Này Ta sắp làm một việc mới, Ta sẽ cho dân Ta được giải thoát.
Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.
16Đây là lời Đức Chúa,
Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương,
một lối đi giữa sóng nước oai hùng,
17Đấng đã cho xuất trận
nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng:
- tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy,
đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn.
18Người phán như sau:
“Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa,
chớ quan tâm về những việc thuở trước.
19Này Ta sắp làm một việc mới,
việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao ?
Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.
20Loài dã thú, chó rừng và đà điểu, đều sẽ tôn vinh Ta ;
vì Ta cho nước chảy ngay giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn,
cho dân Ta tuyển chọn được giải khát.
21Ta đã gầy dựng cho Ta dân này,
chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.”
Bài đọc 2: Pl 3,8-14
Vì Đức Ki-tô tôi đành mất hết, để được nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người.
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.
8 Thưa anh em, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô 9 và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. 10 Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, 11 với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết. 12 Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu ; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Đức Ki-tô Giê-su chiếm đoạt. 13 Thưa anh em, tôi không nghĩ mình đã chiếm được rồi. Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước. 14 Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Ki-tô Giê-su.
Tin Mừng: Ga 8,1-11
Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.
2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” 11 Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”
=============
Suy niệm 1: YÊU NHƯ CHÚA YÊU
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 5 Mùa Chay Năm C này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, xin Chúa ban ơn trợ giúp, để chúng ta biết noi gương Người, mà tận tình yêu thương mọi anh chị em.
Noi gương Đức Giêsu, mà tận tình yêu thương mọi anh chị em, để được thương cứu độ, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thư Hípri cho thấy: Là Con Một Thiên Chúa, Đức Giêsu người Nadarét cao cả hơn muôn vật muôn loài. Cũng như, lời tựa của Tin Mừng Gioan, lời tựa của thư này ngay từ đầu đã xác định vị trí của Chúa Kitô trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ta hãy nghe Chúa Kitô, vì nhờ Người, Thiên Chúa đã nói tiếng nói cuối cùng với nhân loại. Đức Giêsu Kitô là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật. Sau khi đã tẩy trừ tội lỗi, Người lên ngự bên hữu Đấng Cao Cả trên trời. Người khai mở lòng tin của chúng ta, Người khước từ niềm vui dành cho mình mà cam chịu khổ hình thập giá.
Noi gương Đức Giêsu, mà tận tình yêu thương mọi anh chị em, để được Chúa xót thương, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói về: Đức công chính và tình thương… Lạy Chúa Kitô, từ muôn đời, Chúa đã yêu thương chúng con. Chúa đã lấy dây tín nghĩa ân tình mà lôi kéo chúng con. Chúa sẽ không hành động theo cơn nóng giận, vì Chúa là Thiên Chúa làm người. Chúa tha thứ lỗi lầm của chúng con, để danh Chúa được vinh quang rạng rỡ. Ở giữa chúng con, Chúa là Đấng Thánh.
Noi gương Đức Giêsu, mà tận tình yêu thương mọi anh chị em, để nên giống Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách ngôn sứ Isaia: Này Ta sắp làm một việc mới, Ta sẽ cho dân Ta được giải thoát. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 125, vịnh gia cho thấy: Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui. Khi Chúa dẫn tù nhân Xion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, thánh Phaolô nói: Vì Đức Kitô tôi đành mất hết, để được nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người.
