Chúa nhật, 24/11/2024

Giải đáp các vấn nạn liên quan đến Đức tin và Khoa học (tuần 2)

Cập nhật lúc 08:15 25/11/2015
Vấn đề 2 : Trong quá khứ, tôn giáo đã từng gây trở ngại rất nhiều cho khoa học. Các nhà khoa học sợ bị tôn giáo pháp đình kết án thiêu sinh, nên không dám đưa ra những lời giải đáp chân chính về nguồn gốc vũ trụ và con người khác với lời dạy bảo sai lạc của tôn giáo.
 
TRẢ LỜI
 
1. Thực tế có sự xung đột : Vụ Galilêô Galilêi.
Chúng ta công nhận rằng trong thời trung cổ, đã từng có sự xung đột giữa tôn giáo và khoa học, do lỗi ở một số nhà lãnh đạo tôn giáo u mê thiển cận gây ra. Câu chuyện nhà bác học Galilêô Galilêi là một bằng chứng.
Galilêô là một nhà vật lý và thiên văn học người Ý rất danh tiếng (1564-1642). Ông đã dùng thiên lý kính khám phá ra chân lý về vũ trụ như sau : Ngoài thái dương hệ ta đang sống, còn có hằng hà sa số những thái dương hệ khác nữa trong không gian mênh mông vô tận. Quả đất là nơi con người trú ẩn không phải là trung tâm vũ trụ, mà cũng chỉ là một hành tinh bé nhỏ tầm thường xoay vần theo quỹ đạo của mặt trời.
Chân lý ấy xem ra mâu thuẫn với quan niệm của người xưa cho rằng mặt trời xoay quanh trái đất, mà tác giả sách Sáng Thế Ký đã ghi lại và cho tới thời Trung Cổ vẫn còn được mọi người chấp nhận. Do đó ý kiến của Galilêô đã gây ra một sự xúc động, hoài nghi về tôn giáo.
Trong khi chờ đợi thêm những bằng chứng xác thực và cũng vì quá sốt sắng, muốn bảo vệ trật tự kỷ luật trong Giáo hội, nên bộ Thánh Vụ (Le Saint Office) - một cơ quan có tính cách hành chính của Giáo hội thời đó - đã vội vàng lên án Galilêô cách bất công.
Thực ra các nhà tôn giáo thời Trung Cổ đã hiểu mấy chương đầu của sách Sáng Thế theo nghĩa đen, đang khi tác giả Sách Thánh không có mục đích dạy khoa học khi trình bày việc Thiên Chúa sáng tạo trời đất, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến một chân lý căn bản đã bị người đời lãng quên. Chân lý ấy là vũ trụ vật chất này không phải tự nhiên mà có, nhưng đã do Thiên Chúa tạo thành từ hư không. Nhưng vì nói trực tiếp với người đương thời, nên tác giả Kinh Thánh phải diễn tả công việc sáng tạo của Thiên Chúa cách bình dân, phù hợp với quan niệm thô sơ của người thời đó về vũ trụ, để giúp họ dễ dàng đón nhận chân lý đức tin hơn. Ngay trong thời đại văn minh khoa học hiện tại, thế mà trong câu chuyện thường ngày ta vẫn nói: Mặt trời mọc ; mặt trời lặn ; bầu trời” .v.v., thì chúng ta cũng dễ dàng hiểu được các kiểu nói của tác giả Kinh Thánh ngày xưa.
Như vậy có thể nói rằng việc lên án ông Galilêô chỉ là một biện pháp hành chánh của một cơ quan Tòa Thánh, không phải là việc công bố một tín điều cách chính thức của Giáo hội. Vì thế không thể dựa vào vụ đó để kết luận Giáo hội Công giáo chống đối khoa học được. Ngay cả ông Galilêô, mặc dù bị kết án cách bất công, vẫn giữ đức tin cách sốt sắng mà không thấy có điều gì mâu thuẫn giữa đức tin và khoa học cả (Hiến chế Gaudium et Spes số 37).
