Chúa nhật, 24/11/2024

Giải đáp các vấn nạn liên quan đến Đức tin và Khoa học (tiếp theo)

Cập nhật lúc 08:25 21/01/2016
Vấn đề 10 : Tôi đã ở bên rất nhiều người sắp chết, mà khi họ chết, tôi chẳng trông thấy linh hồn nào bay ra cả. Các nhà tôn giáo lợi dụng bản năng muốn tồn tại mãi của con người, nên đã bày đặt ra linh hồn thiêng liêng bất tử để làm tiền những người ngu dốt tin theo. Thực sự, chết là hết!
 
TRẢ LỜI
 
I. CON NGƯỜI CÓ LINH HỒN, NHƯNG LINH HỒN THIÊNG LIÊNG TA KHÔNG THẤY ĐƯỢC
1. Giác quan con người có giới hạn
Trong vũ trụ thiên nhiên, có nhiều vật hiện hữu thực sự, nhưng lại vượt quá tầm tiếp nhận của giác quan con người. Chẳng hạn, mắt ta đâu có xem thấy dòng điện, đâu nhìn được quang tuyến X, tia xích ngoại tuyến hay tử ngoại tuyến... Nhưng ai dám quả quyết không có điện, không có những tia sáng kia ? Giả như Tạo Hóa cho mắt con người xem được 4000 tỷ rung động của ánh sáng trong một giây đồng hồ, thì bộ mặt thực chung quanh ta sẽ thay đổi hẳn, chúng ta sẽ chỉ còn thấy các bộ xương đeo đồng hồ toòng teng ở cổ tay và đi lang thang ngoài đường phố ! Tai cũng thế, nó chỉ có thể tiếp nhận âm thanh trong một giới hạn nào đó. Tai của loài chó được huấn luyện có thể nghe được tiếng còi siêu âm thanh của chủ, đang khi tai con người đành bất lực không nghe được.
Như vậy, KHÔNG XEM THẤY LINH HỒN BAY RA NƠI NGƯỜI CHẾT, KHÔNG PHẢI LÀ YẾU TỐ ĐỦ ĐỂ QUẢ QUYẾT CON NGƯỜI KHÔNG CÓ LINH HỒN.
2. Con người có linh hồn thiêng liêng
Con người có linh hồn, nhưng sở dĩ ta không thấy được vì linh hồn có đặc tính thiêng liêng vô hình khác hẳn vật chất. Cũng như dù không trông thấy dòng điện, nhưng ta vẫn công nhận có điện, nhờ thấy được hiệu quả của nó như làm sáng bóng đèn, làm quay máy quạt ; cũng vậy, dù mắt ta không trông thấy linh hồn thiêng liêng, nhưng vẫn công nhận có linh hồn nhờ thấy được hiệu quả của linh hồn làm cho thân xác sống động, và là nguyên nhân sản xuất tư tưởng và ý chí tự do qua trung gian óc não con người.
 
