Thứ ba, 26/11/2024

Nhẫn nại đợi chờ!

Cập nhật lúc 23:23 18/07/2014

Nước Trời là một mầu nhiệm, Chúa Giêsu đã mạc khải và thiết lập trong lịch sử nhân loại. Qua những hình ảnh đơn sơ, bình dị, gần gũi với cuộc sống, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy về Nước Trời.

Chúa nhật trước với dụ ngôn "người gieo giống",Chúa Giêsu cho thấy Nước Trời đã khai mạc. Cũng như người gieo giống đi gieo hạt trên khắp cánh đồng, Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Lời Chúa. Hạt giống ấy tăng trưởng trổ sinh hoa trái nơi mỗi người ra sao là tùy thái độ đón nhận của từng người ấy.

Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giảng dạy về Nước Trời bằng dụ ngôn "lúa và cỏ lùng". Như vậy, sau khi nói đến việc khai mạc Nước Trời, Người nói đến sự phát triển của Nước Trời trong lịch sử trần thế.

Chúa Giêsu đã khởi đầu công trình của Người với một nhóm nhỏ Mười Hai Tông Đồ. Sự khiêm tốn của "hạt cải bé nhỏ được gieo vào lòng đất bao la". Sự khiêm tốn của "một nắm men bị vùi sâu vào ba đấu bột". Điều kỳ diệu là "hạt bé hơn mọi thứ hạt giống" lại "trở thành cây cao bóng cả đến nỗi chim trời có thể đến nương náu nơi ngành nó". Nắm men ít ỏi kia lại có khả năng làm dậy lên cả ba đấu bột chôn vùi nó. Cũng như vậy, Nước Trời sẽ vươn xa vươn rộng cho muôn dân nước đến nương nhờ. Hạt giống Nước Trời đã làm dậy lên cả thế giới bằng một tinh thần mới của Tin Mừng,biến đổi lịch sử trong tình thương và hòa bình.

Một vấn nạn luôn được đặt ra: Nếu Nước Trời đã được Chúa Giêsu thiết lập cách đây hơn 20 thế kỷ và nếu Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng xót thương thì tại sao cho đến nay, cuộc sống con người vẫn đầy dẫy bất công,bạo lực,khổ đau,chiến tranh tương tàn, và xem ra sự dữ có chiều hướng gia tăng? Đôi khi những người xấu xa tội lỗi gian manh, lại giàu có sung túc trong đời sống vật chất hơn những người lành? Vấn nạn này vẫn luôn là trăn trở khôn nguôi người Kitô hữu ở mọi thời đại! Dụ ngôn "lúa và cỏ lùng" giải thích vấn nạn ấy.

Cánh đồng được gieo toàn hạt giống tốt. Thiên Chúa đã gieo vào trần thế những con cái Nước Trời. Ban đêm, kẻ thù xuất hiện. Satan tới gieo cỏ lùng. Thế là có cảnh lẫn lộn trên trần gian. Người lành kẻ dữ cùng chung nhau một mảnh đất. Đang khi hạt giống được gieo giữa ban ngày thì Satan lại lợi dụng đêm tối khi mọi người đã mất cảnh giác, để gieo rắc tội lỗi. Hành động thấp hèn. "Xấu" chưa chắc đã "hèn", nhưng "hèn" thì chắc chắn là "xấu", bởi lẽ nhiều tay "giang hồ", bặm trợn, vẫn rất ghét thói "ném đá dấu tay", trong khi động cơ, phương tiện và mục đích của những hành động lén lút, luôn là bỉ ổi, xấu xa và hại người.

