Trước đây chúng tôi đã viết lên những suy tư: đường Hội Thánh đi là đường vinh quang, là đường khiêm hạ, là đường Thánh Giá. Bây giờ lên đến một giáo hạt gần Tây Bắc, gặp gỡ Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, tiếp xúc với Cha Hạt trưởng hạt Tây Bắc Phú Thọ và các Cha trong vùng này, tôi nhìn thấy rõ ràng một khía cạnh khác: đường Hội Thánh đi là đường phó thác.
Chúng ta còn nhớ Cha Peter Ruston, một linh mục có vợ và ba người con (vì ngài là linh mục Anh giáo sau trở lại Công Giáo, được phép thi hành sứ vụ linh mục). Trong hoàn cảnh như thế mà ngài không được giao việc mục vụ gia đình, mà ngài lại làm linh hướng cho các nữ tu một cách thành công. Chính điều này đã làm ngài phải thốt lên: “Thiên Chúa có tính hài hước”.
Thiên Chúa không thực hiện tất cả những điều con người cầu xin, mà Ngài ban cho họ những điều hơn họ mong ước. Và lắm khi chúng ta thấy đúng như Cha Ruston nói, Chúa hài hước thật, hài hước theo nghĩa là Ngài không thực hiện như con người tưởng. Trong Hội Thánh, rất nhiều khi Ngài để cho con cái Ngài gặp những điều không như ý họ, nhưng như Đức Cha Anphong vẫn nói: “Sự quan phòng của Chúa kỳ diệu lắm”.
Tôi bắt đầu viết những dòng này sau khi chia tay với Đức Cha Anphong ngay tại đền Mẫu Âu Cơ, biên giới tỉnh Phú Thọ và Yên Bái, nơi đất Phong châu xưa, thuở mẹ Âu Cơ theo truyền thuyết dẫn 50 con đến cư ngụ. Chúng tôi chia tay với Đức Cha ở đó và ngài tiếp tục cuộc hành trình mục vụ lên miền núi Tây Bắc xa xôi trắc trở.
Tôi nói nhỏ với ngài, xin ngài giữ sức khỏe, mà thấy lòng xúc động. Hơn một năm làm Giám mục Phụ tá Hưng Hóa, ngài chia sẻ nhiều công việc với Đức Cha Gioan Maria. Công việc ở giáo phận nhiều vô kể, mà chỉ có đến nơi, quan sát và suy tư mới hiểu được.
Đức Cha Anphong đang đi đến với người nghèo ở những vùng biên giới xa xôi. Nơi đó có Giàng La Pán và những vùng nghèo đói khác mà ngài từng viết về họ: “Người ta sống trong những chỗ nhà không ra nhà, chẳng có gì để ngăn cái giá rét mùa Đông, trong nhà chẳng có gì đáng giá; những em bé ở truồng chạy chơi vô tư bên sườn đồi, da tím tái vì lạnh, chân không dép không tất; nhiều em bụng ỏng, đít teo, dơ dáy, mặt mày lấm lem do ăn bốc liếm láp, không chén bát thìa muỗng. Người anh em của tôi ở đây ăn chưa no, mặc chưa ấm, ở chưa kín”.
Ở những nơi đó người ta thiếu cơm ăn, thiếu thuốc chữa bệnh. Nhưng họ đầy niềm tin. Đức tin kiên trung của những con người ở miền cao nhiều khi là gương mẫu cho chúng ta. Có nơi giáo dân sẵn sàng không làm giấy chứng minh nhân dân để được giữ Đạo, vì khi làm giấy chứng minh, họ bị bắt phải ghi không tôn giáo, rồi khi sinh hoạt tôn giáo thì lại bị hỏi “Không có Đạo sao lại…?”
Đức Cha đi rồi, tôi lại về nhà xứ Dư Ba. Trên đường đi và khi về nhà xứ, tôi được nghe cha Phêrô Phan Kim Huấn, hạt trưởng hạt Tây Bắc Phú Thọ chia sẻ về việc mục vụ ở vùng này. Có lẽ không giáo phận nào như Hưng Hóa, địa thế hiểm trở, nhân lực thiếu thốn, giáo dân nhiều người thuộc dân tộc thiểu số, nghèo đói, các giáo xứ có giáo dân rải rác, các cha phải đi xa mỗi lần dâng Lễ!
Thế nhưng điều diệu kỳ không nằm ở khả năng con người, mà ở nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng có thể thực hiện tất cả những gì con người không dám mơ đến. Chính tinh thần phó thác làm cho các mục tử “biết buông mình cho Chúa Thánh Thần” (lời Cha Olier, linh mục Xuân Bích, được Đức Cha Anphong nhắc lại trong bài giảng Lễ Thêm Sức tại giáo xứ Dư Ba ngày 03/8/2014).
