Thứ tư, 15/01/2025

Giải đáp các vấn nạn liên quan đến Đức tin và Khoa học (tiếp theo)

Cập nhật lúc 21:07 02/01/2016
Vấn đề 5 : Vũ trụ vật chất tự nhiên mà có và vĩnh cửu chứ không do Chúa hay thần thánh nào tạo nên ?
 
TRẢ LỜI
 
1. Đây là lập trường của thuyết duy vật biện chứng về nguồn gốc vũ trụ vật chất. Thuyết này chủ trương :
+ Mọi thực tại đang hiện hữu trong thiên nhiên đều là vật chất và đều do vật chất mà phát sinh. Vũ trụ vật chất ta đang sống đây đã tự hiện hữu, vẫn có từ đời đời và sẽ còn tồn tại mãi, chứ không do thần thánh nào sáng tạo ra. Ngay cả ý thức và tư tưởng mà người ta gọi là tinh thần, dù có đặc tính siêu việt, cũng chỉ là sản phẩm thượng đẳng của cơ thể vật chất.
Vật chất cũng như hình thức hiện hữu của vật chất là sự chuyển động, đều không thể được sáng tạo ra. Tự nó mà nó hiện hữu” (Engels, Anti-Duhring).
Thực tại duy nhất là thế giới vật chất có thể tri giác bằng giác quan. Chúng ta cũng thuộc về thế giới vật chất ấy. Ý thức và tư tưởng của chúng ta mặc dù có siêu việt tính, nhưng cũng là sản phẩm của một cơ thể vật chất : thể xác, khối óc… Tinh thần cũng chỉ là sản phẩm thượng đẳng của vật chất” (Engels, Ludwig Fuerbach).
Tóm lại, vật chất là tinh túy của mọi thực tại, là nền tảng tuyệt đối của vũ trụ, là hạ tầng cơ sở của vạn sự vạn vật. Như vậy, vật chất đóng vai trò thay thế cho Thiên Chúa, là nguyên nhân tuyệt đối của mọi sự.
+ Để cắt nghĩa về sự tiến hóa của vũ trụ thiên nhiên, thuyết này nêu ra một tiến trình có tính cách biện chứng. Tiến trình ấy như sau :
Mọi thực tại đang hiện hữu đều có chứa sẵn trong mình những khía cạnh mâu thuẫn gọi là “mâu thuẫn nội tại”. Những mâu thuẫn ấy luôn tìm cách dung hòa bằng cách vượt hẳn lên cao, nhờ đó mà có sự tiến bộ. Nói cách khác, sự tiến hóa tự diễn tiến theo 3 giai đoạn chính đề, phản đề và hợp đề. Phản đề làm hiển hiện những khía cạnh mâu thuẫn của thực tại ; hợp đề vượt lên trên chính đề và phản đề, là sự tổng hợp những ưu điểm của chính đề và phản đề. Sau đó hợp đề lại trở thành chính đề, là giai đoạn thứ nhất của một tiến trình biện chứng mới và cứ thế tiến hóa lên mãi.
 2. Phê bình
Lập trường thuyết duy vật biện chứng về nguồn gốc của vũ trụ vật chất ngày nay không đứng vững cả trên bình diện khoa học lẫn triết học.
a) Khoa học hiện đại đã chứng minh vũ trụ vật chất có khởi thủy và chung cục chứ không vĩnh cửu. Thật vậy,
- Để cắt nghĩa về nguồn gốc của vũ trụ vật chất nói chung và thái dương hệ, trong đó có mặt trời và trái đất nói riêng, thì cho tới nay các nhà bác học mới nêu ra được những giả thuyết phỏng đoán không chắc chắn. Những giả thuyết ấy khác nhau nhiều ít tùy theo lập trường tôn giáo của các vị lập ra giả thuyết. Những giả thuyết này vì không thể kiểm chứng được nên muôn đời cũng vẫn chỉ là giả thuyết không hơn không kém (xem phần Phụ chú).
