Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi

Cập nhật lúc 09:26 04/06/2020
Suy niệm 1
Giàu và nghèo trong Thiên Chúa Tình Yêu
Ga 3, 16-18
Thiên Chúa nghèo!
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người.
Ngài ban tất cả để con người được sống đời đời. Thiên Chúa giàu tình yêu, Thiên Chúa là Tình yêu và chính vì thế mà Ngài nghèo.. Ngài là tất cả và Ngài thiếu tất cả. Ngài là tất cả và chúng ta thiếu Ngài.
Thiên Chúa thiếu! Thiên Chúa thiếu tình yêu. TÌNH YÊU thiếu tình yêu. Tình yêu sẽ luôn luôn thiếu dù chỉ một người con của nhân loại không tin vào tình yêu của Ngài.Thiên Chúa sẽ luôn thiếu cho đến tận thế.
Thiên Chúa giàu!
Thiên Chúa không cần con người.
- Chúa Cha tràn đầy tình yêu của Người Con duy nhất.
- Chúa Con tràn đầy tình yêu của Cha.
- Chúa Cha và Chúa Con tràn đầy tình yêu của nhau đến nỗi không thiếu gì trong Thiên Chúa.
- Chúa Thánh Thần, thông truyền Tình yêu không ngừng từ Chúa Con đến Chúa Cha và từ Chúa Cha đến Chúa Con. Điều đó nói lên sự trọn vẹn của Thiên Chúa! Thiên Chúa đủ, Tình yêu đủ cho chính Ngài. Tình yêu để yêu và không thiếu gì!
Thiên Chúa giàu! Nhưng Thiên Chúa cũng nghèo! Ngài giàu tình yêu. Ngài là Tình yêu và Ngài đến thông truyền sự sống của Ngài cho những người Ngài yêu. Ngài nghèo trước mặt con người: vì Ngài ban cho chúng ta Con của Ngài, Ngài muốn ban cho chúng ta tất cả sự sống của Ngài nhưng chúng ta lại không muốn nhận. Tình yêu của Thiên Chúa không được yêu, ít nhất là không phải lúc nào cũng được yêu, Thiên Chúa nghèo trong sự giàu có của Ngài.
Nhân loại giàu và nghèo
Chúng ta giàu trước mặt Thiên Chúa. Tuy nhiên,
- Có một số người không cần Ngài. Họ tự đủ cho chính họ.
- Có nhiều người khác cần Thiên Chúa để có được những gì họ tạm thời thiếu. Và ngay khi họ nhận được, có thể họ không cần Thiên Chúa nữa.
- Và có một số người cầu xin Thiên Chúa ban cho của cải vật chất và tinh thần. Và, khi nhận được, họ tự hào là người "tốt" về mọi phương diện. Họ giữ lại những của cải đó và quên luôn Đấng đã ban cho họ. Họ giàu về bản thân họ, nhưng rất nghèo Thiên Chúa.
"Ai tin vào Chúa Giê-su Kito, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa”. Ai tin vào Chúa Giêsu Kitô thì nghèo khó. Người đó nhận ra rằng Thiên Chúa là Sự sống và tất cả sự sống của người đó đến từ Thiên Chúa.
Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi. Người này cậy dựa vào bản thân và không cậy dựa vào bất cứ ai. Khi đó Thiên Chúa nói với chính người đó: “Bạn hãy tự phán xét bạn. Bạn hãy cho Tôi biết những công trạng và nhân đức của bạn. Bạn hãy nói cho Tôi biết tự bạn làm tốt ở điểm nào”?
Tất cả sự sống và tất cả mọi thứ tốt đẹp đều có nguồn gốc trong Thiên Chúa. Tất cả mọi thứ tốt đẹp ngoại trừ tội lỗi, đến từ Thiên Chúa. Nếu chúng ta dựa trên công trạng riêng của chúng ta để được cứu độ, chúng ta sẽ hư mất: chúng ta không có gì tốt đến từ chúng ta để giãi bày cho Thiên Chúa ngoại trừ tội lỗi chúng ta. Chúng ta đã bị luận phạt rồi.
Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không phải để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu dộ.  Thiên Chúa đã sai Con của Người đến hiến mạng sống cho nhân loại. Thiên Chúa đã sai Con của Người nhờ tình yêu tinh tuyền để đưa chúng ta ra khỏi cái gọi là giàu có của chúng ta.
- Bất cứ ai, xác nhận sự nghèo khó của mình, không có công trạng và đức hạnh nào, và chỉ có bàn tay trống rỗng trước mặt Thiên Chúa, thì người đó được cứu độ.  Người đó không bị luận phạt.
- Người đó dựa trên niềm tin vào Thiên Chúa được Chúa Giêsu Kitô mặc khải.
- Người đó tin rằng không gì có thể ngăn cản Tình yêu để yêu thương.
- Người đó  tin rằng Thiên Chúa nghèo, vì muốn lấp đầy người đó  bằng tình yêu miễn phí chứ không phải vì công trạng hay đức hạnh của người đó.
Bất cứ ai dựa vào Tình yêu của Thiên Chúa để được cứu độ, người đó sẽ nhận ra mình rất nghèo trước mặt Thiên Chúa.
- Người đó sẽ nghèo như Thiên Chúa!
- Người đó sẽ luôn thiếu Thiên Chúa vì người đó luôn muốn yêu Thiên Chúa nhiều hơn.
- Người đó sẽ giàu về sự giàu có của Thiên Chúa! Tất cả công trạng của người đó chính là được yêu thương đến nỗi  như là công trạng của Chúa Con đã được Chúa Cha yêu thương.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=================
Suy niệm 2
Tình yêu Thiên Chúa vô biên
Ga 3, 16-18
Người đời có nhiều cách cho:
Cho của thừa
Khi có nhóm từ thiện đến gõ cửa xin quà cho người nghèo, chị A mang ra nhiều áo quần cũ cả ba năm nay không đụng tới để làm quà tặng. Cho như thế là cho thứ dư thừa; chỉ có chút ít tình thương trong hành vi đó.
Cho thứ cần dùng
Ông B là người cao tuổi, góa bụa, không con, gia thế thanh bần, kiếm sống qua ngày bằng cách bán vé số dạo. Thế nhưng vì thấy đứa bé nhà hàng xóm quá nghèo, phải cuốc bộ đến trường mỗi ngày cả chục cây số, ông trút hết tiền dành dụm để dưỡng già, đem mua xe đạp điện tặng cho đứa bé, với hy vọng nó sẽ đỡ vất vả, nắng nôi.
Cần phải có nhiều tình yêu thương hơn mới có thể thực hiện được nghĩa cử cao đẹp nầy.
Cho thứ tối cần
Trong những ngày qua, báo chí Việt Nam đưa tin nam phi công người Anh, 43 tuổi, không còn cha mẹ, chưa lập gia đình, bị nhiễm Covid-19 rất nặng. Hội đồng y khoa tham gia điều trị cho biết anh hiện đang trong tình trạng nguy kịch, phổi không hoạt động và cần phải cấy ghép phổi thì mới có cơ may sống sót.
Khi tin này được loan đi, tính đến ngày 20 tháng 5 năm 2020, có đến 50 người Việt Nam có sức khỏe tốt, tình nguyện hiến một phần lá phổi của mình để cứu mạng sống anh.
Dám để cho bác sĩ cắt bớt một phần phổi của mình để hiến tặng người không quen biết nhằm cứu sống anh ta, là một nghĩa cử hào hiệp và rất giàu tình yêu thương. Phải có tình thương rất lớn lao mới có thể thực hiện được hành vi tốt lành và cao đẹp này.
