Thứ bảy, 28/12/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII Thường Niên A

Cập nhật lúc 09:57 23/07/2020
Suy niệm 1
Kho tàng cũ và kho tàng mới
Mỗi một ngày hay ít nhất là mỗi chủ nhật Lời Chúa lại gửi đến chúng ta một sứ điệp. Chúng ta học và áp dụng vào đời sống hằng ngày sao cho phù hợp. Từ nhiều thế kỷ, các kito hữu giải thích các bài đọc Cựu Ước cũng như Tân Ước sao cho phù hợp với nhu cầu của từng thời đại. Vì thế cần phải có sự khôn ngoan cần thiết để rút ra điều gì tốt từ kho tàng cũ và mới. Chính Chúa Giêsu không loại trừ những bài đọc Cựu ước. Ngài vẫn giữ lại điều nào là có giá trị trong Cựu Ước, Lề Luật và các Tiên Tri. Nhưng Ngài thêm vào đó điều nào là cần thiết cho sứ điệp của Ngài. Điều quan trọng là biết phân biệt, điều nào cần phải giữ và điều nào cần phải bỏ đi.
Như vua Salomon trong bài đọc I: người môn đệ Chúa phải là người biết kêu xin Chúa: “Xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái”.
- Một số người thời đại chúng ta lý tưởng hóa quá khứ và không muốn thay đổi gì. Họ thích trở về với quá khứ. Họ cho rằng cái cũ vẫn tốt. Họ luyến tiếc quá khứ. Chính sự luyến tiếc đó cản trở những nhu cầu cần thiết của thời đại chúng ta hôm nay.
- Một số người khác quá khích lại bỏ đi tất cả những gì đang tồn tại trước mắt họ và họ cho rằng thời đại của các bậc tiền nhân chẳng có gì là tốt cả. Họ loại trừ sự khôn ngoan và kinh nghiệm của cha ông đi trước, vì họ nghĩ rằng họ phát minh ra tất cả.
Cần phải giữ lại các kho tàng truyền thống, nhưng can đảm bỏ đi những gì không phù hợp với nhu cầu cần thiết của chúng ta hôm nay. Qua bài Tin mừng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy khám phá ra điều gì là kho tàng đích thực cho cuộc sống chúng ta: Điều gì là có giá trị trước mắt chúng ta? Kho tàng của chúng ta ở đâu? Điều quan trọng và ưu tiên nhất cho chúng ta là gì.? Châm ngôn Arménie: “Một giọt khôn ngoan có giá trị hơn cả một đại dương của cải”.
Bài Tin Mừng hôm nay nói: “NướcTrời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được, liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy”. Khi khám phá ra kho báu này, người đó không phá hủy những gì mình có trước, nhưng là bán đi để mua lấy cái quý giá hơn.
- Môn đệ Chúa Giêsu không phải là người mất một cái gì đó, nhưng là tìm được một cách thế mới để sống và vui mừng phấn khởi vì tìm được cách sống mới đó.
- Khám phá ra kho báu ẩn giấu, viên ngọc chai quý giá không có nghĩa là chê bai những thực tế khác của cuộc sống, mà là học cách tương đối hóa những thứ đó và đặt những thứ đó vào đúng vị trí bậc thang giá trị  mà thôi.
Nếu phân biệt được như vậy, chúng ta sẽ khám phá ra điều nào có giá trị cho chúng ta và chúng ta sẽ tìm được những kho báu đích thực. Đó chính là sự khôn ngoan của Tin Mừng cho phép chúng ta rút từ cái cũ, cái mới để sống tốt hơn. Chúng ta phải biết lợi dụng những của cải mình có để làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Hãy thu tích cho kho tàng vĩnh cửu. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Anh em hãy sắm lấy túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá”.
