Suy niệm 1
"Nếu anh em yêu mến Thầy"
Niềm vui và thử thách
Vào những ngày sau lễ Phục sinh, các môn đệ Chúa Giêsu đi từ chán nản đến vui mừng. Càng ngày họ càng trở thành nhân chứng nhiệt tình về Tin mừng Chúa Giêsu Phục sinh:
- Hai môn đệ trên đường Emmau trở về Gierusalem kể lại việc họ đã gặp Chúa như thế nào.
- Và ngay sau ngày lễ Ngũ tuần, điều này còn lan rộng hơn trên các nẻo đường để loan báo rằng thế giới mới được hoàn thành trong Chúa Kito Phục sinh.
Tuy nhiên, Công vụ Tông đồ cho chúng ta thấy rằng theo Thầy mình, các môn đệ đã nhanh chóng gặp phải thử thách bắt bớ. Nhưng thật nghịch lý, càng bắt bớ và bách hại, họ càng nhiệt huyết mở rộng truyền giáo: “máu tử đạo là hạt giống sinh nhiều tín hữu”.
Trong bài đọc II, thánh Phêro yêu cầu những người mới theo đạo Kito đừng sợ hãi. Ngài khích lệ họ can đảm vì tất cả là niềm tin vào Chúa Kito Phục sinh. Thể hiện đức tin của mình không phải là đưa ra những lập luận phức tạp, mà là can đảm và đơn sơ làm chứng về một đời sống được đổi mới nhờ sứ điệp của Chúa Giêsu. Các Kitô hữu thời đó, cũng như các môn đệ của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn của Ngài, không phải tất cả đều là anh hùng: một số người thậm chí đã bỏ đức tin vào thời điểm nguy hiểm nhất.
Ngay cả thánh Phêro cũng đã phản bội và chối Chúa. Vì thế ngài biết tìm những lời nói để khích lệ những người mới theo đạo. Sứ điệp của thánh Phêro cũng nói với chúng ta hôm nay tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều người tin vào Chúa Kito vẫn bị các chế độ độc tài bách hại, hoặc bị chế giễu và bị bôi nhọ cách này cách khác. Hoặc tại nhiều quốc gia có những luật lệ chống lại Tin mừng và luật lệ của Giáo Hội.
Đấng Phù Trợ khác
Khi chúng ta là những người môn đệ Chúa bị thử thách, Tin mừng luôn mang đến cho chúng ta một nguồn sáng tích cực:
- Chủ nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: "Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống".
- Hôm nay, Ngài nói thêm: “Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng phù Trợ khác để Ngài ở với các con luôn mãi: chính Ngài là Thần Chân Lý”.
Chúng ta hãy nhớ rằng Thần Chân Lý này đã được ban cho chúng ta vào ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội và Thêm sức. Nhưng chúng ta có mở tâm hồn ra cho ánh sáng và sức mạnh của hai bí tích đó không? Thánh Phêro nói với các Kitô hữu trong cộng đoàn của ngài: để có khả năng đối với Thần Chân Lý này, cần phải có một lương tâm ngay chính.
Và trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: "Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy”. Qua câu nói đó, chúng ta thấy rõ:
- Tuân giữ và trung thành với đức tin, trước hết không phải là một vấn đề lý luận phức tạp hoặc lo lắng.
- Lý trí của chúng ta chỉ có thể bình an trong sự thật đức tin và ý chí của chúng ta chỉ luôn trung thành với sự thật đó, khi chúng ta yêu mến Chúa Kitô.
- Khi yêu mến Chúa Kito, Chúa Kito ban cho chúng ta ánh sáng Thần Khí của Ngài, giúp chúng ta “ thấy" điều mà một trái tim vẫn còn quá thu mình, khó thấy.
- Sự thật đức tin chỉ thuộc về một người, đó là Chúa Kito.
