Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật 4 Phục Sinh Năm A

Cập nhật lúc 08:08 30/04/2020
Suy niệm 1
Tôi là cửa chuồng chiên
Ac 2, 14a.36-41; 1P2, 20b-25; Ga 10, 1-10
 
Cửa đóng, cửa mở
Do sự lây lan của coronavirus, chúng ta phải ở lại trong nhà hoặc trong phòng vây kín cách ly. Nhưng đó không phải là một sự đơn độc, mà là sự bình đẳng để bảo vệ chúng ta khỏi bị lây lan virus. Cơn virus này như kẻ trộm cướp trong bài Tin mừng hôm nay tìm mọi cách để "trèo vào lối khác"giết hại đàn chiên, giết hại chúng ta. Dù chúng ta có một sự cách ly nào đó, nhưng nhờ sự gần gũi của những tấm lòng hào hiệp và lời cầu nguyện sưởi ấm con tim chúng ta. Một cánh cửa đóng nhưng lại có một cánh cửa mở.
Trong đời sống, chỉ sợ rằng chúng ta đóng cánh cửa tâm hồn chúng ta vì một nguyên nhân nào đó. Hãy để cho Chúa Giêsu đến và Ngài nói với chúng ta: “Tôi là cửa, ai qua Tôi mà vào, thì sẽ được cứu độ, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân”. Chúa Giêsu là Cửa và cũng là Đường dẫn chúng ta đến sự sống, đến tự do....
Chúng ta hãy nhớ lại:
- Lần đầu tiên, khi một số môn đệ muốn theo Chúa Giêsu, Ngài chỉ cho họ nơi Ngài sống và mở của cho họ, Ngài nói: “Hãy đến mà xem” ; sau đó họ ở lại với Ngài.  Khi đi vào nhà thân mật của Chúa, họ luôn nhận ra Ngài qua giọng nói của Ngài. Các chiên của Ngài sẽ được Ngài bảo vệ khỏi nhiều mối đe dọa từ bên trong hoặc bên ngoài.
- Và sau khi Chúa Giêsu nói về Bánh Hằng sống, đám đông dân chúng và một số môn đệ bỏ đi, Chúa hỏi số môn đệ còn lại: “Chúng con có muốn bỏ đi không”? Phêro đại diện nhóm trả lời: “Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai, vì Thầy có những lời ban sự sống đời đời”.
Vào thời điểm sau dịch bệnh, bắt đầu xuất hiện một chân trời khủng hoảng hoặc thiếu hụt, chúng ta hãy đón nhận trong hy vọng vào câu cuối của bài tin mừng hôm nay: “Tôi đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.
Nhìn lại đời sống quá khứ cũng như hiện tại, chúng ta đã làm gì với của cải và những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta? 
- Chúng ta vừa cùng với ca đoàn hát bài đáp ca: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nưới, cỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi. Tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng…Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn vì Chúa ở cùng tôi…Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi”.
- Chẳng có gì bị mất cả, vì Chúa Thánh Thần sẽ được ban cho chúng ta trong ngày lễ Ngũ Tuần. Chúng ta biết cách nhận ra những ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho toàn thể nhân loại và trái đất này. Bài đọc I lặp lại sự phong phú đó được thể hiện cách đầy đủ vào thời kỳ đầu Giáo hội: đó là một thế giới mới được sinh ra. Chúng ta hôm nay cũng có thể đón nhận được sự phong phú của các ân sủng đó!
Chúa Giêsu mục tử, cánh cửa luôn mở.
Để không bỏ lỡ một khởi đầu mới sau cơn đại dịch này,  chúng ta hãy xem Chúa Giê-su quở trách những người Pha-ri-sieu và một số tín hữu được coi là đạo đức như thế nào. Họ đóng hoặc mở cửa với hành vi người làm thuê. Có nghĩa là họ chỉ lo cho chính họ hơn là lo cho đàn chiên mà Chúa Giêsu, là vị mục tử tốt lành đã trao phó cho. Chúa Giêsu là Mục tử đích thực duy nhất có thể dẫn chúng ta đến sự phong phú của đồng cỏ. 