Vì thế, chúng ta nên nhớ rằng: Có tiền có bạc là tốt, nhưng đừng quá dính bén. Không bao giờ chúng ta nhìn thấy két bạc đi sau chiếc xe tang. Châm ngôn người Đức nói: “Áo liệm thì không có túi”. Châm ngôn người Nhật nói: “Đời người là một giọt sương thoáng qua”. Trong cõi vĩnh hằng, đola, euro, hoặc bất cứ loại tiền nào không còn lưu hành được. Cả sự thành đạt nghề nghiệp, của cải ky cóp được cũng không còn giá trị gì.. Chỉ có một giá trị được giữ lại, đó là tình yêu biết sử dụng tất cả những ân ban mà Thiên Chúa đã ban cho. Chúng ta hãy luôn khắc ghi 3 điều sau đây:
1- Trước hết chúng ta hãy học biết bằng lòng với cái chúng ta đang có. Hãy đánh giá cái chúng ta đang có!. Chúng ta đang có và sẽ luôn luôn có một sự thiếu thốn và trống rỗng. Nhà phân tích tâm lý Francois Dolto nói: “Chúng ta luôn luôn có một sự trống rỗng mà chúng ta ra sức lấp đầy; vả lại sự trống rỗng đó càng sâu thêm nếu chúng ta càng tin là mình đã lấp đầy”. Sự trống rỗng đó, chính là thiếu điều vĩnh cửu, thiếu kho tàng quý giá, mà chúng ta phải chấp nhận chờ đợi kiên nhẫn.
2- Biết sử dụng những ân huệ Chúa ban, chính là khả năng chúng ta chia sẻ với những anh em đau khổ, đó là những hoạt động bác ái. Hoạt động bác ái ở trần gian này dù chỉ là nhỏ bé, nhưng trong cõi vĩnh hằng sẽ được tính đếm hằng đầu. Kinh Thánh nói: “Của bố thí che lấp nhiều tội lỗi”.  Năm Thánh 2000, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II mời gọi tất cả mọi người Kitô hãy chia sẻ sự giàu có của mình cho người khác: “Hoạt động bác ái phải được thực hiện trong tinh thần phục vụ mà trao ban miễn phí làm ích cho nhiều người”. Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Bạn muốn tôn kính Thân Thể Chúa Kitô? Bạn đừng xem thường khi Người trần truồng. Bạn cũng đừng tôn kính Người bằng cách dùng những tấm vải che lấp bên ngoài khi mà Chúa Kito vẫn đau khổ vì lạnh giá và trần truồng”. Bác ái với người nghèo được thể hiện cách đặc biệt nhất, là cho cơm bánh và nhất là phẩm giá đối với những ai đang cần.
3- Biết sử dụng những ân huệ Chúa ban cho, cũng là khả năng tạo nên những mối liên đới nhiệt tình với những người gần gũi và chung quanh chúng ta.
- Tục ngữ Putu nói:“Cuộc sống là một hoa hồng. Bạn hãy biểu lộ đó là một hoa hồng và tặng ban cho người khác
- Tục ngữ Auvergnat có câu: “ Mất nhiều tiền còn hơn là mất một ít tình bạn”
Tất cả những ai cùng làm việc trong một gia đình, cộng đoàn hoặc giáo xứ nếu hiệp nhất với nhau đều là những người làm giàu vì hạnh phúc nước trời. Thu tích cái mà chúng ta sẽ không thể mang theo để làm gì? “Cái mà chúng ta giữ sẽ hư thối, còn cái mà chúng ta cho đi sẽ nở hoa”.
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
Khám phá kho báu Tin mừng
Mt 13, 44 - 46
Kho báu núi Tàu
Đây là câu chuyện được báo chí trong nước loan tải khá nhiều trong những năm gần đây, thu hút sự chú ý của nhiều độc giả.
Từ năm 1963, ông Trần Văn Tiệp nắm được những thông tin rất thuyết phục cho rằng trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Việt Nam, quân đội Nhật Bản sau khi bị quân đồng minh đánh bại, được lệnh rút khỏi Việt Nam, có mang đi một khối lượng vàng rất lớn mà họ vơ vét được tại các nước châu Á mà họ chiếm đóng, nhưng vì bị phe đồng minh ngăn chận, quân Nhật không thể chuyển ngay số vàng mà họ chiếm được về nước nên đã chôn giấu chừng 4.000 tấn vàng trên núi Tàu, một ngọn núi nhỏ thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, để chờ khi có cơ hội thuận tiện sẽ đưa về Nhật sau.
Thế là ông Tiệp ấp ủ giấc mơ tìm cho được kho báu đó với ước tính lên đến 4.000 tấn vàng suốt mấy chục năm và cuối cùng, ông đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho phép thăm dò và khai thác. Ông đã đầu tư rất nhiều tiền bạc cho dự án này, nhưng không may, đến tháng 3 năm 2015, giấy phép hết hạn nên ông phải ngừng công cuộc thăm dò mà vẫn chưa tìm thấy dấu vết kho tàng.
