Suy niệm 1
“Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Thầy đi để dọn chỗ cho các con” ----------------- Chiều thứ năm thánh, Chúa Giêsu biết chắc sẽ phải lìa xa người thân và người thân cũng sắp phải chia tay Người. Vì thế, Chúa đã tâm sự với họ, động viên họ và làm cho họ an tâm khi phải xa lìa.
Trước hết, Ngài nói với họ: “Ngài về cùng Cha Ngài”. Vậy Cha Ngài là ai ? Đó là Người Cha mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho chúng ta, một người Cha yêu thương và đầy lòng nhân hậu.
Tuy nhiên, để tiếp tục sứ mạng của Chúa Giê-su trên trần gian này, Giáo hội tiếp tục làm chứng về lời mời gọi Tình Yêu của Thiên Chúa. Giáo Hội cần phải tiếp tục sống tình yêu đó và bất chấp tất cả.
Mặc dù có những yếu hèn, Giáo Hội vẫn không ngừng được Thần Khí của Chúa Kitô Phục Sinh đỡ nâng để tiếp tục công việc của Chúa đã trao cho:
- Đó là xây dựng cộng đoàn trong Giáo Hội. Hợp tác với nhau! Dành nhiều thời gian cho việc CẦU NGUYỆN và RAO GIẢNG LỜI CHÚA hơn là những công việc vật chất. Chú ý hơn đến những người ngoại mới theo Kitô giáo.
- Mặc dù có những chống đối, nhưng Thiên Chúa vẫn theo đuổi sự nghiệp yêu thương, công lý và luật lệ để mặc khải sự Vĩ Đại của Ngài. Bài Đáp ca Thánh Vịnh là niềm vui mừng lớn lao mà Giáo Hội muốn hát lên để tiếp tục ca ngợi TÌNH YÊU THIÊN CHÚA.
- Thánh Phêrô trong bài đọc II nhắc lại cho tất cả những ai đã có đức tin phải noi gương Chúa Kitô: Phải năng động trong Giáo Hội: “Anh em là những tảng đá sống động, xây dựng tòa nhà thiêng thiêng, chức vụ tư tế thánh thiện, để hiến dâng của lễ thiêng liêng đáng Thiên Chúa chấp nhận nhờ Đức Giêsu Kitô”.
- Thánh Phêrô còn nhắc nhở tất cả mọi người từ nay phải rao giảng quyền năng của Thiên Chúa, vì: “anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện, dân riêng của Chúa”.
Và bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đảm bảo các tông đồ của Ngài đừng buồn vì Ngài sắp phải ra đi. Ngài loan báo cho họ là sắp rời họ để đến một nơi mà họ không có thể theo Ngài được. Điều đó làm họ rối loạn! Tuy nhiên, Chúa đảm bảo với họ rằng dù Ngài ra đi, nhưng không để họ mồ côi một mình. Ngài ra đi để dọn chỗ cho họ trong nơi ở vĩnh cửu.
Đúng vậy, hôm nay Chúa Giêsu cũng nói với mỗi người chúng ta qua LỜI của Ngài, qua Bí tích Thánh Thể và qua sự hiện diện của Ngài trong mỗi anh chị em chúng ta. Ngài loan báo Ngài là Đường, và chỉ có con đường đó mới về nhà Cha trên trời được mà thôi. Ngài ra đi nhưng Ngài gửi Thánh Thần đến. Thánh Thần đến soi sáng và dẫn đưa chúng ta đi theo con đường của Chúa. Thánh Thần giúp chúng ta vượt qua bóng tối của trần gian.
Không, không bao giờ chúng ta ở một mình. Chúng ta cũng đừng quá lo lắng để chiếm được một chỗ trong nhà Cha trên trời vì Chúa Giêsu đã hứa chuẩn bị cho chúng ta rồi. Điều quan trọng là hãy tin tưởng và phó thác vào Tình Yêu Thiên Chúa. Hãy sống trong lạc quan và hy vọng!
LỜI CHÚA là TIN MỪNG, là NGÔI HAI THIÊN CHÚA đã nhập thể. Ngài ở với chúng ta hôm qua, hôm nay và cho mãi muôn đời. Bám vào Lời của Ngài để sống là đi vào con đường của Ngài và SỐNG như Ngài.