Trao ban là thước đo của tình yêu: Ai cho nhiều, chứng tỏ người đó yêu mến nhiều; ai cho ít, chứng tỏ yêu mến ít ; ai đem những gì rất cần thiết cho bản thân mình để tặng ban cho người khác, thì tình yêu của người đó quả là lớn lao.
Thiên Chúa yêu thương con người vô hạn vì đã trao ban Con Một cho thế gian
Loài người đã phạm tội và chiếu theo luật thì phải gánh lấy hậu quả của tội là chịu án phạt đời đời trong hỏa ngục.
Nhưng nếu để cho loài người phải sa hỏa ngục đời đời vì tội lỗi của họ thì tội nghiệp cho loài người quá đỗi và Thiên Chúa cũng đau xót vô cùng.
Do đó, Thiên Chúa Cha quyết định cho Con Một của Ngài xuống thế làm người, không phải để lên án hay xét xử thế gian, không phải để trừng trị người phạm tội, nhưng là để cứu muôn người khỏi chết và cho họ được sống đời đời.
Chính Chúa Giê-su đã xác nhận điều này khi nói với ông Ni-cô-đê-mô: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian” (Ga 3, 17).
Để cứu muôn người khỏi phải sa hỏa ngục đời đời, Chúa Giê-su phải mang lấy tội lỗi của họ vào thân và một khi đã mang lấy tội lỗi loài người, Chúa Giê-su phải chịu gánh chịu những hậu quả do những tội lỗi đó gây ra. Vì thế, Ngài phải chịu phạt và chịu chết thay cho muôn người.
Thế là, nhờ Chúa Giê-su chịu khổ nạn mà con người được tha thứ, nhờ Ngài chịu chết mà muôn người được cứu sống.
Thiên Chúa Cha đã yêu thế gian đến nỗi đã cho Con Một Ngài chịu chết đau thương để đền tội cho muôn dân, để cho ta được thoát khỏi án phạt đời đời trong hỏa ngục và được sống hạnh phúc hoan lạc trên thiên đàng. Điều này chứng tỏ tình thương Chúa dành cho chúng ta quả là vô bờ vô bến.
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa là Đấng tạo hóa quyền năng, vô cùng lớn lao, cao cả, là Đấng thánh thiện, tốt lành không thể nào tả xiết; còn chúng con là loại thụ tạo hèn kém, bé nhỏ, chẳng đáng gì trước mặt Chúa.
Thế mà vì yêu thương chúng con, Đấng vô cùng cao cả đã hiến thân chết thay cho loài người bé mọn. Thương đến mức chịu chết thay cho người khác là tình thương vô bờ, vô biên…
Xin cho chúng con nhận ra tình thương cao vời đó, để quyết tâm sống đẹp lòng Chúa và cố gắng đền đáp phần nào tình Chúa yêu thương chúng con.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
=================
Suy niệm 3
Chúa Ba Ngôi trong đời sống người tín hữu
(Mt 16, 12 - 15)

Phụng vụ Giáo hội hôm nay mừng kính trọng thể Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, Ngôi Nhất là Cha. Ngôi Hai là Con: Ngôi Ba là Thánh Thần. Câu hỏi được đặt ra là: Làm sao chúng ta có thể hiểu được Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi.
Bài giáo lý thuộc lòng                                                                           
Thủa thiếu thời, trước khi bước vào Thánh lễ Chúa nhật, sau phần Kinh Sáng Tối, mọi người lại cùng nhau cất lên: Bổn dạy những lẽ cần cho được rỗi linh hồn. Phần thứ I… bắt gặp câu:
Hỏi. Có mấy sự mầu nhiệm rất cần phải tin cho được rỗi linh hồn?
Thưa. Có Ba Sự Mầu Nhiệm này : một là sự Đức Chúa Trời Ba Ngôi...
Lớn lên tôi mới hiểu đây là Một trong Ba Mầu Nhiệm phải tin cho được rỗi linh hồn. Thảo nào, những câu hỏi mà người học ai cũng được hỏi và buộc phải trả lời chính xác là :
Hỏi. Có nhiều Đức Chúa Trời chăng ?
