Có nhiều cách đọc và suy ngắm dụ ngôn về người gieo giống hôm nay. Chúng ta không nên dừng lại ở một bài học luân lý, có nghĩa là chỉ nhấn mạnh về những mảnh đất xấu mà Lời Chúa khó hoặc không đem lại hoa trái gì.
Một chủ nghĩa lạc quan thực tế
Dụ ngôn hôm nay Chúa Giêsu nói về người gieo giống và mảnh đất mà hạt giống được gieo vàò. Người gieo giống là Ngôi Lời Thiên Chúa và hạt giống là Lời Chúa. Đó là câu chuyện về một tấm lòng quảng đại vô bờ bến, đối với cả những người không có thể đón nhận Lời Chúa. Thánh Thần gieo nơi mà Ngài muốn: “Gió muốn thổi đâu thì thỏi, chúng ta không biết gió đến từ đâu và thổi đi đâu”. Ngài biết có những hòn đá sỏi ven đường và những chướng tai gai mắt. Ngài cứ gieo!…Có một mảnh đất để gieo, một tội nhân để cứu, một người anh em để yêu. Chúa biết! Người gieo giống biết rằng ở giữa cỏ lùng cũng có lúa tốt mọc lên và cần phải có thời gian nhẫn nại đợi chờ mùa gặt đến.
Chúa biết vào một ngày nào đó Lời Chúa sẽ sinh hoa trái như Ngài đã nói qua miệng tiên tri Isaia: “Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh hoa kết quả”. Khi nói với chúng ta dụ ngôn này, Chúa Giêsu không phải là người mơ mộng. Ngài không ảo tưởng. Ngài nhìn thẳng vào sứ vụ tông đồ của Ngài để xác nhận rằng có nhiều thính giả nghe Lời Chúa mà không hiểu. Ngay cả sau khi hóa bánh ra nhiều cho bốn ngàn người ăn no, theo cái nhìn bề ngoài của con người, thì mùa gieo hạt giống thiêng liêng chẳng có kết quả gì. Nhiều môn đệ rút lui và không theo Chúa nữa. Sỏi đá nghi ngờ của họ ngăn cản hạt giống đã được gieo lớn lên.
Một chủ nghĩa lạc quan chắc chắn
Tuy nhiên, không mệt mỏi, người gieo giống tiếp tục gieo lời Thiên Chúa. Người gieo giống sẽ đi tới mức hủy diệt hoàn toàn vì Lời Chúa trên cây Thập giá. Cái chết của Ngài chỉ sinh hoa kết quả trong sự phục sinh. “Khi nào treo Tôi lên, tôi sẽ kéo mọi người lên cùng Tôi”.
Kết luận dụ ngôn người gieo giống là thành công đặc biệt của mùa gặt sau hết: “có hạt được một trăm, có hạt được sáu mươi, có hạt được ba mươi”. Bài Thánh vịnh đáp ca cũng nói: “Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới gội, Người làm cho đất trở nên phong phú bội phần.. Người đã chuẩn bị cho thiên hạ có lúa mì…Muôn loài đều hát xướng và hoan ca”. Chúa Giêsu biết rằng trái tim con người căn bản là mảnh đất tốt, vì được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và để sống trong hạnh phúc của chính Thiên Chúa. Thánh Thần đã được gieo vào con người. Và đó là một mùa gieo giống quyền uy.
Chúng ta có thể quên thế nào được cái nhìn của Chúa Giêsu trong đêm khổ nạn, khi Phero chối Chúa. Nhưng sau khi sống lại, cỏ lùng đã biến đổi qua Lời: ”Phero, con có yêu mến Thầy không?”…”Thưa Thầy, Thầy biết rõ con yêu mến Thầy”. Người gieo không bao giờ ngừng nghỉ vì luôn hy vọng hạt giống cũng như mảnh đất.
Một chủ nghĩa lạc quan vui mừng
- Vào lúc sắp sửa giảng dụ ngôn người gieo giống, cỏ lùng, bột và men, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ thân thiết của Ngài: “Phúc cho mắt anh em vì được thấy, phúc cho tai anh em vì được nghe”.
- Thánh Gioan cũng lặp lại ý nghĩa này: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời Hằng Sống”.
