Thứ tư, 23/04/2025

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật II Phục Sinh Năm C (Cv 5,12-16; Kh 1,9-11a.12-13.17-19; Ga 20,19-31)

Cập nhật lúc 16:02 23/04/2025
Bài đọc 1: Cv 5,12-16

Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa ; cả đàn ông đàn bà rất đông.

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

12 Hồi ấy, nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ.

Mọi tín hữu đều đồng tâm nhất trí, thường hội họp tại hành lang Sa-lô-môn. 13 Không một ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ. 14 Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông.

15 Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phê-rô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. 16 Nhiều người từ các thành chung quanh Giê-ru-sa-lem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành.

Bài đọc 2: Kh 1,9-11a.12-13.17-19

Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời.

Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.

9 Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giê-su. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su. 10 Tôi đã xuất thần vào ngày của Chúa và nghe đằng sau tôi có một tiếng lớn như thể tiếng kèn 11anói rằng: “Điều ngươi thấy, hãy ghi vào sách và gửi cho bảy Hội Thánh.” 12 Tôi quay lại để xem tiếng ai nói với tôi. Khi quay lại, tôi thấy bảy cây đèn vàng. 13 Ở giữa các cây đèn, có ai giống như Con Người mình mặc áo chùng và ngang ngực có thắt đai bằng vàng.

17 Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói: “Đừng sợ ! Ta là Đầu và là Cuối. 18 Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời ; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ. 19 Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này.”

Tin Mừng: Ga 20,19-31

Tám ngày sau, Đức Giê-su đến.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”

30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người.

==========

Suy niệm 1: TÁM NGÀY SAU
(CHÚA NHẬT TUẦN 2 PHỤC SINH)
 
Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Tuần 2 Phục Sinh này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Hằng năm Chúa dùng ngọn lửa phục sinh, mà khơi lại niềm tin trong lòng dân thánh, cúi xin Chúa gia tăng ân sủng, để chúng ta hiểu rằng: chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng ta bằng Bí Tích Thánh Tẩy, đã tái sinh chúng ta bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng ta bằng Máu Thánh.
 
Xin khơi lại niềm tin, gia tăng ân sủng, để ta sống một đời sống mới, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, thánh Phaolô cho thấy: Sự sống mới trong Chúa Kitô, được thanh tẩy rồi, sự sống mới của người tín hữu tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa, nên từ nay, thái độ người Kitô hữu đối với chính mình cũng như với cộng đoàn anh em phải thay đổi tận gốc rễ. Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.  Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa.
 
Xin khơi lại niềm tin, gia tăng ân sủng, để ta giữ vững niềm trông cậy vào Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Autinh nói về: Thụ tạo mới trong Đức Kitô… Anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang. Anh em hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa vì được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.
 
Xin khơi lại niềm tin, gia tăng ân sủng, để ta sống triển nở ơn gọi Kitô hữu, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, trích sách Công Vụ Tông Đồ: Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa; cả đàn ông đàn bà rất đông. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 117, vịnh gia kêu xin: Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Ai kính sợ Chúa hãy nói lên rằng: muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Trong bài đọc hai của Thánh Lễ, trích sách Khải Huyền: Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời.
 
Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Chúa nói: Này anh Tôma, vì đã thấy Thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin. Trong bài Tin Mừng, thánh Gioan tường thuật: Tám ngày sau, Đức Giêsu đến. Ông Tôma thấy Thầy, nhưng, ông tin Thầy mình là Thiên Chúa. Đức tin là bằng chứng cho những điều ta không trông thấy, ta thật có phúc, cho dù, ta không được thấy Đức Giêsu Phục Sinh, như ông Tôma, nhưng, ta vẫn cứ tin Người là Thiên Chúa. Tám ngày sau, Đức Giêsu hiện đến để củng cố đức tin cho các môn đệ và để tỏ mình cho Tôma được thấy. Tám ngày sau, những trẻ vừa mới được sinh ra, những trẻ nhỏ trong Đức Kitô, con cái của Hội Thánh mới được sinh ra. Tám ngày sau, con cái của Hội Thánh lãnh nhận trọn vẹn dấu ấn đức tin. Dấu ấn này là phép cắt bì các tổ phụ xưa đã lãnh nhận trong thân xác vào ngày thứ tám, sau khi chào đời. Vì thế, khi sống lại, Chúa đã rũ bỏ thân xác phải chết; Người trỗi dậy không phải với thân xác khác, nhưng, với thân xác không phải chết nữa. Người đã ấn định ngày Người sống lại là ngày thứ ba sau cuộc Thương Khó, đó là ngày thứ tám sau ngày Sabát, cũng chính là ngày đầu tuần. Đó là ngày Chúa đã làm ra, ngày của Lòng Chúa Xót Thương, ta hãy vui mừng hoan hỷ loan truyền Lòng Thương Xót Chúa đến cho tất cả mọi người. Ước gì Chúa gia tăng ân sủng, để chúng ta hiểu rằng: chính Chúa Kitô đã thanh tẩy chúng ta bằng Bí Tích Thánh Tẩy, đã tái sinh chúng ta bằng Thánh Thần và cứu chuộc chúng ta bằng Máu Thánh. Ước gì được như thế!

