Chúa nhật 27 TNA - “Những kẻ làm vườn nho giết người hay là sự nhẫn nại của Thiên Chúa”.
Cập nhật lúc 16:21 04/10/2014
Rõ ràng là qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu trực tiếp nhắm tới giới cầm quyền đạo đời Do Thái âm mưu giết Ngài và rồi đưa Ngài ra khỏi thành, kết án tử hình thập giá Ngài trên đồi Golgotha.
Nhiều người sẽ nói rằng dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay có ý bài Do Thái. Thật vậy, Chúa Giêsu kể câu chuyện này một cách rõ ràng: vườn nho không phải là dân tộc Do Thái được Chúa tuyển chọn đó sao? Những người đầy tớ được sai đến để thu phần hoa lợi phải chăng không là các tiên tri ư? Người Con Trai, phải chăng không là Chúa Giêsu mà họ đã giết ư? Như vậy người Do Thái bị tố cáo là những tay đao phủ. Cuối cùng, Chúa Giêsu bị họ ruồng bỏ lại trở nên hòn đá góc của dân tộc mới được tuyển chọn, là dân tộc kitô giáo. Phải chăng từ đó đến nay thế giới vẫn tiếp tục bài Do Thái?
Đây có lẽ là một lối giai thích quá đơn giản và mang tính chính trị hơn là tôn giáo. Phúc Âm của Chúa Giêsu không phải chỉ có giá trị lịch sử, mà còn có giá trị hiện thực. Qua bài Phúc Âm này, Chúa Giêsu muốn nhắm tới tất cả mọi người mà Ngài đã mời gọi, tuyển chọn và yêu mến, rồi một ngày nào đó chính họ lại bỏ rơi Ngài. Những người đó có thể là mỗi người chúng ta? Tốt hơn cả là chúng ta hãy dán cái nhìn vào thái độ của ông chủ vườn nho. Chúng ta đừng gọi câu chuyện hôm nay là dụ ngôn ám chỉ những người làm vườn nho giết người nữa, mà nên gọi là dụ ngôn về sự nhẫn nại và tốt lành của Thiên Chúa, Đấng mà con người từ chối và vô ơn, nhưng Ngài vẫn cứ yêu. Cha Henri Huvelin nói: “Chỉ có tình yêu trong Thiên Chúa mới giải thích được tất cả”. Lịch sử cứu độ đã giải thích cho chúng ta điều đó: Thiên Chúa dùng muôn vàn cách thế để thiết lập một giao ước tình yêu đối với con người.
Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Ngài có những cử chỉ hướng về chúng ta trước. Ngài có những sáng kiến trước, nuông chiều trước để quyến rũ chúng ta. Ngài cũng chú ý và ân ần đến dân tộc tuyển chọn Israel như là đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng là vườn nho của Ngài.
Thiên Chúa đã chọn và gieo trồng chúng ta trong mảnh đất của một gia đình đầy ánh sáng mặt trời là đức tin hay các giá trị đích thực khác. Ngài tạo nên trong chúng ta biết bao cơ hội tốt! Biết bao nhiêu ân huệ mà chúng ta nhận được từ nơi Ngài, nhưng chúng ta lại không ý thức được điều đó. Khi được ghép vào gốc nho là chính Chúa Kitô, chúng ta được tưới bằng nhựa sống thần linh và TC rất hãnh diện vì chúng ta. Thỉnh thoảng Ngài tỉa nhánh chúng ta, nhưng là để chúng ta sinh nhiều hoa trái.
Vào một ngày nào đó, ông chủ vườn nho trẩy đi phương xa. Cuộc ra đi nầy người ta có thể giải thích là một sự thử thách hay đúng hơn như là một trách nhiệm được trao phó cho những người làm vườn nho. Đó là cách thế Thiên Chúa thường dùng: có những lúc Ngài quan tâm, nhưng có những lúc Ngài im lặng. Vì thế, chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy Thiên Chúa không can thiệp vào những biến cố trong đời sống chúng ta. Ngài đi phương xa để chúng ta ý thức về trách nhiệm của mình hơn. Chúng ta đừng chờ đợi những phép lạ nho nhỏ khi chúng ta gặp một vài khó khăn nào đó. Khi Thiên Chúa bỏ rơi hoặc thờ ơ với chúng ta, chính là một trong những hình thức cao cả nhất của tình yêu.
Tuy nhiên, vườn nho là thuộc về Chúa. Ngài trao phó vườn nho đó cho người làm vườn, nhưng ngưòi làm vườn cũng chỉ là người quản lý mà thôi. Họ không có thể chiếm hữu vườn nho đó được, sớm hoặc muộn họ phải trả lại hoa lợi cho chủ.
- Mặc dù được trao trách nhiệm và tự do, con người không được phép làm bất luận điều gì ngoài ý muốn của Thiên Chúa.
- Mặc dù được chọn trong các dân tộc, Israel không được phép quên những điều khoản của giao ước tình yêu mà họ đã ký với Thiên Chúa.
- Mặc dù tự do và được phép thích ứng với những tiến triển của thế giới, GH cũng không được phép quyết định những gì không phù hợp với ý muốn của Vị Hôn Phu mình, là Đức Kitô.
