Thứ bảy, 28/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Cập nhật lúc 08:37 28/05/2020
Suy niệm 1
Công bố những kỳ công của Thiên Chúa
 
Năm mươi ngày sau lễ Phục Snh, hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Suốt trong thời gian này,
- Chúng ta mừng Chúa Kito sống lại, chiến thắng tử thần và tội lỗi. Ngài mở ra cho chúng ta một cuộc vượt qua vào thế giới mới mà Ngài gọi là Triều đại Thiên Chúa.
- Ngày lễ Chúa lên trời, Ngài hiện ra lần cuối cùng cho các tông đồ. Sách Tông đồ Công vụ nói: “Người được cất lên ngay trước mặt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa”.
Các ông không còn thấy Chúa nữa, nhưng Chúa không để mặc các ông mồ côi: Ngài báo cho họ biết họ sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Điều đó đã xẩy ra vào ngày lễ Ngũ Tuần.
- Ngày hôm đó có nhiều người tới Giêrusalem để mừng lễ.
- Nhưng trong ngày lễ đó, có điều bất ngờ xẩy đến. Thánh Luca mô tả: “bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.”. Đó là ân huệ của Chúa Thánh Thần.
Lúc này, mọi sự thay đổi hoàn toàn trong con tim các tông đồ. Họ không còn sợ hãi nữa. Họ mạnh dạn công bố những việc lạ lùng của Thiên Chúa cho mọi người và cho cả những người đã lên án tử hình Chúa. Việc lạ lùng đầu tiên mà họ công bố đó là Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại.
Và điều lạ lùng nữa là nhiều người ở những miền khác nhau, nói tiếng khác nhau, nhưng đều nghe được những lời các tông đồ rao giảng như tiếng mẹ đẻ. Điều đó muốn nói lên rằng Tin mừng phải đến hết mọi người không phân biệt quốc gia nào trên thế giới. Chính Chúa Thánh Thần được ban cho họ để họ thi hành sứ mệnh này.
Nhưng để tiếp tục tiến bước trong sứ mệnh này, cần phải nhìn lại một số điều cần thiết trong toàn bộ đời sống kito hữu. Thánh Phao-lô trong bài đọc II đã nói với các tín hữu đang chia rẽ. Ngài nhắc lại cho họ biết rằng vai trò của Chúa Thánh Thần ở bên trong cộng đoàn. Mỗi người đều có một đặc sủng. Nhưng không ai được cho mình là cao hơn người khác. Nô lệ hay tự do không cần xét đến. Trong Giáo hội của Chúa Kito, chúng ta cũng đừng nên nghĩ đến những từ ngữ phẩm trật, thăng tiến và vinh quang nữa. Từ nay chỉ một điều quan trọng hơn cả, chính là Phép Rửa của mỗi người chúng ta trong Chúa Thánh Thần.
Vai trò của Chúa Thánh Thần dẫn đưa chúng ta tới sự thật toàn vẹn. Chúa Thánh Thần nhắc lại những điều mà Giêsu đã mặc khải cho chúng ta về Thiên Chúa đích thực, Thiên Chúa Tình Yêu. Sống ngày lễ Chúa Thánh Thần là đón nhận ơn huệ của Thiên Chúa và hãy để cho Tình Yêu của Ngài thấm nhuần vào tâm hồn chúng ta. Để được như vậy chúng ta phải có tâm hồn nghèo khó luôn mở ra cho Thiên Chúa và cho người khác.
Trở lại bài Tin mừng, chúng ta thấy các môn đệ vẫn sống trong tình trạng sợ nguy hiểm. Họ đóng kín cửa trong một căn phòng. Nỗi sợ của họ đôi khi cũng là nỗi sợ của chúng ta. Trong một thế giới mà nhiều người thờ ơ và dửng dưng với kito giáo, cũng có một điều gì đó lo lắng và sợ sệt. Nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng sống co cụm vào chính mình, họ lập luận rằng cứ sống tốt là đủ cần gì phải đi nhà thờ. Chiều ngày Chúa Phục Sinh, Chúa đã hiện ra với các môn đệ, chắc chắn Chúa cũng đến với họ nơi họ đang ở. Lời đầu tiên Chúa không khiển trách họ, nhưng là lời cầu chúc bình an. Chỉ có Chúa, chúng ta mới tìm lại được sự vui mừng và bình an đích thực.
