Thứ ba, 05/11/2024

Giải đáp các vấn nạn liên quan đến Đức tin và Khoa học (tiếp theo)

Cập nhật lúc 09:24 29/01/2016
Vấn đề 12 : Bạn là người công giáo, nghĩa là bạn tin có Thiên Chúa. Vậy bạn hãy chứng minh có Thiên Chúa đi.
 
TRẢ LỜI
 
Khoa học không bàn đến vấn đề Thiên Chúa, không thể quả quyết có Thiên Chúa hay không, vì không thuộc lãnh vực nghiên cứu tìm hiểu của nó. Tuy nhiên, khoa học vẫn có thể giúp chúng ta dễ dàng nhận biết có Thiên Chúa nhờ những khám phá của nó về vũ trụ thiên nhiên, về những định luật chi phối hoạt động của sinh vật và con người, những điều tra khách quan về những việc lạ lùng, những phép lạ đi ngược với những định luật thiên nhiên do sự can thiệp của một quyền lực siêu nhiên như sau.
I. VŨ TRỤ MINH CHỨNG CÓ THIÊN CHÚA
1. Đại vũ trụ chứng minh có Thiên Chúa 
Mở mắt nhìn chung quanh, ta thấy vũ trụ thực bao la vô hạn. Khoa học giúp chúng ta thấy rõ các hiện tượng và sức chuyển động trật tự của mọi vật trong đó. Với con mắt thường, ta có thể thấy được 5000 ngôi sao lấp lánh trên nền trời bao la. Nhưng nhờ viễn vọng kính đặt trên núi Wilson, các nhà thiên văn học có thể nhìn thấy hơn 2 tỷ ngôi sao. Còn biết bao ngôi sao khác người ta đã biết, nhưng vì ở xa quá nên tới nay vẫn chưa xác định được. Nguyên ở trong giải ngân hà mà thái dương hệ của chúng ta chỉ chiếm một địa vị nhỏ bé, người ta cũng đã tính được tới 50 tỷ định tinh và hằng tỷ sao đã chết. Mà không phải chỉ có một giải ngân hà, hiện nay người ta đã biết được hằng tỷ giải ngân hà rồi.
Những vì tinh tú to lớn làm sao ! Mấy hành tinh ở gần chúng ta như Uranus đã to hơn trái đất 14 lần. Neptune to hơn 17 lần, Saturne 93 lần, Jupiter 1279 lần, và mặt trời to hơn  những 1.300.000 lần. Sao Sirius còn to hơn mặt trời 12 lần, và nhiều sao khác còn to hơn Sirius nữa.
Những vì tinh tú ở cách xa nhau đến nỗi ta không thể đọc bằng con số thường, mà phải lấy đơn vị là quang niên (năm ánh sáng) như sau : Vận tốc ánh sáng trong một phút đồng hồ là 299.792.458 km, tương đương 300.000 km/giây. Mỗi phút có 60 giây, mỗi giờ 60 phút, mỗi ngày 24 giờ, mỗi năm 365 ngày ¼. Vậy một quang niên sẽ là 299.792.458 km x 60 x 60 x 24 x 365,25 sẽ thành 9460 tỷ cây số. Ánh sáng từ mặt trời đến trái đất chúng ta phải mất thời gian 8 phút 20 giây, từ trái đất đến mặt trăng phải mất hơn 1 phút. Nhưng nếu từ trái đất vượt qua thái dương hệ đến ngôi sao gần nhất trong chòm sao Nhân Mã phải mất thời gian 4 năm (4 quang niên). Nhờ thiên lý kính ta biết được những tinh vân xa 140 triệu quang niên. Càng ngày với những viễn vọng kính tối tân hơn, người ta lại càng xem thấy xa hơn nữa.
Trái đất mỗi ngày quay chung quanh mình một vòng, đang khi nó vẫn chạy theo quỹ đạo mặt trời với tốc độ 30 km/giây, hoặc 108.000 km/giờ không bao giờ sai trật, đến nỗi các nhà bác học có thể tính trước được ngày giờ của các hiện tượng nhật thực, nguyệt thực.
Bầu trời rộng rãi bao la vô hạn thế mà mấy phi công lái máy bay thỉnh thoảng lại đụng nhau gây nên biết bao tang tóc. Vậy mà từ tạo thiên lập địa đến nay vẫn chưa có một hành tinh nào chạm nhau giữa bầu trời nhiều tinh tú như thế.
Vậy thì vũ trụ bao la với trật tự kỳ diệu, tuân theo những định luật lạ lùng chính xác như thế lại không phải là bằng chứng chắc chắn có sự xếp đặt an bài của Tạo Hóa hay sao ? Becquerel đã nói: “Chính các công cuộc khảo cứu khoa học của tôi đã đưa tôi đến chỗ nhận biết có Thiên Chúa tạo hóa và làm cho tôi có đức tin”.
2. Tiểu vũ trụ cũng chứng minh có Thiên Chúa
Vũ trụ tinh tú khổng lồ thật là một kỳ công, nhưng vũ trụ nguyên tử tí hon cũng không kém phần lạ lùng kỳ diệu. Nếu đem phân tích vật chất, ta sẽ thấy như sau :
Đơn chất : Mọi vật chất trong vũ trụ thiên nhiên đều được cấu thành bởi đơn chất, chẳng hạn cái bàn do nhiều đơn chất gỗ hợp lại thành, chiếc nhẫn là do nhiều đơn chất vàng cấu tạo nên... Những đơn chất này rất nhỏ, nhỏ đến nỗi mắt thường của chúng ta không thể phân biệt được chúng với nhau.
Nguyên tử : Mỗi đơn chất nói trên lại được cấu tạo bởi một số nguyên tử nhất định, chẳng hạn đơn chất nước gồm 1 nguyên tử Oxy và 2 nguyên tử Hydrô thành H2O.
Các nguyên tử đều khác nhau tùy theo mỗi vật : nguyên tử đồng khác nguyên tử sắt, nguyên tử vàng khác nguyên tử gỗ... Những nguyên tử này ở rải rác khắp nơi trong vũ trụ, khi thì kết cấu với cái này, khi thì với cái khác làm thành sự biến hóa vật chất không ngừng trong thiên nhiên. Ta có thể ví các nguyên tử giống như 24 chữ cái a, b, c,... hợp tan tan hợp, làm thành mọi chữ. Đến nay các nhà bác học đã xác định được 92 nguyên tử khác nhau.
