Bên nhau và trong nhau
Chúng ta đang đói gì?
Cha mẹ biết rất rõ một đứa trẻ nhỏ muốn được ôm như thế nào? Nếu đứa trẻ đó cảm thấy người ta xa nó, nó cảm thấy hỗn loạn, lạc lõng và, nó khóc để được người ta đến với nó. Trong thực tế, nhu cầu gần gũi này vẫn tồn tại trong suốt cuộc đời của chúng ta. Chúng ta liên tục tìm kiếm những cách mới để xóa khoảng cách và có được sự liên lạc. Chính vì nhu cầu này, mà các trang "mạng xã hội" thu hút rất nhiều, bất chấp nguy cơ các trang mạng đó có một phần ảo hoặc không lành mạnh.
Tuy nhiên, nhu cầu thiết yếu nhất và đúng đắn nhất của con người là yêu thương. Thiên Chúa duy nhất, nhưng không đơn độc vì Ngài là Tình Yêu. Ngài là Thiên Chúa trong tương quan Ba Ngôi. Ngài dựng nên chúng ta để chia sẻ sự hiện diện của chúng ta với Ngài và giữa chúng ta với nhau.
Bên cạnh tất cả sự thèm khát tiếp cận nhau, chung ta còn có một mong muốn, một khao khát tuyệt đối. Nhưng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta điều đó, không giới hạn, và một tình yêu miễn phí, để ở lại với chúng ta.. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy khát vọng của mỗi người chúng ta mà thôi. Thánh Augustino nói: “Tâm hồn con luôn khát khao tìm kiếm Chúa cho đến khi được nghỉ yên bên Chúa”
Thiên Chúa ở gần.
Để đến gần chúng ta hơn, Thiên Chúa đã trở thành con người.
- Như vậy, Ngài cũng sống nghèo như chúng ta.
- Ngài đã sinh ra trong máng cỏ.
- Ngài đồng hành với chúng ta và chia sẻ những bất chắc trên chặng đường đời của chúng ta.
- Ngài nói “Con cáo có hang, con chim có tổ, nhưng Con người không có hòn đá tựa đầu”
- Đặc biệt Ngài còn chết trên thập giá. Trên thập giá, Ngài trở nên gần gũi hơn với tất cả những ai mà mọi người không nhìn đến.
- Vào ngày lên trời, Ngài nói với chúng ta rằng Ngài sẽ ở lại với chúng ta theo một cách mới: gần gũi hơn nhiều so với những ngày Ngài sống với các môn đệ của Ngài.
Ngài đến trong chúng ta và chúng ta ở trong Ngài..
Nhờ Bí tích Thánh Thể, Chúa Kitô ở gần chúng ta.
- Ngài đến với chúng ta không chỉ trong biểu tượng hay hình ảnh, mà còn "trong thực tế".
- Ngài làm cho Bí tích Thánh Thể trở thành thức ăn nuôi sống để đồng hóa chúng ta với Ngài. Ngài nói: “ Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi, thì ở trong tôi và tôi ở trong người ấy”.
Vì thế, chúng ta hãy cảm ơn Ngài về quà tặng này. Nhờ đó. chúng ta ngày càng trở thành thành viên của Thân thể Chúa Kitô, vì Ngài đồng hóa chúng ta với cuộc sống của chính Ngài. Nhờ Bí tích Thánh Thể, chúng ta làm cho tất cả các ân sủng của phép Rửa lớn lên trong chúng ta. Thân thể chúng ta là con Thiên Chúa sẽ vượt qua từ thời thơ ấu đến trưởng thành trong đức tin.
Nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài!
Điều quan trọng là chúng ta phải có sự tôn kính sâu xa đối với Thánh Thể Chúa Giêsu Kito. Chúa để chúng ta đón nhận Ngài trong tay và vào trong thân thể chúng ta. Đó là một sự gần gũi tuyệt vời làm cho chúng ta đến gần hơn sự sống của chính Thiên Chúa và Ngài sẽ cứu độ chúng ta.
