"Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này"
GIÚP ĐỠ VÀ BIẾT ƠN
Lc 17, 11-19
Đối với mỗi người Kitô hữu, ắt hẳn không ai xa lạ với câu chuyện mười người phong cùi được Đức Giêsu chữa lành (Lc 17, 11-19). Câu chuyện kể lại: trên đường lên Giêrusalem, thì có mười người phong đón gặp Người từ đàng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” và Đức Giêsu đã bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Đang khi đi thì họ được sạch. Nhưng chỉ có một người quay lại tạ ơn Người. Nên Ngài nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?”.
Qua câu chuyện này, Chúa Giêsu muốn truyền dạy cho chúng ta bài học yêu thương, đồng cảm, giúp đỡ và quên mình để sống cho người khác.
Sự khốn cùng của những người bị phong cùi
Vào thời Chúa Giêsu, cái nhìn của người Do Thái về người mắc bệnh phong vẫn rất gay gắt. Bệnh phong bị coi là hình phạt của Thiên Chúa. Người mắc chứng phong trở thành kẻ phải sống bên lề xã hội, xa cách khu dân cư. Trong tâm thức Do Thái, họ thực là những kẻ bị khinh miệt và loại trừ, vì họ không những bị coi là ô uế mà còn có thể làm cho người khác ra ô uế khi tiếp xúc nữa. Họ không được gần ai cũng như không ai muốn đến gần họ. Khi thấy bất kỳ ai ở đàng xa, người bệnh đã phải hô lên “ô uế, ô uế” để người khác tránh xa. Thế nhưng khi thấy Đức Giêsu từ đàng xa họ đã kêu lên “Lạy thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!”. Như vậy, chắc chắn một điều là họ đã được nghe biết về Đức Giêsu là một bậc thầy trong việc giảng dạy và quyền năng, là một người hay mở lòng trắc ẩn, cảm thương và sẵn sàng cứu chữa bất cứ ai đến với Ngài mà không nề hà chi hết. Nên họ mới cất tiếng kêu xin Đức Giêsu dủ lòng thương thay cho tiếng kêu ô uế, ô uế.
Vai trò cứu nhân độ thế của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu xuất hiện ở trần gian trong mầu nhiệm nhập thể, Ngài là Thiên Chúa uy quyền, chí thánh, nhưng lại đặt mình trong số những kẻ nghèo hèn và bị loại trừ. Cả cuộc đời Ngài từ hang đá đến đỉnh đồi can-vê đều nói lên điều đó. Chính vì thế, sự hiện diện của Ngài khiến cho những kẻ bị loại trừ lại được xếp vào số những người được chúc phúc. Họ trở thành“dịp” để Thiên Chúa thi thố quyền năng cứu độ. Chúa Giêsu đến với con người bằng tình thương. Tin Mừng cho ta thấy tấm lòng nhân từ của Ngài. Khi thấy mười người phong hủi kêu xin, Ngài đã truyền cho họ hãy đi trình diện tư tế. Ý muốn chữa lành được diễn tả qua việc truyền lệnh “hãy đi trình diện”, như vậy có thể nói, nơi Thiên Chúa ý muốn và hành động không có khoảng cách. Mười người phong được khỏi cách tức khắc khi đặt ước muốn của mình trong ý muốn của Thiên Chúa. Hãy chiêm ngắm tấm lòng của Chúa Giêsu và những hành động của Ngài để ta hiểu hơn thế nào là bản chất của Đấng Cứu Thế. Hôm nay và cho đến muôn đời, tấm lòng và hành động của Ngài - hành động sáng tạo và hành động tái tạo vẫn mãi là yêu thương và chỉ là yêu thương mà thôi.