Câu chuyện nầy liên quan mật thiết với dụ ngôn Chúa Giê-su dạy hôm nay:
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
"Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.”
Kho báu quý nhất trên đời
Có một kho báu triệu lần đáng quý hơn bất cứ kho báu nào khác ở trần gian đang nằm trong tầm tay chúng ta nhưng tiếc thay, có nhiều người không biết đến, đó là Lời Chúa phán dạy trong Tin mừng, ta gọi đó là kho báu Tin mừng.
- Kho báu Tin mừng đáng quý triệu lần hơn mọi báu vật trần gian vì nhờ lời Chúa dạy trong Tin mừng mà muôn người được cứu rỗi và được hưởng phúc thiên đàng đời đời vinh hiển.
Các thánh Tông đồ, các thánh nam nữ được hưởng phúc thiên đàng không phải vì chiếm hữu được kho báu trần gian, không phải vì có nhiều vàng ngọc châu báu… nhưng vì các ngài thủ đắc được kho tàng lời Chúa trong Tin mừng và áp dụng những lời khôn ngoan đó vào cuộc sống.
- Kho báu Tin mừng đáng quý triệu lần hơn mọi báu vật trần gian vì khi được thấm nhuần những lời dạy của Tin mừng, tính nết con người được cải thiện, phẩm chất con người được nâng cao, đời sống con người thêm hạnh phúc… trong khi những người nắm giữ kho báu trần gian dễ bị sa đọa vì xa hoa và lạc thú do tiền tài mang lại, nên dễ dàng đánh mất hạnh phúc thiên đàng.
Kiên tâm tìm kiếm kho báu Tin mừng
Ông Trần Văn Tiệp đã thao thức tìm kiếm kho báu núi Tàu gần 50 năm, mãi cho đến lúc lìa đời vào năm 2016; Còn chúng ta, chúng ta có chấp nhận bỏ ra mỗi ngày mươi phút để khai thác kho báu Tin mừng hay không?
Kho báu trần gian thường nằm ở chốn rừng hoang, ở những nơi xa xôi hiểm trở hoặc dưới lòng đất sâu… nên cần phải mạo hiểm, cần đầu tư rất nhiều tiền bạc và công sức may ra mới chiếm hữu được; trong khi kho báu Tin mừng nằm trong tầm tay mọi người, muốn khai thác lúc nào cũng được mà không phải tốn kém. Vậy thì chúng ta hãy khởi sự khai thác ngay hôm nay để làm giàu cho đời sống thiêng liêng của mình.
Lạy Chúa Giê-su,
Rất nhiều người nao nức, háo hức tìm kiếm kho báu trần gian nhưng rất hiếm người tìm gặp; còn bất cứ ai khao khát tìm kiếm kho báu Tin mừng chắc chắn sẽ được toại nguyện như lời Chúa nói: “Ai tìm thì sẽ được, ai gõ thì sẽ mở cho.”
Và cho dù chúng con có thu tóm “được mọi kho báu trên thế gian này mà mất linh hồn thì cũng chẳng được ích gì.”
Vì thế, chỉ có kho báu Tin mừng là bảo vật cao quý nhất, cần thiết nhất mà mỗi người chúng con phải ra công tìm tòi khám phá và sở hữu cho bằng được, nhờ đó, chúng con sẽ trở nên người nhân đức thánh thiện ở đời này và được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng mai sau.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
==================== 
Suy niệm 3
Chọn Lựa và Quyết Định
Tin Mừng hai Chúa Nhật vừa qua, Chúa Giêsu giáo huấn về mầu nhiệm Nước Trời qua các dụ ngôn : Người Gieo Giống, Cỏ Lùng, Hạt Cải, Nắm Men.
Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn qua dụ ngôn Kho Báu và Viên Ngọc Quí.
Cả hai người trong dụ ngôn tìm thấy kho báu và viên ngọc đều vui mừng trở về bán hết gia tài để mua. Không thấy họ có dấu hiệu tiếc nuối, chần chừ hay so đo. Họ quyết định thật nhanh với một tâm hồn thanh thản và vui sướng. Phản ứng của hai ông cho thấy việc từ bỏ, dứt khoát với những gì mình đang có là việc phải làm sau khi khám phá và hiểu được cái giá trị mình sắp có.
