh thì phải?
+ Ông muốn nói gì thế? Rõ ràng Đấng Mesia đã chẳng kết thúc cuộc đời như vậy đó sao?
- Tiên tri Isaia đã nói là Ngài sẽ thống trị ngàn đời và mọi dân nước sẽ tuốn đến Ngài mà.
+ Vâng, nhưng chính Ngài lại không nói thế! Xin ông hãy đọc Isaia chương 53 mà xem: “Ngài bị đời khinh chê ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật. Ngài như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi không đếm xỉa tới. Chính Ngài đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm”. Xin ông tiếp tục giải thích để chúng tôi hiểu!
Hết tranh luận câu kinh thánh này sang câu kinh thánh khác. Cuối cùng vị khách lạ đó cùng hai môn đệ đã tới làng Emmaus, thì trời đã về tối. Nhưng Chúa Giêsu ra vẻ tiếp tục đi. Ngài chờ đợi hai môn đệ tiếp tục khao khát Lời Ngài và hỏi han Ngài.
Hai môn đệ nài nỉ: “Xin ông ở lại để tiếp tục nói với chúng tôi. Lời của ông nói làm chúng tôi phải suy nghĩ. Ông hãy vào quán ăn này. Nếu ông muốn, chúng tôi đãi ông một bữa tối thịnh soạn”. Và ở đó trong chính quán ăn, chậm rãi và long trọng, Chúa Giêsu lặp lại trước mặt hai môn đệ những cử chỉ mà Ngài đã làm trong bữa tiệc ly. Cử chỉ rất quen thuộc, các môn đệ liền nhận ra dấu chỉ vĩ đại của Tình Yêu mà Ngài đã dành cho họ tối thứ năm vừa rồi. Mắt họ bỗng chốc mở ra. Họ nhận ra Ngài, nhưng Ngài biến mất ngay trong lúc đó, chỉ để lại dấu hiệu sự hiện diện của Ngài, đó là bánh đã được truyền phép.
Phần chúng ta, chúng ta cũng vậy, chúng ta thường bối rối khi Thiên Chúa yên lặng. Thiên Chúa đích thực của chúng ta không phải là một người phân phát bánh kẹo cho trẻ em, nhưng là Đấng kêu gọi mọi người phải vượt qua chính mình và lớn lên trong tình yêu mến, ngay cả khi bị đau khổ.
Mỗi người chúng ta nhiều lúc cũng đi trên con đường Emmaus, đầy rẫy buồn chán và thất vọng. Những lúc đó, tại sao chúng ta lại không đọc Kinh Thánh, tại sao chúng ta lại không đến quán ăn của Giáo Hội, đó là Bí tích Thánh Thể, bánh đã được làm phép. Đến với Bí tích Thánh Thể chúng ta sẽ gặp được Chúa Kitô Phục Sinh. Đến với Bí tích Thánh Thể, chúng ta mới cảm nhận được thế nào là Thiên Chúa Tình Yêu. Thiên Chúa Tình yêu còn hiện diện trên khắp nẻo đường của chúng ta. Người còn hiện diện trong những con người đau khổ và hèn yếu. Linh mục nhạc sỹ Thành Tâm, từ cảm hứng bài Tin Mừng hôm nay, đã sáng tác một bài hát mà giới trẻ rất thích, đó là:
Trên đường Emmaus, hai người lữ khách đi bên nhau, mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài. Này Ngài tiến đến, về Emmau tiến bước ngay bên. Họ không trông ai. Người lữ khách đó chính là Ngài. Biết mấy lúc chúng ta đi trong cuộc sống mọi ngày đã gặp Ngài nhưng chẳng biết Ngài. Ấy những lúc mắt ta không trông không thấy được Ngài trong những kẻ nghèo đói,…..người ăn xin hèn yếu….., người lao công cùng đi. 
Mỗi người chúng ta, hãy bỏ lại sau lưng con đường thất vọng của Emmaus, và trở về Giêrusalem càng sớm càng tốt để loan báo Chúa đã Phục Sinh cho các anh chị em của chúng ta! Amen!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

====================
Suy niệm 2
NHẬN RA CHÚA LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG
(Cv 2,14.22-  28; Pr 1,17- 21; Lc 24, 13- 35)
Ở đời, người ta thường có câu: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức". Trong đời sống đức tin cũng vậy, nếu chỉ tin khi thuận buồm xuôi gió, hoặc có lợi cho mình thì thật dễ. Tuy nhiên, tin cả khi mây mù dày đặc, tức là tin cả những lúc không thuận với ý ta thì đây mới là đức tin mang tính trưởng thành.
