Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Cập nhật lúc 07:30 02/06/2017
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. (Ga 20, 22 - 23)
Suy niệm 1
Bình an cho các con
---------------
BÌNH AN, đó là điều ai cũng ước mong! Chúng ta thường cầu nguyện và dâng lễ cho gia đình được bình an. Khi đi đường chúng ta cầu xin Chúa cho được bình an, đừng gặp tai nạn. Đó là điều tốt, nhưng bình an này chỉ là thứ bình an theo tự nhiên.
Bài Tin Mừng hôm nay mô tả Chúa Giêsu là người đem bình an, nhưng đây là thứ bình an siêu nhiên, bình an trong tâm hồn. Hay nói cách khác, ở đâu có Chúa Giêsu thì ở đó có bình an. Ở đâu có lục đục, ở đó không có Chúa Giêsu. Mỗi một lần hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại, Chúa Giêsu đều chào: “Bình an cho các con”. Thánh lễ nào sau kinh lạy Cha, vị chủ tế cũng đọc: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an cho các con”
Bình an đích thực chỉ đến từ Chúa Giêsu. Cuộc sống trần gian đầy dẫy những bất ngờ khó lường, có thể làm chúng ta lo lắng bối rối và chưng hửng. Khi hai chị em Martha và Maria đón tiếp Chúa, chúng ta thấy Martha bận tâm nhiều điều vì chị muốn đón tiếp Chúa một cách tốt nhất. Nhưng Chúa nhắc cho chị biết chỉ có một điều cần thiết thôi và em chị là Maria đã làm điều đó, là lắng nghe lời Chúa.
Đối với chúng ta cũng vậy, chỉ một điều cần thiết thôi, đó là dành tình yêu chúng ta cho Chúa Giêsu. Đó là điều kiện đích thực để có được bình an nội tâm. Khi đọc lại câu chuyện Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ, chúng ta thấy sự vĩ đại và sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Điều đó đúng! Nhưng sự vĩ đại và sức mạnh của Thiên Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay lại là câu chuyện Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ, và Ngài chỉ cho các ông thấy cạnh sườn và trái tim Ngài như là dấu chứng không chối cãi được về tình yêu của Ngài. Vì chưng Thần Khí của Thiên Chúa là Thần Khí BÌNH AN và TÌNH YÊU và quyền lực đích thực của Thiên Chúa được thể hiện trong TÌNH YÊU của Ngài.
Ngày lễ Ngũ Tuần là một điểm khởi. Toàn bộ công việc tiếp theo của các Tông đồ và của tất cả những ai kế vị các tông đồ là sự hoạt động mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần trong thế giới. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng phải loan báo công việc tái thống nhất nhân loại, nhờ vào việc chính chúng ta là những tín hữu thấm nhuần tình yêu Chúa. Các ân ban và đặc sủng đều chỉ mang một ý nghĩa giúp đỡ xây dựng cộng đoàn trong Tình Yêu.
Thế giới không thể cho chúng ta BÌNH AN nội tâm. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể làm cho chúng ta được tham dự vào sự bình an của Người. Khi cảm thấy mình bối rối, sợ sệt và lo lắng, chúng ta hãy quay về với Chúa Giêsu và phó thác những lo lắng đó cho Ngài. Ngài sẽ chỉ cho chúng ta thấy trái tim Ngài và chúng ta sẽ tràn ngập bình an của Ngài.
Không những Chúa Giêsu đổ tràn đầy bình an của Ngài cho các tông đồ mà Ngài còn ban cho các ông quyền tha tội và ban bình an cho những ai thành tâm sám hối: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha, các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.
Như vậy, Bí tích Hòa Giải là bí tích đem lại bình an. Vì chúng ta là tội nhân và nhận biết rằng mình có tội, hãy chạy đến lòng thương xót Chúa, Đấng đã thiết lập Bí tích Hòa Giải vào chiều ngày Chúa Sống lại. Tin Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay nhắc lại biến cố Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ. Điều đó muốn nói lên rằng Bí tích Hòa Giải là một phần công việc của Chúa Thánh Thần, là  Đấng thánh hóa thế giới. Chính hoạt động của Chúa Thánh Thần làm khơi lên trong chúng ta lòng thống hối chân thành, đồng thời làm chúng ta nhận biết mình tội lỗi. Tội lỗi là sự xấu xa của thế giới và là cội nguồn của tất cả những gì chống lại sự Bình an, thì Bí tích Hòa Giải là nguồn mạch bình an không hề cạn kiệt.
