Thứ hai, 23/12/2024

CHỦ NHẬT XX TNA - “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Cập nhật lúc 16:39 16/08/2014
Nếu có một cuốn sách dạy để lời cầu nguyện của chúng ta được Thiên Chúa nhận lời, thì quyển sách đó sẽ là quyển sách bán chạy nhất.

Nếu có một cuốn sách dạy để lời cầu nguyện của chúng ta được Thiên Chúa nhận lời, thì quyển sách đó sẽ là quyển sách bán chạy nhất. Rất có nhiều người tìm mọi cách để buộc Thiên Chúa phải nhận lời họ. Họ đã không ngừng tìm một lực đòn bẩy nào đó để Thiên Chúa có thể can thiệp vào lợi ích của họ. Nhất là trong thời đại của chúng ta, cán bộ nhà nước tham ô, tham nhũng nhiều, người ta thích đi cửa sau, thích đút lót để được một cái gì đó. Do ảnh hưởng xấu như vậy, nhiều khi họ cũng có ý nghĩ cần phải hối lộ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa mới nhận lời: “Lạy Chúa nếu Chúa….. .., thì con hứa với Chúa .. ..…”
Thật đáng tiếc! Trong bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu không đưa ra cho chúng ta bài cầu nguyện thuộc lòng nào để được Thiên Chúa nhận lời. Khi các môn đệ xin Chúa dạy cầu nguyện, Chúa bắt đầu bằng cách chỉ cho các ông thấy rằng trước hết phải thực hiện ý Chúa Cha trên trời chứ không phải là ý của con người. Lời cầu nguyện được Thiên Chúa nhận lời phải xuất phát từ con tim và phải đụng chạm vào con tim của Thiên Chúa. Câu chuyện mà bài Phúc âm hôm nay kể ra, chính là lời cầu nguyện khôn khéo của người phụ nữ ngoại đạo, đáng chúng ta học tập.
Có lẽ Chúa Giêsu cũng có những đám đông muốn hối lộ Ngài, muốn chọn Ngài làm Đấng Mêssia chiến thắng để đem lại lợi ích cho họ. Thế nhưng Ngài đã từ chối. Và rồi họ cũng bỏ Ngài luôn, ngay sau khi lời của Ngài giảng dạy không đáp ứng với tham vọng của họ. Họ bỏ Ngài, Ngài đành phải rút lui.
Hơn một lần, Ngài đến với dân ngoại đạo: Tyro, Sidon và hôm nay là Canaan. Chính những dân ngoại đạo này luôn luôn kéo theo Ngài. Cụ thể là một phụ nữ chạy đến gặp Ngài hôm nay. Phụ nữ này là người Canaan. Canaan là miền ngoại giáo bị người Do Thái đánh bại trong thới kỳ dân Do Thái định cư tại Đất Hứa. Người Do Thái không muốn giao tiếp với người Canaan, vì người Canaan thờ ngẫu tượng, làm ảnh hưởng tới đức tin tinh tuyền của họ. Vì thế, người phụ nữ Canaan hôm nay lại càng bị người Do Thái khinh bỉ hơn bao giờ hết.
Dù sao, bà vẫn cứ tiến đến gặp Chúa và bất chấp những người cùng đi với Chúa khinh chê bà. Bà kêu lớn tiếng: “Xin thương xót tôi”. Đó là một lời than van khiếp sợ của một người đàn bà bị thương tổn vì con gái bà ốm nặng. Nhưng lạ thay, Chúa Giêsu chẳng trả lời gì.
Có lẽ các Tông đồ như là vệ sĩ của Chúa cũng phải thưa với Chúa rằng: “Lạy Thầy, xin Thầy ban cho bà điều bà xin, tiếng kêu của bà chúng con không thể chịu nổi. Xin Thầy thương xót bà để chúng ta bớt rầy rà. Bà làm điếc tai chúng ta rồi đấy!” Chúa Giêsu trả lời như đã trả lời Đức Mẹ ở Cana: “Anh em đừng chọc vào sứ mệnh của Thầy. Công việc đầu tiên của Thầy là hãy đến với chiên lạc nhà Israel. Còn lo lắng đến dân ngoại đạo sẽ là phần việc của anh em”.
Nhưng trong đầu người đàn bà Canaan này, chỉ có một mục tiêu cốt làm sao để Chúa chữa con gái bà, nên bà không xét đến câu trả lời của Chúa cho các tông đồ. Tiếng kêu của bà ngày càng thảm thiết hơn: “Lạy Ngài, xin Ngài cứu tôi” . Chúa Giêsu quay lại nhìn bà: “Này bà, hãy nghe rõ đây! Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Lời nói thật quá phũ phàng và cứng cỏi! Chả nhẽ Chúa Giêsu lại là người dữ tợn đến thế ư? Phải chăng Ngài muốn kiểm chứng đức tin của bà để đưa bà  tới đỉnh cao của tinh thần tín thác?
Đúng thế! Vì tin tưởng vào Chúa, bà này liền thưa với Chúa bằng câu nói khiêm tốn của một con tim biết khám phá và có tính hài hước: “Lạy Thầy, Thầy nói đúng! Thầy có lý, nhưng con không xin Thầy bánh của con cái. Con không có ý định như vậy. Con chỉ là một con chó con thôi và con chó con ấy thế nào cũng được ăn chút ít mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống. Chả nhẽ ông chủ lại cấm con chó ấy không được ăn những miếng bánh vụn đó sao? Lạy Thầy, cúi xin Thầy nhận lời tôi và ban cho con gái tôi chỉ một miếng bánh vụn” . Chúa Giêsu xúc động: “Đức tin của bà mạnh đấy, con bà sẽ được khỏi”.
Khi người đàn bà tín thác này đối đáp để được Chúa chữa con gái bà, Chúa Giêsu liền nghĩ tới tất cả những người ngoại giáo trên thế giới sẽ biết bằng lòng với một mẩu bánh Thánh Thể mà biết bao người công giáo chúng ta no nê một cách khá dễ dàng trong các ngày chủ nhật.
đến đây chúng ta có thể phân tích xem nguyên nhân nào hữu hiệu nhất để lời cầu nguyện được Chúa nhận lời? Chúng ta hãy cám ơn người đàn bà Canaan đã dạy chúng ta con đường tình yêu đối với Chúa Giêsu.
- Chớ gì lời cầu nguyện của chúng ta trong lúc khốn cùng, giống lời cầu nguyện của bà.
-Chớ gì lời cầu nguyện của chúng ta trước hết phải là một tiếng kêu cứu. Chúng ta có thể kêu lên Thiên Chúa những đau khổ của chúng ta, với thái độ rên siết hoặc được phép kêu than. “Khi chúng ta đi cầu nguyện, hãy luôn bắt đầu bằng cách trút bỏ tất cả các gánh nặng, xổ ra những khổ đau cho Thiên Chúa để chúng ta có thể được bình yên và lắng nghe điều Chúa muốn nói với chúng ta”.
“Chúng ta cần phải học biến đổi những than vãn thành lời cầu nguyện rên xiết. Tất cả những thực tại than vãn mà chúng ta gặp phải, thường làm chúng ta ức chế, làm chúng ta nổi cáu. Nhưng nếu tập trung biến đổi thành lời cầu nguyện rên xiết, lúc đó chúng ta sẽ thánh hoá tất cả đời sống chúng ta và sẽ có cái nhìn siêu nhiên hơn nhiều về mọi tình huống”.
- Chớ gì lời cầu nguyện của chúng ta thành lời nguyện phó thác: người đàn bà xứ Canaan, là người ngoại giáo biết phó thác vì bà nhận ra Chúa Giêsu không những là con vua Đavit, mà còn là Chúa. Thái độ lạnh lùng bề ngoài và yên lặng của Chúa Giêsu không làm bà nản lòng. Lời cầu nguyện đòi hỏi phải đầu tư nhẫn nại. “Chả nhẽ Chúa Giêsu không phải là Thầy của cái không có thể hay sao?”. “Đôi khi Chúa yên lặng không trả lời, có thể là tốt hơn với những gì mà chúng ta xin và hy vọng”.
 
