Vấn đè 4 : Kinh Thánh chỉ là một quyển sách cổ hủ, lỗi thời, được viết cách đây hàng mấy chục thế kỷ, trong một hoàn cảnh xã hội kém văn minh... Do đó không giá trị bao nhiêu và không đáng cho người ngày nay phải mất công học hỏi.
TRẢ LỜI
Ngày nay có một số người không công nhận giá trị của Kinh Thánh. Theo họ, Kinh Thánh đã được viết cách đây hàng mấy nghìn năm, trong hoàn cảnh xã hội Do Thái, một dân tộc bé nhỏ, có nền văn minh thấp kém so với các dân lân bang thời bấy giờ. Kinh Thánh còn chứa đựng những quan niệm sai lầm của người xưa về vũ trụ thiên nhiên, ngược hẳn với những khám phá mới lạ của khoa học tân tiến hiện đại. Do đó Kinh Thánh không có giá trị bao nhiêu, và không đáng cho chúng ta phải mất thì giờ tìm hiểu cách vô ích. Nhưng sự thực ra sao ? Kinh Thánh có giá trị không ? Và có thiết thực đối với người ngày nay hay không ?
I. GIÁ TRỊ CỦA KINH THÁNH
Một cuốn sách có giá trị là khi nó đạt được mục đích mà tác giả mong muốn. Chẳng hạn về phạm vi lịch sử, một cuốn sử ký có giá trị khi nó ghi lại được cách trung thực và đầy đủ những gì đã xảy ra trong quá khứ, chứ không phải vì nó chứng minh được một định đề toán học. Cũng thế, về phạm vi tôn giáo, người ta không thể dựa vào một vài quan niệm thô sơ của người xưa ghi lại trong Kinh Thánh để cho rằng Kinh Thánh đã lỗi thời và không có giá trị bao nhiêu, vì Kinh Thánh không có mục đích dạy khoa học. Giá trị trước tiên của Kinh Thánh là ở phương diện nhân bản và siêu nhiên như sau :
1) Giá trị nhân bản (valeur humaine)
Các sách Cựu Ước và Tân Ước thuộc bộ Kinh Thánh đều có giá trị đáng kể về phạm vi lịch sử, văn chương và luân lý mà ngay cả những người vô thần cũng phải công nhận.
a) Về lịch sử : một số sách như Ngũ Thư thuộc Cựu Ước và Phúc Âm, Tông Đồ Công Vụ thuộc Tân Ước đều là những tài liệu có giá trị rất lớn về lịch sử đối với thế kỷ XX này. Riêng về các sách Tân Ước, Daniel Rops đã viết: “Chúng được lưu truyền lại cho chúng ta bằng những bản viết tay, vừa nhiều vừa gần tác giả và rất giống nhau, nên chúng ta có thể so sánh ngang hàng với các sử liệu đời cổ. Khi đối chiếu với các tài liệu đời, người ta lại càng nhận ra các giá trị lịch sử của Sách Thánh” (Daniel Rops, Jesus en son temps).
Người ta luôn tìm thấy những bằng chứng về tính cách chính xác của Kinh Thánh khi nói đến những địa điểm. Mới đây, các nhà khảo cổ cũng đã tìm được một số tài liệu lịch sử đời, trong đó có ghi chép tên của những nhân vật mà trước đây chỉ thấy đề cập đến trong Kinh Thánh.
Hơn nữa, nếu có sự khác biệt giữa các chi tiết của Kinh Thánh và sử liệu đời thì Kinh Thánh đáng tin hơn, vì tác giả Kinh Thánh đã ghi lại những điều chứng kiến tận mắt (Cv 1,1-3; 10,41; Ga 19,35) hoặc sau khi đã tìm tòi tra cứu tài liệu thật cẩn thận (Lc 1,3), nhất là vì các ngài đã viết với sự khiêm tốn thành thực. Thực vậy, chỉ ở trong Kinh Thánh, người ta mới có thể đọc thấy những lời công nhận thành thật về sự yếu kém, tội lỗi của loài người dù có thể làm mất danh dự của các vị vua chúa (kể tội ngoại tình và giết người của vua Đavid trong 2Sm, 11), hoặc chân thành nói lên các tật xấu của các Tông Đồ (Mt 26, 69-75; Mc 10, 35-45) là những điều người ta không bao giờ tìm thấy trong sử liệu đời.
