Thứ tư, 15/01/2025

Giải đáp các vấn nạn liên quan đến Đức tin và Khoa học (tiếp theo)

Cập nhật lúc 15:52 14/02/2016
Vấn đề 14. Thiên Chúa chỉ là hình ảnh do con người tạo ra. Nói cách khác, con người đã tưởng tượng ra một Vị Thiên Chúa, rồi gán cho Đấng ấy những gì thấy có nơi chính mình. Thực sự ngoài con người, không có một thần thánh nào cả !
 
TRẢ LỜI
 
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Một số người quá đề cao nhân phẩm, chỉ biết có con người và không chấp nhận những gì siêu nhiên ngoài con người. Từ ý niệm đó, họ phủ nhận Thiên Chúa và cắt nghĩa những thực tại tôn giáo siêu nhiên theo lăng kính tự nhiên :
- Hégel, một triết gia người Đức thuộc trường phái duy tâm, vì bị ảnh hưởng của lối cắt nghĩa Kinh Thánh tự do theo mỗi cá nhân của đạo Tin Lành, nên dần dần đi đến chỗ phủ nhận Thiên Chúa mạc khải. Theo Hégel, thực sự không có một Đấng nào khác gọi là Thiên Chúa ở ngoài con người cả. Kinh Thánh cũng không phải do Thiên Chúa mạc khải như nhiều người lầm tưởng, mà chỉ là một lối tự thức của con người. Con người đã nói về mình mà cứ tưởng là do Thiên Chúa mạc khải về chính bản thân Ngài. Nói cách khác, con người đã gán cho Vị Thiên Chúa mà họ tưởng tượng ra những gì thấy nơi chính mình. Tư tưởng của Hégel về Thiên Chúa cũng tương tự như câu nói của một triết gia Hy Lạp cổ điển ngày xưa : “Nếu bò vàng biết tạc tượng, thì chúng sẽ tạc tượng thần minh theo hình bò ngựa”.
- Feuerbach còn đi xa hơn nữa trong việc chối bỏ sự hiện hữu thực sự của Thiên Chúa. Theo ông, con người nhận thấy mình có khả năng hiểu biết, có sức hoạt động, có khả năng yêu thương..., nhưng những điều ấy ở nơi con người đều hạn hẹp và gặp những trở ngại không sao trở nên hoàn hảo được. Từ đó con người đã quan niệm rằng phải có một vị Thiên Chúa có tất cả những khả năng ấy và có một cách hoàn hảo vô cùng. Vậy thì Thiên Chúa với các đặc điểm thông minh vô cùng, quyền phép vô cùng và là hiện thân của tình thương… cũng chỉ là bản tính của con người được tuyệt đối hóa. Nếu công nhận một Vị Thiên Chúa như thế tức là con người đã đánh mất bản tính làm người của mình, và sẽ ở trong tình trạng bị vong thân. Vậy, muốn làm người hoàn toàn thì cần phải phủ nhận Thiên Chúa.
- Nietzsche tác giả tiểu thuyết Siêu Nhân, cũng chia sẻ lập trường của hai triết gia nói trên khi ông mạnh dạn tuyên bố : “Thiên Chúa đã chết, tôi đã giết Thiên Chúa”. Theo ông đã đến lúc con người phải sống đời người của mình, tự nắm lấy vận mệnh của mình, chứ đừng tin nhảm, quá ỷ lại vào một quyền lực siêu phàm nào khác ở ngoài mình. “Hẳn bạn biết rõ, con quỷ hèn nhát trong người bạn chỉ thích chắp tay và khoanh tay nhìn, và muốn sống một đời sống dễ dãi hơn. Con quỷ hèn nhát ấy bảo bạn : có Thiên Chúa”.
- J.P Sartre một triết gia hiện sinh vô thần, cũng đồng tư tưởng phải phủ nhận Thiên Chúa để con người được thực sự làm người : “Nếu có Thiên Chúa, con người là số không”. Theo ông, con người hãy chú ý tới đời sống hiện tại, đời sống của một con người xứng đáng. “Alleluia, không có trời nữa, không có địa ngục nữa, mà chỉ có trái đất”.
- Merleau Ponty “đưa cái tuyệt đối vào trung tâm tư tưởng của loài người là làm cho mọi hoạt động của tư tưởng phải dừng lại, bởi vì con người là đấng tối cao của con người” (K. Marx). Bởi thế, cần phải thâu hồi tất cả nghị lực của nhân loại đã hoài công hướng về một Vị Thiên Chúa không tưởng, chỉ là sự phóng chiếu nỗi nhớ tiếc của chúng ta, chỉ là rác rưởi của mơ mộng (Rostand). Phải đem lại cho con người sự giải thoát khỏi tình trạng tôn giáo, phải để cho con người ý thức được sự cao cả của họ, sự can đảm của thân phận kiếp người.