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Chúa phán: Ngay lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, bởi vì Ta từ bi nhân hậu. Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói: Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu: hết lòng quay trở về với Chúa, là hết lòng khao khát được trở nên giống như Chúa, trong tình yêu và lòng thương xót. Chỉ có Đấng hoàn toàn vô tội mới có quyền xét xử, còn ta là tội nhân, sao lại muốn xét đoán tha nhân. Chúng ta thấy người khác phạm tội, nhưng, chính chúng ta, không tự nhìn vào mình, vì bất cứ ai chăm chú tự nhìn vào mình, thì sẽ khám phá ra mình là người tội lỗi. Đó là điều chắc chắn. Vậy, một là, thương xót người phạm tội, để rồi, mình cũng được xót thương; hai là, kết án họ, để rồi, cùng với họ chịu hình phạt của Luật. Người có tội sẽ phải đền tội, nhưng, không phải bởi tay những kẻ có tội, như chúng ta. Đức Giêsu không kết án người phụ nữ, nhưng, Người cũng không dung túng tội lỗi: Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa. Chúa đã kết án, nhưng, kết án tội lỗi, chứ không, kết án người có tội. Chúa từ bi nhân hậu: Người cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn; Người sẽ dẫn tù nhân chúng ta về, như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam. Ước gì ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong cái chết của Người. Vì yêu thương ta, Đức Kitô đã hiến thân chịu khổ hình, ước gì ta biết noi gương Người, mà tận tình yêu thương mọi anh chị em. Ước gì được như thế!
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
=============
Suy niệm 2: SỨ ĐIỆP ƠN THỨ THA
Đa số chúng ta đều được cảm nhận sự tha thứ mỗi khi đến với Bí tích Hoà giải. Ngược lại, trong đời sống, không ít lần chúng ta đã từng lên án, kết tội anh chị em dù chỉ nơi tư tưởng, có khi bằng lời nói và qua hành động. Nhưng thực tế này đã xảy ra ngay cả thời Đức Giê-su, chứ chẳng phải chỉ mới diễn ra thời nay!
Vào bối cảnh chẳng mấy thuận tiện cho lắm “từ sáng sớm…” (Ga 8, 2), Đức Giê-su phải đối mặt với thói đời vô lối, tình trạng bất công xã hội, tập tục cổ hữu phân biệt vì nhóm “luật sĩ và biệt phái dẫn đến Ngài một thiếu nữu bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, đặt trước mặt mọi người” (Ga 8, 3) nhằm chất vấn theo luật Mô-sê, nhưng lại có ý “gài bẫy để có thể tố cáo Ngài” (x. Ga 8, 6).
Thông thường, khi nhìn vào biến cố “người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình” này, ai ai trong chúng ta cũng không khỏi thắc mắc ‘tại sao người đàn ông dan díu vào cuộc vụng trộm này chẳng được nhắc tới, hoặc bị bắt đưa đến cùng với người phụ nữ’?! Vì lẽ nào mà cuộc ngoại tình xảy ra được nếu không có sự tham gia của đàn ông! Như vậy, nếu để chất vấn hỏi tội, thì cả hai người đều phải bị bắt chứ?! Trong một xã hội bất công ăn sâu vào tâm trí, tư tưởng họ, Đức Giê-su đã đối diện với thực trạng này ra sao? Ngài hành động thế nào trước hành vi kết án tha nhân và cõi lòng mưu mô đen tối muốn gài bẫy nhằm tố cáo của nhóm người chẳng bao giờ ưa thích Đức Giê-su?
Trước hết, chúng ta có thể nhận ra ngay hành động kỳ lạ của Đức Giê-su “cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất” (x. Ga 8, 6), khi nghe câu hỏi của nhóm luật sĩ và biệt phái “…Còn Thầy, Thầy dạy sao?” (Ga 8, 5). Thiết nghĩ đây không phải hành động của một vị quan toà khắt khe, nắm quyền phân xử sống chết; nhưng đúng hơn là cử chỉ của người bạn hữu thật bình tĩnh, bình tâm, bình thản, không gì hấp tấp vội vã luận tội hay kết án hoặc đồng loã hùa theo đám đông. Hơn thế, đây có thể là cử chỉ kéo dài thời gian hầu cho người khác cơ hội suy nghĩ lại quyết định của mình, hoặc suy xét thói quen kết án tha nhân dễ dàng! Thực ra, chúng ta chẳng biết Đức Giê-su viết những gì trên đất, nhưng cử chỉ này khiến chúng ta nghiền ngẫm như thể: chớ vội chạy theo số đông lên án anh chị em! Chớ hấp tập kết tội tha nhân, và tệ hơn không cho người khác cơ hội suy xét, sửa mình, hoán cải!