II. CHẾT KHÔNG PHẢI LÀ HẾT
Con người gồm có 2 phần, thân xác vật chất và linh hồn thiêng liêng. Chết là khi thân xác không còn sống động, không ăn uống, đi đứng, nói năng, suy tư. Nói cách khác, chết là khi linh hồn lìa ra khỏi xác. Khi ấy thân xác chỉ còn là một khối vật chất, gồm những tế bào không liên kết chặt chẽ với nhau như khi còn sống, vì thiếu sợi dây kết hợp là linh hồn. Xác con người sẽ theo định luật biến hóa của vật chất như bao vật khác, thịt xương sẽ bị thối rữa do ảnh hưởng của nhiệt độ, không khí, vi trùng, v.v… để trở thành những chất khác.
Chết đi không phải là hết như có người lầm tưởng, mà linh hồn con người không tiêu tan theo thân xác, nhưng sẽ còn tồn tại mãi mãi vì những lý do như sau :
1. Vì linh hồn có đặc tính thiêng liêng
Linh hồn là nguyên lý sự sống của thân xác con người. Người ta chỉ có thể nhìn thấy hiệu quả của sự sống, nhưng chính sự sống với hai tài năng là trí khôn và ý chí thì không thể thấy được vì có đặc tính thiêng liêng vô hình. Vì linh hồn không phải vật chất, cũng không thể bị biến hóa do ảnh hưởng của hoàn cảnh vật chất theo các định luật lý hóa, nên linh hồn bất diệt và luôn tồn tại mãi mãi.
2. Vì là một điều hợp lý
a) Nhìn vào vạn vật trong vũ trụ thiên nhiên, ta nhận thấy có một sự xếp đặt trật tự hoàn hảo, vật dưới phải phục vụ cho vật trên, vật này làm thỏa mãn cho vật khác. Chẳng hạn, mắt có khả năng và nhiệm vụ xem thì trong thực tế đã có ánh sáng, hình thể, mầu sắc... đáp ứng với khả năng xem ấy. Tai có khả năng và nhiệm vụ nghe thì thực sự đã có âm thanh, tiếng động làm thỏa mãn khả năng nghe ấy. Con cá có khả năng và nhu cầu sống dưới nước, thì khi thấy ở đâu có cá, đương nhiên ta cũng thấy có nước làm thỏa mãn nhu cầu cần nước ấy v.v. Cũng thế, về phạm vi tinh thần, hầu như mọi người đều tự nhiên cảm thấy mình muốn tồn tại mãi, đều có nhu cầu được trường sinh bất tử, thì thực tế cũng phải có đời sống vĩnh cửu sau khi chết để làm thỏa mãn ước vọng chung tự nhiên ấy mới hợp lý.
b) Giả như bạn có thể nói chuyện với một bào thai, thì bạn sẽ nói với nó về đời sống tương lai của bào thai mà chính bạn đã có kinh nghiệm và thực sự đang sống kinh nghiệm ấy như sau : - Hỡi bào thai, đời sống của mày ngắn ngủi, nhưng tiếp theo đời sống mày đang sống, sẽ còn một đời sống khác thực sự và lâu dài.
Vậy bào thai sẽ trả lời bạn ra sao ? Nếu thiếu suy nghĩ thì chắc nó sẽ trả lời : - Tôi chỉ công nhận là có thực những gì tôi trông thấy và kiểm nghiệm được. Do đó chỉ có một đời sống là đời sống hiện tại tôi đang sống, còn đời sống khác như ông nói chỉ là sự bịa đặt, là điều mê tín, không thể tin được.
Nhưng nếu có chút trí khôn suy nghĩ, chắc bào thai sẽ cho rằng bạn có lý và tự nhủ mình : - Ừ nhỉ, đây tôi có hai cánh tay mỗi ngày một phát triển hoàn bị thêm, thế mà tôi chẳng cần dùng tới nó chút nào cả. Tôi cũng không thể duỗi chúng ra được. Nhưng tại sao tôi lại có hai cánh tay ? Chắc là để đề phòng cho một chặng đường tương lai mà sau này tôi sẽ cần đến chúng. Chân tôi mọc dài ra, mà tôi cũng phải bó buộc co gấp chúng. Vậy có chân làm gì trong khi hiện giờ tôi không cần mà mỗi ngày nó một phát triển thêm ? Chắc là tôi sẽ phải sống ở một hoàn cảnh khác mà ở đó tôi sẽ phải sử dụng chân để bước đi. Tại sao có hai mắt ? Trong căn phòng tối tăm dày đặc này thì có mắt cũng như mù. Vậy có mắt để làm gì ? Chắc là tôi sẽ bước sang một thế giới mới đầy ánh sáng và màu sắc, và khi ấy tôi sẽ cần sử dụng tới đôi mắt…