 
II- GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Thực ra, những tư tưởng của các triết gia ở trên thiếu tính cách vô tư khách quan. Vì muốn đề cao con người nên đã tìm cách phủ nhận Thiên Chúa, trình bày Thiên Chúa một cách lố lăng, coi Thiên Chúa như một ông chủ độc đoán hà khắc, và con người phải mang thân phận tôi đòi lệ thuộc hoàn toàn vào Ngài. Ông chủ Thiên Chúa ấy lại quá tham lam, chiếm đoạt tất cả thế giới và con người, chà đạp tạo vật của mình một cách khoái trá, một vị bạo chúa hay ghen ghét và bất công. Từ đó họ đi đến chỗ khẳng định con người cần phải vùng lên lật đổ Vị Thiên Chúa độc đoán ấy để dành lại quyền làm chủ đời mình. Nhưng thử hỏi Thiên Chúa mà người công giáo tôn thờ có phải là ông chủ hà khắc của các triết gia vô thần không ? Làm sao con người lại biết được bản tính ấy nơi Thiên Chúa ?
1) Người tín hữu phải phủ nhận lối trình bày Thiên Chúa một cách lố lăng. Thiên Chúa của chúng ta là một Đấng Siêu Việt, hiện hữu thực sự, là Đấng Tạo Hóa đã sáng tạo ra con người, chứ không phải con người đã sáng tạo, tưởng tượng ra hình ảnh của Ngài. Con người không bao giờ có thể chiếm địa vị của Thiên Chúa vì luôn có những giới hạn không bao giờ có thể vượt qua được. Chẳng hạn, con người không thể chiến thắng tội ác, đau khổ, bất công, bệnh tật, cái chết…v.v.
Mặc dù con người không tin Thiên Chúa nữa, Thiên Chúa cũng không vì thế mà không hiện hữu”  (Graham Green). Nhiều người muốn bắt được quả tang Thiên Chúa đang hiện hữu, nhưng Thiên Chúa không hiển nhiên (Tôma Aquinô). Nếu Thiên Chúa hiển nhiên thì đã chẳng có người dám lên tiếng phủ nhận Ngài. Thiên Chúa hiện diện qua dấu vết của Ngài để lại trong thiên nhiên, như khi thấy một vết chân trên mặt cát ẩm ướt ngoài bãi biển, ta dễ dàng nhận biết một người nào đó mới đi qua, thì khi nhìn vào những vết tích đẹp đẽ, trật tự, chuyển động trong vũ trụ, ta cũng có thể nhận biết Thiên Chúa đã sáng tạo và an bài. Chính vì thế mà con người có trí khôn thuộc bất kỳ thời đại nào, ở bất cứ nơi đâu cũng công nhận Thiên Chúa. Nhà hiền triết Platon nước Hy Lạp đã nói : “Tất cả những ai có một chút trí khôn đều kêu cầu Thần Minh lúc khởi sự công việc của họ, bất luận việc to hay việc nhỏ”. Cicéron, một văn hào La Mã cũng quả quyết rằng : “Không một dân tộc nào dù thô bỉ man rợ đến đâu, mà không tin có Thần, dẫu rằng họ nhầm về bản tính Ngài”. Các nhà thám hiểm, các vị truyền giáo đều nói rằng khắp năm châu bốn bể, chỗ nào trên mặt đất cũng vậy, các dân tộc đều tin nhận Thượng Đế, cho dầu quan niệm về Ngài có khác biệt nhau. Do đó, các triết gia thường định nghĩa : “Con người là con vật có tôn giáo”.
2) Nhưng bản tính Thiên Chúa ra sao ? Phải chăng Ngài cũng có những tâm tình của con người, cũng yêu buồn giận ghét… như một con người ?
Có người chủ trương Thiên Chúa bất khả tri, không thể biết gì về Ngài cả, vì ta không thể trông thấy, sờ chạm, thí nghiệm Ngài được. Do đó, tất cả những gì người ta nghĩ về Thiên Chúa đều sai lầm, và chỉ là những đặc tính của con người được gán cho Ngài mà thôi, như một triết gia đã quả quyết : “Tất cả những gì người ta nói về Thiên Chúa đều không phải là Thiên Chúa”.
