Thứ tư, 15/01/2025

Giải đáp các vấn nạn liên quan đến Đức tin và Khoa học (tiếp theo)

Cập nhật lúc 16:04 12/01/2016
Vấn đề 7 : Loài người chỉ là chặng đường biến hóa cuối cùng của vật chất, từ loài khỉ vượn lao động đột biến thành người, chứ không do thần thánh nào tạo dựng nên.
 
Vấn đề 8 : Thực tế chứng minh chính con người đã sinh ra con người chứ không phải ai khác. Nhờ sự biến dịch của vật chất và nhờ sức lao động mà con người đã hiện hữu và tiến bộ trổi vượt hơn mọi loài vật khác.
 
 TRẢ LỜI
 
I. LẬP TRƯỜNG THUYẾT TIẾN HÓA KHOA HỌC TỔNG HỢP
Ngay từ thời cổ xưa, đã có nhiều triết gia đề cập đến vấn đề tiến hóa di truyền từ vật nọ sang vật kia như Anaximène de Milet (500 năm trước TC), Aristote (400 năm trước TC), thánh Augustin (400 năm sau TC)... Nhưng những lý thuyết ấy chỉ là kết quả của sự quan sát suy luận chứ không có nền tảng khoa học chắc chắn. Mãi đến thế kỷ 18 một số nhà khoa học mới nêu ra được những giả thuyết tương đối có nền tảng hơn như các ông Lamarck (1744-1829) và Darwin (1809-1882) (phần Phụ chú dưới đây).
Cách đây ít lâu, người ta đào được một số bộ xương người đã hóa thạch trong các tầng đất cổ dưới mặt địa cầu. Chẳng hạn người vượn Phi Châu (tìm được ở Nam Phi, cách đây khoảng 1.700.000 năm), người Nam Dương Java (khoảng 700.000 năm), người Bắc Kinh (khoảng 600.000 năm)... Khi quan sát, người ta nhận thấy những bộ xương này có hình dạng gần giống với xương của loài khỉ vượn.
Vì đứng trên lập trường khoa học, muốn tìm hiểu và cắt nghĩa mọi hiện tượng thiên nhiên bằng những nguyên nhân vật chất thực nghiệm, nên dĩ nhiên các nhà bác học phải kết luận loài người và khỉ vượn cùng một dòng họ. Loài người là chặng đường tiến hóa cuối cùng của tiến trình biến hóa từ loài khỉ. Đó là giả thuyết tiến hóa khoa học.
Giả thuyết này đã gây ra những cuộc tranh luận rất gay go và cho tới nay vẫn chưa đi đến một kết luận dứt khóat vì còn thiếu nhiều yếu tố, chẳng hạn :
- Các bộ xương hóa thạch tìm được từ xưa đến nay vẫn còn quá ít, không đủ để xếp đặt một dây liên lạc tiến hóa hữu lý từ loài khỉ vượn dần dần biến thành người.
- Hơn nữa các bộ xương tìm được lại thuộc nhiều giống người (đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ…) và ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới (Phi châu, Nam Dương, Trung Hoa…), nên công việc nghiên cứu lại càng khó khăn gấp bội.
Tuy nhiên, một số triết gia duy vật vô thần đã vội chấp nhận giả thuyết tiến hóa như là chân lý chắc chắn, rồi phối hợp với thuyết Biện chứng pháp của Hégel, một triết gia người Đức thuộc trường phái Duy Tâm, để cắt nghĩa về nguồn gốc vũ trụ và con người theo chiều hướng phủ nhận Thiên Chúa sáng tạo như sau :
Trái đất hình thành cách nay khoảng 4 tỷ năm, nhưng loài người mới xuất hiện cách đây mấy triệu năm. Khoa học đã chứng minh hàng nghìn triệu năm sau khi xuất hiện, trái đất tự nhiên phát sinh ra các sinh vật đơn giản đầu tiên. Những sinh vật ấy phát triển qua một quá trình rất dài từ thấp lên cao, từ sinh vật đến động vật, từ động vật cấp thấp đến động vật cấp cao. Loài người không phải do thần thánh tạo ra, mà hình thành từ một loài khỉ vượn cổ xưa, là loài động vật cao cấp nhất thời đó, sau khi trải qua hàng chục vạn năm lao động. Vượn người lúc đầu sống từng đàn trên cây, sau đó do điều kiện thiên nhiên thay đổi phải xuống đất kiếm ăn. Sống trên mặt đất, vượn người tập đứng thẳng, dùng chân trước lấy que củi đập quả trên cây cao, cầm đá ném thú rừng… nên thói quen đi bốn chân mất dần, hai chân trước trở thành hai tay, dần dần biết chế tạo công cụ thô sơ để săn thú, bắt cá, đào củ…
Lao động bắt đầu với việc chế tạo công cụ là bước đầu trong sự chuyển biến từ vượn thành người. Bàn tay nhờ lao động mà ngày càng khéo léo. Đôi chân cũng phát triển, thích nghi với việc đi thẳng. Những yếu tố đó đã tác động trên các bộ phận khác của cơ thể, nhất là bộ óc. Rồi do yêu cầu của lao động và trong điều kiện sống từng đàn mà ngôn ngữ xuất hiện. Lao động và ngôn ngữ là hai sức kích thích chủ yếu, đã ảnh hưởng đến bộ óc của con vượn, làm cho bộ óc ấy dần dần biến chuyển thành bộ óc của con người. Khi bộ óc phát triển sẽ tác động ngược lại để thúc đẩy quá trình lao động và ngôn ngữ sẽ phát triển theo. Con người hình thành qua quá trình phát triển đó.