Tóm lại, nếu bào thai có thể suy nghĩ về sự tiến triển của nó, thì nó sẽ hiểu rằng phải có một đời sống khác ngoài bụng mẹ, đời sống mà hiện nay nó chưa có chút kinh nghiệm nào, nhưng chắc chắn phải có vì hợp với nhu cầu tự nhiên của nó.
Đối với linh hồn con người với hai tài năng là trí khôn và lòng muốn cũng vậy, khi còn trẻ, chúng ta thường suy xét nông cạn, thiếu khôn ngoan. Nhưng với năm tháng, dần dần trí óc học hỏi, mở mang thêm và con người mỗi ngày càng tăng thêm vốn liếng hiểu biết, khôn ngoan. Thế rồi, khi chưa sử dụng khôn ngoan được bao lâu, thì thần chết lại đến dẫn đưa chúng ta xuống mồ. Như vậy trí khôn thêm hiểu biết, thêm khôn ngoan thông thái làm gì nếu thực sự chết đã là hết ? Vậy cũng như tay chân mắt mũi dần dần xuất hiện với bào thai là để đề phòng cho cuộc sống ngoài đời thế nào, thì tâm hồn con người dần dần thêm kiến thức khôn ngoan, cũng là để nhắm đến đời sống khác thiêng liêng vĩnh cửu sau khi chết vậy.
Hơn nữa, nếu chết là hết thực sự thì người tốt có khác gì kẻ xấu ? Kẻ ăn trộm, tiểu nhân với những bậc vĩ nhân quân tử có gì là khác biệt ? Nếu chết là hết thì cần chi phải kêu gọi từ bi xả kỷ, đề cao sự lương thiện công bằng ? Chết mà hết thực sự thì ai làm lành là ngu dại, nhân từ là nhu nhược, bác ái là dại dột. Chết là hết thì sống ở trên đời cứ việc giết người cướp của thật nhiều, hưởng thụ khoái lạc cho đã, cần chi phải đề cao tinh thần nhân đạo ? Chết là hết thì tại sao lại phải cử hành giây phút mặc niệm anh linh những liệt sĩ, dựng đài kỷ niệm hoặc dâng hương trước di ảnh người quá cố ?
Nhưng may mắn thay, hầu hết nhân loại đều không chấp nhận chết là hết, mà mọi người đều tin tưởng chắc chắn có đời sống vĩnh cửu sau khi chết.
Socrate, nhà hiền triết Hy Lạp thế kỷ 5 trước kỷ nguyên, khi được một người bạn hỏi ý kiến về việc chôn cất ông thế nào, ông trả lời : “Anh có thể vùi cái thân xác tôi như thế nào tùy ý, nhưng còn chính tôi, anh không thể chôn vùi được”. Câu nói ấy đã chứng tỏ Socrate tin tưởng linh hồn vẫn còn tồn tại sau khi chết.
Nghiên cứu những di tích tiền sử ta thấy một điều chắc chắn là mọi dân tộc đều tin có đời sống trường cửu sau khi chết. Thực vậy, từ Âu sang Á, từ Bắc xuống Nam, ở Úc cũng như ở Mỹ hoặc Trung Hoa, đâu đâu cũng có những dấu tích chứng minh con người tin tưởng một đời sống bất diệt. Có nơi người chết được đặt nằm nghiêng như người ngủ. Những khí giới, dụng cụ, lương thực để trong tầm tay người chết là có ý cho họ có thể sử dụng ở thế giới bên kia. Trong mộ chôn của người Ai cập hầu hết đều có thuyền bông, là để cho người quá cố đi sang kiếp khác. Ngày nay dân Pygmées, một dân tộc mọi rợ sống trong thâm sơn cùng cốc ở Phi châu, Úc châu, là tuợng trưng cho cổ nhân ngày xưa còn tồn tại, cũng tin linh hồn bất tử. Nói đâu xa, nếu có ai muốn điều tra về lòng tin tưởng linh hồn bất diệt của con người thời đại ngày nay thế nào, thì cứ ra các nghĩa trang vào ngày lễ linh hồn, hoặc ngày lễ Vu lan... sẽ biết.