b) Về văn chương : Một số sách khác trong bộ Kinh Thánh cũng có giá trị về văn chương, cống hiến cho kho tàng của nhân loại những áng văn chương, những bài thi phú tuyệt tác, với nội dung phong phú, hướng thượng của những văn thi sĩ Do Thái thời xưa. Đó là sách Thánh Vịnh của vua David, sách các tiên tri Isaia, Ôsê, Êzêkiel…v.v.
c) Về luân lý nhân bản : Sách Châm ngôn, Thánh thư lại là những sách giá trị về luân lý và thiêng liêng, dạy cho con người biết khôn ngoan khi đối xử ở đời, sao cho phù hợp với giới răn Thiên Chúa, với lề luật quốc gia cũng như phong tục tập quán của xã hội.
2) Giá trị siêu nhiên (Valeur divine)
Nhưng vì là lời Thiên Chúa mạc khải, nên Kinh Thánh có giá trị trước hết về phạm vi siêu nhiên tôn giáo, đem lại lời giải đáp tối hậu về nguồn gốc vũ trụ và con người, đồng thời còn chỉ dẫn một con đường chắc chắn nhất để được cứu rỗi đời đời :
a) Thực vậy, con người sống ở trần gian muốn được hạnh phúc, thì không phải chỉ cần thỏa mãn những nhu cầu vật chất thể xác như ăn uống, ngủ nghỉ, chơi giỡn, sinh sản là đủ, mà còn đòi phải được thỏa mãn những nhu cầu tinh thần nữa, như nhu cầu muốn tìm ra lời giải đáp chân chính về những vấn đề nhân sinh, chẳng hạn vũ trụ với những trật tự lạ lùng bởi đâu mà có ? Tại sao tôi lại xuất hiện trên mặt đất ? Tại sao có đau khổ, bệnh tật và đầy dẫy những bất công trong xã hội ? Tại sao muốn làm lành mà tôi lại cứ làm ác ? Chết rồi tôi sẽ ra sao ?... Những vấn đề này luôn chi phối cuộc sống con người và người ta không thể tìm thấy những lời giải đáp đúng đắn và đầy đủ ở bất cứ nơi nào khác ngoài Kinh Thánh.
b) Hơn nữa, Kinh Thánh có giá trị trổi vượt vì còn chỉ dạy cho con người con đường chắc chắn duy nhất để đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu. Chắc chắn, vì là lời mạc khải của Thiên Chúa chứ không phải sản phẩm của trí khôn con người. Duy nhất, vì ngoài con đường này ra, không còn một đường lối nào khác có thể dẫn đưa con người tới đích.
Con đường ấy là tin và chịu phép rửa nhân danh Đức Kitô (Ga 3,5.16.18). Tin suông không đủ, mà còn phải biết thực hành lời giáo huấn của Ngài (Mt 7,21), giáo huấn của Chúa chỉ gồm tóm trong hai điều là mến Chúa và yêu người (Mt 22,37-40). Đây là con đường hẹp, khó khăn và ít người đi (Mt 7,13-14).
Thánh Phaolô viết: “Tất cả bộ Kinh Thánh đều được linh ứng bởi Thiên Chúa, và có đủ để dạy, để thuyết phục, để chỉnh đốn và đưa về đàng công chính” (2Tim 3,16).
