Hẳn là cha Đắc lộ đã thuộc nằm lòng dụ ngôn bài Tin Mừng Chúa Nhật 17 hôm nay[3]: Kho báu và ngọc quý. Đây là loạt dụ ngôn Đức Giêsu giới thiệu về Nước Trời cho dân chúng và các môn đệ. Điệp khúc “Nước Trời giống như…” là lối nói dụ ngôn vốn rất tiêu biểu trong cách giảng dạy của Đức Giêsu để diễn giải về Nước Trời. Gọi là dụ ngôn vì Đức Giêsu dùng những ngôn ngữ và hình ảnh đời thường để giúp chúng ta hiểu những điều bí nhiệm của Nước Trời. Chẳng hạn, chúng ta nghe Tin Mừng hôm nay: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng.” (Mt 13,44). Hình ảnh này nói lên giá trị của Nước Trời. Hẳn là cha Đắc Lộ cũng cảm nhận được niềm sung sướng của người nhận ra và đặt được kho báu này. Cha muốn người Việt cũng được biết và thừa hưởng Nước Trời.
Cựu Ước không có khái niệm Nước Trời. Có chăng các thánh vịnh gia chỉ đề cập đến Thiên Chúa là Vua (Tv 47,49). Chỉ tới thời Tân Ước, trung tâm lời giảng của Chúa Giêsu chính là Nước Trời. Lúc ấy người ta vẫn còn xa lạ với thuật ngữ này. Lạ lùng vì dân chúng thời ấy cũng chẳng hiểu thầy Giêsu đang nói về vùng trời nào mà Thiên Chúa của họ ngự trị. Bởi đó, thầy Giêsu mới tìm mọi cách để giúp dân hiểu và hướng cuộc đời họ vào mục đích là: Tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước hết. (Mt 6,33).
Thật may cho con người vì Đức Giêsu chính là hiện thân của Nước Thiên Chúa. Ngài tỏ lộ Nước ấy bằng những hình ảnh như: người tù được tha, người mù được thấy, người què đi được,… Đó là Vương Quốc của tình yêu, công chính, bình an và niềm vui trong Thần Khí (Rm 14,17). Chúng ta vẫn quen gọi Nước ấy là Thiên Đàng, vì có Thiên Chúa ngự trị.
Chúng ta chưa một lần bước vào Vương Quốc ấy! Có chăng chúng ta chỉ cảm nghiệm được hạnh phúc vô bờ khi được ở gần Chúa. Rồi mọi bôn ba của kiếp người cũng để tìm được nguồn hạnh phúc bình an đích thực. Nếu quy chiếu khao khát này vào tình trạng của Nước Trời, hẳn là người ta phải ưu tiên tìm kiếm cho bằng được Nước Trời! Đó là kho báu mà người ta sẵn sàng bán mọi thứ để mua cho bằng được. Đó là viên ngọc quý mà thương gia nào cũng muốn bán tất cả để sở hữu được nó. Nghe có vẻ ngồ ngộ, vì thực tế biết bao người đâu để ý đến Nước Trời trong thời đại của chúng ta. Người đời vẫn lao vào cuộc sống mưu sinh, chạy theo niềm vui thế trần.
Tiếc là với tội lỗi và hậu quả của nó, con người ngày càng xa lạ với Thiên Đàng. Họ thích bám vào mặt đất này hơn. Vật chất trần gian chiếm hết tâm trí nhiều người. Biết bao vinh hoa phú quý bủa vây lòng dạ người ta. Đó chưa kể là để được kho tàng Nước Trời, Chúa đòi người ta “bán tất cả” để đạt được. Vả lại, không phải ai nói: “Lạy Chúa, Lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21).
Hoặc giải thích như Đức Bênêdictô XVI: “Chúa Giêsu đã đến để dạy ta rằng Người muốn cho mọi người được lên Thiên đàng; còn hỏa ngục mà ngày nay người ta ít nói đến nhưng nó vẫn có đó, và nó chỉ là đời đời đối với tất cả những ai khép lòng mình lại trước tình yêu của Người.” Người ta có tự do để đón nhận Thiên Chúa, hoặc loại Ngài ra khỏi đời sống của họ.
Vài lý do này cho thấy Nước Thiên Chúa vẫn còn xa vời với nhiều người.
Trước thực tế ấy, dĩ nhiên Đức Giêsu không bỏ cuộc. Giáo Hội vẫn luôn giới thiệu cho nhân loại biết Nước Trời quý giá như kho báu và ngọc đẹp. Bởi, “Thiên Chúa muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý.” (1Tm 2,4). Như Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng mang hạt giống Nước Thiên Chúa gieo trồng và làm sao cho hạt giống ấy được phát triển trong mọi dân tộc. Một khi Nước Trời gần với ai đó, người ấy sẽ được tình yêu, hạnh phúc và bình an. Khi ấy, họ “muốn tất cả những gì Chúa muốn, và muốn như thế trong mọi hoàn cảnh và không ngập ngừng; đó là Nước Trời đang ở trong họ rồi.” (François Fénelon). Hoặc nói như Mẹ Têrêsa Calcutta:
“Chúng ta thường luyến nhớ đến niềm vui trên trời, nơi Chúa ngự. Chính mỗi người đều có khả năng ở với Chúa trên trời ngay từ bây giờ, và ngay lúc này được hưởng hạnh phúc với Chúa. Nhưng được hạnh phúc với Chúa ngay từ bây giờ nghĩa là gì: là giúp đỡ như Chúa giúp đỡ, cho đi như Chúa cho đi, phục vụ như Chúa phục vụ, cứu độ như Chúa cứu độ, yêu mến như Chúa yêu mến.” (Youcat 52)
Chúng ta kết thúc bài suy niệm với niềm vui của cha Đắc Lộ. Trong ít ngày cha đã rửa tội cho 32 người, thuộc nhiều tầng lớp dân chúng, không chỉ tại xóm Cửa Bạng, nơi tàu đậu, mà cả những làng lân cận, dân chúng vì hiếu kỳ đến xem đã được cha truyền đạo cho[4]. Chắc hẳn họ là những người đã nhận ra sự cao quý của Nước Trời. Từ vài nhóm khởi đầu như thế, Giáo Hội Việt Nam đã phát triển và lớn mạnh như ngày hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con hạnh phúc vì được biết đến mầu nhiệm Nước Trời. Tuy không hiểu hết, nhưng chúng con ước ao thuộc về Vương Quốc ấy, ngay trên trần gian này. Rồi sau cái chết, hy vọng Thiên Chúa đón chúng ta vào Nước Trời hưởng cuộc sống hạnh phúc thiên thu. Amen
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
………….
[1] Sau hơn một năm học tiếng Việt ở Đàng Trong, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) trở lại Macao để chuẩn bị tới Đàng Ngoài truyền giáo. Cùng với Pedro Marques, cha cập bến Cửa Bạng, Thanh Hóa ngày 19 tháng 3 năm 1627.
[2] Đọc thêm: https://www.giaophandanang.org/chua-nhat-iii-mua-chay-nam-a.html
[3] 26-7-2020: Chúa Nhật 17 Mùa TN. Rm 8, 28-30; Mt 13,44–52.
[4] Cha Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, Tập I, trang 124-125.