Suy niệm 1
Xin uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa
Trái tim Chúa Giê-su là trái tim của người biết rung động.
Dấu ấn đầu tiên của ngày lễ hôm nay dẫn chúng ta đi vào mầu nhiệm nhập thể. Chúa Giêsu Kito có một thân xác nhân loại, vì thế Ngài có con tim nhân loại. Ngài là Thiên Chúa, nhưng là Thiên Chúa làm người. Vì thế Ngài cũng có một trái tim rung động như chúng ta. Một trái tim đập theo nhịp điệu cảm xúc của cuộc sống. Khi đọc Tin mừng, chúng ta cảm thấy những nét rung động khác nhau của trái tim này.:
- Một trái tim tràn ngập thương cảm khi thấy người đau khổ, người bị khinh chê, bị bỏ rơi trên đường. Khi gặp người đàn bà góa thành Naim đang khóc thương đứa con trai duy nhất của bà đã chết, Ngài nói: “Bà ơi! Xin đừng khóc nữa”!
- Một trái tim bị nung nấu và bực bội khi thấy người ta lợi dụng buôn bán tại khu vực đền thờ.
- Một trái tim khiếp sợ tại vườn Giết-si-ma-ni khi nhận thấy lính tráng sắp đến bắt Ngài.
- Một trái tim gần gũi và yêu thương các môn dệ một cách đặc biệt. Và còn đặc biệt hơn là đối với môn đệ Gioan. Môn đệ này trong bữa tiệc cuối cùng được tựa đầu vào ngực Chúa và nghe những nhịp đập của trái tim Chúa.
Nghe một trái tim rung động! Đó là một cảm xúc lớn lao: cảm xúc của cha mẹ biết lắng nghe nhịp đập quả tim con cái mình. Biết lắng nghe nhịp đập của quả tim người khác, chúng ta sẽ bớt cứng cỏi và bớt cay nghiệt với họ, chúng ta sẽ ý thức hơn về sự giòn mỏng của cuộc đời chúng ta đang bị rung lên vì những nhịp đập của con tim.
Trái tim Chúa Giê-su thể hiện tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại.
Tuy nhiên, ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su hôm nay, đúng ra không phải là mừng trái tim của một con người, nhưng là Trái tim Chúa Giê-su đã thể hiện tình yêu vô hạn của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại chúng ta.
Tình yêu vô hạn đó đã được báo trước ngay trong Cựu ước. Thiên Chúa là Cha nhân từ đã chiều chuộng dân Israel. Nhưng sau đó chính dân tộc này đã bỏ rơi Chúa. Tuy nhiên, cuối cùng Thiên Chúa vẫn tìm một con đường tha thứ cho họ.
Thánh Phaolo nói: “Tình yêu đó vươt trên tất cả những gì mà chúng ta có thể biết. Tình yêu đó có chiều rộng, chiều dài và cả chiều sâu. Tình yêu đó vượt trên mọi đo lường của người đời”. Đúng vậy! Chúng ta khám phá ra tình yêu trọn vẹn và đầy đủ đó trong trái tim Chúa Giê-su bị đâm thâu trên thập giá. Từ cạnh sườn mở ra, máu đã đổ. Máu đổ ra lai láng là biểu tượng sự sống được trao ban. Một sự sống được trao ban cho ai đây? Có phải cho những người mà Thiên Chúa yêu không? Nói một cách chính xác, là cho tất cả những ai đã bỏ rơi Ngài. Mầu nhiệm tình yêu của trái tim Chúa Giêsu đã biết đón nhận là thế đó!
Tông đồ được Chúa yêu đã ở đó, ở rất gần thập giá và tông đồ đó đã nhìn ngắm. Tuy nhiên, qua bài tin mừng chúng ta vừa nghe, không phải chỉ một tông đồ đó ngắm nhìn, mà là nhiều người: “Họ đã ngắm nhìn Đấng mà họ đã đâm thâu”.
Trái tim bị đâm thâu này, đó là nơi chúng ta trở về. Trở về nơi đây, chúng ta sẽ khám phá ra 2 điều:
- Tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta: chúng ta có giá trị trước mắt Ngài.
- Tội lỗi chúng ta: chính vì tội lỗi chúng ta, chúng ta đã làm cho cây thập giá thêm nặng.
Trái tim chúng ta cũng phải nên giống trái tim Chúa Kito.
Mừng lễ Trái tim Chúa, không phải chỉ là đơn thuần chiêm ngắm Trái tim Ngài, điều quan trọng là để Ngài biến đổi chúng ta, để trái tim chúng ta cũng nên giống trái tim Ngài. Sau khi chủ sự đọc kinh Truyền tin tại quảng trường thánh Phêro ngày 7 tháng 6 năm 2020 trước các khách hành hương, Đức Thánh Cha Phanxico đã nói về sự sùng kính trái tim Chúa Giêsu. Ngài nói: “Tôi nhớ một lời cầu nguyện mà bà nội tôi đã dạy tôi khi còn nhỏ: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin uốn trái tim con nên giống trái tim Chúa. Đó là lời cầu nguyện tuyệt vời. Trái tim con người và Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Nguồn mạch, từ đó chúng ta luôn có thể kín múc lòng thương xót, sự tha thứ, sự dịu dàng của Thiên Chúa. Khi bắt chước Thánh Tâm Chúa Giêsu, trái tim chúng ta dần dần trở nên nhẫn nại hơn, quảng đại hơn và thương xót hơn”
Thánh Phaolo nói: “Tình yêu Thiên Chúa trải rộng trong con tim chúng ta nhờ Chúa Thánh Thần”. Khi trái tim Chúa bị đâm thâu, máu và nước chảy ra. Máu biểu tượng của sự sống được trao ban, và nước biểu tượng Thánh Thần. Chính Thánh Thần mời gọi chúng ta sống tình yêu Thiên Chúa.
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã hỏi Phero 3 lần: Phero, anh có yêu mến Thầy không? Câu hỏi đó cũng có nghĩa là: Phero, trái tim anh đã biến đổi chưa? Trái tim anh đã trở nên giống trái tim Thầy chưa? Anh có khả năng yêu không? Nếu có, thì anh hãy chăn các chiên của Thầy, và mục tử tốt lành phải là người có khả năng trao ban mạng sống mình vì đàn chiên.
