"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng." (Mt 11, 28-29)
Suy niệm 1
“Lạy Cha, con ngợi khen Cha vì Cha đã mặc khải cho những kẻ bé mọn”
-----------------------------------
Đoạn văn mở đầu của bài Tin Mừng hôm nay là bài Ngợi khen của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, tựa như bài Ngợi Khen của Đức Maria: “Linh hồn tôi nhảy mừng trong Chúa là Đấng cứu độ tôi”. Chúa Giêsu dâng lời ngợi khen lên Chúa Cha. Lời ngợi khen này trực tiếp mặc khải điều mà Ngài vẫn hằng ôm ấp trong tim: yêu Cha và suy phục Cha. Tiếng Cha luôn vang lên trong trái tim Ngài. Ngài không xin và cũng chẳng phàn nàn gì. Ngài ngợi khen Cha: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con xưng tụng Cha”.
Qua đoạn văn ngắn ngủi này, chúng ta khám phá ra nội dung lời cầu nguyện dài trong đêm của Chúa Giêsu qua những lần gặp gỡ lâu giờ với Cha. Nội dung đó là gì?
- Là một lời ngợi khen suy tôn không mệt mỏi về sự tuyệt diệu của Chúa Cha mà chỉ có mình Chúa Cha đáng được nhận một cách đầy đủ mà thôi.
- Là một sự vui vẻ đón nhận ân huệ mà Chúa Cha đã ban cho.
- Là một lòng biết ơn không bờ bến vì công việc dưới thế mà Chúa Cha truyền cho Ngài thực hiện.
- Là một tâm tình cảm tạ vì Chúa Cha đã phó thác cho Ngài sứ vụ đặc biệt, là mặc khải Tình Yêu Thiên Chúa đối với nhân loại! Đó là những lời cầu nguyện đậm nét tình con.
Lời cầu nguyện của chúng ta thì sao?
- Lời cầu nguyện của chúng ta trước hết có phải là lời ngợi khen Thiên Chúa chưa?
- Phải chăng lời cầu nguyện của chúng ta thường tập trung vào những nhu cầu cần thiết cá nhân của chúng ta?
- Những lần vào nhà thờ có khi chúng ta dừng chân trước thánh Anton để xin điều lạ hơn là gặp gỡ Chúa.
- Những lần hành hương năm thánh, chúng ta xin Chúa cả một danh sách dài hết ơn này đến ơn nọ.
- Lời cầu nguyện của chúng ta nhiều khi biến thành sự đổi chác hoặc có tính chất mặc cả: “Lạy Chúa, nếu Chúa ban cho con ơn này, thì con hứa với Chúa là…”.
- Khi chúng ta đi lễ có phải là để dâng của lễ cho Chúa hay là chỉ vì một lợi ích nào riêng tư cho chúng ta?
- Đành rằng chúng ta là những người thiếu thốn phải cần Thiên Chúa nâng đỡ, nhưng đừng bao giờ chúng ta đòi hỏi gì. Thiên Chúa là một người Cha, Ngài biết trước chúng ta cần gì.
-Chúng ta cám ơn Thiên Chúa đủ chưa vì nhờ đức tin đã lãnh nhận, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa và được tham dự vào bí mật cao cả của Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi đối với nhân loại; cũng nhờ đức tin đã lãnh nhận, chúng ta được chọn để đi loan báo Tin Mừng, làm chứng cho Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người?
- Nhiều khi chúng ta dạy con cái hoặc các em nhỏ phải biết cám ơn, nhưng liệu chúng ta có biết làm điều đó cho Thiên Chúa không?
Lời ngợi khen của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha nhắc nhở chúng ta là phải có một tấm lòng đơn sơ chân thành mới có thể đón nhận sứ điệp mà Chúa Cha đã trao phó. Thiên Chúa phản đối não trạng của một dân tộc cho rằng: mặc khải chỉ có thể phó thác cho những người khôn ngoan thông thái, cho các tiến sỹ luật. Ngay trong Cựu ước, tiên tri Isaia nói rõ về vấn đề này: “Ta sẽ tiếp tục làm cho dân tộc này phải sững sờ kinh ngạc vì bao dấu lạ điềm thiêng. Bấy giờ sự khôn ngoan sẽ chuốc lấy thất bại, và trí thông minh của người thông minh sẽ tan thành mây khói”.
Những người khôn ngoan và thông thái đích thực chính lại là những người khiêm nhường nhất biết nhận ra những khuyết điểm và giới hạn của mình. Khoa học thông minh không có thể giải thích được những vấn đề của Đức Tin.