Ngoài ra, qua biến cố “từ sáng sớm” chẳng mấy thuận lợi này, Đức Giê-su lột tả chân tướng của thực trạng dường như bị quên lãng nơi đám đông dân chúng, cũng như trong mỗi người chúng ta qua câu hỏi hết sức căn tính: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8, 7). Ngài biết rõ: chẳng ai trong chúng ta sạch tội cả! Không tội nặng thì tội nhẹ, không tội to thì tội nhỏ. Và thực tế: tuổi đời càng tăng, cần phải tỉnh thức hơn trước tình cảnh phạm tội của mình, “…họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất…” (Ga 8, 9). Đây chính là thực trạng mà chúng ta luôn bị sa lầy, tệ hơn chúng ta thể hiện như thể ‘trong sạch, vô tội, cao quý…’ hơn người khác, và rồi mắc vào xu hướng dễ dàng lên án, kết tội tha nhân trong tư tưởng, ngôn từ, lời nói, hành động. Đức Giê-su giúp đám đông và cả chúng ta nữa biết nhận ra rằng: hết thảy chúng ta đều là kẻ tội lỗi, cần phải chân thành thú nhận lầm lỗi của mình và cần được nhận ơn thứ tha.
Thứ đến, câu hỏi nhẹ nhàng khe khẽ của Đức Giê-su vạch trần thói đời phán xét, kết tội anh chị em, khắc nghiệt với tha nhân, nhưng lại quá ư dễ dãi với bản thân: “Những người kết án chị đi đâu cả rồi?…” (Ga 8, 10). Những con người vừa mới mạnh miệng đòi kết tội người phụ nữ đáng thương này đâu cả rồi? Sao họ không kiên quyết với thái độ lên án chị cho bằng được, hay vì họ đã nhận ra điều gì sau một loạt câu hỏi đầy căn tính của Đức Giê-su chăng? Quả thật, Lời Chúa như chiếc gương soi chiếu giúp cho họ và cho chúng ta nhận ra con người tội lỗi của mình, cũng cần được tha thứ, cần có cơ hội ‘đổi đời, hoán cải’, cần tiếp nhận-lãnh hội thái độ cảm thông với tha nhân, chứ chẳng phải đồng loã hay nhúng nhường hoặc thoả hiệp với tội lỗi và sự ác.
Sau cùng, trước thực trạng dễ vấp ngã, rơi vào thói đời kết án người khác nơi tâm tư mỗi người chúng ta, Đức Giê-su loan báo sứ điệp tin mừng cho chúng ta như Ngài đã khẳng định với người thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình rằng: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 11). Thật hạnh phúc dường nào khi được Chúa khoan nhân thứ tha! Ôi hạnh phúc thay khi được Chúa trao ban cơ hội hoán cải, tặng ban ơn thánh, gửi trao sứ điệp tha thứ! Làm sao có thể diễn tả hết niềm vui được Chúa đoái thương, dủ tình âu yếm như lời ngôn sứ I-sai-ah trình bày trong bài đọc I: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Đây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan…” (x. Is 43, 18-19). Nhờ sứ điệp cứu rỗi, tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta được đổi mới, được thứ tha, được trở nên công chính, biết cảm thương-cảm thông-khoan dung với tha nhân như chính Ngài là Đấng hằng xót thương. Và điều này không ai cảm nghiệm sâu sắc hơn Thánh Tông đồ Phao-lô như ngài xác quyết: “Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Đức Giê-su Ki-tô” (Pl 3, 8-9).
Cầu nguyện:
Chúa không kết tội chúng ta,
Vì Ngài muốn cứu rỗi và thứ tha.