Chính vì có giá trị cao quý như vậy, mà Kinh Thánh đã được Giáo hội luôn tôn kính và sử dụng. Trước hết Giáo hội dùng Kinh Thánh làm nền tảng cho mọi tín điều, đồng thời dùng Kinh Thánh để hướng dẫn giáo dân sống phù hợp với giáo huấn của Chúa Kitô. Sau hết, Giáo hội dùng Kinh Thánh rất nhiều trong đời sống phụng vụ, đặc biệt trong thánh lễ và trong kinh nhật tụng. Nhất là từ công đồng Vatican II, vai trò và địa vị của Kinh Thánh mỗi ngày một thêm quan trọng trong đời sống đạo của tín hữu công giáo.
Tuy nhiên, một số người lại đặt vấn đề dựa vào bằng chứng nào để quả quyết Kinh Thánh có giá trị siêu nhiên, thực sự do Thiên Chúa mạc khải chứ không phải sản phẩm của trí khôn con người ?
3) Những bằng chứng về sự mạc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh
Sở dĩ Kinh Thánh có giá trị siêu nhiên, được coi là lời mạc khải của Thiên Chúa chính là vì những lý do sau :
a) Dựa vào lời chứng của chính Kinh Thánh, của các Giáo Phụ và công đồng chung
- Trong Phúc Âm, chính Chúa Giêsu đã nhiều lần tuyên bố về uy thế của Kinh Thánh, về giá trị mạc khải của Kinh Thánh (Mt 22, 43; Ga 10, 35; Mt 26, 31; Ga 17, 32). Các Tông đồ cũng nhiều lần đề cập đến tính cách siêu nhiên của Kinh Thánh. Thánh Phêrô nói : “Tiên vàn phải biết điều này, là tất cả mọi lời sấm của Kinh Thánh không phản chiếu tư tưởng cá nhân của vị tiên tri về mình, nhưng chính Thánh Linh làm cho các vị ấy nói” (2Pr 1,20). Thánh Phaolô cũng có lập trường tương tự trong 2 Tim 3,16.
- Tiếp đến các thánh giáo phụ cũng đồng thanh tuyên xưng Thiên Chúa là tác giả Sách Thánh, viết ra nhờ Thánh Linh tác động, là văn thơ Thiên Chúa gửi xuống, viết dưới sự linh ứng của Thiên Chúa…
- Sau cùng, các công đồng chung như Florence (1439), Trente (1545-1563), Vatican I (1870) đều công nhận Thiên Chúa là tác giả chính đã linh ứng, ai không chấp nhận thì bị kết án.
b) Dựa vào sự ứng nghiệm của các lời tiên tri trong Kinh Thánh :
Thực vậy, rất nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh đã được thực hiện từng chữ trong lịch sử. Chẳng hạn các lời tiên báo về Đấng Cứu Thế đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu (Is 7,14; Mi 5,1; Zac 9,9; Is 53), các lời tiên tri của Chúa Giêsu nói về chính Ngài (Lc 18,31-35) về đạo lý của Ngài (Mt 24,14), về Giáo hội (Mt 28,20), về thành Giêrusalem bị sụp đổ (Lc 19,43-44)… đã xảy ra đúng từng chi tiết. Ngoài ra, còn rất nhiều lời loan báo về ngày tận thế với các điềm lạ kèm theo đã được nói tới trong Phúc Âm (Mt 24,4-51), hoặc được diễn tả trong sách Khải Huyền của thánh Gioan (Kh 6,1-17).
c) Dựa vào tính cách duy nhất toàn bộ của Kinh Thánh :
Dù Kinh Thánh đã do nhiều tác giả viết, và các vị này đã sống cách xa nhau hàng mấy chục thế kỷ, chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn minh khác biệt… nhưng về nội dung, Sách Thánh vẫn có sự duy nhất trong toàn bộ hệ thống giáo lý và luân lý, được mạc khải một cách tiệm tiến phù hợp với hoàn cảnh mỗi thời đại. Hơn nữa, vì được Thiên Chúa mạc khải, nên có nhiều vị chép Kinh Thánh đã thú nhận đã có những lúc họ đã không thể hiểu được ý nghĩa những điều mà chính tay họ đã viết (Dn 12,8-9; 1Pr 1,10-12).