Dụ ngôn “Kho báu chôn trong ruộng” và “Viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và ‘Viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để mỗi người tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn là tìm biết Đức Kitô. Có Ngài, là có tất cả! Đó là xác tín và là lựa chọn dấn thân trọn vẹn, dứt khoát để có được “Điều Cao Quí” như kinh nghiệm của chính thánh Phaolô : “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Phil 3,7-8). Nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô trong bài đọc 2: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô, là đạt đến Nước Trời. Muốn đạt đến cùng đích ấy, cả hai dụ ngôn đều đề nghị người nghe chọn lựa sự nghèo khó như được nói trong (Mt 5,3): “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”, khi lặp đi lặp lại: “bán tất cả những gì mình có” (cc.44.46). Kho báu và viên ngọc quý, như thế, chính là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa “Nước Trời là của họ”. Kinh nghiệm đó tạo nên niềm vui sâu xa trong tâm hồn. “Kho tàng anh ở đâu thì lòng trí anh ở đó” (Mt 6,20).
Tính chất cao quý có giá trị tối hậu mang lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc đời đã được các bài đọc Sách Thánh hôm nay làm nổi bật bằng cách đưa ra những so sánh ví von. Cao quý như sự khôn ngoan được vua Salômon coi trọng hơn phúc lộc thọ của ngai vàng (bài đọc 1). Salômon kế vị Vua cha là Đavít. Salômon nhận rõ mình “trẻ người non dạ” và những hạn chế của bản thân trước trọng trách làm vua. Salômon được Thiên Chúa yêu thương, ân ban cho ông được quyền xin ơn gì ông cần. Salômon không xin giàu có, không xin vinh quang và cũng không xin trường thọ. Salômon xin ơn khôn ngoan để hướng dẫn dân được tuyển chọn đúng theo đường lối của Chúa. Điều ông xin làm hài lòng Thiên Chúa và ông được nhậm lời. Salômon trở nên một vị vua tài trí bậc nhất trong thiên hạ. Sự khôn ngoan của ông vượt ra khỏi biên giới Israel. Trước ông không ai như ông và sau ông không ai bằng ông. Cao quý như lề luật được Dân Chúa coi trọng tựa Nguồn Sáng dẫn lối (bài đọc 2). Cao quý như “Kho báu chôn trong ruộng” như “Viên ngọc quý”. Nước Trời là một ân ban cao quý Thiên Chúa dành cho mọi kẻ kiếm tìm.
Sau khi đã nhận ra kho báu, người cày ruộng lẫn người buôn ngọc đều đã biết cái gì quan trọng, họ phải chọn lựa và đi đến một quyết định. Là Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm cái gì? Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết chọn lựa giữa những cám dỗ mời mọc của trần thế: ‘Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm…Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33).
Sách Giáo lý Công giáo cũng khuyên dạy: ‘Chúa Giêsu kêu gọi mọi người vào Nước Trời qua những bài dụ ngôn của Ngài, nét đặc trưng của việc giảng dạy của Ngài. Qua các dụ ngôn này, Ngài mời người ta tới dự tiệc của Nước Trời, nhưng Ngài cũng đòi hỏi người ta một sự chọn lựa triệt để: để được nước Trời, người ta phải cho tất cả, và lời nói không đủ, còn cần phải có những hành vi” (GLCG # 546).
Nước Trời đòi buộc phải hy sinh, một khi đã khám phá ra, phải bán tất cả những gì mình có. Đây là một chọn lựa dứt khoát, quyết liệt, không dễ dàng. Sự từ bỏ theo Chúa Giêsu chính là thái độ dấn thân vì Nước Trời. Tìm thấy Nước Trời, thấy được giá trị cao quí của Nước Trời, cho nên mới can đảm hy sinh từ bỏ tất cả để có được. Người nông dân bán tất cả để mua cho được mảnh ruộng có kho báu ; vị thương gia bán tất cả tài sản để mua cho bằng được viên ngọc quý là hình ảnh nói lên việc phải dứt khoát chọn lựa Nước Trời. 