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

==========

Suy niệm 2: Tha thứ: Một tặng phẩm tuyệt vời (Ga 20, 19-31)

Tin Mừng theo Thánh Gioan (20, 19-31 ) thuật lại sự kiện Đức Giêsu phục sinh hiện ra gặp gỡ các tông đồ thật là cảm động. Việc đầu tiên Chúa làm là cho các ông thấy những vết thương ở hai tay, hai chân và cạnh sườn. Người nói với các ông: "Bình an cho các con!" Sau khi trao ban bình an cho các môn đệ, Chúa đã biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của lòng Chúa thương xót, khi đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó cho các ông xem. Tiếp đến Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" ( Ga 20, 21- 23).

Phản ứng của các môn đệ không phải là sợ hãi, thương cảm hay xấu hổ vì đã bỏ rơi hay chối Thầy, nhưng là sự vui mừng và bình an. "Các môn đệ lòng đầy mừng rỡ khi nhìn thấy Chúa" (Ga 20,20). Mừng vì thấy dấu ấn của tình yêu Chúa trong những dấu vết đinh.

Những vết thương trên bàn chân của Chúa Giêsu, cùng với những vết thương trên ta, chân và cạnh sườn Người tạo thành "Năm Dấu Thánh" mà Chúa Giêsu đã cho các môn đệ xem sau khi sống lại đều do đinh đóng xuyên lòng bàn tay vào thập giá. Năm vết thương bao gồm 1) lỗ đinh ở tay phải, 2) lỗ đinh ở tay trái, 3) lỗ đinh ở chân phải, 4) lỗ đinh ở chân trái, 5) vết thương ở thân mình do bị đâm bởi ngọn giáo . 

Vết thương nơi bàn chân Chúa

Chúa Giêsu Cứu Thế đã in dấu chân trên những nẻo đường truyền giáo. Đôi chân ấy mỏi mòn vì đi dạy dỗ chúng sinh. Nay cả hai bàn chân được đóng đinh dính vào nhau, buộc Chúa phải chống đỡ mình trên chiếc đinh xuyên qua hai bàn chân và Thánh Giá. Vì đau đớn hai chân ấy không thể chống đỡ được, Chúa phải luân phiên uốn cong lưng và dùng hai chân để tiếp tục thở. 

Bàn tay từ ái

Khin nhìn ngắm đôi bàn tay Chúa Kitô bị đonhs đinh, làm chúng ta nhớ lại mọi điều lành tay Chúa đã làm trước khi bị đóng vào thập giá một cách bất công. Tay của Đức Kitô, trước hết đó là bàn tay chúc lành và ưu tiên cho trẻ em (x.Mt 19,13) ; chữa lành các bệnh nhân (x. Lc 4,40)

Bàn tay đã mang lại ánh sáng cho người mù (x.Mc 8,25); Làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (x.Mc 8,6). Cũng bàn tay đó đem lại sự sống cho tràng trai khi “đến gần sờ vào cáng” và làm cho anh sống lại. “Giao anh ta lại cho mẹ” để mẹ con được đoàn (x. Lc 7,15).

Đôi bàn tay đã làm bao điều kỳ diệu, đã đem lại biết bao điều lành, bây giờ lại bị đục thủng. Hai lỗ nơi hai bàn tay mà Chúa Giêsu Phục Sinh bảo Tôma sỏ ngón tay vào đã tuôn trào nguồn suối tình yêu.