Thưa. Có một Đức Chúa Trời mà thôi.
H. Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?
T. Đức Chúa Trời có Ba Ngôi : Ngôi Nhất là Cha. Ngôi Hai là Con: Ngôi Ba là Thánh Thần.
H. Ngôi Nhất là Cha, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
T. Phải.
H. Ngôi Hai là Con, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
T.Phải.
H.Ngôi Ba là Thánh Thần, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
T. Phải.                                          
H. Nếu vậy có phải ba Đức Chúa Trời chăng ?
T. Chẳng có, vì Ba Ngôi cũng một tính, một phép, vậy có một Đức Chúa Trời mà thôi.
H. Ba Ngôi, có Ngôi nào trước, Ngôi nào sau, Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém chăng ?
T. Ba Ngôi cũng bằng nhau. (Sách Bổn Địa Phận Hà Nội tr. 11)
Những câu hỏi thưa nói trên là bản tóm tắt tuyệt vời đầy đủ, dễ hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi bình đẳng, đồng tồn tại vĩnh cửu, tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và một uy quyền ngang nhau, nên Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa mà thôi.
Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi
Khi bước vào khoa Thần học, tôi được dạy và đọc thấy các nhà thần học suy tư về Một Thiên Chúa có Ba Ngôi. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo trong Tình Yêu và hành động, cùng tác động trên thế giới. Thật khó có thể hiểu được, nếu Thiên Chúa không ban ơn cho ta biết được mầu nhiệm ấy khi Ngài tự mạc khải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Theo thánh Augustinô thì: “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần thuộc về một bản thể duy nhất và đồng nhất, là Thiên Chúa sáng tạo, là Ba Ngôi toàn năng” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, IV, xxi, 30). Do thuộc cùng một bản thể, Ba Ngôi ngang hàng với nhau đến nỗi “Chúa Cha không lớn hơn Chúa Con về thần tính, Chúa Cha và Chúa Con cùng với nhau cũng không lớn hơn Chúa Thánh Thần, từng Ngôi riêng biệt cũng không kém hơn chính Ba Ngôi” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngội, VIII ). Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Tuy nhiên đó không phải là ba Thiên Chúa, nhưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là chính Ba Ngôi (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, V, viii, 9).
Tương quan giữa Ba Ngôi phân biệt, nhưng không phân chia sự duy nhất. Chúa Cha luôn luôn là Cha và Chúa Con luôn luôn là Con. Nếu có lúc Chúa Con bắt đầu là Con thì một ngày nào đó sẽ thôi là Con. Nếu Chúa Cha có khởi đầu là Cha thì có lúc thôi là Cha. Chúa Cha chỉ được gọi là Cha do Ngài có một người Con, và Chúa Con chỉ được gọi là Con do Người có một người Cha. Vì vậy, cho dù có sự khác nhau giữa việc làm Cha và làm Con, bản thể lại không khác nhau, vì các Ngài không được gọi như thế xét về bản thể, nhưng là về tương quan, và tương quan này không phải là một tùy thể vì nó không thay đổi” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, V, v, 6).
Lễ này là dịp tốt để chúng ta ý thức được sự hiện diện của Ba Ngôi bao trùm toàn bộ đời sống người Kitô hữu chúng ta.
Ba Ngôi trong đời sống người tín hữu
Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta đều được ghi Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Liền sau đó sẽ được thẩm vấn và đòi buộc tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, có tin Chúa Cha Toàn Năng, Đấng tạo dựng trời đất… có tin Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha…có tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa ? Câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên sẽ là, “Thưa có.” Vẫn Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần khi cử hành Bí tích Hôn nhân, người nam và người nữ được ràng buộc nên vợ nên chồng khi trao nhẫn cho nhau. Vào cuối đời, chúng ta cầu nguyện nhân Danh Thiên Chúa Cha đã tạo dựng, Chúa Con đã cứu chuộc và Chúa Thánh Thần đã thánh hóa ban cho người qua đời được hưởng phúc trường sinh.
