Chủ Nhật XXIX Khi Con Người Ngự Đến,
Có lẽ chúng ta muốn biết Chúa Giêsu công bố câu này trong tâm trạng nào? Phải chăng Ngài công bố câu đó trong tâm trạng mệt nhọc nản chí vì xem ra công việc của Ngài không được thành công mấy? Hay là Ngài muốn làm cho các môn đệ của Ngài phản ứng thế nào về sự thúc bách phải truyền giáo? Hoặc là cái nhìn của Ngài hướng tới tương lai xa, tới thời đại của chúng ta đang bị tục hóa dửng dưng tôn giáo, hay là tới ngày tận thế? Dù sao chúng ta vẫn nghe thấy trong câu nói đó có một sự đau khổ lớn lao, một lòng luyến tiếc não nùng, một sự lo lắng ám ảnh cho tương lai! Hơn một lần, nỗi ám ảnh này đã giày vò Ngài: “Thầy đã đến mang lửa vào mặt đất và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bốc lên…Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Nhìn thấy đám đông như đàn chiên bơ vơ không có người chăn, Ngài chạnh lòng thương. Nhất là Ngài đã cảm thấy trước tình trạng tại Vườn Cây Dầu, cơn hấp hối kinh hoàng mà Ngài sẽ phải chịu chỉ là để phục vụ tất cả nhân loại chúng ta.
Đối với mỗi người chúng ta, có tinh thần truyền giáo là thế nào? Trước hết phải biết chia sẻ nỗi lo lắng tông đồ này của Chúa Kitô.
Chúng ta có thể ngủ yên được không?
- Trước tình trạng 4 tỉ người chưa biết Chúa Kitô.
- Trước tình trạng các nhà thờ thiếu vắng các bạn trẻ.
- Trước tình trạng nhiều giáo xứ không có linh mục.
- Trước tình trạng nhiều người không hiểu biết giáo lý và nhất là các bạn trẻ chỉ thích đua đòi, chơi games và chat chit trên mạng internet mà không chịu học giáo lý.
- Trước tình trạng người nghèo ngày càng tăng, nghèo Thiên Chúa, nghèo giá trị đích thực, nghèo đời sống thiêng liêng đạo đức.
- Trước hằng tỉ người không biết Thiên Chúa là Đấng yêu thương họ và Con của Ngài đã chết cho ho.
- Trước tình trạng trống rỗng giá trị đích thực, mà chỉ có cái bề ngoài của xã hội chúng ta hôm nay.
- Trước cảnh duy vật chất ngột ngạt và đang khơi dậy một chủ nghĩa cá nhân quái gở, một sự tìm kiếm quá đáng về tiền bạc.
Là người kitô, chúng ta không thể không có trách nhiệm về kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa đối với thế giới. Tình trạng thế giới hiện nay là một sự xấu hổ cho người kitô hữu chúng ta. Thế giới thiếu vắng chúng ta, hay nói đúng hơn chính chúng ta thiếu trách nhiệm đối với thế giới. Teillard de Chardin nói: “Nếu sự phát triển của thế giới được gia tăng có thể do đức Tin của chúng ta vào Chúa Kitô và nếu chúng ta cứ để cho sức mạnh của đức tin đó ngủ yên trong chúng ta, thì đó là một tội không tha thứ được”. Chúng ta phải có trách nhiệm đối với thế giới, chúng ta phải là muối đất và ánh sáng cho thế giới, cộng tác với chương trình sáng tạo của Thiên Chúa, làm cho thế giới trở nên đẹp và trả về cho Thiên Chúa.
1-Trách nhiệm đầu tiên trong tinh thần truyền giáo đối với mỗi người chúng ta, là : Hãy cầu nguyện. Cầu nguyện năn nỉ. Cầu nguyện để làm sao cho Thiên Chúa mệt vì lời cầu nguyện của chúng ta. Hãy quấy rầy Ngài liên tục. Hãy nói mãi vào tai Ngài nỗi lo lắng truyền giáo của chúng ta và không sợ Ngài chán tai.