Thánh Phaolo nói: “Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem, khi anh em được Chúa kêu gọi, thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có.”
Thiên Chúa mặc khải cho những kẻ đơn sơ bé mọn, không phải vì chiều ý, thương hại hoặc sợ không công bằng để mà bù trừ những thiếu thốn của họ. Thiên Chúa không có chuyện thích người này hơn người khác.
Thiên Chúa mặc khải cho những kẻ đơn sơ bé mọn cũng không phải vì Ngài ưu tiên cho họ, nhưng vì họ khiêm nhường dễ dàng đón nhận Lời Chúa. Đức Tin là một lời đáp trả cho lời mời gọi của ơn thánh. Những kẻ đơn sơ bé mọn dễ đón nhận Tin Mừng, hơn là những cái đầu bướng bỉnh.
Những kẻ khiêm nhường thường có cái nhìn xuyên suốt của con tim hơn là lý luận. Những kẻ bé mọn có con mắt của người say đắm nhìn thấy được Đấng Vô hình. Những kẻ đơn sơ không có con mắt của người tự phụ kiêu căng. Người tự phụ kiêu căng thường đóng lại không muốn đón nhận tất cả các ánh sáng khác mà trong khi đó họ chỉ là ngọn nến leo lắt. Người kiêu căng tự phụ thường dị ứng với những gì là mầu nhiệm.
Khi Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Không ai biết Cha, trừ ra Con”, đó là Ngài muốn chỉ cho chúng ta thấy những giới hạn của trí khôn con người trước những mầu nhiệm về Thiên Chúa. Trước mầu nhiệm về Thiên Chúa, kẻ kiêu ngạo thường hay chống đối và từ chối, còn người khiêm nhường thì chờ đợi ánh sáng soi chiếu. Vì chưng người khiêm nhường thì yêu mến ánh sáng, bước theo ánh sáng Con Thiên Chúa và đi tìm kho tàng đang được ẩn giấu.
Nếu Chúa Giêsu yêu mến nhũng kẻ đơn sơ, diụ hiền và khiêm nhường, phải chăng chính Ngài cũng là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng? Đúng vậy, Chúa Giêsu yêu mến họ bằng tình yêu mến tiếp nhận và hiểu biết. Và vì thế, họ không sợ gì, và đi theo Ngài, vì ách của Ngài thì êm ái, gánh của Ngài thì nhẹ nhàng. Chính sự khiêm nhường mở đôi mắt và con tim của họ, đồng thời cũng cho phép họ vượt thắng tất cả. Chính Chúa Giêsu đã công bố một cách long trọng giá trị cao cả của sự khiêm nhường này: “Lạy Cha là Chúa trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn”.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
HÃY MANG LẤY “ÁCH” VÀ “GÁNH” CỦA ĐỨC GIÊSU
(Dcr 9,9- 10; Rm 8,9.11- 13; Mt 11,25- 30)
Trong cuộc sống hiện nay, khoa học phát triển, con người được nhàn nhã hơn. Nhận định đó không sai. Tuy nhiên, nó chỉ đúng với những gì là thực dụng, hay đúng trong lãnh vực khoa học, còn trong lãnh vực tinh thần thì vẫn còn đó những buồn sầu, lo lắng; vẫn còn đó những đau khổ tinh thần; và vẫn còn đó những điều bất bình an khi con người có nhiều thứ phục vụ cho thân xác và chất lượng hiện sinh của cuộc sống. Câu hỏi được đặt ra là: làm sao cho cuộc sống này được hạnh phúc và bình an thực sự?
1. Những gánh nặng cuộc đời
Trước khi nói đến sự bình an, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những gánh nặng của con người trong cuộc sống hiện nay.
Những gánh nặng đó là:
Gánh nặng của những quá khứ với biết bao nhiêu điều chưa làm được;
Gánh nặng của hiện tại với biết bao bất công;
Gánh nặng của ham muốn, tham lam mà không đạt được;
Gánh nặng của những nghi ngờ, bon chen, hà tiện, ganh tỵ;
Gánh nặng của những khát vọng thống lĩnh xã hội bằng chiến tranh;
Gánh nặng của những người bị áp bức bạo tàn;
Gánh nặng của những kỳ thị chủng tộc và loại trừ;
Gánh nặng khi mang trên mình những căn bệnh nguy hiểm của thế kỷ;
Gánh nặng của những thất vọng, lo âu;
Khi mang trên mình những gánh nặng về thể lý hay tinh thần như thế, con người cần phải được nghỉ ngơi, bồi dưỡng để đem lại bình an. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể đạt được khi chúng ta mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, và hãy học cùng Đức Giêsu, vì Ngài “hiền hậu” và “khiêm nhường” trong lòng.
