Thứ bảy, 11/01/2025
Chúa nhật V Phục sinh

Anh Em Hãy Yêu Thương Nhau Như Thầy Đã Yêu Thương Anh Em

Cập nhật lúc 15:06 25/04/2013

Anh em hãy thương yêu nhau: đó là hiến chương, đó là tảng đá thử thách thực tế đức tin của người kitô và đặc biệt đó là dấu chỉ hữu hình để qua đó người ta nhận ra Chúa Kitô.

Thế giới hiện đại hôm nay dường như đang bị tục hoá: Thiên Chúa đã bị xếp vào một xó, nếu không muốn nói là bị từ chối. Thánh Giá không được treo trong các phòng học, phòng ngủ hoặc trong nhà của nhiều gia đình Công giáo nữa. Người ta không còn biết Chúa Giêsu là ai hoặc biết quá ít về Ngài. Những bài giáo dục cho giới trẻ Công giáo ít được vận dụng từ Kinh Thánh. Phải chăng biểu tượng thánh giá Chúa chịu đóng đinh không còn phù hợp nữa? Phải chăng người kitô chúng ta hôm nay cần đi tìm dấu hiệu khác phù hợp hơn để dễ rao giảng tin mừng cho người thời nay?

Để thế giới khỏi bị tục hoá, phải chăng chúng ta cần phải lấy lại biểu tượng Thánh Giá. Nhưng lấy lại biểu tượng Thánh Giá, phải chăng là đeo Thánh Giá vàng trên cổ và cả trên đôi tai? Hoặc như các cầu thủ bóng đá khi ra trận phải làm dấu thánh giá?

Tất cả những câu hỏi đặt ra như vậy liệu sẽ không tìm được lời đáp nếu không đọc lại và suy ngẫm bài Phúc Âm hôm nay?

Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta câu trả lời đích thực: anh em đừng tìm đâu xa, anh em đừng đi lệch hướng! Dấu chỉ đương nhiên, rõ ràng và cụ thể của kitô giáo, chính là tình yêu: anh em hãy yêu thương nhau. Đó là nét đặc thù của anh em! Đó là dấu chỉ sáng giá nhất chứng tỏ anh em là môn đệ của Thầy. Người ngoại giáo ở những thế kỷ đầu đã khen người kitô hữu: hãy xem họ yêu thương nhau chừng nào!

-Anh em hãy yêu thương nhau ngay trong gia đình của anh em. Lúc đó gia đình anh em sẽ trở thành một Giáo Hội nhỏ bé chứng tỏ có Thiên Chúa hiện diện: đâu có tình yêu thương ở đó có Đức Chúa Trời.

-Anh em hãy thương yêu nhau ngay trong cộng đoàn, họ đạo, giáo xứ của anh em. Mỗi khi anh em tham dự Thánh lễ, hãy thành thực và nhiệt tình trao ban cho nhau lời cầu chúc bình an, đó là dấu chỉ tình thân mật mà phụng vụ đòi hỏi trước khi anh em rước Mình Thánh Chúa.

-Anh em hãy yêu thương nhau ngay tại khu phố và làng xóm của anh em, không kéo bè kéo cánh, hãy thương những người nghèo, bệnh tật và đau khổ dù họ bất kỳ là hạng người nào, ngay cả khi họ còn ghét chúng ta. Đời người chỉ có giá trị khi có tình yêu. Tình yêu còn giá trị hơn tất cả các phép lạ. Tình Yêu định nghĩa người kitô là thế nào ?

Người kitô chính là người khám phá đầy đủ nhất tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Người kitô hãy tập sống tình yêu ấy đối với tất cả những ai chưa tin Thiên Chúa. Dấu chỉ Tình yêu như vậy có giá trị mạnh mẽ hơn nhiều. Nếu đeo Thánh giá đẹp hoặc làm dấu thánh giá mà không yêu thương nhau, thì cũng chỉ là vô ích!

Vậy yêu anh em là thế nào ? Có thứ tình yêu, nhưng lại được gọi là tình yêu giết chết, đó là: tình yêu chiếm hữu và vụ lợi, tình yêu nhân danh tôn giáo, nhân danh dân tộc, nhân danh chủ nghĩa để mà loại trừ lẫn nhau. Tình yêu mà Chúa đòi hỏi là chúng ta phải sống tình yêu giống như Ngài: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy yêu thương anh em”.