Thực ra, con người với trí khôn vẫn có thể biết được một phần nào về bản tính Thiên Chúa nhờ suy luận và nhất là nhờ mạc khải của chính Ngài qua Kinh Thánh.
a) Nhờ trí khôn suy luận : với lý trí tự nhiên, người ta có thể biết phần nào về bản tính Thiên Chúa khi quan sát những vết tích của Ngài trong vũ trụ tự nhiên và nơi con người theo hai phương pháp :
- Phương pháp tiêu cực : Gạt bỏ khỏi bản tính Thiên Chúa tất cả những gì khuyết điểm, thiếu sót tìm thấy nơi mọi tạo vật.
- Phương pháp tích cực : Qui về Thiên Chúa tất cả những gì hoàn hảo, tìm thấy nơi mọi vật thụ tạo, sau khi đã nhân lên bậc vô cùng siêu việt.
Sự suy luận về bản tính Thiên Chúa nói trên, tuy còn nhiều khuyết điểm, nhưng cũng là một điều hợp lý. Người ta thường nói “xem quả biết cây”, nhìn một chiếc máy người ta có thể suy ra phần nào tài năng của người kỹ sư sáng chế, hoặc của người thợ ráp máy giỏi tới mức độ nào, cẩn thận hay bừa bãi, lành nghề hay mới tập việc ? Thế thì khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên trong toàn bộ cũng như từng chi tiết, ta lại không nhận ra trí thông minh và tài năng siêu việt của Hóa Công sao ?
1. Thiên Chúa có Ý CHÍ : Chúng ta biết rằng tất cả mọi hoạt động đều do ý chí điều khiển, vì nếu không muốn thì làm sao hành động được. Vậy mà vũ trụ là tạo vật của Thiên Chúa lại luôn chuyển động, nên dĩ nhiên sự chuyển động ấy đòi phải do một ý chí điều động, Thiên Chúa phải có Ý CHÍ.
2. Thiên Chúa có TRÍ TUỆ : Chúng ta cũng biết rằng ngẫu nhiên chỉ sinh ra hỗn độn, và ở đâu có trật tự thì ở đó phải có một trí khôn xếp đặt. Thế mà khi nhìn vào vũ trụ, chúng ta thấy có một trật tự lạ lùng, đâu đâu cũng có luật lệ chi phối và hòa hợp với nhau theo một chiều hướng chung. Chẳng hạn thành phần của không khí bao gồm 21% dưỡng khí, 78% đạm khí và 1% các chất khác. Nếu có sự thay đổi thành phần đó thì sẽ gây ra rất nhiều rắc rối cho các sinh vật. Thế mà từ xưa đến nay vẫn có một sự xếp đặt nào đó để cho thành phần không khí nói trên không thay đổi. Nói xếp đặt, nói lề luật, nói thứ tự… tức là nói đến trí tuệ vậy. Do đó, ta suy biết Thiên Chúa phải có TRÍ TUỆ.
3. Ý chí và trí tuệ của Thiên Chúa phải VÔ CÙNG :
Vũ trụ mà mắt ta quan sát được thực là bao la. Càng ngày với những viễn vọng kính tối tân hơn, ta lại có thể nhìn xa hơn và càng cảm thấy sự mênh mông vô tận. Quả đất mà ta đang sống đây to lớn biết bao, thế mà mặt trời còn to hơn nó những 1.300.000 lần. Một ngôi sao gần ta nhất cũng cách xa 4 năm rưỡi ánh sáng (4,5 x 9.460 tỷ km). Ngày nay người ta đã biết được những tinh tú cách xa chúng ta hàng tỷ quang niên, thế mà người ta vẫn chưa biết hết những ngân hà trong vũ trụ. Càng ngày người ta càng khám phá thêm những giải ngân hà, mỗi cái chứa đựng từ 50 đến 80 tỷ ngôi sao. Hơn nữa, đâu đâu chúng ta cũng thấy có sự xếp đặt trật tự, từ cái cực to đến cái cực nhỏ. Thế thì Đấng tạo dựng nên vũ trụ với những đặc tính như vậy phải có ý chí và trí tuệ VÔ CÙNG
4. Thiên Chúa là ĐẤNG THIÊNG LIÊNG
Nơi Thiên Chúa không có chút gì là vật chất. Ngài không có hình hài thể xác nên ta không thể trông thấy Ngài như một vật hữu hình được. Sở dĩ Thiên Chúa không thể là vật chất vì vật chất thì chưa hoàn hảo và có thể đổi thay. Con Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo và không thể đổi thay thêm bớt gì nữa. Do đó, Ngài là Đấng THIÊNG LIÊNG SIÊU HÌNH.