Máu cùng nước từ cạnh sườn chảy ra

Cạnh sườn ấy có trái tim rung động cảm thương người mù kêu xin, sờ vào mắt họ để họ được sáng (x.Lc18,35-43; Mt 20,29-34). Cạnh sườn ấy có trái tim thấu cảm trước nỗi đau của người khác (Dt  4,15). Khi chữa lành một phụ nữ bị rong huyết 12 năm, thật là khổ sở. Trái tim ấy buồn rầu ứa lệ thương khóc Lagiarô (x.Ga 11,33,35). Trái tim ấy chủ động giúp người khác khi chứng kiến cảnh người góa phụ đi chôn cất con. Không ai phải xin Chúa giúp, lòng trắc ẩn đã thúc đẩy Chúa hành động. Cạnh sườn ấy có trái tim: “Khi thấy đoàn dân, Người động lòng thương cảm vì họ bị hà hiếp và bỏ rơi như chiên không có người chăn” (Mt 9,35, 36). Nay cạnh sườn ấy bị đâm thâu, máu cùng nước chảy ra tuôn trào hồng ân thương xót và tha thứ.

Tha thứ: tặng phẩm tuyệt vời từ lòng thương xót Chúa

Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi Phục Sinh. Những vết thương vinh quang, mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.

Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới hôm nay cần thiết biết bao sự tha thứ của Thiên Chúa!

Những chiếc đinh đâm thủng thân xác Chúa đã trở thành những chìa khóa chìa khóa để định lượng lòng thương xót vô bờ của Chúa và mở ra kho báu các bí ẩn của Người và cho thấy ý định của Chúa. Những vết thương của Người là biểu hiện rõ ràng rằng Thiên Chúa ở trong Đức Giêsu Kitô, và đã hòa giải tội nhân với Chúa.

Lạy Chúa Giêsu rất dụi hiền, nhờ những vết thương thánh trên thân thể Chúa, xin tha thứ tội lỗi chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