Mặc dù chúng ta còn yếu đuối và nghi ngờ, Chúa sống lại tiếp tục làm cho chúng ta tin tưởng vào Ngài: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Lời nói này gửi tới các môn đệ cũng là gửi tới chúng ta. Chúa cậy dựa vào mỗi chúng ta để loan báo sứ điệp Tin mừng. Chính vì vậy mà Ngài gửi Thánh Thần đến cho chúng ta.
Loan báo Tin mừng không phải là lặp lại một sứ điệp mà chúng ta đã học thuộc lòng. Chúng ta đang sống trong một thế giới có quá nhiều thay đổi. Chúng ta phải biết điều gì là cần thiết để sống. Trong suốt dòng lịch sử của Giáo hội, đã có nhiều công đồng và Thượng Hội đồng giám Mục nói về việc truyền giáo. Giáo phận và giáo xứ chúng ta cũng phải truyền giáo. Vấn đề truyền giáo không phải là theo các trào lưu tư tưởng của thế giới cho hợp thời đại, nhưng là điều chỉnh thế giới chúng ta phù hợp với Thiên Chúa, Đấng cứu độ mọi người. Chúa Kito sống lại muốn chúng ta yêu mến như Ngài.
Noi gương các tông đồ, Giáo Hội được mời gọi công bố sự bình an và tha thứ. Bình an ở đây không có nghĩa là không có xung đột, nhưng là bình an nội tâm, là lòng thương xót, là chính Thiên Chúa. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, đó là ngày lễ Chúa Thánh Thần đến chiếu sáng đêm tối của chúng ta. Hãy cầu xin Ngài luôn ở với chúng ta, xin Ngài giúp chúng ta nhiệt tình loan báo Tin mừng mà không còn sợ sệt gì!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
======================
Suy niệm 2
Kiệt tác của Chúa Thánh Thần
Muốn tìm hiểu một nhà văn, người ta cần đọc các tác phẩm của nhà văn đó; muốn biết rõ tài nghệ một kiến trúc sư, người ta cần nhìn xem công trình xây dựng của ông ta. Tương tự như thế, muốn hiểu thêm về Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy nhìn xem kiệt tác của Ngài là thánh Phao-lô.
Phao-lô tàn phá Hội Thánh  
Ban đầu, Phao-lô là một thanh niên nhiệt thành trong đạo Do Thái. Anh có ác cảm với Chúa Giê-su và môn đệ của Ngài. Thế là anh tìm mọi cách bắt bớ những người theo Chúa Giê-su và rắp tâm tiêu diệt Hội thánh non trẻ của Ngài bằng mọi giá (Gal 1,13).
“Anh đến gặp các thượng tế, xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Đa-mát, để nếu thấy người nào theo Đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về Giê-ru-sa-lem” để trừng trị (Cv 9,1-2).
Phao-lô xây dựng Hội Thánh
Thế rồi, sau biến cố ngã ngựa trên đường vào thành Đa-mát để bắt bớ các Ki-tô hữu, Phao-lô đột nhiên chuyển hướng 180 độ và đổi đời cách lạ lùng. Từ một người “hằm hằm đe dọa giết các môn đệ Chúa[1]”, Phao-lô trở nên người hăng say, nhiệt thành, dốc hết tâm lực xây dựng Hội thánh Chúa bất chấp gian khổ, đói khát, ngục tù xiềng xích và cái chết. Ngài viết về đời tông đồ của mình như sau:
Trong công cuộc loan báo Tin mừng, tôi đã vượt lên những người khác, “hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn và bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do-thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ, vì phải thực hiện nhiều cuộc hành trình, gặp bao nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em. Tôi còn phải vất vả mệt nhọc, thường phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng. Ngoài ra, nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội thánh! Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2C 11, 23- 29).