- Phần chúng ta, còn một chặng đường dài để biết mọi sự về Ngài. Nhưng với một tâm hồn đơn sơ như đứa trẻ, chúng ta có thể biết Chúa Kito là Sư Thật. Chỉ cần một cuộc gặp gỡ thật sự với Chúa Kito, còn hơn tất cả những lời nói hay.
Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Ngài vừa là sự thật của Thiên Chúa vừa là sự thật của con người:
- Ngài khẳng định: “Anh em sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha , anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”.
- Chính nhờ Chúa Giêsu mà chúng ta khám phá ra Thiên Chúa là ai và con người là ai.
- Chúa Kitô là sự thật về Thiên Chúa. Ngài nói: "Ai thấy Thầy, là thấy Cha" .
Tất cả hành vi của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, một Thiên Chúa là Cha yêu thương từng đứa con của Ngài. Khi nhìn thấy Chúa Giêsu sống, chúng ta cũng khám phá ra sự thật của con người, mà Thiên Chúa đã dựng nên và muốn cứu độ con người qua Con của Ngài một cách hoàn toàn tự do và miễn phí.
Đọc lại câu chuyện dụ ngôn về đứa con hoang đàng và lật từng trang Tin Mừng, chúng ta khám phá ra rằng Chúa Giêsu là sự thật: Đúng với những gì Ngài nói và đúng với những gì Ngài sống! Từ sâu thẳm con tim chúng ta, với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần, chúng ta hãy nói lên mong muốn xác định căn tính của chúng ta với Chúa Giêsu, để trở thành chính chúng ta “đích thật".
Để được như vậy, chúng ta hãy luôn đến gần Thiên Chúa của sự thật, Thần Chân Lý. Đến gần Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể vượt qua: từ thử thách đến vui mừng. Trong mùa Phục sinh này, Lời Chúa giúp chúng ta điều đó. Khi gặp thử thách, tác động thầm lặng của ân sủng trong sâu thẳm trái tim chúng ta, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân và cũng để hiểu rõ hơn về hy vọng đã có trong chúng ta, từ khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội và bí tích Thêm sức. Xin Chúa Kitô giúp chúng ta thấy điều đó tốt hơn và trở nên những chứng nhân khiêm nhường hơn! Amen.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Thể hiện lòng yêu mến
Ga 14,15-21
Chàng trai bày tỏ tình yêu đối với cô bạn gái bằng cách tặng cho nàng một bó hoa hồng tươi thắm; Cha mẹ thể hiện tình yêu đối với con cái bằng cách miệt mài chăm sóc nuôi dưỡng ngày đêm; Thầy cô thể hiện tình yêu đối với học trò bằng ân cần khuyên răn, dạy dỗ…
Còn Chúa Giê-su, Ngài thể hiện tình yêu đối với Chúa Cha bằng cách nào?
Thưa, bằng sự vâng phục tuyệt đối: Ngài vâng theo ý Chúa Cha cho dù phải hiến thân chết thay cho muôn người.
Trước khi nộp mình chịu khổ nạn, Chúa Giê-su cho các môn đệ biết sở dĩ Ngài để cho thủ lãnh thế gian này, là Sa-tan và bè lũ của nó, hành hình và tiêu diệt Ngài là vì Ngài yêu mến Chúa Cha nên đã làm như Chúa Cha truyền dạy.
Ngài nói: “Thủ lãnh thế gian này đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy” nhưng Thầy chấp nhận chịu khổ nạn dưới tay nó “để thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14, 30-31).
Thế là,
- Để thể hiện lòng yêu mến Chúa Cha, Chúa Giê-su đã vâng lời Chúa Cha tuyệt đối, đến nỗi để cho người ta bắt bớ, vu cáo, phỉ nhổ, tát vào mặt... mà không hề chống đối;
- Để thể hiện lòng yêu mến Chúa Cha, Chúa Giê-su vâng theo ý Chúa Cha, để cho người ta đánh đòn rách nát thịt da, để cho vòng gai nhọn cắm sâu vào đầu, rồi kê vai vác thập giá lên đồi Sọ, chịu đóng đinh vào thập giá và chấp nhận chết quằn quại đau thương tủi nhục để đền tội cho muôn người.