Nguyên tử nhỏ lắm, nhỏ đến nỗi những kính hiển vi phóng đại mạnh nhất cũng không thể nhìn ra được. Người ta chỉ căn cứ vào dấu vết nó đi qua để nhận biết có nó. Hiện nay những kính hiển vi tối tân nhất có thể nhìn thấy những vật nhỏ bằng 2 phần 10 triệu milimét. Nhưng như thế vẫn còn lớn hơn nguyên tử hằng mấy triệu lần.
Mỗi nguyên tử là một thái dương hệ, có một nhân ở trung tâm giống như mặt trời, gồm các dương điện tử (proton) và trung hòa tử (neutron) liên kết với nhau. Lượn chung quanh nhân là chi chít những âm điện tử (electron). Các âm điện tử này chạy quanh trung tâm với tốc độ 297.000 km/giây. Mỗi giây đồng hồ nó chạy được 500 ngàn triệu vòng. Thật không khác gì các hành tinh lượn chung quanh mặt trời và cách xa nhau tương đối cũng bằng khoảng cách của các hành tinh đối với mặt trời vậy.
Khoảng giữa các nguyên tử có gì không ? Thực không có gì hết. Nếu các nguyên tử sát lại với nhau thì ta sẽ không thể nâng nổi đầu của một cái kim khâu. Trọng lượng các vật nặng nhẹ khác nhau là vì cách xếp đặt nguyên tử của các vật đều khác nhau. Nếu người ta có thể dồn ép các nhân âm dương điện tử trong một nguyên tử, và các nguyên tử trong thân thể con người khít lại gần nhau, thì thân thể ta chưa chắc to bằng một hột đậu, mà vẫn cân nặng như hiện nay.
Có một sức lực ghê gớm đã giữ cho trái đất và các hành tinh quay chung quanh mặt trời, thì cũng có một sức lực tương tự giữ âm điện tử quay chung quanh trung tâm nguyên tử như vậy. Nếu lợi dụng được sức mạnh mẽ đó, thì người ta sẽ có được một sức mạnh kinh khủng. Đó là điều các nhà bác học đã làm để chế tạo bom nguyên tử với chất Uranium (Bom nguyên tử là thứ khí giới tối tân nhất có sức tàn phá do những hạt nguyên tử bị tách rời ra. Radium luôn luôn chiếu ra những quang tuyến A,B,Y, và quang tuyến Y luôn luôn phát ra những chất cực nhỏ có thể xuyên qua những tấm sắt dày 20cm. Chỉ có lớp chì dày mới có thể cản được sức tàn phá của nó).
Những điều nói trên cho ta thấy có sự xếp đặt, an bài trật tự từ cái cực to đến cái cực nhỏ. Trật tự ấy lại rất hoàn hảo không thể làm khác đi được. Nếu cố tình làm sai thì sẽ gây nên những hậu quả tai hại không lường được.
Một câu chuyện xảy ra chứng minh trật tự thiên nhiên hoàn hảo đến độ nào : Một con ong dù không có trí khôn, nhưng nó luôn phải bó buộc làm theo bản năng thúc đẩy. Theo bản năng thiên phú, khi làm tổ chứa mật, ong tự nhiên xây bình chứa hình lục lăng. Các nhà bác học đã quan sát nghiên cứu cách xây dựng tổ ong, và đã đo rất nhiều bình do nhiều loại ong thực hiện, bao giờ góc tù của bình ấy cũng là 109o28’ và góc nhọn cũng là 70o32’.
Nhà bác học Réamur ngày kia đặt một câu hỏi thế này : giả sử muốn làm một cái bình hình lục lăng có khả năng chứa nhiều nước thì phải làm mỗi góc của  bình ấy bao nhiêu độ ? Một số nhà bác học ra công tính toán những con tính rắc rối với việc sử dụng cả bảng tính logarithme, cuối cùng tuyên bố kết quả : muốn cho bình chứa được nhiều nước nhất thì phải làm góc tù là 109o26’ và góc nhọn là 70o34’. Chỉ sai biệt với bình chứa của con ong làm có 2’.
Thế rồi một ngày nọ xảy ra tai nạn làm hỏng một chiếc tầu. Thuyền trưởng không chịu trách nhiệm và cho rằng mình đã làm đầy đủ bổn phận, đã tính toán rất đúng. Vậy sở dĩ có rủi ro là vì đường vĩ tuyến có sự sai lầm nào đó. Sau khi tìm tòi lâu ngày, người ta mới khám phá ra rằng trong bảng tính logarithme có một chỗ sai, khiến vị thuyền trưởng làm tính sai và gây ra tai nạn cho chiếc tầu. Chữa lại chỗ sai trong bảng tính rồi thử lại với cách tính 2 góc của bình hình lục lăng nói trên thì các nhà bác học mới thấy mình đã làm sai 2’. Phải thực hiện chiếc bình theo góc tù 109o28’ và góc nhọn 70o32’ như con ong đã làm mới đúng.
Vậy loài ong không có trí khôn biết tính toán như con người, chỉ biết làm tổ theo bản năng thiên phú, thế mà lại làm đúng hơn cả những nhà bác học thông minh nhất. Đứng trước sự kiện hiển nhiên ấy, loài người phải đặt vấn đề: cái trật tự hoàn hảo của thiên nhiên nói trên bởi đâu mà có nếu không bởi một trí khôn siêu vượt đã có thể sáng tạo và an bài vạn vật trong một trật tự được gọi là định luật thiên nhiên nơi vũ trụ và bản năng nơi các sinh vật. Nguyên nhân ấy chính là Thiên Chúa sáng tạo vậy.
II. SINH VẬT CHỨNG MINH CÓ THIÊN CHÚA
Sự sống tràn ngập trên mặt đất. Đâu đâu ta cũng nhận thấy có sinh vật hoạt động. Nhưng cho tới nay, sự sống vẫn còn là một huyền nhiệm mà khoa học bất lực không thể giải thích được lý do. Sự sống là một điều phi lý nếu  không công nhận có Thiên Chúa sáng tạo.
1. Huyền nhiệm của sự sống
Sự sống là một cái gì huyền bí. Người ta chỉ có thể cảm nghiệm hay chỉ có thể thấy được hiệu quả của sự sống, chứ không thể nhìn được chính sự sống như thế nào nơi cơ thể một vật sống động. Người ta cũng có thể làm thay hình đổi dạng, cắt cụt một phần cơ thể con vật, có thể làm cho nảy nở nhanh chóng hơn, hoặc kéo dài thêm chút ít sự sống, nhưng không bao giờ có thể thay đổi được nguyên lý của sự sống nơi con vật. Chẳng hạn, con chó đã được cấu tạo trở thành loài chó, thì không có cách nào làm cho nó hóa ra loài bồ câu được.