- Đức Thánh Cha Leo XIII đã nói trong bài giảng lễ Thánh Tâm Chúa: “Trong trái tim Chúa Giêsu có một biểu tượng và hình ảnh sáng ngời về tình yêu vô biên của Ngài, một tình yêu thúc đẩy chúng ta hãy yêu thương nhau”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Trao ban tất cả cho mọi người
Trao ban là thước đo tình yêu. Ai trao ban nhiều thì người đó yêu thương nhiều; ai trao ban ít thì yêu thương ít.
Chúa Giê-su trao ban cho chúng ta tất cả những gì Ngài có nên phải nhìn nhận rằng tình yêu Ngài dành cho chúng ta vô biên, vô hạn; biển yêu thương của Ngài bao la, không đáy, không bờ.
Giờ đây, chúng ta thử điểm qua một số tặng vật mà Chúa Giê-su trao ban cho nhân loại.
1- Trao ban Lời hằng sống
Bởi vì “người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn bằng Lời Chúa nữa”; bởi vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi chiếu” cho nhân loại trong đêm tối tâm linh; bởi vì “Lời Chúa đưa đến sự sống đời đời”… nên Chúa Giê-su đã mang Lời khôn ngoan của Thiên Chúa từ trời xuống tặng ban cho nhân loại, để họ được hạnh phúc đời này và được hưởng sự sống vĩnh cửu mai sau. Đây là món quà tối cần cho nhân loại.
2- Cống hiến công sức để phục vụ
Trong ba năm lên đường thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su dành nhiều công sức, thời gian, tâm huyết… của mình để loan Tin mừng cứu độ, để cứu chữa những người đau yếu tật nguyền và xua trừ ma quỷ.
3- Dốc hết hơi sức để cứu độ muôn người
Trong cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su cam chịu đủ thứ sỉ nhục, phỉ nhổ, cáo gian, nhất là chịu đánh đòn tơi tả, chịu hành hình cho đến kiệt lực nên không đủ sức vác thập giá lên đồi Can-vê; vì thế, người ta bắt Si-mon vác thập giá thay cho Ngài. Rồi khi bị treo thân trên thập giá, Ngài tắt thở trước hai tội nhân cùng chịu đóng đinh với mình. Điều đó cho thấy Chúa Giê-su đã trút cạn hơi sức để đền tội cho chúng ta.
4- Trao ban thân mẫu
Trước khi Chúa Giê-su nhắm mắt tắt hơi và khi thấy có người mẹ yêu dấu đứng kề bên, đây là “kho báu” duy nhất còn sót lại với mình trên dương thế, Chúa Giê-su cũng trao ban mẹ Ngài cho chúng ta luôn, để chúng ta có mẹ hiền chăm sóc nâng đỡ trên đường đời.
5- Trao ban đến giọt máu cuối cùng
Cuối cùng, chẳng còn gì nữa, ngoại trừ chút ít máu và nước còn đọng lại trong đáy tim, Chúa Giê-su cũng không giữ lại cho mình. Ngài để cho tên lính lấy lưỡi đòng đâm cạnh sườn Ngài, hiến ban cả đến giọt máu cuối cùng cho ta.
6- Trao ban Chúa Thánh Thần
Trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giê-su hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ, để Chúa Thánh Thần phù trợ, soi sáng, an ủi, dạy dỗ, hướng dẫn các ngài cũng như chúng ta trên hành trình về thiên quốc. Lời hứa ấy được Chúa Giê-su thực hiện sau khi từ cõi chết sống lại. Ngài hiện ra giữa các môn đệ, thổi hơi trên các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần.”
Và như ta biết, ngay cả Thiên Chúa Cha là Cha yêu quý của Ngài, Ngài cũng trao cho chúng ta, để Cha của Ngài cũng là Cha của chúng ta, để chúng ta được chung phận làm con với Ngài; rồi ngay cả thiên đàng là gia nghiệp của Ngài, Ngài cũng trao tặng cho chúng ta, để chúng ta cùng Ngài chung hưởng.
7- Trao ban Mình Máu Ngài
Khi không còn bất cứ thứ gì khác bên ngoài để trao ban, chỉ còn lại có bản thân mình mà thôi, thì Chúa Giê-su cũng đem cả bản thân mình ra làm quà tặng cho đời. Ngài hiến trao Thân Mình Ngài dưới hình bánh rượu để cho chúng ta được hiệp thông mật thiết với Ngài, trở nên cùng huyết nhục với Ngài, nhờ đó, sự sống vĩnh cửu của Ngài được thông truyền cho chúng ta luôn.
Thế là, vì yêu thương chúng ta và để chúng ta được hạnh phúc, Chúa Giê-su không tiếc bất cứ điều gì đối với chúng ta. Ngài đã trao ban hết mọi sự cho chúng ta, nên bây giờ, Ngài không còn gì để cho thêm, vì đã cho sạch hết rồi.
Trao ban là thước đo của tình yêu. Chúa Giê-su trao ban tất cả mọi sự cho chúng ta, chứng tỏ tình thương Ngài bao la vời vợi, như đại dương không bờ, không đáy.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa trao ban tất cả cho chúng con, không tiếc gì với chúng con, thế mà chúng con lại tiếc nuối, chẳng muốn dâng gì cho Chúa.
Chúa luôn rộng lượng với chúng con, còn chúng con thì hẹp hòi, so đo tính toán với Chúa. Xin cho chúng con từ nay đừng hẹp lòng với Chúa, nhưng biết quảng đại hiến dâng cho Chúa thời giờ, khả năng, sức khỏe để thờ phượng Chúa và hy sinh phục vụ những người lâm cảnh gian nan.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 3
Trái Tim Tình Yêu
(Mt 11, 29-30)
Thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu với lòng biết ơn sâu xa đối với Chúa là Đấng có Trái Tim đầy tình thương mến. Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thánh hóa các linh mục. Chúng ta hãy xin với Chúa Ba Ngôi, cho Giáo hội có thêm nhiều ơn gọi thánh thiện.
Trái Tim Chúa Giêsu rất nhân hiền, một Trái Tim không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, kể cả từ chối tình yêu của Thiên Chúa. Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha vì Ngài mến thương những kẻ bé mọn, hiền lành và khiêm nhường. Chính Ngài đã mạc khải cho họ, trong khi lại giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy (x. Mt 11,25-30).