Người nông dân, vị thương gia đều vui mừng khi tìm được kho báu hay viên ngọc quí. Cũng vậy, thái độ của người đã gặp Chúa, đã khám phá ra Nước Trời trong cuộc sống là thái độ hân hoan vui mừng. Tìm kiếm được niềm vui này mới làm cho con người có khả năng dứt bỏ mọi sự để theo Chúa. Bấy giờ, tất cả những gì trước nay ta cho là quí giá thì mất hết giá trị so với niềm vui mừng có được Thiên Chúa. Có Chúa là có tất cả. Đây là kinh nghiệm không dễ có được một khi thờ ơ không dám lên đường tìm kiếm Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Nếu chỉ biết loanh quanh trong việc tìm kiếm của cải trần thế, thú vui xác thịt thì sẽ không bao giờ khám phá được niềm vui Nước Trời, niềm vui trong Chúa.
Tìm kiếm Nước Trời và từ bỏ tất cả để đạt cho bằng được là niềm vui của đời Kitô hữu chính là thái độ chọn lựa khôn ngoan. Trong Chúa mới làm nên ý nghĩa đích thực của đời sống, nơi Chúa mới tìm kiếm được nguồn mạch thỏa mãn mọi nỗi khát khao hạnh phúc.
Hai hình ảnh “kho báu” và “viên ngọc quý” vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết gía trị của chúng thì quý hóa, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn đó, chính vì vậy mà nhiều người bị lầm. Cũng như người kia có kho báu ở ngay trong thửa ruộng của mình mà không biết, hay người có viên ngọc quý giá kia cũng thế, họ nắm trong tay mà không hay, nên họ đã để vuột mất kho báu và viên ngọc quý.Trong “Ngàn lẻ một đêm” có câu chuyện “Ông già xứ Ba Tư”. Người nông dân có một nông trại rộng lớn, vườn rộng ao sâu, nhiều hoa quả và cá quý. Ông ta nghe lời một vị đạo sĩ nên bán hết ruộng vườn để đi tìm kim cương. Ông lặn lội đi tìm hết nước nầy sang nước khác, nhưng không tìm thấy kim cương đâu cả. Cuối cùng, hết tiền, đói khổ, quần áo rách rưới, cùng đường, ông đâm đầu xuống sông tự tử. Trong khi đó, người mua lại nông trại của ông đã tìm ra một mỏ kim cương khổng lồ ngay trong nông trại đó. Ông già Ba Tư ấy ngồi ngay trên mỏ kim cương, sở hữu mỏ kim cương kia mà không hề hay biết gì.
Điều quan nhất là phải biết khám phá, trong bản thân mình, ai cũng có một kho báu quí giá. Kho báu ấy được Kinh Thánh mạc khải: Con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, được dựng nên “giống Thiên Chúa” (St 1,26.27; 9,6), là “con cái Thiên Chúa” (Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4). Ý thức và xác tín những điều ấy, ta sẽ thấy phẩm giá con người hết sức cao quí. Đó là niềm vui và là hạnh phúc. Phẩm giá ấy cao quí hơn tất cả những gì mà ta có thể có được ở trần gian. Với bản chất cao cả ấy như một chìa khóa, một bí quyết, một nền tảng cần thiết, con người có thể có tất cả, nhất là có hạnh phúc đích thực ở trần gian này, và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.
Trong Đức Kitô, sự khôn ngoan Thiên Chúa đã được tỏ bày qua sự yếu đuối nhân loại. Ai chân thành với Đức Kitô sẽ gặp thấy Ngài chính là kho báu. Ai trung thành làm theo lời Đức Kitô sẽ sở hữu trọn vẹn kho báu ấy. Ai nhiệt thành gắn bó với Đức Kitô sẽ được chia sẽ cùng Ngài kho báu hạnh phúc Thiên đàng.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
====================
Suy niệm 4
Hãy làm mọi sự để có được Nước Trời
Mt 13, 44 - 52

Một điều vô tiền khoáng hậu được ký kết trong một giấc mộng tại Gabaon giữa một bên là Thiên Chúa, bên kia là Salomon, Thiên Chúa phán : "Đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin … đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi" (1V 3, 12).