Ngài đã nói: “Ai tin vào Tôi, người ấy sẽ làm những việc tôi đã làm”. Các môn đệ đã chứng kiến nhiều phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Vì thế Ngài nói với họ: là nhờ ĐỨC TIN của họ mà họ sẽ nối dài hoạt động của Ngài trên trần gian này và Ngài cũng sẽ cho họ quyền làm phép lạ như Ngài. Hoạt động của Chúa Kitô không bị dừng lại khi Ngài ra đi. Các môn đệ là những người tiếp tục thực hiện công việc của Chúa.
“Ai tin vào Tôi, người ấy sẽ làm những việc tôi đã làm”. Hoạt động của Chúa Kitô không bị dừng lại khi Ngài ra đi. Trái lại, không những các môn đệ chỉ nối dài các công việc của Chúa, mà còn làm được nhiều việc vĩ đại hơn. Chúa Giêsu chỉ đi giảng đạo được trên đất nước Palestina, nhưng các môn đệ còn đi tới tận cùng trái đất.
Nhưng các môn đệ chỉ làm được như vậy, với điều kiện: “Ai tin vào Tôi”. Nhờ Bí tích RỬA TỘI, Đức Tin gieo vào tâm hồn chúng ta là ân ban của Thiên Chúa. Đức tin này chỉ phát triển và lớn lên nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Vì thế, chúng ta phải luôn cầu nguyện để đức tin chúng ta phát triển và lớn lên theo thánh ý Chúa.
Tuy nhiên, lúc đó các môn đệ vẫn rất khó hiểu khi Chúa Giêsu nói với họ là Ngài sẽ ra đi để chuẩn bị cho ho. Họ cũng không khác phần đông những người Dothai là mấy. Họ trông chờ một vị vua trần thế, giải phóng họ khỏi đế quốc Rôma xâm chiếm quê hương họ. Lúc này mọi sự đối với họ đã thay đổi hoàn toàn theo chiều hướng ngược lại.
Còn về phần chúng ta, chúng ta biết Chúa sống lại, nhưng đối với họ, họ không biết tương lai. Đó là ĐỨC TIN. Vì thế, chúng ta phải tin tưởng vào Chúa và chống lại những cám dỗ của người Do thái.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tự hiến cho chúng con qua cái chết và sự sống lại của Chúa. Xin hãy làm cho chúng con được thông phần bản tính Thiên Chúa của Chúa, được hiệp thông sự sống của Thiên Chúa, được trở nên nơi ở của Chúa, nhà của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa đã nói với chúng con: “Các con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con”.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin vào Chúa. Chúng con tin rằng Chúa đã hoàn thành công việc của Chúa Cha qua chúng con nếu chúng con tự hiến cho Chúa, nếu chúng con chấp nhận sống bằng chính sự sống của Chúa, và nếu chúng con sát nhập tất cả tâm hồn vào chương trình YÊU THƯƠNG của Chúa đã giành cho chúng con.
Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã mạc khải tình yêu của Chúa cho chúng con và còn chỉ cho chúng con con đường đến với Cha trên trời. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
“ĐỪNG XAO XUYẾN?”
(Cv 6,1- 7; 1Pr 2,4- 9; Ga 14, 1- 12)
Trong buổi tĩnh tâm các linh mục quốc tế ngày 12.10.1998 tại thành phố Monterrey, nước Mexico, qua bài nói chuyện của đức cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, ngài đã chỉ ra một số điểm sai xót của Đức Giêsu, một trong những điểm sai xót đó là những lời giảng dạy, hành động xem ra mâu thuẫn.
Ví dụ như: có lần, Ngài đưa ra lời mời gọi: phúc cho kẻ nghèo, kẻ phải đói, kẻ phải khóc, kẻ bị người ta oán ghét (x. Lc 6, 20-22); hay "ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy" (Lc 9, 24); hoặc làm sao có thể ví Nước Thiên Chúa, Nước của Ðấng toàn năng, vô tận với một hạt cải (x. Lc 13, 18-19); và điều mâu thuẫn lớn nhất chính là "Con Thiên Chúa, Ðấng hằng sống"; “Đấng công chính!" lại phải chấp nhận sự chết và chết nhục nhằn trên thập giá??? (x. Lc 23, 47).
Những mâu thuẫn kiểu như thế, hôm nay lại được Đức Giêsu cất lên khi căn dặn các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1). Phải chăng lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ giờ này xem ra có vẻ không tâm lý, mâu thuẫn với hoàn cảnh hiện tại, bởi lẽ các ông rất buồn vì Thầy trò sắp phải xa nhau. Vậy, câu hỏi được đặt ra là chính Đấng đang nói: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1), Ngài có xao xuyến không? Và từ đó, như một hệ luận, chúng ta tin hay không tin vào lời nói của Đức Giêsu!