==========

Suy niệm 3: Ở LẠI NƠI CUNG LÒNG XÓT THƯƠNG
 
Kính thưa cộng đoàn dân Chúa, lời Thánh vịnh trong bài đáp ca hôm nay nhắc nhớ chúng ta: “Hãy cảm tạ Chúa vì Chúa hảo tâm, vì lòng từ bi của Người muôn thuở” (Tv 117, 1). Chúa đã sống lại hiển vinh, mang lại ơn cứu độ cho chúng ta, dù chúng ta đáng phải chết; nhưng nhờ sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô, chúng ta được sống và sống dồi dào. Trong Tin Mừng hôm nay, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Ki-tô Phục Sinh và Thánh Tô-ma Tông đồ, gợi lên cho chúng ta ơn gọi và sứ mệnh của mỗi người Ki-tô hữu chúng ta, đó là: tuyên xưng và làm chứng cho Chúa Phục Sinh qua việc: ở lại nơi cung lòng xót thương của Chúa.
Như Thánh Tô-ma được mời gọi đặt tay vào cạnh sườn và dấu đinh của Chúa Phục Sinh vẫn trong thân xác bị đóng đinh, chịu khổ hình và tử nạn, thì chúng ta cũng được mời gọi như vậy. Một khi chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh khổ đau, nỗi mất mát, vết thương thể lý hay tinh thần của anh chị em, chúng ta được cảm nhận và cảm thông với anh chị em hơn. Mặc khác, khi ấy chúng ta được ở lại nơi cùng lòng thương xót vô biên, tha thứ của Chúa nữa. Và đây chính là cảm nghiệm sâu xa của cộng đoàn dân Chúa tiên khởi như bài đọc I trình bày “Mọi tín hữu đều đồng tâm nhất trí...số người tin vào Chúa ngày càng gia tăng” (Cv 5, 12.14) Thiết nghĩ, chỉ có những ai đón nhận, sống và ở lại nơi cung lòng thương xót của Chúa Phục Sinh thì mới có thể trải nghiệm và tín thác như vậy.
Như chúng ta biết, ông Tô-ma thường được gán ghép với biệt danh ‘Tô-ma cứng lòng tin’; tuy nhiên, nếu chúng ta đọc kỹ, suy niệm một cách thấu đáo thì có thể chúng ta đồng cảm với ông hơn. Với sự thương tiếc mất mát khi phải chứng kiến Thầy-Chúa của mình bị người ta chế giễu, lên án, đóng đinh, chết một cách nhục nhã trên thập giá, thì lòng ông tan nát, buồn rầu, và trông mong được gặp lại Thầy-Chúa của ông chẳng phải trong thân xác không tì vết đau thương, dấu đinh, mà vượt trên điều đó, là một thân xác vinh quang nhưng còn mang vết đâm nơi cạnh nương long và những lỗ đinh in hằn vì nỗi yếu hèn của ông, tội lỗi của nhân loại, và của chúng ta. Giờ đây, trong giây phút ngắn ngủi này, chúng ta cùng đặt mình vào hoàn cảnh của thánh Tô-ma Tông đồ, và tưởng tượng nếu chúng ta được đặt bàn tay nhỏ bé, chai sạn của mình vào cạnh sườn cũng như dấu đinh nơi tay chân của Chúa, thì khi ấy chúng ta cảm nhận ra sao? Chúng ta có dám ở mãi trong ấy? Chúng ta có dám cùng Ngài chịu đau thương, chịu chết, bỏ đi những yếu hèn, những gì mà làm Chúa phiền lòng không? Chúng ta có dám hy sinh, chết đi chính mình và liều mình cho anh chị em chăng? Chúng ta có dám xin Chúa cho được hiệp thông vào cuộc khổ nạn của Ngài? Chúng ta có muốn ở lại nơi lòng thương xót của Chúa, bỏ đi những thú vui, đam mê chóng qua, danh vọng hão huyền, tham vọng dẫn đến lỗi tội, để hầu dấn thân trọn vẹn vào đời sống tuyên xưng và làm chứng như Thánh Tô-ma Tông đồ đã thốt lên lời tuyên tín ngắn gọn nhưng chất chứa hoàn toàn lời xác tín vào Chúa Ki-tô Phục Sinh “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28). Nghĩa là Chúa thật là Thiên Chúa đời con, nhưng Ngài đã mặc lấy xác phàm, trở nên thân phận con người yếu đuối như con hầu cứu chuộc con với cả tình yêu, lòng thương xót vô biên.
Ước chi lời tuyên xưng này cũng khắc ghi trên môi miệng, lời nói, trong tâm tư, qua hành động sống đức tin Phục Sinh trong đời sống hằng ngày của mỗi chúng ta:
                                          “Bình an cho các con!”
                                          Lời cầu chúc sắt son
                                          Dù bao nỗi nỉ non
                                          Tình Chúa vẫn vuôn tròn.
                                          Niềm vui Chúa Phục Sinh
                                          Thắng tử thần hiển vinh
                                         Bình an và công chính
                                         Đẹp như ánh bình minh
                                         Tựa nương lòng xót thương
                                         Tuyên xưng trong học đường
                                         Chứng nhân nơi phố phường
                                         Mỗi khoảnh khắc đời thường
                                         Sống vẹn toàn yêu thương. Amen!
 

                                                                                             Lm. Xuân Hy Vọng

==========

Suy niệm 4: BÌNH AN TỪ LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

Nhớ lại thời khắc chống trọi với cơn đại dịch khóc liệt, nhà nhà chứng kiến người thân ra đi đơn độc, chẳng thể viếng thăm, không thể tiễn biệt; người người nơi xa xôi chỉ biết liên lạc với nhau qua mạng truyền thông, và rồi khi thân bằng quyến thuộc từ giã cõi đời, cũng chẳng hề hay biết, mãi cho tới lúc trông thấy thông tin trên internet…Ôi vô vàn chuyện tan thương, bao nỗi đau đớn hằn sâu nơi con người giữa cơn dịch bệnh kinh hoàng này!