Nhân dịp này, Chúa Giêsu cũng khuyên những người bé mọn đó hãy “mang lấy ách của Chúa” và “hãy học cùng Chúa” bài học: “Hiền lành và khiêm nhường” trong cuộc sống hằng ngày để làm môn đệ Chúa.
Hiền lành, theo nguyên ngữ Hy lạp, có nghĩa là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo, cứng cỏi. Như thế hiền lành phải có cả bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong phải êm ái, hiền hòa, yêu thương, khoan dung và thông cảm. Bên ngoài phải nhẹ nhàng, không có hành động cứng rắn hay thô bạo. Nóng nảy trái ngược với hiền lành. Hiền lành là đức tính tốt của kẻ có lòng thương người, không độc ác, nhưng đức hạnh và hay làm điều thiện.
Lịch sử minh chứng, con người ở mọi nơi mọi thời thường say mê quyền lực và muốn thống trị, sai khiến người khác theo ý mình, nên theo một số người thì hiền lành và khiêm nhường có thể bị coi như một thái độ hèn nhát, nhu nhược. Trái lại, cũng có rất nhiều người cho rằng, người có bản lĩnh vững vàng cao thượng mới có thể thực hiện được nhân đức khiêm nhường và hiền lành.
Hiền lành và khiêm nhường ngày nay không còn được đánh giá cao. Trước kia, lời khen ngợi tốt nhất người ta có thể trao tặng cho người khác khi gọi họ là “người hiền lành khiêm nhường”.
Người hiền triết và khôn ngoan, thường khó đi vào trong các mầu nhiệm Nước Trời, vì họ không mở lòng mình ra để đón nhận các mạc khải của Thiên Chúa; Thiên Chúa không ngừng mạc khải chính mình, nhưng họ thì lại tự tin vào hiểu biết của chính mình; vì thế, mạc khải của Thiên Chúa không
làm họ ngỡ ngàng được. Trái lại, người đơn sơ như trẻ nhỏ lại đón nhận được mạc khải của Thiên Chúa; họ giống như tấm bọt biển khô hấp thấm nước vậy, họ ngỡ ngàng và thán phục trước mạc khải của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, cũng có trường hợp, họ là học giả khôn ngoan, nhưng khiêm tốn trước Thiên Chúa, họ có thể hiểu biết về Thiên Chúa.
Ngược lại với thái độ của những kẻ tầm thường chỉ biết hành động theo tình tư dục, những bậc hiền nhân quân tử có cái nhìn khác. Những kẻ tầm thường không có cái suy nghĩ và hành động như các vị đó.
Thánh Francois de Sales nói: “Tất cả đều được chinh phục bởi hiền lành chớ không phải bạo lực”.
Nhà hiền triết Mạnh Tử nói: “Thiên đạo vô thân. Thường dữ thiện nhân (Đạo trời không riêng một người, luôn gia ân cho kẻ hiền lành).
“Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” là thông điệp Đức Giêsu gửi đến mỗi người chúng ta. Người đã làm gương trước, chúng ta chỉ việc học đòi bắt chước Người thôi.
Mỗi lần chiêm ngắm tượng, ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta thấy nổi bật hơn cả ngoài Trái Tim bị đâm thâu, là ngọn lửa bốc cháy, để « Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. » (Rm 5, 8). Còn có đôi bàn tay với những vết đanh. Chúng ta đặt mình trước Thánh Tâm Chúa và tự hỏi: Bàn tay con, lạy Chúa, đã làm những gì không phải, khiến bàn tay Chúa bị đanh đóng, và bàn chân con, đã bước đi những bước chẳng lành, để Chúa bị đóng đanh cả chân lẫn tay vào Thập giá? Câu trả lời, vì tội lỗi chúng ta, vì Chúa yêu thương loài người ta quá bội.
Biểu tượng tình yêu ấy đi xa hơn cái chết chính là cạnh sườn của Chúa bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Về điểm này, chứng nhân tận mắt là thánh Tông đồ Gioan đã quả quyết: « Một trong những người lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, và tức thì máu cùng nước chảy ra » (x. Ga 19,34). Lưỡi giáo của tên lính đã mở cạnh sườn Chúa, để từ vết thương máu cùng nước chảy ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi. Sau cùng, Chúa đã chết để cho chúng ta được sống, bị chôn vùi để chúng ta được phục sinh.
Còn tình yêu nào ngọt ngào êm dịu hơn, đã được trao cho Hiền Thê ; đó chính là sự mở rộng vòng tay ôm chặt của tình yêu Chúa…Tình yêu tên trộm lành đã nhận được khi xưng thú tội lỗi ; Phêrô đã nhận được khi liếc mắt nhìn Chúa và khóc lóc van xin sau khi chối Chúa, đúng là từ ánh mắt đến trái tim. Có nhiều kẻ đóng đinh Chúa đã trở lại với Chúa sau khi Chúa Phục sinh, họ đã giao ước với Chúa bằng tình yêu. Khi Chúa ôm hôn những người tội lỗi và thu thuế, Chúa đã trở thành bạn hữu của họ và khách họ mời dự tiệc…
Vậy, Chúa đã làm gì để đưa họ về với Chúa, nếu không phải là Trái tim Chúa lôi kéo ? Trái tim Chúa Giêsu là Trái tim dịu hiền do Thần Linh ban tặng! Phúc cho những ai giữ kín trong lòng, họ được ấp ủ trong Trái tim Chúa. Phúc cho những ai hy vọng vào sự chở che dưới cánh tay Chúa.
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày cầu cho ơn thánh hóa các linh mục. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Chức linh mục là tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu” (số 1589).
Giáo Hội đang cần những linh mục thánh thiện; cần những thừa tác viên giúp các tín hữu cảm nghiệm lòng từ bi thương xót của Chúa và những chứng nhân đầy xác tín về tình yêu này. Xin Chúa làm cho con tim của mỗi linh mục được nồng cháy tình bác ái mục tử, có khả năng đồng hóa cái tôi của mình với cái tôi của Chúa Giêsu Linh Mục, để có thể noi gương Chúa trong sự tự hiến hoàn hảo nhất, xứng đáng là thừa tác viên của lòng thương xót Chúa. Amen.
Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ
====================
Suy niệm Chúa nhật XII Thường niên
Suy niệm 1
Hãy tin tưởng
Đừng sợ.