Thế giới này giống như cánh đồng lúa đầy cỏ lùng xen vào. Những ông thánh sống lẫn lộn với những thằng quỷ, tốt xen lẫn với xấu. Tốt như những tổ chức nhân đạo, nhân quyền, hoà bình thế giới: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc – UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization), Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Quốc tế của Liên Hiệp Quốc – UNICEP (United Nations International Children's Emergency Fund), Tổ chức Lương thục và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc – FAO (United Nations Food anf Agricultural Organization), OLYMPIC (Thế vận hội), WORLD CUP (Túc cầu Thế giới) là những tổ chức xây dựng văn hoá, giáo dục tình thương, bảo vệ sức khoẻ trẻ em, phát triển lương thực thế giới, thăng tiến những tài năng, chăm lo y tế. Nhưng lại có rất nhiều những tổ chức xấu xen vào như Mafia, buôn lậu, ma tuý, vũ khí, khủng bố, trộm cướp, du đãng, buôn bán trẻ em, phim ảnh sách báo đồi truỵ... Đồ thật, hàng tốt bị xen lẫn hàng xấu, đồ giả. Người lương thiện, chân chính bị lẫn lộn với kẻ tham ô, móc ngoặc, bất lương. Những thứ cỏ lùng gai góc đó không bao giờ hết, chỉ đến mùa gặt tận thế, chúng mới bị quét sạch, đốt sạch. Tận thế sẽ thiêu đốt tất cả những thứ cỏ lùng đó, những kẻ xấu, kẻ dữ đó. Còn lúa thì được gánh về, chở về kho. Những thánh nhân, những người lương thiện, công chính sẽ sáng chói trong ngày vinh quang đó, họ được rước vào nước hạnh phúc đời đời.

Thấy cỏ lùng xuất hiện với lúa, các đầy tớ đến hỏi ông chủ: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?" Thấy sự dữ tràn lan trên thế giới, bao nhiêu người thắc mắc: sự dữ, sự ác bởi đâu ra? Chúng ta nhiều lần thấy gian tà thắng ngay lành, bất công thắng công chính, kẻ ác thắng kẻ thiện, nên cũng thất vọng kêu trách: Sao Chúa để kẻ dữ sống lâu, mạnh khoẻ, giàu sang, may mắn, còn kẻ lành phải khổ cực trăm chiều?

Trước những thắc mắc đó, Chúa đáp: "Kẻ thù đã làm đó!" Kẻ thù là ai? Thánh kinh cho biết có hai thứ kẻ thù: kẻ thù ở trong ta và kẻ thù ở ngoài ta.

Kẻ thù ở ngoài ta có những tên khác nhau: con rắn cám dỗ phỉnh gạt (x. St 3,2.13), con rồng, rắn xưa, quỷ, satan (x. Kh 12,9), con thuồng luồng Leviathan (x. Is 27,1), kẻ thù, kẻ chống đối (x. Mt 13,25; Lc 10,19; 2Cr 6,15). Những kẻ thù này ở ngoài con người, nhưng chúng xâm nhập vào con người sâu hiểm tới độ đồng hoá với bản tính nhân loại. Nhưng chúng sẽ bị "Thiên Thần Chúa từ trời xuống, tay cầm chìa khoá vực thẳm và một dây xích lớn, bắt lấy con rồng, tức là con rắn xưa cũng là ma quỷ satan xích nó... quăng vào vực thẳm, rồi đóng cửa niêm phong lại" (Kh 20, 2-3).

Nhưng một mình quỷ thôi, chúng sẽ bất lực như bất lực đối với Thánh Gióp. Chỉ khi có sự tiếp tay của ta như Eva tiếp nó, nó mới thành kẻ thù trong ta: nó trở nên kẻ nội thù ghê gớm. Nó mọc lên những cỏ lùng, bụi gai, đá sỏi, quỷ dữ (x. Mt 13,18-22). "Vì tự lòng phát xuất ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, chứng gian, vu khống" (Mt 15, 19). Khi chủ cho biết kẻ thù làm đó, thì đầy tớ xin nhổ đi, chủ sợ hại đến lúa, nên ông đáp: "Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt". Thái độ của chủ thật khôn ngoan, ông kiên nhẫn chờ đợi đến mùa gặt, mới nhặt cỏ lùng đốt đi.

Có thể trong tâm tưởng nhiều người lại quy gán cho Thiên Chúa trách nhiệm về tình trạng khổ đau đó, chẳng khác gì câu hỏi ngày xưa: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng ở đâu mà ra?" Một câu hỏi không lên án, nhưng chứa đựng sự nghi ngờ.