- Tuy nhiên, phần lớn các nhà khoa học đều chấp nhận vũ trụ có khởi điểm và chung cục chứ không vĩnh cửu, căn cứ vào khuynh hướng giảm dần năng lượng của vũ trụ : khinh khí đổi thành Hélium và sự hóan cải ấy luôn chỉ theo một chiều thóai hóa. Dần dần sự thóai hóa ấy sẽ đến lúc kết thúc để đi đến chỗ trung hòa bất biến. Trạng thái trung hòa năng lượng này có lẽ là lúc chung cục của toàn thể vũ trụ.
- Ngày nay, các nhà bác học cũng đã đi tới kết luận chung là vũ trụ vật chất đã hình thành cách đây khoảng 15 tỷ năm, và số lượng khinh khí dùng để biến đổi thành Hélium và phát sinh năng lượng (ánh sáng + sức nóng) cứ theo đà hiện nay thì chắc chắn sẽ phải có ngày cạn hết. Còn trước thời gian xuất hiện vũ trụ là gì, và sau khi đã tiêu hao hết số năng lượng vũ trụ sẽ ra sao, thì người ta không đồng quan điểm với nhau.
Riêng về nguồn gốc và vận mệnh của thái dương hệ, mặt trời và trái đất cũng có thời gian đã xuất hiện và sẽ có ngày tiêu tan.
- Với những viễn vọng kính và các phương pháp đo phóng xạ của ánh sáng mặt trời, người ta đã nêu ra giả thuyết về sự cấu tạo và tuổi của mặt trời như sau : đầu tiên trong không gian có một đám rất lớn khí thể và bụi vũ trụ, gồm nhiều nhất là chất khinh khí, tự đông đặc lại thành khối lớn là mặt trời, với hoạt động phát ra ánh sáng và sức nóng đi khắp nơi trong không gian mênh mông vô tận. Người ta có thể ví mặt trời như là một lò nguyên tử khổng lồ : ở trung tâm cứ mỗi giây, dưới sức nóng 15 triệu độ thì có 800 triệu tấn khinh khí bị nấu chảy thành Hélium và phát ra một năng lượng khủng khiếp là ánh sáng và sức nóng. Phản ứng nguyên tử ấy được tóm lại trong công thức :
                       4H----1He + Q
(bốn nguyên tử khinh khí H trong điều kiện nhiệt độ cao sẽ liên kết với nhau thành một nguyên tử mới là Hélium, đồng thời phát sinh ra một năng lượng Q ánh sáng và sức nóng). Người ta ước tính mặt trời đã nấu chảy như vậy khoảng 5 tỷ năm nay, và còn đủ chất khinh khí để tiếp tục nấu chảy như vậy trong thời gian 5 tỷ năm nữa. Sau đó ánh sáng sẽ tắt và dĩ nhiên tất cả các hành tinh thuộc thái dương hệ, trong đó có trái đất, sẽ trở thành những hành tinh lạnh lẽo băng giá và tăm tối. Đó chính là lúc chung cục của thái dương hệ.
- Còn nguồn gốc trái đất ra sao ? Nói về trái đất được hình thành như thế nào thì cho tới nay, khoa học chỉ nêu ra những giả thuyết không thể kiểm chứng để đi đến một kết luận dứt khóat. Tuy nhiên, mọi nhà bác học đều công nhận trái đất không hiện hữu từ đời đời, mà đã có thời gian xuất hiện.
Gần đây các nhà khoa học đã tìm ra phương pháp định tuổi của vật chất, gọi là phương pháp “Radio Activity”.
Công việc định tuổi khởi từ nhận xét của hai vợ chồng nhà bác học Curie, là sự phát ra tia sáng của một số vật liệu mà họ gọi là phóng xạ. Công việc nghiên cứu kế tiếp của Rutherford và Holmes cho biết rằng vật liệu phóng xạ đó sẽ tự hủy biến dần để trở thành vật khác theo một số năm nhất định. Chẳng hạn một lượng a Uranium khi hủy biến thành một lượng b chì, thì đòi phải có một thời gian nhất định là t. Vậy nếu t càng dài thì lượng a sẽ mất dần và lượng b đương nhiên sẽ tăng lên. Từ đó muốn biết thời gian t của một vật nào, thì người ta đo phóng xạ phát ra từ vật đó rồi so sánh với một hằng số nguyên thủy, và theo công thức có sẵn để tính ra.
