"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời." (Ga 3, 16)
Suy niệm 1
"Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần"
------------------
Tin có Thiên Chúa thì dễ! Những người không cùng tôn giáo với chúng ta, đôi khi họ cũng kêu trời ơi, nghĩa là xác nhận có Thượng Đế… “Trời ơi hay Chúa ơi”, câu nói này đều biểu lộ tâm tình nào đó với Thượng Đế là Đấng Tạo Hóa. Ngay cả ma quỷ cũng tin có Thiên Chúa, vì nó luôn chống lại Người.
Tuy nhiên, tin Một Thiên Chúa Ba Ngôi, tin Chúa Kitô Con Thiên Chúa đã mặc lấy bản tính nhân loại thì rất khó, nếu chúng ta không có tình yêu!
Chính Chúa Kitô đã loan báo Ngài đến trần gian không phải để luận phạt nhưng là để cứu độ. Chúng ta tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Kitô để Ngài cứu độ chúng ta. Như vậy, Đức Tin của chúng ta phải hướng về Thiên Chúa trong tình yêu của Ngài vì Ngài sẽ xét đoán chúng ta về tình yêu.
Chúng ta bị ảnh hưởng bởi một thứ tôn giáo quá nặng về Thiên Chúa thưởng phạt, Thiên Chúa công bằng, Thiên Chúa oai phong lẫm liệt. Tất cả những điều đó không sai, nhưng còn thiếu, …Vì thế, chúng ta giữ đạo thường là mang tính chất sợ phải phạt. Cách dạy đạo và giữ đạo như thế chỉ mang tính chất tiêu cực: lúc nào cũng nói đến từ ngữ là phải thế này phải thế kia, giữ đạo để được cái này cái nọ. Đời sống đạo của chúng ta nhiều khi mang tính chất rất nặng nề. Đi lễ, đọc kinh như là một gánh nặng, làm cho có làm, làm thiếu sự nhiệt huyết của con tim: “Dân này kính ta bằng môi bằng miệng, nhưng lòng chúng thì xa Ta”.
Chúng ta giữ đạo và sống đạo kiểu đó thiếu đi cái căn bản đích thưc. Điều căn bản của Kitô giáo là tình yêu như Thánh Gioan Tông đồ đã định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người cho thế gian...” Thiên Chúa duy nhất, nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc. Thiên Chúa duy nhất nhưng là Ba Ngôi phong phú. Thiên Chúa của Tân Ước là Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa đến trần gian chỉ vì yêu thương. Mà hành động yêu thương là sẵn sàng chết trên Thập giá để cứu độ con người. Khi nói Thiên Chúa là Tình Yêu, thì chúng ta cũng nói về Thiên Chúa Ba Ngôi. Và trong Thiên Chúa Ba Ngôi ấy đã có một con người.
“Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Đối với mỗi người chúng ta, để được yêu thương, cụ thể là được cứu độ, thì chúng ta phải tin. Nhưng tin không thôi, thì vẫn chưa đủ. Đức tin không được phép dừng lại ở lời nói, mà còn phải hướng tới hành động, hành động của tình yêu. Đức Tin trong yêu mến, đó là chấp nhận chúng ta đã được Chúa Kitô cứu độ và sống như những người đã được cứu độ, chứ không phải là chờ đợi sẽ là người được cứu độ. Biết mình đã được cứu độ, là sống với Chúa Kitô, hòa quyện với Chúa Kitô bằng cả cuộc sống của chúng ta và thấy Chúa Kitô nơi mỗi người chúng ta gặp gỡ trong mọi biến cố của đời sống hằng ngày.
Ngay như bài đọc Cựu Ước cho chúng ta thấy: Moise dẫn đưa dân Chúa đến núi Sinai. Ở đó Thiên Chúa muốn canh tân Giao Ước Ngài đã ký kết với Dân Ngài, giao ước mà trước đây được ký kết với Abraham… Thiên Chúa không muốn sống hạnh phúc cho một mình Ngài. Ngài còn mời gọi con người sống thân mật với Ngài. Ngài mặc khải cho Moise Ngài là Thiên Chúa từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và đầy khoan nhân.