Sách bổn có câu: “Hỏi: Kẻ phạm tội có được bằng yên cùng vui thật trong lòng chăng? Thưa: Chẳng được đâu, một phải lo buồn sợ hãi trong lòng liên”. Vì thế, khi lỡ phạm tội chúng ta đừng chạy trốn hoặc lười lãnh nhận Bí tích Hòa Giải.
Mùa Phục sinh và đặc biệt là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mang lại cho chúng ta niềm vui trọng đại, đó là sự tha thứ của Thiên Chúa. Khi thành thật gặp gỡ Chúa trong Bí tích Hòa Giải qua thừa tác viên của Giáo Hội, chắc chắn chúng ta sẽ được bình an! “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của con chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho anh chị em ơn THA THỨ và BÌNH AN”.
Trong tháng 5 vừa qua, giáo phận chúng ta có một đoàn hành hương đi Fatima, nhân dịp kỷ niêm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở đây. Khi trở về, đoàn hành hương đó tặng tôi một tấm ảnh Đức Mẹ hiện ra với 3 em nhỏ và trên tấm ảnh đó có ghi dòng chữ: “Nếu mỗi người chúng ta xưng tội một tháng một lần, thì bộ mặt của thế giới sẽ thay đổi..”  Bình an của mỗi người có thể là khởi đầu bình an cho thế giới.
Lạy Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi tâm hồn chúng con, xin hãy đến lôi kéo chúng con khỏi tội lỗi và giải thoát chúng con khỏi xiềng xích sự dữ đang kìm kẹp chúng con trong cảnh khốn cùng. Xin hãy đốt cháy chúng con trong lò lửa tình yêu của Chúa để thiêu hủy tất cả những gì làm cản trở chúng con trên con đường vào Nước Chúa. Amen!
 
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
========================
Suy niệm 2
 CHÚA THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG TÁC SINH
(Cv 2,1-11; Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20, 19-23)
Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta long trọng mừng Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Khi nói đến Chúa Thánh Thần, chúng ta nghĩ ngay đến vai trò của Ngài là Đấng soi sáng, thánh hóa, đổi mới; Đấng ban sự bình an, niềm vui, can đảm, khôn ngoan, lo liệu, hiểu biết, đạo đức, kính sợ Chúa...
Như vậy, Ngài là hồn sống, hơi thở của Giáo Hội. Không có Ngài, Giáo Hội như mất đi sức sống, sinh động và trở nên trống rỗng. Đức Thượng phụ Athenagoras, Giáo chủ Constantinople đã nói: “Nếu cuộc sống thiếu vắng Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa sẽ nghìn trùng xa cách. Đức Kitô chỉ là một nhân vật quá khứ.  Tin Mừng chỉ là một mớ chữ không hồn. Giáo Hội khác nào một cơ cấu cứng nhắc, biến quyền bính thành thống trị điêu ngoa, và giảng dạy chỉ là tuyên truyền láo khoét, việc thờ phượng chỉ là phù phép, và luân lý sẽ thành xiềng xích vong nô”.
Để làm sáng tỏ vai trò của Chúa Thánh Thần, các bài đọc trong Thánh lễ hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về Ngài.
1. Vài trò của Chúa Thánh Thần qua ba bài đọc
Khởi đi từ bài đọc I trích trong sách Cv 2, 1-11, tác giả cho thấy: đến ngày lễ Ngũ Tuần, các môn đệ vẫn đang tụ họp quanh Đức Maria để cầu nguyện liên lỉ và chờ mong điều Đức Giêsu đã hứa trước đó. Và, đúng như lời Đức Giêsu đã loan báo, Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa để hiện xuống trên Đức Mẹ và các môn đệ. Như một sự tác sinh, lập tức, tất cả được tràn đầy Thánh Thần.
Ngay sau đó, như một đặc ân của Chúa Thánh Thần, các môn đệ từ một người ít học, nhà quê, nhát đảm, sợ sệt, nay trở nên thông thái và nói được những tiếng mới lạ, khiến mọi người đổ về hành hương đền thờ Giêrusalem nhân dịp lễ Ngũ Tuần đều nghe các ông nói được tiếng bản xứ của mình. Cứ thế, các môn đệ tiếp tục can đảm, hăng say ra đi mọi nơi để loan báo và làm chứng về Đức Giêsu, Đấng đã chết và đã sống lại để cứu độ nhân loại.
Sang bài đọc II, 1Cr 12,3b-7.12-13, thánh Phaolô nhắc đến đặc sủng của Chúa Thánh Thần được ban xuống cho mỗi người tùy theo nhu cầu của họ. Tuy nhiên, sự đa dạng của ơn Chúa Thánh Thần trên mỗi người là khác nhau, nhưng đều chung quy một điểm, đó là: hiệp nhất trong đa dạng để phục vụ cho Lời của Đức Giêsu hầu sinh ích cho cộng đoàn tín hữu.