Và khi từ giã các vị kỳ mục trong giáo đoàn Ê-phê-sô để lên Giê-ru-sa-lem, thánh Phao-lô nói với các ông rằng: “Giờ đây, do Thánh thần thúc đẩy, tôi đi Giê-ru-sa-lem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó… Khi tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi. Nhưng mạng sống tôi, tôi coi thật chẳng đáng giá gì, miễn sao tôi chạy cho hết chặng đường, chu toàn nhiệm vụ tôi đã nhận từ Chúa Giê-su, là long trọng làm chứng cho Tin mừng về ân sủng của Thiên Chúa” (Cv 20, 22-24).
Như thế, thánh Phao-lô vui lòng chịu đựng tất cả mọi gian lao khốn khó và sẵn sàng chịu chết, miễn sao hoàn thành sứ mạng cao quý mà Chúa Giê-su đã giao phó cho ngài.
Đến đây, một câu hỏi lớn chợt đến với chúng ta: Bởi đâu một thanh niên trước đây căm ghét đạo thánh Chúa, bắt bớ các tín hữu, rắp tâm tiêu diệt Đạo Chúa cho bằng được… bỗng dưng lại trở thành một tông đồ hăng say, nhiệt thành, sẵn sàng hy sinh mạng sống và dốc hết tâm lực để xây dựng Hội thánh mà trước đây anh quyết tâm đạp đổ?
Thánh Phao-lô cho ta câu trả lời chính xác: Nhờ Chúa Thánh Thần.
Chính Chúa Thánh Thần soi sáng dạy dỗ cho Phao-lô am hiểu tường tận giáo lý Chúa Giê-su, đã tuyển chọn thánh Phao-lô và Barnaba làm tông đồ cho dân ngoại, đã bắt buộc Phao-lô lên Giê-ru-sa-lem chịu nhiều khốn khổ để làm chứng cho Chúa Giê-su[2], đã ban sức mạnh và lòng nhiệt thành cho Phao-lô để sống chết vì Chúa Giê-su.
Như thế, ta có thể quả quyết rằng: Thánh Phao-lô là “kiệt tác” của Chúa Thánh Thần.
Nhìn vào “tác phẩm” tuyệt vời này, ta biết Chúa Thánh Thần luôn hoạt động mạnh mẽ trong Giáo hội, đã đào tạo một tên đồ tể giết hại tín  hữu Chúa trở nên một tông đồ nhiệt thành, dốc hết tài năng, trí tuệ và tâm huyết của mình để phụng sự Hội thánh Chúa Ki-tô.
Ngoài ra, Chúa Thánh Thần còn tác động nhiều cách khác nhau để giúp cho nhận loại nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần,
Chúa đã đào tạo hung thần Phao-lô, người bắt đạo năm xưa, trở nên vị tông đồ số một, thì xin Chúa cũng đoái nhìn đến chúng con và đào tạo chúng con nên những tông đồ nhiệt thành trong xã hội hôm nay, để chúng con nối gót thánh Phao-lô, không ngại gian nguy khó nhọc, kiên tâm bền chí giới thiệu Chúa cho bao người chung quanh. Amen.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
======================
Suy niệm 3
“Đấng Phù Trợ”
Theo cha Carôlô Hồ Bạc Xái, “Đấng Phù Trợ” là dịch từ chữ hy lạp Parakletos, chỉ một nhân vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị các trong một phiên tòa. Khi nhân vật thế giá đến đứng bên cạnh người bị cáo thì tình hình đổi khác rất nhiều: đối với người bị cáo thì người này bớt sợ và an tâm hơn vì đã có người hỗ trợ tinh thần mình, đồng minh với mình, giúp mình biết trả lời sao cho khéo léo, và khi cần thì đích thân lên tiếng bênh vực mình. Đối với quan tòa thì sự hiện diện của Parakletos bên cạnh bị cáo cũng khiến họ phải nể nang hơn, xét xử khoan hồng hơn.