5. Thiên Chúa là ĐẤNG TOÀN NĂNG
Nghĩa là Ngài có khả năng làm được mọi sự. Ngài muốn là tức khắc phải xảy ra như vậy. Ngài có thể sáng tạo ra trăm ngàn vũ trụ khác hoặc tiêu hủy tất cả mọi vật hiện có dễ như không. Chính vũ trụ bao la vô tận với những định luật lạ lùng điều khiển chi phối từ cái to nhất đến vật nhỏ nhất là bằng chứng về sự TOÀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA.
6. Thiên Chúa Ở KHẮP MỌI NƠI
Nghĩa là không có nơi nào mà không có Thiên Chúa hiện diện. Vì Chúa thiêng liêng và toàn năng nên Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi. Ngài hiện diện bằng quyền năng để gìn giữ an bài mọi việc xảy ra theo Ý ĐỊNH khôn ngoan của Ngài. Vì toàn năng, hoàn hảo, nên Ngài luôn có sự duy nhất. Ý muốn của Chúa cũng là trí tuệ và bản tính của Ngài. Do đó, ta nói Thiên Chúa Ở KHẮP MỌI NƠI vậy.
7. Thiên Chúa THÔNG BIẾT MỌI SỰ
Nghĩa là Ngài thông biết những tư tưởng thầm kín của ta, vì Ngài toàn năng và hiện diện ở khắp mọi nơi.
Tuy nhiên, phải công nhận rằng tất cả những ưu phẩm của Thiên Chúa do sự suy luận ở trên không chắc chắn bao nhiêu. Đối với tâm trí loài người, Thiên Chúa vẫn thật là Đấng khôn tả, chỉ có Ngài mới có thể hiểu được Ngài mà thôi. Đức hồng y Daniélou nói : “Một vị Thiên Chúa mà con người có thể biết được tường tận thì không phải là Thiên Chúa chân thực” (Daniélou, Dieu et nous, tr. 57).
b) Nhờ mạc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh
Để bù đắp những khuyết điểm thiếu sót trong việc dùng lý trí suy luận tìm hiểu về bản tính Thiên Chúa, con người có một nguồn gốc căn bản để nhận biết Ngài một cách chắc chắn không sợ sai lạc là KINH THÁNH. Kinh Thánh chính là lời của Thiên Chúa bày tỏ về bản tính và các hoạt động của ngài cho loài người được hiểu : “Thuở xưa, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua trung gian các tiên tri. Bây giờ Ngài nói với chúng ta qua Con Một Ngài” (Dt 1,1). Toàn bộ Kinh Thánh là lịch sử của Lời Chúa. Con người đã dần dần nhận biết về Thiên Chúa một cách sâu xa chắc chắn nhờ Lời Ngài dạy bảo hơn là nhờ lý trí suy biết.
A. CỰU ƯỚC
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa hiện ra như một nhân vật sống động. Ngài chăm sóc đến dân Ngài như một người thân yêu để nối lại với nhân loại mối dây liên lạc đã bị tội lỗi cắt đứt. Các tác giả Kinh Thánh phải dùng từ ngữ của con người để diễn tả những chân lý siêu nhiên của Thiên Chúa, nên có khi đã hình dung Ngài với những cử chỉ của con người như nói chuyện thân mật với Ađam, tỏ bày khuôn mặt, giơ tay..., hoặc diễn tả những tâm tình giống như con người, thoả mãn trước công trình sáng tạo, giận dữ khi loài người phản bội, hối tiếc vì đã dựng nên con người...v.v.
Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa không phải chỉ là một vị Thần trừu tượng, khô khan lạnh lùng của các triết gia suy luận, nhưng ngài đã trở nên một nhân vật bang giao thân hữu với các tổ phụ như người với người.
- Ngài chỉ có một : “Thật thế, chỉ có Ta là Chúa và không có Chúa nào khác. Ta là Thiên Chúa và không một ai ngang hàng với Ta” (Is 46,9 - 43,10; Xac 20,3).
- Ngài là Đấng Tối Cao, đã hiện ra với Maisen giữa sấm sét oai hùng. Tư tưởng và dự định của Ngài thì không ai có thể khám phá ra được (Xh 19,18-22). “Thiên Chúa không phải là một con người để nói dối, cũng không phải thuộc dòng dõi con người để rút lời” (Is 57,15; Ds 23,19).
