Trước hết chúng ta hãy khẳng định rằng việc Chúa Giêsu chữa anh mù hôm nay không theo qui tắc của một bác sỹ hoặc một biện pháp ma thuật, nhưng là một phép la, vì anh này mù từ khi mới sinh, mắt anh ta không thể nhìn thấy được. Nhưng phép lạ này diễn ra từ từ, chứ không phải xẩy ra trong chốc nhát:
Phản ứng đầu tiên của anh mù đối với Chúa Giêsu là nhìn nhận Chúa Giêsu giống như người bình thường khác. Bởi vì khi có vài người hỏi tại sao anh khỏi mù, anh liền trả lời: “Người mà thiên hạ gọi là Giêsu, đã lấy bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến Silôê mà rửa. Thế là tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy”.
Phản ứng thứ hai của anh mù đối với Chúa Giêsu, khi nhóm Pharisiêu điều tra anh: “Mày bảo ông Giêsu chữa cho mày khỏi mù à! Vậy mày cho rằng ông ấy là ai?”, anh liền đáp lại: “Ông ấy là một tiên tri”. Câu trả lời đó chứng tỏ nhận thức nhảy vọt của anh mù về Chúa Giêsu. Càng suy nghĩ về sự kiện xẩy ra anh càng xác tín Chúa Giêsu không phải chỉ là một con người như bao người khác, mà còn là một vị tiên tri.
Và cuối cùng, anh mù gặp được Chúa Giêsu mặt đối mặt, vì khi anh đi rửa mắt ở hồ Silôê về, thì Chúa Giêsu không còn quanh quẩn ở đó nữa. Bây giờ, khi gặp lại anh, Chúa Giêsu nhìn thẳng vào mắt anh và nói: “Anh có tin vào Con Thiên Chúa không?” Anh ta trả lời: “Thưa Ngài, nhưng Ngài là ai để tôi tin?” Chúa Giêsu trả lời: “Anh đang nhìn thấy Người và chính người đang nói với anh”.Anh ta liền nói : “Lạy Ngài, tôi tin”. Vừa nói anh vừa quì xuống trước mặt Chúa Giêsu.
Như vậy, từ nhận thức Chúa Giêsu chỉ là một con người bình thường và sau đó là một vị tiên tri, đến việc nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, anh mù đã có Đức Tin và cuối cùng anh quì xuống thờ lạy Ngài. Ân sủng đức tin, ánh sáng tâm linh mà Chúa Giêsu ban cho anh còn kỳ diệu hơn cả sự phục hồi về thị giác. (trong nhà thờ đây cũng có nhiều anh chị tân tòng có được một đức tin như vậy).
Tuy nhiên, tất cả những người chứng kiến việc Chúa Giêsu chữa anh mù hôm nay, không phải là ai cũng tin vào phép lạ của Ngài. Cụ thể là những người Pharisiêu, họ từ chối phép lạ. Họ không muốn thấy điều làm họ dễ thấy nhất. Họ từ chối điều hiển nhiên. Tại sao thế? Đơn giản là vì Chúa Giêsu đã không tuân giữ ngày sabat. Chúa Giêsu đã chữa bệnh. Có nghĩa là làm việc xác ngày sabat và như vậy là lỗi luật Môisê. Ai không tôn trọng Lề Luật của Thiên Chúa, thì không thuộc về Thiên Chúa. Vì thế Chúa Giêsu không thuộc về Thiên Chúa. Đúng là kiểu tam đoạn luận không thể tránh khỏi. Thế nhưng thử hỏi: có được phép cấm Thiên Chúa làm phép lạ trong ngày lễ nghỉ không? Những người thông thái Pharisiêu đã sai lầm và Chúa Giêsu khẳng định rằng họ là những người không thể tha thứ được vì từ chối sự hiển nhiên của phép lạ. Họ cố tình trong sự mù quáng, mà trong khi đó anh mù không ngừng bước đi trong ánh sáng đức tin.
Phải chăng anh mù hôm nay là biểu tượng của nhân loại đã nằm trong bóng tối và đang khám phá ra ánh sáng của Chúa Kitô, Đấng được Thiên Chúa gửi đến không? (Silôê nghĩa là Đấng được sai đến). Đúng thế. Chúng ta cũng là anh mù. Chúng ta đã dìm mình trong giếng nước rửa tội, nhưng thỉnh thoảng chúng ta lại nhận thấy mình mù quáng: Đức tin suy giảm và hay đòi hỏi dấu lạ. Chúng ta hay lúng túng khi Thiên Chúa để cho sự dữ hay bệnh tật tấn công những người hiền lành.