Thánh Kinh cũng dùng chữ này theo nghĩa rộng, vượt qua khỏi khung cảnh toà án, áp dụng cho nhiều hoàn cảnh khác trong cuộc đời. Thí dụ ngôn sứ Đanien là Parakletos bà Susanna khi bà bị hai ông già dê âm mưu kết án oan; Chúa Giêsu là Parakletos của người phụ nữ ngoại tình khi chị bị lôi ra xử án ném đá vì phạm tội ngoại tình.
Trong Ga 15,26-27, Chúa Giêsu dùng chữ Parakletos để chỉ Chúa Thánh Thần. Các môn đệ của Ngài sẽ bơ vơ giữa thế gian, như những con chiên giữa bầy sói dữ. Thế gian cũng sẽ thù ghét họ, gài bẫy hại họ, làm khó dễ họ, thậm chí còn bắt bớ họ. Nhưng thực ra các môn đệ không bơ vơ vì đã có Chúa Thánh Thần đứng bên cạnh để:
  • Hỗ trợ tinh thần khi họ cảm thấy cô đơn.
  • An ủi họ trong những lúc thua buồn.
  • Che chở họ trong những khi nguy hiểm.
  • Vạch cho họ thấy những cạm bẫy xảo quyệt mà thế gian giăng ra hại họ.
  • Dạy họ cách làm cách nói để khỏi bị thế gian bắt bẻ.
  • Đích thân bênh vực họ.
Và chúng ta đã thấy, Chúa Thánh Thần đã đóng vai trò Parakletos một cách hữu hiệu thế nào đối với các tông đồ khi các ngài sống và hoạt động giữa thế gian.(x. suy niệm Tin mừng thứ tư, tuần 6 Phục sinh).
Trong Tin mừng (Ga 14,13-14), Chúa Giêsu bảo các môn đệ lấy danh của Người mà cầu xin và Người sẽ thực hiện cho. Chính Chúa Giêsu có sáng kiến thỉnh cầu với Chúa Cha ban Đấng Phù Trợ cho họ. Đấng Phù Trợ là ân huệ Chúa Cha ban cho và được gởi đến qua lời thỉnh cầu của Chúa Con. Đấng Phù Trợ, chỉ vai trò trợ giúp hơn là biện hộ (Ga 14,16-17.2615,26). Trong tên gọi “Đấng Phù Trợ khác”, tính từ “khác” chỉ Đấng không phải là Chúa Giêsu. Đấng Phù Trợ được gọi bằng tên khác là Thần Chân lý (Ga 14,17). Ngoài ra, nhờ Ngài và với Ngài, các môn đệ sẽ làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt thế gian (Ga 15,26-27). Họ sẽ không hổ thẹn hay sợ bắt bớ và khốn khổ vì Người. Vậy việc Đấng Phù Trợ ở giữa các môn đệ là để thay thế sự vắng mặt của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu không để những ai thuộc về Ngài phải mồ côi, nhưng sẽ gửi cho họ “Đấng Phù Trợ”, Thánh Thần an ủi, Đấng sẽ dự phần với họ trong các cuộc bách hại (Ga 14,16.26).Chính Thánh Thần hướng dẫn họ, soi sáng cho họ, củng cố họ, để mỗi người có thể bước đi trong cuộc sống, vượt qua cả những nghịch cảnh khó khăn và bách hại, dù trong vui mừng hay sầu buồn, vẫn đi theo con đường của Chúa Giêsu.
Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam; sau sắc dụ cấm đạo của vua Cảnh Thịnh, các cuộc bắt đạo gay gắt khiến cho những người tín hữu ở các vùng Quảng Trị, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa chạy vào rừng núi La Vang để trốn tránh. Đức Mẹ đã hiện ra an ủi, trợ giúp. La Vang đã trở thành trung tâm hành hương của Giáo Hội Việt Nam. Các chỉ dụ cấm đạo dưới thời vua Minh Mạng,
Tự Đức đã phân tán các cộng đoàn Kitô hữu. Họ xuôi vào Nam trốn tránh, đến vùng đất mới, rừng thiêng nước độc. Họ khai khẩn điền địa và lập nên những cộng đoàn mới. Nhờ đó, khi các vị Thừa Sai đến Truyền Giáo, hạt giống Đức Tin được nảy mầm và phát triển nhanh chóng.
Như hạt giống gieo xuống đất và chờ đợi, những cơn mưa đầu mùa tuôn đổ, hạt giống âm thầm đón nhận sức sống, nảy mầm, bén rễ, lớn nhanh. Những cộng đoàn tín hữu đang sống đức tin thầm lặng đã gặp được các chủ chăn nên lớn mạnh và nhiều giáo xứ đã được thành lập. Chỉ trong nhãn giới đức tin, chúng ta mới nhận ra sức tác động mãnh liệt Chúa Thánh Thần. Trong mọi thử thách, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần phù trợ. Trong mọi biến cố đau thương, Giáo Hội luôn có Chúa Thánh Thần an ủi dẫn dắt. Mỗi biến cố xảy đến trong cuộc đời đều là lời mời gọi, lời nhắn nhũ, lời cảnh báo. Đi tìm Thánh Ý Chúa, con người cần biết giải mã các biến cố ấy trong ánh sáng đức tin.
Chúa Giêsu còn căn dặn: "Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con" (Ga 14,26). Khi được Chúa Thánh Thần đổ tràn ơn thiêng trong đời, người tín hữu sẽ yêu mến Chúa, được Chúa Cha và Chúa Giêsu ngự đến trong tâm hồn (Ga 14,21), được Chúa ban sự bình an tuyệt vời, bình an không như thế gian ban tặng (Ga 14,27). Chúa Thánh Thần chính là chìa khoá mở ra cuộc sống mới trong Đức Kitô. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, người tín hữu làm được mọi sự trong ân sủng Đức Kitô. Chúa Thánh Thần giúp người tín hữu sống Tin Mừng, vượt qua các thách đố thời đại như cộng đoàn tín hữu sơ khai đã vượt qua mọi trở ngại để loan báo và mở rộng Nước Chúa.
Khởi đi từ Chúa Thánh Thần, Đấng Phù Trợ, cả một sức sống mới được khai mở và bừng lên trong Giáo hội. Trước ngày lễ Hiện Xuống, các môn đệ co cụm lại trong căn phòng then cài khóa ổ, nhưng một khi đã đón nhận Thánh Thần, các ông không thể sống như cũ được nữa: căn phòng được mở toang và môn đệ can đảm bước tới vùng ngoại biên là những vùng địa lý xa xôi, đem Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người. Đó chính là mùa Hiện Xuống đầu tiên làm nên sức sống mới lạ trong Giáo hội. Lễ Hiện Xuống thường được gọi là “ngày khai sinh của Giáo hội” tựa như lễ quốc khánh của một quốc gia. Chúa Thánh Thần đã làm cho sứ mệnh của Đức Kitô được hoàn thành và thời kỳ Tân Ước được thực hiện. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu, là Đấng ban sự sống, thánh hóa, hướng dẫn, soi sáng, phù trợ, hiệp nhất. Chúa Thánh Thần là ngọn gió thổi các cánh buồm của Giáo hội hướng đến đại dương của “những kênh truyền thông mới” trong thời đại hôm nay.
