CHỦ NHẬT XXI - Chúa Giêsu là ai và tôi là ai ?
Cập nhật lúc 09:53 23/08/2014
Trong bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho các tông đồ, cũng là đặt câu hỏi cho mỗi người chúng ta: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”
Trong bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho các tông đồ, cũng là đặt câu hỏi cho mỗi người chúng ta: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Điều kỳ diệu trong bài Phúc Âm hôm nay là khi khám phá ra căn tính của Chúa Giêsu, chúng ta cũng nhận ra căn tính của chúng ta. Simon Phêrô đã có kinh nghiệm này, vì Chúa Giêsu mặc khải cho ông từ nay ông là ai: “Con là Đá, trên đá Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”.
Trong một cuộc phóng vấn các bạn trẻ không công giáo, người ta thu thập được những câu trả lời về Chúa Giêsu:
- Giêsu ư? Đó là một vĩ nhân đã bị giết, vì Ngài là người bất bạo lực.
- Giêsu ư? Đó là một chàng trai rất Giêsu.
- Giêsu ư? Đó là một tiên tri như Mahomet, nhưng lại xưng mình là Thiên Chúa.
- Giêsu ư? Đó là một đứa trẻ sinh trong chuồng bò.
- Giêsu ư? Đó là một người bị đóng đinh. Nhưng lại là Chúa của những người kitô hữu”.
Giả sử lúc này đây Chúa Giêsu nhìn thẳng vào mắt chúng ta và hỏi: “Phàn các con, các con bảo Thầy là ai?”, thì chúng ta sẽ trả lời thế nào? Chúng ta có thể khẳng định mình đã nhận ra căn tính của Ngài rồi không? Vừa là Chúa vừa là người.
1-Thẻ Căn cước nhân loại của Ngài là:
· Tên: Giêsu, sinh bởi người mẹ là Maria, còn người cha thì không rõ.
· Dòng dộc gia đình : Đavit
· Ngày tháng năm sinh và nơi sinh: sinh tại Palestina vào năm 0, hay đúng hơn là năm -5 tây lịch.
· Nghề nghiệp: thợ mộc, rồi sau đó đi giảng lang thang.
· Bị tuyên án tử hình trên thập giá vào khoảng 33 tuổi.
· Một nhân vật kỳ lạ nói và làm nhiều điều phi thường.
· Một nhân vật thay đổi bộ mặt thê giới: yêu thương, hoà bình, tôn trọng người khác va nhát là những người bé mọn và nghèo khó.
2-Thẻ căn cước thần linh của Ngài là:
· Tên: Ngôi Lời, Lời của Thiên Chúa, Con Dúc Chúa Cha, nhưng làm người bởi quyền phép Chúa Thánh Thần.
· Dòng tộc gia đình: Ba Ngôi.
· Nghề nghiệp: cứu độ anh em mình
· Chết vào tuổi 33 nhưng 3 hôm sau thì sống lại.
· Toàn thắng sự chết và sống mãi trong vinh quang Chúa Cha.
Đó là thể căn cuớc của Chúa Giêsu cả về nhân tính và Thiên tính, chúng ta có thể thuộc lòng bằng lý trí. Và hôm nay Ngài hỏi mỗi người chúng ta không phải là để kiểm tra giáo lý, nhưng là để chúng ta nói lên đức tin của mình. Nhận biết Chúa Giêsu, chính là phục lạy dưới chân Ngài và kêu lên: “Lạy Thiên Chúa của con, con tin Chúa, con yêu Chúa hết lòng”.
Người ta chỉ có thể gặp nhau được khi nhận ra nhau. Khi Simon nhận ra căn tính của Chúa Kitô, thì Ngài trả lơi ông: “Đến lượt Thầy, con hãy cho phép Thầy bảo con là ai nhé! Con là Simon, con ông Giona. Thầy cũng biết vợ con và mẹ vợ của con mà Thầy đã chữa khỏi bệnh. Nhưng từ nay, con không còn gọi là Simon nữa, mà là Kêpha, nghĩa là Đá vì Thầy quyết định xây GH của Thầy trên đá này và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.
Như Chúa Kitô và Phêrô, chúng ta cũng có căn tính kép: nhân loại và thần linh. Thật vậy để quân bình về bản chất nhân loại, con người cần phải có nguồn gốc. Đau khổ càng lớn đối với những ai không biết nguồn gốc của mình và nhất là giá trị của một con người. “Xấu hổ và khinh chê mình có thể là tấm áo choàng che lấp tính kiêu ngạo”. Chúng ta hãy trở nên điều mà chúng ta đang là. Hãy tin tưởng vào điều mà chúng ta đang làm. Khi chúng ta cho rằng mình sinh ra ở đời là vô ích, là thất bại, đó là lúc chúng ta lăng nhục Đấng Tạo Hoá.
Ngay từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta đã có thẻ căn cước thần linh: là được tham dự vào Triều Đại Vĩnh Hằng. Không ai có thể cướp cái thẻ này của chúng ta được. Thẻ đó đã in sâu trong chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con Thiên Chúa. Vì thế chúng ta là những người đồng thừa tự với Chúa kitô trên nước trời mai sau. Đó là một việc lạ lùng nhất như Thánh Gioan nói: “Anh em hãy xem Thiên Chúa yêu thương chúng ta dường nào: người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người.”
Nếu thực sự Thiên Chúa là Cha chúng ta, thì trước mắt Ngài chúng ta rất có giá trị. Nếu Thiên Chúa là Cha chúng ta, thì có gì mà chúng ta phải sợ Ngài nữa. Chả nhẽ chúng ta lại sợ một người cha đang yêu thương chúng ta hay sao? Nếu Thiên Chúa là Cha chúng ta, thì chúng ta cũng đừng đòi hỏi ngài nhiều quá. Tốt hơn hết là chúng ta hãy nói với Ngài: “Lạy Chúa, Chúa biết con cần gì”. Nếu là con của Cha trên trời, thì chúng ta không thể cho phép mình làm bất luận điều gì.
Hơn nữa, nếu Chúa Giêsu đã đi giữa chúng ta và dừng lại trước mặt mỗi người chúng ta, thì Ngài đã đổi tên cho chúng ta như đã đổi tên Phêrô. Ngài cho mỗi người chúng ta một tên riêng rất phù hợp với ơn gọi của mình. Tên gọi này như là lời mời gọi để chúng ta biết sử dụng ân huệ Chúa ban. Trong mỗi một ngày sống , chúng ta hãy khám phá con người đáng tôn thờ của Chúa Kitô. Kitô giáo không phải chỉ là thứ giáo lý hay ho tóm gọn trong bài giảng trên núi, nhưng trước hết là cuộc gặp gỡ với một con người. Con người ấy là chính đấng muốn chúng ta nhận ra Ngài và Ngài nhận ra chúng ta trong một cuộc trao đổi giữa người với người. Hay đúng hơn chính là “chúng ta hãy nếm thử hương vị Chúa Giêsu Kitô”.
Lm. Ga Đặng Văn Nghĩa