Về sau loài người đã tìm ra lửa. Nhờ có lửa mà kỹ thuật chế tạo công cụ mỗi ngày một tiến bộ. Thức ăn trở nên dồi dào và cuộc sống ngày càng phong phú hơn.
Từ cuộc sống du mục nay đây mai đó, loài người cùng huyết tộc ăn ở chung thành công xã thị tộc. Đó là sự phát triển buổi đầu của xã hội loài người.
 
Phê bình thuyết tiến hóa tổng hợp duy vật
Thoạt tiên, khi mới đọc qua, người ta thường có chung cảm tưởng thuyết tiến hóa tổng hợp nói trên là chân lý đáng tin, vì dựa vào bằng chứng khoa học cụ thể cùng sự suy luận rất hữu lý mạch lạc. Tuy nhiên khi phân tích kỹ, thuyết này không khỏi có nhiều khuyết điểm.
            a) Khuyết điểm đầu tiên là dựa trên một giả thuyết khoa học thiếu bằng chứng xác đáng là “loài người từ khỉ vượn biến thành”. Do đó thuyết tiến hóa tổng hợp này thiếu nền tảng vững chắc và dễ dàng sụp đổ nếu một giả thuyết khoa học hợp lý khác xuất hiện.
           b) Khuyết điểm thứ hai là tự mâu thuẫn về thời gian trái đất xuất hiện. Vì theo lập trường duy vật biện chứng thì vũ trụ vật chất vẫn có từ đời đời và sẽ còn tồn tại mãi mãi, nên không có sự sáng tạo của Thiên Chúa, thế mà thuyết tiến hóa tổng hợp này lại cho biết tuổi của trái đất.
Khoảng 4 tỷ năm, nghĩa là đã có một lúc không có trái đất như trong tình trạng hiện thời. Đang từ không ra có, hoặc từ một tình trạng hỗn độn vô trật tự dần dần trở nên một khối vất chất có trật tự và không ngừng biến hóa theo những qui luật nhất định hoàn hảo, từ vật cực to (vũ trụ với các hành tinh, tinh tú) đến cái cực nhỏ ( nguyên tử, điện tử)… thì đòi phải có một nguyên nhân sáng tạo hoặc trực tiếp từ không ra có, hoặc gián tiếp cho vật chất đã được sáng tạo ra trước đó có khả năng tiến hóa theo một quy luật nhất định, để dần dần thành ra địa cầu với một trật tự về khí hậu, mùa màng, thời tiết, như ta thấy ngày nay. Ngẫu nhiên không bao giờ có thể tự phát sinh vật chất và có sự tiến hóa cách trật tự như hiện tại nơi vũ trụ và địa cầu được. Nguyên nhân sáng tạo trực tiếp hay gián tiếp ấy là Thiên Chúa.
c) Cũng thế, về phạm vi nguồn gốc loài người, thuyết này có khuyết điểm chủ trương duy vật vô thần khi không đủ lý do.
Thực vậy, nói rằng loài người do loài khỉ vượn biến hóa thành, vậy thì loài khỉ ấy do loài nào ? Nếu cứ hỏi như vậy mãi thì cuối cùng phải công nhận có Thiên Chúa là nguyên nhân đầu tiên đã dựng nên muôn vật muôn loài mới hợp lý.
Khoa học ngày nay tuy có đề ra được một lịch trình tiến hóa từ vật chất vô sinh đến sinh vật đơn giản, từ sinh vật đơn bào đến sinh vật đa bào, từ sinh vật tiến lên động vật, từ động vật cấp thấp đến động vật cấp cao… với khoảng thời gian phỏng định như sau :
1. Cách đây 5 tỷ năm, địa cầu chỉ là bụi không gian, rồi thành vỏ cứng nguyên thủy. Bắt đầu thời kỳ
vô sinh.
2. Cách 4 tỷ năm, mặt địa cầu có nước ngọt do những trận mưa, rồi núi lửa hoạt động làm cho vỏ địa cầu có các lớp đá hỏa tập, trần tích, biến tích.
3. Cách 3 tỷ năm, bắt đầu có dấu vết của sự sống đầu tiên, đó là thời ẩn sinh.
4. Cách 2 tỷ năm, sinh vật cổ lỗ nhất xuất hiện.
5. Cách 1 tỷ năm, thủy tổ của sinh vật ngày nay xuất hiện. Đầu tiên là thực vật, rồi động vật không xương sống sinh sôi nẩy nở khắp nơi. Tiếp đến là động vật có xương sống (cá, ếch nhái, bò sát, chim), loài hữu nhũ (cáo, thỏ, vịt, đại thử, ngựa, voi và sau đó là loài động vật cấp cao (khỉ, vượn…). Cuối cùng là thời nhân sinh : con người Suy Tư xuất hiện (người Néanderthal, người Cro- Magnon…). (xem bảng tóm tắt ở phần Phụ Chú).
