Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường Niên A

Cập nhật lúc 08:38 16/07/2020
Suy niệm 1
Hãy học biết hy vọng!
Mt 13, 24-43
Một cánh đồng cỏ non xanh
"Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện”.
Bao lâu hạt giống chưa thành hình, chúng ta không phân biệt được lúa tốt hay cỏ lùng.. 
Thế giới trông giống như một cánh đồng cỏ xanh non, nơi mọi thứ xem ra có hy vọng sống.. Vì thế,có nhiều người cho rằng mọi thứ đều ổn, họ chỉ thấy lúa tốt, mà không nhìn thấy cỏ lùng, đá cuội, và gai góc: 
- Họ cho rằng phải luôn nhìn sự sống theo khía cạnh tích cực.
- Họ từ chối nhìn thấy những khó khăn. 
- Họ cho rằng những người khác có những ý tưởng đen tối và đã mất cảm giác hy vọng. 
- Chính họ là những người non nớt như cỏ xanh chưa mọc lên thành thân cây. 
- Họ sợ những khó khăn đến mức họ không muốn nhìn thấy chúng. 
- Họ thiển cận không nhìn thấy cỏ lùng. Họ quên rằng trong thế giới này có cả cỏ lùng.
Và Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người chúng ta: "Trong Nước Thiên Chúa có lúa tốt nhưng cũng có cỏ lùng. Bạn hãy ra khỏi giấc mơ thời thơ ấu của bạn! Bạn hãy thực tế một chút và bạn sẽ học được hy vọng!."
Một cánh đồng cỏ lùng
Tin mừng nói: “Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng tự đâu mà có? Ông đáp: Kẻ thù đã làm điều đó!. Đầy tớ nói: Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi  nhổ cỏ ?. Ông đáp: Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng.”!.
Có những người nhận ra cỏ lùng, nhất là cỏ lùng trong ruộng người hàng xóm.
- Họ liên tục nhổ cỏ. Họ cho rằng phải sáng suốt và nói với những hàng xóm đang mắc lỗi.
- Họ tuyên bố rằng cần phải biết nói lên sự thật, cần phải cáo và nhổ bỏ cái ác đang ở trong người hàng xóm. 
- Và họ cứ tiếp tục nhổ cỏ... hàng xóm của họ! 
- Họ biện minh rằng họ tố cáo tội lỗi chứ không phải tố cáo tội nhân. 
- Họ làm như vậy rất dễ làm cho người khác ngã xuống, nhổ luôn cả cây lúa.
- Họ làm như vậy là săn lùng tội lỗi người khác.
- Họ không muốn ở trần gian này, mà chỉ muốn ở vào ngày tận thế, “khi kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình”.
Đối với những người này, Chúa Giêsu muốn nói: "Trong vương quốc của tôi - trong cánh đồng của riêng bạn - có lúa tốt nhưng cũng có cỏ lùng. Hãy học cách sống trong thời đại của con người trước khi muốn sống trong cõi vĩnh hằng. Hãy thực tế một chút và bạn sẽ học được hy vọng"!
Cỏ lùng mọc lên cùng lúa tốt
 “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi."
Thiên Chúa luôn kiên nhẫn. Ngài làm cho con cái Ngài đầy hy vọng. Ngài ban cho người tội lỗi ơn ăn năn thống hối. Vương quốc Thiên Chúa không có chỗ cho những người giúp việc thiếu kiên nhẫn, chỉ biết kêu gọi Thiên Chúa trừng phạt. Chúa Giê-su quở trách hai môn đệ xin Ngài mưa lửa từ trời xuống đốt những người Samaria đã từ chối họ.
Thiên Chúa mời gọi chúng ta hy vọng. Hy vọng làm chúng ta sáng suốt về bản thân chúng ta. 