Như thế, Kinh Thánh chắc chắn không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người, mà trái lại bắt nguồn từ Thiên Chúa toàn năng chân thật, nên Kinh Thánh có giá trị siêu nhiên tuyệt đối, vượt trên tất cả mọi cuốn sách có giá trị nhất của con người. Tính cách mạc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh được Giáo hội diễn tả như sau : “Trước tiên, Thiên Chúa thúc đẩy các tác giả phụ để họ khởi công viết. Và trong lúc họ viết, Thiên Chúa hỗ trợ để các ngài suy tư, thuật lại và diễn giải những điều Chúa muốn, và chỉ viết những điều Chúa muốn mà thôi. Viết đúng sự thật và không thể sai lầm được” (ĐGH Lêô 13, Thông điệp Providentissimus).
Tuy vậy, phải chăng vì đã được viết cách đây khá lâu nên Kinh Thánh đã trở thành lỗi thời và không đáng cho người ngày nay phải mất công tìm tòi học hỏi ?
II. VAI TRÒ CỦA KINH THÁNH ĐỐI VỚI NGƯỜI NGÀY NAY
Ngày nay tuy khoa học đã tiến một bước nhảy vọt với các phương tiện chuyên chở thật mau lẹ, với các kỹ thuật truyền thông tối tân như báo chí, phát thanh, truyền hình, các dân tộc trên thế giới quả có gần nhau hơn xưa. Với các phát minh mới lạ, khoa học đã đem lại cho đời sống con người rất nhiều tiện nghi vật chất…, nhưng khoa học vẫn bất lực không thể đem lại hạnh phúc thật sự cho con người. Những vấn đề cũ kỹ của nhân loại vẫn luôn còn đó và ngày càng cấp bách đòi phải tìm ra lời giải đáp. Các tiến bộ kỹ thuật của khoa học không thể giải quyết được những vấn đề chính yếu của cuộc sống con người.
Thực vậy, có thời đại nào mà người ta cần phải tìm cách sống đoàn kết và hòa bình với nhau hơn thời đại ngày nay không ? Có lúc nào mà con người cần củng cố tình yêu thương trong gia đình và trật tự kỷ luật ngoài xã hội như lúc này không ? Có bao giờ mà con người cần phải học biết quyết định khôn ngoan và khẩn cấp để ứng biến mau lẹ với tình thế nguy hiểm có thể gây ra chiến tranh nguyên tử tiêu diệt nhân loại cách khủng khiếp như bây giờ không ?
Tất cả những vấn đề ấy thuộc phạm vi tinh thần và người ta chỉ có thể tìm ra lời giải đáp thỏa đáng trong Sách Thánh mà thôi. Duy chỉ có Kinh Thánh mới có khả năng dẫn đạo tinh thần, mới nêu ra được những nguyên tắc căn bản nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra cho con người ngày nay về mọi phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, tôn giáo.
1) Về kinh tế : Dù khoa học tiến bộ, dù người ta đã phát minh ra được các máy móc làm tăng năng suất lên gấp bội... nhưng nhân loại ngày nay vẫn đang phải đối phó với nạn đói nghèo trầm trọng, hai phần ba dân số trên thế giới đói ăn. Khoa học đã thực sự bất lực không thể giải quyết vấn đề tối quan trọng ấy, và người ta chỉ có thể vượt qua được trở ngại này nếu biết suy niệm và thực hành những lời khuyên dạy của Kinh Thánh : mọi người phải tránh sự lười biếng ở nhưng không ; biết chăm chỉ làm việc vừa phải (St 3,17-19; Cn 6,6-11; Mt 25,26; 2Thes 3,10-12) ; phải tìm cách cải tiến kỹ thuật canh tác và phổ biến thật sâu rộng để có thể làm chủ thiên nhiên như lệnh Chúa truyền (St 1,26) ; muốn có đủ sức khoẻ làm việc, con người cần phải tránh sự nghiện ngập tốn kém (2Cr 7,1) và sống tiết độ (Lc 21,34). Ngoài ra, các nước nhiều tài nguyên thiên nhiên có bổn phận phải chia sẻ cơm áo, giúp các nước kém mở mang có đủ phương tiện để thăng tiến (Mt 19,21 ; Cv 20,35), nhất là đừng ai có thái độ ích kỷ, bất công để vơ vét tiền của cho đầy túi tham, vì tiền bạc nay còn mai mất (Lc 12,33), trái lại hãy dùng tiền bạc mà mua lấy nước trời (Lc 16,9). Mỗi người cũng đừng quá đòi hỏi mà chỉ nên mong ước hàng ngày đủ ăn (Lc 11,3) rồi tin tưởng phó thác trong tay Chúa quan phòng (Mt 6,25-34). Các cường quốc trên thế giới thay vì dùng tiền của và tài nguyên thiên nhiên để chế tạo vũ khí chiến tranh hao tốn, thì hãy dùng để kiến tạo hòa bình, biến gươm giáo thành lưỡi cày (Mt 5,9).