Từ những hòn đá lấy trên địa cầu hay từ mặt trăng đem về, các nhà bác học đã phỏng đoán một cách tương đối chính xác, với ít nhiều sai số, về thời gian xuất hiện của chúng, và cho biết trái đất xuất hiện cách đây khoảng 5 tỷ năm, mặt trăng có khoảng 4,6 tỷ năm.
Tương lai của trái đất và mọi vật trên mặt đất, trong đó có con người sẽ ra sao ?
Trước hết về số phận của các sinh vật, trong đó có con người, chỉ có thể sống được nếu có đủ các điều kiện về khí hậu, ánh sáng, nhiệt độ, thực phẩm... Ngày nào ánh sáng và sức nóng mặt trời sút giảm hoặc tắt hẳn thì ngày ấy không còn sinh vật nào có thể tồn tại.
Còn về số phận của trái đất trong tương lai thì các nhà bác học đã nêu ra 3 giả thuyết :
1. Giả thuyết về địa cầu trương nở : Theo giả thuyết này thì địa cầu càng ngày càng nở lớn thêm ra, khiến cho nhiều nơi bị toạc vỡ, giống như một quả bong bóng đang được bơm hơi và nở ra cách chậm chạp. Theo B. Heezen, đáy biển Ấn Độ Dương đang bị toạc nứt liên tục và rất sâu. Hiện nay, vết thương ấy càng loét to ra, và quả đất có thể bị hủy diệt vì những vết thương như vậy.
2. Giả thuyết về địa cầu xáo trộn : Theo giả thuyết này thì hiện nay ở lớp vỏ của địa cầu có một dòng đối lưu đẩy các lục địa rời xa nhau hay đổ xô vào nhau. Mọi di chuyển như thế sẽ khiến vỏ địa cầu bị dồn lấp lên thành những quả núi mới, đồng thời lại bị toạc ra thành hố sâu ở nơi khác, do tính chất bở dòn của vỏ trái đất. Có ngày trái đất sẽ bị vỡ ra.
3. Giả thuyết về địa cầu chảy lỏng : Theo giả thuyết này thì sẽ có ngày quả đất bị dồn nén với một áp suất khủng khiếp, làm cho chảy lỏng ra toàn diện, như nó đã từng chảy ra trong thời kỳ vô sinh. Càng ngày áp suất càng mạnh đến độ bị vỡ tung ra. Những vẩn thạch trong không gian không phải là những mảnh vỡ của các hành tinh khác đã bị vỡ ra là gì ? Quả đất cũng sẽ phải trải qua giai đoạn vỡ tung đó. Nếu thuyết sau cùng này đúng, thì ta sẽ được chứng kiến một cuộc tận thế thật là nhanh chóng.
Như vậy, với những bằng chứng về sự thóai hóa năng lượng, khoa học cũng đã chứng minh vũ trụ nói chung và thái dương hệ trong đó có trái đất nói riêng đều có thời gian bắt đầu và sẽ tới lúc kết thúc. Trái lại, những người chủ trương vũ trụ vật chất vĩnh cửu đã không thể dùng khoa học chứng minh được lập trường mơ hồ thiếu bằng chứng cụ thể xác đáng.       
b) Trên bình diện triết học, lý thuyết của Engels cho rằng vật chất tự hiện hữu chứ không do ai sáng tạo… không đứng vững vì những lý do sau :               
 - Theo nguyên tắc nhân quả : “Cái gì hiện hữu cũng phải có nguyên nhân”. Chẳng hạn khi thấy khói là đương nhiên phải có lửa, thấy lửa là đương nhiên phải có một vật nào có thể cháy… Thế thì có vật chất, đương nhiên ta phải công nhận một nguyên nhân nào đã phát sinh ra nó.