Các môn đệ Chúa Kitô đã phải đối mặt với những cuộc bắt bớ bất cứ nơi nào họ loan báo Tin mừng. Chúa Giêsu đã cảnh báo họ, bởi vì sự dữ ở tận đáy lòng con người không dễ dàng từ bỏ. Sự dữ chính là sự từ chối bẩm sinh yêu và được yêu.
Ngày nay các Kitô hữu vẫn bị bách hại bằng nhiều hình thức khác nhau:
- Nhà thờ bị đốt phá, nhóm kito hữu thiểu số và linh mục ít ỏi thường bị đe dọa…
- Làm chứng cho đức tin tại môi trường sống, trung thành với các nguyên tắc của tin mừng, trung thành với luật hôn nhân, đâu phải là chuyện dễ. Điều đó còn trầm trọng hơn cả sự khủng bố thể xác, vì có thể phá hủy đời sống đức tin trong chúng ta và thậm chí cả nhân loại chúng ta. "Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn”.
Tuy nhiên vẫn còn đó những nguy hại ảnh hưởng đến thân xác (như dịch bệnh gần đây) hoặc ảnh hưởng đến tinh thần đều là một thử thách đức tin. Đối mặt với một mối nguy hiểm sắp xảy ra nghiêm trọng, mỗi người được đặt câu hỏi về ý nghĩa của đời sống và thực tế đời sống đức tin của mình. Trong bất kỳ thử thách nào, chúng ta có thể khép mình trong nỗi sợ hãi hoặc ngược lại, khám phá sự bình an của một cuộc sống và hơn bao giờ hết là đặt tất cả vào trong tay Thiên Chúa.
Những lý do để tin tưởng.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vượt qua mọi nỗi e sợ của chúng ta và trước hết là hãy tin tưởng. Chúng ta tin tưởng dựa trên 3 lý do: Lời Chúa chiếu sáng chúng ta, chúng ta ở trong tay Thiên Chúa, là Cha chúng ta và chính Chúa Giêsu đã trao ban mạng sống của Ngài cho chúng ta.
1 - Lời Chúa. Lời Chúa mang đến cho chúng ta một sức mạnh bất ngờ, khi chúng ta thực sự đón nhận Lời Chúa vào cuộc sống chúng ta. Lời Chúa chắc chắn làm xáo trộn và lúc đầu có thể bị từ chối cách này cách khác, nhưng dần dần làm sáng tỏ những mầu nhiệm đối với tất cả những ai đón nhận, nhất là mầu nhiệm Thiên Chúa là tình Yêu. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta: “Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà”. Như vậy, chúng ta phải nói lời Chúa trên mọi phương tiện truyền thông. Kitô hữu không thể im lặng!
Để nói được Lời Chúa, trước hết phải để cho Tin mừng thuyết phục và thấm nhuấn vào chính chúng ta. Nếu sống Lời Chúa như là sự khám phá ra một tình yêu, thì tình yêu sẽ nảy sinh trong chúng ta một khát vọng lớn lao để làm chứng cho Tin mừng. Loan báo tin mừng vì tình yêu, chúng ta vẫn tôn trọng những người có niềm tin khác với chúng ta. Người ta luôn khâm phục một người nào đó sống đức tin của mình, mặc dù ban đầu người đó có thể bị chỉ trích.
2 - Phó thác trong tay Thiên Chúa, là Cha chúng ta.
Điều làm cho chúng ta hoạt động, và làm cho chúng ta bình an và mạnh mẽ, không phải là một ý thức hệ hay ý tưởng trừu tượng, mà là tình yêu Thiên Chúa, là Cha chúng ta ban cho tất cả các thụ tạo của Ngài, đặc biệt là cho con người. Một con chim sẻ cũng đã là một kỳ quan trong mắt Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói: “Các con còn đáng giá hơn chim sẻ bội phần”. Chúng ta được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài. Bất cứ điều gì xảy ra với chúng ta, Chúa Cha giữ chúng ta trong tay Ngài: Ngài luôn yêu thương chúng ta mọi lúc và cả trong những chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống chúng ta. Ngài ban cho chúng ta hơi thở sự sống và tất cả những gì thuộc con người chúng ta…Trong mọi trường hợp, tất cả chúng ta thường quên không nhận ra điều đặc biệt, đó là Thiên Chúa là Cha chúng ta tin cậy vào mỗi chúng ta, yêu thương chúng ta và bảo vệ chúng ta nếu chúng ta muốn.
3 - Chúa Giêsu đã trao ban mạng sống của Ngài cho chúng ta.
Chúa Giêsu không ngừng hy sinh tất cả vì chúng ta, ngay từ khi chúng ta đồng ý cam kết theo Ngài: vào ngày sau hết, Chúa Kitô sẽ nhớ đến sự trung thành của tình yêu chúng ta và sẽ trở thành người bảo vệ chúng ta. Tất cả những người chúng ta đã giúp để đến gần Chúa hơn cũng sẽ trở thành những người bảo vệ chúng ta, bởi vì chúng ta là nguồn hạnh phúc thực sự của họ.
Tuy nhiên, điều ngược lại cũng có thể xảy ra:
- Nếu chúng ta không biết cách nhận hoặc chia sẻ kho báu, nguồn sống đã được giao phó cho chúng ta,
- Nếu trong suốt cuộc đời, chúng ta chỉ tin vào Chúa Kitô từ xa,
- Nếu chúng ta chỉ nói về Ngài bằng môi miệng,
- Và nếu chúng ta không bao giờ mạo hiểm bất cứ điều gì cho Ngài,
Thì Ngài chỉ có thể buồn vì nhìn thấy khoảng cách tình yêu của chúng ta đối với những người cụ thể nhất!
Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta làm triển nở Nước Thiên Chúa trong các con tim. Xin Chúa ban cho chúng ta tìm được những lời thức tỉnh chúng ta ước muốn gặp Ngài. Nhất là xin Ngài gửi Thần Thần Tình yêu của Ngài cho chúng ta.
Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con hơn chính chúng con và chỉ có Chúa mới có thể làm cho chúng con được tự do. Xin Chúa giải thoát chúng con khỏi nỗi sợ làm chúng con im lặng và như thế chúng con mới có thể loan báo Tin mừng mà Chúa đã trao phó cho chúng con: “Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, hãy nói nơi ánh sáng; và điều các con nghe rỉ tai, hãy rao giảng trên mái nhà”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2 Đừng sợ vì có Chúa chở che
(Mt 10, 26-33)
Một anh mù dò dẫm bước qua chiếc cầu khỉ bắc ngang con sông nhỏ. Khi qua được nửa cầu, bất thần anh bị trượt chân và rơi xuống. May thay, anh vớ được cây tre bắc cầu, anh vội nắm chặt cây tre, đong đưa lơ lửng giữa cầu... Anh cố đu người lên cầu nhưng không đủ sức.