Trong bài đọc thứ hai, thánh Phêro cho chúng ta biết Chúa Kitô là mục tử đích thực như thế nào: “Chúa Kitô  đã chịu đau khổ vì chúng ta và để lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Đấng không hề phạm tội và nơi miệng Người không thấy điều gian trá”.
Mỗi khi phạm tội hoặc những thử thách trong đời sống làm chúng ta bối rối, chúng ta trở lại với Chúa Kitô hiện diện trên Thập giá vì chúng ta. Chúng ta đừng sợ kết hợp những đau khổ của chúng ta với đau khổ của Ngài trong cùng một tình yêu của Ngài hướng về Chúa Cha và tất cả anh em chúng ta. Nhìn lên thập giá sẽ là niềm an ủi lớn nhất cho chúng ta:  “Xưa kia anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Đấng canh giữ linh hồn anh em”. Trong mọi cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Kito, Ngài gọi tên từng người một và chúng ta nhận ra tiếng nói của Ngài. Hãy để Ngài vượt qua biên giới của con tim chúng ta. Chính Ngài đứng trước cửa nhà tâm hồn chúng ta và Ngài nói: “Tôi gõ cửa; nếu ai đó mở ra, chúng ta vào nhà người đó và chúng ta chia sẻ bữa ăn với người đó”.
Bí tích Thánh Thể:
Trong thời khắc dich corona, đức tin người kito chúng ta vẫn mạnh mẽ, thể hiện qua việc tham dự Thánh Lễ, nhất là Thánh Lễ Chủ nhật và Tam Nhật vượt qua, dù là trực tuyến. Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy khám phá ra rằng chúng ta, cá nhân cũng như tập thể, được Chúa Kito đón nhận để trở thành một cộng đoàn. Về điều này, chúng ta rất vui khi thấy được gần gũi với các linh mục, là những người dùng đủ mọi cách thế hiện Chúa Kito Tôi Tớ ở giữa chúng ta, đặc biệt trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể vừa là con đường vừa là “đồng cỏ tươi”, nơi mà mỗi con chiên, mỗi người chúng ta có thể tìm được sự bình an và được nuôi dưỡng để tiến xa hơn trên chặng đường đức tin.
Khi vừa mới thoát khỏi thử thách khủng khiếp của đại dịch, chúng ta cảm thấy mình được an ủi bởi những lời này của thánh Phêro: “Xưa kia anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Đấng canh giữ linh hồn anh em”… Chúa Kito, vị mục tử đích thực cũng yêu cầu chúng ta làm chứng nhân cho Ngài để với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, mọi người có thể nhận ra tiếng của Ngài!: “Con chiên Tôi, thì nghe tiếng Tôi”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Có một tương quan thật lạ lùng
(Ga 10, 1-10)
Khi giới thiệu một nhân vật quan trọng cho công chúng thì người ta sẽ nêu lên tước vị, vai trò hay học vị cao nhất của người đó để cho mọi người nể trọng, chẳng hạn: Đây là ngài tổng thống… Đây là giáo sư tiến sĩ… Đây là khoa học gia nổi tiếng…
Thế mà qua đoạn Tin mừng được trích đọc hôm nay, Chúa Giê-su tự giới thiệu Ngài bằng một danh hiệu thật lạ kỳ và đáng kinh ngạc. Ngài nói: “Tôi là cửa chuồng chiên!” (Ga 10,7).
Vì sao Chúa Giê-su lại tự giới thiệu mình với một vai trò quá đỗi tầm thường như thế?
Xưa kia, tại Do-thái, để canh giữ đoàn chiên ban đêm, người chăn chọn một bãi đất trống ngoài đồng rồi rào dậu chung quanh, chỉ chừa một lối hẹp cho chiên ra vào mà không có cửa. Ban đêm, sau khi đã lùa chiên vào ràn, người chăn nằm ngay lối ra vào chật hẹp đó thay cho cánh cửa. Thế là chiên bên trong không thể ra bên ngoài được vì đã có người chăn chặn lối, kẻ trộm bên ngoài cũng không vào trong ràn bắt chiên được vì người chăn đã chắn lối đi. Như thế, người chăn trở thành một “cánh cửa sống” bảo vệ an toàn cho đoàn chiên.
Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su tự xưng mình là “cửa chuồng chiên” như thế đó.
Thân thế của Chúa Giê-su
Chúa Giê-su, Đấng xưng mình là người chăn chiên, là cửa chuồng chiên… lại có thân thế rất diệu kỳ.
Ngài chính là Ngôi Lời, tức là Thiên Chúa ngôi hai, đã hiện hữu từ lúc vũ trụ chưa được tác thành, như Tin mừng Gioan cho biết: “Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời… Ngôi Lời là Thiên Chúa.”
Ngài cũng chính là Đấng tạo dựng nên vũ trụ càn khôn: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1, 1-3).
Thế mà, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Ngài cư ngụ giữa chúng ta để làm gì?
- Để chia vui với người vui như Ngài đã tham dự tiệc cưới tại Ca-na và làm phép lạ đầu tay cho nước hóa nên nhiều rượu ngon cho mọi người vui hưởng;
- Để khóc với người khóc như Ngài đã khóc thương trước mồ La-da-rô khi thấy cô Maria nức nở khóc thương em mình đã chết;
- Để cảm thông với vô vàn đau đớn, khốn khổ của nhân loại, của những người bệnh hoạn tật nguyền… Vì thế, Ngài đã làm cho người mù được thấy, người què được đi, người câm được nói, người phong hủi được lành sạch…
Thế là Ngài đã tạo nên một tương quan rất đặc biệt, rất độc đáo với con người.
Tương quan đó thế nào?
- Ngài là Đấng Tạo hóa, đã dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ bao la vô biên vô tận, so với Ngài, con người chẳng là gì cả. Vậy mà Ngài vẫn trân trọng chúng ta, yêu quý chúng ta, quan tâm chăm sóc từng người chúng ta.
- Ngài là Chúa tể trời đất, là vua hoàn vũ cao sang phép tắc, quyền năng vô lượng, còn chúng ta chỉ là thần dân nhỏ bé; nhưng Ngài vẫn quý mến chúng ta, không xem chúng ta như người dân đen vô danh tiểu tốt.
Vậy thì tương quan giữa Ngài với chúng ta như thế nào?
Thưa, đó là tương quan bạn bè! Ngài trở nên bạn hữu của chúng ta, Ngài thân ái gọi chúng ta là bạn, như lời Ngài nói:  “Thầy không gọi các con là tôi tớ… nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu…” (Ga 15,15).
Và qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su xác lập thêm một tương quan mới giữa Ngài với chúng ta, đó là tương quan giữa người chăn và đoàn chiên. Như người chăn chiên tốt, Ngài thấu hiểu từng con chiên một, gọi đích danh từng con trong đoàn, Ngài đi trước dẫn chiên theo sau và sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đoàn chiên.
Và đặc biệt hơn nữa, Ngài tự ví mình như cánh cửa chuồng chiên.
- Cánh cửa này đóng lại vào ban đêm để bảo vệ chiên khỏi tay trộm cướp, khỏi nanh vuốt của thú rừng;
- Cánh cửa này mở ra vào ban ngày để đưa chiên đến đồng cỏ xanh, đến nguồn suối mát… vì mục đích Ngài đến trần gian là “để cho chiên Ngài được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa hạ mình xuống thật thấp để nâng chúng con lên thật cao; Chúa chấp nhận làm người để nâng loài người lên hàng con Thiên Chúa; Chúa tự xóa mình đi, gác bỏ vinh quang, quyền lực qua một bên để hóa thân làm người phàm yếu đuối, để đồng cam cộng khổ với chúng con, để nên bạn bè thân thiết, chia vui sẻ buồn với chúng con và thậm chí còn trở thành cánh cửa chuồng chiên để che chắn, bảo vệ chúng con là đoàn chiên của Chúa.