Hôm nay, bài Tin Mừng thuật lại sự kiện Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau khi các ông đang trở về quê vì sự thất vọng qua cái chết của Thầy. Họ chán trường, hoang mang vì đã tin vào một Đức Giêsu bị thất bại và kết cục cuộc đời lại bị treo trên thập giá như một tử tội. Tuy nhiên, Đức Giêsu phục sinh đã làm cho các ông bừng sáng lên niềm hy vọng và can đảm tuyên xưng cũng như loan truyền về Ngài cho anh chị em...
Vậy, đâu là điều mà các môn đệ nhận ra Ngài, tin theo và loan truyền?

1. Các ông đã nhận ra Đức Giêsu
Hai môn đệ đang trên đường trở về quê, các ông bước đi trên đôi chân rã rời vì mệt mỏi, cộng thêm tinh thần thất vọng vì đã đặt nhầm niềm tin vào Đức Giêsu! Thật vậy, các ông vừa đi vừa bàn chuyện, nhưng không phải là chuyện làm ăn, buôn bán, lao động, giao thương..., hay chuyện gia đình, mà bàn về chuyện một con người, con người đó là chính Đức Giêsu. Câu chuyện được khởi đi từ một tinh thần buồn bã của các ông.
Thấu hiểu tâm can các môn đệ,  Đức Giêsu đã hiện đến và hỏi: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" (Lc 24, 17), họ trả lời: "Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24, 19-20). 
Đức Giêsu đã đi bước trước để đến với hai môn đệ, nhưng họ vẫn không nhận ra Ngài. Vẫn trong vai trò là người chủ động, nên Ngài cùng bộ hành với các ông và bắt đầu giải thích cho các ông hiểu về Đấng Mêsia, Ngài nói: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!  Nào Ðấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 25-27).
Đức Giêsu đã trao đổi về vai trò của người Tôi Trung đau khổ, đến để hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa Cha trong vai trò Thiên Sai, đồng thời, Ngài cũng giúp cho họ hiểu rằng: con đường cứu độ là con đường đau khổ, phải qua đó thì mới bước vào vinh quang.
Đức Giêsu còn đang nói, thì trời đã về chiều, nhưng lòng các môn đệ đã ấm lên và vẫn muốn nghe lời Ngài giải thích. Tuy nhiên, dù muốn nghe nữa, các ông cũng không thể, vì ngày đã ngả bóng hoàng hôn và đêm đã về,  nên hai ông đã mời Đức Giêsu ở lại với mình. Ngài đã đồng ý, và Người Bộ Hành này đã ngồi vào bàn ăn, vẫn các cử chỉ quen thuộc là cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông. Chính vì vậy mà họ đã nhận ra Ngài. Nhưng cũng chính ngay lúc này, họ không còn được thấy Ngài cách thể lý nữa, vì Ngài đã biến mất. Điều này cho thấy, từ nay, Đức Giêsu sẽ hiện diện trong hành động Bí tích.  2. Đức Giêsu là Đấng giải phóng con người cách toàn diện trên bình diện ân sủng
Khi đọc lại bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy niềm hy vọng của các môn đệ, cũng như các Tông đồ và nhiều người Dothái thời bấy giờ là mong muốn một vị Cứu Tinh quyền uy lẫy lừng, đánh đông dẹp bắc, giải phóng dân tộc bằng quyền lực của sức mạnh, binh đao... Họ không thể tin vào một vị Thiên Chúa mà lại bị thất bại ê chề trong tay người phàm qua cái chết tủi nhục đắng cay như vậy, nên các ông đã cảm thán khi được Đức Giêsu hỏi chuyện, trong tâm trạng vô vọng, họ đã thốt lên: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay" (Lc 24, 18). Ngài hỏi tiếp: “Chuyện gì vậy?” và họ đã cảm phiền: “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá” (Lc 24, 19-20). Thực ra lời nói này mang đầy tính thất vọng. Họ đã không hiểu nổi sứ vụ Thiên Sai của Ngài, nên trước đó,  họ trách khéo Người Khách Lạ này xem ra có vẻ vô tâm, vô tình nên không hay biết chuyện mới xảy ra..., nhưng giờ đây, Đức Giêsu đã khiển trách họ khờ dại và không hiểu biết gì...
Như vậy, Đức Giêsu đã giúp cho họ một lần nữa đi xa hơn về lộ trình cứu độ của Thiên Chúa. Ngài không giải thoát con người theo thiển ý của họ, nhưng Ngài giải phóng con người trên bình diện ân sủng, đó là: giải thoát con người khỏi tội lỗi, biết sống công bằng, chia sẻ bác ái và yêu thương hết mọi người, kể cả kẻ thù... để thế giới này chỉ có một Thiên Chúa là Cha và mọi người có nhau là anh em... Đây mới là sự giải phóng toàn diện của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Khi nhận ra cốt lõi của mầu nhiệm cứu chuộc nơi Đức Giêsu, ngay lập tức, các ông đã can đảm, hăng say trỗi dậy, trở lại Giêrusalem để loan tin vui mừng này cho các Tông đồ đang còn ở lại nơi đây.