Thiên Chúa muốn thông ban vinh quang đã có tự đời đời cho con người. Vinh quang này được sánh như một kho báu hay một viên ngọc quí mà con người khát khao kiếmtìm. Hạnh phúcấy là chính Chúa. Chính con người cũng không biết mình được dựng nên để vui hưởng vinh quang với Thiên Chúa. Theo thánh Phaolô thì Thiên Chúa biết chúng ta từ thủa đời đời; khi được tạo thành, Ngài đã gọi tên ta. Theo nghĩa Thánh Kinh, Thiên Chúa biếtvà cưu mangchúng ta bằng cả tấm lòng, như người mẹ biết con mình khi cưu mang con trong dạ. 
Kế hoạch của Thiên Chúa là Ngài muốn chúng ta trở nên giống hình ảnh của Chúa Giêsu, Con Ngài. Nói cách khác, Thiên Chúa muốn chúng ta là một thành viên trong gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là một đại ân huệ Thiên Chúa dành cho chúng ta! Ngài tạo dựngchúng ta giốnghình ảnh của Con Chúa, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, nhất là mang trên mình danh hiệu là kitô hữu" Đức Giêsu Kitô: làm sao giàu có như Người, mà vì anh em, Người đã nên nghèo khó, ngõ hầu anh em được nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người " (2 Cr 8,9). 
Nếu chúng ta nghe và đáp lời Chúa, Thiên Chúa sẽ biện hộ cho chúng ta ; Ngài sẽ làm cho chúng ta trở nên thánh thiện, hoan lạc, hạnh phúc và chiếu tỏa rạng ngời vinh quang Chúa phù hợp với Thiên Chúa. Vì kế hoạch của Thiên Chúa là " Những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên giống hình ảnh Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang " (Rm 8, 29-30).
Trong khi đó, kế hoạch của con người, là đi tìm hạnh phúc. Việc tìm kiếm này đòi phải phân định. Như chiếc lưới kéo lên tất cả các loại cá, nên hạnh phúc cũng có tất cả các loại. Có những thứ hạnh phúc đích thực, có những thứ hạnh phúc rẻ tiền, hão huyền, trống rỗng và giả dối.
Vua Solomon đã xin Chúa ban cho một “tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ” (1V 3, 9).
Để có hạnh phúc thật, cần phải cầu xin Chúa như Salomon: cho được ơn làm chủ bản thân, biết phân biệt tốt xấu, chọn lựa điều  tốt, bỏ điều xấu. Vì tất cả những gì chúng ta hài lòng chưa hẳn đã là tốt. 
Có ơn phân định, để nhận ra tiếng Chúa, làm theo kế hoạch của Chúa, như tác giả Thánh Vịnh đã hát : " Bởi thế nên con yêu quý chỉ thị Ngài hơn vàng, và hơn cả vàng ròng tinh khiết. Bởi thế nên con tự chọn tất cả huấn lệnh của Ngài; hết thảy đường lối gian tà con đều ghét bỏ " (118, 127-128 ). Cần phải có tâm hồn tỉnh thức, sẵn sàng không hời hợt, bốc đồng. 
Tỉnh thức, thì dễ vâng phục và lắng nghe Chúa hơn, như thế mới có hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây chính là điều Chúa Giêsu áp dụng cho Nước Trời, khi Người sánh ví như một kho báu hay một thương gia đi tìm ngọc quí.
Nước Trời, là chủ đềhạnh phúc chúng ta tìm kiếm, đôi khi có thể được tìm thấy một cách tình cờ, như người kia tìm được kho tàng khi cày ruộng. Nó cũng có thể là kết quả của cuộc tìm kiếm lâu dài, như người buôn nọ đi tìm ngọc quý (Mt 13, 45). Và khi đã tìm được kho tàng, hay viên ngọc quý rồi, điều trước tiên như Chúa Giêsu nói là bán hết những gì đang có, để mua bằng được kho tàng và viên ngọc.  
Kho tàng hay viên ngọc quí ấy là chính Đức Kitô. Tiên vàn hãy tìm kiếm Chúa Kitô trước đã. Ôi thật là khó, vì chung quanh chúng ta có quá nhiều ràng buộc, ngăn cản chúng ta gắn bó với Đức Kitô. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta dành cho Người tình yêu trên hết, chúng ta phải là kitô hữu 100%.