Để tìm hiểu sự sống, các nhà bác học đã phân chất một quả trứng gà, rồi dùng các chất y như vậy để làm nên một quả trứng gà khác với đầy đủ mọi tính chất như trứng gà thực. Tuy vậy, dù được cấu tạo giống hệt như nhau, mà khi đem cả hai vào máy ấp thì trứng gà đẻ sống và nở ra con, còn trứng của các nhà bác học “đẻ” thì chết và bị hư thối. Sở dĩ trứng nhân tạo không thể sống, dù các yếu tố vật chất trong quả trứng ấy vẫn hoạt động đúng theo luật vật lý hóa học, là vì không có một sức lực vô hình liên kết các hoạt động ấy về một hướng chung, phát triển theo một mô thức chung. Chính sức lực vô hình ấy là bí mật của sự sống. Bác sĩ Alexis Carrel đã trình bày về sự tăng triển kỳ diệu của sự sống từ tế bào, rồi tế bào ấy tự phát triển theo một mô thức đặc biệt để trở thành con vật như sau :
“Con vật được cấu tạo bởi những tế bào, cũng giống như cái nhà được xây bằng những viên gạch. Nhưng con vật phát xuất từ một tế bào duy nhất, như thể cái nhà chỉ bắt nguồn từ một viên gạch mà thôi. Một viên gạch đầu tiên tự tạo lấy những viên gạch khác, chỉ với nước suối, những chất muối tan trong nước và khí trời. Rồi những viên gạch ấy không cần đến kiến trúc sư vẽ kiểu, không cần đến bàn tay của thợ hồ, đã tự động kết hợp thành những bức tường. Các viên gạch cũng tự động biến thành các tấm kính để làm cửa, ngói để lợp mái, than để đốt lò, nước để làm bếp” (Alexis Carrel : L’homme, cet inconnu. tr. 160).
Như vậy thì hình như mầm giống con vật sinh sống đã biết trước cái nhà mà nó xây dựng. Hiện tượng kỳ lạ ấy diễn ra hằng triệu lần mỗi ngày cho hằng triệu giống vật sinh sống, cũng như diễn ra âm thầm trong bụng những con vật mẹ.
Khi nhìn vào sinh vật thượng đẳng là con người, chúng ta lại càng phải thán phục sự tinh vi kỳ diệu và hoàn hảo của sự sống : Hai lá phổi là một xưởng  máy sản xuất dưỡng khí thật tinh vi. Dạ dày là một nhà máy biến chế đồ ăn trở thành chất bổ nuôi dưỡng cơ thể. Gan là bộ máy phát ra sức nóng và sức chuyển động. Thận là nhà máy lọc các chất dơ. Trái tim là một thứ máy bơm hai chiều. Óc và hệ thần kinh là nhà máy điện tử với hệ thống liên lạc để điều khiển toàn thân. Hai tay là hai cơ quan hành động hữu hiệu. Chân là cơ quan để di chuyển. Mắt là một thứ máy chụp tự động tối tân nhất. Tai là đài rađa sống động. Họng là một máy phát thanh hoàn hảo… Có thể nói : cơ thể sống động của con người thực là một hiện tượng thần kỳ và khó hiểu nhất trong vũ trụ thiên nhiên, là một kỳ quan lớn nhất trong các kỳ quan trên thế giới.
Vậy sự sống bí nhiệm lạ lùng nơi các sinh vật từ hạ đẳng đến thượng đẳng nói trên bởi đâu xuất hiện?
2. Nguồn gốc của sự sống
Nói về nguồn gốc sự sống do đâu mà xuất hiện thì có rất nhiều giả thuyết khác biệt nhau được nêu ra :
a) Một số người quả quyết rằng, sự sống vẫn có ngay từ buổi đầu, khi trái đất bắt đầu thành hình.
Nhưng theo các nhà khoa học thì trái đất khi mới xuất hiện là một khối lửa có nhiệt độ rất cao ở thể chảy lỏng  rồi với thời gian mới nguội dần đi. Như vậy sự sống làm sao có thể chịu nổi sức nóng kinh khủng thuở ban đầu ấy để tồn tại được. Nhà cổ sinh vật học trứ danh, ông Cuvier quả quyết rằng nhất định sự sống không bắt đầu cùng với trái đất. Một nhà quan sát sẽ dễ dàng nhận biết lúc nào sự sống mới xuất hiện và lưu lại vết tích dưới các tầng đất của địa cầu.
Vậy đầu tiên không có mà ngày nay ta thấy sự sống  tràn lan trên mặt đất. Thế thì sự sống bởi đâu mà ra?
b) Có người nghĩ rằng, sự sống ngày nay là do các mầm sống từ một nơi nào đó trên không trung rơi xuống trái đất, rồi sau đó sinh sôi nảy nở thêm ra và lan tràn
khắp nơi.
Nhưng nếu thực sự có mầm sống từ trên không trung rơi xuống như thế, thì lại phải giải thích cái mầm sống ấy bởi đâu ? Hơn nữa, theo những khám phá mới nhất của khoa học không gian thì những hành tinh gần chúng ta như mặt trăng (cũng là một hành tinh ngang hàng với trái đất chứ không phải phát xuất từ trái đất), kim tinh, hoả tinh đều không có dấu hiệu nào cho biết có sự sống cả. Đàng khác nếu có mầm sống rơi như vậy, thì theo các nhà khoa học, mầm sống ấy chắc chắn không thể sống được, mà đã bị các tia phóng xạ của ánh sáng mặt trời tiêu diệt rồi.
c) Cũng có người cắt nghĩa sự sống tự nhiên mà có. Trong một điều kiện nào đó về nhiệt độ và khí hậu thì vật chất sẽ tự hóa sinh ra các sinh vật. Chẳng hạn, cái bàn bằng gỗ sau thời gian ít năm sẽ bị mọt ăn, hoa quả thối chín sẽ nảy sinh ra dòi bọ.