2. Về xã hội : Ngày nay dù khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhưng về luân lý lại trở nên suy đồi hơn bao giờ hết, gia đình ly tán, xã hội sa đọa, chia rẽ trầm trọng…, không một cá nhân hay đoàn thể nào có khả năng giải quyết vấn đề cách thỏa đáng ngoại trừ Kinh Thánh. Chính Kinh Thánh đã vạch ra những nguyên tắc căn bản cho vấn đề này :
- Để cho gia đình được hạnh phúc thì việc trước tiên là tạo một bầu khí đầm ấm thương yêu nhau. Vợ chồng phải quý trọng đức trong sạch và tránh sự tà dâm (Cn 5,3-11; Mt 19,4-9), vợ phải phục tùng chồng và chồng phải yêu thương vợ (Eph 5,22-32), cha mẹ phải chăm lo giáo dục con cái (Col 3,21; Hb 12,8-11), và con cái phải thảo hiếu vâng lời cha mẹ (Eph 6,1-4).
- Muốn cho xã hội trật tự và có nền luân lý lành mạnh thì trước tiên mọi người phải coi nhau như anh em (Mt 22,9-10), đối xử với nhau trong tình yêu thương tha thứ lỗi lầm cho nhau (Mt 18,21-22), tha thứ như Chúa tha (Mt 6,12). Ngoài ra còn phải biết tôn trọng quyền lợi của tha nhân, không bất công với ai (Os 10,12; Gr 22,3; 1Tim 6,11). Tiếp đến, muốn cho luân lý lành mạnh, mọi người cần có lòng trong sạch nội tâm hơn là bề ngoài (Mc 7,14-23), cần phải giáo dục thanh thiếu niên sống lành thánh, tránh xa dịp tội (Mt 18,7-9; 5,8; Mc 9,41-44), nhất là phải chăm chỉ làm việc (2Th 3,10) và siêng năng cầu nguyện (Mt 6,13; 7,7-11; Ga 15,5)…
3. Về chính trị : Ngày nay chúng ta đang chứng kiến một thế giới bị phân hóa đến tột độ với những chủ nghĩa chống đối nhau, tư bản, xã hội, quốc gia quá khích…, các cuộc chiến tranh cứ lần lượt bùng nổ ra khắp nơi và có nguy cơ lan rộng thành chiến tranh thế giới thứ ba. Khoa học bất lực không thể duy trì một nền hòa bình chắc chắn, trái lại còn làm tăng các mối nguy hiểm lên gấp bội. Nhân loại có thể đi đến chỗ tự hủy diệt nếu người ta không biết lắng nghe những nguyên tắc được đề ra trong Kinh Thánh.