- Người nào tuyên bố rằng trong cánh đồng của mình, trong cuộc sống của chính mình, không có có lùng, thì người đó biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối.  Tin mừng cho biết, trong suốt thời gian tăng trưởng của Nước Thiên Chúa, lúa tốt mọc bên cạnh cỏ lùng. 
- Người lớn lên trong hy vọng Nước Trời là người chấp nhận những thiếu sót, thất bại của mình. 
- Người lớn lên hy vọng là người nhận ra các loại cỏ lùng trong ruộng của mình, chấp nhận các loại cỏ lùng mà mình khám phá ra trong ruộng người hàng xóm.
Thiên Chúa yêu cầu chúng ta chịu đựng bản thân  chúng ta và chịu đựng người khác.. Thiên Chúa yêu cầu chúng ta tin rằng cỏ lùng không thể làm chết ngạt lúa tốt. Bất cứ ai tuyên bố rằng, trong ruộng của mình, Thiên Chúa không gieo hạt tốt, đó là người làm cho Thiên Chúa là kẻ nói dối. Chúng ta đừng quên, rằng trong cuộc sống của chúng ta cũng như của người khác, khi chúng ta gặp cỏ lùng, cũng có lúa tốt. Khi chúng ta nhìn thấy lúa  tốt, chúng ta đừng quên cỏ lùng. Thên Chúa nói: "Hãy kiên nhẫn, hy vọng chịu đựng tất cả mọi thứ, hy vọng có được tất cả mọi thứ! Hy vọng sẽ kết thúc mọi thứ!
Nói tóm lại, kiên nhẫn và hy vọng không có nghĩa là ngồi yên. Chúng ta phải thay đổi, thay đổi bản thân và nếu có thể, thay đổi cả người khác, từ cỏ lùng sang lúa tốt.  Chúng ta hãy sốt sáng lặp lại lời nguyện đầu lễ hôm nay: “Lạy Chúa, chớ gì sức mạnh và sự kiên nhẫn của Chúa luôn nâng đỡ chúng con. Xin làm cho lời, hạt giống và men của Giáo Hội sinh hoa kết quả trong chúng con để bừng lên niềm hy vọng được thấy nhân loại mới lớn lên, để trong ngày Chúa đến, Chúa sẽ làm sáng chói như mặt trời trong nước của Chúa”. Amen!
Linh mục Gioan Đặng Văn Nghĩa
=====================
Suy niệm 2
Thiên Chúa không tiêu diệt người tội lỗi
Mt 13, 24-43 
Khi nhìn thấy chiến tranh, khủng bố, bạo loạn và tội ác xảy ra nhiều nơi trên thế giới thì có người tỏ ra bất mãn, oán trách Thiên Chúa và chua chát kêu lên: “Chúa ở đâu? Tại sao Chúa để cho bao nhiêu thảm cảnh đau lòng xảy ra như thế mà không ra tay can thiệp? Biết bao người vô tội bị áp bức đọa đày bởi phường gian ác mà tại sao Chúa không cứu giúp? Tại sao Thiên Chúa không quét sạch những người gây ra tội ác để cho nhân loại được thái bình?”
Dụ ngôn “Cỏ lùng trong ruộng lúa” được trích đọc hôm nay soi sáng cho chúng ta biết tại sao có tội ác xảy ra trên thế gian. Chúa Giê-su nói:
"Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.  Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: "Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?" Ông đáp: "Kẻ thù đã làm đó!”
Qua dụ ngôn trên, Chúa Giê-su ví Thiên Chúa như chủ ruộng gieo vãi những hạt giống tốt vào ruộng mình, có nghĩa là Ngài đã dựng nên những con người có phẩm chất tốt lành trên thế gian. Trong khi đó, ma quỷ là kẻ thù nghịch với Thiên Chúa đến gieo cỏ lùng vào ruộng lúa, có ý nói ma quỷ gieo những mầm giống xấu xa, những ham muốn tội lỗi vào lòng dạ con người, khiến con người làm điều gian ác và thế là, chiến tranh, bạo loạn, tội ác… xảy ra khắp thế gian.