Chính nhờ Người, với Người, và trong Ngưới mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa, là Cha toàn năng , trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Tôn giáo nào dám nói những lời này để thể hiện sự tự do của chúng ta là con Thiên Chúa? Và đồng thời, chúng ta gần nhau hơn, vì cùng nhau chúng ta trở thành Thân thể của Chúa Kitô.
Cuộc hẹn gặp được đợi chờ
- Liệu chúng ta có một đức tin thực sự vào Chúa Kitô không, nếu vì lý do quá dễ dàng, chúng ta bỏ lỡ cuộc hẹn gặp với bí tích Thánh Thể? Ngày nay, nhiều người có đạo nhưng không sống đạo. Nếu thực sự thực hành đức bác ái trong đời sống hàng ngày, chúng ta sẽ gần trái tim của Chúa Kitô.
- Nhưng chúng ta có thể sống đức ái thực sự trong một thời gian dài thế nào được, nếu chúng ta bỏ bê việc nuôi dưỡng chúng ta bằng Thánh Thể Chúa Kitô, mỗi khi tham dự Thánh Lễ trong cộng đoàn giáo họ và giáo xứ chúng ta để chia sẻ Lời và Bánh sự sống của Ngài?
Đối với bí tích ThánhThể, chúng ta cần phải tránh 2 thái độ thái quá mỗi khi tham dự Thánh lễ:
- Tham dự thánh lễ, nhưng không lắng nghe lời Chúa và Rước lễ
- Rước lễ theo thói quen, mà không ý thức được rằng Bánh Thánh chính là Chúa Giêsu Kito.
Bí tích Thánh Thể là một cử chỉ luôn mới mẻ trong mối tương quan của chúng ta với Chúa Kito. Vì thế bí tích Thánh Thể phải luôn là một bữa tiệc cho chúng ta. Đây là mục đích của ngày lễ hôm nay: ngày lễ Mình Thánh, ngày lễ gần gũi với Chúa Kito trong mọi biến cố của đời sống chúng ta!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2 Hồng ân Thánh thể
Từ ngày tổ tông loài người sa ngã phạm tội, tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa bị cắt đứt hoàn toàn, loài người phải xa lìa Thiên Chúa và phải mang án phạt đời đời.
Tuy nhiên, Thiên Chúa không đành để cho loài người phải đắm chìm trong đau khổ và sự chết do tội lỗi gây ra, nên đã tìm cách cứu vớt loài người khỏi vòng oan nghiệt đó.
Thế là Thiên Chúa lập nên một phương thế thần diệu để cứu độ con người. Phương thế này là Bí tích Thánh thể. Qua Bí tích cực trọng này, Thiên Chúa nhắm đến ba mục tiêu quan trọng sau đây:
1. Xóa bỏ tội lỗi con người.
2. Kết hợp nên một với con người và ở với họ mọi ngày cho đến tận thế.
3. Thông ban Sự Sống viên mãn của Thiên Chúa cho loài người.
Đây là ba hồng ân vô cùng cao quý, trỗi vượt trên mọi hồng ân khác.
Vậy thì Bí Tích Thánh Thể là gì mà có thể mang lại hiệu quả tuyệt vời đến thế?
Có thể trả lời vắn gọn như sau: Bí Tích Thánh Thể, thường được gọi là Thánh Lễ, là việc Chúa Giê-su hiến dâng thân mình trên thập giá trên đồi Can-vê cách đây 2.000 năm và còn đang tiếp diễn qua các thời đại cho đến ngày tận thế (GLHTCG 1323,1366).
Nói khác đi, việc Chúa Giê-su dâng mình trên thập giá trên đồi Can-vê năm xưa và Thánh lễ hôm nay chỉ là một (GLHTCG 1367).