Chúa Giê-su đã vâng lời Chúa Cha đến mức phải chết thảm thương như thế cho thấy tình yêu của Ngài dành cho Chúa Cha là vô biên, vô hạn.
Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta thể hiện lòng yêu mến bằng cách nào?
Chúa Giê-su thể hiện lòng yêu mến Chúa Cha bằng cách vâng phục Chúa Cha cách tuyệt đối, thì nay, Ngài cũng yêu cầu những ai yêu mến Ngài cũng hãy vâng giữ huấn lệnh của Ngài như vậy.
Chúa Giê-su nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”(Ga 14,15) và một lát sau, Ngài nhấn mạnh: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14, 21).
Như vậy, nếu chúng ta không vâng giữ điều răn của Chúa Giê-su, là chúng ta không yêu mến Ngài.
Chúa Giê-su muốn chúng ta tuân giữ giới răn nào?
Giới răn số một, giới răn nền tảng và cũng là giới răn trọng nhất được Chúa Giê-su công bố như sau: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Gioan 13, 34).
Như thế, ai yêu mến Chúa thì phải thể hiện tình thương đó bằng việc yêu thương anh chị em chung quanh. Khi sống vô cảm với người chung quanh, khi thờ ơ trước những nỗi đau của người khác, khi không ra tay giúp đỡ kẻ khốn khổ bần cùng… là chúng ta quay lưng lại với Chúa, chẳng có chút tình thương nào dành cho Chúa.
Lạy Chúa Giê-su,
Thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng những lời ca khen chúc tụng, bằng những câu kinh lời nguyện thì dễ, nhưng thể hiện lòng mến Chúa bằng cách tuân giữ điều răn mới của Chúa là điều rất khó.
Tuy nhiên, nếu chúng con không thể hiện lòng mến Chúa bằng cách yêu thương tha nhân như Chúa đòi buộc thì chẳng được ích gì.
Xin mở rộng con tim vô cảm và đổ đầy tình thương Chúa vào lòng chúng con, để chúng con hết lòng yêu mến Chúa hiện diện nơi anh chị em chung quanh như Chúa đã truyền.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=====================
Suy niệm 3
Yêu Mến và Tuân Giữ
Những lời tâm huyết của Chúa Giêsu được thánh Gioan ghi chép lại trong hai chương 13 và 14, cuối cùng Chúa đúc kết trong một lời khuyên ân cần : "Ai yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy".
Có câu chuyện “Cậu Bé Thủy Thủ” giàu ý nghĩa minh họa:
Cậu bé Louis, 15 tuổi, học nghề thuỷ thủ trên một chiếc tàu buôn. Một hôm, trời mưa to gió lớn làm cho các thuỷ thủ lạnh cóng và rét run. Viên thuyền trưởng đem rượu Whisky ra cho các thuỷ thủ uống để chống lạnh. Ông cũng đem rượu cho cậu bé Louis, nhưng cậu từ chối không uống. Viên thuyền trưởng ép cậu phải uống kẻo bị lạnh, nhưng Louis vẫn một mực từ chối. Vì tự ái, viên thuyền trưởng bắt cậu ra sàn tàu đứng ôm cột buồm suốt đêm.Sáng hôm sau, khi điểm tâm xong, viên thuyền trưởng mới chợt nhớ ra cậu bé Louis. Mọi người chạy lên sàn tàu thì thấy cậu bé đã ngất xỉu dưới chân cột buồm.Sau khi sưởi ấm và làm cho cậu bé tỉnh, viên thuyền trưởng mới dịu dàng hỏi: “Tại sao cháu lại cố chấp như thế ?”. Cậu bé trả lời: “Thưa ông, vì trước khi chết, mẹ cháu dạy cháu đừng bao giờ uống rượu. Và cháu đã hứa với mẹ điều ấy”. Viên thuyền trưởng ngạc nhiên hỏi: “Tại sao ?”. Cậu bé ngậm ngùi kể lại: “Cha cháu say sưa tối ngày vì rượu. Mỗi lần say, ông về đánh đập mẹ cháu, lấy đồ đạc trong nhà bán để uống rựơu. Mẹ cháu buồn quá sinh bệnh rồi chết. Cháu rất thương mẹ cháu. Xin ông đừng bắt cháu làm ngược lại những gì mẹ cháu đã dạy bảo”. Viên thuyền trưởng cảm động ôm lấy cậu bé và nói: “Con xứng đáng là con của ta, ta sẽ truyền nghề cho con”.