 Hơn nữa, khoa học ngày nay đã có thể phân tích vật chất thành phân tử, phân tử thành nguyên tử, nguyên tử thành âm, dương điện tử… và người ta còn tiếp túc phân tích các điện tử ấy ra những yếu tố nhỏ hơn nữa… Từ đó ta suy ra một vật gì có thể phân tích được tức là có thể bị tiêu diệt (trong khả thể). Mà cái gì có thể bị tiêu diệt thì không vĩnh cửu, không có từ đời đời được.
 Khoa học cũng đã khám phá ra một hình thức khác của vật chất gọi là “phản vật chất” (anti-matière) có năng lực làm đảo lộn tiêu hủy những chất khác. Khám phá mới lạ này càng chứng tỏ vật chất không thể vĩnh cửu. Vật chất không thể hằng có từ đời đời, mà đã có thời gian xuất hiện và chắc chắn sẽ có ngày bị tiêu tan.
Như vậy, vũ trụ vật chất ta đang sống, vì đã được cấu tạo bằng vật chất có thể bị hủy diệt, nên không vĩnh cửu, không thể tự mình hiện hữu, mà đã phải do một nguyên nhân nào đó không phải vật chất phát sinh ra. Nguyên nhân ấy ta gọi là Thiên Chúa. Phải công nhận có Thiên Chúa thì mới có thể cắt nghĩa được một cách hợp lý sự hiện hữu và tiến hóa trật tự của vũ trụ vạn vật.
c) Về sự tiến hóa của vật chất :
Vật chất không thể tự tiến hóa như thuyết duy vật biện chứng chủ trương vì những lý do sau :
Theo các nhà khoa học, muốn cho một vật biến hóa sang vật khác, thì cần phải có sự can thiệp của một động lực thứ ba từ bên ngoài. Chẳng hạn muốn cho nước biến thành hơi nước, thì cần phải có một nhiệt lượng từ bên ngoài làm cho nước nóng lên và bốc hơi ; để hạt giống có thể đâm rễ thành cây, thì cần phải có đủ điều kiện bên ngoài ảnh hưởng trên hạt giống ấy như ánh sáng, nhiệt độ, khí hậu, nước, đất tốt… Vậy thì sở dĩ vũ trụ vật chất có sự tiến hóa là do một nguyên nhân khác đã ảnh hưởng tới nó, nguyên nhân ấy chính là Thiên Chúa.
Đàng khác, vật chất cũng không luôn tiến hóa theo chiều đi lên như thuyết duy vật biện chứng chủ trương, mà cũng có khi biến hóa theo chiều đi xuống nữa, chẳng hạn :
+ Vào giữa thời kỳ trung sinh (cách đây từ 50 – 200 triệu năm), trong nhóm động vật có xương sống bò sát đã xuất hiện những loài vật rất lớn mà đến nay chỉ còn lại những bộ xương khổng lồ như: Lôi Long (cao 5m, dài 20m và nặng 30 tấn), Khủng Long (cao 6m, dài 10m, có đầu rất to, quai hàm mạnh và răng bén), Ngư Long (dài 2m, sống dưới nước), Điểu Long (bộ cánh rộng hơn 2m, là loại cá sấu biết bay)… Đáng lẽ theo thuyết tiến hóa tuyệt đối thì các con vật to lớn này phải biến hóa thành những loài khác mạnh khỏe to lớn hơn nữa, nhưng tại sao đến nay chúng lại hoàn toàn bị diệt chủng ?
  + Khi so sánh cơ thể của con người ngày nay với giống người ngày xưa, khoa cổ học sinh vật học cho biết đã có sự thóai hóa thay vì tiến hóa theo chiều đi lên như thuyết duy vật biện chứng chủ trương : cơ thể con người hiện tại yếu đuối hơn thời xưa và chắn chắn không sống lâu hơn xưa.