1. Nhờ Thánh Lễ, Chúa Giê-su xóa bỏ tội lỗi và án phạt do tội gây ra.
Luật Chúa đã truyền: “Hậu quả của tội là sự chết[1]” (Rm 6,23). Chiếu theo luật nầy, kẻ nào phạm tội thì người đó phải chết, trừ phi có ai chết thay cho họ. Thế là Ngôi Hai Thiên Chúa tình nguyện làm Đấng chết thay.
Khi dâng mình làm lễ tế trên đồi Can-vê hôm xưa, cũng là khi dâng mình trong Thánh lễ hôm nay, Chúa Giê-su chịu đền tội và chịu chết thay cho người tội lỗi để họ được ơn tha thứ và thoát khỏi án phạt đời đời (GLHTCG 1365, 1366, 1367).
2. Nhờ Thánh lễ, Chúa Giê-su cho ta được kết hợp nên một với Ngài và ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Làm thế nào để cho con người được nên một với Chúa Giê-su?
Chúa Giê-su có một sáng kiến tuyệt vời: Ngài hiện diện dưới hình tấm bánh, dưới hình rượu để cho chúng ta được ăn Ngài, được uống Ngài. Và một khi đã ăn Chúa Giê-su, chúng ta được nên cùng máu thịt, cùng một thân mình với Chúa như lời Ngài phán: “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).
Thiên Chúa như đại dương bao la. Còn chúng ta như vũng nước nhỏ bên bờ đại dương. Khi ta rước Chúa vào lòng, ngăn cách giữa ta với Chúa không còn nữa: Ta được tan hòa vào Chúa như ao nước nhỏ tan hòa vào đại dương, nên một với đại dương, được nước đại dương làm cho trong lành.
3. Nhờ Thánh lễ, Chúa Giê-su ban sự sống của Ngài cho ta.
Muốn cho cành nho rừng tiếp nhận được sự sống của cây nho vườn, thì nó phải được tháp nối nên một với cây nho vườn.
Muốn cho một bàn tay bị cắt lìa thân được tiếp nhận sự sống từ thân thể thì bàn tay đó phải được ghép nối vào thân thể, trở nên một với thân thể.
Vậy muốn cho loài người tiếp nhận được Sự Sống của Chúa Giê-su thì phải làm cho họ nên một với Chúa Giê-su.
Khi rước Mình Máu Chúa Giê-su, chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giê-su, như bàn tay nối liền cơ thể. Nhờ đó, Sự Sống đời đời của Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su sẽ được thông ban cho ta, tựa như sự sống của thân mình chuyển thông cho bàn tay. Nhờ đó, chúng ta được mang lấy Sự Sống đời đời của Thiên Chúa nơi thân mình chúng ta, như lời Chúa Giê-su xác nhận: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời” (Ga 6,54)
Như thế, khi hiệp dâng Thánh lễ sốt sắng và trọn vẹn, chúng ta được hưởng cùng một lúc ba hồng ân vô giá:
- Được xóa bỏ tội lỗi;
- Được kết hợp nên một với Chúa Giê-su
- Và được tiếp nhận Sự Sống đời đời do Chúa thông ban.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa phải trả giá rất đắt, trả giá bằng cả cuộc đời và sinh mạng của Chúa để đem lại cho chúng con những ân huệ quá đỗi tuyệt vời này. Lẽ nào chúng con lại ngoảnh mặt quay lưng hay tỏ ra thờ ơ hững hờ với những hồng ân cao vời như thế?
Xin cho chúng con sớm nhận ra hồng ân vô giá nầy để ngày ngày siêng năng tham dự Thánh lễ để tận hưởng những ân huệ lớn lao. Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
[1] Ê-dê-ki-ên 18,20. Rm 5,12. Rm 6,23. Giacôbê 1,15 ===============
Suy niệm 3 TỪ MANNA ĐẾN THÁNH THỂ (Ga 6, 51-59) 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo hội cử hành lễ kính Mình Máu Thánh Chúa hay còn gọi là lễ của Chúa vào ngày thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi. Sau lễ có cuộc rước kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa vừa truyền phép, đặt trong mặt nhật ra khỏi nhà thờ, đi trên đường trải thảm, có các em rắc hoa, bình hương nghi ngút, để loan truyền cho mọi người biết rằng: Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới.