Thánh Phaolo mời gọi chúng ta một cách cụ thể. Chúng ta sung sướng vì chúng ta có được một Thiên Chúa như vậy, thì phải chia sẻ niềm sung sướng đó cho những người khác nữa, đồng thời phải giúp đỡ lẫn nhau: “Anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, hãy hòa thuận với nhau, thì Thiên Chúa nguồn sự bình an và tình yêu sẽ ở lại với anh em”.
Thiên Chúa đã ban bình an cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải chia sẻ bình an đó cho người khác. Ngay khi bắt đầu tham dự Thánh Lễ, vị chủ tế vẫn long trọng đọc lại câu này của Thánh Phaolo: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”.
Thiên Chúa là tình Yêu và Ngài đã yêu thương chúng ta đến cùng. Vì thế, để đáp lại chúng ta cũng hãy yêu mến Ngài. Điều này xem ra khó đối với chúng ta, vì chúng ta không thấy Thiên Chúa. Nhưng để chứng tỏ chúng ta có tình yêu đối với Thiên Chúa hay không, thì ít ra chúng ta hãy chứng minh tình yêu của mình đối với anh chị em chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Yêu như Thầy yêu thương anh em, đó là: yêu không tính toán, yêu đến cùng và yêu tha thứ.
Với Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã lãnh nhận Chúa Kitô, là Đấng cứu độ cá nhân chúng ta. Đó là một sự đụng chạm rất mạnh ghi dấu sâu xa trong tâm hồn mỗi người. Đó là một sự đổi mới của bí tích này để chúng ta trở thành con Thiên Chúa. Trong đời sống hằng ngày chúng ta cần phải canh tân lời tuyên hứa để Đức Tin chúng ta ngày càng tiến xa. Lời tuyên hứa đó làm chúng ta thức tỉnh và nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô trong suốt cuộc đời chúng ta.
Lạy Ngôi Lời vĩnh cửu, Lời Thiên Chúa của con, con muốn vượt qua đời sống con để nghe Chúa, con muốn con hoàn toàn vâng nghe Chúa để có thể học được tất cả từ nơi Chúa; con muốn luôn gắn bó với Chúa và ở dưới ánh sáng huy hoàng của Chúa để con có thể vượt qua mọi đêm tối, mọi trống rỗng và mọi bất lực.
Xin cho tâm hồn con luôn được bình an, hãy làm cho tâm hồn con trở nên trời của Chúa, nơi tràn đầy tình yêu của Chúa, nơi Chúa nghỉ ngơi. Ước chi đừng bao giờ con để Chúa một mình, con luôn hoàn toàn ở đó với Chúa trong tin yêu và thờ lạy.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, con thờ lạy Chúa, xin giúp con biết quên con đi hoàn toàn trong Chúa để con luôn an bình trong Chúa như thể tâm hồn con đã ở trong cõi vĩnh hằng. Và như thế không có gì có thể lấy mất sự bình an của con và cũng không có thể làm con ra khỏi Chúa. Amen!
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======================
Suy niệm 2
SỐNG YÊU THƯƠNG THEO KHUÔN MẪU CHÚA BA NGÔI
(Xh 34,4-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-l8)
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm quan trọng nhất trong các mầu nhiệm của Đạo Công Giáo. Bởi vì mầu nhiệm này là mẹ sinh ra các mầu nhiệm khác, nói cách khác, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm nguồn của mọi mầu nhiệm.
Khi nói đến mầu nhiệm, người ta cảm thấy không thể lý giải được theo sự hiểu biết tự nhiên, vì thế, nó đã trở nên rào cản và cớ vấp ngã cho những ai mong thỏa mãn sự hiếu tri và đang cố gắng đi tìm cho được lời giả đáp “Ba Ngôi Một Chúa”; hay “Một Chúa Ba Ngôi”. Nhưng với những người có niềm tin, qua ánh sáng mặc khải soi chiếu, và luôn khao khát đi tìm ý nghĩa của nó, thì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không xa lạ, nhưng lại rất gần gũi, mặc dù cao siêu và vượt quá sức tưởng của con người. Qua mầu nhiệm này, chúng ta khám phá được sự hiệp nhất, yêu thương nơi Thiên Chúa, và mỗi lần Giáo Hội cử hành mầu nhiệm này, Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình yêu thương nhau theo khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa để được cứu độ.