Chúa Thánh Thần luôn bảo đảm cho sự nguyên vẹn của mạc khải. Ngài dẫn dắt Giáo Hội ngay giữa những kênh truyền thông mới mẻ của thế giới kỹ thuật số hôm nay. Kitô hữu phải là con người biết lắng nghe, lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe con người để qua sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, sứ điệp Tin mừng được lan xa. Các phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, phim ảnh, thi ca, nghệ thuật, sân khấu, tuồng kịch, thánh nhạc, kiến trúc, hội họa, truyền thanh, truyền hình, internet…đều có tầm ảnh hưởng lớn đối với công cuộc truyền thông Tin Mừng trong thời đại hôm nay.
Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, bài đọc 1 kể: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho… mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 1-4).
Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy, tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8).
Với sức mạnh của Thánh Thần, Thánh Phêrô và các Tông Đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Trong mọi thời đại, bằng mọi ngôn ngữ, Giáo Hội khắp thế giới tiếp tục tuyên xưng những kỳ công Thiên Chúa và kêu gọi các dân tộc, các quốc gia tiến đến với đức tin, hy vọng và cuộc sống mới trong Đức Kitô.
Sứ mạng làm chứng của Giáo hội luôn luôn thể hiện cùng với và trong Chúa Thánh Thần.Giáo hội đã được Chúa Phục Sinh thổi hơi vào và trao ban Thánh Thần. Chúa Thánh Thần từ đó luôn ở với Giáo hội và trong Giáo hội. Giáo hội đã luôn nổ lực làm chứng cho Chúa Giêsu, trải dài hơn hai nghìn năm lịch sử, trải qua những thăng trầm những phong ba bão táp của trần thế.
Mỗi người Kitô hữu được sinh ra nhờ phép rửa ở trong lòng Giáo hội và được xức dầu thánh một cách đặc biệt trong Bí tích Thêm sức, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thông phần sứ mạng làm chứng của Giáo hội.Trong Bí tích Thêm Sức nhận lãnh, không những các ơn Chúa Thánh Thần, mà là chính Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta như một sức mạnh từ trên cao, như là “Thần lực của Thiên Chúa”. Đó là sức mạnh của Tình yêu mạnh hơn sự chết biểu lộ nơi Sự Sống lại của Chúa Giêsu, sức mạnh của Chân Lý và Sự Thật. Đó là sức mạnh cuốn hút của cái Đẹp không phai tàn của Thiên Chúa, của cái Đẹp thần linh tiềm ẩn trong mọi cái đẹp đích thực.
Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống, Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả "nhảy mừng trong lòng mẹ". Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bêlem. Các Tông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Và chúng ta cũng được trở nên con cái Thiên Chúa, sống chứng nhân tình yêu trong nền văn hóa của thời đại kỹ thuật số, can đảm loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================== 
Suy niệm 4
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến
(Ga 20, 19-23)

Trong suốt tuần chín ngày, chúng ta đã cầu xin tha thiết: Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,  lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến.
Giáo hội xin Chúa Thánh Thần đến để làm gì ? Thưa, Chúa Thánh Thần đến để rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường… (Ca tiếp liên).  Chúa Thánh Thần đến khai sinh Giáo hội, ban cho các Tông Đồ đầy đủ các ơn, kiện toàn Đức tin, Đức cậy và Đức mến.
Vì thế, chúng ta cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với niềm vui khôn tả. Vui, vì có Chúa Thánh Thần, Giáo hội không bị mồ côi, có Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ lĩnh hội được tất cả những gì Chúa Giêsu muốn, Chúa Thánh Thần là sức mạnh vô biên, là suối bẩy nguồn.
Hỏi: Điều gì đã xảy ra trong ngày xa xưa ấy, lúc các Tông Ðồ đang tụ họp với nhau ở tầng trên của phòng Tiệc Ly vậy?
Thưa: dấu hiệu đầu tiên là "tiếng động từ trời phát ra tựa như gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp" (x. Cv 2,1). Tiếng động bất thình lình phát ra và các lưỡi lửa chia ra đậu trên đầu từng Tông Ðồ.