2. Ý nghĩa sự “hiền hậu” và “khiêm nhường” theo tinh thần Tin Mừng
Khi nói đến sự“hiền hậu”, người ta nghĩ ngay đến những đặc tính của nó như: dịu dàng, nhẹ nhàng, ngọt ngào, không thô bạo, cứng cỏi, cộc cằn...; "hiền hậu" còn có nghĩa là êm ái, hòa nhã, yêu thương, nhân hậu, thông cảm, tôn trọng và khoan dung; luôn nghĩ tốt và hành động tốt cho người khác. Sẵn sàng đối thoại, không đối đầu và chấp nhận sửa sai.
Còn khi nói đến sự "khiêm tốn”, chúng ta sẵn sàng xuống thấp, ở dưới hay chấp nhận bị hạ xuống, biết sự giới hạn của mình để sống khiêm tốn, sống thật với bản chất, khả năng của mình, không thêu dệt quá những gì mình có.
3. Hãy học với Đức Giêsu vì Ngài “hiền hậu” và “khiêm nhường”
Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi các môn đệ hãy mang lấy "ách" và "gánh" của Ngài, bởi vì Ngài có lòng “hiền hậu” và “khiêm nhường” trong lòng.
Thật vậy, hễ mang “ách” của ai là học với người đó; còn mang "gánh" của ai thì được mời gọi giữ những điều luật của người đó đang giữ hay điều luật của chính người đó ban hành. Đức Giêsu mời gọi mang lấy "ách" và “gánh” của Mình, Ngài muốn chúng ta phải sống“hiền hậu”, “khiêm nhường”, “êm ái”, “nhẹ nhàng” và giữ “luật yêu thương”.
Khi mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, chúng ta sẽ được hạnh phúc và bình an, vì “ách” của Đức Giêsu thì êm ái và “gánh ” của Ngài thì nhẹ nhàng. Đến với và mang lấy tinh thần của Đức Giêsu, chúng ta sẽ được nghỉ ngơi lại sức vì có ơn Chúa phù trợ, chở che. Khi ấy, tinh thần của chúng ta sẽ hạnh phúc và an vui, dẫu có gặp phải những điều khó khăn, thử thách.
Khi mang trong mình những “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, ấy là lúc chúng ta đang sống trong quỹ đạo của tình yêu và làm cho tình yêu đó được lên ngôi chứ không phải nhu nhược, nhát đảm, hèn hạ, mù quáng, hay lầm lạc...
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được kiên trì trung thành mang lấy “ách” và “gánh” của Chúa để chúng con được bình an. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
========================
Suy niệm 3
Học Trường Giêsu
(Mt 11, 25 - 30)
Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay là lời chúc tụng tạ ơn của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha. Khi Chúa cầm lấy chén, tạ ơn (x. Mt 26,27); Lời tạ ơn diễn tả tâm tình của tạo vật đối với Đấng Tạo Hóa. Chúa Kitô thường quen tạ ơn. Người tạ ơn vì biết trước rằng Chúa Cha đã nhận lời. Người tạ ơn vì sức mạnh uy quyền toàn năng của Thiên Chúa hiển hiện nơi Người để Người tỏ uy quyền toàn năng của Đấng Tạo Hóa ra trước mặt thiên hạ. Người tạ ơn vì công trình cứu chuộc Người đã hoàn tất, và Người tạ ơn vì việc Người làm để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.
Như vậy, hiện tại hóa hy tế đời đời của Chúa Kitô trên thập giá trong Thánh Lễ được hiểu như là một hành động tạ ơn cao cả nhất. Chính trong nghĩa đó mà từ "Thánh Thể" là hành động tạ ơn được nên trọn vẹn. Chúa Giêsu đã dâng hiến thân mình thay cho mọi tạo vật trên thế giới. Người cũng mời gọi các tạo vật phải tạ ơn Đấng Tạo Hóa cho xứng.
Tiếp theo hành động tạ ơn là lời Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến trường Giêsu và học bài “Hiền Lành Và Khiêm Nhường”. Bài đọc I cho thấy, Đấng Messia mà Giacaria nói tới trong Cựu Ước, Đấng ấy không đến trong quyền uy với vũ khí hủy diệt, nhưng đến với một thứ vũ khí đặc biệt là “hiền lành và khiêm nhường”. Vua hòa bình ngồi trên lưng lừa, không đến để giết chết mà để cứu sống (x. Dcr 9,8-10).
Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì Ngài quí chuộng những kẻ bé mọn, hiền lành và khiêm nhường. Chính Ngài đã mạc khải cho họ, trong khi lại giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy (x. Mt 11,25-30).