Bài học về lòng biết ơn
Bài học khác mà Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay là lòng biết ơn. Sau khi được chữa khỏi bệnh phong, chỉ có một trong số mười người được cứu chữa quay lại tạ ơn Đức Giêsu, người đó lại là dân ngoại. Thấy vậy, Đức Giêsu hỏi: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?”. Đặt câu hỏi này Chúa muốn tuyên bố cả mười người phong đều đã được khỏi và Ngài cũng ngầm trách chín người Do Thái kia vì vụ luật trình diện mà trở nên người vong ân. Phải chăng Chúa cần đến những lời tạ ơn của chúng ta? Chắc chắn là không, cụ thể, có lần người ta muốn tôn Ngài làm vua sau khi họ được ăn bánh no nê, nhưng Ngài đã tránh đi hoặc nhiều lần Ngài chữa bệnh cho người khác thì Ngài cũng không cho họ biết Ngài là ai…Bởi mọi lời ca tụng, tạ ơn của ta chẳng thêm gì cho Chúa nhưng nhờ đó đem lại cho ta ơn cứu độ. Chính vì vậy, qua việc một trong số mười người cùi được chữa lành biết quay lại tạ ơn, Ngài đã dạy cho ta bài học về lòng biết ơn. Vậy tại sao chín người Do Thái kia lại không quay trở lại để tạ ơn Chúa? Có lẽ vì họ đã quen được ơn Chúa nên coi đó là việc bình thường. Còn người ngoại xứ Samari đã trở lại vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được ơn, chính khi đó anh đã nhận thêm một ân huệ khác trọng đại hơn là ơn đức tin. Chính lòng biết ơn và lòng tin của anh đã chữa anh. Lòng biết ơn là một nét đẹp của con người, nó làm cho con người nên người trọn vẹn hơn. Biết ơn là ý thức tình liên đới với Thiên Chúa và tha nhân. Biết ơn là nhận ra sự bất toàn nơi bản thân. Biết ơn là đi ra khỏi chính mình để đến với người khác, để vươn lên gặp gỡ Thiên Chúa.
Thực trạng đời sống xã hội hôm nay
Thế nhưng, những điều dạy của Đức Giêsu dường như đang dần dần bị quên lãng trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà con người ngày càng ít yêu thương, quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau. Thay vào đó là thái độ dửng dưng, vô cảm trước sự khổ đau của người khác. Một ví dụ điển hình mà ai trong chúng ta cũng còn nhớ, đó là vụ “hôi bia” ở Biên Hòa tháng 12 năm 2013, hay nhiều sự kiện tương tự khác vẫn được thuật lại hằng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngẫm kỹ một chút, chúng ta đều có thể nhận ra rằng, lòng biết ơn của con người thời đại này đang thiếu vắng biết bao. Câu chuyện của bài Tin Mừng tưởng như đã rất xa xưa và cũ kỹ, nhưng bản sao của nó lại đang xảy ra rất nhiều trong thời đại chúng ta.
Tâm tình người Kitô hữu
Là những người mang danh Chúa Kitô, chúng ta phải mặc lấy tâm tình và tấm lòng của chính Ngài. Chớ gì ý muốn và hành động của ta luôn song hành với ước muốn của Chúa Giêsu; chớ gì ta luôn biết mở lòng trắc ẩn để trợ giúp tất cả những ai mà ta gặp gỡ hàng ngày, nhất là những người bé nhỏ nghèo hèn, những người ốm đau bệnh tật, những người bị bỏ rơi ruồng rẫy. Trên hết và gần gũi hơn cả, hãy biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, biết cám ơn đời mỗi sáng mai thức dậy. Vì chính sự hiện diện của chúng ta trên cõi đời này là một ân huệ lớn lao của Thiên Chúa. Hãy biết biểu lộ lòng biết ơn bằng những hành động cụ thể, nhất là với những ai đã làm ơn cho chúng ta. Chớ gì không bao giờ chúng ta đánh mất vẻ đẹp của Thiên Chúa, Đấng là chân, thiện, mỹ, là tình thương yêu và trắc ẩn đã được in dấu nơi mỗi người chúng ta. Amen.