Để trả lời cho vấn nạn đó, Chúa Giêsu đã lấy lại giáo huấn của sách Sáng Thế: Sự ác không đến từ Thiên Chúa. Ngài chỉ gieo hạt giống tốt lành vào mảnh đất người đời. Sự ác cũng không chỉ đến từ tâm trí con người, nhưng nó đã có trước đó. Sự dữ cũng là một mầu nhiệm. Đối với Chúa Giêsu, con người là nạn nhân của sức mạnh mà Người gọi là "Kẻ thù", là "Quỹ dữ" như cách diễn tả trong dụ ngôn: "Khi mọi người đang ngũ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng rồi đi mất". Ở cội nguồn tội lỗi của con người, còn có một sức mạnh luôn tìm cách phá hoại công trình của Thiên Chúa và hành tung của nó rất bí mật. Đó là quỷ dữ lợi dụng đêm tối để gieo rắc tội lỗi rồi trốn đi.Thánh Phaolô đã nói về sự dữ trong thư Rôma: Công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa tốt lành. Satan đã cám dỗ Adam, Eva, Nguyên Tổ sa ngã, tội lỗi sinh ra đau khổ và sự chết rồi nó như con bạch tuộc vươn vòi vào trần thế, con người nô lệ cho tội lỗi và nhận lấy án phạt là sự chết (x.Rm 1,20 -31;15,12). Ma quỷ luôn có mặt để gieo rắc sự xấu.

Thiên Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hòa bình. Đẹp biết bao khi mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng thực tế lại đáng buồn thay! Cánh đồng hòa bình tươi xanh đã bị những cỏ dại của tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn đau vì không lúc nào mà không có chiến tranh.

Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần chung tay xây dựng! Nhưng thật đáng tiếc, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người. Đó là những hạt cỏ xấu do ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt. Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa. Cái tốt, cái xấu đan xen trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, hạt mầm sự sống và nọc độc sự chết, cùng sống chung. Mỗi con người chắc chắn đều có kinh nghiệm bản thân như Thánh Phaolô đã từng kinh nghiệm "Điều lành tôi muốn làm, tôi lại không làm, còn điều dữ tôi không muốn làm, nhưng tôi lại cứ làm (Rm 7,19).

Con người có tự do để chọn lựa cái đúng, cái sai, chọn cái tốt, cái xấu. Nước Trời cũng gồm những con người có tự do, thì cũng có những người xấu do chọn lựa sai lầm. Cảm nhận được sự thật ấy trong tâm hồn mình để chúng ta biết khoan dung trong cách nhìn về người khác. Sự khoan dung không đồng nghĩa với đầu hàng cái ác, nhưng phát xuất từ niềm tin vững chắc vào sự tất thắng của Nước Trời: "Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi". Cho dù cỏ lùng có bóp nghẹt lúa tốt trong một thời gian dài, nhưng mùa gặt đến, cỏ lùng sẽ bị gom lại và đốt đi, còn lúa tốt được cất vào kho lẫm.

Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt được,nhưng người xấu có thể hoán cải để nên người tốt. Thiên Chúa ghét tội lỗi, nhưng lại yêu mến tội nhân vì Người chờ nơi họ lòng thống hối để được thứ tha (x.Rm 2,4). Chính vì thế mà Thiên Chúa kiên tâm chờ đợi. Chờ đợi vì Thiên Chúa tin vào sự hoán cải của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa tôn trọng tự do lựa chọn của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa nuôi một niềm hy vọng lớn lao.Thiên Chúa vẫn luôn nhẫn nại đợi chờ cho đến ngày tận thế " cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt".

Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở trong tim con người. Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa Thiên Thần và Satan.Tự do chọn lựa là quyền mỗi người.Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng trong con người. Thiên Chúa nhẫn nại đợi chờ con người thanh luyện dần dần và hy vọng mọi sự trong họ sẽ thành lúa tốt.

Lạy Chúa, xin cho con nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường ghập ghềnh cuộc đời, trong thác dốc tâm hồn với tất cả niềm tin và hy vọng. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log