Và cứ thế, hằng ngày, biết bao lần chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm … chúng ta đọc kinh Vinh Danh, kinh Sáng Danh, kinh Tin Kính… nhất là chúng ta làm Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, cho thấy toàn thể thân xác cũng như linh hồn ta, tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm toàn bộ đời sống ta.
Xin dâng lời tôn vinh chúc tụng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, xin tôn vinh chúc tụng muôn đời. Amen.

Linh mục Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy niệm 4
Dấu chỉ của Kitô hữu là gì?
 
“Tôi còn nhớ một trong những câu hỏi trong sách giáo lý cho trẻ em ngày xưa: ‘Dấu chỉ của Kitô hữu là gì? Thưa, là dấu thánh giá’. Tất cả các thể chế, các thương hiệu ngày nay đều có một dấu hiệu riêng biệt, một logo nói lên nét đặc biệt của cơ quan, công ty mình. Tôi nghĩ đến các Kitô hữu đầu tiên, họ đáng được nhận giải thưởng quảng bá giỏi nhất, họ đã tạo ra một logo biểu tượng cho hình ảnh của Giáo hội. Người ta khó có thể tìm một hình ảnh nào đơn giản hơn, trọn vẹn hơn, qua chiều sâu, chiều rộng, tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị của Giáo hội, cây thánh giá hội đủ các yếu tố trên” (x. phanxico.vn, 12.12.2016).
Làm Dấu Thánh Giá là tuyên xưng Chúa Ba Ngôi. Giáo lý Hội thánh Công giáo giải thích: “Kitô hữu bắt đầu một ngày của mình, các kinh nguyện và hoạt động của mình bằng dấu thánh giá ‘nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen’. Người đã chịu Phép Rửa dâng trọn vẹn ngày mình sống để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu Đấng Cứu Độ ban ân sủng giúp họ hành động trong Thần Khí như một người con của Chúa Cha. Dấu thánh giá làm cho chúng ta nên mạnh mẽ trong các cơn cám dỗ và trong những khó khăn” (GLCG số 2157, 2166).
Theo truyền thống của Giáo hội, khi bắt đầu bất cứ công việc gì, người tín hữu làm “Dấu Thánh Giá” để tuyên xưng danh Chúa Ba Ngôi; và khi kết thúc công việc, họ đọc kinh “Sáng Danh” để tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hôm nay Giáo hội mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng nhờ Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.
Con người được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của con người chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Kinh thánh mạc khải cho biết “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Mà nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì tình yêu không thể hiện hữu một mình. Yêu là phải cho đi, phải san sẻ và yêu cũng là đón nhận.Thánh Augustinô đã ví Chúa Cha là nguồn mạch, là điểm phát xuất của Tình Yêu; Chúa Con là hội tụ, là điểm quy chiếu của tình yêu; và Chúa Thánh Thần là sự liên lạc hai chiều, là mối dây liên kết của tình yêu.
Tình yêu xuất phát từ Chúa Cha, đến với Chúa Con, qua Chuá Thánh Thần. Trong mầu nhiệm tình yêu, Cha trao tất cả cho Con; Con dâng hiến tất cả cho Cha; và Thánh Thần là sự hiệp thông của trao ban và lãnh nhận hai chiều giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúa Cha không hiện hữu cho chính mình, nhưng cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Cũng vậy, Chúa Con không hiện hữu cho mình, nhưng cho Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Và Chúa Thánh Thần cũng hiện hữu vì Chúa Cha và Chúa Con.