Nhưng những điều khoa học vừa cho biết mới chỉ là sự mô tả chi tiết của hiện tượng tiến hóa, chứ chưa cắt nghĩa được tại sao lại có hiện tượng tiệm tiến như vậy, chưa tìm ra nguyên nhân của hiện tượng. Cũng giống như khi tìm hiểu về chiếc đồng hồ, người ta mới chỉ mô tả bộ máy tinh vi phức tạp với những bánh xe, dây thiều… có sự liên hệ với nhau thế nào, chứ chưa đạt tới nguyên nhân chủ yếu là người nào đã sáng chế, đã làm ra vật liệu và xếp đặt chúng theo một hệ thống hoàn hảo như vậy ? Mục đích của ông khi làm nên chiếc đồng hồ để làm gì ? Đến đây chúng ta đã vượt ra ngoài lãnh vực thực nghiệm của khoa học để bước vào phạm vi triết lý siêu hình.
Với nguyên lý nhân quả, con người có trí khôn có thể suy luận một cách đúng đắn từ một cái đã biết đến một cái chưa biết, từ vũ trụ vật chất có trật tự hoàn hảo đến một nguyên nhân tối hậu siêu việt được gọi là Đấng Tạo Hóa, Ông Trời, Thiên Chúa… Chính Ngài đã sáng tạo vũ trụ vật chất, đồng thời xếp đặt chúng trong một trật tự thời gian hoàn hảo, bắt chúng tuân theo những định luật nhất định mà khoa học - sản phẩm của trí khôn con người - chỉ biết tìm hiểu và khám phá ra, chứ không thể thay đổi được.
Để cắt nghĩa về hiện tượng tiến hóa trong vũ trụ thiên nhiên, ngay từ thế kỷ IV, thánh Augustin đã viết như sau : “Việc sinh ra các sinh vật lúc đầu có thể chỉ hoàn thành trong nguyên ủy và nguyên nhân, vì Thiên Chúa có thể không sáng tạo vạn vật trực tiếp ngay một lúc. Từ hư không, Ngài sáng tạo ra đất và nước, rồi cho hai thứ ấy có khả năng để đến một thời gian thuận tiện và khi có đủ điều kiện, sẽ tự phát sinh ra các sinh vật tràn lan trên trời, dưới biển và khắp nơi trong địa cầu”.
Như vậy, không thể dựa vào sự kiện khoa học mô tả hiện tượng tiến hóa dần dần (từ vất chất đến sinh vật, động vật và cuối cùng là con người) để phủ nhận chính nguyên nhân chủ yếu đã xếp đặt cho có sự tiến hóa kia. Nguyên nhân ấy là Thiên Chúa.
d) Khuyết điểm thứ tư của thuyết tiến hóa tổng hợp là quá đề cao lao động và gán cho lao động khả năng mà thực ra chỉ là ngụy tạo.
Ta phải công nhận rằng lao động là điều tốt, cần thiết và hữu ích cho con người để sản xuất đồ ăn và các sản phẩm kỹ thuật giúp cho đời sống được thoải mái, hạnh phúc hơn ; lao động cũng làm phát triển cơ thể khiến con người khỏe mạnh và dẻo dai hơn.
Nhưng bảo rằng lao động làm cho con vật biến hóa thành con người thì thực là vô lý. Bằng chứng là con trâu làm việc gấp ba bốn lần con người, thế mà muôn đời chúng vẫn chỉ là loài trâu không hơn không kém. Các con trâu đời con cháu có thể khoẻ mạnh hơn tổ tiên chúng ngày xưa, nhưng xét về nòi giống và trí thông minh thì chúng vẫn chỉ là một loài trâu ngu dốt, làm việc theo bản năng thiên nhiên như cha ông chúng xưa kia.
Hơn nữa lao động mà thiếu sự sáng suốt thay vì phát triển cơ thể, lại làm cho cơ thể thóai hóa. Bằng chứng là những người phải làm việc vất vả từ nhỏ thường gầy yếu, chậm phát triển cả về thể xác cũng như tinh thần, và có khi còn chết yểu nữa.
Như vậy, yếu tố căn bản làm cho con người văn minh tiến bộ hơn hẳn mọi loài vật khác không phải là lao động, mà chính là trí khôn. Lao động không phải là căn nguyên của trí khôn như thuyết tiến hóa tổng hợp chủ trương mà chỉ là sự thể hiện của trí khôn sẵn có của con người ra bên ngoài. Lao động chỉ đóng vai trò trợ giúp trí khôn dễ dàng phát triển chứ không phát sinh ra trí khôn của con người. Chính vì sẵn có trí khôn, nên con người đã tiến bộ mau lẹ trổi vượt hơn mọi loài dù có thể lao động ít hơn chúng.
Nói cách khác, nếu thực sự nguồn gốc loài người là loài khỉ vượn, thì đôi khỉ đầu tiên ấy đã phải có trí khôn khác hẳn các con khỉ đương thời. Nếu không có trí khôn thì đôi khỉ đầu tiên này và giòng họ của chúng muôn đời cũng chỉ là những con khỉ như bao con khác, chứ không bao giờ có thể hóa thành người, dù sống ở môi trường nào, hay có làm việc nhiều đến đâu đi nữa. Sở dĩ ngày nay vẫn còn có loài khỉ chỉ hoạt động theo bản năng thúc đẩy chứ không có hoạt động sáng tạo như con người, là vì tổ tiên của chúng xưa kia tuy sống đồng thời với tổ tiên loài người, nhưng không có trí khôn, nên không thể tiến bộ và truyền lại sự tiến bộ ấy cho con cháu như tổ tiên loài người được.