Nhưng thuyết này đã bị Pasteur và Tyndall chứng minh ngược lại. Hai nhà bác học thời danh này đã làm một thí nghiệm chứng minh không bao giờ có sự tự hóa sinh. Hai ông đã cô lập hóa một vài môi trường mà sự sống thường hay phát sinh. Rồi tìm cách loại bỏ, giết chết tất cả những mầm sống, vốn có sẵn trong môi trường ấy. Hai ông cho biết dù có đủ mọi điều kiện thích hợp, môi trường bị cô lập kia cũng không bao giờ có thể tự hóa sinh sự sống nữa. Vậy sở dĩ có trường hợp vật chất hóa sinh sự sống là vì đã có sẵn mầm sống trong vật chất đó, nên khi đủ điều kiện liền nảy nở. Thực sự không có vấn đề ngẫu sinh hay tự hóa sinh cả.
d) Ngoài ra, tất cả những thí nghiệm nhằm tạo nên tế bào sống đều thất bại. Stephan Leduc, một vị giáo sư sinh vật học đã thử làm một hạt giống nhân tạo. Ông phân chất một hạt giống thật, rồi dùng những chất liệu như vậy để chế tạo ra một hạt giống khác. Sau một thời gian quan sát, ông nhận thấy hạt giống nhân tạo cũng mọc lên, có rễ có thân nhưng vẫn không có sự sống, không thở và không lưu chuyển nhựa sống. Sở dĩ cây cỏ mọc lên mà không sống vì thiếu hai đặc tính quan trọng của sự sống là có tổ chức và tự dinh dưỡng. Còn sự mọc rễ mọc thân nói trên cũng chỉ là một hiện tượng vật lý hóa học của các chất hữu cơ, chứ không có chút dấu vết của sự sống thực sự. Bác sĩ Halluin giải thích thêm về hiện tượng mọc rễ mọc thân như sau, hạt giống mọc lên thực ra không sống, cũng giống như núi đá mọc trồi lên mà không sống. Một quả bóng được thổi hơi cũng phồng to ra mà vẫn không sống. Thân cây rong biển khô sẽ phình to lên khi ở chỗ ẩm ướt mà vẫn không phải là dấu hiệu có sự sống.
e) Nhà bác học Delage đã làm một thí nghiệm về sự thụ thai nhân tạo. Ông cho một con hải đởm cái thụ thai mà không theo cách thức thông thường là giao hợp với con đực. Mượn lấy thí nghiệm ấy, một số người vô tín ngưỡng đã vội vàng lên tiếng quả quyết loài người đã dựng nên được sự sống.
Nhưng chính Delage lại phủ nhận quả quyết mà người ta đã gán cho thí nghiệm của ông như sau : “Khi tôi làm được cho con hải đởm thụ thai và sinh con như thế, người ta kêu ầm ỹ lên rằng tôi đã dựng nên được sự sống. Nhưng thực sự tôi đã chẳng dựng nên được gì cả. Những ống tiêm của tôi chỉ có thể ảnh hưởng đối với trứng của con vật kia, khi tiêm vào đó một chất hữu cơ. Còn nói rằng tôi đã dựng nên được sự sống thì thực là lầm to”.
Như vậy, không có vấn đề ngẫu sinh, không có tự hóa sinh tuyệt đối. Khoa học không thể làm được một vật sống động nếu không có sẵn một mầm sống trước đó. Nếu sự sống không tự nhiên có thì phải nhận có sự sáng tạo của một nguyên nhân tối hậu nào đó. Nguyên nhân ấy là Thiên Chúa. Chính Ngài đã sáng tạo sự sống cách trực tiếp hay gián tiếp, bằng cách xếp đặt một trật tự, một định luật trong vật chất, để khi có đủ điều kiện thì mầm sống ấy sẽ xuất hiện.
Ngoài ra, khi tìm hiểu vũ trụ thiên nhiên, người ta cũng nhận có sự xếp đặt nhằm bảo tồn sự sống nơi các định luật thiên nhiên chi phối sự vận hành của các hành tinh trong vũ trụ.
3. Bảo tồn sự sống
Khoa học cho biết sự sống chỉ có thể tồn tại và phát triển nếu hội đủ điều kiện về khí hậu, nhiệt độ, ánh sáng… Nếu thiếu một trong các điều kiện quan trọng thì sinh vật khó lòng sống được. Thế mà khi quan sát các hiện tượng thiên nhiên, người ta đã đi đến kết luận chung như sau : có một sự xếp đặt nào đó để bảo tồn sự sống trong vũ trụ. Thực vậy,
a) Tốc độ quay của trái đất cũng giúp bảo tồn sự sống. Trái đất hiện đang quay với tốc độ 1.600km/g ở đường xích đạo. Nếu quay chậm đi 10 lần, thì ngày và đêm trên địa cầu sẽ kéo dài gấp 10 lần hiện nay. Như vậy thì một số cây sẽ bị chết khô, còn lại bao nhiêu sẽ bị
chết cóng.
b) Khoảng cách giữa mặt trời và trái đất cũng giúp bảo tồn sự sống. Mặt trời có nhiệt độ 5500 triệu độ. Trái đất cách quãng xa vừa đủ để chúng ta được sưởi ấm. Nếu giảm đi một nửa thì mọi sinh vật sẽ bị chết vì lạnh. Nhưng nếu tăng thêm một nửa cho gần mặt trời thì chắc chắn mọi vật sẽ bị chết cháy hết.
c) Độ nghiêng của trái đất cũng giúp bảo tồn sự sống. Trái đất phải ở vị trí hiện nay, nghĩa là nghiêng 23 độ thì mới có 4 mùa xuân hạ thu đông, và 2 cực mới khỏi bị chồng chất băng. Nếu nghiêng ở vị trí khác thì mùa màng sẽ thay đổi khác hẳn, sẽ ảnh hưởng nhiều tới sự đâm chồi nảy lộc và đơm bông kết quả của cây cối…
d) Khoảng cách giữa trái đất và mặt trăng cũng giúp bảo tồn sự sống. Nếu mặt trăng gần lại trái đất 80.000 km thì mỗi ngày nước biển sẽ bao phủ lục địa hai lần và cuốn trôi mọi vật đi ra biển.
Như vậy, trước những lý chứng hiển nhiên nói trên, mọi người có trí khôn đều phải công nhận có một trí khôn siêu việt và một bàn tay quyền năng nào đó đã tạo dựng nên sự sống một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, và đã an bài xếp đặt chúng trong những điều kiện thiên nhiên hoàn hảo như hiện nay. Trí khôn siêu vượt và bàn tay quyền năng ấy chính là Thiên Chúa sáng tạo vậy.