Chúa nào ưa thích sự chết
Chỉ mong kẻ tội lỗi sám hối trở về,
Và ‘từ nay đừng phạm tội nữa’! Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=============
Suy niệm 3: THỪA TỘI nhưng THIẾU TÌNH
Hẳn chúng ta đã từng chứng kiến những cuộc thanh trừng ngoài đời vì tội ngoại tình! Nào là mượn bọn xã hội đen ra đòn, chơi khăm, xỉ nhục trước thanh thiên bạch nhật. Thiết nghĩ, thời nào cũng xảy ra những bất cập khi bắt quả tang người ngoại tình, đặc biệt trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Họ bắt người phụ nữ ngoại tình, nhưng chẳng đề cập gì đến người đàn ông ngoại tình!
Theo sách luật Do Thái: “Phụ nữ có chồng bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình phải bị ném đá cho chết cùng với người đàn ông đang phạm tội ngoại tình với bà” (Đnl 22, 22; Lv 20, 10). Vậy, rõ ràng có gì khuất tất khi đọc những tình tiết câu chuyện người đàn bà bị bắt và được điệu đến chỗ Chúa Giê-su. Thánh Gio-an viết rõ: “Họ nói thế nhằm thử Ngài, để có bằng cớ tố cáo Ngài” (Ga 8, 6). Như thế, chúng ta có thể nhận ra thực tế cay đắng này là: Nhóm kinh sư và biệt phái mượn vụ án mang tính biểu tượng (ném đá người phụ nữ ngoại tình) nhằm kết liễu Đức Giê-su vì theo họ Ngài mắc tội phạm thượng.
Vụ án biểu tượng
Người tố cáo: Kinh sư và những người Pha-ri-siêu
Tội phạm: Ngoại tình, bị phạt theo luật Mô-sê.
Bản án: Tử hình (ném đá đến chết)
Vụ án thực sự
Bị cáo: Đức Giê-su
Người tố cáo: Nhóm kinh sư và Pha-ri-siêu
Tội phạm: Phạm thượng
Bản án: Tử hình
Quả thật, tâm địa ghê gớm ấy không dừng lại, mà nhóm kinh sư và biệt phái còn muốn ‘dương đông kích tây’, ‘mượn gió bẻ măng’ nữa. Họ thực sự chẳng biết mình, nên dễ dàng lầm tưởng về bản thân và đi xa hơn nữa với ý nghĩ biết rõ người khác. Chính vì vậy, chuyện đời thường chê nhau, như ca dao tục ngữ Việt Nam đúc kết:
‘Con chó chê khỉ lắm lông,
Khỉ lại chê chó ăn dông ăn dài.
Lươn ngắn lại chê trạch dài,
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm’.
hoặc
‘Chuột chù chê khỉ rằng hôi,
Khỉ lại trả lời cả họ mày thơm!’
hay
‘Cú lại chê vọ rằng hôi,
Giẻ cùi chê khách dài đuôi vật vờ’.
Nếu nhóm kinh sư và biệt phái thử mở mắt to ra nhìn, thì chân họ có sạch hơn ai, ‘vẫn ăn’ (vẫn cố cựu lên án, kết án người khác) như thường, không ‘ăn nổi’ (công khai) thì ‘ăn chìm’ (lén lút, bí mật). Học giả W. Goethe nói rất xác thực: ‘Có thể ăn nửa bữa, ngủ nửa đêm, nhưng không thể đi nửa đường chân lý, yêu bằng nửa trái tim’. Sửa dạy, huấn dụ và thực hành luân lý đạo đức là điều cần làm, nhưng đối với Chúa Giê-su: tỏ lộ lòng nhân ái thì cần thiết hơn. Trình thuật về người đàn bà ngoại tình cho chúng ta thấy rõ ràng: theo gương Chúa Giê-su, điều cần làm hơn hết khi phải đối mặt với một lỗi phạm luân lý (đặc biệt trong lãnh vực khiết tịnh) là hãy tỏ lòng thương xót, từ bi và khoan nhân. Chắc chắn đây chẳng phải là thái độ xuề xòa, nhún nhường, dễ dãi cho qua, mà là “thôi chị cứ về đi, từ nay đừng phạm tội nữa” (x. Ga 8, 11), và còn đi xa hơn thế, đó chính là thái độ thương cảm của chính Thiên Chúa được biểu lộ rõ nét qua lời của Đức Giê-su: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!” (x. nt). Qua đây, chúng ta thấy lời ngôn sứ I-sai-ah được thành sự: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn” (Is 43, 19). Thiên Chúa ‘mở đường nhân từ’ giữa ‘sa mạc xét đoán, lên án, kết tội’, ‘khơi nguồn thương xót’ tại ‘cung lòng khô cằn, chai xạm’ của con người.
