Thứ ba, 26/11/2024

CHỦ NHẬT XXII “Ai muốn theo Tôi.."

Cập nhật lúc 15:13 29/08/2014
Chúa Giêsu không ngừng huấn luyện các Tông đồ trong những năm tháng ngày giờ ngài còn ở lại với họ.
“Ai muốn theo Tôi,
hãy bỏ mình đi vác thập giá hằng ngày mà theo Tôi”

(Mt 16,21-27)
 
Chúa Giêsu không ngừng huấn luyện các Tông đồ trong những năm tháng ngày giờ ngài còn ở lại với họ. Ngay từ khi họ chính thức nhận ra Ngài là Đấng Mêssia, Con Thiên Chúa, Ngài cảm thấy họ sẵn sàng tiến bước tìm hiểu thêm về đức tin. Ngài tiếp tục giúp họ đi từ một tôn giáo theo quan niệm của con người đến một thứ tôn giáo theo quan niệm của Thiên Chúa, từ một tôn giáo ấu trĩ tới một tôn giáo trưởng thành, từ tôn giáo của Cựu ước tới tôn giáo của Tin Mừng.
Có lẽ chúng ta đã hiểu Đấng Mêssia mà người Dothái trông đợi là Đấng nào:
- Phái Saducêo thì mong đời Đấng Mêssia đến để mà tăng mức lương bổng cho họ.
- Còn phái Pharisiêu thì trông chờ Đấng Mêssia đến để công bố giáo lý của họ và giải phóng họ khỏi nô lệ người Roma.
Không, Chúa Giêsu Đấng Mêssia đến trần gian không phải là để làm chuyện đó! Và vì thế Ngài yêu cầu các môn đệ và cả chúng ta phải có một cái nhìn đúng về Đấng Mêssia như Ngài đã mặc khải cho Phêrô trong bài Phúc Âm hôm nay.
Để trưởng thành về đức tin, chúng ta cần phải vượt qua từ một tôn giáo vụ lợi đến một thứ tôn giáo vô vị lợi. Tôn giáo ấu trĩ là tôn giáo của những ai nghĩ rằng Thiên Chúa toàn năng, và nếu thôi thúc cầu xin Ngài thì Ngài sẽ đem lại mọi lợi ích cho họ. Chính các Tông đồcũng bị cám dỗ theo khuynh hướng đó: thích được địa vị cao nhất.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có muốn biến Thiên Chúa thành anh bồi phục vụ chúng ta không? Có khi chúng ta muốn một Thiên Chúa phải nghe theo những lời cầu xin của chúng ta một cách răm rắp. Chúng ta đi lễ vì chúng ta hay là vì Chúa?
Còn tôn giáo trưởng thành là một thứ tôn giáo tập trung vào giá trị đích thực, có nghĩa là chỉ tập trung vào một mình Thiên Chúa mà thôi. Thứ tôn giáo này chỉ tìm kiếm để Thiên Chúa được tôn vinh chứ không phải vì nhu cầu lợi ích của cá nhân mình.
Một tôn giáo thực tế là tôn giáo trước hết phải thực hành Phúc Âm.
Một thứ tôn giáo được xây dựng trên ơn huệ của Thiên Chúa ban cho chúng ta và không sợ mất mạng sống vì Ngài. Một thứ tôn giáo mà như thánh Phaolo đã khuyên nhủ chúng ta phải: “Hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa”.
 
Thứ tôn giáo ấu trĩ và thuần tuý nhân loại là một thứ tôn giáo muốn tạo nên thiên đàng tại trần thế này. Chính các Tông đồ cũng bị ám ảnh về một thứ tôn giáo kiểu đó.
Vì thế chúng ta rất dễ hiểu phản ứng của Phêro, sau khi Chúa nói:
“Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu đau khổ bởi các kỳ lão, Luật sỹ và Thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại”.
Phản ứng của Phêrô là: không, không được, bao lâu con còn ở với Thầy, con sẽ không để cho Thầy đi Giêrusalem và không để Thầy phải ném vào hang cọp. Thầy hãy suy nghĩ lại. Thầy hãy giữ tiếng tốt cho Thầy và làm vinh danh Giáo Hội của Thầy…Nếu Thầy mà lên Giêrusalem, thì thật là điên khùng và chúng con sẽ làm mọi cách để điều đó không xẩy ra.
Tôn giáo trưởng thành là tôn giáo biết rằng Con Thiên Chúa sinh xuống trần gian không phải để hưởng tiện nghi và thành đạt, nhưng là để đương đầu với thập giá và chọn lựa. Chính Thánh Phaolô đã sống và cảm nghiệm điều này: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh”.
Thập giá không phải là việc đã chọn lựa hay là không chọn lựa. Thập giá cũng không phải là đã được đo về kích thưởc to nhỏ. Thập giá luôn có trong đời sống thường ngày của chúng ta hoặc trong một thách đố nào đó không lường trước được. Thập giá khó có thể vác nổi nếu không có Chúa hoặc người khác giúp đỡ. Nhưng dù sao thập giá cũng giúp chúng ta trưởng thành hơn. Cha Monier nói: “Thập giá cắm sâu vào lòng đất để hướng chúng ta lên trời cao, tới Thiên Chúa và giang cánh tay ra để ôm lấy những người sống chung quanh chúng ta”.
Tôn giáo ấu trĩ là tôn giáo của những người tìm kiếm trong tôn giáo một thứ nước hoa, một loại dầu xịt tóc, một sự bảo hiểm nào đó khi phải đối diện với nỗi lo lắng sợ chết, một giải pháp cho tất cả những nhu cầu của họ, một bài hát hay để vui sống hoặc một tiện nghi nào đó.
Tôn giáo trưởng thành là tôn giáo của những người biết rằng niềm vui  chỉ có thể tìm kiếm được khi vượt qua thử thách. Thiên Chúa đến không phải để lấp đầy, nhưng để đặt vào trong chúng ta một cơn khát dịu dàng hơn và nồng cháy hơn và  để chúng ta tiến bước xa hơn trong việc tìm kiếm Ngài…
Nếu vậy tôn giáo mà Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay là một thứ tôn giáo cho những người thích đau khổ sao? Không phải vậy! Thiên Chúa làm người đến trần gian để làm cho chúng ta được sống, chứ không phải để chúng ta phải chết: “Ai đành mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được sống… Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì?”
Phải chăng chúng ta thích một thứ tôn giáo vụ lợi? Tôn giáo  càng biếu không, càng vô vị lợi, chúng ta càng được nhận lãnh nhiều hơn, vì Thiên Chúa không bao giờ chịu thua về lòng quảng đại.
 
Chúng ta muốn một thứ tôn giáo phải chiến thắng ư? Không được! Tốt hơn hết là chúng ta nên ước ao một thứ tôn giáo khiêm nhừơng. Vì chưng, càng khiêm nhường bao nhiêu thì càng có sức thuyết phục bấy nhiêu.
Ước gì  đời sống đạo của mỗi người chúng ta luôn trưởng thành: một đời sống quảng đại như lời kinh của Thánh Phanxicô: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…Lạy Chúa, xin hãy dạy con, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình, lai lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”
Lm. Ga Đặng Văn Nghĩa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log