Chúa Giêsu tuyên bố: " Không ai có thể làm tôi hai chủ» (Mt 6,24). Chỉ có "kho tàng trên trời " mới là nơi chúng ta lựa chọn gửi gắm lòng mình : " Vì kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó " (Mt 6, 20s). Thánh Phaolô nói rõ: " Quê hương chúng ta là quê trởi, nước chúng ta là trời cao "(Ph 3,20). 
Để có được Nước Trờichúng tacần phải dứt bỏ như Chúa Giêsu gọi mời: "Nếu ai muốn đi sau Ta, thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá của mình và hãy theo Ta " (Mt 16,24)… Và  chỗ khác Người nói: " Nếu ngươi muốn được trọn lành, thì hãy đi bán những gì ngươi có mà cho kẻ khó ", sau cùng Người thêm: "đoạn hãy đến theo " (Mt 19,21). Không những thế còn phải phấn đấu, " giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy ". Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta rằng không thể có được Nước Trời, nếu chúng ta không từ bỏ tất cả những gì chúng ta đang có : vinh quang, giầu có, địa vị và tất cả những sự tìm kiếm khác.
Qua dụ ngôn chiếclưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá, (Mt 13, 47) Chúa Giêsu cảnh báo. Đừng có lựa chọn và hành động nửa vời: cần phải tách mình ra khỏi tội lỗi là thứ ngăn cản chúng ta đến với Chúa và Nước Trời. 
Chúng ta hãy nài xin Chúa ban ơn trợ giúp, để chúng ta cóthêmnghị lực vứt bỏ tội lỗi, và cam kết chọn Chúa là lẽ sống của chúng ta. Amen.

Lm An-tôn Nguyễn Văn Độ

====================
Suy niệm 5
Kho Báu và Ngọc Quý
Mt 13, 44-52
Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13, 44-46).
Đức Giêsu ví Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong thửa ruộng. Người may mắn phát hiện thấy được thì mừng quá, ngay lập tức đi bán hết những gì mình có để mua cho được thửa ruộng này, không thể lừng khừng kẻo lỡ mất cơ hội. Người còn ví Nước Trời như viên ngọc đẹp lọt vào mắt một thương gia. Ông cũng đi bán tất gia sản của mình để mua cho bằng được. Cả hai dụ ngôn đều nói lên sự cao quý tột bậc, đắt giá của Nước Trời. Cả hai người trong dụ ngôn đều khôn ngoan, biết nhanh tay đầu tư tận lực và ngay lập tức.
Nước Trời là phần rỗi, là sự sống đời đời, là gia nghiệp của những ai khao khát kiếm tìm, đến khi nhận ra và nỗ lực phấn đấu với hết khả năng, sức lực để có được. Có nhiều người muốn có, nhưng không đủ “say” để bán đi những gì mình yêu thích, không chịu thua thiệt mất mát những gì mình đang sở hữu để đánh đổi lấy, khó dứt mình khỏi những đam mê, tiếc xót mọi thứ đang hưởng thụ... thì làm sao có được?
Nước Trời là chính Chúa. Tôi có biết khao khát kiếm tìm Chúa không? Vì không nhận ra nên nhiều người dửng dưng coi thường, chỉ mải mê với đủ vui thú thế trần thì làm sao có được? Lời Chúa là chính Chúa. Tôi có tha thiết gì với Lời Chúa không? Một khi đã thực sự gặp thấy Nước Trời, trở nên thân tình, gắn bó mặn mà với Chúa, niềm vui hạnh phúc quá lớn lao chất chứa trong lòng, thì những thứ khác thành bé nhỏ. Nhờ sức nóng từ Chúa hun đúc tôi luyện, những gì không xứng với Nước Trời trong tôi sẽ “rơi rụng” dần và làm cho xứng đáng lãnh lấy phần thưởng Nước Trời.
Tạ ơn Chúa đã mạc khải cho chúng con biết giá trị vô song của ơn cứu rỗi. Xin Chúa hướng dẫn, thúc đẩy chúng con sẵn sàng hy sinh mọi sự để đạt được kho tàng Nước Trời. Ước gì trong chúng con Chúa là “kho tàng duy nhất đời con”, cho tâm hồn con luôn hướng về Chúa, sống kết hợp mật thiết với Chúa trong từng phút giây. Để niềm hạnh phúc này thể hiện rõ trên khuôn mặt luôn vui tươi, thể hiện trong việc làm hằng ngày với tinh thần quảng đại, phục vụ anh chị em con.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log