Giờ đây, mọi thứ đã trở lại bình thường, nhưng người người vẫn luôn khát khao, chất chứa nỗi niềm đau đáu trong lòng hầu có được sự bình an thâm sâu ngự trị nơi tâm hồn. Thiết nghĩ, đọc đoạn trình thuật Tin Mừng theo Thánh Gio-an hôm nay, chúng ta có thể hiểu được tâm trạng lo âu, bồn chồn của các Tông đồ khi chứng kiến Thầy mình bị đóng đinh, chịu chết nhục nhã trên cây thập giá. Họ sợ hãi, hoảng hốt bỏ trốn, duy chỉ Gio-an ở lại với Mẹ Ma-ri-a và một số người phụ nữ nhiệt tâm khác, can đảm đứng dưới chân thập tự hiệp cùng cuộc tử nạn của Đức Giê-su cho tới lúc mai táng Người trong mồ. Các ông đã lo sợ, bất an, thu mình, không dám ra ngoài. Thấu hiểu nỗi lòng này, Chúa Giê-su Phục Sinh hiện đến chào và chúc bình an cho họ: “Bình an cho các con” (Ga 20, 19. 21. 26).

Lời chào này đơn giản, vỏn vẹn năm từ, nhưng sự bình an này không đơn thuần chỉ an ủi, hay mang lại điều yên ổn cho các Tông đồ, mà còn chữa lành tâm hồn tan thương, bất an, u sầu, hoang mang của họ. Sự bình an này khởi nguồn từ lòng từ bi lân tuất, từ lòng xót thương không bờ bến, từ lòng bao dung tha thứ, đã cảm hoá con người yếu hèn, tội lỗi của các Tông đồ, và của chúng ta. Hơn nữa, sự bình an này được chính Chúa Giê-su Ki-tô Phục Sinh trao ban. Người đã chiến thắng sự chết, huỷ diệt bóng tối vây quanh con người, đánh bại tử thần, và đập tan ‘bức tường’ sau hết mà ai trong chúng ta sớm muộn gì cũng phải đối mặt. Vì chưng, Người là “Đấng trước hết và là Đấng sau cùng, là Đấng hằng sống; Người đã chết, nhưng đây vẫn sống đến muôn đời. Người giữ chìa khoá sự chết và địa ngục” (x. Kh 1, 17-18).

Cảm nghiệm sự bình an sâu thẳm trong tâm hồn, đám đông dân chúng đã được chữa lành phần hồn và thân xác như Sách Tông đồ Công vụ thuật lại. Như lời truyền của Chúa Giê-su Phục Sinh: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con…Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại” (Ga 20, 21-23), các Tông đồ đã can đảm bước ra làm chứng cho Thầy mình, trở nên sứ giả bình an đích thực, trở thành khí cụ tình yêu, tha thứ, và làm máng thông ơn xót thương của Người. Chính vì vậy, “số những người nam nữ tin vào Chúa ngày càng gia tăng” (Cv 5, 14). Dừng ở điểm này, chúng ta thử nhìn lại bản thân, nhìn lại gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và tự hỏi: Liệu chúng ta đã-đang cảm nghiệm sự bình an này chăng, hay chỉ mới bám víu vào sự yên ổn, an toàn? Liệu chúng ta đã-đang trở nên chứng nhân của lòng thương xót Chúa, trở thành sứ giả tình yêu và bình an của Chúa Ki-tô Phục Sinh? Liệu chúng ta đã-đang sống lan toả niềm vui của người môn đệ hằng được ngụp lặn trong bình an xuất phát từ nguồn suối xót thương?

Sau cùng, sự bình an của Chúa Ki-tô Phục Sinh dập tắt nỗi sợ hãi sâu kín trong tâm tưởng các Thánh Tông đồ và chúng ta. Sự bình an này tuôn tràn chứa chan nơi tận đáy lòng, len lỏi trong mọi ngõ ngách đời sống chúng ta. Sự bình an mà Chúa Ki-tô Phục Sinh tặng ban, giúp chúng ta nhận ra lòng lân tuất vô biên của Thiên Chúa, chữa lành đức tin yếu hèn của chúng ta, và thúc bách mỗi người chúng ta ra đi trở nên chứng nhân hoà bình - yêu thương - xót thương - tha thứ, vì chưng mọi việc, mọi phép lạ Chúa Giê-su thực hiện không được ghi chép tất cả, nhưng “…các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người” (Ga 20, 31).

Lời cầu:

Lạy Chúa giàu lòng xót thương,

Mãi liên là chốn tựa nương cuộc đời.

Nơi Ngài suối nguồn nghỉ ngơi

An bình tắm mát, ca lời ngợi khen.

Gia dòng chen chúc nhỏ nhen

Sẵn chờ tỉnh thức, ngọn đèn đức tin

Toả lan soi chiếu anh minh

Công bình chân chính, đăng trình chứng nhân. Amen!