2. Khoa học và đức tin chân chính thực sự không mâu thuẫn mà còn bổ túc lẫn nhau
­- Trong quá khứ, trường hợp như của nhà bác học Galilêô nói trên rất họa hiếm. Ngày nay, hầu như mọi người đã ý thức được rằng khoa học và tôn giáo cùng có mục đích tìm kiếm chân lý nhưng ở trên hai lãnh vực khác hẳn nhau, và nhìn chân lý dưới hai khía cạnh riêng biệt, nên không có xung đột hoặc gây trở ngại lẫn nhau.
Tôn giáo nhằm tìm ra ý nghĩa của mọi hiện tượng thiên nhiên để đạt tới nguyên nhân cuối cùng là Thiên Chúa, đang khi khoa học chỉ nhằm giải thích các hiện tượng thiên nhiên bằng những nguyên nhân kế cận mà thôi. Chẳng hạn cũng một hiện tượng trời mưa, nhưng sẽ được trình bày cách khác nhau tùy theo đứng trên lập trường khoa học hay tôn giáo. Nhà khoa học sẽ giải thích mưa là một hiện tượng thiên nhiên, do những hạt nước rất nhỏ trong không khí, khi gặp nhiệt độ thấp sẽ kết tụ lại thành hạt nước lớn hơn rồi rơi xuống đất liên tục… Đang khi ấy nhà tôn giáo sẽ giải thích mưa là một hiện tượng thiên nhiên nằm trong trật tự của vũ trụ, do Thiên Chúa đã an bài xếp đặt, để hễ cứ hội đủ điều kiện là có mưa.
Cả hai cách giải thích đều đúng, vì mỗi bên đứng trên một bình diện, nhìn theo một lăng kính khác biệt. Nếu ở hai lĩnh vực khác nhau, thì không có sự mâu thuẫn hay xung đột nhau, mà còn bổ túc lẫn cho nhau.
- Bổ túc lẫn cho nhau : Công việc của một nhà khoa học là tìm hiểu vật chất qua 3 giai đoạn : quan sát sự kiện để xây dựng giả thuyết ; kiểm chứng giả thuyết bằng cách thí nghiệm nhiều lần ; chấp nhận giả thuyết và thiết lập định luật căn bản để giải thích các hiện tượng tương tự.
Đang khi người có đức tin tiếp nhận được chân lý mà không phải vất vả nhiều. Hơn nữa chân lý đức tin lại hoàn hảo, chắc chắn và vĩnh cửu, vì bắt nguồn từ mặc khải của Thiên Chúa toàn năng chân thật, khác hẳn với kiến thức khoa học có tính cách nông cạn và không chắc chắn, dễ bị sụp đổ với thời gian khi một phát minh mới lạ hợp lý hơn xuất hiện (Gaudium et Spes số 57).
Tuy vậy, khoa học và đức tin cũng bổ túc lẫn cho nhau. Một nhà khoa học có đức tin sẽ ít bị phân tâm về vấn nạn liên quan đến tinh thần con người, đang khi theo đuổi công việc khảo cứu khoa học của mình. Chẳng hạn vũ trụ với những trật tự lạ lùng bởi đâu mà có ? Tại sao con người lại xuất hiện trên trái đất ? Chết có phải là hết ? Ngược lại, một tín hữu có sự hiểu biết khoa học thì đức tin của họ sẽ sáng suốt hơn, tránh được nhiều điều mê tín, và chắc chắn họ sẽ có thể làm vinh danh Chúa nhiều hơn.
Tóm lại, người ta không được lạm dụng danh nghĩa tôn giáo để đàn áp khoa học, và ngược lại cũng không được nhân danh khoa học để phủ nhận đức tin chân chính, vì mỗi bên nhìn vấn đề một cách khác nhau. Khoa học và đức tin không những không xung đột mâu thuẫn nhau, mà trái lại còn bổ túc lẫn cho nhau nữa.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log