Cậu bé Louis vì thương mẹ nên đã vâng giữ lời mẹ dạy. Cậu vâng nghe lời mẹ vì yêu mến mẹ.
Tình yêu của mỗi tín hữu dành cho Chúa sẽ được thẩm định bằng việc tuân giữ Lời của Ngài. Tình yêu ấy được minh chứng bằng cuộc sống tốt lành hàng ngày.
“Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy”. Lòng yêu mến của mỗi tín hữu đối với Chúa chỉ có giá trị khi đi đôi với việc làm là “vâng giữ lời Chúa”.
Khi thực thi ý Chúa, người tín hữu nhận lãnh được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Câu nói này của Chúa Giêsu hướng chúng ta đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và nhất là ơn huệ Thánh Thần: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”.Thánh Thần được ban chính là để làm chúng ta nhớ lại lời của Chúa Giêsu; như thế, chính khi chúng ta nhớ, hiểu và cảm nếm Lời Chúa trong cầu nguyện, trong thời gian tĩnh tâm, trong thánh lễ hằng ngày; khi để cho Lời Chúa trở thành lương thực, sự sống mỗi ngày của mình thì chúng ta đang chan hòa ơn Thánh Linh. Ba Ngôi Thiên Chúa ở trong chúng ta, như thế tâm hồn mỗi người xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa, một đền thờ thiêng liêng, thánh thiện, tốt đẹp, yêu thương, luôn thể hiện tình yêu Thiên Chúa đến với mọi người.
“Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy“. Giữ lời của Thầy là chứng tỏ lòng thương mến của mình đối với Thầy. Lời cốt lõi của Thầy là các con hãy tuân giữ và thực thi giới răn yêu thương.
Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại.Tình yêu là nguồn sự sống, là động lực chính yếu của cuộc đời và sau hết tình yêu cũng là cứu cánh của cuộc đời: Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về Tình yêu và đi vào trong Tình yêu (R.Tagore)
Chính tình yêu Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào trường đời để dạy chúng ta sống yêu thương. Chính tình yêu Thiên Chúa đã cứu sống chúng ta. Và chính nhờ tình yêu ấy mà chúng ta được sống viên mãn.Thiên Chúa là dòng sông ân sủng. Khi kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho chúng ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta được sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua chúng ta và vì thế, những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.
Những người yêu mến Chúa thì luôn biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.
Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép:
“Ông Thọ là người rất đạo đức. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác…. Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng chia cơm cho họ”. Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Ngài quả là người yêu mến Chúa thật và đã đáng được Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời.
Đức Maria là mẫu gương yêu mến và tuân giữ Lời Chúa.