III. LUẬT LUÂN LÝ MINH CHỨNG CÓ THIÊN CHÚA
1)         Nơi mỗi người đều có luật luân lý
Ai trong chúng ta cũng đều nghe thấy một tiếng nói thầm kín khuyên nhủ làm điều lành và tránh làm điều ác. Đồng thời, ta sẽ cảm thấy một niềm vui thỏa sau khi thực hiện được một điều thiện ; trái lại sẽ bị ray rứt, bất an nếu cố tình làm trái với tiếng nói thầm kín ấy. Đó là tiếng nói của lương tâm, một thứ luật tự nhiên có sẵn trong tâm trí mỗi người từ khi sinh ra.
    Luật tự nhiên này có những đặc tính khác hẳn những định luật vật lý hóa học, hoặc luật lệ do xã hội quy định như phong tục tập quán của xã hội, hoặc luật pháp của quốc gia.
    + Luật lý hóa một khi đủ điều kiện thì đương nhiên phải xảy ra. Chẳng hạn, lửa gặp rơm khô ngoài khí trời tất nhiên phải cháy. Còn luật luân lý thì không phải chỉ lệ thuộc vào điều kiện bên ngoài, nhưng nhất là lệ thuộc sự lựa chọn tự do của con người. Một người nhịn đói lâu ngày khi gặp được đồ ăn không tất nhiên phải ăn, trái lại họ có thể quyết định nhịn đói nếu xét thấy ăn là điều xấu. Chính vì có tự do lựa chọn mà con người trở thành một loài giá trị nhất, khác hẳn loài vật hành động cách máy móc, hoàn toàn do bản năng mù quáng thúc đẩy. Văn hào Chateaubriand đã nói : “Con hổ sâu xé cái mồi ngon rồi ngủ ngay đi được, duy chỉ có con người sát nhân, sau khi đã nhúng máu thì khó lòng nhắm mắt bình an được, vì những hình ảnh báo oán luôn hiện lên trước mặt y”.
+ Luật xã hội do nhiều người trong xã hội quy định gọi là phong tục tập quán. Luật pháp quốc gia do một số người đại diện có trách nhiệm thiết lập nên và được ghi chép lại thành văn bản để mọi người trong quốc gia ấy tuân giữ. Trong khi luật luân lý có sẵn trong mỗi người từ khi sinh ra, chứ không nhất thiết phải có ai dạy mới biết, không được ghi chép thành văn giống như luật quốc gia ở trên. Thế mà hầu như mọi người không phân biệt thời đại, dân tộc, quốc gia, cũng đều biết cùng một bộ luật căn bản giống nhau là phải làm việc thiện, tránh làm điều ác, không được giết người vô tội, không được ăn cắp, hoặc cướp đoạt tài sản người khác cách bất công, phải thảo hiếu cha mẹ, trọng kính người trên v.v... Nếu cố tình làm trái với những điều nói trên thì đương nhiên sẽ bị lương tâm trách móc, dù việc làm của mình kín đáo.
    Câu chuyện Caïn trong Kinh Thánh chứng tỏ điều đó : Caïn vì ghen tương nên đã phạm tội giết em ruột là Aben, rồi sau đó chạy trốn con mắt lương tâm theo dõi mà cũng không thoát, cuối cùng đã tìm đến cái chết thảm khốc để chuộc tội. Văn hào Plutarque người Hy Lạp cũng kể câu chuyện như sau : Một gã tên là Pessus phạm tội giết cha. Dù không ai hay biết việc làm của hắn, nhưng có điều lạ là từ hôm đó, Pessus luôn luôn nghe những con én lặp đi lặp lại : “Mày là thằng giết cha, mày là thằng giết cha”, dù thực sự loài én chỉ biết kêu một âm thanh như thường lệ. Hắn tìm cách phá hết mọi tổ én, nhưng vẫn không xong. Cuối cùng hắn phải thú nhận với người ta rằng những con én luôn kêu hắn là thằng giết cha. Sanh nghi, người ta mở cuộc điều tra và việc giết cha của hắn bị bại lộ.
    Như vậy, đã rõ ràng có một thứ luật luân lý tự nhiên gọi là tiếng nói của lương tâm chi phối mọi hành động của con người có trí khôn thuộc mọi thời đại, mọi dân tộc, màu da, tiếng nói... Vậy thì luật luân lý ấy bởi đâu mà ra ?
2)         Nguồn gốc của luật luân lý nơi con người
Có một số người nghĩ rằng luật luân lý tự nhiên nơi mỗi người là do tự mình đặt ra luật cho mình, hoặc cũng có thể do xã hội khuôn đúc giáo dục ngay từ khi còn nhỏ rồi nhập tâm dần dần. Nhưng khi đi sâu vào việc nghiên cứu tìm hiểu, chúng ta nhận thấy không phải như vậy, mà vì những lý do như sau :
a) Lương tâm mỗi người không phải tự mình đặt ra
Vì nếu mỗi người tự đặt ra luật cho mình tuân giữ thì chắc chắn người ta sẽ phải đặt ra những luật nào đem lại lợi ích và dễ dàng áp dụng, đồng thời sẽ loại bỏ những luật nào có hại cho quyền lợi cá nhân của mình. Nhưng luật luân lý có những đặc tính khác hẳn, khó giữ vì không phải luôn phù hợp với khuynh hướng xấu của con người, nên chắc không phải do mỗi người tự đặt ra. Đàng khác, nếu mỗi người đều tự lập ra luật riêng cho mình thì chắc luật luân lý sẽ phải khác nhau chứ không thể có sự đồng nhất như ta thấy trong luật luân lý chung hiện có nơi mỗi người được.
b) Luật luân lý cũng không phải do xã hội giáo dục, khuôn đúc dần dần trong tâm hồn mỗi người từ nhỏ đến lớn, vì :
    - Xã hội là do nhiều cá nhân kết hợp lại thành. Nếu luật luân lý do xã hội giáo dục thì chỉ những ai sống trong xã hội mới biết và tuân giữ luật luân lý ấy. Nhưng trong thực tế có những người vẫn sống một mình từ nhỏ đến lớn, không tiếp xúc hay chịu ảnh hưởng của xã hội, thế mà họ vẫn biết cùng một thứ luật luân lý như mọi người khác. Như vậy, luật luân lý tự nhiên chắc không phải do xã hội, không bắt nguồn từ xã hội.
    - Đàng khác, nếu luật luân lý bắt nguồn từ xã hội thì chắc sẽ phải thay đổi tùy theo mỗi xã hội, chứ không thể có tính đồng nhất như tiếng nói của lương tâm mỗi người được.