1. Sự xao xuyến của Đức Giêsu
Thực ra trong cuộc đời của Đức Giêsu, Ngài cũng đã nhiều lần xao xuyến, chẳng hạn như:
Nhìn niềm tin trong viễn cảnh tương lai, Đức Giêsu đã thốt lên: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8); rồi khi về Giêrusalem, Ngài cũng thốt lên lời than thở "Giêrusalem, Giêrusalem! [...] Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các người không chịu” (Lc 13,34); hay trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Ngài cũng trải qua nỗi xao xuyến thực sự, bởi vì chỉ còn một ít nữa thôi, Ngài sẽ từ biệt các môn đệ, sẽ bị bắt, do chính môn đệ thân tín của mình trao nộp, rồi Ngài cũng thấy trước được những đau khổ vì mình mà các ông phải chịu. Nỗi xao xuyến ấy bao trùm lên Thầy trò, khi kẻ đi người ở... Sự xao xuyến ấy càng tăng lên khi trong vườn Cây Dầu, Đức Giêsu cảm thấy sợ hãi, và Ngài đã than thở với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức!” (Mc 14,34), và Ngài mướt mồ hôi máu. Sau đó, Ngài đã cầu nguyện tiếp: “Ápba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36). Cuối cùng, nỗi xao xuyến này được dâng lên đến tột đỉnh trên Thánh Giá, khi cơn đau đớn thấu con tim, báo hiệu giờ hấp hối đã gần, Ngài đã lớn tiếng kêu lên Thiên Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mc 14, 34).
Như vậy, cả cuộc đời của Đức Giêsu đã trải qua những cơn xao xuyến. Thật ra, sự xao xuyến của Đức Giêsu cho thấy, Ngài vừa là Thiên Chúa và cũng là con người, nên những nỗi xao xuyến đó của Ngài như là con đường để dẫn đưa chúng ta là những người cũng xao xuyến đến sự sống đời đời.
Tại sao chúng ta lại xác tín điều đó, thưa, vì lời căn dặn của Ngài “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1), là khả tín, đáng tin. Bởi vì sự xao xuyến này đã ngang qua cuộc đời của chính Đức Giêsu, và Ngài đã biến nó thành niềm hy vọng khi tin tưởng và tín thác nơi Thiên Chúa Cha là Đấng khơi nguồn và cùng đích của mọi sự.
2. Sự xao xuyến của các môn đệ
Sau Đức Giêsu, sự xao xuyến cũng không buông tha các môn đệ. Các ông xao xuyến là bởi vì trước khi nói những lời ly biệt, Đức Giêsu đã tiên báo Phêrô sẽ chối Thầy (x. Ga 13, 38); Giuđa thì bán Thầy (x. Ga 14, 21); các môn đệ sẽ bỏ trốn (x. Mt 26, 56). Như thế, các ông thấy trước những viễn cảnh đó sẽ xảy ra, nên các ông lo sợ cho giờ phút kinh hoàng này sẽ đến với Thầy mình và các ông đều bị liên lụy là lẽ tất yếu.
Nỗi xao xuyến của các ông còn là nỗi sợ cô đơn. Các ông đã bỏ mọi sự, vợ con, nhà cửa, sự nghiệp để đi theo, ấy vậy mà giờ đây các ông sắp phải chia tay Thầy của mình. Sự chia tay này theo lối hiểu của các ông chẳng khác gì “rắn mất đầu”; hay “tàu không người lái”. Vậy thì các ông sẽ đi đâu và về đâu đây???
Thêm một lý do nữa khiến các môn đệ xao xuyến, đó là: khi còn sống với các ông, Đức Giêsu hướng dẫn, dạy dỗ và dẫn dắt các ông từng ly từng tý, vậy Ngài sắp ra đi thì ai là người dẫn lối chỉ đường cho các ông?
Buồn sầu và xao xuyến của các môn đệ là lẽ thường tình nơi thân phận con người trước những điều không may, nguy hiểm, chia ly, từ biệt, rồi phải đối diện với chốn trần gian đầy tục lụy, thù hằn, thử thách và ngay cả cái chết như Thầy của mình.
Tuy nhiên, những sự xao xuyến đó của các ông đã được Đức Giêsu trấn an khi nói: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Chỉ có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa mới có thể giúp các ông vượt qua mọi gian nan, thử thách xảy đến trong cuộc sống trần gian; còn khi các ông xao xuyến không biết về đâu thì chính Ngài đã nói: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3), rồi khi các ông xao xuyến không biết định hướng cho cuộc sống tương lai thì Đức Giêsu lại nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Như vậy, qua lời trấn an của Đức Giêsu “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1), Ngài muốn mặc khải cho các ông thấy rằng: quê hương họ ở trên trời (x. Pl 3, 19), mà Đức Giêsu sẽ là người đầu tiên trở về với nguồn cội, nơi mà từ đó được phát xuất ra để dọn chỗ cho họ.