Ngay những người ngoài miệng tuyên bố không tin, nhưng trong thực hành vẫn làm những việc chứng tỏ lòng tin có linh hồn, có đời sau một cách vô thức. Nhất là vào lúc sắp chết, nhiều người đã bỏ lập trường của mình để quay về với niềm tin tôn giáo, điển hình hơn cả là cái chết của Voltaire, một người chống đối tôn giáo một cách say mê nhất. Với ngòi bút sắc bén, ông đã cố hạ bệ Thiên Chúa và đánh đổ Giáo Hội. Châm ngôn của ông là : “Phải tiêu diệt đứa quái gở” (tiếng dùng để ám chỉ Thiên Chúa). Không một lời gian dối nào mà ông tởm gớm, không một lời cáo gian nào mà ông ghê sợ. Ông chiêu mộ một nhóm người lấy tên là nhóm “anh em Beelzebuth” với mục đích là để tìm cách hạ bệ Thiên Chúa. Năm 1753 ông đã tuyên án cho Thiên Chúa như sau : “20 năm nữa Thiên Chúa có thể hồi hưu, vì không còn ai thèm phục vụ Ngài nữa”. Đúng 20 năm sau, năm 1773, Voltaire đã tắt thở một cách thê thảm trên giường bệnh. Khi gần chết, ông trông thấy những hình ảnh rùng mình ghê rợn đến nỗi phải la lên : “Một bàn tay đang lôi kéo tôi đến với Đức Chúa Trời… Đây quỷ muốn bắt tôi… Tôi trông thấy hỏa ngục… Ghê quá !” Rồi ông tru trếu gầm thét như thú vật hung dữ, lấy móng tay cấu xé thịt mình và rứt ra từng miếng. Một bà già chuyên giúp đỡ những người hấp hối sau khi chứng kiến cái chết của Voltaire đã phải nói : “Khi ấy tôi ở gần giường Voltaire đang hấp hối, tôi không còn muốn chứng kiến một người vô đạo chết nữa”. Một người khác cũng nói thêm : “Nếu quỷ có thể chết được thì chắc cũng không chết dữ như Voltaire”.
3. Vì chính Thiên Chúa đã mặc khải cho biết có đời sống vĩnh cửu.
Ngoài những lý lẽ suy luận của trí khôn nói trên, những người Thiên Chúa giáo còn có một lý chứng chắc chắn có đời sống vĩnh cửu sau khi chết dựa vào mặc khải của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, đặc biệt là lời giảng dạy của Đức Kitô về đời sống của con người sau khi chết như sau :
Linh hồn con người sẽ chịu xét xử về công việc của mình đã làm khi còn sống (Mt 5,12 / Lc 23,43).
Đến ngày tận thế, mọi xác chết đều được Thiên Chúa dùng quyền phép của Ngài mà cho sống lại để cùng chịu phán xét và chung số phận với linh hồn (Mt 25,13 / Ga 5, 28-29 / Mt 25,31-34 / Mt 25, 41.46).
Để minh chứng lời dạy bảo về việc kẻ chết sống lại, Đức Kitô đã dùng quyền phép riêng của Ngài để tự sống lại sau khi chết chưa đủ ba ngày. Ngài đã hiện ra với các môn đệ rất nhiều lần, trước khi về trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha (Ga 2,19tt / Mt 26,61tt / Cv 13,31 / Lc 24,36-40 / Ga 21,9-13 /  Mt 28,9 / Ga 20,19).
Thánh Phaolô tông đồ đã viết : “Nếu việc kẻ chết sống lại mà không có thì Đức Kitô cũng chẳng sống lại. Vả lại, nếu Chúa Kitô không sống lại, tất nhiên lời tôi giảng giải cũng uổng công và đức tin của chúng ta cũng hóa ra vô ích. Nếu người chết không sống lại thì Thiên Chúa cũng không cho Ngài sống lại…” (1Cr 15,14 tt).
 
KẾT LUẬN :
Với những lý lẽ do sự suy luận của trí khôn con người, với những lời mạc khải của Thiên Chúa về một đời sống vĩnh cửu sau khi chết, linh hồn con người không bị tiêu hủy nhưng sẽ tồn tại mãi mãi… Chúng ta có thể quả quyết mà không sợ lầm lẫn : Chết đi không phải là hết, chết không phải là trở về với hư vô… nhưng linh hồn sẽ tồn tại mãi để được hưởng hạnh phúc bất diệt hay sẽ phải trầm luân nơi hỏa ngục muôn đời, tùy theo đời sống của con người khi còn sống ở trần gian này.

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log