Tại sao Chúa Thánh Thần lại lấy hình lưỡi lửa?
Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình lưỡi lửa để đốt lên ngọn lửa nhiệt thành rao giảng Tin Mừng nơi các Tồng Đồ, lửa tình yêu và lòng mến đốt cháy điều cứng cỏi. Lưỡi là để nói, Chúa Thánh Thần sẽ tác động để các tông đồ dùng miệng lưỡi của mình rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần hiện xuống "tất cả đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói" (Cv 2, 4).
Chúng ta thấy, các Tông Đồ là những người Galilê nói ai nghe cũng có thể hiểu. Tiếng ấy là tiếng nói của Chúa Thánh Thần với tính phổ quát. Ngôn ngữ ở đây là thứ ngôn ngữ của Tin Mừng vượt qua mọi ranh giới do con người đặt ra và đánh động tâm hồn nhiều người, không phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc, màu da, tiếng nói hay quốc tịch, một ngôn ngữ đại đồng của tình thương Chúa Thánh Thần đổ vào lòng các tín hữu giúp họ hiểu (x. Rm 5,5), và khi đón nhận họ có thể diễn tả ra trong cuộc sống và các nền văn hóa. Vì khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài nhào nặn, cổ vũ và khơi dậy nơi con người một số khuynh hướng tốt, Ngài tác động và soi sáng họ. Cuộc viếng thăm và tác động nội tâm này, hết thảy mọi người đều được ơn tùy theo lợi ích không ai giống ai. Có một Thánh Thần duy nhất hoạt động trong Hội Thánh, nên có nhiều chức vụ, công việc, những chỉ có một Thánh Thần điều khiển và hướng dẫn (x. 1 Cr 12, 3-7. 12-13).
Chúa Thánh Thần ngự nơi những con người có lòng ngay thật, cũng như bất cứ ai muốn trở nên dễ uốn nắn bởi Chúa Thánh Thần trong hòa bình và trật tự. Người nào càng nhiệt tâm đón nhận, người ấy càng hiểu biết hơn về sự thể hiện nội tâm này và ngày càng gia tăng ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho con người ngay từ ban đầu.
Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý và tình thương nhắc nhớ chúng ta về tất cả những gì Chúa Kitô đã nói. Ngài dạy dỗ chúng ta và làm cho chúng ta nói với Thiên Chúa, gọi Chúa là Cha (x.Rm 8,15; Gl 4,4); đồng thời làm cho chúng ta đối thoại với nhau trong tình huynh đệ và ngôn sứ.
Chúa Thánh Thần là sức mạnh vô biên đã biển đổi các môn đệ từ những con người nhát đảm sợ sệt trở nên những nhà truyền giáo can đảm phi thường không sợ tù đày, tra tấn và cái chết. Có Chúa Thánh Thần, sự khép kín nhường chỗ cho sự loan báo và mọi nghi ngờ bị xua tan bằng niềm tin đầy tình thương mến. Bằng chứng là ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô được tràn đầy Thánh Thần, đứng lên "cùng với mười một tông đồ ... lớn tiếng" (Cv 2,14) và "thẳng thắn" (Cv 2, 29) loan báo tin vui của Chúa Giêsu, là Ðấng đã hiến mạng sống mình để cứu độ chúng ta và Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết.
Ngài là suối bẩy nguồn. Bề ngoài Chúa Thánh Thần có vẻ tạo ra sự mất trật tự trong Giáo hội, bởi vì Ngài mang đến sự khác biệt các đặc sủng, các ơn; nhưng dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần là Thần Khí của hiệp nhất đã dẫn đưa tất cả tới sự hài hòa. Vì Chúa Thánh Thần "chính là sự hài hòa".
Không có sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ không thể sống và thực hiện nhiệm vụ mà Chúa Giêsu phục sinh đã giao phó, là ra đi và làm cho tất cả muôn dân tộc trở thành môn đệ Chúa.