  + Ngay cả về phạm vi văn minh, con người cũng có thóai hóa ở một vài phương diện, chẳng hạn khi quan sát các công trình xây cất của người Ai Cập xưa như các kim tự tháp vĩ đại giữa sa mạc, các kiến trúc sư ngày nay cũng phải thán phục và khó lòng thấu hiểu kỹ thuật của người xưa.
  Tóm lại, vũ trụ vật chất mà chúng ta đang sống có khởi điểm và chung cục chứ không vĩnh cửu, xét trên bình diện khoa học thực nghiệm cũng như triết học suy luận. Vũ trụ ấy phải do một nguyên nhân siêu vật chất, vĩnh cửu và bất biến sáng tạo ra, nguyên nhân ấy là Thiên Chúa. Chính Ngài đã tạo ra vật chất và can thiệp để có sự tiến hóa không ngừng theo cả hai chiều lên xuống hay tiến hóa.
 
PHỤ CHÚ : CÁC GIẢ THUYẾT VỀ NGUỒN GỐC VÀ VẬN MỆNH CỦA VŨ TRỤ
 
I. GIẢ THUYẾT ĐẶT CĂN BẢN TRÊN TÔN GIÁO: THUYẾT VŨ TRỤ NỔ CỦA LM LEMAÎTRE
Vào năm 1920, linh mục George Lemaître đã nêu ra giả thuyết về nguồn gốc vũ trụ, và đã được rất nhiều nhà bác học lừng danh như Paul Dirac, Arthur Eddington, George Gamow và Edward Teller công nhận. Thuyết ấy như sau :
Vũ trụ gồm vô số thiên hà đang di chuyển, mỗi thiên hà lại có mấy trăm tỷ mặt trời. Các thiên hà càng ngày càng xa nhau thêm với một một tốc độ chóng mặt. Dựa trên tốc độ rời xa nhau của các thiên hà, linh mục Lemaître đã tính ra tuổi của vũ trụ, nó đã được thành hình cách đây khoảng 8 tỷ năm. Đầu tiên, vũ trụ hiện nay chỉ là một khối nhân duy nhất, có độ đậm đặc đến nỗi một phân khối cân nặng 100 triệu tấn, chỉ gồm toàn dương tử và điện tử. Vì chịu một sức ép khủng khiếp nên nhiệt độ tăng lên đến 1 nghìn tỷ độ bách phân, làm khối nhân phát nổ tung tóe ra khắp bốn phương trời. Những khối nhân ấy khi mới phát nổ chỉ là những năng lực, rồi nguội dần để thành vật chất. Vật chất này bắt đầu cô đọng và quay cuồng. Sự quay cuồng làm cho các khối khí co rút lại sinh ra các thiên hà, tinh tú, mặt trời và hành tinh..., và nhờ đà phát nổ ban đầu tiếp tục di chuyển trong vũ trụ mênh mông vô tận. Nhưng tương lai vũ trụ đi về đâu?
Năng lượng của vũ trụ có khuynh hướng giảm bớt dần, thóai hóa thành hình thức nhiệt lực. Lúc đám mây khinh khí cuối cùng tạo ra những vì tinh tú chót, thì vũ trụ đi vào giai đoạn kết thúc. Trong 10 tỷ năm nữa, không gian chỉ còn là những xác thiên hà với những vì sao đã chết hay hấp hối. Rồi cuối cùng mặt trời cũng lịm dần trong một vũ trụ âm u lạnh lẽo. Lúc đó, trong sự yên lặng hoàn toàn, tử thi của các ngôi sao tiếp tục đi qua nhờ các trớn cũ giống như những đoàn âm binh quái đản. Từ lúc có vụ nổ nguyên thủy đến lúc vũ trụ chết hẳn, khoảng thời gian ước chừng 20 tỷ năm.