Vậy phải đi đến kết luận : luật luân lý tự nhiên có sẵn trong tâm hồn mỗi người ngay từ khi mới sinh ra, chứ không phải mỗi người tự đặt ra luật cho mình, cũng không do xã hội khuôn đúc giáo dục mới có được. Cha mẹ, thầy dạy hay xã hội chỉ đóng vai trò phụ thuộc, giúp cho luật ấy có cơ hội phát triển mau lẹ, dễ dàng và rõ ràng hơn trong tâm hồn đứa bé mà thôi. Luật luân lý tự nhiên ấy phải do tạo hóa đã in sẵn trong tâm hồn con người có lý trí, tương tự như một thứ bản năng của thân xác. Đấng ấy chính là Thiên Chúa. Bossuet đã nói : “Những chân lý vĩnh cửu và bất biến của luật luân lý bó buộc ta phải công nhận có một Đấng mà chân lý vĩnh cửu luôn tồn tại nơi Ngài”.
IV. NHỮNG VIỆC LẠ LÙNG MINH CHỨNG CÓ THIÊN CHÚA
Ngay trong thế kỷ 20, thế kỷ khoa học tiến bộ vượt bậc trong việc tìm hiểu và khám phá những định luật chi phối vũ trụ thiên nhiên, chi phối mọi sinh vật, động vật, kể cả con người. Thế mà vẫn không thiếu những trường hợp lạ lùng trái ngược luật tự nhiên xảy ra khắp nơi : khỏi bệnh nan y một cách tức khắc không do sự chữa trị thông thường, mà do một thứ quyền lực siêu nhiên nào đó ngoài tầm hiểu biết của khoa học. Những hiện tượng xáo trộn trật tự vũ trụ như mặt trời quay ở Fatima (Bồ Đào Nha) vào đầu thế kỷ này đã được hàng vạn người chứng kiến..v.v. Tất cả những hiện tượng ấy gọi chung là PHÉP LẠ.
1) Có phép lạ thực hay chỉ là bịa đặt ?
Từ ngày 11.02.1858, tại Lộ Đức (Lourdes) nước Pháp đã xảy ra nhiều sự lạ lùng : rất nhiều bệnh nhân đến viếng hang đá, nơi Đức Mẹ hiện ra với Bernadette và đã được ơn lạ khỏi bệnh tức khắc trái với luật thông thường.
    Để kiểm chứng, năm 1882, người ta thiết lập ngay tại đó một phòng thí nghiệm khoa học. Phòng mở cửa cho bất cứ ai có bằng bác sĩ, không phân biệt tín ngưỡng hay quốc gia. Các bác sĩ đều có thể xem tất cả hồ sơ của bất cứ bệnh nhân nào đã được ơn khỏi bệnh cách lạ lùng, và còn có hy vọng được chứng kiến tận mắt những trường hợp khác vào những dịp hành hương. Những người đã được khỏi bệnh lạ lùng thường được mời đến để khám nghiệm lại vào những năm sau đó, không phải để những bác sĩ này xác nhận phép lạ, mà chỉ có ý tìm hiểu xem những bệnh nhân này có được khỏi thực hay không, và được khỏi trong trường hợp nào. Các bác sĩ vì nhân danh khoa học để điều tra, nên đã tỏ ra rất khắt khe trong việc công nhận khỏi bệnh cách lạ. Tất cả những trường hợp có thể hết bệnh do luật tự nhiên đều bị bác bỏ thẳng tay. Cho đến năm 1947, trong số 35 trường hợp, họ chỉ công nhận có 6 trường hợp. Số 6 này là số không còn có cách nào khác để chối cãi nữa.
    Ngoài phòng khám bệnh khoa học của các bác sĩ, vào năm 1905, nhiều vị giám mục cũng đã thành lập một ủy ban điều tra chính thức của giáo quyền nhằm phán quyết những trường hợp nào là phép lạ, trường hợp nào không. Ủy ban làm việc một cách cẩn thận và vô tư theo cách thức của một tòa án. Những trường hợp được tuyên bố là phép lạ thì không thể hồ nghi gì được nữa. Từ năm 1905 đến 1913, ủy ban này đã công bố 32 trường hợp là phép lạ thực.
    Như vậy, phòng khám nghiệm của các bác sĩ cũng như ủy ban của các giám mục đều đã xác nhận tại Lộ Đức đã có những trường hợp khỏi bệnh cách lạ lùng.
2)         Những phép lạ đó bởi đâu ?
Những người không tin có Thiên Chúa khi đứng trước những trường hợp lạ lùng khoa học không thể giải thích được, đã đem ra rất nhiều lý lẽ để phủ nhận sự can thiệp của Thiên Chúa như sau :
a) Khỏi bệnh là vì trong nước suối ở hang Lộ Đức có pha lẫn một thứ chất hóa học có năng lực chữa được một số bệnh tật. Nhưng thực sự, khi đem phân chất thì kết quả cho thấy nước suối ấy cũng chỉ là một thứ nước lã bình thường như bao thứ nước khác, không có thêm một chất nào khác có thể chữa bệnh cả. Đàng khác, có những trường hợp bệnh nhân không xuống đến nước, cũng không uống chút nước ấy, thì bảo khỏi bệnh tại nước thế nào được ?
b) Khỏi bệnh là vì lý do tâm lý, vì quá tin và muốn khỏi bệnh cách mãnh liệt, nên đã ám thị mình đến độ trở thành sự thật. Nhưng nếu tin tưởng và ám thị có thể chữa được bệnh, thì nếu muốn được khỏi, bệnh nhân trước hết đã phải biết tin, biết ám thị. Thế mà, có nhiều trường hợp trẻ em chưa có trí khôn, chưa biết gì hết mà vẫn được khỏi nhờ lời cầu nguyện của người khác, thì khỏi bệnh đâu phải tại tin hay tại ám thị. Thực ra, ám thị cũng có thể có đôi chút ảnh hưởng đến một vài thứ bệnh tâm lý, đau thần kinh, điên loạn... chứ không bao giờ có thể chữa được các bệnh do vi trùng hay siêu vi trùng gây ra như bệnh phong cùi, ung thư, thổ huyết, lao phổi...
