Thứ ba, 26/11/2024

Chúa nhật 18 TNA - Bữa Tiệc Tình Thương

Cập nhật lúc 06:16 02/08/2014
Trong chuyến hành hương Thánh Địa tháng 5 vừa rồi, chúng tôi có ghé thăm miền đất Tabgha với nhiều địa danh quen thuộc được kể trong Phúc Âm.Vùng Tabgha màu mỡ trải dọc theo hướng Tây Bắc bờ Biển hồ Galilê. Tên Tabgha bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “Heptapegon” nghĩa là “7 con suối” và được thu gọn lại theo tiếng Ả Rập là Tabgha.
Theo truyền thống, tại miền đất này đã diễn ra những sự kiện quan trọng trong sứ vụ của Chúa Giêsu: Phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều; Chúa giảng Bài giảng trên Núi; sau khi Phục sinh, Chúa đã hiện ra với các môn đệ trên bờ hồ và trao quyền lãnh đạo cho Simon Phêrô…

Chúng tôi đến thăm “Nhà Thờ Bánh Hóa Nhiều”, giữa một khu vườn rất nhiều cây ôliu và hoa cỏ xanh tươi xinh đẹp. Ngôi Nhà thờ nguyên thủy được xây dựng dưới thời Byzantine, trong nhiều giai đoạn khác nhau và được trùng tu vào các thế kỷ sau đó. Nhà thờ vẫn còn lưu giữ một sàn nhà khảm đá (mosaic) đã được khám phá tại Thánh địa. Có lẽ biểu tượng nổi bật nhất, nằm ngay trên đỉnh của bức tranh phía dưới bàn thờ chính là 5 chiếc bánh và 2 con cá, kính nhớ việc Chúa Giêsu đã thực hiện phép lạ tại đây.
Người Ba Tư xâm chiếm vùng này và phá hủy Nhà thờ vào năm 614. Vương cung Thánh đường mới được xây dựng trên nền cổ của ngôi Nhà thờ, vẫn còn giữ nguyên phong cách cũ đồng thời kết hợp hài hòa những nét cổ xưa và hiện đại. Ngày nay, các thầy dòng Biển Đức chăm sóc ngôi Nhà thờ này.
Chúng tôi đọc Phúc Âm câu chuyện phép lạ hoá bánh và cá ra nhiều và thinh lặng suy niệm. Matthêu chương 14 mô tả hai bữa tiệc xảy ra nối tiếp nhau để độc giả so sánh và suy nghĩ: bữa tiệc sang trọng với cái đầu của Gioan Tẩy Giả và bữa tiệc của dân nghèo với 5 cái bánh và 2 con cá.
Mt 14,1-12: Tại bữa tiệc ở cung điện của vua Hêrôđê với các quan khách sang trọng quý phái. Họ có tất cả mọi sự trên đời: quyền hành, danh vọng, tiền bạc, sắc đẹp, lạc thú, thức ăn cao lương mỹ vị, rượu ngon thoả thích, vũ nữ duyên dáng chân dài chân ngắn…và có cả hận thù ích kỷ, máu đổ đầu rơi.
Mt 14,13-21: Tại bữa tiệc nơi hoang vắng với đám dân nghèo đói. Họ chẳng có gì ngoài sự tin tưởng, hy vọng vào tình thương và sự chia sẻ của Chúa Giêsu. Đây là phép lạ của tình thương. Các môn đệ cũng đóng vai trò quan trọng là cộng tác với Chúa, đi phân phát thức ăn cho dân chúng. Mọi người chia sẻ cho nhau, bánh và cá cứ thế mà tiếp tục nhiều lên. Chúa không làm phép lạ một núi bánh và cá cho mọi người đến lấy. Chúa làm phép lạ khi mọi người liên đới với nhau, cùng bẻ ra và trao cho nhau. Bữa ăn hôm đó là một biểu tượng của bữa tiệc Thánh Thể. Không còn ranh giới, không còn giai cấp, không còn kẻ trên người dưới. Một tinh thần hoà đồng, tất cả đều là anh chị em trong Chúa Giêsu. Trong tiệc Thánh Thể, người ta tìm thấy bình an và nguồn hạnh phúc trào dâng trong tâm hồn. Người ta tận hưởng hoa trái tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại, người ta nhận biết giá trị của bình an nội tâm do ân sủng Chúa ban đến.