Trước thảm cảnh đau lòng đó, Thiên Chúa đã làm gì?
Ngài không thể còng tay người phạm tội, không bắt bỏ tù người gian ác, không tiêu diệt kẻ bạo tàn… vì làm như thế là không tôn trọng tự do con người. Tự do là phẩm tính cao quý nhất Thiên Chúa ban cho con người. Nhờ có tự do, con người trỗi vượt hơn tất cả mọi loài vật khác. Một khi đã ban tự do cho con người, Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng và không bao giờ lấy lại. 
Cách duy nhất Thiên Chúa dùng để ngăn chặn con người ngừng làm hại nhau, đừng gây đau khổ cho nhau… là dạy cho họ biết rằng tất cả mọi người là anh chị em ruột thịt con cùng một Cha là Thiên Chúa nên phải xóa bỏ hận thù và phải yêu thương đùm bọc nhau.
Một khi người ta không vâng lời Chúa dạy, không giữ luật yêu thương thì Thiên Chúa vô cùng đau khổ, tan nát cõi lòng… mà không thể làm gì hơn. 
Dụ ngôn “Cỏ lùng trong ruộng lúa” cũng cho ta biết rằng: Thiên Chúa không thể nhổ bỏ cỏ lùng làm hại lúa tốt trong ruộng, tức là không muốn diệt trừ phường gian ác làm hại người lành; Ngài “để cả hai cùng lớn lên cho đến mùa gặt…” (Mt 13,30).
Như thế, Thiên Chúa không tiêu diệt kẻ gian ác nhưng kiên nhẫn đợi chờ, đợi chờ họ hồi tâm và tỉnh ngộ, để nhận ra mọi người là anh chị em một nhà con cùng một Cha… Nhờ đó, hận thù sẽ được xóa bỏ, ghen ghét sẽ bị đẩy lùi, hòa bình và yêu thương sẽ ngự trị trong tâm hồn mọi người… 
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đã ban cho chúng con tự do vì chỉ khi có tự do, chúng con mới thật sự là người có phẩm giá cao đẹp, mới xứng đáng là hình ảnh của Chúa.
Chúa cũng không bao giờ tước đoạt tự do mà Chúa đã thông ban cho chúng con vì không muốn chúng con sống như người máy, như nô lệ.
Xin cho chúng con không bao giờ dùng tự do để làm điều ác, nhưng biết sử dụng tự do để làm lành, lánh dữ, nhờ đó chúng con trở thành người có phẩm chất cao đẹp và đạt được hạnh phúc muôn đời.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
====================
Suy niệm 3
HÃY CỨ ĐỂ CẢ HAI MỌC LÊN CHO ĐẾN MÙA GẶT
Mt 13, 24-43
Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục dùng các dụ ngôn để giúp các môn đệ cũng như dân chúng hiểu về "Nước Trời". Người so sánh "Nước Trời như một người đã gieo giống tốt trong ruộng mình; Nước Trời giống như hạt cải; Nước Trời giống như nắm men" (x. Mt 13, 24-43), nước ấy ở ngay "trên mặt đất" chứ không phải nơi xa lạ. 
Thật vậy, chỉ trên mặt đất mới có chỗ cho lúa và cỏ lùng mọc lên, chỉ trong cuộc sống nhân trần mới có bột cần chất men, nên ở trên Thiên Đàng, chỉ có Thiên Chúa là tất cả mọi sự trong mọi người.
Chúa Giêsu lấy dụ ngôn hạt cải, mô tả nó "bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây" (Mt 13, 32)… "cũng như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men" (Mt 13, 33), ngoài ám chỉ sự lớn lên âm thầm nhưng hùng mạnh của Nước Chúa trong lịch sử, Chúa Giêsu muốn nói đến sự nhập thể làm người của chính mình và sức thánh hóa của Chúa Thánh Thần. 