Lm. Xuân Hy Vọng

==========

Suy niệm 5:  LẠY THIÊN CHÚA CỦA CON!                  
Sau cái chết như “một tử tội” của Thầy Giêsu, các môn đệ vô cùng khiếp sợ. Ngay cả sau khi Thầy đã sống lại, các ông vẫn chưa hoàn hồn vì nỗi sợ người Do Thái. Vào buổi chiều Chúa nhật, phòng ở của các ông còn đang đóng kín các cửa, bỗng Chúa hiện đến đứng ngay giữa và trấn an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19b). Vì sợ hãi làm cho tâm hồn các ông bị khép kín, sống co cụm, cách biệt các mối tương quan, không gặp gỡ giao tiếp với ai. Khi có Chúa ở giữa với lời ban bình an, các ông như được cởi bỏ mối lo sợ đang ngập tràn. Để họ an tâm xác nhận, Người cho các ông xem chân tay và cạnh sườn rồi thổi hơi (ban Thánh Thần) cho các ông. Người truyền sai đi và ban quyền tha tội cho các ông. Có sự hiện diện với ơn bình an của Chúa Phục Sinh, các ông như được mở tung cõi lòng, như tia nắng mới, làn gió mát ùa vào khiến họ tự tin vững vàng để làm chứng cho Thầy mà không sợ hãi. Sự bình an của Chúa là ơn đặc biệt mà “thế gian chẳng thể ban được”. Sự bình an luôn là niềm khát vọng ngàn đời của cả nhân loại.
Lần trước Chúa hiện đến với các môn đệ thì ông Tôma vắng mặt. Các môn đệ khác nói lại nhưng ông không tin. Có lẽ nhiều người hôm nay chê trách Tôma quá cứng lòng. Nhưng thật ra, Chúa Giêsu đã chết rồi “tự sống lại” là chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử, ông lại không nhìn thấy nên thật khó để tin. Ông đại diện cho những người không sống theo dư luận, không hùa theo đám đông khi chưa nhìn rõ sự việc gì hệ trọng, mà phải là mắt thấy, tai nghe và tay rờ. Tin Mừng hôm nay là chuyện tám ngày sau, hôm ấy ông Tôma cùng ở đó và đã nhìn rõ Thầy mình. Chắc chắn ông đã tin, nhưng biết lòng người môn đệ này, Chúa còn lấy tình thân thương mà “nhắc nhủ” riêng ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” (Ga 20, 27). Lúc này ông vừa tin, vừa yêu, vừa kính sợ và chỉ còn biết kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Tình yêu và sự bình an của Chúa Phục Sinh đã tràn ngập tâm hồn ông, khiến ông cảm nhận thật rõ lòng thương xót của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh! Hôm nay là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, vì tình yêu và lòng xót thương, Chúa đã chịu chết, chịu lưỡi đòng đâm thấu Trái Tim, để từ đây Máu và Nước đã tuôn trào như suối nguồn thương xót chúng con. Như thánh Tôma Tông đồ, xin Chúa cho chúng con luôn cảm nhận, tin yêu và tín thác trọn cuộc đời mình trong Trái Tim yêu thương của Chúa, để đời chúng con luôn sống trong sự bình an của Chúa, lạy Thiên Chúa của con! Amen.

                                                                Én Nhỏ

==========

 
 

 

 

 

 

 

 

 

                    
                    
 

 

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo Xứ Phú Nghĩa – Ba Vì: Trao Bằng Giáo Lý Viên Cấp I Và Tổ Chức Thi Giáo Lý, Kinh Nguyện Mùa Chay Năm Thánh 2025
Giáo Xứ Phú Nghĩa – Ba Vì: Trao Bằng Giáo Lý Viên Cấp I Và Tổ Chức Thi Giáo Lý, Kinh Nguyện Mùa Chay Năm Thánh 2025
Chúa Nhật Lễ Lá, ngày 13 tháng 4 năm 2025, trong bầu khí linh thiêng và tràn đầy hồng ân của những ngày cuối Mùa Chay, Giáo xứ Phú Nghĩa – Ba Vì đã long trọng tổ chức Thánh lễ tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, khai mạc Tuần Thánh, và kết hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho cộng đoàn dân Chúa, đặc biệt là các em thiếu nhi trong giáo xứ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log