II. LẬP TRƯỜNG GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỀ VẤN ĐỀ TIẾN HÓA
Giáo hội công giáo dựa vào mạc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, đã quả quyết về nguồn gốc và bản tính của loài người như sau :
1. Con người do Thiên Chúa sinh dựng nên, có nguồn gốc là chính Thiên Chúa. Còn việc sinh dựng ấy như thế nào, có phải trực tiếp từ bùn đất vật chất hay gián tiếp qua nhiều giai đoạn tiến hóa, thì đó là nhiệm vụ tìm hiểu của khoa học. Tác giả Kinh Thánh không trình bày chi tiết cặn kẽ sự tạo dựng ấy, vì không có mục đích dạy khoa học cho con người.
2. Tất cả nhân loại ngày nay dù thuộc nhiều quốc gia khác nhau, dù sử dụng những ngôn ngữ khác biệt, nhưng đều có cùng một nguồn gốc, đều từ một gia đình duy nhất phát sinh ra (St 1, 27-28).
3. Con người không phải chỉ thuần là vật chất, chỉ có thân xác giống như loài vật, nhưng do hai yếu tố tạo thành là thân xác vật chất và linh hồn thiêng liêng.
- Linh hồn (là sự sống với hai tài năng : trí khôn và lòng muốn) không thể do cuộc biến hóa từ vật chất vô năng hay sống động kia mà có, nhưng đã do Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo nên, và phú vào thân xác : “Thiên Chúa nặn đất sét thành hình người, Ngài thổi hơi ban sự sống (sinh khí) vào mặt mũi, bỗng người đó trở nên vật sinh linh” (St 2,7). Con người có giá trị trổi vượt trên mọi loài vật khác vì được dựng nên cuối cùng sau khi mọi thứ cây cỏ hoa màu, vạn vật khác đã xuất hiện, nhưng nhất là vì con người còn có linh hồn thiêng liêng bất tử giống hình ảnh Thiên Chúa : “Kế đó Ngài phán : Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta, để họ làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất, và mọi côn trùng sống động trên địa cầu” (St 1,26).
- Còn thể xác cũng đã được Thiên Chúa sáng tạo nên, nhưng nó đã được sáng tạo trực tiếp hay gián tiếp, nghĩa là nó có bị lệ thuộc vào một vật có trước hay không, thì đức tin công giáo không có bằng chứng quả quyết chắc chắn. Giả như nếu có một sự đột biến từ loài khỉ vượn, thì sự đột biến ấy chỉ xảy ra một lần duy nhất, nghĩa là nguyên nhân làm cho đột biến ấy không có sẵn trong bản tính của loài khỉ, không phải bất cứ một con khỉ nào cũng có thể biến hóa thành con người được. Trái lại, chỉ có một đôi nào đó đặc biệt được tác động, do một nguyên nhân bên ngoài ảnh hưởng tới, mới có sự đột biến để trở thành con người mà thôi. Nguyên nhân tác động ấy là Thiên Chúa (xem thông điệp Humani Generis của ĐGH Piô XII).
 
Nhận xét :
Cứ theo lập trường vừa trình bày ở trên thì khoa học và đức tin thực sự không có điểm nào trái nghịch mâu thuẫn nhau.
1. Về việc sáng tạo của Thiên Chúa, khoa học không thể phủ nhận Thiên Chúa là nguyên nhân chủ yếu đã sáng tạo vũ trụ và con người, vì đó không phải công việc và mục đích nghiên cứu của nó. Cũng như khi nghiên cứu khảo sát tìm hiểu một cái máy, khoa học chỉ biết mô tả, tìm ra những định luật khiến máy chạy, chứ không thể phủ nhận chính người sáng chế, người sản xuất ra chiếc máy ấy.
2. Khoa học cũng không thể quả quyết giống người hiện nay bắt nguồn từ một đôi độc nhất hay là do nhiều đôi xuất hiện biệt lập hẳn nhau trên mặt đất, vì không thể tìm được những bằng chứng hiển nhiên xác đáng.
3. Về vấn đề có hay không có một nguyên lý siêu vật chất mà ta gọi là linh hồn, khoa học thực nghiệm chỉ cốt tìm khảo cứu những nguyên lý vật chất mà thôi, nên đã trả lời cách khôn ngoan dè dặt rằng vấn đề siêu hình đó không thuộc phạm vi của nó.
Tóm lại, người công giáo vẫn có thể chấp nhận giả thuyết tiến hóa khoa học, nhưng là tiến hóa trong trật tự do Thiên Chúa an bài.
- Thân xác con người có thể từ loài khỉ vượn biến hóa thành. Nhưng trước khi phú ban cho nó một linh hồn siêu vật chất (với 2 tài năng lý trí và ý chí) để trở thành con người thực sự, thì Thiên Chúa đã phải hoàn thiện con vật kia, làm cho nó có đủ năng lực cần thiết để trở nên một dụng cụ hữu hiệu của linh hồn.
