Chúa nhật, 24/11/2024

Các Bài Suy Niêm Chúa Nhật XII TN

Cập nhật lúc 10:35 23/06/2017
"Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục." (Mt 10, 28)
Suy niệm 1
 “Anh em đừng sợ”
-------------------------
Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tham dự buổi thường huấn của Chúa Giêsu đối với các Tông đồ của Ngài như thế nào. Ngài đào tạo họ thành những thừa tác viên mà chẳng có giấy viết, không tài liệu photo, và cũng không có máy chiếu phim. Vào một buổi sáng hôm đó, khi bắt đầu vào việc, Chúa Giêsu thấy các ông đang buồn bã. Lý do thật đơn giản vì Ngài đã báo cho biết sau này họ cũng sẽ phải bị bách hại nặng nề. Dù Ngài hứa sau khi chịu tử đạo, các ông sẽ được phần thưởng trên trời, nhưng họ vẫn buồn. Chúa Giêsu động viên các ông đừng sợ và thay vào đó, là hãy tin tưởng. Trong buổi thường huấn này, Ngài lặp đi lặp lại nhiều lần: “Anh em đừng sợ”.
Mệnh lệnh này của Chúa Giêsu gửi tới các Tông đồ cũng là gửi tới mỗi người chúng ta:
- Đừng sợ phải loan báo đức tin của mình trên mái nhà hoặc ngoài phố chợ.!
- Đừng sơ phải bảo vệ đức tin trên đài phát thanh và trên truyền hình.
- Đừng sợ phải loan báo Tin mừng tại quảng trường và nơi đô hội.
Chúng ta là con cái sự sáng, tại sao lại có thể hèn nhát hơn con cái bóng tối? Hãy lớn tiếng nói lên đức tin của chúng ta ngần nào có thể! Hãy bắt chước lòng can đảm, đức tin vững vàng và sự nhiệt tình của Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II: “Chúa Kitô! Vâng, tôi cảm thấy cần thiết phải loan báo Ngài. Tôi không thể im lặng được. Tôi được chính Ngài sai tôi đi để làm việc đó. Tôi là tông đồ và là chứng nhân. Càng chưa tới đích, Tình yêu của Ngài càng thúc bách tôi. Tôi phải loan báo danh Ngài là Giêsu. Tôi loan báo Ngài cho tất cả mọi người! Giêsu, chính là tiếng mà chúng ta làm vang vọng trên toàn trái đất”.
Chúng ta sợ gì?
- Chúng ta sợ những người chung quanh cười chê chúng ta là người sùng đạo hay sao?
Tình yêu sẽ xoá tan tất cả và sẽ chiến thắng.
- Chúng ta sợ thất bại ư? Chúng ta lại không biết sự thất bại lớn nhất là thất bại Thập giá đó sao? Chính thất bại thập giá lại là một sự chiến thắng muôn đời không quên. Một ngày nào đó sự thật sẽ tỏ lộ ra ánh sáng.
- Chúng ta sợ chết ư? Chúng ta hãy nói rằng: cái chết thể lý không phải là đáng kinh khủng nhất.
Chúng ta chỉ nên sợ những kẻ bóp chết tinh thần.
- Hãy dè chừng những kẻ giết chết tính năng động của chúng ta!
- Hãy dè chừng những kẻ giết chết lòng tin tưởng của chúng ta vào Thiên Chúa!
- Hãy dè chừng những kẻ giết đức tin của chúng ta,
- Hãy dè chừng những kẻ làm mất phẩm giá của chúng ta, phẩm giá của con người là phải được tự do tôn giáo.
- Hãy dè chừng những kẻ tiêu diệt chúng ta bằng cách làm chúng ta nghi ngờ về chính mình.
- Hãy cảnh giác nhũng kẻ lôi kéo chúng ta xúc phạm Thiên Chúa.
Hãy mạnh dạn nói như Thánh Phaolô: “ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo…Vâng! Trong mọi thử thách đó, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng; cho dù là sự sống hay sự chết, thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực hẳm hay bất cứ một loại thọ tạo nào khác, không có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.”
Hãy hãnh diện đức tin của mình và sung sướng vì mình là kitô hữu.
Có rất nhiều lý do để chúng ta hãnh diện về đức tin của mình:
- Phải chăng chúng ta không là người mang sứ điệp tuyệt diệu của Thiên Chúa sao?