- Mặc dù có những lối sống mới của thế giới hôm nay, GH không bao giờ cho phép hôn nhân đồng tính, chết êm dịu hoặc chiến tranh phòng thủ.
- Mặc dù được mời gọi tự do thành con cái Thiên Chúa, chúng ta cũng không được phép làm bất luận điều gì chống lại Thánh Ý Chúa.
Chính vì thế và cũng chính vì yêu mà Thiên Chúa gửi nhiều sứ điệp đến cho con người để nhắc nhớ họ về lời hứa và bổn phận của họ phải chu toàn. Còn con người thì vẫn cứ cúng đầu cứng cổ!
Trước thất bại của những người đầy tớ được sai đến đều bị giết, ông chủ vườn nho có những phương thế lớn hơn: ông sai chính con một duy nhất của mình đến, vì nghĩ rằng họ sẽ kính nể con trai mình. Thế nhưng, phương thế này của ông chủ dường như là quá ngây ngô, vì khi những người làm vườn nho vừa thấy con trai ông chủ đến, liền bảo nhau: “Đứa con thừa tự kia rồi: nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”!
Đối diện với sự cứng đầu của con người, tình yêu của Thiên Chúa buộc Ngài phải có một hành động điên rồ là gửi đến đứa con duy nhất của mình! Điên rồ đến nỗi sai con mình đến chỗ chết. Điên rồ đến nỗi cái chết của con Ngài cũng vô ích đối với một số người. Điên rồ đến nỗi Ngài yêu mến con người bằng cách cứu độ con người bằng mọi giá!
Rõ ràng là qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu trực tiếp nhắm tới giới cầm quyền đạo đời Do Thái âm mưu giết Ngài và rồi đưa Ngài ra khỏi thành, kết án tử hình thập giá Ngài trên đồi Golgotha. Ngài nghĩ đến tất cả những người thờ ơ và bỏ rơi Ngài. Còn gì là tệ hơn sự thờ ơ? Trên con đường chúng ta đi, Thiên Chúa cho chúng ta gặp thấy biết bao vị tiên tri, biết bao vị thánh của thời đại, nhưng chúng ta lại không muốn nghe sứ điệp của họ. Chúng ta nhìn họ như những người cuồng nhiệt và điên điên khùng khùng của Thiên Chúa. Rất nhiều lần Thiên Chúa làm cho chúng ta gặp được con của Ngài thực sự; những lúc đó chúng ta hiểu rằng Chúa Kitô làm thoả mãn suốt cuộc đời chúng ta và nếu không có Ngài, cuộc đời chúng ta chả là gì. Tại sao chúng ta lại chóng quên đến thế ? Khi quên, chính là lúc chúng ta loại trừ con trai duy nhất của Thiên Chúa khỏi chặng đường cuộc đời của chúng ta đi.
Chúng ta để ý trong dụ ngôn này Chúa Giêsu có cởi nút ở chỗ nào không? Cũng như trong một số bộ phim, chính các khán giả có thể chọn kết luận. Một cách tế nhị, Chúa Giêsu cũng muốn như vậy: Ý kiến của anh em thế nào, anh em có nghe tôi, đó là tuỳ ý kiến của anh em? Ông chủ vườn nho sẽ làm gì, khi mà ông biết đứa con trai của mình bị giết. Dù không lên án trực tiếp những kẻ làm vườn nho đó chỉ vì tình yêu, nhưng các khán giả cũng đưa ra ý kiến là nên làm cho bọn chúng phải suy vong và trao vườn nho cho những người khác.
Chúa Giêsu không đồng ý, nhưng Ngài cũng không loại trừ giải pháp đó vì những kẻ giết người bao giờ cũng sẽ phải lên án. Thiên Chúa luôn công bằng. Ngược lại, Chúa Giêsu thêm: Thiên Chúa không luận tội nhân loại này vì họ không hiểu biết gì.
Tình yêu và sự nhẫn nại của Thiên Chúa là không bến bờ. Con người sẽ không thể làm cho Thiên Chúa thất vọng vì yêu họ. Cái chết của Chúa Con sẽ trở nên điểm khởi của một giao ước tình yêu mới. Con Thiên Chúa trở nên hòn đá góc tường mà trên đó một dân mới sẽ được xây cất lên, đó là GH vĩnh viễn. Các thợ vườn nho khác sẽ làm việc trong vườn nho mới. Họ sẽ cùng với Con Thiên Chúa trở nên những người thừa tự và sở hữu gia tài mà những kẻ giết người muốn chiếm đoạt. Họ thuộc mọi chủng tộc trên thế giới, không loại trừ những người Do Thái, vì những người Do Thái cũng là những người đầu tiên được mời gọi thiết lập dân mới. Thánh Phaolo nói : “Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa”.
GH là dân mới của Thiên Chúa, nhưng phải khiêm nhường. Người ta được cứu độ không phải là chỉ ghi tên mình có đạo trong danh sách của giáo xứ. GH là nhân loại được giao hoà với Thiên Chúa.
Lm. Ga Đặng Văn Nghĩa