- Và sau khi đã biến thành người thì trở thành một nòi giống khác hẳn loài khỉ, cả về tinh thần (trí khôn hiểu biết sáng tạo), cũng như thể chất (vì không thể lai giống, thụ tinh giữa người và khỉ). Từ đây người chỉ sinh ra người, khỉ chỉ sinh ra khỉ theo đúng định luật di truyền.
Ngày nay người ta không còn tìm thấy một giống nào trung gian giữa khỉ và người, đang trên đường biến hóa từ khỉ thành người ở bất cứ nơi nào trên thế giới nữa. Do đó, thuyết tiến hóa tổng hợp vô thần không thể đứng vững nếu không công nhận một nguyên nhân tối hậu là Thiên Chúa.

PHỤ CHÚ :  LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VỀ TIẾN HÓA
              Ngoài thuyết tiến hóa tổng hợp vô thần nói trên, cũng đã có nhiều giả thuyết khác nhằm giải thích sự biến hóa từ loài này qua loài khác của các sinh vật trong vũ trụ như thuyết của Anaximène de Milet, Aristote, thánh Augustin, Leibniz, Maupertuis, Linné, Buffon, Lamarck, Darwin, Gregor Mendel, Weismann… và gần đây nhất, cha Teilhard de Chardin cũng đã nêu ra một thuyết tiến hóa hữu thần rất có giá trị. Sau đây là những tư tưởng đáng chú ý nhất về vấn đề tiến hóa từ xưa tới nay :
  1.  Anaxinène de Milet (gần 500 năm trước tây lịch) đã nói về tiến hóa như sau : “Từ nơi ẩm thấp, hơi nước bốc lên, tức thì hỗn hợp đất, khí và nước dần dần sinh ra những thứ sinh vật. Trước tiên tất cả các sinh vật đều giống như cá có một lớp vảy. Sau một thời kỳ, những giống ấy lên trên những nơi khô ráo, mất lớp vảy mà vẫn còn sống, nhưng không được bao lâu. Vậy người ta được sinh ra từ những thú vật khác loại”.
  2.  Aristote  (thế kỷ 4 trước kỷ nguyên) lại nói rõ ràng hơn nữa : “Vạn vật đi dần một cách liên tục hầu như không nhận thấy được, từ những loài vô sinh đến những loài sinh sống mà không hẳn là động vật, rồi sau mới đến loài thú vật. Trong cây cỏ, người ta nhận thấy có bước tiến dần liên tục lên đến đời sống động vật. Như dưới biển người ta gặp những thứ không biết là động vật hay thực vật, và trong toàn đẳng cấp đời sống động vật, có sai biệt dần dần trong cách thức sinh sống và khả năng chuyển động”.
  3.  Thánh Augustin (thế kỷ 4 sau kỷ nguyên) :  Sau khi giải thích công việc sáng tạo của Thiên Chúa có thể chỉ hoàn thành trong nguyên thủy và nguyên nhân vào lúc bắt đầu, rồi cho chúng có khả năng để đến thời giờ nhất định và khi có đủ điều kiện sẽ tự sinh các sinh vật… Thánh nhân chủ trương thứ gì sinh ra cũng phải có giống, mà giống nào chỉ có thể sinh ra giống ấy : “Những nguyên tố trong thế giới hữu thể này có động lực rõ ràng và một tính cách riêng biệt nhất định, thứ gì sinh ra cũng phải tùy trong giống của nó đã định sẵn, lúc nào sinh ra, lớn lên và chết đi, hoặc sẽ tiêu tan như thế nào? Vì thế lúa không sinh ra đậu, cũng như thú không sinh ra người, người không sinh ra thú…”.
  4.  Leibniz (thế kỷ 17 sau kỷ nguyên) có tư tưởng xếp loại thú vật như sau : “Có lẽ ít lâu nữa, hay ở một nơi nào đó trong vũ trụ, các loài thú vật trong lúc hiện tại hoặc trong quá khứ hay tương lai, có thể dễ thay đổi hơn là ta trông thấy chúng ngày nay, và nhiều con thú như mèo, sư tử, cọp, báo…, có lẽ trước kia nguyên chỉ là một loài mèo, và đến nay đã có sự phân chia như thế.”
  5.  Linné (thế kỷ 18), một nhà vạn vật học trứ danh người Pháp, nói thêm : “Đã lâu tôi vẫn nuôi hoài nghi, và nay tôi chỉ dám trình bày như là một giả thuyết thôi. Tất cả các giống trong cùng một loài, nguyên từ đầu chỉ là một giống, nhưng đã bị lai dần đi, chẳng hạn đầu tiên chỉ có một loài mèo, rồi lai dần ra mèo tam thể, mèo mướp, mèo vằn...
  6.  Buffon (thế kỷ 18) một nhà vạn vật học kiêm văn sĩ người Pháp cũng đã nhìn vấn đề rõ ràng hơn. Khi nói đến giống đười ươi, ông viết : “Nếu chỉ chú ý đến nét mặt, người ta có thể kể con thú này là con khỉ trên hết và con người cuối cùng, vì ngoại trừ linh hồn, nó không thiếu gì của ta về thể xác, nó thực không khác người bằng mấy con vật mà người ta gọi là con khỉ”.