Qua con người và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta cảm nhận rằng Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ, giàu lòng thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Thiên Chúa không là gì khác ngoài Tình Yêu. Ngài có thể làm tất cả vì Ngài Toàn Năng, nhưng đúng hơn, Ngài chỉ có thể làm những gì mà tình yêu có thể làm, và Ngài không thể làm những gì trái với tình yêu, vì bản chất của Ngài là yêu thương.
Không ai lý giải cặn kẽ được tình yêu nhưng vì Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài nên cứ nhìn vào tấm gương tình yêu phản chiếu nơi con người, ta có thể bập bẹ đôi điều về Thiên Chúa:
  1. Yêu là ra khỏi mình để hướng tới người khác
Nói đến yêu là nói đến người thứ hai, thứ ba, là nói đến một đối tượng khác với bản thân.  “Thiên Chúa là Tình Yêu” nên Ngài không cô độc một mình. Từ đời đời Ngài đã hướng về Chúa Con, đã yêu thương Chúa Con bằng Tình Yêu thần linh là chính Chúa Thánh Thần.
  1. Yêu là chấp nhận sự khác biệt của nhau 
Con người yêu thương là chấp nhận cái hay lẫn cái dở, sự giàu có hay sự nghèo nàn của người mình yêu.Chúa Cha yêu Chúa Con, nghĩa là Chúa Cha khác với Chúa Con. Chúa Con phải là một Ngôi Vị khác với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, như thế Thiên Chúa mới là Tình Yêu.
  1. Yêu nhau là muốn nên một với nhau 
Càng yêu nhau càng hài hòa trong chính sự khác biệt “Ta với mình tuy hai mà một”. Bản chất con người là giới hạn nên sự hiệp nhất của con người không toàn vẹn “Ta với mình tuy một mà hai”. Quyền năng vô hạn của Thiên Chúa làm cho sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi là trọn vẹn tuyệt đối. Chúa Cha và Chúa Con yêu nhau hết mình, yêu đến quên mình nên đã trở nên một trong Tình Yêu là Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi thương yêu nhau và hướng về nhau.Ba Ngôi là một gia đình.Giáo hội là một gia đình của Thiên Chúa.Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Trưởng Tử, mọi người là anh chị em của nhau.Đạo lý Đông phương vốn trọng chữ trung chữ hiếu và chữ nhân, rất gần gũi với tinh thần Kitô giáo.Trung với Chúa, hiếu thảo với tổ tiên ông bà cha mẹ, nhân ái với mọi người.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và duy nhất là một mầu nhiệm vĩ đại thâm sâu mà trí tuệ con người không thể nào hiểu hết, chỉ có thể đón nhận bằng đức tin.Thực tại Ba Ngôi không là một điều nghịch lý nhưng là nghịch thường và siêu lý.Mầu nhiệm Ba Ngôi là ánh sáng chói loà rực rỡ, ánh sáng ban sự sống cho những ai khiêm nhường đón nhận và sẽ là bóng tối dày đặc đầy mâu thuẫn đối với những kẻ kiêu căng muốn dùng lý trí làm thước đo siêu việt.
Ba Ngôi sống bằng một lương thực thần linh, cùng một sự sống, đó là tình yêu thần linh.Chúng ta được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi khi đi vào cử hành mầu nhiệm vượt qua trong thánh lễ.Với chúng ta, sự sống ấy là sự sống của Đức Kitô, Mình và Máu Đức Kitô trao ban qua Thánh Thể “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì có sự sống đời đời” (Ga 6,34). Khi chia sẻ chén hiệp thông của Ba Ngôi,chúng ta được mời gọi hiệp thông với nhau để trở nên một như Ba Ngôi là một (Ga 17,21).
Qua phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha (x.Rm 8,15), em của Chúa Con (x.Rm 8,29) và đền thờ của Thánh Thần (x.1Cr 6,19), hợp thành Giáo Hội là "dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi" (Hiến chế Giáo hội 4). Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong gia đình, cha mẹ, con cái yêu thương nhau thì càng hiệp nhất nên một. Tình yêu là dây liên kết mọi người nên một gia đình hạnh phúc ấm êm. Gia đình là nơi sống và diễn tả huyền nhiệm Ba Ngôi rõ nét nhất.