Giáo hội được Chúa Giêsu sai đến với mọi dân mọi nước và sẽ tiếp tục nói các thứ tiếng cho đến muôn đời, giao tiếp với hết mọi dân tộc trên toàn thế giới, (x. Cv 2, 6). Khắp mọi nơi, người ta sẽ nghe thấy Giáo hội diễn tả cùng một Đức tin trong ngôn ngữ của chính dân tộc ấy (x. Cv 2, 6). Thế nên, phép lạ ngày lễ Ngũ Tuần, chứng tỏ Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Giáo hội để tiếp tục làm nhiệm vụ canh tân bộ mặt trái đất và đổi mới lòng trí con người hôm nay.  
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

======================
Suy niệm 5
ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN
Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
“Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19).
Sau cái chết như một tử tội của Thầy Giêsu, các môn đệ vô cùng khiếp sợ. Ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, các ông vẫn chưa hoàn hồn vì nỗi sợ người Do Thái. Vào buổi chiều Chúa nhật, phòng ở của các ông còn đang đóng kín các cửa, bỗng Chúa hiện đến đứng ngay giữa và trấn an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19b). Vì sợ hãi làm cho tâm hồn các ông bị khép kín, sống co cụm, cách biệt các mối tương quan, không dám gặp gỡ giao tiếp với ai. Nhưng khi có Chúa ở giữa với lời ban bình an, các ông như được cởi bỏ mối lo sợ đang ngập tràn. Để họ an tâm xác nhận, Người cho các ông xem chân tay và cạnh sườn rồi thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông. Người còn truyền sai đi và ban quyền tha tội cho các ông.
“Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
Có sự hiện diện với sự bình an và ơn của Chúa Thánh Thần, các ông như được mở tung cõi lòng, như tia nắng mới, làn gió mát ùa vào khiến họ tự tin vững vàng để làm chứng cho Thầy mà không sợ hãi. Sự bình an của Chúa là ơn đặc biệt mà “thế gian chẳng thể ban được”. Sự bình an luôn là niềm khát vọng ngàn đời của cả nhân loại.
Bài đọc I hôm nay mô tả sự kiện vô cùng lớn lao trong ngày lễ Ngũ Tuần. Các môn đệ đang tề tựu một nơi, tiếng gió mạnh từ trời ùa vào, xuất hiện những hình như lưỡi lửa trên từng người. Từ những người kém học, nhút nhát sợ sệt, họ bừng lên sức sống mạnh mẽ, như sức bật của lò xo. Với đầy ơn Thánh Thần, họ có thể nói được các thứ tiếng khác khi chưa hề học tới!
Vâng, chỉ có Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, là Đấng “sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con”, mới nhóm lên ngọn lửa mến cháy trong lòng mọi người. Người tưới gội chỗ khô khan, sưởi ấm chỗ lạnh lùng và chỉnh đốn lại chỗ chật đường. Nhưng chúng con nhiều khi lại quên mất sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng làm nên và canh tân, đổi mới mọi sự cách lạ lùng. Chúa Thánh Thần xuống trong tâm hồn các tín hữu, nhẹ nhàng như làn gió, thổi sạch những bụi bặm thế trần trong con người, làm cho họ được thay đổi tế bào từ trong ra ngoài và lớn lên bằng một sức sống mới.
Lạy Chúa, xưa Chúa đã cử Thánh Thần xuống trên Đức Mẹ và các Tông đồ, để thánh hóa Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai và sai Giáo Hội đi rao giảng Tin Mừng cứu độ. Xin Chúa tiếp tục công trình đã thực hiện, mà tuôn đổ ơn Chúa Thánh Thần cho mọi tín hữu trên khắp cùng thế giới, để chúng con được hiệp nhất nên một cùng nhau, mà tuyên xưng danh Chúa mãi ngàn đời. Amen.
Én Nhỏ
 

[1] Cv 9,1
[2] Cv 20,22
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log