         - Thuyết tiến hóa của Lamarck (1744-1829) : là một nhà vạn vật học người Pháp, đã trình bày thuyết tiến hóa của ông trong cuốn sách có tựa đề là “Triết lý về động vật” (Philosophie zoologique) nhằm giải thích sự biến thể từ loài này sang loài khác theo một định hướng đặc biệt chứ không phải muốn thay đổi sao cũng được. Ông đưa ra hai định luật biến hóa như sau :
         - Các sinh vật thay đổi là vì chúng cố gắng thay đổi để thích nghi với môi trường sống. Bắp thịt nào làm việc nhiều thì ngày càng phát triển thêm, còn bắp thịt nào không hoạt động thì sẽ suy nhược dần và có thể đi đến chỗ bị tiêu diệt hẳn.
         Để cắt nghĩa tại sao con ngựa chỉ có một móng lớn, Lamarck cho rằng ngày xưa con ngựa là một con vật nhỏ bằng con cừu và mỗi chân đều có đủ năm ngón.  Nhưng vì phải chạy nhiều để tránh thú dữ hoặc kiếm cỏ ăn, nên bắp thịt của ngón giữa phát triển đến độ lấn lướt những ngón hai bên vì ít làm việc nên suy nhược dần và sau cùng mất hẳn để nhường chỗ cho móng giữa choán hết. Đàng khác, vì phải chạy nhiều và phải có sức mạnh để chống lại với các thú dữ nên ngựa lớn dần.  Ngày nay ngựa là một loài cao lớn khoẻ mạnh khác hẳn với tổ tiên chúng ngày xưa.
- Những tính chất nào động vật thủ đắc được do sự thích nghi với hoàn cảnh nói trên sẽ được lưu truyền lại từ đời nọ đến đời kia. Chẳng hạn loài hươu cao cổ xưa kia cũng chỉ là loài nai cổ ngắn. Nhưng vì sống ở vùng không có cỏ dưới mặt đất, nó phải vươn cổ dài ra để ăn được những lá cây trên cao. Cứ vươn mãi như thế suốt đời, thì không những cổ mà cả chân và lưỡi của nó cũng dài thêm ra. Con này sinh ra những nai con thừa kế những tính chất mà nai mẹ đã thủ đắc. Rồi đời con đời cháu cứ tiếp tục vươn cổ ngày càng dài hơn qua hàng triệu năm, đến mức độ trở thành một loại nai khác là hươu cao cổ.
Thuyết này vì thiếu bằng chứng cụ thể khoa học, nên không được các nhà bác học thời đó chấp nhận. Họ coi đó chỉ là “một thứ chiêm bao mộng mị của một nhà thi sĩ”.
8. Thuyết tiến hóa của Darwin (1809-1882), một nhà vạn vật học người Anh. Ông quan sát các loại chim mai hoa, và đã dần dần tìm ra cách giải thích tại sao cùng là một giống chim mai hoa, mà lại có tới 14 loại khác nhau, tất cả cùng sống trên quần đảo Galapagos ở biển Thái Bình Dương. Theo ông, sở dĩ có sự biến hóa nơi loài chim mai hoa và nơi tất cả các sinh vật khác là do “luật đào thải tự nhiên”. Luật đó được giải thích như sau :
- Đấu tranh để sinh tồn (Struggle for life) : Vạn vật muốn tồn tại thì phải tranh đấu với hoàn cảnh chung quanh, bằng cách sửa đổi cơ thể để có thể kiếm ăn dễ dàng. Sau đó lại di chuyển đặc tính thay đổi ấy sang đời con cháu kế tiếp.
- Ưu thắng liệt bại : Trong cuộc sinh tồn, những sinh vật nào sau khi đã biến hóa cơ thể rồi, mà đủ điều kiện thì mới có thể tồn tại được. Những sinh vật khỏe mạnh, thích nghi dễ dàng với hoàn cảnh, sẽ uy hiếp, tiêu diệt các sinh vật yếu đuối kém thích nghi hơn. Chính vì vậy mà ngày nay người ta còn tìm được dấu vết bộ xương của một số loài vật thời xưa đã từng xuất hiện, nhưng đến nay đã hoàn toàn bị diệt chủng. Những bằng chứng này hậu thuẫn mạnh mẽ khiến cho lập trường “biến hóa từ từ bởi những chủng loại do luật đào thải tự nhiên” của Darwin ngày càng thêm vững chắc.
Từ học thuyết tiến hóa này, một ít người khác đã đi xa thêm khi nói rằng con người biến hóa từ loài khỉ. Nhiều người phản đối kịch liệt, nhưng cũng có một số đông khác lại hăng say ủng hộ. Các cuộc tranh luận thi nhau tiếp diễn, và cho tới nay vẫn chưa đi tới kết luận chắc chắn dứt khoát.