Qua bài đọc này, thánh Phaolô nhắc các tín hữu Côrintô phải luôn hiệp nhất trong ân sủng của Chúa Thánh Thần, để cùng nhau xây dựng nhiệm thể Đức Kitô trong mầu nhiệm thân thể Ngài là Hội Thánh.
Sang bài Tin Mừng, Ga 20,19-23, thánh Gioan làm toát lên sứ mạng được sai đi rao giảng Tin Mừng của các môn đệ; đồng thời, ngài cũng cho thấy căn nguyên sự sống và hoạt động của các môn đệ là do Chúa Thánh Thần.
Thật thế, sau khi ban bình an cho các ông, ngay lập tức, Đức Giêsu đã trao ban cho các ông Chúa Thánh Thần và kèm theo là quyền tha tội. Tại sao thế? Thưa! Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hóa, Đấng đổi mới và nguồn mọi sự bình an. Khi con người nhận được ân sủng của Ngài và khi tội lỗi được tẩy xóa, thì ắt được bình an, chan chứa niềm vui và hy vọng.
Như vậy, ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chính là ngày Giáo Hội được khai sinh, và cũng là ngày Giáo Hội lên đường để thi hành sứ vụ ngôn sứ của mình.
Hiểu như thế, thì ngày lễ hôm nay cũng là ngày lễ Hiện Xuống nơi mỗi người chúng ta. Bởi vì: nếu xưa kia các môn đệ đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần cũng như sứ vụ loan báo Tin Mừng như thế nào, thì hôm nay, mỗi tín hữu cũng đón nhận cùng một Chúa Thánh Thần và cùng một sứ vụ như các ngài khi xưa.
2. Sứ sứ điệp Lời Chúa hôm nay
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, tiếp theo, qua Bí tích Thêm Sức, mỗi người đón nhận Ngài cách dồi dào, phong phú để thi hành chức năng Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế cách triệt để hơn trong vai trò là thành phần chi thể trong thân thể mầu nhiệm Giáo Hội, có Đức Giêsu là Đầu.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, là dịp mời gọi mỗi người chúng ta nêu cao ý thức về sự tinh tuyền, trong trắng của ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, để tâm hồn chúng ta trở về tình trạng: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, hầu sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Hôm nay cũng là dịp để chúng ta làm mới lại đặc sủng của Chúa Thánh Thần ngày lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, qua đó, chúng ta hiểu được Lời Chúa, yêu mến Lời Chúa và can đảm, sẵn sàng loan báo cũng như làm chứng cho Lời Chúa.
Khi đón nhận và lắng nghe Lời Chúa, chúng ta sẽ loại bỏ được những thứ mà thánh Phaolô cho là hành động do xác thịt như: "dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy" (Gl 5,19-21). Khi loại trừ được những thứ đó, chúng ta sẽ lãnh nhận được những hoa trái của Chúa Thánh Thần như: "bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ" (Gl 5,22-23).
Đạt được điều đó, mỗi người chúng ta sẽ là khí cụ hữu dụng của Chúa Thánh Thần trên và trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội hôm nay.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến vì chúng con cần Ngài. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển

======================== 
 Suy niệm 3
Lạy Chúa Thánh Thần, Xin Ngài Ngự Đến
(Ga 20, 19-23)
H.Khỏi 40 ngày ấy Đức Chúa Giêsu đi đâu?
T. Đức Chúa Giêsu lên trời.
Vâng kính thưa cộng đoàn, 40 ngày sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp đến Giáo hội làm Tuần Cửu Nhật và thiết tha cầu xin: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến, lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến...".
Giáo hội xin Chúa Thánh Thần đến để làm gì ? Thưa, Chúa Thánh Thần đến để rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn sai lầm … (Ca tiếp liên). Vậy chúng ta hãy trở nên những người trong sạch hơn, sốt sáng hơn, dễ bảo hơn... để Chúa Thánh Thần đỡ vất vả về vấn đề này, còn dạy dỗ chúng ta điều khác.
H. Đức Chúa Giêsu lên trời có bỏ chúng ta mồ côi không?
T. Không, Đức Chúa Giêsu lên trời đoạn, khỏi 10 ngày đã sai Đức Chúa Thánh Thần xuống trên các thánh tông đồ để ở lại với Hội Thánh mãi cho đến tận thế.
Đúng 10 ngày sau khi Chúa về Trời, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên các tông đồ và hiện diện trong lịch sử Giáo hội, hành động không biết mệt mỏi.