Anh kinh hoàng tột độ! Sợ rằng lát nữa đây, khi đôi tay không còn sức níu, toàn thân anh sẽ rơi bõm xuống và dòng nước ác nghiệt sẽ kết liễu đời anh.
Đang khi còn treo mình lơ lửng như thế, anh hình dung ra biết bao nhiêu điều khủng khiếp sẽ xảy đến với mình trong chừng mươi phút nữa. Có thể anh sẽ rơi xuống ngay trên những mỏm đá lởm chởm giữa dòng sông và phải tan xương nát thịt. Rồi sau đó, thân xác anh sẽ bị cuốn theo dòng nước hung tợn và sẽ làm mồi cho tôm cá… Anh toát mồ hôi lạnh. Anh gào anh khóc thảm thiết, gào thật to để may ra có người nghe thấy và đến cứu mình.
Một số người đi qua thấy vậy bảo rằng: “Đừng sợ! Mực nước sông chỉ chừng nửa mét thôi. Buông tay ra đi! Chân anh chỉ cách mặt nước có một thước thôi mà.”
Nhưng anh không tin. Làm sao tin được người lạ! Biết đâu người ta lừa dối anh. Anh vẫn tiếp tục kêu gào, tiếp tục van xin người qua kẻ lại kéo anh lên.
Cuối cùng, kiệt sức, anh tuyệt vọng buông mình xuống.
Quá bất ngờ, anh rơi xuống dòng nước hiền hoà chỉ dâng cao ngang rốn. Anh cười lên khanh khách như một gã khùng! Cười sung sướng vì tưởng phải chết mà vẫn còn sống nhăn răng.
Như người mù trên đây, cuộc đời chúng ta bị bao trùm bởi vô vàn nỗi sợ do chính mình tạo nên.
Có người đang khoẻ thì sợ những chứng bệnh nan y có thể xảy đến trong nay mai; người đang có việc làm hẳn hoi thì sợ có ngày mất việc và túng thiếu; người đang còn trẻ thì sợ khi già yếu không ai phụng dưỡng chăm sóc; người đang yên ổn sống trong tiện nghi thì sợ mai đây khi thất cơ lỡ vận, không còn được thoải mái như hiện giờ…
Thế là con người tự tạo ra vô vàn nỗi sợ rồi để cho chúng đe doạ và khủng bố đời mình.
Chính vì nỗi sợ gây nên nhiều bất hạnh cho con người như thế, nên qua đoạn Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su ba lần nhắn nhủ chúng ta đừng sợ vì có Chúa chăm sóc giữ gìn; nếu chúng ta có ngã, có rơi thì cũng chỉ ngã, chỉ rơi vào trong bàn tay êm ái của Ngài.
"Anh em đừng sợ người đời…” (Mat-thêu 10, 26)
"Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn (Mat-thêu 10, 28).
“Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Ngài cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (Mt 10, 29-31).
Thế nhưng, như người mù dại dột kia không tin vào những lời trấn an của những người qua lại, chúng ta cũng không hoàn toàn tin vào lời Chúa, chúng ta vẫn cứ sợ, cứ lo và cứ để cho bao nỗi sợ đe doạ, khủng bố chúng ta suốt đời.
Lạy Thiên Chúa từ nhân,
Xin cho chúng con tin rằng Chúa là Đấng quyền năng và là Cha giàu lòng thương xót, hằng che chở gìn giữ và giúp chúng con vượt qua tất cả phong ba bão táp trên đường đời.
Xin cho con vững tin rằng dù chúng con có vấp ngã và rơi xuống, thì luôn có bàn tay Chúa đỡ lấy chúng con. Và mai đây, khi phải từ giã đời nầy, chúng con sẽ không phải rơi vào cõi hư vô tăm tối nhưng là rơi vào lòng bàn tay nhân ái của Chúa mà thôi.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
===================
Suy niệm 3
Vượt Qua Nỗi Sợ
Một trong những điều rất thông thường thuộc bản năng của con người là biết sợ hãi. Bản năng biết sợ hãi là do Thiên Chúa đặt để ngay trong bản tính con người, nhờ đó con người và cả loài vật nữa mới biết tự vệ và tránh được những khó khăn, bất lợi, tai nạn, đau khổ, chết chóc có thể xảy đến với mình. Tuy nhiên, người có bản lãnh, có trí tuệ, mặc dù biết sợ, nhưng luôn luôn làm chủ được bản năng biết sợ của mình để can đảm chấp nhận những tệ hại nhỏ hơn trước mắt hầu tránh được những tệ hại lớn hơn; hoặc can đảm chấp nhận những tệ hại cho cá nhân mình hầu tránh những tệ hại lớn hơn cho tập thể hay xã hội. Một khi đã nhận thức và chấp nhận điều tệ hại nhỏ hơn, thì ta không còn sợ hãi nó nữa (NCK).