9. Gregor Mendel (1822-1884)
Ông là một nhà di truyền học đã nêu ra định luật về di truyền có giá trị, trái với thuyết tiến hóa nói trên. Luật di truyền ấy như sau : Ông bà cha mẹ sẽ di truyền cho con cháu tất cả những gì họ có. Tuy nhiên, thứ gì mạnh hơn thì lấn át những thứ yếu, nên không nhất thiết phải hoàn toàn giống nhau giữa các đời liên tiếp. Nếu đời con không thấy có một tính chất nào đó của cha, thì có thể sẽ xuất hiện nơi đời cháu. Một dấu vết gì nơi một người (như một vết nám ngoài da chẳng hạn), nếu không thấy có nơi đời cha hay đời ông, thì tìm lần lên thế nào cũng thấy nơi một người nào đó trong dòng họ. Như thế, khó nói được là có những giống gì mới.
10. Weismann, một nhà sinh lý học người Đức, tuy hưởng ứng học thuyết Darwin, nhưng lại cho rằng nơi con người, ta phân biệt hai thứ là sinh thể (gồm những cái gì nơi thân thể con người), và sinh chủng (là cái giống loại mà cái mình đã có sẵn từ khi sinh ra). Chỉ có di truyền phân sinh chủng, còn sinh thể không có di truyền. Chẳng hạn một người khi sinh ra lành lặn nhưng về sau không may bị mù, què hay câm điếc, thì sẽ không truyền lại những cái đó cho con cháu, mà chỉ di truyền phần sinh chủng sẵn có từ mấy thế hệ trước truyền lại. Thuyết này đến nay vẫn còn được nhiều nhà sinh lý học nhất là ở Hoa Kỳ ưng thuận.
  1. MischourineLyssenko là hai nhà khoa học người Nga phản đối Weismann. Theo hai ông, phần sinh thể vẫn có thể di truyền sang đời con cháu nếu có điều kiện. Chẳng hạn một giống cây ăn trái nào đó được trồng ở một nơi có khí hậu hay đất khác lạ, thì sau một thời gian và qua mấy thế hệ có thể biến thành một giống khác hẳn.
  2.  Engels, một triết gia duy vật biện chứng sử quan đã công nhận thuyết tiến hóa và coi tiến hóa là lẽ đương nhiên nằm trong định luật vật chất đều biến dịch. Chỉ có siêu hình theo lối tư bản mới phủ nhận sự biến hóa của vật chất. Engels kể thuyết của Darwin và Weismann vì còn có đầu óc tư bản nên còn sai lầm. Ông nói “muốn đem cả vấn đề dồi dào về sự phát triển và biến hóa theo lịch sử tóm tắt lại trong một câu nói nghèo nàn và phiếm diện, cạnh tranh và sinh tồn, thì thực rất trẻ con. Câu đó có nghĩa còn kém hơn là không nói gì hết”. Từ đó, Engels nghiêng về Lamarck nhiều hơn, vì cho rằng với thuyết của Lamarck, người ta có thể ảnh hưởng can thiệp đến sinh vật hiện thời, để có những giống tốt như người ta muốn về sau. Có như thế mới thấy con người có thể can thiệp làm cho tiến hóa theo ý mình.
  3.  Spencer (1820-1903) với học thuyết thực tiễn, đã giải thích sở dĩ có tiến hóa là do những động lực vật lý hóa học. Vạn vật sở dĩ có biến chuyển là do động lực và sức đề kháng của vật chất. Nếu vật chất càng phân rẽ và biến chuyển càng kém đi thì sẽ có tan rã. Trái lại, nếu vật chất biến chuyển ngày càng tăng lên thì có tiến hóa. Những sinh vật đầu tiên lo cho được quân bình giữa những luật đó để có thể tồn tại, và càng ngày càng tìm được quân bình để thích nghi với hoàn cảnh xung quanh. Sinh vật nào sau khi đạt tới quân bình mà không thích hợp với môi trường thì sẽ bị tiêu diệt.
  4.  Học thuyết chủ đích, chủ trương cuộc tiến hóa của vạn vật có mục đích chứ không mù quáng, vu vơ phó mặc cho tình cờ may rủi. Ngay từ thời xa xưa, học thuyết khắc kỷ đã nói rằng vũ trụ ở trong luật tuần hoàn vĩnh viễn. Vạn vật đều diễn biến theo một chương trình đã được dự định rõ ràng, vật nào có thời gian của vật ấy, và nhờ những nguyên lý thuộc về chủng loại có sẵn trong vật chất, làm cho nó hướng tới một tương lai rõ ràng. Chính cả vũ trụ cũng là một thứ sinh vật bao la mà Thượng Đế là linh hồn và động lực của nó. Nhờ có sự hiện diện thân mật của Thượng Đế như thế, nên các sinh vật cứ đến thời kỳ của mình là sinh ra, chứ không phải ngẫu nhiên. Chính vật chất cũng đã do tinh thần sinh ra và rồi vạn vật lại trở về tiêu tan trong lòng Thượng Đế.
  5.  H. Bergson (1859-1941) : chú trọng đến phần ký ức và ý thức của sinh vật, nghĩa là sinh vật có khả năng nhận biết những hiện tượng nơi mình trong quá khứ và trong hiện tại, nhưng vẫn hướng tới tương lai. Do đó ông gọi là sinh vật “tạo” ra tương lai.