- Phải chăng chúng ta lại không may mắn vì được sở hữu bí mật của Thiên Chúa sao? Thánh Phaolô đã nói: chúng ta biết ý định nhiệm mầu yêu thương của Thiên Chúa trên thế giới này. Chúng ta được tham dự vào ý định tuyệt vời đó, được báo trước ngay từ khi tạo thành vũ trụ: làm cho trái đất trở thành nơi mà những con cái Thiên Chúa được sinh ra để vào cõi vĩnh hằng.
Ngày nay, khi mà có biết bao người hỏi nhau về vai trò và ý nghĩa cuộc sống của họ trên hành tinh này, thì chúng ta đã tìm được câu trả lời rõ ràng cho họ qua bài Tin Mừng hôm nay. Khoa học nào, ý thức hệ nào và triết học nào có thể đem đến những câu trả lời thoả mãn cho những vấn đề của định mệnh con người? Tất cả đều bế tắc! Chúng ta biết rằng: không những Chúa Giêsu luôn đi cùng chúng ta mà còn đi trước chúng ta và sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin chính xác về cõi vĩnh hằng: lúc đó tất cả những gì bí mật sẽ bật mí hết.
Như vậy, có gì mà chúng ta phải sợ?
Hãy tin tưởng vào Thiên Chúa! Ngài đã đếm từng sợi tóc trên đầu chúng ta. Tất cả chúng ta đều có giá trước mắt Ngài. Con cá vàng bơi trong bể kính, con bướm đậu trên cánh hoa, và cả con chim sẻ vô tình đậu bên cửa sổ, phải chăng không phải là sự hiện diện tốt đẹp của Đấng Tạo hoá đó sao? Chả nhẽ chúng ta lại không giá trị hơn những loài đó ?
Chúng ta rất có giá trước mắt Ngài, hay nói đúng hơn con người là vô giá. Con người, dù có tàn tật, nhưng vẫn giá trị hơn các loài tinh tú trên trời và tất cả vàng trên thế giới. Mỗi người đều có một không ai trên thế giới này: về thể xác, hình thức, dung mạo, đặc tính; về dòng giống và về quyền thừa kế, về lịch sử, về cách nhận ra thế giới, về cảm xúc và về ước vọng. Con người không ai có thể thay thế được và vì thế con người là đích thực trước mặt Thiên Chúa, Đấng thấy rõ nơi mỗi người chúng ta có một hình ảnh riêng và là em của Đức Giêsu, Con yêu dấu của Thiên Chúa.
Tất cả mọi thử thách và ngay cả cái chết nào có hệ trọng gì! Trong cõi vĩnh hằng, chúng ta sẽ không gặp thẩm phán, mà chỉ có luật sư trình bày hồ sơ về lòng tin tưởng và can đảm của chúng ta đã có ở trần gian này để mà thưởng công cho chúng ta mà thôi.
Thánh nữ Têrêsa Avila nói: “Thiên Chúa không bao giờ thiếu cho các bạn bè của Ngài. Nhưng các bạn bè của Ngài đừng bao giờ sợ phải quả quyết rằng mình thuộc về Thiên Chúa, đừng xấu hổ vì Ngài trước mặt người đời, đừng câm lặng khi Ngài bị tấn công. Những bạn bè này cũng là những người mà trong mọi thử thách của cuộc đời biết rằng Thiên Chúa luôn hiện diện để nâng đỡ họ”.

 
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
========================== 
Suy niệm 2
CAN ĐẢM, TRUNG THÀNH
(Gr 20,10-13; Rm 5, 12- 15; Mt 10,26-33)
Trong giây phút đầu tiên đăng quang ngôi Giáo Hoàng, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại lời hiệu triệu và có âm hưởng mạnh trên toàn thế giới, ngài nói: “Đừng sợ, hãy mở cửa lòng đón Đức Kitô”. Lời mời gọi này được gợi hứng từ chính lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: “Vậy anh em đừng sợ người ta […] Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” ( Mt 10, 26. 28 ).
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, vững tâm, trung thành và tín thác nơi Chúa, đừng sợ hãi trước những gian nan thử thách. Ngược lại, cần có một đức tin vững mạnh và sống động, để sẵn sàng đón nhận mọi hiểm nguy và ngay cả cái chết khi loan báo Tin Mừng Nước Chúa.
1. Đừng sợ!