Nguyên nhân để có một thái độ đặc biệt này là họ đã hiểu được Đức Giêsu qua việc Ngài giải thích Thánh Kinh và nhận ra Ngài lúc Ngài bẻ bánh.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Bài Tin Mừng hôm nay được dàn trải cách tiệm tiến: bắt đầu là việc thông tri sự kiện; thứ đến là được Đức Giêsu giải thích; và, cuối cùng là họ nhận ra Ngài rồi lên đường loan truyền Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng tình thương của Đức Giêsu cho mọi người...
Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắn gửi chúng ta rằng:
Trước tiên, muốn hiểu, tin và sống mầu nhiệm phục sinh của Đức Giêsu thì cần phải loại bỏ sự thất vọng. Hãy tin tưởng trong sự đơn sơ, không bám víu vào những triết lý cao siêu, nhưng sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và để cho Lời của Ngài hướng dẫn, từ đó ta sẽ được biến đổi hầu trở nên chứng nhân của Ngài.
Thứ đến, hãy tin tưởng vào Chúa ngay trong những thất bại của cuộc đời, vì Ngài luôn có mặt và đồng hành với chúng ta như Ngài đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau. Hãy gắn bó với Giáo Hội của Đức Giêsu, mặc cho phong ba bão táp; mặc cho những phần tử trong Giáo Hội có những chuyện chẳng hay, thì Giáo Hội Chúa vẫn còn và không ngừng hướng tới sự thánh thiện cũng như là trung gian để thông chuyển ơn cứu độ của Chúa đến với muôn dân.
Tiếp theo, hãy yêu mến Thánh Kinh, vì đây chính là sự hiện diện của Chúa cách đặc biệt. Nếu các môn đệ không được Đức Giêsu hiện ra để giải thích Thánh Kinh cho họ, chắc họ đã không có cơ hội để nhận ra Chúa. Vì thế, chúng ta muốn trở nên nghĩa thiết với Chúa thì phải yêu mến, đọc, học và siêng năng suy gẫm Lời Ngài, vì đây là kho tàng mặc khải trọn vẹn và phong phú mà Thiên Chúa dành cho con người. Có thế, chúng ta mới hy vọng nhận ra Ngài và can đảm, hăng say lên đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đặt niềm hy vọng vào Ngài là Đấng đã Phục Sinh. Luôn yêu mến và gắn bó với Chúa. Sẵn sàng làm chứng cho Chúa khi đã nhận ra Chúa. Amen.

 
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 ====================
Suy niệm 3
Lời Chúa và Thánh Thể
(Lc 24, 13-35)
 
Ít ai biết đến "một làng tên là Emmaus, cách Giêrusalem chừng mười một cây số" (Lc 24, 13), nếu không có một Người Bộ Hành mà hai môn đệ coi là "khách hành hương" cùng đi với họ thì ngôi làng Emmaus ấy đã bị lãng quên từ lâu rồi. Theo hai ông, đây là khách hành hương duy nhất "không hay biết những sự việc vừa xảy ra trong thành mấy ngày nay " (Lc 24, 18).
Chúng ta không biết tên của một trong hai môn đệ, chỉ biết một người tên là Clêophas, còn người kia thì không, có thể là mỗi người trong chúng ta, vào những giờ đen tối nhất của nghi ngờ, buồn thảm, mệt mỏi và chán nản, cuộc sống dường như thất bại, không thay đổi được quá trình của các sự kiện. Chúng ta không tiến bước, mà lại quay về với thực tại của quá khứ, trở thành gánh quá nặng, hoặc một mớ rối bòng bong, trốn chạy bằng con đường Emmaus. Hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh trong đời sống chúng ta.
Hai môn đệ trên đường Emmaus đã gắn bó với Đức Giêsu thành Nagiarét "với hy vọng Người sẽ cứu Israel" (Lc 24, 21). Rõ ràng, hai ông đã không "nghe" những lời cảnh báo lặp đi lặp lại của Thầy dành cho tất cả những ai muốn theo Người: "Phàm ai không vác khổ giá mình mà đi sau Ta, ắt không thể làm môn đồ của Ta" (Lc 14, 27). Trong sự hào hứng của mình, họ đã "không ngồi mà trù liệu phí tổn, xem có đủ vốn đến lúc hoàn thành hay không ?" (Lc 14 , 28). Họ đã đặt nền móng, nhưng khi có thử thách về cuộc Khổ Nạn, họ bỏ dở: làm thế nào họ có thể tiếp tục mà không có một kế hoạch và không có người đứng đầu, tức là thợ cả ? Bằng chứng lời Chúa chứng minh rằng họ thiếu cái gì đấy để tiếp tục và đi đến cùng việc xây dựng Nước Trời ở giữa họ.