1.     Bánh Trường Sinh
Phép lạ hoá bánh là dấu chỉ báo trước Thánh Thể: "Ngài cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ" (Mt 14,20). Trong Tiệc Ly "Ngài cấm lấy bánh, chúc tụng" (Mc 14,22). Cử chỉ Bẻ Bánh đã trở thành nét đặc trưng của Chúa Giêsu ( Lc 24, 30) và của Giáo hội (Cv 2, 42).
Ðược bánh ăn, dân chúng muốn "bắt lấy Ngài tôn lên làm vua" (Ga 6,15). Họ tiếp nối Satan cám dỗ Ngài lần nữa. Chúa Giêsu nhắc nhở họ rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh "Hãy ra công làm việc, đừng vì lương thực hư nát nhưng vì lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời mà Con Người sẽ ban cho các ngươi" (Ga 6, 27). Họ xin cho được ăn mãi thứ bánh ấy và Chúa đã bảo họ: "Chính Ta là bánh trường sinh. Ai đến với ta không hề phải đói, ai tin vào ta, chẳng khát bao giờ" ( Ga 6, 35). Chóp đỉnh của mạc khải về Bánh Hằng Sống chính là "Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì được sống muôn đời, và ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết" (Ga 6,54). Ăn thịt, uống máu nhấn mạnh đến cái chết trên thập giá của Chúa.
"Bánh Ta sẽ ban" hướng về cái chết của Chúa Giêsu và gợi đến Tiệc Thánh Thể lưu niệm vĩnh viễn sự chết cứu độ của Chúa trên Thập giá. Giá trị cứu rỗi của cái chết trên Thập giá được hiện tại hoá luôn mãi trong Tiệc Tạ Ơn của Giáo Hội. Người tín hữu được sống dồi dào khi ăn uống Mình Máu Chúa Giêsu.
Chúa vẫn tiếp tục đồng hành cùng Giáo hội, thực hiện công trình cứu độ trong Giáo hội, qua Giáo hội và với Giáo hội. Trao cho chúng ta Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể, Chúa mời gọi chúng ta bẻ ra và trao cho anh em mình.
2.     Bánh Lời Chúa:
"Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14). Lời Thiên Chúa là Lời Quyền Năng, nhưng Ngài lại trao cho con người sứ mạng công bố lời Ngài "Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã nói với cha ông chúng ta qua các Ngôn sứ" (Dt1, 1). Cũng một sứ mạng ấy được tiếp nối trong Giáo hội hôm nay "Ngài sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân" (Lc 9,2). Sứ mạng đó là nhiệm vụ cốt yếu của các tông đồ "Chúng tôi không thể sao nhãng Lời Thiên Chúa để lo giúp việc bàn ăn" (Cv 6, 2) và chính Thánh Phaolô kêu lên "khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng". Thế là, con người tội lỗi được giao trách nhiệm công bố Lời thánh hoá; con người yếu đuối công bố Lời quyền năng; con người giới hạn công bố Lời vĩnh cửu. Một vinh dự quá đổi lớn lao.
Lời Chúa có thể đọc và giải thích ngoài phụng vụ, trong phạm vi cá nhân hoặc khi làm việc đạo đức. Khi đó Lời Chúa là cơ hội ban ơn hiện sủng và hiệu năng ở đây là hiệu năng "do nhân" (ex opere operantis), tuỳ thuộc thái độ tâm hồn của người đọc và người nghe. Lời Chúa được công bố khi cử hành phụng vụ, đó là Lời do Chúa Giêsu hoặc Giáo hội ấn định, được công bố nhân danh Chúa và Giáo hội bởi Thừa tác viên chính thức. Lời Bí Tích mang hiệu năng "do sự" (ex opere operato), qua các bí tích Chúa Kitô ban ân sủng cho người lãnh nhận.
Sứ vụ công bố Lời Chúa được thực hiện trong tác động của Thánh Thần. Bởi thế người rao giảng Tin mừng chỉ có thể thực rao giảng Lời Chúa nhờ quyền năng và tác động của Thánh Thần. Chính Thánh Thần tác động lên người nói cũng như người nghe, để Lời được công bố không còn là Lời của người phàm nhưng là Lời Thiên Chúa. Dù ta có cố gắng đến đâu cũng không thể cải hoá lòng người vì: "Không ai có thể tuyên xưng Ðức Giêsu là Chúa mà không do Thánh Thần" (1Cor 12,3) và "Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả chỉ là uổng công"(Tv 127,1).
