Vấn đề 11 : Chỉ những gì khoa học chứng minh được mới có thực, mà Thiên Chúa thì cho tới nay khoa học vẫn chưa chứng minh được, nên không có hoặc không đáng tin.
TRẢ LỜI
I. GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC
1. Khoa học là gì ?
Khoa học nói chung là một hệ thống kiến thức tổng quát, khách quan, xác thực hơn kém, và đạt được một cách có phương pháp. Nhưng khoa học đề cập tới ở đây là khoa học theo nghĩa hẹp : khoa học thực nghiệm (science expérimentale), là một môn học về vật chất, được khảo sát bằng những thí nghiệm, kiểm chứng nhờ những dụng cụ để đi tới định luật chung cắt nghĩa các sự kiện thuộc vật chất.
2. Đối tượng nghiên cứu của khoa học thực nghiệm
Khoa học có đối tượng nghiên cứu là vật chất trong không gian và thời gian. Chỉ những gì có thể đo được : dài ngắn, nặng nhẹ, mạnh yếu, nhiều ít, nhanh chậm, cũ mới… mới thuộc phạm vi nghiên cứu tìm hiểu của khoa học thực nghiệm.
3. Giới hạn của khoa học
Ngay trong đối tượng vật chất là nghiên cứu của khoa học, thế mà cho đến nay vẫn còn rất nhiều vấn đề khoa học chưa tìm ra lời giải đáp thỏa đáng như : Sự sống hình thành và phát sinh như thế nào trong một hạt lúa, một con bọ ? Chết là gì và tại sao phải chết ? Làm thế nào để được sống mãi ? Vũ trụ vật chất ta đang sống có biên giới không ? Xuất hiện tự bao giờ ? Gồm bao nhiêu tinh tú ?... Người ta chỉ biết phỏng đoán, hoặc dựa vào một vài yếu tố để xây dựng những giả thuyết thiếu chính xác, dễ bị sụp đổ với thời gian.
Sang đến lĩnh vực tâm linh con người thì khoa học hoàn toàn bất lực vì vượt quá phạm vi thực nghiệm của nó. Chẳng hạn, quan sát một bàn tay sờ lên trán một người, nhà khoa học chỉ có thể biết được : Xương tay mỗi cái di chuyển mấy độ ? Do những đường gân nào điều động ? Sức nặng của bàn tay là bao nhiêu ? Cần tốn bằng nào nhiệt tố (calori) của cơ thể để xê dịch như vậy ? Sự cọ xát của hai làn da sẽ phát sinh bao nhiêu nhiệt điện ?... mà thôi. Khoa học không thể nói đến ý nghĩa tâm linh của hành động ấy để hiểu được là một cử chỉ khám bệnh của vị bác sĩ hay là một cái vuốt ve của bà mẹ nựng đứa con thơ.
Nhìn vào liên lạc giữa người với người, khoa học chỉ thấy da thịt cọ xát nhau, hai bàn tay bóp chặt vào nhau, nhưng không bao giờ thấy được tình hữu nghị trong đó. Khoa học cũng không thể dùng các dụng cụ để đọc được tư tưởng của con người, không thể giải thích được tại sao tôi lại thương người này mà ghét người kia. Dù không thấy, không biết, khoa học cũng không bao giờ dám quả quyết những ý nghĩa, những tình cảm kia không có !
Như vậy phải nói rằng : không phải chỉ những gì khoa học chứng minh được mới có thực. vẫn có những thực tại hiện hữu trong thiên nhiên, nhưng vì ở ngoài phạm vi thực nghiệm, nên khoa học đành bất lực không thể chứng minh được.
II. KHOA HỌC VÀ SỰ HIỆN HỮU CỦA THIÊN CHÚA
Khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên với những trật tự lạ lùng và kỳ diệu, con người có trí khôn phải đặt ngay câu hỏi vũ trụ và trật tự ấy bởi đâu mà có, từ đó với lý trí suy luận từ hậu quả tới nguyên nhân, con người quả quyết phải có một Vị nào đó đã sáng tạo nên. Vị ấy được mệnh danh là Thiên Chúa, Thượng Đế, Ông Trời... tùy theo dân tộc, địa phương, thời đại.
Tuy nhiên, có một số người nại vào khoa học để phủ nhận Thiên Chúa. Theo họ cho tới nay khoa học vẫn chưa chứng minh được rõ ràng có Thiên Chúa, nên chắc không có thực mà ý niệm Thiên Chúa chỉ là sự bịa đặt, không đáng tin. Cách đây ít lâu, Gargarine, một phi hành gia người Nga sau cuộc du hành vòng quanh trái đất trở về đã tuyên bố : “Trong cuộc bay lượn giữa các hành tinh, tôi chẳng trông thấy Thiên Chúa đâu cả”.
Cha Dubarle đã trả lời : Vậy thì ông cho rằng Thiên Chúa là một loài có xương thịt và thở bằng không khí hay sao ? Người công giáo, dù là một em nhỏ, cũng biết rằng Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng, không phải vật chất hữu hình như các vật do Ngài sáng tạo nên. Mấy phi hành gia dù có đi mấy ngày mấy tháng đi nữa cũng không bao giờ gặp thấy Ngài. Thiên Chúa thiêng liêng thì làm sao với cặp kính phi hành gia mà xem thấy được. Cũng như với mắt thường ta không trông thấy vi trùng, không thấy nhưng không phải là không có, vì nhìn qua kính hiển vi sẽ thấy. Kính hiển vi cũng không thấy các vi khuẩn của bệnh ung thư được, nhưng với kính hiển vi điện tử sẽ thấy. Cũng thế, đối với Thiên Chúa, mắt thường không thấy, nhưng với con mắt suy luận, mắt đức tin có thể thấy được.