Tuy nhiên, trên thực tế, lời cảnh báo của Đức Giê-su: “Ai trong các ông/bà sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 7) chưa được chúng ta để tâm chú ý đúng mức. Chính vì vậy, đâu đó vẫn còn ‘ném đá xét đoán, xử phạt’ tha nhân một cách thô thiển, phi lý như ‘ném đá trên mạng xã hội’, ‘like dạo’…Thánh Mác-cô khổ tu khuyên nhủ và giải thích: ‘Ai đã phạm tội thì đừng thất vọng. Đừng bao giờ thất vọng. Chúng ta không bị đoán phạt vì số lượng tội lỗi đã phạm, nhưng vì chúng ta không muốn sám hối và học biết những phép lạ của Chúa Ki-tô”. Tương tự, nhà hóa học người Mỹ gốc Ca-na-đa, và là một tín hữu Công giáo thánh thiện, Orlando Aloysius Battista (1917-1995) nhận xét: ‘Điểm yếu nhất của hầu hết người ta chúng ta là do dự nói lời yêu thương người khác khi họ còn sống’. Nhìn lại đời sống bản thân, chúng ta thiếu tình yêu, thiếu lòng thương xót, thiếu lòng cảm thông, thiếu nhân từ khoan dung, v.v…, nhưng lại thừa tội lỗi, thừa đam mê chán chường, thừa thói hư tật xấu, thừa hành vi lên án, xét đoán, kết tội anh chị em, v.v…Ước gì trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta ‘trở về với Chúa’!
Cầu nguyện: Đứng trước lòng xót thương của Chúa, người đàn bà khốn khổ bị bắt phạm tội ngoại tình được kín múc hồng ân tha thứ. Xin cho con từ nay thêm tình yêu và lòng mến, bớt tội lỗi và đoán phạt tha nhân. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
=============
Suy niệm 4: Nhìn Lại Mình
Tại đền thờ, lợi dụng lúc Đức Giêsu đang giảng dạy cho toàn dân với đầy sức thuyết phục, thì các kinh sư và người Pharisêu “phá đám” bằng việc lôi một người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình, đến trước mặt Người và hỏi khó: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8,4-5). Mặc dù với vẻ tôn trọng, nể phục Người nên mới tham khảo ý kiến, nhưng họ nhằm thử khó, để kiếm cớ tố cáo Người. Một Đức Giêsu luôn rao giảng về lòng từ bi thương xót, sẽ xử ra sao với một người đàn bà tội lỗi xấu xa nhãn tiền này, trong khi theo sách luật thì phải ném đá đến chết? Nếu đồng ý kết tội thì cũng như những kinh sư và Pharisêu hà khắc này thôi, sẽ phản chứng mọi lời rao giảng của Người về lòng từ bi thương xót. Nếu tha bổng cho chị thì chống lại lề luật Môsê. Nhưng họ không thể dò được sự khôn ngoan của một “vị Thiên Chúa”. Thật kỳ lạ, Người chọn im lặng, cúi xuống viết gì đó trên đất thật lâu. Họ sốt ruột gặng hỏi mãi, Người mới ngẩng lên trả lời: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá và ném trước đi” (Ga 8, 7). Ra như người vừa mở cuộc “tĩnh tâm” để họ lắng lòng lại mà nhìn và xét về chính mình. Rồi Người lại im lặng và tiếp tục viết viết trên đất, trong sự lặng thinh tự dò xét lương tâm của họ. Hiệu quả lạ lùng, không thấy ai dám lên án nữa, mà lần lượt ra về, bắt đầu từ người lớn tuổi. Hóa ra càng người già đầu thì hay lắm tội, nên càng cứng họng trước trong vụ án này. Không đao to búa lớn, chẳng nặng lời, nhưng Người làm cho họ biết thẹn thùng vì tội lỗi của cá nhân mình, biết nhìn nhận để rồi không còn dám lên giọng kết án nữa. Ngày nay khi đứng trước sự kiện tiêu cực nào, hoặc thực trạng không tốt của người anh em, chúng con đã vội vàng chê bai, xét đoán và lên án ngay, mà không biết nhìn lại mình để thấy và không kết án tha nhân nữa, như bài học hôm nay.