c) Khỏi bệnh là vì do ảnh hưởng của một thứ luật tự nhiên nào đó mà khoa học ngày nay chưa khám phá ra. Nhưng nếu có một luật thiên nhiên thực sự chi phối, thì luật ấy phải có tác dụng điều hòa, đồng nhất, bất di dịch, cho dù chúng ta có biết có luật ấy hay không thì nó vẫn tác dụng. Hễ cứ hội đủ điều kiện là đương nhiên kết quả phải xảy ra. Chẳng hạn, một người mù trước làm thế nào để được khỏi thì các người mù sau cứ làm đúng như thế cũng sẽ đương nhiên được sáng mắt. Nhưng ở Lộ Đức thì tình trạng lại khác hẳn, có người được khỏi khi tắm, người khác khi cầu nguyện vào những thời gian khác nhau trong ngày, lúc sáng, lúc trưa, lúc chiều, lúc tối... Ở điều kiện nào cũng có người được khỏi. Có những trường hợp hai người bệnh cùng ở trong một hoàn cảnh, cùng một thứ bệnh như nhau, mà người thì được khỏi, người thì không. Như vậy, không thể công nhận có một luật bí mật được.
d)         Khỏi bệnh vì lừa dối, bịp bợm, cần phải chờ sự phán quyết của các nhà bác học hoàn toàn vô tư. Carrel, một vị tiến sĩ y khoa, giáo sư khoa giải phẫu học tại đại học Lyon Pháp, trước khi đi Lộ Đức quan sát tận nơi cũng đã nghĩ như vậy. Ông cho rằng có lẽ các nhà khoa học chưa khám nghiệm kỹ cho đủ, có thể còn một vài sơ suất chưa cân nhắc tường tận. Theo Carrel, ngoài những sự kiện khoa học tìm ra và kiểm chứng rõ ràng thì không còn chân lý nào khác có giá trị. Không thể có phép lạ được! Nhưng trước sự khỏi bệnh lạ thường của Marie Ferrand, một cô gái đang hấp hối vì bệnh lao ruột ở thời kỳ chót mà các bác sĩ đều từ chối không dám mổ cho cô, mà Carrel đã chứng kiến tận mắt từ khi cô gái này mới đến Lộ Đức, cho đến lúc khỏi bệnh tức khắc một cách không thể cắt nghĩa được. Ông đã chịu khuất phục và ghi chú trong nhật ký : “Thật là một chuyện không có thể, nhưng có thực. Quả là bất ngờ, một phép lạ vừa mới xảy ra”. Ngay lúc đó, không còn tin ở mình, Carrel lập tức mời hai bác sĩ bạn ông tới chứng kiến và các ông này cũng đều chứng nhận “cô này không còn bệnh gì hết, cho cô ra khỏi nhà thương”.
 Việc bác sĩ vô thần Carrel thay đổi tâm hướng đã nói lên một sự thật là con người dù yêu sách đến đâu cũng phải suy nghĩ quả thật có Đấng Tạo Hóa, có Thiên Chúa. Ngài là Đấng đã thiết lập trật tự trong vũ trụ thiên nhiên, thì trong một vài trường hợp đặc biệt, Ngài cũng có thể để cho xảy ra ngoài trật tự ấy. Đó chính là phép lạ vậy.
Tóm lại, trước những trật tự lạ lùng trong vũ trụ thiên nhiên, trước việc sự sống tràn đầy trên mặt đất, trước những luật luân lý in sâu trong tâm hồn mỗi người, trước những phép lạ mà khoa học đành bất lực không thể tìm ra lời giải thích hợp lý, chúng ta phải công nhận có Đấng Tạo Hóa, có Thiên Chúa Sáng Tạo. Chính Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ và đã an bài chúng theo một trật tự chung mà khoa học gọi là định luật thiên nhiên. Chính Ngài là nguồn gốc của sự sống, đã tạo thành mọi sinh vật từ thấp kém đến cao quý nhất, và đã phú cho chúng những bản năng riêng biệt để có thể tự phát sinh và tồn tại. Cũng chính Ngài là tác giả của bộ luật luân lý tự nhiên in sâu trong tâm trí con người ngay từ khi sinh ra. Sau cùng, Ngài cũng là nguyên nhân của những trường hợp đặc biệt xảy ra ngoài trật tự tự nhiên mà khoa học không thể cắt nghĩa được.
 Như vậy, tuy khoa học không thể chứng minh có Thiên Chúa một cách trực tiếp vì ngoài phạm vi nghiên cứu của nó, nhưng khoa học vẫn có thể góp phần trong việc tỏ rõ kỳ công của Ngài. Chính nhờ những hiểu biết rõ ràng chính xác do khoa học đem lại, con người dễ dàng sử dụng trí khôn suy luận để nhận ra một bàn tay quyền năng, một trí khôn siêu việt đã xếp đặt và tạo dựng nên vũ trụ vạn vật. Bàn tay và trí khôn ấy chính là Thiên Chúa.
 Newton, một nhà thiên văn học lừng danh đã dám mạnh dạn lên tiếng quả quyết : “Tôi đã nhìn thấy Thiên Chúa ở đầu thiên lý kính của tôi”.
 P. Termier cũng cho biết : “Mọi khoa học đều chuẩn bị trí khôn ta nhận biết Thiên Chúa hiện hữu. Hơn mọi người khác, nhà bác học dù chuyên về khoa nào cũng thế, bao giờ cũng dễ dàng nhìn thấy mọi vật đều biến chuyển, bị tạo thành cách bất tất, hỗn hợp, khuyết điểm… có cùng đích và rất phức tạp. Do đó, nhà khoa học sẽ dễ dàng có ý tưởng về một Đấng Tạo Hóa bất biến, tự hữu, cần thiết, đơn thuần, hoàn hảo, và là Đấng duy nhất an bài mọi sự. Chính vì thế người ta bảo : Khoa học dẫn đến Thiên Chúa. Vũ trụ vật chất chính là bí tích của Thiên Chúa”.
 
 PHỤ CHÚ: NĂM ĐƯỜNG LỐI TRIẾT HỌC CHỨNG MINH CÓ THIÊN CHÚA CỦA THÁNH TÔMA TIẾN SĨ
 Thánh Thomas d’Aquin (1225-1274), một vị tiến sĩ thần học rất nổi tiếng thời Trung cổ đã đề ra năm đường lối nhằm chứng minh có Thiên Chúa được tóm tắt như sau:
1. Sự chuyển động của vũ trụ chứng minh có Thiên Chúa. Bất cứ một vật nào đang chuyển động cũng phải lệ thuộc vào một động lực khác. Chẳng hạn một chiếc xe đang chạy là do người tài xế đã rồ máy và điều khiển tay lái ; một viên đạn bay ra khỏi nòng súng là do một người nào đó đã lắp đạn và bóp cò súng ; một nồi nước đang sôi lên sùng sục là do tác dụng của lửa làm nóng nước lên… Vậy thì khi nhìn vào vũ trụ, ta thấy có sự chuyển động của các hành tinh, thì cũng phải có một động lực nào đó đã ảnh hưởng tới và làm cho chúng xoay vần, di chuyển trong không gian. Động lực ấy chính là Thiên Chúa.