Trong toàn bộ Kinh Thánh, chúng ta thấy có nhắc tới 365 từ ngữ “đừng sợ”. Như vậy, hàm ý cho thấy rằng: trong một năm với 365 ngày, tương ứng với 365 từ ngữ “đừng sợ”, tức là con người ngày nào cũng phải đối diện với sự sợ hãi. Vì thế, lời trấn an “đừng sợ” của Đức Giêsu chính là lời làm cho người môn đệ được an ủi trước những sợ hãi, thử thách, đau khổ trong cuộc đời.
Trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mátthêu trình thuật việc Đức Giêsu tiên báo trước cho các môn đệ về những đau khổ và hệ lụy xảy đến khi các ông loan báo Tin Mừng“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10, 28).
Đi thêm một bước nữa, như một lời đảm bảo, Đức Giêsu đã tiên báo cho các môn đệ biết trước những công khó của các ông sẽ không bị rơi vào quên lãng, ngược lại sẽ được Thiên Chúa ghi dấu và thưởng công xứng đáng, Ngài nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10, 29).
Tuy nhiên, như một điều kiện cần và đủ, đó là: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 10, 32-33).
Khi nói như thế, Đức Giêsu đã vạch ra con đường đầy gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang của các Tông đồ và tất cả những ai tiếp bước trên con đường sứ vụ ấy.
2. Đặc tính của người môn đệ
Khi tiếp nhận lệnh truyền của Đức Giêsu về sứ vụ truyền giáo, Giáo Hội đã xác định rất rõ bản chất của mình, đó là truyền giáo. Vì vậy, là Kitô hữu, chúng ta không có lý do gì để khước từ sứ mạng cao quý này.
Tuy nhiên, nếu đã cùng một sứ vụ với Đức Giêsu, thì chúng ta cũng cùng chung số phận với Thầy của mình. Nếu Đức Giêsu đã trải qua đau khổ rồi mới tới vinh quang, thì người môn đệ cũng không có con đường nào khác nếu muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong mọi hoàn cảnh.
Nếu đường của Thầy là đường của trò. Số phận của Thầy cũng là của trò. Và nếu Đức Giêsu trước kia đi đến đâu cũng có một số người ủng hộ; một số người dửng dưng; và một số người quyết giết chết Ngài cho bằng được, thì đến lượt chúng ta, con đường êm xuôi, bằng phẳng, nhung lụa, hoa hồng chắc chắn là quá xa lạ. Ngược lại, thử thách, đau khổ, xỉ nhục, bắt bớ và giết chết lại là điều chắc chắn sẽ đến với những ai đi trên con đường ấy, bởi vì: “Trò không  hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi” (Mt 10,24).
Đứng trước những hệ lụy đó, để được thành công với sứ vụ, người môn đệ cần có những đặc tính sau: 
- Trước tiên là dấn thân:
Nếu vì sợ mà không dám dấn thân thì chưa phải là môn đệ. Đã là môn đệ thì phải dấn thân, mà dấn thân đồng nghĩa với cái chết.
Người đời thường nói: “Nếu sợ mà không dám vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con”; hay “ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai”  (Nguyễn Bá Học).
Người môn đệ chân chính của Đức Giêsu chính là phải vượt ra khỏi sự an toàn, bảo đảm cho bản thân, để: “Như chiên đi vào giữa bầy sói” (Mt 10,16). Nên chúng ta chấp nhận ngay cả khi bị tổn thương, bắt bớ, tù đầy và cái chết, để miễn sao Tin Mừng được loan báo.
- Thứ đến là không sợ hãi
Chúng ta cũng đọc thấy đây đó những câu chuyện nói về sự gương kiên trì hay vượt khó của các vĩ nhân. Có những người chấp nhận ngay cả cái chết để bảo vệ quan điểm, lý tưởng và lẽ sống của mình.
Cũng vậy, người môn đệ của Thầy Giêsu khi đã chọn Ngài làm chân lý, sự thật, lẽ sống và cùng đích cho cuộc đời, thì lẽ đương nhiên, chúng ta phải đánh đổi và chấp nhận mọi sự, để bảo vệ và đạt được mục đích ấy.
Cảm nghiệm về vấn đề này, Giáo Phụ Tertullianô đã viết như sau:
“Những người tin theo Chúa được mệnh danh là Kitô hữu. Kitô hữu (Christianus) nghĩa là thuộc về Chúa Kitô, nên họ phải có một tâm tình như Chúa Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ hình khổ. Họ không sợ bách hại, tại vì họ đã đi cùng một đường với Chúa. Câu: “Kẻ muốn theo Ta phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo” đã thấm nhập vào tâm hồn họ, nên mỗi khi phải đau khổ, cũng như bị bách hại, cấm cách, câu nói ấy lại đến với họ như chính Đấng Kitô hiện hình.  Hèn gì mà trên pháp trường họ coi gươm giáo như hoa hồng, coi lý hình như bạn hữu. Họ chỉ sợ một Thiên Chúa – Đấng sẽ phán xét họ, nếu họ đi trệch đường”.