Cuối cùng chỉ còn trơ lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ. Người mới ngẩng đầu lên hỏi chị họ đâu hết, mà chẳng thấy ai lên án chị sao? Người dịu dàng bảo chị: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8, 11b). Ôi! một vị Thiên Chúa, Đấng chẳng hề phạm tội mà đặt mình như những người trong đám đông vừa rút: “Tôi cũng vậy”... và chỉ một lời khuyên chị cứ về đi mà làm lại cuộc đời.
Ôi lạy Chúa! tình yêu của Chúa thì luôn lớn hơn tội lỗi. Tình yêu thương tha thứ của Chúa ngàn lần lớn hơn che lấp tội con. Xin cho chúng con biết luôn tự xét mình, nhìn nhận mọi yếu đuối xấu xa của bản thân, để không còn xét đoán hay lên án anh em mình, nhưng biết trở về với lòng Chúa xót thương, nhận lãnh ơn tha thứ và mặc lấy tâm tình xót thương tha thứ, sống với tha nhân bằng tình yêu thương của Chúa nhân hiền. Amen.
Én Nhỏ
=============
Suy niệm 5: Đừng ném đá. Xin đừng. Hãy bỏ đá xuống
Đoạn Tin Mừng Thánh Gio-an (Ga 8,1-11) kể lại việc người ta đem đến cho Chúa Giê-su một thiếu phụ, chị này không có tên, cũng chẳng có danh tính nào khác: chỉ biết chị là một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, có vậy thôi. Chị bị mắc kẹt trong một tình huống đặc biệt gây tò mò (x.Ga 7,53-8,11). Tuy nhiên, trên hết cô ấy là một tội nhân được tha thứ.
Đối với một kẻ ngoại tình, cần có ba người, nghĩa là có vợ, chồng và nhân tình. Nhưng ở đây chỉ có một mình thiếu phu được các luật sĩ và biệt phái đưa đến trước mặt Chúa Giê-su. Ban đầu, người ta không quan tâm đến chị mấy: điều quan trọng nhất là các nhà thông luật đã thử Chúa Giê-su, nên đặt Người vào một tình huống tế nhị. Liệu Chúa có minh oan cho người phụ nữ này, đi ngược lại luật Mô-sê không? Hay Chúa quyết định lên án chị?
Mọi người có mặt đều hồi hộp đợi Chúa trả lời. Nhưng Chúa Giê-su thay vì từ chối trả lời câu hỏi một cách trực tiếp của các luật sĩ và biệt phái, Người đã xoay chuyển tình thế: từ câu hỏi của các ông về việc áp dụng Luật Mô-sê, sang việc yêu cầu các ông tự chất vấn lương tâm của chính mình với câu: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8,7).
Chúng ta không biết gì về thái độ của người thiếu phụ trong vụ án này, vì chị không có tên. Chị từ đâu đến chúng ta cũng chẳng hay, ngoại trừ lỗi lầm của chị, một lỗi lầm công khai không thể nghi ngờ, một lỗi lầm mà bất cứ người phụ nữ nào cũng không tự bảo vệ được mình. Chúng ta hình dung ra chị đứng trước đám đông với cáo trạng, chắc chị đang sợ hãi, xấu hổ, có lẽ nhếch nhác, đầu tóc, quần áo, “bị bắt quả tang” mà.
