Thế giới chúng ta hôm nay đang bị cuốn hút bởi nền kinh tế thị trường, người ta chạy đua và tìm đủ mọi cách để đạt được mục tiêu làm giàu, làm giàu cho cá nhân, cho gia đình và cho quốc gia. Việt nam chúng ta cũng đang trong vòng xoáy đó khi được vào WTO, một tổ chức thương mại quốc tế. Đó là việc làm tốt! Nhưng chưa phải là hoàn thiện vì còn rất nhiều rắc rối đi theo. Còn đối với người kitô chúng ta thì sao? Dù có chạy đua kinh tế một cách chính đáng nào đó, nhưng đừng bao giờ quên công việc chạy đua để vào nước trời. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Hôm nay, tôi giới thiệu với anh chị em công việc muôn thuở, một kho tàng, một viên ngọc trai quý giá mà anh chị em cần phải đạt tới”.
Hạnh phúc đích thực chính là Thiên Chúa và cũng chỉ có một mình Ngài! Ngài đáng chúng ta hiến dâng tất cả cho Ngài. Thật đáng tiếc cho một số người đã bỏ tất cả công sức của mình để mà tìm kiếm cái vinh hoa nay còn mai mất. Ngược lại, họ lại bỏ ra quá ít thì giờ và sức lực để tìm kiếm và đạt được hạnh phúc đích thực.
“Trước hết, hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”. Ngay từ ở đời này, những ai thực sự làm theo ý Chúa, sẽ được nếm trước sự bình an nội tâm và đảm bảo cho nước trời mai sau. Tất cả những mục tiêu trần thế này thường chỉ ngắn ngủi, không có gì là vĩnh cửu? Không hiểu tại sao có rất nhiều siêu sao lại kết thúc đời mình bằng cách tự tử? Tại sao ma tuý lại phổ biến tại thành phố và những nơi làm ăn khá giả hơn? Tại sao những quốc gia văn minh lắm tiền, như Nhật Bản, thỉnh thoảng lại có nhóm thanh niên tự sát tập thể? Tất cả là vì họ chẳng cảm thấy hạnh phúc nếu loại trừ Thiên Chúa.
Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta đi tìm kho tàng quí giá, nhưng kho tàng quý giá đó đang bị ẩn dấu. Phúc Âm đặt câu hỏi cho mỗi người về một vấn đề căn bản:
- Mục tiêu của đời sống chúng ta là gì?
- Chúng ta sống cho cái gì và sống cho ai?
Con người thời nay nhiều khi sống chỉ vì phải sống. Họ không nhận ra mục đích của cuộc sống trần gian. Mặc dù với khả năng khoa học tối tân, họ không biết cái gì là đích thực! Họ tiến bước nhưng không biết đoạn cuối của con đường.
- Ước muốn của mỗi người chúng ta hướng về cái gì và hướng về ai đây?
- Viên ngọc trai mà chúng ta tìm kiếm là cái gì?
- Phải chăng là chiếc xe máy, là cái xe hơi loại sang trọng, là một biệt thự…?
- Thử hỏi trong chúng ta nếu ai đã có những thứ đó liệu có hạnh phúc thực sự không?
- Chúng ta có ý thức về sự bất toàn bẩm sinh của chúng ta không?
- Chẳng lẽ chúng ta được sinh ra để rồi chết đi, thế là hết ử?
Khát vọng của con người không bao giờ dừng lại. Ngay trước khi chết, người ta vẫn khát vọng. Thánh Augustino, một con người tài ba lỗi lạc, đi tìm hạnh phúc nơi các tạo vật, nhưng không được. Cuối cùng, Ngài tìm được hạnh phúc nơi chính Thiên Chúa, và vì thế Ngài đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.
Thánh Phaolô nói: “Mọi vận động viên trong thời kỳ luyện tập đều phải tuân theo một kỷ luật nghiêm khắc, chỉ để được khoác lên đầu vòng hoa vinh quang chóng lụi tàn, còn chúng ta chịu gian khổ là để đạt được vòng hoa vinh quang tồn tại vĩnh viễn”.
Phần thưởng của người buôn ngọc quý, kho báu của bác nông dân, huy chương của vận động viên đều có thể tàn lụi. Khi người buôn ngọc chết đi, viên ngọc chả còn giá trị gì đối với người đó nữa. Khi bác nông dân chết đi, kho báu cũng trở nên vô dụng đối với bác. Khi vận động viên chết đi, tấm huy chương cũng chẳng có giá trị gì nữa. Nhưng khi người kitô hữu chết, nước trời sẽ toả sáng hơn.
Vào lúc chết, chỉ có một điều đáng kể. Đó không phải là viên ngọc quý, kho báu hay tấm huy chương mà chúng ta kiếm được khi còn sống. Điều đáng kể chỉ là chúng ta đã bỏ sức đến đâu khi tìm kiếm hạnh phúc đích thực?
Chúng ta có thể tự hỏi mình: “Vậy tôi là ai?” “Tôi có phải là kitô hữu không”? Chắc chắn tôi không thể tìm được căn tính của chính tôi nếu không biết quay về Thiên Chúa, cội nguồn và mục đích đời tôi. Khi nào không quay về Thiên Chúa, đức tin của chúng ta rất dễ bị chao đảo.
Vậy chúng ta phải làm gì để nuôi dưỡng đức tin non yếu đó? Trên bàn học, hoặc trong cặp sách của các bạn trẻ sinh viên, học sinh, liệu có quyển sách Phúc Am không? Sáng khi thức dậy và tối trước khi đi ngủ, chúng ta có đọc kinh gì không? Chủ nhật liệu chúng ta có đi lễ không, hay là chúng ta đã quá thông minh hiểu biết về Thiên Chúa và giáo lý rồi, không cần đến nhà thờ nữa?
Đời sống thiêng liêng của chúng ta rất thường bị quên lãng. Con người là tạo vật siêu việt hơn hẳn các tạo vật khác. Con người được dựng nên vì mục đích cao thượng. Con người được cuốn hút bởi cái cao hơn, xa hơn và nhanh hơn. Nếu từ chối Thiên Chúa, con người lập tức sẽ tìm kiếm những thần tượng khác để mà thay thế: tiền bạc, danh vọng,…
Tiên tri Isaia đã thốt lên: “Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa. Trong thâm tâm, những khắc khoải kiếm tìm”.
Rất dễ bị quyến rũ bởi cuộc sống tiêu thụ hôm nay, nhiều người thường chờ đợi một thứ hạnh phúc từ bên ngoài. Vì hướng ngoại và bị chi phối bởi những hình ảnh của một nền văn minh hào nhoáng và tục hoá, họ đánh mất cái bên trong. Họ không nhận ra mình có ròi bọ ở bên trong nữa.
Mỗi ngày, chúng ta hãy tập đi vào căn phòng bên trong của tâm hồn mình, rồi chúng ta sẽ thấy căn phòng nước trời. Bậc thang để vào nước trời đang được ẩn dấu ngay trong tâm hồn chúng ta.
Kính thưa cộng đoàn, nếu mỗi một ngày sống chúng ta biết chọn hạnh phúc đích thực, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi đang ngự trong lòng chùng chúng ta, thì chúng ta sẽ rất hạnh phúc và vui mừng. Sách gương phúc dạy chúng ta: “Lạy Chúa, khi con yêu mình một cách không chính đáng, thì con đánh mất chính con. Nhưng khi con tìm và yêu Chúa bằng tình yêu vô vị lợi, thì con tìm lại được con , đồng thời con tìm được chính Chúa”. Amen!