Sống ở trên đời, ai mà không một đôi lần… sợ? Bé thì sợ ma, lớn lên một tí ngoài sợ ma, còn sợ nhiều thứ khác như sợ chuột, sợ gián, sợ thạch sùng, sợ rắn và cả… sợ roi vọt nữa! Trở thành người lớn, hầu như đã bớt sợ mấy thứ đó, nhưng lại có cái sợ khác, như sợ “sếp”, sợ mất việc, sợ không được lên lương…
Cái sợ của trẻ con chủ yếu là sợ vu vơ, lặt vặt, do không hiểu mà sợ như sợ ma, do chưa thấy bao giờ hoặc ít thấy, hoặc thấy hình dạng nó kì quái, bẩn thỉu quá mà sợ như sợ gián, sợ chuột, sợ thạch sùng, do đau thể xác mà sợ như sợ rắn, sợ rết, sợ đòn roi của người lớn!.. Còn cái sợ của người lớn thì khác. Đó là cái sợ thấy được, trực tiếp và cụ thể; sợ cả về thể xác lẫn tinh thần, trong đó cái sợ tinh thần chiếm tỉ lệ rất cao. Có cái sợ tránh được, như không bao giờ làm việc xấu, không vướng vào những vụ vi phạm pháp luật,.. thì chẳng việc gì phải sợ. Nhưng có cái sợ không tránh được, như bị cướp, bị bắt cóc, bị khủng bố, bị tống tiền, bị doạ cho thôi việc, bị thuyên chuyển công tác, bị sếp ghét bỏ,… Không may gặp những chuyện như thế mà không sợ, thì ai đó phải có thần kinh …thép! Làm điều sai trái, sợ pháp luật, là cái sợ bình thường. Ra đường sợ kẻ cắp, là cái sợ tuy không bình thường nhưng còn chấp nhận được. Chứ “ra đường sợ công an”, “lên phường sợ… thủ tục” thì đó lại là cái sợ hoàn toàn không bình thường chút nào. Cánh đàn ông lại có kiểu sợ đặc thù này: Sợ vợ! Đến vua chúa oai phong vậy mà còn sợ hoàng hậu, huống nữa là dân thường! Sợ có nhiều cách biểu hiện lắm: sợ run cầm cập, sợ hết hồn hết vía, sợ tái xanh tái xám, sợ lạnh cả xương sống, sợ dựng tóc gáy, sợ toát mồ hôi, sợ rụt vòi, sợ vãi linh hồn, sợ bóng sợ vía... và có cả loại “điếc không sợ súng”. Nỗi sợ cứ quấn lấy đời người. Nỗi sợ làm người ta mất vui, mất bình an và tự do. Thế mà Lê Quý Đôn lại khuyên nhủ: “Phải biết sợ mới nên người”.
Trang tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu khuyên các môn đệ “đừng sợ”. Ðừng sợ người đời, cứ mạnh dạn nói Lời Chúa. Ðừng sợ những kẻ chỉ giết được thân xác thôi.Ðừng sợ vì chúng ta có giá trị trước mặt Chúa.
Sợ sệt có thể làm con người chùn bước trước muôn vàn nghịch cảnh đang giăng mắc và xảy ra trong đời sống thường ngày. Chính vì thế, Chúa luôn cảnh tỉnh các tông đồ hãy tỉnh thức, đừng sợ, sao nhát đảm đến thế! Chúa có đó và luôn can thiệp kịp thời những biến cố xảy ra trong lịch sử cứu độ, trong đời sống riêng tư của con người. Khi Chúa ngủ ở đầu mạn thuyền, sóng to, gió lớn trổi dậy, các môn đệ cuống cuồng, lo âu sợ sệt. Chúa nói:" Sao các con nhát đảm thế", và Chúa khiến gió bão im lặng.
Biết bao vị Thánh Tử Đạo đã không sợ roi đòn gông cùm tù tội và ngay đến cả cái chết. Thánh nữ Anê Lê Thị Thành bị bắt chính vì bà đã cho các thừa sai trú ẩn nơi nhà mình. Bà đã hành xử giống như nhóm phụ nữ cùng với Nhóm Mười Hai và đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu cùng các môn đệ (Lc 8,1-3). Tại Nam Định, quan tòa bắt bà Anê Thành chối đạo, bà đáp: “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời”. Các quan truyền đánh đòn bà, lúc đầu bằng roi, sau bằng thanh củi lớn quật vào chân bà. Dịp chồng bà đến thăm, bà đã giải thích lý do tại sao bà chịu đựng nổi cơn đánh đập hung bạo đó: “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn”. Dã man nhất là màn thả rắn độc vào trong áo bà Thành đang mặc. Họ đã túm lấy tay áo bà, có ý để rắn bị bức xúc sẽ cắn vào người bà. Nhưng bà Thành bình tĩnh lạ thường, không nhúc nhích, nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Con út của bà Thành là Lucia Nụ tới thăm mẹ và thấy y phục mẹ đầy vết máu nên khóc nức nở. Bà Thành an ủi con: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”. Bà còn nói với con gái: “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên Đàng”. Trong thời gian ngồi tù, bà Thành không những chịu cực hình tra tấn, chịu đói, chịu khát, mà còn chịu khổ vì bệnh kiết lị hành hạ. Nhưng bà được an ủi nhiều vì có hai nữ tu cùng bị giam, săn sóc và giúp đỡ bà. Các linh mục cũng gởi thuốc, đến thăm và ban bí tích hòa giải, xức dầu. Cuối cùng bà đã phó linh hồn trong tay Chúa theo gương Thầy Chí Thánh ngày 12 tháng 7 năm 1841, sau ba tháng bị giam, hưởng thọ 60 tuổi, và được Thánh Gioan Phaolô II phong hiển thánh năm 1998.
Có ai làm người mà không một lần sợ hãi. Ðức Giêsu khuyên các môn đệ đừng xao xuyến (Ga 14,1) nhưng chính Ngài cũng xao xuyến trước cuộc khổ nạn. Tin Mừng Gioan hai lần nhắc đến điều đó (Ga 12,27; 13,21). Ðức Giêsu xao xuyến đến tột cùng trong Vườn Dầu: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được" (Mt 26,37-38), và có lẽ Ngài cũng bị xao xuyến trên thập giá: "Lạy Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi?" (Mt 27,46). Sợ hãi, xao xuyến không phải là một tội. Kitô hữu không phải là người không biết sợ, hay không dám khiêm tốn thú nhận là mình sợ. Nhưng họ là người không để nỗi sợ chi phối đời mình, không vì sợ mà không dám sống cho chân lý.Ðức Giêsu nói tiếng Xin Vâng ngay trong lúc sợ hãi và đã uống cạn chén đắng Cha trao.
Con người hôm nay an toàn nhờ đủ thứ bảo hiểm, nhưng bảo hiểm cũng bắt nguồn từ nỗi sợ cái bất trắc. Mỗi người chúng ta đều có nỗi sợ riêng. Cần đối diện và vượt qua bằng lòng tín thác, để rồi được an tĩnh và tự do. Chỉ thắng được nỗi sợ nhờ niềm tin vào Thiên Chúa. Ngài là Cha chúng ta, chăm lo đến từng sợi tóc cho ta, và chúng ta có giá trị lớn lao trước mặt Ngài. Chỉ thắng được nỗi sợ nhờ tin vào đời sau. Cái chết thân xác không là dấu chấm hết của đời người. Cuối cùng, chỉ thắng được nỗi sợ nhờ tin vào Ðức Giêsu, Ðấng không bị sợ hãi nuốt chửng và đã đi tới cùng.Ðấng phục sinh vẫn mời gọi chúng ta hôm nay: "Can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian" (Ga 16,33).