1. Bản chất Thiên Chúa là “Tình Yêu”
Khi nhắc đến Thiên Chúa, hẳn mỗi chúng ta đều có một định nghĩa riêng về Người, tuy nhiên, thánh Gioan đã cho chúng ta biết một mặc khải rất quan trọng khi nói về Thiên Chúa, đó là: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).
Khi nói đến tình yêu, ai cũng hiểu rằng tình yêu thì không “đơn phương độc mã”, không ích kỷ cũng chẳng bon chen; không quy chiếu về mình mà luôn hướng tha.
Muốn có được tình yêu, ắt phải đón nhận. Khi có cả hai chiều cho và nhận, thì tình yêu mới thực sự triển nở và ý nghĩa. Như vậy, tình yêu phải có điểm xuất phát, điểm hội tụ và mức độ lan tỏa.
Khi diễn tả ý tưởng trên, thánh Âutinh đã ví: “Nguồn mạch chính là Chúa Cha, Người chính là điểm xuất phát tình yêu; Chúa Con chính là điểm hội tụ, là điểm quy chiếu của tình yêu; và Chúa Thánh Thần là sự liên lạc hai chiều, là mối dây liên kết của tình yêu và làm cho tình yêu được tỏa sáng”.
Trong lối diễn tả của thánh Âutinh cho thấy: tình yêu được khởi đi từ Thiên Chúa Cha, đến với Chúa Con và qua Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Cha vì yêu nên đã trao ban tất cả, ngay cả Người Con duy nhất của mình cho nhân loại. Chúa Con đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha trọn vẹn đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá để thực hiện ý định yêu thương của Chúa Cha cho nhân loại. Chúa Thánh Thần là mối dây liên lạc, thông hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con nhờ tình yêu.
Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu hướng ra để làm cho lan tỏa.
Thiên Chúa không để dành tình yêu cho chính mình, cho riêng Cha, Con và Thánh Thần, nhưng chính là cho chúng ta, những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Người, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8); là Đấng"... nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6).
2. Thiên Chúa “yêu” đến cùng
Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua hành vi tự hiến của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một...” (Ga 3,16a). Từ “đến nỗi” ở đây cho thấy Thiên Chúa yêu đến tột cùng, yêu “đến nỗi” không còn gì để diễn tả, để trao ban hơn được nữa, vì thế chỉ còn cách duy nhất là trao ban chính Con của mình đến để diễn tả tình yêu cho nhân loại bằng chính cái chết mà thôi.
Tại sao Thiên Chúa lại trao ban Con Một? Thưa! “...để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16b). Như vậy, Tình yêu chân chính là mong sao người mình yêu được hạnh phúc hơn cả bản thân mình. Thật vậy, Thiên Chúa yêu thế gian cách tuyệt đối và mong sao cho chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc tuyệt đối là được vào ở trong tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” Ga 3,17).
3. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mời gọi ta sống yêu thương
Qua mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi người chúng ta được mời gọi sống yêu thương, hiệp nhất như Thiên Chúa là tình yêu. Không yêu thương nhau, chúng ta vẫn mãi là người xa lạ với mầu nhiệm này, bởi vì mầu nhiệm này là mầu nhiệm tình yêu, muốn hiểu được thì phải yêu. Nói như thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8), nên “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8).
Vì thế, trong đời sống gia đình, mỗi người hãy yêu thương nhau. Chồng phải yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thế nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy. Sự xuất hiện của người con trong đời sống hôn nhân chính là kết quả của tình yêu giữa vợ và chồng, vì thế, như một điều kiện cần để được hạnh phúc, con cái hãy yêu mến cha mẹ mình và tỏ lòng thảo hiếu với cha mẹ để đáng được hưởng sự chúc lành của Thiên Chúa.