Để tạo lập một thế giới hòa bình, các quốc gia phải tôn trọng chủ quyền và quyền lợi của nhau : “Của Xê-da, trả cho Xê-da” (Mt 22,21). Phải diệt trừ những chủ nghĩa quá khích, vì mọi người đều là anh em với nhau (Ga l3,20). Các bản hiệp ước quốc tế phải được xây dựng trên sự hợp tác chân thành : “có nói có, không nói không” (Mt 5,37). Người lãnh đạo thay vì đàn áp bóc lột dân chúng, hãy có tinh thần phục vụ mọi người như tôi tớ (Lc 22,25-26). Dân chúng trong nước cũng phải tuân phục quyền bính hợp pháp, vì mọi quyền bính xuất phát từ Thiên Chúa (Rm 13,1) họ phải thi hành các bổn phận công dân (Mt 17,26)…
4. Về văn hóa, tôn giáo : Ngày nay nhân loại đang sống trong giai đoạn văn minh cao độ, thế mà một nửa dân số không biết đọc biết viết. Một số dân tộc vẫn còn ở trong tình trạng bán khai kém văn minh. Về tôn giáo, vẫn còn đầy dẫy những sự mê tín dị đoan do sự dốt nát khoa học như đồng cốt, bói toán… Đã đến lúc phải giải phóng con người khỏi những tình trạng nô lệ tinh thần đáng buồn ấy.
Trong Kinh Thánh, Đức Kitô đã đến “loan báo sự giải phóng cho kẻ tù đầy, trả tự do cho người bị áp bức » (Lc 4,18). Ngài đem đến cho nhân loại sự thật và nguồn sống (Ga 14, 6). Chính sự thật ấy sẽ cứu thóat chúng ta (Ga 6, 32). Đã đến lúc nhân loại phải từ bỏ con đường tối tăm tội lỗi để đi trong con đường sáng do Đức Kitô chỉ dẫn (Ga 12, 35). Đường ấy là tin vào danh Ngài và thi hành lời giáo huấn của Ngài (Ga 3, 17.18; Mt 7,21). Con người muốn được sống hạnh phúc đời này và đời sau, phải nhận biết có Thiên Chúa và kính thờ Ngài (Mt 4, 10) trong tinh thần và chân lý (Ga 4, 21-24). Thiên Chúa thực sự là Cha, đã sinh dựng nên muôn loài (Mt 6, 9), ngoài Ngài ra, không còn Chúa nào khác (Xh 20, 3)…
Tóm lại, tuy Kinh Thánh đã viết cách đây khá lâu, trong một xã hội kém văn minh, nhưng vẫn luôn có giá trị cả về nhân bản tự nhiên (lịch sử, văn chương, luân lý) lẫn siêu nhiên tôn giáo. Những giá trị ấy thuộc phạm vi tinh thần nên không bao giờ bị lỗi thời, mà luôn luôn cần thiết cho con người trong mọi thời đại. Nhất là trong thế kỷ 20, con người lại càng có những lời chỉ dẫn khôn ngoan của Kinh Thánh để có thể tránh được những đổ vỡ làm băng hoại tinh thần và có thể hủy diệt nhân loại do sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật phi nhân bản đem lại, đồng thời xây dựng được một đời sống ấm no hạnh phúc cho mọi người đời này và đời sau.
Cho tới nay, hầu như tất cả những gì tốt đẹp mà con người đã đạt được trong các phạm vi chính trị, kinh tế, xã hội như giải phóng con người khỏi kiếp sống nô lệ lầm than, tinh thần hợp tác huynh đệ quốc tế, xây dựng một xã hội không phân biệt giai cấp, không còn cảnh người bóc lột người, trong đó mọi người biết vị tha, mình vì mọi người, mọi người vì mình,…v.v, đều trực tiếp hay gián tiếp bắt nguồn từ lời giáo huấn của Kinh Thánh. Những lời ấy càng là bằng chứng hùng hồn nói lên giá trị trường cửu của Kinh Thánh, và càng là lý do thúc đẩy con người ngày nay quan tâm tìm tòi học hỏi để áp dụng trong đời sống riêng tư cá nhân, và nhất là dùng Sách Thánh làm phương châm cải tạo xã hội nữa.