Tình yêu giải phóng con người khỏi sợ hãi. Thánh Gioan viết: “Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1Ga 4,18). Tình yêu giúp chúng ta vượt thắng sợ hãi, để không còn sợ hãi nữa. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân có thắng vượt được sợ hãi mới chứng tỏ là tình yêu chân thực. Thắng vượt được nỗi sợ càng lớn bao nhiêu thì tình yêu của chúng ta càng chứng tỏ được là lớn lao bấy nhiêu. Tình yêu càng tăng thì sợ hãi càng giảm.
Chính nhờ tình yêu và lòng nhiệt thành với Thiên Chúa và tha nhân mà biết bao người dám chấp nhận tất cả cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thiên Chúa luôn quan phòng và chở che. Chúa Giêsu nói: loài chim sẻ chẳng đáng giá bao nhiêu thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Thiên Chúa, huống chi chúng ta là những con người quý giá hơn chim sẻ vô cùng. Con người quý giá trước mặt Thiên Chúa đến nỗi Ngài đã hy sinh Con của Ngài để chúng ta “ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16); và “Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi” (Rm 5,8; x. 1Cr 15,3). Vì thế, không có gì xảy ra cho chúng ta mà không do ý muốn yêu thương của Ngài. Do đó, ta đừng sợ khi tình yêu đòi hỏi ta phải dấn thân, khi lòng nhiệt thành tông đồ thúc đẩy ta phải mạnh dạn rao giảng, khi tình yêu đối với người nghèo khổ thúc giục ta phải tranh đấu, lên tiếng cho công lý, chống lại áp bức bất công.
“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119;105). Có Lời Chúa dẫn đường, chúng ta không thể sa hầm sập bẫy trần gian. Lời Chúa không lừa dối, nhưng xua tan mọi ảo tưởng và phơi bày mọi sự thực trần gian. Hơn nữa, có điểm dựa nào vững chắc bằng Tin Mừng? Chính Chúa quả quyết: “Ai nghe những lời Thày nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7,24). Ðược Lời Chúa làm nền tảng, bản lãnh chúng ta sẽ vững chắc và đủ sức đương đầu với bất cứ thách đố nào trong cuộc đời. Lời Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta thấy “núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa.” (Tv 31,4) Ðó là lý do tại sao Thánh Gioan Phaolô dám nhắc lại lời Thầy chí thánh để kêu gọi Giáo hội “Ðừng sợ!” ngay từ lúc mở đầu triều đại giáo hoàng. Đức Giêsu quả quyết: “Chính Thày là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Giữa bao nhiêu thách đố, Kitô hữu có thể tìm được nơi Lời Chúa một nền tảng vững chắc và một nơi ẩn trú bình an. Ðó là tất cả bí quyết giúp Kitô hữu vượt qua mọi cơn sợ hãi và vận dụng mọi khả năng biến đau khổ thành phương tiện làm chứng cho Ðức Kitô.
Lạy Chúa, xin tăng cường sức mạnh đức tin cho chúng con, để chúng con có thể can đảm làm chứng cho Chúa giữa lòng dân tộc và nhân loại hôm nay. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
================== Suy niệm 4
ĐỪNG SỢ (Mt 10, 26 -33) Trên đời con người có nhiều thứ bủa vậy, một trong những thứ đó là cái “sợ”. Càng văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới. Nỗi sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui... Nỗi sợ có vẻ gắn liền với sự mong manh của phận người. Người ta sợ nhiều thứ: sợ đau khổ, sợ thử thách, sợ bệnh hoạn, sợ thiếu thốn và nhất là sợ chết... Xem ra, nỗi sợ hãi luôn ám ảnh con người và dù muốn dù không con người vẫn bị bủa vây bởi trăm ngàn mối hiểm nguy. Thấu hiều điều đó, nên khi dạy dỗ cho các môn đệ, Chúa Giêsu khuyên: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn... Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ” (x. Mt 10, 28-31).
Lời căn dặn “Đừng sợ” của Chúa Giêsu đã trở thành sức mạnh cho Giáo Hội. Hai mươi thế kỷ sau, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong ngày đầu tiên lãnh đạo Giáo Hội đã lặp lại lời Thầy Chí Thánh: “Đừng sợ”. Trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã không ngừng kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới “Đừng sợ”:
“Anh chị em đừng sợ đón lấy Chúa Kitô và nhận lấy quyền năng của Người!”.
“Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lãnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào”.
“Đừng sợ! Chúa Kitô biết rõ mọi điều trong lòng người”! Và chỉ một mình Người biết rõ” (Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).
Thái độ “không sợ” được Thánh Giáo hoàng Đức Gioan Phaolô II nói đến vượt trên ý nghĩa thông thường là sự bất khuất, không nao núng trước bạo lực, bạo quyền. Không sợ là thái độ vượt thắng sự thủ thế, co về mình, không dám mở ra đón lấy sự cao cả, siêu việt, linh thánh của Tin Mừng Cứu độ và cũng không đủ nghị lực và sự kiên trì đưa Tin Mừng trở thành hiện thực nơi trần gian, xây dựng Nước Chúa ngay trong thực tại trần thế.
Từ “Đừng sợ” lại vang lên trong bài giảng thứ hai trên cương vị giáo hoàng, khi cử hành việc tiếp nhận ngai tòa giám mục giáo phận Rôma, ngày Chúa nhật 12-11-1978, tại nhà thờ Chánh tòa Gioan Latêranô, Đức Gioan Phaolô nói rõ thêm về lời kêu gọi “Đừng sợ”.
Đừng sợ đón lấy và thực thi lối sống Tin Mừng. Đó là sống yêu thương, không hận thù, như chính Đức Kitô yêu thương và đã tha thứ cho kẻ bách hại mình: “Tình yêu thì kiến tạo. Chỉ có tình yêu mới có thể kiến tạo được. Còn thù hận thì phá hủy. Lòng hận thù không kiến tạo được gì hết. Nó chỉ gây đổ vỡ. Nó làm tan nát đời sống xã hội. Nó chỉ có thể gây sức ép đối với những người yếu đuối và chẳng xây dựng nổi một điều gì” (Gioan Phaolô II – Bài giảng lễ nhận nhà thờ Chánh tòa Gioan Latêranô của Giám mục Rôma)
Đừng sợ sống yêu thương trong thế giới còn đầy tràn lòng thù hận. Đó là tín thư của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Một tín thư xụất phát từ sứ điệp Tin Mừng Cứu độ của Đức Kitô. Sứ điệp của niềm Hy vọng: “Hãy làm cho những Lời hằng sống của Đức Kitô đến được với mọi người để họ nghe được Lời của Chúa, sứ điệp của niềm Hy vọng” (Thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).