Nhân dịp này, Chúa Giêsu cũng khuyên những người bé mọn đó hãy “mang lấy ách của Chúa” và “hãy học cùng Chúa” bài học : “Hiền lành và khiêm nhường” trong cuộc sống hằng ngày để làm môn đệ Chúa.
Hiền lành, theo nguyên ngữ Hy lạp được dùng trong Kinh Thánh thì nó có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo, cứng cỏi. Như thế hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong thì phải êm ái, hòa nhã, yêu thương, khoan dung, thông cảm. Bên ngoài thì phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo. Hiền lành thì phải tránh tính nóng nảy. Hiền lành hay hiền hậu là đức tính tốt lành của người có lòng thương người, không độc ác, nhưng có đức hạnh và hay làm điều thiện.
Lịch sử minh chứng, con người ở mọi nơi mọi thời thường say mê quyền lực và muốn thống trị, sai khiến người khác theo ý mình, nên theo một số người thì hiền lành và khiêm nhường có thể bị coi như một thái độ hèn nhát, nhu nhược. Trái lại, cũng có rất nhiều người cho rằng, người có bản lĩnh vững vàng cao thượng mới có thể thực hiện được nhân đức khiêm nhường và hiền lành, họ đáng được ca tụng.
Hiền lành và khiêm nhường ngày nay không còn được đánh giá cao như xưa. Trước kia, lời khen ngợi tốt nhất mà ta có thể trao tặng cho người khác khi gọi họ là “người hiền lành khiêm nhường”. Nhưng ngày nay, bạo lực lại phổ biến hơn hiền lành dễ thương.
Người hiền triết và khôn ngoan, thường khó đi vào trong các mầu nhiệm Nước Trời, vì họ không mở lòng mình ra để đón nhận các mạc khải của Thiên Chúa; Thiên Chúa không ngừng mạc khải chính mình, nhưng họ thì lại tự tin vào hiểu biết của chính mình; vì thế, mạc khải của Thiên Chúa không làm họ ngỡ ngàng được. Trái lại, người đơn sơ như trẻ nhỏ lại đón nhận được mạc khải của Thiên Chúa; họ giống như tấm bọt biển khô thấm nước vậy, họ ngỡ ngàng và thán phục trước mạc khải của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, cũng có trường hợp, họ là học giả khôn ngoan, nhưng khiêm tốn trước Thiên Chúa, họ có thể hiểu biết về Thiên Chúa.
Ngược lại với thái độ của những kẻ tầm thường chỉ biết hành động theo tình tư dục, những bậc hiền nhân quân tử có cái nhìn khác. Những kẻ tầm thường không có cái suy nghĩ và hành động như các vị đó.
Thánh Francois de Sales nói: “Tất cả đều được chinh phục bởi hiền lành chớ không phải bạo lực”.
Nhà hiền triết Mạnh Tử nói: “Thiên đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân (Đạo trời không riêng một người, Luôn gia ân cho kẻ hiền lành).
Ông Gandhi nói: “… Tôi tin rằng Ấn độ không phải là vô lực. 100.000 người Anh làm gì mà đến 300 triệu người Ấn kia phải sợ ? Bất bạo động đâu phải chịu lụy kẻ làm hại mình. Bất bạo động, là dùng sức mạnh của cả tâm hồn để chống lại với cường quyền của kẻ độc tài”.
“Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” là thông điệp Đức Giêsu gửi đến mỗi người chúng ta. Người đã làm gương trước, chúng ta chỉ việc học đòi bắt chước Người thôi.
Vậy, chúng ta hãy thực hiện được lời Chúa dạy, cố gắng vượt thắng tính nóng nảy và hay trả thù của mình. Đứng trước tấm gương của những người hiền lành nhịn nhục, không ai dám coi họ là những người hèn nhát mà phải suy tôn họ là anh hùng.
Trong bài giảng “Tám Mối Phúc Thật” (Mt 5,1-12). Chúa Giêsu đã khẳng định: “Phúc cho ai có tinh thần hiền lành vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Chỉ có người theo học trường Giêsu, quyết học bài học hiền lành và khiêm nhường cả đời, chỉ có người biết cư xử với lòng khoan nhân, mới tìm được an bình và hạnh phúc trên cõi đời nầy cùng sự nghỉ ngơi miên viễn khi đã ‘ra trường’.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết khiêm nhường thật trong lòng, để chúng con được kể vào số những kẻ bé mọn của Tin Mừng, những người Thiên Chúa Cha hứa mạc khải cho biết mầu nhiệm Nước Trời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