Nếu ai đó không lấy men trộn vào bột làm cho bột dậy men, thì bột đó không thể sử dụng làm thực phẩm được. Nhưng nếu trộn bột vào men, bột sẽ dậy men, đó là cách Chúa Giêsu áp dụng cho Nước Trời... Cũng như thịt: để giữ gìn thịt khỏi hư, chúng ta phải tra muối vào để bảo quản... nếu không thịt sẽ hư và trở nên không phù hợp cho tiêu dùng. Một cách tương tự, nhân loại đại diện cho thịt hoặc bột, Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần là muối và men. Nếu men Thánh Thần và muối Giêsu không xuống thế gian, không mặc lấy bản tính con người, nghĩa là nhào trộn với con người, con người sẽ không bao giờ mất đi mùi hôi thối của tội lỗi, không " tẩy trừ men cũ, để nên bột mới, là bánh không men" (1Cr 5, 7) thì không thể được cứu độ.
Nếu con người chỉ dựa vào sức riêng mình, không cần Thánh Thần trợ giúp, thì thật sai lầm; bởi con người không được tạo dựng để ở trên Trời... Nếu người tội lỗi không gặp gỡ Thiên Chúa, không từ bỏ tội lỗi, không được thấm nhuần sức sống thần linh của Thiên Chúa, người ấy sẽ không bao giờ được nếm hưởng cuộc sống đích thực... Trái lại, nếu đón nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần, không "gây phiền muộn cho Thánh Thần" (Eph 4, 30), người ấy sẽ hạnh phúc và được sống đời đời.
Dụ ngôn hạt cải và nắm men có lẽ dễ hiểu nên các môn đệ không cần phải giải thích, các ông chỉ xin Chúa Giêsu: "giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng" (Mt 13, 36) sau khi đã về nhà. Và Người đã giải thích: "Người là kẻ gieo giống. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các Thiên Thần" (Mt 13, 37-39). 
Ở những thế kỷ đầu của Kitô giáo, giáo phái Đô nát cho rằng Giáo hội là tất cả những người lành, còn thế gian thì đầy dẫy con cái sự ác không có hy vọng được cứu độ. Thánh Augustinô quan niệm: "Chính Giáo Hội là một cánh đồng có lúa và cỏ lùng, có kẻ xấu và người tốt đều chung sống với nhau, là nơi để chúng ta bắt chước gương nhẫn nại của Chúa. Những kẻ dữ hiện hữu trong thế gian này hoặc là để được cải hóa hay là nhờ họ mà những kẻ lành có thể luyện tập đức nhẫn nại".
Vì thế chúng ta có thể rút ra những bài học sau:
1. Cần phải có hành động khôn ngoan, thận trọng, nhẹ nhàng và đúng đắn của người gieo giống tốt, để đề phòng "kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất" (Mt 13, 25). Thậm chí người gieo giống tốt có thể bị cám dỗ phản ứng với bạo lực khi áp dụng lời van xin của đầy tớ, "nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ" (Mt 13, 27). Ông chủ thật tuyệt vời, bởi ông thận trọng thẳng thừng nói: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: "Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta" (Mt 13, 29-30).
2. Chúa Giê-su, lúc sinh thời, Người đã phải đối mặt với sự hiện diện của sự dữ, các môn đệ Người cũng thế. Theo Matthêu thì cuộc đối đầu của Chúa Giêsu với sự dữ đã bắt đầu với câu chuyện thời thơ ấu lúc thánh Giuse đưa Đức Maria cùng Người trốn sang Ai Cập để tránh cuộc thảm sát của Hêrôđê (Mt 2, 1-14). Người sẽ tiếp tục đối đầu khi bị cám dỗ trong hoang địa (Mt 4, 1-11), cũng như trong suốt cuộc đời sứ vụ công khai, và sẽ phải chiến đấu chống lại cái ác cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời (Mt 26 ; 27). Tuy nhiên, Người sẽ chiến thắng khi sống lại bởi Đức Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần (Mt 28). 