- Thánh Phaolo chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm đó:”Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngắn, có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết như Thiên Chúa biết tôi”.
Một chủ nghĩa lạc quan tích cực
Vì thế Chúa Giêsu như người gieo giống muốn chúng ta có một cái nhìn tích cực. Chúng ta có biết khám phá và nhìn tất cả những gì sinh ra, sống và lớn lên tốt đẹp trong chúng ta cũng như xung quanh chúng ta không? Ơn thánh Chúa và sức mạnh của Chúa Thánh Thần trao ban sự sống và thánh hóa mọi sự, đã làm nảy mầm trên mảnh đất Ngài đã tạo dựng hằng tỉ nghĩa cử yêu thương:
- Hằng ngày có hằng tỉ người đọc kinh Lạy Cha với tất cả con tim của mình.
- Có biết bao nhiêu bà mẹ trao ban và phục vụ con cái mình không mệt mỏi.
- Biết bao cụ già thường xuyên dâng lời kinh lên Chúa.
- Biết bao bạn trẻ vẫn luôn trung thành với Chúa Kito.
- Biết bao người trong hoạt động khoa học kỹ thuật, đã cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa…
Đừng chỉ nhìn nhận cái tiêu cực, xấu xa và tội lỗi, tốt hơn hết là hãy để cho ơn thánh Chúa và nỗ lực cá nhân chúng ta tác động để mảnh đất chúng ta nên tốt và sinh hoa trái, hạt được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm.
Chúa Giêsu sống nghèo, dịu hiền nhẫn nại, đem bình an, chấp nhận đau khổ để làm gì? Ngài đã gieo hạt giống Mình và Máu Ngài trên cây thập giá để làm gì? Phải chăng Ngài đã nói: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó thối đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt”.
Điều tích cực và cụ thể nhất Thiên Chúa chờ đời nơi mỗi người chúng ta: là mỗi khi tham dự thánh lễ, hãy để cho Thánh Thể nuôi dưỡng chúng ta và thưa lên Ngài: “Lạy Chúa, mỗi khi chúng con cử hành mầu nhiệm này, xin Chúa hãy làm cho công việc cứu độ của Chúa lớn lên trong chúng con mỗi ngày. Amen!”
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
====================
Suy niệm 2
HẠT GIỐNG SINH LỜI
Mt 13, 1-23
Hạt giống được gieo xuống đất sẽ mọc lên thành cây. Nhưng cây đó tươi tốt và sinh hoa kết trái được nhiều hay ít là tùy thuộc vào chất lượng đất trồng và công vun xới bón chăm. Đất tốt cây mọc lên tốt, đất xấu hay trơ đá sỏi thì cây không thể mọc và phát triển, thậm chí chỉ còn trơ lại đất đá mà thôi.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn để ví Lời Chúa như hạt giống nhà nông gieo vãi; chúng có thể bị cướp mất, có thể lớn lên tí chút rồi khô héo, có thể lớn lên mà chẳng sinh hoa kết quả, và có thể sinh hạt gấp trăm. Giữa đám đông ngút ngàn từ khắp các thành thị kéo đến, Đức Giêsu hô lên, như để kéo sự chú ý, chú tâm mà suy xét về điều quan trọng này: “Ai có tai nghe thì nghe” (Mt 13,9). Bởi vì nhiều người nghe mà như không, nghe như nước đổ đầu vịt, nước mà đổ trên “đá gạch hoa kim” thì càng vô hiệu, vì không thể thấm nước.
Hạt giống Lời Chúa có được mọc lên thành cây sinh hoa kết trái hay không là tùy thuộc thái độ đón nhận của mỗi người. Tâm hồn mỗi người như thửa đất sẽ đón nhận hạt giống Lời Chúa ra sao?
“Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất” (Mt 13,4). Khi nghe Lời Chúa người ta cũng nghe, nhưng nghe bỏ đấy, nghe mà không hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy, vào tai này ra tai kia, rồi chê Cha giảng dở, nói lạc đề. Họ không hiểu là vì họ không chịu chú ý nghe, không muốn nghe, hay không chịu suy nghĩ những gì Cha cắt nghĩa, chỉ còn là đất vệ đường.
“Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô” (Mt 13,5-6). Đây là trở ngại do ý chí, là những người có để ý nghe nhưng hời hợt, mát mình thì thực hành tí chút, gặp khó khăn là chán nản chạy mất, hay bị cám dỗ là ngã lòng bỏ cuộc buông xuôi, họ trở thành đất đá sỏi mà thôi.
“Còn những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt” (Mt 13,7). Đây là trở ngại do tình cảm, những người nghe Lời Chúa, nhưng chiều theo thị hiếu thế gian, hay đòi hỏi của xác thịt, những thứ ấy làm đất tâm hồn như bụi gai, lấn át làm cho Lời bị bóp nghẹt không thể trưởng thành mà lớn lên được. Lời Chúa là chính Chúa thì đúng là làm cho Chúa bị “nghẹt” rồi, làm sao Ngài có thể lớn lên trong tôi?
“Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.” (Mt 13,8). Đất thuận lợi là nơi những tâm hồn biết lắng nghe, để tâm suy nghĩ và thực hành Lời Chúa. Không nhiều thì ít, Lời sẽ sinh bông hạt trong thửa đất màu mỡ ấy.
Chúa ơi! Chúa biết rằng tâm hồn chúng con luôn thay đổi: có lúc như vệ đường, như sỏi đá, như bụi gai, hoặc có khi như đất tốt, nhưng Chúa vẫn luôn kiên trì gieo Lời hằng sống của Chúa vào tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con biết hoán cải, mở lòng để đón nhận Chúa vào đời mình hằng giây, để chính Chúa sẽ cải tạo, làm mới thửa đất tâm hồn chúng con. Có Chúa trong cuộc đời, nỗi sướng vui ngập tràn. Lời Chúa được gieo vào lòng chúng con sẽ thành cây tươi tốt sinh nhiều hoa trái. Bởi vì: “gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí.” (1Cr 15, 42-44).
Én Nhỏ ===================
Suy niệm 3
Hãy Đón Nhận Và Gieo Cách Hào Phóng
(Mt 13, 1 - 23)
“Dụ Ngôn Người Gieo Giống” của Chúa Giêsu được thánh Matthêu trình bày tuy bình dân, nhưng chứa đựng một sứ điệp rất quan trọng liên quan đến người kể và người nghe. Người gieo giống ở đây không ai khác ngoài Thiên Chúa, hạt giống là Chúa Giêsu, đã được Chúa Cha gieo vào trần gian một cách hào phòng. Ngài gieo Lời cứu độ là chính Con Ngài xuống trên chúng ta, bất kể chúng ta thờ ơ, từ chối, nhưng chắc chắn ai đón nhận, nơi ấy hạt sẽ đâm rễ và mọc lên.
Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa đi gieo hạt giống là chính thân mình vào trần gian, chôn vùi vào lòng đất khi nhập thể làm người, mục nát đi khi chịu chết và chôn trong mồ, mong có ngày bội thu là phục sinh cứu độ hết thảy mọi người. Nên dụ ngôn tự sự này có sức cuốn hút người nghe cách đặc biệt.
Bài đọc I, Lời Chúa được tiên tri Isaia ví “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất” (Is 55,10). Mưa và tuyết vốn là những điều kiện thiết yếu cho hạt giống nảy mầm, lớn lên và kết hạt. Hình ảnh mưa và tuyết nói rõ: “tưới gội mặt đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói của bánh ăn” (Is 55,10). Đó là những hình ảnh đẹp, sống động và rất gần gũi với giới bình dân chúng ta, diễn tả cho chúng ta Lời Chúa phục vụ sự sống như thế nào; bởi vì Lời Chúa là Sự Sống của ta, là Ánh Sáng đời ta, hạnh phúc cho đời ta hôm nay và mãi mãi.