Nếu như khi xưa Chúa Thánh Thần đã lấy hình lưỡi lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người cùng ban đầy đủ các ơn với các sự kiện bên ngoài, thì hôm nay chúng ta tin Chúa Thánh Thần đến với chúng ta cách đặc biệt trong ngày lễ của Ngài.
Quả thật, ơn Chúa Thánh Thần đang hiển hiện trước chúng ta đây. Ngài đang ở với chúng ta qua các bài đọc Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe, vì Ngài là  tác giả thần linh. Cộng đoàn vừa lắng nghe rất sốt sáng với lòng khao khát được gặp gỡ Ngài, tiếp xúc với Ngài, được Ngài dạy dỗ, soi sáng và hướng dẫn nữa. Chúa Thánh Thần đang đến với chúng ta qua những lời cầu nguyện của Giáo Hội và của từng người trong chúng ta. Mọi người hát kinh Vinh Danh sốt sáng lắm, hẳn phải có Chúa Thánh Thần. Ngài khơi dậy sự cầu nguyện với những tâm tình đạo đức nơi chúng ta; Ngài đốt lửa kính mến Chúa nơi chúng ta. Nếu không có ơn Chúa Thánh Thần thì chúng ta chẳng đến đây làm gì, và có đến thì cũng chỉ ngồi yên thôi.
Chúa Thánh Thần còn đến với chúng ta qua lời giảng dạy của Giáo Hội, Ngài khơi dậy đức tin nơi chúng ta. Ngài dạy ta tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, lát nữa đây chúng ta sẽ tuyên xưng khi đọc kinh Tin Kính. Ngoài ơn đức tin là hồng ân trọng đại, Chúa Thánh Thần còn ban cho Giáo Hội rất nhiều ân sủng khác, mỗi người một kiểu một cách, không ai thiếu ân sủng của Ngài, để mỗi người chúng ta dùng những ơn đó mà xây dựng ích chung cho Giáo Hội như: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như: tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới lạ… mỗi người mỗi ơn rất phong phú và đa dạng.
H. Chúa Thánh Thần là Đấng nào?
T. Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba. Ngài bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Ngài là Thiên Chúa Thật, cùng uy quyền và vinh quang như Chúa Cha và Chúa Con.
H. Chúa Thánh Thần còn được gọi bằng những danh hiệu nào?
T. Ngài thường được gọi là Thần khí của Thiên Chúa, là Thần khí của sự thật, là Đấng an ủi và là Đấng ban sự sống.
Chúa Giêsu gọi Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, Đấng An Ủi, là Bình An, là Niềm Vui, là Sự Sống.
Chúa Thánh Thần là Ơn Bình An mà Chúa Kitô Phục Sinh mang đến, khi hiện ra với  các Tông Đồ, khi đến với Giáo Hội, đến với Cộng đoàn phụng vụ chúng ta. Ngài là Sự Bình An mà thế gian không thể ban tặng như Chúa Giêsu đã nói. Có Chúa Thánh Thần, lòng chúng ta sẽ được bình an, một sự bình an kỳ diệu, đồng nghĩa với hạnh phúc, với ơn cứu độ và sự sống đời đời.
Chúa Thánh Thần  là Niềm Vui, mà Chúa Kitô Phục Sinh ban cho ta, một niềm vui khôn tả. Các môn đệ ngày xưa vui mừng vì được thấy Chúa Phục Sinh, chúng ta ngày hôm nay không nhìn thấy Chúa bằng giác quan, nhưng thấy Chúa bằng đức tin, thấy Chúa trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần là Niềm Hoan Lạc ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi, là Niềm Vui mà Chúa Kitô Phục Sinh chia sẻ cho chúng ta, để chúng ta thông phần hạnh phúc của Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần là Sự Sống, là Thần Khí, là Hơi Thở mà Chúa Kitô Phục Sinh ban cho Giáo Hội, khi Người thổi hơi vào các thánh Tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20, 23). Chúng ta nghe nói nhiều đến ơn cứu độ, nhưng có lẽ chúng ta vẫn chưa am hiểu và còn cảm thấy trừu tượng, xa vời. Theo đoạn Tin mừng Gioan hôm nay, ơn cứu độ, chính là Thần Khí Phục Sinh của Chúa Kitô, nhờ đó mà mọi người  được Thiên Chúa vừa ban cho ơn tha tội, vừa ban cho sự sống mới, thông phần Sự Sống Lại của Chúa Kitô.
Lạy Chúa Thánh Thần xin Ngài ngự đến và xin canh tân bộ mặt trái đất. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log