Khởi đi từ nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể của một nhà thần học và cũng là giám mục có tên Bérenger (988-1088) ở thành phố Tours, nước Pháp, gây ra xì-căng-đan lớn trong Giáo Hội. Để khẳng định niềm tin, người ta bắt đầu trưng bày Mình Thánh trong mặt nhật đặt trên bàn thờ ngay sau Thánh lễ, hoặc ở một nơi dễ thấy và thắp sáng một cây đèn để bên cạnh.
Trong một thị kiến, nữ tu Juliena de Mont-Cornillon được Chúa cho biết, hàng năm phải cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa và tôn sùng Mình Máu Thánh Chúa trên bàn thờ. Vì thế, lễ này được cử hành lần đầu tiên tại Liège vào năm 1247. Đến ngày 11 tháng 8 năm năm 1264, Đức Giáo hoàng Urbainô IV thiết lập và truyền phải cử hành trọng thể việc tôn sùng Bí tích Mình Thánh.
Manna của ăn trong sa mạc
Lời ông Môi-sen trong sách Đệ Nhị Luật cho chúng ta thấy, manna của ăn mà Thiên Chúa ban cho dân trong sa mạc, họ ăn bánh ấy cho đỡ cái đói đời sống tạm bợ này. Vì: “Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Đnl 8,3). Môi-sen cũng nói cho họ biết: “Thiên Chúa sẽ ban cho các người của ăn mà các ngươi và cha ông các người chưa từng biết tới” (x.Đnl 8, 2-3.14b-16). Bánh ấy chính là Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Thể thần lương vượt thế trần
Đức tin Kitô giáo dạy rằng, con người có xác có hồn, có đời này và đời sau. Vì thế, ngoài sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc ở đời tạm thế này, người tín hữu phải đạt được sự sống đời đời mai sau nữa. Nhưng đâu là bí quyết để sống trường sinh là một câu hỏi lớn? Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một bí quyết: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời" (Ga 6, 51).
Nếu chúng ta muốn sống đời đời, thì hãy đến ăn bánh Giêsu, đây là cơ hội tốt để có được mầm sống ấy. Hãy đến gặp Chúa Giêsu và đón nhận Người, bởi chính Người: "Là Bánh Hằng Sống … ai ăn … sẽ được sống đời đời" (Ga 6,51).
Sự sống đời đời, tự chúng ta không thể có được, phải cậy nhờ vào Thiên Chúa là Đấng làm cho sống, là nguồn mạch sự sống. Vì thế, chúng ta thật hạnh phúc khi được mời gọi ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu để được sống đời đời (x.Ga 6, 54). Chính Chúa Giêsu tuyên bố: “Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống” (Ga 6, 52-59).
Chúa Giêsu là bánh bởi trời xuống, Người đến làm no thỏa cái đói, cái khát, nhất là lấp đầy khát vọng lớn nhất của con người mọi nơi mọi thời: “Ta là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời” (Ga 6,59).
Nếu như trong sa mạc xưa kia, Manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, lương thực cứu đói tạm thời, thì nay Mình Máu Thánh Chúa là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức vượt qua trần thế về tới quê trời hưởng phúc vinh quang.
Bởi thế, khi chúng ta tham dự Bàn Tiệc Thánh như thánh Phaolô mô tả là chúng ta thông hiệp với Máu Chúa Kitô và Tấm Bánh mà chúng ta bẻ ra là chúng ta thông phần vào Máu Chúa Kitô, đúng như Chúa nói: "Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy" (Ga 6, 56). Để có của ăn, của uống mang lại sự sống đời đời, cần phải đón rước Mình và Máu Chúa Giêsu.