Thiên Chúa là nguyên nhân tối hậu, là căn nguyên của vũ trụ, là Đấng sáng tạo vũ trụ vật chất từ hư không, do đó Ngài không đồng hóa với vật mà Ngài tạo dựng, Thiên Chúa ở ngoài không gian và thời gian và không lệ thuộc vào vũ trụ. Ngài là Đấng thiêng liêng, vô hình, không phải vật chất, nên không phải là đối tượng nghiên cứu tìm hiểu trực tiếp của khoa học. Khoa học không có quyền lên tiếng để quả quyết có hay không có Thiên Chúa, vì ngoài phạm vi của nó. Cũng như khi nghiên cứu tìm hiểu cái bàn, nhà khoa học chỉ có thể phân tích, cân, đo những gì là vật chất như gỗ, sắt... nhưng lại bất lực không thể chứng minh người thợ mộc đã làm nên cái bàn ấy. Người ta phải dùng lý trí suy luận từ hậu quả đến nguyên nhân để quả quyết chắc chắn cái bàn không thể tự nhiên mà có, nhưng phải có một người thợ mộc nào đó đã làm nên. Cũng vậy, khi nhìn thấy vũ trụ thiên nhiên với những định luật trật tự hoàn hảo trong đó, khoa học chỉ có thể nghiên cứu tìm hiểu những định luật, những hiện tượng thiên nhiên, những gì là vật chất... nhưng không bao giờ chứng minh được rõ ràng Thiên Chúa ngự ở đâu, sinh hoạt của Ngài ra sao, Ngài có những bộ phận nào ?.., vì Thiên Chúa thiêng liêng vô hình, và không nằm trong vũ trụ, không lệ thuộc vào những định luật không gian thời gian do Ngài tác tạo. Muốn nhận biết Thiên Chúa, người ta phải sử dụng lý trí suy luận từ hậu quả đến nguyên nhân : Có vũ trụ vật chất thì đương nhiên chắc chắn cũng phải có một Đấng nào đó không phải vật chất đã tạo dựng nên chúng từ hư không. Đấng ấy ta gọi là Thiên Chúa.
Tóm lại, khoa học ngày nay tuy có sự tiến bộ rất nhiều, nhưng vẫn có giới hạn của nó. Khoa học chẳng qua chỉ là sản phẩm của trí khôn hữu hạn của con người, có nhiệm vụ khám phá những gì vẫn có sẵn trong vũ trụ thiên nhiên và hướng những hiểu biết ấy vào việc phục vụ cho con người. Khoa học ngày càng tiến triển là một bằng chứng hùng hồn chứng minh sự hữu hạn của nó, vì còn tiến tức là còn nhiều vấn đề khác chưa biết. Ông Pointcarré đã nói : “Khoa học dù có tiến xa, phạm vi của nó vẫn có hạn. Ngoài giới hạn của nó là sự bí mật. Biên giới càng xa thì bí mật càng rộng”. A. Arsenval cho biết : “Một câu trả lời của nhà khoa học sẽ gợi ra 20 câu vấn nạn khác. Khoa học là trường rèn luyện khiêm tốn và thành thực”. Young cũng nói: “Càng giỏi càng thấy mình dốt”.
Ngay trong phạm vi vật chất mà khoa học còn bất lực không thể giải đáp được nhiều vấn đề, phương chi về những vấn đề siêu hình như Thiên Chúa, linh hồn, đời sau... Những vấn đề ấy vượt quá khả năng của khoa học, và chỉ có triết học suy luận và thần học mạc khải mới có quyền lên tiếng mà thôi. Tuy nhiên, khoa học có thể đóng góp tích cực trong công cuộc tìm hiểu chân lý. Khoa học có thể nghiên cứu và cho biết sự xếp đặt kỳ diệu, những định luật lạ lùng chi phối thiên nhiên..., rồi nhờ nguyên tắc nhân quả của triết học, con người sẽ nhận biết Đấng Tạo Hóa. Vì thế, một nhà thiên văn học lừng danh, ông Newton, đã dám mạnh dạn quả quyết : “Tôi nhìn thấy Thiên Chúa ở đầu thiên lý kính của tôi.”
KHỦNG BỐ NHÀ THỜ
Ở một giáo xứ miền quê, cha xứ đang ngồi trong văn phòng thì ông trùm hớt hải chạy vào :
- Cha ơi, có tên khủng bố muốn phá nhà thờ cha ạ !
Cha xứ ngạc nhiên hỏi lại :
- Sao ông biết ?
- Con vừa đi vào cuối nhà thờ thì nghe thấy có tiếng thì thầm : "Nạy Chúa, nay con xin đặt mìn dưới chân Chúa, và hướng nòng nên tới Chúa".
Cha xứ hốt hoảng la lớn : - Mau giật chuông!