Trước khi dùng cơm, người tín hữu đều làm dấu thánh giá và đọc “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, họ đều bắt đầu bằng “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.
Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.
Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội. Nội dung lời kinh với ba điều khoản lớn của đức tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh.
Dấu Thánh Gía là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về đức tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi.
Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu Thánh Giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong tình yêu. Mỗi ngày người tín hữu làm dấu Thánh giá nhiều lần trên thân xác “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, sống tình yêu thương trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
===================
Suy niệm 5
Thiên Chúa Đã Sai Con Của Người Đến
Xh 34, 2b-6.8-9; 2Cr 13, 11-13; Ga 3, 16-18
Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. (Ga 3,16). Vì yêu thế gian, Thiên Chúa sẵn sàng ban tặng Người Con duy nhất để cho thế gian được sống muôn đời. Người Con đã hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc nhân loại. Cái chết trên thập giá là bằng chứng tận cùng của tình yêu. Nhưng buồn thay thế gian lại không cảm nhận và thấy hạnh phúc vì được ban cho Người Con duy nhất, nên khi thì nhạt nhẽo, có khi không cần chi đến Người. Chuyện cơm, áo, gạo, tiền lấp đầy cõi lòng tâm trí rồi thì đâu còn chỗ để liên đới mật thiết với Người Con được ban tặng.
“Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian tội lỗi nhờ Ngài mà được cứu độ”. (Ga 3,17). Nhưng để đáp lại, thật ngược đời, thế gian lại lên án Người và làm cho Người phải chết trên thập tự. Có khi ngày nay nhiều người vẫn tiếp tục lên án Chúa. Trước bệnh tật rủi ro, đau khổ hoạn nạn, tai ương... đều đổ cho Chúa định, Chúa gửi thánh giá... Oan cho Chúa quá! làm sao để đổi mới cái nhìn mà nhận ra giữa cuộc đời ánh sáng và bóng tối lẫn lộn bao trùm này? Chỉ có Chúa Thánh Thần là Đấng có thể giúp chúng con đổi mới cái nhìn ấy.
Trong bài đọc II, thánh Phaolô cầu chúc cho tín hữu, cũng là lời cầu của vị chủ tế trong mỗi Thánh lễ hôm nay: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen”. (2Cr 13,13).
Lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng con chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cao cả lạ lùng: Tình yêu của Chúa Cha được thể hiện bằng việc hiến tặng Con Một yêu dấu. Tình yêu của Chúa Cha, ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần còn thể hiện trong Chúa Con, nơi tâm hồn các môn đệ và luôn ở trong chúng con nữa. Chúa ngự trị trong chính cõi lòng chúng con, cõi lòng là kho để cất giữ những gì quí giá. Vâng, Chúa Cha hằng ở trong Chúa Con, Chúa Con ở trong tâm hồn chúng con, như thế chúng con hằng được ở trong tình yêu Ba Ngôi hiệp nhất với tình yêu thương. Còn gì cao quý hạnh phúc hơn? Chúng con phải can đảm làm chứng cho tình yêu ấy nơi chúng con sống và làm việc mọi ngày.
Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi trong lòng mọi người và giữa lòng thế giới. Chúng con ước mong nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mỗi người chúng con khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, trong những điều quen thuộc của cuộc sống. Hằng ngày chúng con vẫn hưởng nhận tình yêu Ngài  mà chẳng nhận ra để cảm tạ Ngài. Nguyện xin Thánh Thần Chân Lý đến chiếu tỏa trên chúng con ánh sáng của Ngài, biến đổi chúng con thành những chiến sĩ theo Chúa Kitô, thành nhân chứng nước trời, cho muôn người trong khắp nơi. Amen.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log