Một người phụ nữ nghe Chúa giảng dạy, bà nghe say mê. Với tính nhạy cảm của một người nữ, bà cảm nghiệm niềm hạnh phúc của người mẹ có một người con tuyệt vời như Chúa Giêsu. Giữa đám đông, bà bày tỏ niềm thán phục Chúa, bà tán dương Mẹ Maria là “người mẹ có phúc đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú mớm”. Đáp lại lời tán dương ấy, Chúa nói đến hạnh phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa: “Bà ơi, đúng hơn phải nói rằng: phúc thay kẻ biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Người phụ nữ kia đã tán dương Đức Mẹ là có phúc vì Mẹ có các vinh dự làm Mẹ của một người con tài ba kỳ diệu là Chúa Giêsu. Đây mới chỉ là vinh dự trần gian. Mẹ Maria còn có một hạnh phúc lớn lao hơn là “nghe và giữ lời Thiên Chúa”. Khi biết lắng nghe, đón nhận và giữ lời Thiên Chúa thì thiên đàng đã ở trong người ấy, vinh phúc đời đời ở trong người ấy, Thiên Chúa ở trong người ấy. Đó là vinh phúc của Mẹ Maria. Bởi đó, Chúa nói với người phụ nữ kia, không chỉ dừng lại nơi lời khen Mẹ Maria có phúc vì đã có vinh dự cưu mang, nuôi dưỡng một người con tuyệt vời, mà cần hướng đến ý nghĩa cao cả hơn. Phúc thay cho ai biết lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc cao quý nhất của Đức Mẹ.
Vào ngày Thiên Thần Gabriel đến truyền tin, Đức Mẹ đã đứng trước một mầu nhiệm lạ lùng. Mẹ cưu mang con Thiên Chúa. Mẹ suy nghĩ và trao đổi. Mẹ biết đây là thánh ý của Thiên Chúa. Mẹ đáp trả lời “Xin Vâng”. Mẹ đã lắng nghe, Mẹ đã tin và chấp nhận dấn thân. Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong lòng Mẹ. Chính Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa đang đến với nhân loại và trở nên Emmanuel.
Ngày kia, Chúa đang rao giảng, có người tin cho Chúa biết: “có Mẹ và anh em Thầy đang chờ gặp Thầy”. Chúa nói ngay với họ: “Ai là Mẹ tôi, ai là anh em tôi? Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa, người đó là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.
Tại tiệc cưới Cana, Mẹ xin Chúa giúp đỡ gia đình tân hôn đang hết rượu. Với một lời đề nghị tế nhị: “Con ơi, họ hết rượu rồi”. Chúa đáp lại như một lời từ chối: “Thưa bà, việc đó liên can chi đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến”. Mẹ tin nơi tình thương của Chúa. Chúa sẽ làm những gì tốt nhất, đẹp nhất cho con người. Vì thế, Mẹ dặn dò người giúp vịêc: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Trong cuộc thương khó của Chúa, Mẹ đau đớn và luôn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Dưới chân thập giá, Mẹ hiệp thông trọn vẹn trong lễ tế hiến dâng với con…
Lạy Chúa, chúng con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là chúng con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin cho chúng con xác tín rằng tình yêu của chúng con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày. Xin giúp chúng con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn.
Lạy Chúa, trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng con tin có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở, yêu thương nâng đỡ. Chúng con nhìn lên Mẹ như vị thầy lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Xin cho chúng con luôn vững lòng cậy trông với niềm tin yêu như Mẹ là mẫu gương cho chúng con. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy niệm 4 Tập sống yêu thương như Chúa truyền (Ga 14, 15 - 21) Khi đến “giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13, 1), trong tâm trạng bồi hồi xúc động chia ly của tình Thầy trò đôi nơi đôi ngả, Chúa Giêsu đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy” (Ga 14, 15), và dĩ nhiên sẽ được Chúa Cha yêu mến. Lời di chúc của người sắp ra đi thật không đơn giản, bởi nó trang trọng và thâm sâu! Lời ấy có ý nói : các con yêu mến Thầy thế là đủ, vì nếu yêu mến tức khắc giới răn của Thầy sẽ được tuân giữ, nghĩa là : khi yêu mến Chúa Giêsu, người ta sẽ tuân giữ các giới răn Chúa để lại. Có thế hiểu: nếu các con yêu mến Thầy, điều đó chứng tỏ rằng các con tôn trọng lệnh Thầy truyền. Chúa Giêsu nói: “Ai giữ các điều răn của Thầy, thì là người yêu mến Thầy. Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến và Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy”. Tôn trọng các giới răn là thể hiện lòng mến nên tuân giữ. Chính Chúa Giêsu khẳng đình: “Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó thì người ấy là kẻ mến Thầy” (Ga 14,20).