2. Luật nhân quả minh chứng có Thiên Chúa: Nhìn vào vũ trụ vật chất, ta thấy có sự liên hệ mật thiết giữa vật này với vật kia, vật có sau phải lệ thuộc chặt chẽ vào một nguyên nhân có trước. Chẳng hạn có khói là phải có lửa, có con là phải có cha mẹ. Nếu cứ suy luận lên mãi thì cuối cùng phải đi đến một nguyên nhân tự mình hiện hữu chứ không lệ thuộc vào một nguyên nhân nào khác mới hợp lý. Nguyên nhân tự hữu ấy là Thiên Chúa.
3. Sự xếp đặt trật tự minh chứng có Thiên Chúa: Kinh nghiệm cho ta biết, sự may rủi bao giờ cũng đi đôi với vô trật tự, hỗn độn. Chẳng hạn lấy 24 chữ cái A B C D… viết vào các mảnh giấy và bỏ vào trong một chiếc hộp, sau đó lắc hộp rồi đổ giấy ra, không bao giờ đạt được thứ tự như cũ A B C D… Trái lại, bất cứ vật gì có sự xếp đặt trật tự thì đều là kết quả của một trí khôn nào đó. Chẳng hạn, nhìn xem một vườn cây được sắp xếp thứ tự, các cây cối mọc ngay hàng thẳng lối… ta sẽ quả quyết có một trí khôn đã làm chủ cái vườn cây ấy. Cũng vậy, khi quan sát vũ trụ thiên nhiên, ai ai cũng thấy có sự xếp đặt kỳ diệu từ cái cực to như các hành tinh đến cái cực nhỏ như nguyên tử, từ sự sống thấp nơi thảo mộc cây cối đến sự sống phức tạp, trổi vượt nhất nơi loài người… Từ đó, họ sẽ đi đến kết luận phải có một Đấng nào đó Toàn Năng, Siêu Việt… đã an bài cho vạn vật có trật tự kia. Đấng Toàn Năng ấy là Thiên Chúa.
4. Bậc thang giá trị nơi vạn vật minh chứng có Thiên Chúa : Khi quan sát vạn vật trong vũ trụ, ta thấy chúng có những bậc thang giá trị khác nhau, có vật thì đẹp ít, có vật lại rất mỹ miều và đáng yêu, có vật ít hữu ích nhưng có vật lại có ích lợi rất nhiều, có vật thì tầm thường nhưng cũng có vật thật là cao quý… Từ đó, ta suy ra phải có một vị nào đó có mọi điều tốt đẹp, cao quý nhất… làm tiêu chuẩn cho vạn vật trong vũ trụ hữu hạn này. Đấng Tuyệt Đối ấy chính là Thiên Chúa.
5. Cứu cánh của vạn vật minh chứng có Thiên Chúa: Cứu cánh có nghĩa là cùng đích, là mục đích chính yếu, cuối cùng, tuyệt đối… Mỗi người chúng ta đều tự nhiên cảm thấy có ước muốn, khát vọng vô bờ bến. Không một sự gì đã đạt được lại có thể làm ta thỏa mãn, đem lại cho ta hạnh phúc hoàn toàn. Do đó, bên trên mọi điều mong ước về vật chất cũng như tinh thần, ta ước muốn đạt được một cái gì bền bỉ, hoàn hảo, vĩnh viễn… Sự hoàn hảo tuyệt đối mà con người mong muốn đạt tới ấy gọi là cứu cánh của con người. Cứu cánh ấy không thể có trong vạn vật ở trần gian mà chỉ có thể có được ở nơi Thiên Chúa. Chính sự khát vọng tuyệt đối, sự hướng về cứu cánh tuyệt đối ấy là bằng chứng chứng minh có Thiên Chúa. Thánh Augustin nói : “Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con vì Chúa, nên tâm hồn con luôn còn xao xuyến mãi cho tới khi con được nghỉ yên trong Chúa”.
 Tóm lại, với trí khôn suy luận từ sự vận chuyển của các vật bị động đến một Động Lực không bị động, từ các vật không thể tự mình mà có đến một Đấng Tự Hữu, từ sự trật tự của vũ trụ đến một Trí Khôn Toàn Năng đã an bài xếp đặt, từ các bậc thang giá trị của vạn vật đến một Giá Trị Tuyệt Đối Vô Hạn, từ sự mong ước tuyệt đối đến một Đấng là Cứu Cánh mà vạn vật hướng về… Tất cả đã chứng minh cho chúng ta một điều không thể chối cãi được, đó là vũ trụ vạn vật đã do Thiên Chúa tạo dựng nên. Nhưng Thiên Chúa ở đây vẫn chỉ là một vị Thiên Chúa trừu tượng, xa xôi, không có liên hệ bao nhiêu với mỗi người chúng ta, Thiên Chúa của các triết gia mà thôi. Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là một Thiên Chúa của tình thương, liên lạc chặt chẽ với loài người, và đã bày tỏ về bản tính của Ngài cho loài người qua các Tổ Phụ, các Tiên Tri trong thời Cựu Ước, và qua chính Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô trong thời Tân Ước. Tất cả những điều Thiên Chúa mạc khải ấy đã được ghi chép lại thành một bộ sách gọi là Kinh Thánh. Do đó, ngoài việc dùng lý trí suy luận để biết có Thiên Chúa, con người còn có bổn phận phải tìm hiểu học hỏi Kinh Thánh để biết về Ngài như thế nào, nhờ đó sẽ tỏ lòng biết ơn bằng cách tôn thờ, cảm tạ, yêu mến, cầu xin và vâng lời Ngài một cách dễ dàng hơn.

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến dâng Thánh lễ cầu cho các đấng bậc tại vườn thánh Nhà Tràng - Trung tâm mục vụ Hà Thạch
Đức cha Đaminh Hoàng Minh Tiến dâng Thánh lễ cầu cho các đấng bậc tại vườn thánh Nhà Tràng - Trung tâm mục vụ Hà Thạch
Tối thứ Hai, ngày 04/11/2024, Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến đã chủ sự Thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho các đấng bậc phục vụ sứ vụ này tại vườn thánh Nhà Tràng, thuộc Trung tâm Mục vụ Hà Thạch.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log