Xin cho chúng con hiểu cho thấu tình thương sâu đậm Chúa dành cho chúng con và sống sao cho xứng với tình yêu đó.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Suy niệm 3
Tin tưởng và can đảm đáp lại tiếng Chúa gọi mời
(Ga 10, 1-10)
Chúa nhật thứ IV Phục Sinh, Chúa nhật Chúa Chiên Lành. Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Vị Mục Tử Tối Cao đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, đồng thời cầu nguyện cho những người đã được Chúa gọi để nhân Danh Chúa chăn dắt đàn chiên Chúa. Chúng ta cũng không quên cầu nguyện cho có nhiều người trẻ quảng đại dâng mình cho Chúa.
Chúa là mục tử
Hình ảnh người “Mục tử” hay người chăn chiên là một hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của thời du mục vùng Trung Đông, được dùng để diễn tả mối tương quan thân mật dễ mến dễ thương giữa Thiên Chúa với dân.
Cựu Ước thường gọi Chúa là mục tử, còn dân Chúa là chiên (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v...). Chúa không những là Đấng dẫn dắt dân, tìm kiếm những người tội lỗi, chữa lành những kẻ bị thương lòng, mà còn là Đấng lấy mạng sống mình để bảo vệ dân, trao ban sự sống cho dân. "Đức Chúa phán: Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm. Chiên tản mác, Ta sẽ lùa về. Chiên xây xát, Ta sẽ băng bó. Chiên bệnh hoạn, Ta sẽ bổ sức " (Ez 34, 16). Những người được chọn để lãnh đạo dân Chúa như Abraham, Môisen, Đavít đều là những người chăn chiên.
Chúa chăm sóc chiên Chúa như thế nào? "Như người mục tử chăm nom đàn chiên của mình vào ngày nó ở giữa chiên phiêu bạt thế nào, cũng vậy Ta sẽ chăm nom chiên của Ta. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi nơi chúng tán loại, vào ngày mây mù đen tối. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân. Ta sẽ thâu họp chúng lại từ các xứ. Ta sẽ dẫn chúng về lại thửa đất của chúng. Và Ta sẽ chăn nuôi chúng trên núi Israel " (Ez 34, 13-14).
Chúa tập hợp những con chiên yếu kém không thể đi được ; vác chúng trên vai, ôm chúng vào lòng ; như người mẹ bồng ẵm con thơ. Chúa cũng muốn những người nhân danh Chúa chăm sóc đoàn chiên, noi gương Chúa chăm sóc dân Chúa: "Như mục tử, Người chăn đàn chiên của Người, cánh tay Người thâu họp chúng lại; Người bồng chiên con và dìu đi cừu mẹ nuôi con" (Is 40,11). Mục tử nào không làm tròn trách nhiệm, Chúa sẽ quở trách và đòi lại chiên.
"Đức Chúa phán thế này: Này Ta chống lại các mục tử, Ta sẽ đòi lại chiên Ta nơi tay chúng " (Ez 34, 10). Hỏi các mục tử đã làm gì để Thiên Chúa nổi giận và đòi lại chiên vậy? Qua miệng ngôn sứ Ezêkiel, Thiên Chúa còn nói mạnh hơn nữa: "Ta sẽ không để chúng chăn chiên Ta nữa. Các mục tử sẽ không còn được chăn nuôi lấy mình chúng nữa. Ta sẽ giựt lấy chiên khỏi mõm chúng, khiến chiên Ta không còn là mồi ngon cho chúng ăn thịt nữa " (Ez 34, 10). À thì ra, các mục tử chỉ để ý đến lợi ích của mình, không dám xả thân để cứu chiên, nay Chúa đòi lại chiên và Ngài tuyên bố: "Chính Ta sẽ tìm kiếm chiên của Ta, và Ta sẽ chăm nom đến chúng " (Ez 34, 10).