Vì đã tham gia vào cuộc hành trình buồn bã của họ, giữa bóng đêm của ngày đang qua và bóng tối đang phủ kín tâm trí họ, Chúa Giêsu Phục Sinh bắt đầu gợi chuyện : "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?" (Lc 24, 17)  Nghe hỏi thế, họ đã bộc bạch về sự đau khổ, thất vọng, đắng cay của chính mình sau khi Thầy chết, các môn đệ tản mác mỗi người một ngả, đức tin của họ bị tan vỡ, mọi sự xem ra đã hết, các xác tín sụp đổ, niềm hy vọng tắt ngúm. Chúa nói chuyện với hai ông và  "giải thích" Kinh Thánh. Chúa chủ động trình bày cho họ, "bắt đầu từ Môsê và các tiên tri", mà tất cả Sách Thánh đều hướng về mầu nhiệm Con Người (x. Lc 24, 27), làm cho tâm hồn họ “bừng cháy”. Lời Chúa đem lại một tia sáng khơi lên niềm hy vọng, đưa họ ra khỏi bóng tối của phiền muộn và thất vọng, đánh thức nơi họ lòng khao khát muốn được ở gần Người, khiến họ nài ép: "Mời ông ở lại với chúng tôi", với lý do "vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn" (Lc 24, 29).
"Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn" (Lc 24, 29 ). Đây là lời mời xin tha thiết của hai ông vào ngày thứ nhất trong tuần, lúc mà tâm hồn đang trĩu nặng vì buồn nản, đang trên đường trở về quê. Họ không bao giờ nghĩ rằng người khách lạ ấy lại chính là Thầy mình mới sống lại. Hai ông đã nhận ra Người tại bàn ăn chỉ với một hành vi "bẻ bánh" đơn giản (Lc 24, 35). Khi trí khôn được chiếu sáng, con tim được đốt nóng, những dấu chỉ bắt đầu gợi lên lòng sốt mến và thôi thúc họ "đứng dậy trở về Giêrusalem " (Lc 24, 33) để thuật lại tất cả những gì họ đã thấy và đã nghe cho "mười một tông đồ và các bạn khác đang tụ họp" (Lc 24, 33).
Hình ảnh hai môn đệ trên đường Emmaus có thể là hình ảnh của mỗi chúng ta giữa biết bao vấn đề và khó khăn, ngay cả những thất vọng nặng nề, Người Bộ Hành Thần Linh vẫn tiếp tục đồng hành bên cạnh chúng ta, mở ra cho chúng ta những trang Kinh Thánh và hướng dẫn chúng ta hiểu sâu hơn những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta hãy van nài : Lạy Chúa, xin ở lại với chúng con.
Chúa luôn ở với chúng ta, hãy năng đến gặp Người nơi Bí tích Thánh Thể và lắng nghe Lời Chúa. Chính Ðấng Cứu Thế đã bảo đảm cho chúng ta về sự hiện diện hữu hình của Người ở giữa chúng ta, ngang qua Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể. Lời Chúa giúp tâm hồn các ông nóng lại, mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Cử chỉ bẻ bánh giúp các môn đệ nhận ra Chúa Giê-su (x. Lc 24, 35).
Chúng ta cũng vậy, bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể luôn dọn sẵn cho chúng ta, chúng ta nghe Chúa nói, gặp gỡ và đón rước Chúa trong khi cử hành Thánh lễ và rước lễ. Hai môn đệ nhận ra Ðức Giêsu khi người bẻ bánh, liền về Giêrusalem kể lại kinh nghiệm ngoại thường mà họ đã sống: đó là cuộc gặp gỡ với Ðấng Phục Sinh.
Thánh Phaolô cũng bảo chúng ta: "Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người đến" (1 Cr 11, 26). Như thế, chúng  ta phải nỗ lực phấn đấu trở thành những chứng nhân, sẵn sàng loan báo cái chết và sự phục sinh của Ðức Kitô với lòng hăng say và niềm vui vì được gặp gỡ Chúa. Niềm vui ấy phải lây sang người khác làm cho Giáo Hội tăng trưởng. Giáo Hội lớn mạnh nhờ những chứng tá nảy sinh từ niềm vui được đón nhận và được biến thành lời loan báo. Ðó là một niềm vui tông đồ, lan tỏa.
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như gương mẫu để bắt chước. Xin Mẹ giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể và nghe Lời Chúa, nhất là hăng say loan báo Tin Mừng Chúa sống lại để mọi người tin mà được cứu độ. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log