Cũng giống như Thầy mình, các môn đệ Chúa Kitô cũng phải đối mặt với sự hiện diện của cái ác. Sau đó họ phải bắt chước Thầy mình nhẫn nại cho đến thời gian thu hoạch.
3. Trước sự hiện hữu của cái ác, thái độ của các môn đệ Chúa Kitô là gì nếu không phải là chấp nhận. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn cỏ lùng để mời gọi chúng ta áp dụng một số thái độ cần phải có đối với sự hiện hữu của cái ác trên thế giới. 
Trước hết cần phải gieo trong chúng ta và xung quanh chúng ta thật nhiều hạt tốt và đặc biệt là thực hiện từng bước để gìn giữ các hạt giống tốt cho đến mùa thu hoạch như là (cầu nguyện, tĩnh tâm, làm việc lành phúc đức, giúp đỡ tha nhân...) 
Tiếp đến là phải hành động với sự khôn ngoan, thận trọng khi đối đầu với sự ác, đồng thời cầu xin Chúa Thánh Thần giúp sức cho, vì: "Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta" (Rm 8, 26). 
Cần phải đứng vững trong đức tin, hy vọng và bác ái; nghĩa là chinh phục cái ác bằng việc làm tốt, theo lời khuyên của thánh Tông đồ Phaolô: "Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà thắng dữ" (Rm 12, 21).
Chúng ta hãy hướng tới Mẹ Maria với lòng tin tưởng, để Mẹ giúp chúng ta trung thành theo Chúa Giêsu, và sống như con cái của Thiên Chúa. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
=====================
Suy niệm 4
Quyết Định và Nhẫn Nại
Truyện kể rằng, có thầy ẩn tu tên là Cébastien, thường đến cầu nguyện tại một nhà nguyện vắng vẻ trên núi. Trong nhà nguyện này dân chúng tôn kính một tượng thánh giá với tước hiệu là “Tượng Chúa ban ơn”.
Thấy dân chúng có lòng tin thường tới cầu xin ơn lành, thầy Cébastien cũng thêm lòng tin cậy. Một hôm, nhân lúc vắng người, thầy đến quỳ gối trước tượng thánh giá và đơn thành khẩn nguyện:
- “Lạy Chúa, con ước ao được chia sẻ đau khổ với Chúa, xin cho con được thế chỗ Chúa trên thập giá”.
Rồi thầy quỳ yên lặng, mắt đăm đăm nhìn lên thánh giá mong được đáp lời. Một lúc sau thầy nghe như từ trên thánh giá có tiếng phán bảo:
- “Được, Ta bằng lòng để con thế chỗ Ta trên thập giá, nhưng với một điều kiện duy nhất là bất cứ điều gì xảy ra, tai con nghe gì, mắt con thấy gì, con đều phải giữ im lặng không được nói năng gì hết”.
Thầy Cébastien đã hứa, và được Chúa Giêsu cho lên thế chỗ Ngài trên thập giá. Ngày qua ngày, dân chúng vẫn đến quỳ trước tượng thánh giá cầu nguyện. Nhưng không ai hay biết về việc thế chỗ đổi ngôi giữa Chúa Giêsu và thầy Cébastien.
Một hôm có người đến quỳ cầu nguyện. Xong, ông đứng dậy ra về bỏ quên lại dưới ghế cái túi đầy những đồng tiền vàng. Thấy vậy, thầy vẫn yên lặng. Một lúc sau có người nghèo đói vào nhà nguyện. Ông ta vui mừng trố mắt nhìn túi tiền tưởng là của Chúa ban cho, rồi xách túi tiền ra đi. Kế đó có chàng thanh niên vào quỳ gối khẩn nguyện xin ơn che chở vì phải xuống tàu đi xa. Chàng thanh niên vừa ra khỏi nhà nguyện thì gặp người phú hộ trở lại tìm túi tiền. Không thấy đâu, ông nghĩ là chàng thanh niên đã lấy trộm, nên điệu chàng đến trình cảnh sát. Không cầm lòng được nữa, từ trên thập giá, thầy Cébastien hô lớn tiếng:
- “Đứng lại!”