Lời của ngôn sứ Isaia giúp chúng ta hiểu đúng hướng dụ ngôn Người Gieo Giống. Thông điệp thật rõ ràng: Thiên Chúa là người đi gieo giống, Ngài gieo cách hào phóng, nhưng kết quả cụ thể còn tùy thuộc vào thời tiết và cách thức gieo giống cũng như tự do của thửa đất đón nhận hạt giống là chúng ta. Kinh nghiệm thường ngày của nhà nông quả quyết rằng, kết quả tùy thuộc vào thửa đất, nơi gieo hạt. Ví dụ, trong số những sinh viên chung một lớp, học cùng trường, được thầy giáo dạy cũng một môn về tôn giáo, nhưng người này tin còn người kia vô thần. Dù cả lớp đều nghe giáo viên giảng những điều tương tự nhưng hạt giống đã rơi lại rơi vào mảnh đất là những người khác nhau. Chúng ta cũng thế, tất cả vừa cùng nghe sứ điệp Lời Chúa, nhưng ra về mỗi người sống khác nhau.
Thửa đất tốt là tâm hồn chúng ta, do Thiên Chúa dựng nên cách tự nhiên, Ngài đã phú ban nó cho chúng ta, chúng ta tự do đón nhận hay từ chối là quyền của ý chí của chúng ta. Có những người thích tận hưởng cuộc sống thay vì trở nên tốt hơn. Có những kẻ mê đắm sự đời thế gian, “Lời Chúa bị bóp nghẹt không mang lại hoa trái” (Mt 13,22).
Nhưng trái lại, đối với một số người, vì muốn giữ giá trị của chính mình, họ đón nhận Lời Chúa với lòng yêu mến thế là đơm hoa kết trái là trăm số việc lành, cho dù phải hy sinh. Chúa Giêsu nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 12,24). Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta rằng, con đường dẫn đến sự cứu rỗi là con đường vào qua cửa hẹp (Mt 7,14): tất cả đều có giá của nó. Chúng ta sẽ không bao giờ có giá trị nếu chúng ta không cố gắng.
Ai bị ước muốn sự đời hướng dẫn, người ấy sẽ có trái tim giống như một khu rừng nhiệt đới. Ngược lại như cây ăn quả, cây tốt ắt sẽ sinh trái tốt. Vì thế, các thánh đã không có cuộc sống dễ dàng, họ đã trở nên mẫu gương cho nhân loại. Đức Giáo hoàng Piô XII nói: “Chắc chắn không phải tất cả chúng ta đều được kêu gọi chịu tử vì Đạo. Nhưng tất cả chúng ta được kêu gọi để có nhân đức Kitô giáo. Chúng ta kiên trì hoạt động, đừng chểnh mảng cho đến hết đời. Chính vì thế người ta cũng có thể nói về một tử đạo chậm và kéo dài”.
Thiên Chúa không đòi hỏi nơi chúng ta những điều không thể: chúng ta hãy vui lòng làm như Chúa, gieo cách hào phóng bằng lời nói và gương sáng, ngay cả trong sự khác biệt; hãy tin rằng sẽ luôn có cái gì đó thúc đẩy hạt giống mọc lên đúng thời vụ ; bởi vì Lời từ miệng Chúa phán ra sẽ không trở lại với Chúa nhưng theo ý Chúa mà sinh kết quả (x. Is 55, 10-11).
Điều căn bản là chúng ta cần chuẩn bị để chính mình là một thửa đất tốt để đón nhận hạt giống, đồng thời phải chăm sóc để nó có thể đơm hoa kết trái. Có người không muốn mình bị thử thách hay gặp khó khăn, người ấy sẽ có ngàn lý do để từ chối. Nhưng ai “ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả” (Mt 13, 23).
Tất cả đều nghe dụ ngôn, nhưng người hiểu được là người mang nơi mình và trân trọng như một tài sản quý giá, người ấy sẽ hạnh phúc nếu nghe những gì Chúa nói và nghiêm túc hoán cải theo tiếng Chúa gọi: Ngài sẽ chữa lành và làm cho họ được sống, “giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 21), chúng ta sẽ đơm hoa kết trái.
Dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria như bậc thầy của việc lắng nghe Lời Chúa cách sâu sắc và kiên trì thực hành. Xin Mẹ giúp chúng ta theo gương Mẹ, trở nên “đất tốt”, để hạt gống Lời Chúa có thể sinh nhiều bông hạt, ngõ hầu chúng ta tiếp tục sứ mạng tông đồ đi gieo vãi Lời Cứu Rỗi khắp mọi nơi cho anh em. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