- Cuối cùng là biết cậy trông vào Chúa
Thật là mầu nhiệm! Nếu bình thường, bản tính con người ai cũng rất sợ đau khổ và chết chóc, thế nhưng tại sao những môn đệ của Đức Giêsu lại vững tâm, can trường và liều mạng đến như vậy? Thưa đơn giản, đó là vì các ngài đã “Tín thác đường đời cho Chúa và tin tưởng vào Ngài” bởi vì: “Ơn ta đủ cho con” (2 Cr 12,9); và “ hằng ở với con” (Gr 1,10) “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 26,20).
Chính bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nói đến sự an bài quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời của người môn đệ nếu biết cậy trông, phó thác nơi Chúa, Ngài nói: “Không con chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên đầu các con đã được đếm cả rồi” (Mt 10, 30).
3.     Sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, dấn thân lên đường thi hành sứ vụ đến với muôn dân. Hãy đón nhận mọi thử thách gian khổ trong cuộc đời như một điều kiện cần để đạt được sự sống đời đời. Luôn biết phó thác và cậy trông nơi Chúa, vì chẳng lẽ chúng ta xin Chúa con cá mà Ngài lại cho con rắn, hay xin bánh lại cho đá? Không đời nào! Cũng vậy, những lúc nguy biến và khổ đau, Ngài thường vác chúng ta trên vai; hay trước những thử thách, bất trắc, thất bại trong cuộc đời, chúng ta luôn nhớ rằng: Chúa đóng cửa chính thì Ngài sẽ mở ra cho chúng ta cửa sổ; Chúa đóng đường chính, Ngài sẽ mở đường phụ, và biết đâu, cửa sổ hay đường phụ lại tốt đẹp hơn và an toàn hơn cho chúng ta???
Tin tưởng điều đó, chúng ta hãy can đảm làm chứng cho Chúa, nhất là trung thành với sự thật như lời Ngài đã phán: "Anh em đừng sợ người ta […].  Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng (Mt 10, 26-27).
Như vậy, không thể vì bất cứ mối lợi gì mà đánh đổi sự thật. Mất đi sự thật, ấy là chúng ta mất đi căn tính, bởi sự thật thuộc về Thiên Chúa, còn gian dối thuộc về ma quỷ.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con trung thành với sứ vụ và đón nhận mọi thử thách đau thương trong cuộc đời. Amen.

 
Jos. Vinc. Ngọc Biển

===========================
Suy niệm 3
Đừng Sợ
 (Mt 10, 26 -33)
Trên đời con người có nhiều thứ bủa vây, một trong những thứ đó là cái “sợ”. Càng văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới. Nỗi sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui… Nỗi sợ có vẻ gắn liền với sự mong manh của phận người. Người ta sợ nhiều thứ : sợ đau khổ, sợ thử thách, sợ bệnh hoạn, sợ thiếu thốn và nhất là sợ chết… Xem ra, nỗi sợ hãi luôn ám ảnh con người và dù muốn dù không con người vẫn bị bủa vây bởi trăm ngàn mối hiểm nguy. Thấu hiểu điều đó, nên khi dạy dỗ cho các môn đệ, Chúa Giêsu khuyên : “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn... Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (x. Mt 10, 28-31). 
Lời căn dặn “Đừng sợ” của Chúa Giêsu đã trở thành sức mạnh cho Giáo Hội. Hai mươi thế kỷ sau, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong ngày đầu tiên lãnh đạo Giáo Hội đã lập lại lời Thầy Chí Thánh: “Đừng sợ”. Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã không ngừng kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới “Đừng sợ”:
“Anh chị em đừng sợ đón lấy Chúa Kitô và nhận lấy quyền năng của Người!”.
“Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lãnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào”.
“Đừng sợ! Chúa Kitô biết rõ “mọi điều trong lòng người”! Và chỉ một mình Người biết rõ” (thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).
Thái độ “không sợ” được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói đến vượt trên ý nghĩa thông thường là sự bất khuất, không nao núng trước bạo lực, bạo quyền. Không sợ là thái độ vượt thắng sự thủ thế, co về mình, không dám mở ra đón lấy sự cao cả, siêu việt, linh thánh của Tin Mừng Cứu độ và cũng không đủ nghị lực và sự kiên trì đưa Tin Mừng trở thành hiện thực nơi trần gian, xây dựng Nước Chúa ngay trong thực tại trần thế.