3. Sự xao xuyến của con người ngày hôm nay
Trong thực tại cuộc sống, chúng ta thường gặp những cảnh ngộ nhiều lúc không được như lòng mong muốn. Tâm trạng này của mỗi chúng ta cũng chính là tâm trạng của các môn đệ khi xưa, nào là: quan điểm và thực trạng xã hội hoàn toàn xa lạ với đường lối của Thiên Chúa, của Tin Mừng; nào là ốm đau; bệnh tật; con cái hư hỏng; buôn bán không gặp thời; thất vọng vì những gương xấu trong cuộc đời; hay chính những chuyện tốt ta muốn làm mà cũng không được... Những sự xao xuyến ấy luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, nó theo chúng ta như hình với bóng, vì thế, triết gia Martin Heideiger khi suy tư về con người, ông đã nói về sự xao xuyến này như sau: “Con người là một hữu thể bị ném ra cuộc đời, hiện hữu giới hạn trong thời gian, nghĩa là con người sống để mà chết. Và bởi con người sống và đi đến cái chết không thể tránh khỏi, nên con người mang nỗi khắc khoải khôn nguôi. Cái chết và nỗi khắc khoải được định nghĩa là thành tố làm nên con người hiện sinh. Đời người là như vậy. Chẳng ai làm người mà vô sự”.
Tuy nhiên, đối với người Kitô hữu, chúng ta có một niềm tin mạnh mẽ, đó là: đằng sau cái chết là sự sống vĩnh hằng. Niềm tin này hôm nay được Đức Giêsu mặc khải: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở [...] Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-3); hay lúc khác Đức Giêsu nói: “... tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết" (Ga 6, 40).
Như vậy, chết không phải là hết. Cuộc sống này chỉ là một sự chuyển tiếp mà thôi. Khi tin như thế, Chúng ta có quyền hy họng vào lời căn dặn, trấn an của Đức Giêsu: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con không bị rơi vào tình trạng xao xuyến trước những điều bất trắc trong cuộc sống, xã hội và con người hôm nay, bởi xác tín rằng, quê hương chúng con ở trên trời, và mọi điều trái ý đó xảy đến như là một điều kiện cần cho được cứu rỗi. Có thế, chúng con hy vọng sẽ được vào nơi mà chính Chúa đã đi trước dọn đường và chuẩn bị cho chúng con. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
=======================
Suy niệm 3
Hãy Tin Tưởng Vào Chúa
(Ga 14, 1-12)
Theo nguồn tin của Tổ Chức Khí Tượng Thế Giới (WMO: World Meteorological Organization) nói hôm thứ Năm (27.01.2011). Các lớp băng ở Bắc Cực tan thêm và bởi thời tiết cực đoan khiến trái đất này đang nóng dần lên. Có một số khác lại cho rằng trái đất đang lạnh đi, ngày 06.01.2014 cơn bão Hercules đi qua khu vực phía bắc Mỹ khiến nhiệt độ nơi này xuống thấp kỷ lục trong vòng 20 năm với -31°C ở Chicago, thậm chí đến -60°C tại một số thành phố làm 13 người chết, gần 3.000 chuyến bay bị hủy. Ngày 07/01, 50 bang nước Mỹ đều có nhiệt độ dưới 0°C vào một thời điểm. Ngay tại Sapa, Việt Nam có tuyết phủ nhiều ngày.
Số khác trung dung hơn, cho rằng nhiệt độ Trái đất đang thay đổi nóng lạnh, đột ngột bất thường, từ mức lạnh gần như thấp nhất chuyển sang mức nóng đỉnh điểm chưa từng thấy trong lịch sử suốt gần 100 năm qua.
Tóm lại, sự sống trên mặt đất của con người và mọi sinh vật đang bị đe dọa, và người ta đi tìm một hành tinh xanh khác dễ sống hơn.
Về phương diện con người, nạn phá thai đã lên tới mức báo động chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Mỗi năm chỉ riêng Việt Nam đã có gần 3 triệu ca phá thai. Có nghĩa là mỗi ngày có khoảng 8 ngàn ca phá thai. Thứ nhất Sài Gòn, kế đến là Hà Nội, Huế, Cần Thơ... Duy trì sự sống là một yếu tố căn bản cho sự tồn tại của một dân tộc, ấy vậy mà họ đang tiêu hủy sự sống con người.