- Chớ gì lời cầu nguyện của chúng ta trở thành lời nguyện khiêm nhường: người đàn bà xứ Canaan chẳng đòi hỏi gì. Bà chỉ xin những vụn bánh, xin cái dư thừa. Chúng ta hãy tuỳ thuộc vào ý Chúa để mặc Chúa thực hiện trong chúng ta những khát vọng của Ngài.
- Chớ gì lời cầu nguyện của chúng ta là lời cầu dí dỏm: người đàn bà xứ Canaan với câu trả lời khôn khéo, chứng tỏ bà cũng hóm hỉnh. Tại sao chúng ta lại không hóm hỉnh như bà? Thiên Chúa không phải là một ông vua chuyên chế độc tài. Ngài cũng hóm hỉnh và cũng biết làm chúng ta chưng hửng: “Hóm hỉnh và tình yêu, cả hai cùng đi đôi với nhau. Nếu Thiên Chúa không hóm hỉnh, thì Ngài cũng không yêu”.
Nếu thực sự tin yêu và phó thác vào Chúa, chúng ta có thể thưa với Chúa bằng lời nguyện liều lĩnh như thi sỹ Robert Forst: “Lạy Chúa, nếu Chúa tha cho con những hóm hỉnh nhỏ mà con chơi Chúa, thì con cũng sẽ tha cho Chúa những hóm hỉnh lớn mà Chúa đã chơi con”.Amen.
Lm. Ga Đặng Văn Nghĩa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Kinh Năm Thánh 2025
Kinh Năm Thánh 2025
Đây là Kinh Năm Thánh 2025 được Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn. Bản dịch Việt ngữ do Linh mục Giuse Lê Công Đức, PSS thực hiện và đã được Đức cha Emmanuel Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam phê chuẩn.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log