- Ngài là Đấng thánh thiện, tuyệt hảo : “Ta là Đấng Thánh” (Os 11,9). “Ta lấy sự thánh thiện của Ta mà thề” (Am 4,2 ; 2,7). “Thiên Chúa là Thánh” (Is 6,3). “Danh Ngài là Thánh” (Lv 20,3). Ngài thánh thiện tuyệt đối, nên người đời không thể tới gần Ngài mà không kính sợ
(Is 6,2).
- Ngài là Thiên Chúa vĩnh cửu, siêu thời gian : “Trước khi có sông núi, trước khi trời đất sinh ra, lạy Chúa, Chúa hằng có”. “Giavê hằng sống”. Là “Thiên Chúa đang sống” (Tv. 90,2)
- Ngài là Đấng toàn năng : “Chúa chúng ta ngự trên trời, Ngài làm tất cả những gì Ngài muốn” (Tv 115,3).
- Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi : “Con lên trời thì có Chúa đó. Con xuống âm phủ thì Chúa cũng có ở đó. Nếu con bay về chân trời và nếu con đến tận cùng nước biển, tại đó cũng do bàn tay Chúa dẫn đưa con đến” (Tv 139,8-10).
Những đặc tính ấy như đào sâu một hố ngăn cách sâu xa giữa Thiên Chúa và loài thọ sinh, sâu đến nỗi không ai có thể lấp đầy được. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện trong chúng ta. Ngài luôn trung thành với những lời đã hứa, và là đấng nhân hậu, âu yếm như một bà mẹ với đứa con thơ (Is 49,15), ân cần lo lắng như một mục tử tốt lành đối với bầy chiên (Ez 34,16), đam mê như một tình nhân (Os  2,16.19.20).

B. TÂN ƯỚC
Chưa bao giờ có người nào đã thấy Thiên Chúa. Nhưng chính Con Một trong cung lòng Chúa Cha đã mạc khải về Thiên Chúa cho chúng ta” (Ga 1,18). Mầu nhiệm về Thiên Chúa mà các tiên tri mới chỉ gợi lên trong Cựu Ước, thì bây giờ lại càng được tỏ lộ rõ ràng nhờ miệng lưỡi của Con Thiên Chúa xuống thế làm người (Ga 1,14).
Thiên Chúa của thời Tân Ước do Đức Kitô mạc khải không còn là Đấng hay tỏ quyền, nhưng :
- Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,16).
- Ngài là Đấng trọn tốt trọn lành :  “Các ngươi hãy nên trọn lành như Cha các ngươi ở trên trời” (Mt 4,48).
- Ngài cũng là Thiên Chúa toàn năng hay thương xót : “Vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại. Ngài quyền năng và danh Ngài là Thánh ” (Lc 1,49).
- Đối với loài người thì thật là khó nhưng đối với Thiên Chúa thì khác, vì “không có điều gì Ngài không làm được” (Mc 10,27).
- Ngài hay xót thương như người cha già âu yếm tha thứ cho đứa con phung phá (Lc 15,11).
- Ngài là Cha thật chúng ta, hằng luôn săn sóc và thỏa mãn nhu cầu của con người : “Lạy Cha chúng con ở trên trời” (Mt 6,9).
Vậy các con đừng lo lắng phải ăn gì, uống gì, mặc gì... Cha các con đã biết các con cần những gì rồi” (Lc 12,29).
- Ngài là Đấng sáng tạo, hằng ban ơn thánh phù giúp, nâng ta lên địa vị làm con với quyền thừa hưởng gia sản nước Trời (Gl 4,5-7).
- Chỉ có một Thiên Chúa, nhưng ngài có Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần. “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,29).
Như vậy, sự nhận biết Thiên Chúa nhờ Thánh Linh rất khác biệt với những kiến thức về Thiên Chúa do trí khôn suy luận đem lại. Pascal nói : “Chỉ có Thiên Chúa mới nói về Ngài một cách chính xác được mà thôi”. Thiên Chúa đã nói qua người Con Một của Ngài là Đức Kitô : “Không ai biết được Chúa Cha, ngoại trừ người Con và những kẻ người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27).
Tóm lại, Thiên Chúa không phải chỉ là một sự tưởng tượng. Với trí khôn, con người phải công nhận có Thiên Chúa là Đấng đã sáng tạo vũ trụ trời đất, muôn vật, đồng thời con người cũng có thể biết  được phần nào về bản tính Ngài. Nhưng nhờ mạc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, chúng ta biết một cách rõ ràng chắc chắn về Thiên Chúa, về những công việc Ngài đã  thực hiện, và đến ngày tận thế, chúng ta sẽ được diện kiến Thiên Chúa mặt đối mặt nữa (1Cr 13,12; 1Ga 3,2).

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log