Thực hành lời Chúa Giêsu dạy là yêu mến Chúa xem ra có vẻ dễ, nhưng giữ lời Chúa truyền là cả một vấn đề. Hỏi : Chúa truyền dạy chúng ta điều gì? Thưa: Chúa dạy chúng ta nhiều điều, Chúa dạy chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tuân giữ các giới răn. Giới răn thì có nhiều nhưng chung qui lại là kính mến Thiên Chúa như Cha, yêu thương tha nhân như là anh em. Kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân là điều răn quan trọng nhất của Tin Mừng.
Vì là giới răn, là mệnh lệnh của Thầy, nên tình yêu thương huynh đệ của người môn đệ phải mang chiều kích giống Thầy: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy” (Ga 14, 15). Vì là giới răn, nên từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, là bằng chứng, là danh hiệu của người môn đệ. Tuân giữ các giới răn là thể hiện lòng mến.
Cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta, Thiên Chúa là Tình Yêu, tình Chúa trao ban và tình yêu dâng hiến. Khi nói về tình yêu của Thiên Chúa và cũng là tình yêu của chính mình, Chúa Giêsu đã khéo so sánh: “Không ai có tình yêu lớn hơn người hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Mẫu mực, thước đo của tình yêu đối với Chúa Giêsu là tuân giữ các giới răn.
Là Kitô hữu, chúng ta phải biết làm thế nào để yêu thương. Như đã nói ở trên, yêu người đâu phải là chuyện dễ làm. Chúng ta phải tập luyện, phải học nghệ thuật yêu mỗi ngày mà không bỏ qua bài học tha thứ, nhất là chiêm ngắm Chúa Giêsu Tình Yêu và hay tha thứ để bắt chước.
Giáo hội là Thánh, nhưng những yếu tố cầu thành Giáo hội là những con người vô thập toàn như chúng ta, nên kiêu ngạo, ghen tị, chia rẽ là điều chắc chắn có. Ðúng ra, một cộng đoàn Kitô phải sống trong tình yêu của Chúa Kitô, nhưng có khi chúng ta để cho tội lỗi lẻn vào, để cho mình bị đánh lừa, và khi ấy, tinh thần sẽ bị suy yếu. Kinh nghiệm cho thấy, đã có bao nhiêu người rời bỏ Giáo hội, chỉ vì họ cảm thấy họ không được yêu mến. Có biết bao người đã rời xa cộng đoàn giáo xứ, bởi vì ở nơi ấy có những chuyện nói hành nói xấu, đố kỵ và ghen tương.
Chỉ dựa vào lời di chúc của Chúa Giêsu trước giờ tử nạn, chúng ta đã tìm ra được nét độc đáo và tính đặc thù của tình yêu Kitô giáo là yêu thương anh em như Chúa Giêsu đã yêu thương và yêu thương anh em để chứng tỏ rằng chúng ta yêu và tuân giữ các giới răn của Chúa.
Nét mới mẻ của tình yêu Kitô giáo là ở chỗ: mẫu mực, thước đo tình yêu đối với Chúa là tuân giữ các giới răn, còn thước đo của tình yêu đối với tha nhân không còn là “tình anh em huyết thống”, cũng không còn là “bản thân mình” nữa mà yêu ‘vì Chúa thì con yêu người như mình ta’. Đây là thứ tình yêu vị tha, một thứ tình yêu chỉ biết cho đi, lo tìm hạnh phúc cho người yêu, yêu không so đo tính toán, yêu quảng đại.