Các con có mấy chiếc Bánh Lời Chúa để trao cho anh em? Chúa vẫn luôn hỏi chúng ta điều ấy mỗi ngày. Bởi đó, cần trau dồi Lời Thiên Chúa, vì người được sai đi để công bố Lời Chúa chứ không phải lời của thế gian, cho dẫu lời ấy có khôn ngoan đến đâu chăng nữa. Ðồng thời cũng phải trau dồi lời con người, là khả năng nói, loan báo, kỹ năng diễn đạt tư tưởng và rao giảng để Lời Chúa chinh phục các tâm hồn.
Công bố Lời Chúa vừa là một hồng ân vừa là một trách nhiệm. Là hồng ân vì con người tầm thường được Thiên Chúa mời gọi làm ngôn sứ. Là trách nhiệm vì phải nỗ lực để chu toàn sứ vụ.
3.     Bánh Thánh Thể:
Bánh và rượu tương trưng đầy đủ chính con người chúng ta. Bánh là kết quả công lao khó nhọc của con người. Người ta thường nói: Ðổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có mà ăn. Bánh như thế tượng trưng công lao khó nhọc và chính sự sống con người. Bên cạnh đời sống vật chất còn có đời sống tinh thần. Vì thế cùng với bánh chúng ta dâng rượu. Rượu tượng trưng cho mọi nỗi vui buồn sướng khổ của đời người: khi vui ta uống chén rươụ mừng nhưng khi buồn ta uống chén rượu giải khuây. Dâng lên Chúa bánh và rượu là chúng ta dâng lên tất cả đời sống với mọi nỗi vui buồn sướng khổ, tất cả dệt nên cuộc sống hiện tại của mình.
Ðến Nhà Thờ dâng Lễ, mỗi tín hữu mang lễ vật riêng là chính đời sống của mình, nhưng khi dâng lễ, nó được thu hợp lại thành lễ vật chung của cộng đoàn dâng lên Chúa. Tấm bánh được hình thành bởi trăm ngàn hạt lúa miến đã được xay nát ra và hoà trộn với nhau trong chậu bột. Ly rượu là kết quả của nhiều trái nho được ép ra và hoà tan với nhau. Cả hai tượng trưng đầy đủ ý nghĩa cộng đồng cho lễ vật mỗi người cũng như lễ vật toàn thể cộng đoàn. Linh mục đọc Lời Truyền Phép là Lời Chúa Kitô, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Đồng thời Chúa Kitô cũng biến đổi những hy sinh, những hạnh phúc đau khổ, những trách nhiệm của cộng đoàn trong hiến lễ để rồi khi mỗi người rước lễ, họ đón nhận Mình Máu Chúa là đón nhận lại của lễ mình dâng lên mà giờ đây đã được thánh hiến. Người tín hữu được lớn lên trong đức tin, trong lòng mến nhờ ân sủng của Thánh Thể Chúa Kitô. "Chính tôi là Bánh trường sinh. Ai đến với tôi không hề phải đói;ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ" (Ga 6,35). "Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời" (Ga 6,51). Thánh Thể như thế là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người; là quà tặng Thiên Chúa trao ban cho nhân loại, và chính là lương thực thiêng liêng, bảo đảm hạnh phúc trường cửu của chúng ta. Bởi đó tham dự thánh lễ cách đầy đủ tích cực trọn vẹn với tất cả con người là cách tốt nhất đáp lại tình thương của Chúa, yêu mến Thánh Thể.
ĐHY FX Nguyễn Văn Thuận viết “Con muốn hỏi: ‘Cách gì đẹp lòng Chúa hơn cả?’. Hãy tham dự Thánh lễ, vì không kinh nào, không tổ chức, nghi thức nào sánh bằng lời nguyện và hy lễ Chúa Giêsu trên Thánh giá”. (Đường Hy Vọng #349).Bí tích Thánh Thể là ‘nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu’ (GH 11), là trung tâm điểm của Phụng Vụ vì cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, ‘mầu nhiệm Chúa Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta’ (GLCG 1068).
Tham dự Thánh Lễ cách “trọn vẹn, ý thức và linh động”, và “qua cuộc sống biểu lộ cho người khác thấy mầu nhiệm Chúa Kitô và bản tính đích thực của Hội Thánh chân chính” (PV 2) là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một niềm tin nhạy cảm để biết nhận ra bàn tay quan phòng của Chúa. Xin ban cho chúng con tấm lòng quảng đại, để biết sống chia sẻ, hầu cảm nhận được tình yêu của Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Amen!
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log