 Bergson phân biệt hai phần, sinh sống và cơ thể. Theo ông, dường như sinh sống vẫn lưu thông từ thế hệ này sang thế hệ khác, tuy có tựa vào cơ thể, nhưng cơ thể chỉ là phụ thuộc. Sinh sống có tiến hóa dần dần lên đến tình trạng ý thức từ thế hệ này qua thế hệ khác và theo ba con đường tuy khác nhau về mức độ, nhưng vẫn có sự giống nhau phần nào. Ba con đường ấy là thực vật, động vật và con người. Con người tuy có trí tuệ, nhưng vẫn có bản năng của loài vật.
Vậy trào lưu sinh sống đó cứ vươn lên tranh đấu với vật chất cho đến khi chinh phục được vật chất. Nhưng dù lên đến con người, cũng chưa chinh phục được hoàn toàn, chỉ mới thắng vật chất được phần nào. Khi ấy sinh sống trở thành trí tuệ và tự do.
Bergson coi việc phân biệt vật chất và sinh sống đó chỉ là một cách nói theo triết lý, thực ra không nên cho hai phần ấy là một. Sinh sống là một cái gì riêng biệt và tự mình tiến lên cách tuần tự và liên tục, không phải do vật chất sinh ra khi đủ điều kiện như một số người chủ trương.
16. Thuyết tiến hóa tổng hợp hữu thần của cha Teilhard de Chardin (1881-1955)
Là một linh mục dòng Tên và cũng là nhà chuyên môn cổ sinh vật học trứ danh, cha Teilhard đã đề ra học thuyết tiến hóa tổng hợp cả ba phương diện của vấn đề : khoa học, triết học, thần học. Cha chứng minh ba phạm vi nói trên không mâu thuẫn mà trái lại còn bổ túc lẫn cho nhau. Học thuyết này được tóm lược như sau :
- Vạn vật có sự biến hóa từ không có sự sống đến có sự sống, từ sinh vật cấp thấp đến động vật cấp cao, từ vật chất vô tri đến tinh thần siêu vật chất và cuối cùng tổng hợp nơi Thiên Chúa.
Như vậy, có thể nói rằng vật chất tiến hóa không do ngẫu nhiên, nhưng phải tuân theo một tiến trình nhất định do Thiên Chúa đã an bài từ khi sáng tạo vũ trụ cho đến ngày cánh chung.
- Tuy nhiên, sự tiến hóa không theo một đường thẳng đơn giản, nhưng theo một đường lối phức tạp giống như một hình trôn ốc, mà đỉnh tượng trưng cho Thiên Chúa. Tiến trình này chia làm ba giai đoạn biến hóa khác nhau theo chiều đi lên :
+ Giai đoạn 1 : Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ vật chất, rồi làm cho vật chất có khả năng để tới thời giờ thuận tiện và khi có đủ điều kiện sẽ tự phát sinh ra sự sống, bắt đầu là thực vật (rong rêu, cây cối), rồi thành sinh vật đơn giản, sau đó biến hóa ra loài động vật, gây thành Thế Giới Sinh Sống.
+ Giai đoạn 2 : Trong thế giới đó ngày càng phức tạp hơn để rồi vượt qua một bước đường tư duy, thành ra con người xuất hiện và làm chủ trái đất. Đó là thế giới tinh thần hay trí thức.
+ Giai đoạn 3: Người càng ngày càng đông, càng tiến, gây thành một xã hội rộng lớn hơn, có tổ chức gần như trong một cơ thể, để qui hướng về một đỉnh chung của mọi người có lý trí là Thiên Chúa. Đó là THẾ GIỚI CỦA THIÊN CHÚA.
- Như vậy, sự tiến hóa vừa tựa vào quá khứ, vừa nhìn đến tương lai, từ vật chất đến sự sống, rồi đi dần đến tinh thần, và cuối cùng kết thúc nơi Thiên Chúa. Cho tới nay, thuyết này vẫn có giá trị và được một phần lớn các triết gia và khoa học gia chấp nhận.
 
17. Bảng tóm lược các thời kỳ địa chất và sự tiến hóa theo khoa học hiện tại
 
Đại ký Số triệu năm Nguyên đại Chi tiết đáng nhớ
Thời  kỳ
hiển sinh
01 Nhân sinh Xuất hiện của con người - Băng kỳ III
50 Cận sinh Ngựa, voi và tê giác…
Xuất hiện của loài hữu nhũ.
Chuyển động tạo sơn Hymalayen
Xuất hiện của loài chim
Bành trướng của bò sát - Hiển hoa
200 Trung sinh Băng kỳ II
Chuyển động tạo sơn Hercynien
Bò sát cổ lỗ
 
  Cổ sinh Nòng nọc và ếch nhái - Dương xỉ
Cá có sụn và xương
Cá có giáp - Rêu và ẩn hoa
San hô tứ phân
Băng kỳ I
Ẩn sinh 600 Tiệm cổ Chuyển động tạo sơn Huronien
Cổ hải miên
Rong vôi đủ loại
Rong Cryptozoon
Thái cổ Chuyển động tạo sơn Algonnien
Rong có lớp đồng tâm Nam Phi
Rong hình ống
Rong đơn bào
Động vật ở Úc
Vô sinh 3.000
 
 
 
 
5.000
  Mầm sống ở Nam Phi
Mưa và thủy quyển
Khí quyển thành lập
Hiện tượng núi lửa
Vỏ đất thành hình
Đám mây bụi vừa cô đọng
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log