Con người đã dùng vũ khí sinh học giết người hàng loạt để hủy diệt nhau. Có những chuyện chưa từng nghe thì nay đã thấy, như "Bất hiếu với cha mẹ nơi cửa tử bệnh viện" gây nỗi xót xa, tức giận trong cộng đồng, nghĩa là mẹ ốm có thể chữa được, 8 người con cãi nhau rồi quyết định mang mẹ về chờ chết. Hay cả năm người con đồng ý với án tử hình bố. Một vài dẫn chứng cụ thể trên cho thấy Trái đất này, con người ngày nay thật khó sống và khó yêu.
Những ngày hè thật là nóng, phiến quân IS đã làm thế giới lo sợ, nay cộng thêm khủng hoảng quan hệ Liên - Triều, khiến người ta lo âu về chiến tranh thế giới có thể xảy ra.
Trái đất và con người đang như thế, lời Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy" (Ga 14, 1). Tại sao Chúa Giêsu nói những lời ấy? Thưa là vì trước sự ra đi sắp đến của Người đã làm cho các môn đệ cảm thấy bất an. Các ông lo cho chính mình, sợ bị bỏ rơi, phải sống cô đơn, và bằng một lời hứa Chúa Giêsu nâng đỡ các ông: "Thầy đi để dọn chỗ cho các con" (Ga 14, 2), và sau đó "Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó" (Ga 14,2-3). Qua thánh Tôma, các tông đồ đáp lại lời trấn an của Chúa Giêsu như sau: "Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?" (Ga 14, 5). Nhân định nầy rất đúng, và Chúa Giêsu đã không tránh né câu hỏi đi kèm theo đó. Câu trả lời của Chúa Giêsu qua bao thế kỷ vẫn còn giá trị như là ánh sáng rõ ràng cho bao thế hệ tiếp đến: "Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy " (Ga 14, 6).
"Chỗ" mà Chúa Giêsu ra đi để chuẩn bị, là ở nơi "nhà Cha"; ở đó, người môn đệ sẽ có thể được sống đời đời với Thầy mình, và tham dự vào niềm vui của Người. Tuy nhiên, để đạt đến mục tiêu nầy, thì chỉ có một đường mà thôi: đó là Chúa Kitô, là Ðấng mà người môn đệ phải từ từ đồng hóa chính mình theo đó. Sự thánh thiện thật sự hệ tại ở điểm nầy: đó là không phải người Kitô sống, nhưng Chúa Kitô sống trong người đó (x. Gal 2,20). Ðây là đích điểm cao cả, được đi kèm với một lời hứa cũng hết sức khích lệ: "Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy đã làm. Người ấy còn làm được những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha" (Ga 14,12).
Chúng ta lắng nghe những lời trên của Chúa Giêsu: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy..." Thử hỏi, cuộc sống của chúng ta sẽ ra như thế nào, nếu vô thần, nếu người kitô hữu không thực hành và liên lỉ sống đức tin, được củng cố bởi Ðức Cậy hướng về Trời Cao, nơi con người có thể gặp Chúa Kitô? "Thầy đi để dọn chỗ cho các con … để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó" (Ga 14, 2).
Vậy, đừng xao xuyến lo âu vì những bất ổn của địa cầu, của tình anh em hữu nghị đổi thay, hay lòng người thay lòng đổi dạ. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu Kitô. Hãy phó thác hoàn toàn cho Chúa, như trẻ nhỏ trong vòng tay của nguời Mẹ. Vì thế giới này là tạm bợ, con người là thay đổi, không phải là chỗ nương thân. Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới tìm được nguồn vui tột đỉnh của tâm hồn. Ước chi lời khuyên của Chúa Giêsu hôm nay thấm nhập vào trong tâm trí chúng ta, như là nguồn mạch của hòa bình, sự thanh thản và niềm an vui. Nếu Chúa Giêsu Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, chúng ta còn lo sợ hãi gì? Tại sao không tin tưởng vào Thiên Chúa, là Cha Đức Giêsu, Cha chúng ta và tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta?
Còn hạnh phúc nào hơn khi có Thiên Chúa là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khổ nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền.
Xin Mẹ Maria giúp chúng ta chăm chú nhìn lên Thiên Chúa Cha. Xin Mẹ hãy nắm tay hướng dẫn và thôi thúc chúng ta luôn vững tin vào Chúa như Mẹ. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