Chúa Giêsu không đòi các môn đệ cũng như chúng ta những người kitô hữu hôm nay phải thông thái như các thầy kinh sư và ký lục. Người cũng không bắt chúng ta phải sống tỉ mỉ giữ luật như các Kinh Sư và Biệt phái. Điều Chúa muốn duy nhất nơi chúng ta là yêu người khác như chính Chúa đã yêu ta. Tình yêu là dấu chỉ của người tin theo và tuân giữ Lời Chúa. Người kitô hữu chính danh là người biết yêu thương tha nhân, sống bác ái và vị tha. Để thực thi những điều trên, chúng ta rất cần đến Thánh Thần Tình Yêu Thiên Chúa, Người sẽ dạy bảo chúng ta thực hành những điều Chúa truyền dạy.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết ngoan ngoãn vâng nghe Ðấng An Ủi, Thần Chân Lý là Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu Con Mẹ đã hứa ban, để chúng con biết từng ngày học hỏi nghệ thuật của tình yêu, sống yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng con. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
======================
Suy niệm 5
Lời An Ủi Trước Lúc Chia Xa Cv 8,5-8.14-17; 1Pr 3,15-18; Ga 14,15-21 Người ta yêu nhau thì luôn nhớ lời đã nói với nhau, giữ lời hứa với nhau, luôn làm theo ý muốn của người yêu. Nếu quên hay chẳng muốn giữ lời thì tình yêu bị mờ nhạt, lạnh lẽo.
Suốt mấy năm theo Thầy, các môn đệ được ở với Thầy, chứng kiến bao việc Thầy làm, nghe bao lời dạy dỗ của Thầy. Thầy trò sống mật thiết yêu thương, Thầy coi trò như bạn thân. “Thầy không gọi anh em là đầy tớ, song là bạn hữu”. Trước lúc chia xa Thầy hứa với các ông: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.” (Ga 14, 6). Quả vậy, sau này khi Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha xuống, Ngài đã làm các ông nhớ lại, hiểu, giữ và sống Lời Thầy bằng tình yêu mến cháy bỏng.
Đức Giêsu còn khẳng định: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14, 20-21). Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy, Cha Thầy yêu mến, cùng với Thánh Thần, họ được sống mật thiết với Tình yêu Chúa Ba Ngôi, tâm lòng trở thành thiên đàng, từ đây xuất hiện những điều kỳ diệu, hoa trái thiêng liêng, những việc làm có sức mạnh thần thiêng…
Thánh Phêrô cũng chỉ dạy trong bài đọc II: “Đức Kitô là Đấng thánh, hãy suy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em”. (1Pr 3,15a).
Ngày nay nếu chúng con không yêu mến Thầy, sẽ chẳng màng đến Lời Thầy, làm sao Thầy “tỏ mình” cho chúng con? Đời sống đạo sẽ khô cằn nứt nẻ, buồn tẻ, nhạt nhẽo. Chúng con vẫn rước Thầy mỗi Thánh lễ mà chẳng thấy chi, dường như Thầy vẫn ở đâu đó, trên thiên đàng hay bị nhốt trong Nhà Tạm kia. Còn nếu chúng con vì yêu mà tìm đến Thầy, mở lòng đón Thầy thì “Cả Nhà Thầy”: Cha - Con và Thánh Thần sẽ đến và ở trong chúng con. Thầy sẽ “tỏ mình” cho chúng con. Càng “biết” Thầy chúng con càng yêu, càng yêu Thầy chúng con không dám sai Lời Thầy vì sợ làm Thầy buồn, sai Lời Thầy chúng con sẽ tự đẩy mình ra xa Thầy. Xin Thầy hoán cải và mở mắt cho chúng con thấy Thầy ở trong con người yếu đuối của chúng con. Để cuộc đời bé nhỏ khô cằn của chúng con đây, nhờ liên kết trong Thầy sẽ luôn hạnh phúc ngọt ngào, đời sẽ nở hoa.
Lạy Chúa! xin ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con, để Người giúp chúng con nhận ra được thánh ý của Thiên Chúa và thúc đẩy chúng con chu toàn. Nhờ Chúa Thánh Thần dẫn dắt và đồng hành, trợ giúp chúng con trong mọi tư tưởng, lời nói và việc làm, những hành động của chúng con làm đều lan tỏa tình yêu của Thiên Chúa đến cho mọi người anh em. Amen.
Én Nhỏ