Tình yêu ấy không chỉ dừng lại với chính người thân của mình, mà còn phải hướng ra xa, rộng lớn hơn tới hết mọi người, kể cả yêu kẻ thù của mình nữa.
Như vậy, để tình yêu có giá trị, cần phải có sự hy sinh, quên mình và phục vụ lẫn nhau. Yêu nhau mà không chấp nhận hy sinh, gian khổ vì nhau và với nhau, thì chưa phải là tình yêu thật sự.
Khi yêu như thế, tình yêu của vợ chồng và con cái cũng như với tha nhân đang phỏng chiếu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống thực tại của mình.
Muốn giữ được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi mình, người Kitô hữu phải luôn ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, khi thuộc về Người, thì ta cũng sẽ trở nên những người có: “... lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau” Cl 3,12-13).
Mong sao, mỗi khi chúng ta đặt tay lên trán, trên ngực và ngang vai, để tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì cũng là lúc chúng ta nhớ đến bản chất của mầu nhiệm này là tình yêu; đồng thời, chúng ta cũng xin Chúa ban cho chúng ta được sống trong tình yêu đó của Thiên Chúa để “... đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13,13), hầu chúng ta cùng mạnh dạn tuyên xưng: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen”.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
=====================
Suy niệm 3
Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần
(Ga 3, 16-18)
Sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Thiên Chúa Ba Ngôi Rất Thánh, giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và uy quyền bằng nhau. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa.
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo trong Tình Yêu và hành động, cùng tác động trên thế giới. Đây là Một trong những mầu nhiệm cao cả nhất của đức tin chúng ta. Mục đích của Giáo hội muốn rằng, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chúng ta phải đi loan báo Thiên Chúa thật cho mọi người, không kể là Do thái hay dân ngoại, cho họ biết Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp nhất trong Tình Yêu và ca lên: « Chúc tụng Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Người hằng thương xót chúng ta » ( Ca nhập lễ).
Một trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn là mầu nhiệm Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Ngài mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.
Thánh Augustinô viết: «Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được».
Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên các giáo phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm … Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói ghém lời tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta.
Dấu Thánh Giá là dấu kẻ có Đạo.
Đức Giêsu đến trần gian nhằm cứu chuộc chúng ta, Người đã chết trên Thánh Giá để trao ban sự sống cho chúng ta. Chính nhờ hy tế của Người trên Thánh Giá mà chúng ta là những người «kitô hữu», nghĩa là thuộc về Đức Kitô. Dấu Thánh Giá là dấu chỉ người kitô hữu. Chính nhờ dấu này mà chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đến thế gian để cứu chuộc chúng ta.
Trong năm Phụng vụ, có hai thời điểm giúp người kitô hữu ý thức về giá trị của Dấu Thánh Giá.
- Mùa Phục Sinh chỉ cho ra rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ cây Thánh Giá.
- Lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi.
Dấu Thánh Giá là dấu của người chịu phép Rửa tội, người thuộc về Chúa. Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được «vẽ» và «ghi» dấu Thánh Giá. Dấu này bề ngoài không thể thấy được, nhưng in trong tâm hồn người kitô hữu. Đồng thời cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Hành động Đức Tin
Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trong Đạo Công giáo.
1 – Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể.
2 – Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Thánh Giá là chiến thắng của Đức Giêsu trên sự dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh.
3 – Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời đọc : «Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần». Chúng ta khẳng định mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta làm dấu Thánh giá nghiêm túc hơn.
Hành động của Đức Cậy.
Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời. Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời. Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Ngài đã mở cửa Trời cho chúng ta.
Vậy, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng ta hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế.
Hành động Đức Mến.
Thánh Giá gồm hai thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc trình bầy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với «tha nhân».
Cần phải ghi nhận rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang : ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được «nâng đỡ» bởi tình yêu Thiên Chúa.
Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu (tình yêu Thiên Chúa), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức Ái : «yêu tha nhân là yêu chính Chúa».
Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, (yêu tha nhân), hỏi rằng có còn là cây Thánh Giá nữa hay không ?
Hai điều cần thiết là “mến Chúa và yêu người”. Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần : “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