Cầu nguyện không ngừng cho công cuộc truyền giáo chắc chắn sẽ có kết quả. Thánh Giêrônimô nói: “Hỡi tất cả những ai không còn biêt cầu nguyện, xin hãy nghe tôi. Khi tôi nói với một ai đó: Hãy cầu xin Thiên Chúa, hãy van xin Ngài, hãy khẩn khoản Ngài, thì họ sẽ trả lời tôi: Tôi đã cầu nguyện 1 lần, 2 lần, 3 lần, 10 lần, 20 lần nhưng tôi không nhận được gì. Dù sao hỡi người anh em của tôi, hãy cầu nguyện không ngừng, cầu nguyện cho tới khi được nhận lời hay đúng hơn là cầu nguyện liên tục…”.
ĐTC Gioan Phaolô II nói: “Tương lai của công cuộc truyền giáo phụ thuộc phần lớn vào việc chiêm niệm. Nhà truyền giáo phải là một người chiêm niệm trong hành động để loan báo Chúa Kitô bằng cách thế mà người ta có thể tin được”.
2- Trong việc truyền giáo, cầu nguyện thôi chưa đủ, mà còn phải làm chứng và hành động! Chiêm niệm để có Thiên Chúa trong lòng. Có Thiên Chúa, chúng ta sẽ bày tỏ niềm vui đó ra bên ngoài. Trong một lần hiện ra mới đây với các khách hành hương tại Lộ-Đức, Mẹ Maria nói: “Khi cầu nguyện, chúng con hãy tìm cách làm cho con tim được hạnh phúc. Mẹ muốn rằng qua các con, toàn thể thế giới nhận ra Thiên Chúa là niềm vui. Qua đời sống các con, các con hãy trở nên nhân chứng về niềm vui của Thiên Chúa”.
ĐTC Gioan Phaolo II nói với các bạn trẻ tại Lion: “Loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay là phục vụ con người một cách tối đa”.
Đức Giám Mục Vladimir Ghiba nói: “Sống trên trái đất này, qua cách sống của mình, chúng ta hãy chỉ cho người khác biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta”. Chớ gì niềm vui của người kitô chúng ta giúp cho người khác nếm được hương vị Thiên Chúa.
Hãy làm chứng và hành động, bằng cách:
- Học hỏi giáo lý và Kinh Thánh để trở nên những người giáo dân có ích và năng động.
- Tạo nên những cộng đoàn phụng vụ sống động và nhiệt huyết.
- Chống lại bệnh dịch chia rẽ giữa người kitô với nhau.
- Mở rộng túi tiền, sẵn sàng góp công sức cho công cuộc truyền giáo.
- Can đảm liều mạng vì đức tin. Phúc Âm hóa không phải là níu khách, không phải là tuyên truyền, không phải là cuộc chinh phục chiến thắng, cũng không phải là nhiệt tình lôi kéo người khác phải vào đạo. Phúc Âm hóa là tôn trọng người khác, tôn trọng tiến trình ơn thánh trong trái tim họ.
Cha Varillon viết: “Nhân đức nghèo khó của người tông đồ hệ tại việc đề nghị chứ không áp đặt. Cần phải tôn trọng Thánh Thần đang hoạt động trong trái tim người khác. Không được gieo hạt khi thời tiết còn băng giá”.
Truyền giáo không là gì khác hơn, đó là đi theo của Đức Maria: Thăm viếng người khác bằng cách vượt qua núi đồi để đem Đấng mà nhiều con tim mong đợi. Giới thiệu Chúa Kitô cho các mục đồng đang tìm kiếm Chúa trong đêm. Truyền giáo không phải là một dịch vụ, nhưng là một sự cần thiết của con tim, một hạnh phúc phi thường. Truyền giáo cũng không phải là giảng đạo, nhưng là sinh ra cho Thiên Chúa những người con.