Tinh thần phó thác ấy có thể hiểu như sau:
- Để Chúa thực hiện điều Ngài muốn: con người chúng ta lắm khi tưởng là mình làm việc Chúa, nhưng lại cản trở Ngài khi chúng ta đưa ý riêng mình vào quá nhiều. Ở vùng Tây Bắc, khi các vị mục tử và dân Chúa thấy khó khăn trắc trở, là chính lúc họ nhận thấy Chúa ra tay. Những chuyện kể của Đức Cha Anphong cho tôi thấy rằng Chúa can thiệp đúng vào lúc con người tưởng như không còn hy vọng.
- Không lo lắng bối rối vì bất cứ chuyện gì: Đức Cha kể cho tôi nghe những khó khăn của giáo phận miền núi. Đó là giáo phận rộng nhất mà nghèo nhất, xa xôi nhất mà đức tin lại rất vững vàng. Đó là giáo phận ít có con cái ở phương xa để quay về giúp quê hương. Đó cũng là giáo phận có nhiều khó khăn trong việc giữ đạo, hiện nay có ba tỉnh hoàn toàn không có nhà thờ, và giáo quyền đang thương lượng để xây nhà thờ. Nhưng dù gặp khó khăn như thế, các ngài và giáo dân vẫn bình tĩnh chờ thời giờ của Chúa.
- Sẵn sàng lên đường: Các độc giả đã từng đứng trong sân nhà thờ vẫy tay chào vị Giám mục của mình khi các ngài ra đi. Hình ảnh ấy đẹp và đầy tinh thần hiệp thông. Nhưng khi các Giám Mục rời tòa của mình để đi về các xứ đạo xa xôi, chắc ít có ai lúc ấy đứng tại sân tòa Giám Mục mà suy nghĩ về những cuộc hành trình của các ngài.
Tôi đã có nhiều dịp đứng tại sân các Tòa Giám mục như thế để nhìn thấy khởi đầu của những hành trình mục tử, và hiểu rằng khi các ngài ra đi là các ngài chấp nhận lệnh truyền của Đấng đã sai phái các ngài cùng với những gian nan không phải chỉ trong chuyến đi ấy mà thôi, nhưng còn là trong cả cuộc đời mục tử của các ngài.
Lần này cũng vậy, đứng tại vùng ranh giới của hai tỉnh miền núi Tây Bắc: Phú Thọ và Yên Bái, vẫy tay chào Đức Cha Alphong khi ngài lặng lẽ tiếp tục cuộc hành trình âm thầm với chỉ một thầy lái xe, tôi thấy hình ảnh ấy đẹp vô cùng, dù xét về mặt trần thế, cũng buồn rười rượi.
Nhưng tôi nhìn thấy nơi Đức Cha Anphong cũng như những vị Giám mục mà tôi tiếp xúc trong thời gian qua, hình ảnh của Đức Kitô sẵn sàng lên đường.
Trong cảm xúc còn rất nóng, rất dạt dào về con đường Hội Thánh trên vùng non cao ấy, tôi chỉ biết kết luận bằng cách lặp lại lời Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm trong bài giảng Lễ Tạ Ơn do Đức Cha Anphong chủ tế cùng với Đức Cha Phêrô, Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Cha bào huynh Giuse Nguyễn Trí Dũng và các linh mục trong giáo phận Hưng Hóa tại giáo xứ Nỗ Lực một năm trước đây. Trong bài giảng, Đức Cha Phêrô nói về niềm vui của người mục tử khi tìm được con chiên lạc mất. Ngài nói: “Nó không phải là niềm vui chiếm hữu, nó không phải là niềm vui hưởng thụ, mà là niềm vui của tình yêu. Thiên Chúa yêu thương từng người trong chúng ta, từng người (…), và thiết nghĩ đó cũng chính là niềm vui của cộng đoàn chúng ta hôm nay, vui bởi vì giáo phận Hưng Hóa có một vị mục tử mang lấy tâm tư Mục Tử Giêsu, một cách cụ thể nhất là châm ngôn đời Giám mục của Đức Cha Alphongsô, bây giờ trở thành nổi tiếng: “Mang vào mình mùi chiên”.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Cha Anphong và các vị mục tử tại Việt Nam luôn đầy niềm vui và tinh thần phó thác, để các ngài can đảm bước tiếp cuộc hành trình quá nhiều vất vả, quá nhiều chông gai khi dẫn đường cho dân Chúa và đi tìm kiếm những con chiên đang đi lạc.