Mục tử Giêsu thí mạng sống vì chiên
Hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành được người ta khắc vẽ với vẻ dịu dàng, trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, ôm chúng vào lòng, đưa chiên về với đàn của chúng thật là đẹp. Quả thật, Chúa Giêsu Mục Tử đã yêu thương loài người, tức chiên bằng một tình yêu thí mạng, chết cho đoàn chiên. Người nuôi dưỡng chúng ta bằng những Lời Hằng Sống, bằng chính thịt máu mình nơi Bí tích Mình Thánh. Người giang cánh ta trên thập giá để thâu họp "con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một" (Ga 11,52). Nguy hiểm, Người không chạy trốn như lính đánh thuê, Người chết, nhưng cái chết của Người toàn thắng để cho chiên được sống đời đời.
Cầu cho các mục tử
Chúa Giêsu muốn các tông đồ và con người ở mọi thời tiếp bước theo Chúa trong đời thánh hiến, đến lượt mình, cũng xả thân bảo vệ đàn chiên, đưa các con chiên lạc trở về. Chúa mong ước các mục tử với ơn Chúa trợ giúp sẽ hoàn thành trách nhiệm dẫn dắt đoàn chiên đến đồng cỏ Nước Trời.
Chúa nhật này, chúng ta hãy cầu nguyện cho các mục tử thân yêu : nâng đỡ, cám ơn và khuyến khích các ngài ! Cầu cho Giáo hội Việt Nam có thêm nhiều linh mục lành thánh. Ý chỉ này cũng thật khẩn thiết cho Giáo hội hoàn vũ.
Chúng ta hướng về các y bác sĩ, nhất là các linh mục của Chúa tại Ý và nhiều nơi trên thế giới đã qua đời vì đàn chiên của mình. Ý thức mình là những người đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, dấu chỉ sự gần gũi của Chúa, hành động trong cương vị của Chúa, nhiều linh mục đang chạy đua trên tuyến đầu chống dịch Covid 19. Sự hiện diện của các ngài xoa dịu nỗi đau, an ủi và chữa lành nhiều tâm hồn. Vì thế, hơn bao giờ hết, các linh lục là những người cùng với các y bác sĩ chữa lành cho những ai nhiễm phải con virus này.  Xin cầu nguyện thật nhiều cho các ngài.
Cầu cho ơn thiên triệu
Chủ đề ngày thế giới cầu cho ơn kêu gọi năm nay là: "Những lời của ơn gọi ". Đức Phanxicô lấy lại 4 từ: đau khổ, biết ơn, can đảm và ngợi khen trong thư gửi các linh mục ngày 04 tháng 8 năm 2019, năm 2019, nhân kỷ niệm 160 năm ngày mất của Thánh Gioan Vianney. lấy lại 4 từ : đau khổ, biết ơn, can đảm và ngợi khen.
Trên hết, mọi ơn gọi đều phát sinh từ ánh mắt yêu thương mà Chúa đối với con người; vì phát xuất từ trên cao, nên ơn gọi cũng là lời đáp trả trước tiếng gọi cao vời của Chúa, chúng ta phải biết ơn Chúa.
Chọn lựa nào cũng có khó khăn. Ơn gọi cũng thế, chúng ta phải can đảm vượt qua, Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Thầy đây, đừng sợ!” Chúa cũng nói với chúng ta : “Can đảm lên! Đừng sợ!”
Trên hành trình theo Chúa, phiền muộn, đôi lúc làm ta không thể nhận ra vẻ đẹp của ơn gọi . Lo lắng quá về trách nhiệm khiến chúng ta thấy mệt mỏi trên hành trình ơn gọiChúa gọi ai thì trao nhiệm vụ cho người ấy; cố gắng hoàn thành là dĩ nhiên. Nhưng nếu để mình bị ám ảnh bởi những trách nhiệm, người ta sẽ không nhận ra sự hiện diện, đồng hành và ánh mắt nhân từ của Chúa.
Để vượt qua sự mệt mỏi, sợ hãi, cô đơn, sự bất an và lo lắng… cần phải tin tưởng rằng, Chúa sẽ đưa tay cứu giúp. Có Chúa trong hành trình ơn gọi, chúng ta sẽ bình an. Chúa luôn động viên ta: “Cứ yên tâm, đừng sợ!” Chúa ban cho chúng ta sự nhiệt huyết với niềm vui và lòng hăng say để sống ơn gọi của mình.