Tiếp nối đường hướng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong ngày lên ngôi, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã thắp lên lời hy vọng: “Hãy tiến lên phía trước, vì có Chúa ở cùng”. Nếu một phần tư thế kỷ trước là “Đừng sợ”, thì một phần tư thế kỷ sau lại là: “Hãy tiến lên phía trước, Thiên Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta. Mẹ Chí Thánh của Người ở ngay bên cạnh chúng ta...”. Và trong Sứ điệp nhân Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXVII, Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết: “Các bạn trẻ thân mến, đừng sợ phải liều mạng mình cho Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Đó là phương cách tìm được bình an nội tâm và hạnh phúc đích thực”.
Đức Thánh Cha Phanxicô sau khi được bầu làm Giáo Hoàng vào ngày 13-3-2013, Ngài đã là cho nhiều lần dùng kiểu nói “đừng sợ”.
Thật vậy, sống ở đời làm sao tránh khỏi những căng thẳng, lo âu, sợ hãi khi gặp khó khăn, nguy hiểm. Chính Chúa Giêsu cũng có những lúc bàng hoàng xao xuyến. Khi bảo “anh em đừng sợ” Chúa Giêsu muốn ta đừng để cảm xúc sợ hãi làm tê liệt đời sống chúng ta. Người bảo chúng ta: “đừng sợ”. “Đừng sợ” ngay trong mọi biến động, “đừng sợ”, vì “Người đã cứu thoát mạng sống người bất hạnh khỏi tay kẻ dữ” (Gr 20,13). “Đừng sợ”, khi phải đối diện với đau khổ hay sự chết bởi vì Thiên Chúa, Đấng yêu thương quan tâm chăm sóc chúng ta, vì Ngài là Cha nhân từ, trung tín, thấu hiểu chúng ta cần gì, vì đối với Ngài, chúng ta “quý hơn muôn vàn chim sẻ” (x. Mt 10,31). Ta hãy sống như con thơ phó thác cách đơn sơ trọn vẹn cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, trong mọi công việc.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm sống thật, hành động thật và tin tưởng phó thác nơi Chúa. Đừng sợ những khó khăn thử thách trong đời sống đạo. Đón nhận con đường khổ giá như là điều kiện cần cho phần rỗi của mình. Luôn nhớ rằng khi chúng ta tin và sống đạo, hẳn chúng ta không thể thoát khỏi sự hiểu lầm, chống đối và đôi khi cả cái chết nữa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ khám phá ra ý nghĩa của đau khổ và ngang qua đó, chúng ta sẽ thấy cùng đích của cuộc đời nằm ở nơi Thiên Chúa chứ không phải những thứ mau qua, chóng hết ở đời này.
Lạy Chúa, nỗi sợ làm cho con chùn bước, rụt rè trong đời sống đức tin của con, xin cho con thêm sức mạnh để con không còn sợ hãi Chúa ơi. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
================== Suy niệm 3
ĐỪNG SỢ Gr 20,10-13; Rm 5,12-15; Mt 10, 26-33 Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu báo trước và trấn an các môn đệ, trước những khó khăn sẽ xảy ra trên con đường đi rao giảng của các ông sau này.
Người trấn an các ông đừng sợ người ta, cứ phải đi rao giảng, những điều anh em nghe rỉ tai, hãy gào lên tận mái nhà, để “không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục.” (Mt 10,26-28).
Ngày xưa thời các môn đệ, cái thuở còn chân đi đất, khó khăn thiếu thốn mọi đàng, mà khi ở cạnh Thầy, những điều mới nghe rỉ tai họ đã “lên mái nhà công bố”, nghe nói lúc đêm hôm thì đã “nói ra giữa ban ngày” rồi. Thuở ban sơ mà các Ngài đã dày công biên soạn thành bài vở, in thành sách, để ngày nay, dân ăn sẵn chúng con có Lời mà niệm suy. Chúng con phải theo gương Đức Maria, suy đi nghĩ lại trong lòng, rồi “Người bảo gì, anh em cứ việc làm theo”. Dù thuận tiện hay không, chúng con không có lý do để chối từ hay thoái thác sứ vụ cao cả ấy.
“Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ.” Thầy Giêsu đã đi con đường của nghèo khó, của đau khổ thua thiệt, của Thập giá. Người môn đệ theo Thầy cũng bước đi trên chính con đường ấy. Để trung thành, người môn đệ sẵn sàng chấp nhận gian khổ, không được sợ hãi người đời và phải tin tưởng nơi sự quan phòng của Chúa. Khi làm chứng cho sự thật, các môn đệ sẽ phải trả giá đắt, có thể phải hy sinh cả tính mạng. Nhìn vào các thánh tử đạo, đúng là phải có sức mạnh của Chúa thực hiện nơi con người mỏng dòn yếu đuối. Ở đây xem ra sức mạnh can đảm vượt thắng gian lao đau khổ, nhưng vượt lên tất cả là vì lòng mến, vì tình yêu vượt lên nỗi sợ, tình yêu loại trừ sự sợ hãi.
Ngày nay chúng con không còn phải sợ “những kẻ giết được thân xác”, nhưng là sợ sự dửng dưng, sợ bị phê bình chống đối, sợ mất lòng người nghe. Một lời ủi an cho mọi người môn đệ: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Mt 10, 29-31).
Là Kitô hữu, mỗi người chúng con đều nhận ơn gọi làm ngôn sứ. Chúng con có bổn phận trao ban Lời Chúa cho anh em, dù lúc thuận tiện hay không thuận tiện, dẫu cho gặp nhiều gian lao, vì chính Tình Yêu của Đức Kitô đang thúc bách chúng con. Dù ở hoàn cảnh nào chúng con cũng cố gắng loan báo, Chúa sẽ chúc lành cho cố gắng của chúng con, để hạt giống Lời Chúa âm thầm mọc lên thành cây và sinh hoa trái.
Én Nhỏ