Dấu lạ ngày nay đâu có thiếu: những dấu lạ lớn lao, như Thiên Chúa tạo dựng, Chúa Giêsu đã sống lại là điểm khởi đức tin mạnh mẽ của các Thánh Tông Đồ, Giáo Hội dù bị bách hại nhưng vẫn đứng vững, Sách Phúc Âm, quyển sách luôn luôn trẻ trung và sống động mà biết bao người dù không kitô vẫn thích đọc; và còn biết bao những dấu lạ khác sờ sờ mà chúng ta vẫn mù quáng không nhận ra. Chính là vì chúng ta không muốn thấy và không muốn tìm kiếm dấu vết của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta không muốn thấy và không tìm kiếm vì quá kiêu ngạo, trẻ sợi tóc làm 4 theo kiểu toán học đối với những vấn đề thuộc lãnh vực tâm linh.
Có thể chúng ta không muốn tin nữa vì chúng ta sợ Thiên Chúa, sợ ánh sáng và sợ phải thay đổi cuộc sống. Chúng ta chẳng khác gì những người Pharisiêu hôm nay không muốn tin Chúa. Có thể chúng ta không đứng vững trước vấn đề của sự dữ.
Cần phải biết rằng: bao lâu thế gian này còn tồn tại, thì sự dữ sẽ không bao giờ hết. Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy rất rõ; chính các tông đồ cũng đã hỏi Chúa: “Tại sao anh này lại mù từ khi mới sinh, có phải bởi tội cha mẹ anh hay là Thiên Chúa trừng phạt”. Câu hỏi này vẫn luôn có tính thời sự: “Tại sao lại có SIDA?” “Có phải là Thiên Chúa trừng phạt tội lỗi nhân loại không?”
Chúa Giêsu trả lời chúng ta về vấn đề này: “Không phải chút nào! Thiên Chúa không bao giờ độc dữ và tàn ác”. Nếu sự dữ xuất hiện theo cách thế của nó, thì Thiên Chúa là nạn nhân đầu tiên và Ngài cũng là người chịu đau khổ trước hết. Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay: “Ta muốn chống lại sự dữ và làm cho nhân loại khỏi đui mù”. Vì thế sự dữ là cơ hội chứng tỏ tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa muốn nâng đỡ và chữa lành những con người đau khổ. Và câu trả lời chính xác về mầu nhiệm của sự dữ, là hãy nhìn thập giá Chúa Giêsu. Chúa không có tội, Chúa quyền năng, tại sao Ngài phải chịu đau khổ đến thế? Chúa muốn thế vì yêu và vì muốn chữa lành tội lỗi của chúng ta. Thánh nữ Bênadeta đã cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, khi nhìn lên thập Chúa, con sẽ không còn nghĩ đến thập giá của con nữa”.
Cộng đoàn thân mến! Bài Phúc Âm hôm nay cũng phản ảnh hình ảnh thực tế cuộc sống con người thời nay. Chúng ta có mắt nhưng nhiều khi giống như người mù. Nhiều người đi ngang qua nhìn thấy anh mù nhưng làm ngơ như không hề nhìn thấy. Tương tự như thế, chúng ta chỉ để mắt nhìn những gì chúng ta muốn, chúng ta chỉ quan tâm đến những người mà chúng ta có cảm tình. Nhiều người vẫn tự hào nhìn nhận mình thuộc thành phần trí thức thông minh, nhưng không hề để tâm chú ý đến cảnh bất công.
Anh mù được Chúa Giêsu chữa lành, nhưng đồng thời cũng lột trần bộ mặt thật của những người xung quanh. Anh làm chứng tá cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là Anh Sáng đích thực, Anh Sáng thế gian, có sức làm tan biến lớp sương mù dày dặc che phủ tầm mắt của chúng ta. Qua Bí tích Rửa tội, Chúa Giêsu đã ban tặng cho chúng ta một cặp mắt lành mạnh. Nhờ đó, chúng ta có thể khám phá ra những khía cạnh tốt đẹp nơi anh chị em sống bên cạnh chúng ta, những ý nghĩa và giá trị của đau khổ. Nếu có con mắt Đức tin đầy tình yêu mến, chúng ta sẽ nhìn thấy và khám phá ra thế giới muôn mầu mang đầy dấu ấn lạ lùng của Thiên Chúa Tình Yêu.