 

-Yêu như Chúa Kitô yêu, nghĩa là Chúa Kitô đã yêu chúng ta trước. Thánh Gioan Tông Đồ nói: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội chúng ta”. Chúa Kitô đã yêu chúng ta trước khi chúng ta yêu Ngài. Ngài yêu chúng ta khi chúng ta chưa ý thức gì về bản thân và sự hiện diện của chúng ta trên trái đất này. Vì vậy, trong tình yêu lứa đôi hoặc đời sống gia đình và cộng đoàn, người nào có tình yêu thì phải là người yêu trước, nói tình yêu của mình trước và nếu có sự hờn dỗi, thì phải trở về với tình yêu trước, nhường nhịn trước và nói lời vui vẻ trước để tình yêu trỗi dậy. Trong một cộng đoàn, người nào có tình yêu thực sự thì phải là người khi thấy có một ai đó tuyệt vọng, thì phải là người tìm cách giải quyết trước.

-Yêu như Chúa Kitô, nghĩa là Chúa Kitô đã yêu chúng ta bằng một tình yêu biếu không. Thiên Chúa yêu chúng ta, không phải vì chúng ta đáng yêu. Ngài yêu chúng ta dù chúng ta xấu xí, nghèo khó và tội lỗi. Thiên Chúa yêu chúng ta vì Người là tình Yêu. Đó là tất cả! Nếu như Thiên Chúa chỉ yêu chúng ta vì chúng ta có đức tính tốt, thì một ngày nào đó chúng ta sẽ có nguy cơ không còn là chúng ta nữa nếu chúng ta đánh mất những đức tính tốt. Cũng vậy, chúng ta hãy học yêu bằng một tình yêu vô tư và không tính toán.

-Yêu như Chúa Kitô, nghĩa là Chúa Kitô yêu chúng ta trong tinh thần phục vụ. Chúng ta đừng bao giờ quên cử chỉ của Chúa Kitô bưng chậu nước đi rửa chân cho các môn đệ của Ngài. Các môn đệ rất ngỡ ngàng vì chưa bao giờ các ông rửa chân cho Ngài trước. Yêu tức là ra khỏi chính mình hướng về người khác, chuyển đến cho người khác niềm vui của chính mình. Vì thế, ai nói rằng mình yêu anh em thì phải trở nên người phục vụ anh em. Khi phục vụ thì đừng mong người khác phục vụ mình.

-Yêu như Chúa Kitô, nghĩa là Chúa Kitô yêu chúng ta bằng một tình yêu trung thành, chắc chắn và đảm bảo. Ngài tiếp tục yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta bất trung. Ngài không bao giờ ly dị chúng ta. Vì thế ai nói rằng mình yêu thì phải là người có thể yêu bất chấp những bất trung và phản bội.

-Chúa Kitô yêu chúng ta bằng một tình yêu tha thứ. Tình yêu là kiến tạo. Chúa Kitô đã gặp người phụ nữ phạm tội ngoại tình, kẻ ăn trộm, nhưng không bao giờ Ngài khinh họ vì Ngài vẫn nhìn thấy vẻ đẹp ở trong họ. Mỗi người chúng ta đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh đó có thể bị thương tổn và biến dạng vì tội lỗi, chúng ta cần phải kiến tạo lại. Yêu thương, trước hết là nhìn thấy vẻ đẹp của người khác.

Yêu như Chúa Kitô, nghĩa là Chúa Kitô yêu chúng ta đến cùng và điên rồ. Chúa Kitô yêu chúng ta bằng mọi giá đến nỗi Ngài ban mạng sống của Ngài cho chúng ta. Ngài yêu chúng ta đến hơi thở và giọt máu cuối cùng, trao ban tất cả và tuyệt đối.

Khi Chúa Kitô nói: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người”, chính là lúc tình yêu của Ngài được biểu thị cao độ nhất trên Thập giá. Tình Yêu Thập giá là tình yêu chiếu sáng cho thế giới qua mọi thời đại và nhất là thời đại chúng ta hôm nay đang bị tục hoá. Để thế giới được kiến tạo lại, người kitô chúng ta hãy thực hiện mệnh lệnh của Chúa truyền dạy, là: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hội nghị tổng kết công tác Mục vụ năm 2024 của Giáo phận Hưng Hóa
Hội nghị tổng kết công tác Mục vụ năm 2024 của Giáo phận Hưng Hóa
Như thường lệ, mỗi năm Giáo phận Hưng Hóa tổ chức hội nghị gặp mặt đại diện mọi thành phần dân Chúa để cùng nhìn lại công tác mục vụ trong năm qua. Hội nghị tổng kết công tác mục vụ năm 2024 được tổ chức vào ngày 09 tháng 01 năm 2025 tại Trung tâm Mục vụ Hà Thạch.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log