Rước kiệu Mình Thánh Chúa
Nét đặc biệt lễ của Chúa, lễ Mình và Máu Thánh Chúa là rước kiệu Mình Thánh Thánh Chúa. Trên Bàn thờ Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhờ ơn soi sáng, chúng ta tin thật rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô và Rượu là Máu Chúa Kitô. Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, hiện diện khiêm tốn dưới hình bánh và hình rượu. Câu hỏi lớn được đặt ra là, làm sao Bánh và Rượu lại có thể là Mình Máu Chúa Kitô được?
Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích cần thiết để nuôi dưỡng linh hồn chúng ta, dẫn chúng ta trên đường về với Chúa! Chúng ta phải tin kính, yêu mến và tôn thờ.
Sau lễ, chúng ta kiệu Mình Thánh Chúa vừa được truyền phép ra khỏi nhà thờ, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của kẻ hành hương cùng đi, chúng ta sẽ không cô đơn.
Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là “Mặt Trời”: Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ “mặt nhật”)
Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.
Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.
Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau, nỗi cô đơn, những cám dỗ, lo lắng của chúng ta trong đời sống. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, chúng con mến yêu, tin kính và tôn thờ Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
================= Suy niệm 4
Lương thực nuôi linh hồn
Dnl 8,2-3.14b-16a; 1Cr 10,16-17; Ga 6,51-58
Từ nhỏ tới giờ tôi vẫn được ở sát vách nhà thờ. Đang ngày ngày được đến với “địa chỉ đỏ” nơi nhà chầu, cuộc đời chan chứa niềm vui hạnh phúc. Nhưng khi có một lý do đặc biệt, nên phải chuyển chỗ ở, thành ra tôi phải xa “điểm hẹn” đặc biệt thân thương này, cả tuần mới đến một hai lần khi có Thánh lễ, nghe lòng cứ thấy thiếu thốn đói khát, trống vắng, buồn tênh… Càng xa cách, tôi càng cảm thấu giá trị của thần lương vô cùng cao quý này.
Trong Tin Mừng hôm nay, Người Do Thái nghe Đức Giêsu nói Ngài sẽ lấy bánh là thịt mình để nuôi người thế được sống, họ nghĩ thứ bánh đó như manna tổ tiên đã ăn no nê ngày xưa nhưng vẫn chết, nên bất đồng sôi nổi tranh luận với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52b). Dưới cái nhìn thực tại trần thế, làm sao họ có thể tin và chấp nhận một “ông Giêsu” có thể xẻ thịt cho người ta ăn? Nhưng Đức Giêsu quả quyết: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6,53-56). Dù Ngài khẳng định với bốn chữ “thật”, nhưng lúc ấy họ không chấp nhận, vì chưa tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể. Đường lối Ngài vượt xa tư tưởng nghĩ suy của loài người. “Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 9). Đức Giêsu đã long trọng lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly. Với cặp mắt đức tin của người Kitô, Mình Máu Ngài thực sự trở thành của ăn của uống dưỡng nuôi linh hồn các tín hữu. Khi ăn Thịt và uống Máu Ngài, “ở lại trong Ngài”, họ được biến đổi, “thay mới tế bào” từ trong ra ngoài, được lớn lên trong đời sống đức tin, được tăng sức trên đường lữ hành trần thế, cuộc đời mãi nở hoa từ nơi “khách sạn bậc nhất” này. Trong Thánh Thể ta được Chúa biến đổi và thực hiện những điều kỳ diệu lạ lùng trong con người hèn mọn.
Chúa ơi! Thịt và Máu Chúa thật là của ăn của uống nuôi sống con từng ngày, của ăn mà càng ăn con càng đói, càng uống con lại càng khao khát hơn. Dẫu con đây muôn ngàn bất xứng, nhưng vì Tình Yêu, Chúa còn khao khát con hơn ngàn lần con khao khát đón nhận. Xin cho con luôn luôn đáp tình Chúa mời gọi, để con đến, ở lại với Chúa, trong Chúa, mà tận hưởng no say nguồn sống từ thần lương cao quý này, để nhờ Mình Máu Chúa bổ dưỡng, con được sống hạnh phúc sung mãn hôm nay và mai sau được sống muôn đời.
Én Nhỏ