Mọi người ngạc nhiên dừng lại, và thầy phân trần sự việc. Sau đó người phú hộ ra đi tìm người nghèo đói để lấy lại túi tiền và chàng thanh niên cũng vội vã ra đi cho kịp chuyến tàu. Khi không còn ai trong nhà nguyện, Chúa Giêsu lên tiếng phán bảo thầy Cébastien:
- Con hãy xuống ngay khỏi thập giá! Con không xứng đáng thế chỗ cho Ta, vì con đã không biết giữ im lặng như lời con hứa.
Thầy Cébastien vội vã phân trần:
- Nhưng lạy Chúa, làm sao con có thể chịu đựng được cảnh bất công đó?
Cũng giống như thầy Cébastien, con người chúng ta thường nhìn thấy cái trước mắt, và không chịu nổi trước hiện tượng xã hội, thiện ác đan xen, người tốt kẻ xấu chung sống khó phân biệt, cỏ dại và lúa tốt mọc lên bên nhau trong ruộng lúa.
ĐGH Phanxicô suy niệm về Dụ ngôn Hạt Lúa và Cỏ Lùng như sau:
Câu chuyện diễn ra trong một cánh đồng với hai nhân vật chính đối nghịch nau. Một bên là người chủ, người đại diện cho Thiên Chúa và gieo hạt giống tốt; bên kia là kẻ thù, đại diện cho Satan và gieo cỏ lùng.
Với thời gian trôi qua, cỏ lùng cũng lớn lên giữa lúa và khi đối diện với sự thật này thì người chủ và các tôi tớ của ông có thái độ khác nhau. Các tôi tớ thì muốn can thiệp vào và nhổ cỏ lùng, nhưng người chủ, một người quan tâm trên hết là việc giữ lại lúa, thì lại bác bỏ và nói: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng”. Với hình ảnh này, Chúa Chúa Giêsu nói là việc trong thế giới này sự lành và sự dữ thì quá đan xen vào nhau đến nỗi thật không thể tách và loại trừ hết mọi sự dữ. Chỉ một mình Thiên Chúa mà thôi mới có thể thực hiện điều này, và Ngài sẽ thực hiện trong Dịp Phán Xét Chung. Hoàn cảnh hiện tại, với tất cả sự mập mờ và tính cách hỗn tạp của nó, là cánh đồng của sự tự do, cánh đồng của sự tự do của người Kitô Hữu, mà trong đó việc khó biện phân giữa điều tốt và điều xấu lại diễn ra.
Do đó, trong cánh đồng này, vấn đề là về sự phối hợp, với niềm tín thác lớn lao vào Thiên Chúa và vào Sự Quan Phòng của Ngài, hai thái độ dường như trái khuấy nhau: quyết định và nhẫn nại. Quyết định là muốn là hạt giống tốt  - tất cả chúng ta đều muốn điều này, với tất cả sức mạnh của mình, và do đó, tự tách bản thân chúng ta ra khỏi Ma Quỷ và những cám dỗ của nó. Sự nhẫn nại có nghĩa là yêu thích một Giáo Hội vốn là nắm men trong khối bột, một Giáo Hội không sợ vấy bẩn đôi bàn tay của mình để giặt áo cho con cái mình, hơn là một Giáo Hội của “những người trong sạch”, vốn giả vờ đề phán xét trước thời hạn ai là người không được ở trong Nước Thiên Chúa.