II. GIẢ THUYẾT ĐỨNG TRÊN LẬP TRƯỜNG VÔ THẦN : THUYẾT VŨ TRỤ TỰ TẠO
Thuyết này nhằm giải thích nguồn gốc vũ trụ theo quan điểm vô thần, gạt bỏ ý niệm một vị Thiên Chúa sáng tạo. Thuyết này do Hermann Bonde và Thomas Gold đề xướng, rồi được Fred Hoyle bổ túc sau đó, và là một phản đề hoàn toàn thuyết “vũ trụ nổ” của linh mục Lemaître ở trên. Thuyết vũ trụ tự tạo chủ trương như sau :
Vũ trụ tự mình hiện hữu chứ không do một nguyên nhân nào khác sáng tạo ra. Hiện nay, cứ một cái vỗ tay của ta thì có một thiên hà chìm ngay vào trong không gian mênh mông vô tận, với một tốc độ nhanh hơn ánh sáng. Vậy thiên hà ấy ở đâu mà ra ? Hoyle trả lời : Thiên hà ấy do các nguyên tử mới được thành lập cô đọng lại thành. Theo ông, vật chất tự tạo lấy khắp nơi trong vũ trụ, vật chất sẵn có sinh ra vật chất sắp tạo. Cứ mỗi giờ đồng hồ thì trong một vùng có thể tích bằng 4km3 sẽ có một nguyên tử mới được thành lập một cách đột ngột, trước đó một chút không thấy có nó, sau đó một chút nó đã hiện ra rồi.
  Hoyle cắt nghĩa thêm : Vũ trụ đứng về phương diện khối lượng và năng lượng chẳng thay đổi gì cả. Vật chất nguyên thủy đều có mật độ bằng nhau ở mọi nơi và cần phải loãng để có thể rải rác khắp cùng vũ trụ chứ không thể đậm đặc được. Trong một giờ, tất cả vũ trụ tạo ra được một khối lượng to lớn không thể tượng tượng : 1026 tấn. Vật liệu vừa tạo ra đòi hỏi một thể tích để chứa nó. Do đó vũ trụ phải trương nở thêm mãi, các thiên hà phải chạy xa nhau để nhường chỗ cho vật liệu mới.
Vậy viễn ảnh tương lai vũ trụ ra sao?
Theo Hoyle, vũ trụ hiện ra trước viễn vọng kính của chúng ta giống như một màn ảo thuật kéo dài đến vô tận như một ảo thuật gia từ từ rút từ một cái hộp rỗng hết chiếc khăn nọ đến chiếc khăn kia, mỗi khăn là một thiên hà. Khăn nằm dồn đống khiến người phụ diễn phải ném bớt vào trong buồng từng cái một. Nếu ta có thiếp ngủ đi một lúc, thì lúc tỷnh dậy, ta vẫn thấy nhà ảo thuật tiếp tục rút hẳn ra. Ta cũng chẳng phân biệt được đoạn thấy trước khi ngủ với đoạn thấy sau khi thức giấc. Từ đó, Hoyle kết luận: vũ trụ vô thủy vô chung, với một không gian vô biên giới và kéo dài đến vô tận.
Phê bình : Thuyết này có vẻ rõ ràng vì có những con số hỗ trợ, và xem ra có phần hữu lý trên lý thuyết. Tuy nhiên, thuyết vấp phải một số trợ lực không thể vượt qua. Trong thực tế không ai chứng minh được lập luận vật chất sẵn có sinh ra vật chất sắp tạo. Đàng khác, chỉ dựa vào sự quan sát thấy hiện tượng các thiên hà đột nhiên hiện ra rồi biến chìm trong không gian, để rồi cho rằng vũ trụ đứng về phương diện khối lượng và năng lượng chẳng thay đổi gì cả... thì không đủ lý do đó và thiếu sự chính xác khoa học.
Tóm lại, thuyết vụ trụ tự tạo chỉ hữu lý trên lý thuyết với sự hỗ trợ của các con số không thể kiểm chứng được. Thực tế, thuyết này thiếu bằng chứng khoa học và gặp nhiều trở ngại không thể vượt qua được. Do đó muôn đời nó cũng chỉ là một giả thuyết không hơn không kém, một sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của con người.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log