Câu nói của Chúa Giê-su với chị: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” ( Ga 8,11). Nghĩa là chỉ sau khi những người buộc tội chị ra đi hết, chị mới có thể mở miệng và nói được mấy từ để đáp lại Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, không ai cả” (Ga 8, 11). Từ “Thầy” ở đây không phải là một lời tuyên xưng đức tin, mà là một cách xưng hô tôn trọng cùng người đối thoại với chị. Cuộc đối thoại ngắn gọn, nhưng những lời cuối cùng của Chúa Giê-su nói lên điều cốt yếu. Cũng một câu: “Ai trong các ông sạch tội hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8.7), khiến các thẩm phán con người đã tự xét xử mình, và vị thẩm phán thiêng liêng, ban sự tha thứ cho thiếu phụ phạm tội ngoại tình, đồng thời khuyến khích mọi người đừng phạm tội nữa.
Qua câu nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7), Chúa Giêsu muốn hướng con người nhìn về tâm hồn mình, để nhận biết tội lỗi bản thân và ăn năn trước khi kết tội anh chị em đồng loại. Hơn nữa việc kết tội không thuộc quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thẩm quyền kết án con người. Khi con người kết án anh chị em mình là lúc họ đặt mình ngang quyền với Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng muôn vật.
Khi bàn về câu truyện này, thánh Au-gút-ti-nô dùng hai từ bằng tiếng La tinh là Miseria và
“Bấy giờ Chúa Giê-su đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giê-su bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8, 10-11).
Đoạn Tin Mừng này có thể được gọi với tiêu đề là: “Tội nhân được tha thứ“. Khi đọc đoạn này, nhiều người đã tập trung vào chiều kích tội lỗi và lời buộc tội chị được các biệt phái và luật sĩ đưa ra. Tuy nhiên, điểm nổi bật hơn cả của câu chuyện liên quan đến sự tha thứ mà Chúa Ki-tô ban cho một người phụ nữ bị những người đàn ông sẵn sàng lên án tử. Một người phụ nữ vô danh, đại diện cho những nạn nhân, hay những người yếu đuối nhất, đến nỗi bị coi như một đồ vật, nhưng lại là những người mà Chúa Ki-tô dành cho họ cái nhìn với sự chú ý, nhất là sự tha thứ yêu thương và giải phóng của Người.
Câu chuyện Người đàn bà ngoại tình theo truyền thống là tên được đặt cho đoạn Phúc âm Gio-an 7, 53 – 8,11 . Đoạn văn ghi lại ý định ném đá một phụ nữ bị cáo buộc về tội ngoại tình của những người thuộc phái Pha-ri-sêu. Vào thế kỷ thứ 4, Thánh Au-gút-ti-nô hỏi liệu những người chồng ghen tuông, lo lắng về sự tự do mà Chúa Giê-su ban cho những người vợ, có xé trang này ra khỏi Kinh thánh của họ không! Trên thực tế, đoạn văn này không được tìm thấy trong hầu hết các bản viết tay tiếng Hy Lạp trước thế kỷ 12, và cũng không có trong một số bản viết tay tiếng Latinh.
“Đừng ném đá vào người phụ nữ ngoại tình/Tôi đứng đằng sau chuyện đó!” (Georges Brassens, “Dưới bóng những người chồng”). Đoạn văn này là một trong những đoạn văn nổi tiếng nhất trong Tin Mừng, và câu nói “đừng ném đá” bắt nguồn trực tiếp từ đó.
Thông điệp của Chúa Giê-su rất rõ ràng: Thiên Chúa tha thứ vô ngần vô hạn, vượt quá mọi mức độ. Ngài là như vậy, Ngài hành động vì tình yêu và sự nhưng không. Chúng ta không thể trả ơn Thiên Chúa, nhưng khi chúng ta tha thứ cho anh chị em của mình, chúng ta bắt chước Thiên Chúa. Đừng ném đá vào người phụ nữ ngoại tình. Xin đừng ném đá. Hãy bỏ đá xuống khỏi tay. Thiếu phụ không tên có thể là mỗi chúng ta.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=============