Từ “Đừng sợ” lại vang lên trong bài giảng thứ hai trên cương vị giáo hoàng, khi cử hành việc tiếp nhận ngai tòa giám mục giáo phận Rôma, ngày Chúa nhật 12-11-1978, tại nhà thờ Chánh tòa Gioan Latêranô, Đức Gioan Phaolô nói rõ thêm về lời kêu gọi “Đừng sợ”.
Đừng sợ đón lấy và thực thi lối sống Tin Mừng. Đó là sống yêu thương, không hận thù, như chính Đức Kitô yêu thương và đã tha thứ cho kẻ bách hại mình: “Tình yêu thì kiến tạo. Chỉ có tình yêu mới có thể kiến tạo được. Còn thù hận thì phá hủy. Lòng hận thù không kiến tạo được gì hết. Nó chỉ gây đổ vỡ. Nó làm tan nát đời sống xã hội. Nó chỉ có thể gây sức ép đối với những người yếu đuối và chẳng xây dựng nổi một điều gì” (Gioan Phaolô II – Bài giảng lễ nhận nhà thờ Chánh tòa Gioan Latêranô của Giám mục Rôma)
Đừng sợ sống yêu thương trong thế giới còn đầy tràn lòng thù hận. Đó là tín thư của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Một tín thư xụất phát từ sứ điệp Tin Mừng Cứu độ của Đức Kitô. Sứ điệp của niềm Hy vọng: “Hãy làm cho những Lời hằng sống của Đức Kitô đến được với mọi người để họ nghe được Lời của Chúa, sứ điệp của niềm Hy vọng” (Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).
Tiếp nối đường hướng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong ngày lên ngôi, Đức Bênêđictô XVI đã thắp lên lời hy vọng: “Hãy tiến lên phía trước, vì có Chúa ở cùng”. Nếu một phần tư thế kỷ trước là “Đừng sợ”, thì một phần tư thế kỷ sau lại là: “Hãy tiến lên phía trước, Thiên Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta. Mẹ Chí Thánh của Người ở ngay bên cạnh chúng ta…”. Và trong Sứ điệp nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVII, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết : “Các bạn trẻ thân mến, đừng sợ phải liều mạng mình cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Đó là phương cách tìm được bình an nội tâm và hạnh phúc đích thực”.
Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13-3-2013, Ngài đã là cho nhiều lần dùng kiểu nói “đừng sợ”.
Thật vậy, sống ở đời làm sao tránh khỏi những căng thẳng, lo âu, sợ hãi khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Chính Chúa Giêsu cũng có những lúc bàng hoàng xao xuyến. Khi bảo “anh em đừng sợ” Chúa Giêsu muốn ta đừng để cảm xúc sợ hãi làm tê liệt đời sống chúng ta. Người bảo chúng ta : “đừng sợ”. “Đừng sợ” ngay trong mọi biến động, “đừng sợ”, vì “Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ” (Gr 20,13). “Đừng sợ”, khi phải đối diện với đau khổ hay sự chết bởi vì Thiên Chúa, Đấng yêu thương quan tâm chăm sóc chúng ta, vì Ngài là Cha nhân từ, trung tín, thấu hiểu chúng ta cần gì, vì đối với Ngài, chúng ta “quý hơn muôn vàn chim sẻ” (x. Mt 10,31). Ta hãy sống như con thơ phó thác cách đơn sơ trọn vẹn cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, trong mọi công việc.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thật, hành động thật và tin tưởng phó thác nơi Chúa. Đừng sợ những khó khăn thử thách trong đời sống đạo. Đón nhận con đường khổ giá như là điều kiện cần cho phần rỗi của mình. Luôn nhớ rằng khi chúng ta tin và sống đạo, hẳn chúng ta không thể thoát khỏi sự hiểu lầm, chống đối và đôi khi cả cái chết nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và ngang qua đó, chúng ta sẽ thấy cùng đích của cuộc đời nằm ở nơi Thiên Chúa chứ không phải những thứ mau qua, chóng hết ở đời này.
Lạy Chúa, nỗi sợ làm cho con chùn bước, rụt rè trong đời sống đức tin của con, xin cho con thêm sức mạnh để con không còn sợ hãi Chúa ơi. Amen.
 
Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log