Chúa, Đấng là Sự Khôn Ngoan nhập thể, hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu rằng điều tốt và điều dữ không thể được xác định bằng những lãnh thổ đã xác định hay những nhóm người cụ thể: “Có những người tốt, có những người xấu”. Ngài dạy chúng ta rằng làn ranh giới giữa điều tốt và điều xấu có hết ở trong tâm hồn mỗi người, có ở trong tâm hồn mỗi người chúng ta, đó là, tất cả chúng ta đều là tội nhân. Lòng muốn đến với tôi để họi các bạn: “Hãy để cho người ấy là tội nhân giơ tay lên”. Không ai cả! Vì tất cả chúng ta là, tất cả chúng ta là tội nhân. Đức Giêsu Kitô, qua Cái Chết của Ngài trên Thập Giá và Sự Phục Sinh, đã giải thoát chúng ta khỏi tình trạng nô lệ cho tội lỗi và Ngài ban cho chúng ta ân sủng để bước đi trong một đời sống mới. Tuy nhiên, với Phép Rửa thì Ngài cũng ban cho chúng ta Phép Hoà Giải, vì chúng ta luôn cần được tha thứ tội lỗi của chúng ta. Luôn nhìn vào sự dữ vốn đang ở bên ngoài chúng ta, thì có nghĩa là không muốn nhìn nhận tội lỗi cũng đang ở trong chúng ta.Và rồi Chúa Giêsu cho chúng ta thấy một cách khác khi nhìn vào cánh đồng thế giới, của việc quan sát thực tại. Chúng ta được mời gọi để họ về thời gian của Thiên Chúa – vốn không phải là thời gian của chúng ta – và cũng là “cái nhìn” của Thiên Chúa: nhờ vào sự ảnh hưởng có lợi về một sự đợi chờ lắng lo, điều gì là cỏ lùng hay dường như là cỏ lùng có thể trở thành một sản phẩm tốt. Đó là thực tại về sự hoán cải. Đó là tiềm năng của niềm hy vọng! (Joseph C. Pham, chuyển ngữ từ Zenit).
Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần chung tay xây dựng! Nhưng thật đáng tiếc, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người. Đó là những hạt cỏ xấu do ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt. Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa. Cái tốt, cái xấu đan xen trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, hạt mầm sự sống và nọc độc sự chết, cùng sống chung. Mỗi con người chắc chắn đều có kinh nghiệm bản thân như Thánh Phaolô đã từng kinh nghiệm “Điều lành tôi muốn làm, tôi lại không làm, còn điều dữ tôi không muốn làm, nhưng tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).
Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở trong tim con người. Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa Thiên Thần và Satan.Tự do chọn lựa là quyền mỗi người.Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng trong con người. Thiên Chúa nhẫn nại đợi chờ con người thanh luyện dần dần và hy vọng mọi sự trong họ sẽ thành lúa tốt.
Cứ để cỏ lùng lớn lên cùng với lúa”. Đây là một cuộc chiến lâu dài với sự dữ. Con người sống giữa ánh sáng và bóng tối, sự dữ và cám dỗ lúc nào cũng có, hiện rõ trước mặt, cuốn hút hấp dẫn. Có người xin Chúa cho nhổ cỏ lùng đi, nhưng Chúa lại bảo, sợ nhổ cả lúa. Điều này nhắc lại sự kiện của ông Gióp, Chúa để cho ma quỷ sàng lọc ông. Như vậy Chúa muốn người theo Chúa cần sống trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến. Như lửa thử vàng, người theo Chúa cũng cần thử thách bằng những chước ma quỷ, cám dỗ để lớn lên trong ân sủng.
Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện, nhưng lại gồm những con người tội lỗi. Giáo Hội có rất nhiều thánh nhân, nhưng cũng có vô số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành thánh nhân trong lòng xót thương của Chúa. Thiên Chúa biết cỏ lùng, biết ai đã gieo nó vào ruộng lúa của mình, nhưng Ngài kiên nhẫn đợi chờ. Lòng nhẫn nại của Ngài không những không loại bỏ những tội nhân, mà còn tiếp đón họ: Chúa không đoán xét bất công...nhưng khoan dung và hy vọng.
Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.Nhìn lại thửa ruộng tâm hồn của mình, chúng ta suy gẫm, hạt giống tốt được gieo, nhưng có hạt đã rơi vào bụi gai, có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá sỏi và có số hạt rơi vào đất tốt. Trong khi đó, hạt giống cỏ lùng đã được gieo tràn lan, phát triển nhanh và như muốn chen lấn làm hạt giống tốt khó vươn lên. Không thể nhổ hết cỏ lùng, nhưng chúng ta cần vun xới cho hạt giống Lời Chúa lớn lên và sinh hoa trái. Cần phải gìn giữ đức tin cho đến cùng như lời Thánh Phaolô dạy: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin” (2 Tm 4,7). Sau cuộc lữ hành đức tin, Thánh Phaolô chia sẻ: “Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4,8).
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
================== 
Suy niệm 5
DỤ NGÔN CỎ LÙNG

Kn 12,13.16-19; Rm 8,26-27; Mt 13, 24-43
Trong dụ ngôn cỏ lùng hôm nay, người đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” (Mt 13,28). Ông bảo: “cứ để cả hai lớn lên cho tới mùa gặt… Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy.” (Mt 13,30). Thiên Chúa là Đấng cho mưa xuống trên cả người lành và kẻ dữ. Ngài tôn trọng những quy luật tự nhiên, cũng như tôn trọng sự tự do của con người. Ngài kiên nhẫn chờ đợi sự hoán cải, đổi mới từ cỏ lùng trở thành lúa tốt. Trong bài đọc I, sách Khôn ngoan nói về cách đối xử nhân hậu của Thiên Chúa: “Vì Chúa chăm sóc mọi loài. Ngoài Ngài ra,  chẳng còn thần nào khác để Ngài phải chứng tỏ rằng các phán quyết của Ngài không bất công. Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh, và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài... Ngài lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản chúng con...” (Kn 12, 13.16.18).
Khi rời đám đông về nhà, các môn đệ xin Đức Giêsu giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng. Người giải thích thật rõ ràng: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần.” (Mt 13,37-39). Bức tranh “ruộng thế gian” luôn gồm đủ mọi hạng người. Nhân thế không chỉ có sự khác biệt giữa người với người, mà còn có cả sự thù nghịch giữa người với người nữa. Cỏ lùng và lúa ví như kẻ xấu người tốt luôn hiện diện, luôn có đó trong cùng một thế gian này.
Có khi cỏ lùng ngay bên cạnh mình. Mọi người trong xã hội sống chà trộn với nhau. Có thể người tốt có tư tưởng muốn thanh toán, khử trừ những người bị cho là xấu xa, hư hỏng, tội lỗi, nghiện ngập… bên cạnh, để tránh tai họa, ảnh hưởng xấu đến mình. Có khi người không ưa cũng bị đối phương coi như một thứ “cỏ lùng” và không muốn sống chung. Nhưng ngôn sứ Isaia lại mô tả một bức tranh về tình đại đồng thật đẹp: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang.” (Is 11,6-8).  
Như vậy lúa sẽ sống chung với cỏ lùng, hy vọng “cỏ lùng” sẽ được Chúa biến đổi trở thành lúa tốt tươi. Có những thứ cỏ lùng lại mọc ngay trong lòng mỗi người. Vậy tự sức riêng tôi có thể nhổ cỏ lùng ra khỏi chính con người của mình được không? Khi tôi mở lòng đón Chúa vào cuộc đời hãy còn cỏ lùng ngổn ngang, nếu luôn có Chúa bên trong sẽ dần đẩy xa điều xấu, được biến đổi thành cây lúa tốt lành.
Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log