Lời cuối của sứ điệp, Đức Thánh Cha  mời gọi chúng ta noi gương Mẹ Maria cất lời ngợi khen Chúa với lòng biết ơn, biến đời ta thành một bài ca tán tạ hồng ân Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp người trẻ chúng con biết thưa xin vâng với Chúa như Mẹ để làm môn đệ Chúa. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

====================
Suy niệm 4
TÔI LÀ CỬA

Cv 2,14a.36-41; 1Pr 2,20b-25; Ga 10,1-10
Đức Giêsu kể dụ ngôn với người Do Thái cho họ hiểu ai là mục tử đích thực, ai là kẻ trộm, kẻ cướp: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” (Ga 10,1-5). Đức Giêsu chính là Mục Tử nhân lành mà đàn chiên yêu mến và luôn “theo sau”, là chính Mục Tử mà chiên “nghiện” và bám riết lấy Ngài chứ không chịu theo người lạ. Ngài “biết” rõ chiên của Ngài từng con một. Chiên nào ốm yếu bệnh hoạn tật nguyền ra sao, chiên nào dễ thương ngoan ngoãn, chiên nào đã từng lầm lỡ quay lưng, được “vác” trên vai trở về… Ngài yêu hết, cưng hết dù cách chăm sóc có khác nhau tùy hoàn cảnh khác biệt. “Anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra”. Còn lũ chiên ngoan thì nghe tiếng Ngài, nhận biết được tiếng của Ngài, hiểu ý Ngài, Ngài khẽ gọi hay ra dấu hiệu nhỏ là chúng biết ngay và quay ngoắt chạy theo.
Họ không hiểu dụ ngôn trên nên Người lại nói: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu”. (Ga 10,9a). Cửa là lối để đi vào bên trong. Ai muốn vào bên trong mà tận hưởng thì phải qua Cửa là chính Đức Giêsu. Cánh cửa của Ơn Cứu Độ luôn sẵn sàng mở ra cho bất cứ ai tin yêu, mê say mà tự nguyện “chui” vào. Vào đây để được ăn gì hay bị nhốt nhỉ? Không, “Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ.” (Ga 10,9b). Chiên mà gặp “đồng cỏ” thì tha hồ ăn no say thỏa thích. “Đồng cỏ” tươi là chính Máu Thịt của Chủ, ăn mãi mà không chán, không hết. Càng ăn càng “khỏe mạnh” và “lớn” lên mãi, “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. (Ga 10,10b). Vị Mục Tử Giêsu đã hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, Ngài đã chấp nhận cái chết vô cùng bi thương trên Thập Giá để mở ra Cánh Cửa Cứu Độ con người. Trong Ngài những ai tin và sống đức tin thực sự sẽ được hạnh phúc sung mãn tràn đầy. Vì yêu thương Ngài đến để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, quy tụ thành một đoàn chiên duy nhất.
Chúa Chiên ơi! xin giữ con trong Bàn Tay Yêu Thương của Ngài. “Ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi”. Dù con có bệnh hoạn làm sao hay chạy lăng xăng sai lối xin Ngài chữa lành, uốn nắn và dắt con về, về bình an bên “ngàn suối mát” của Ngài. Thành con chiên ngoan hiền, con sẽ ra vào trong Cánh Cửa Tình Yêu của Ngài, con vào đó tha hồ mà múc vợi ăn uống thỏa thuê, từ Ngài con lại mang ra phân phát cho anh em mọi ân huệ, để “cả nhà ta cùng thương yêu nhau” hạnh phúc Chúa nhé! “Đồng là  đồng cỏ tươi, Chúa  chăn cho tôi nghỉ ngơi. Suối ngọt cỏ non xanh rì. Tôi nay còn thiếu thốn chi? vui thay mà cũng phúc thay!”                                                                          
Én Nhỏ
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log