Thứ bảy, 11/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XVIII Thường Niên A

Cập nhật lúc 20:58 03/08/2017
Suy niệm 1
Chính anh em hãy cho họ ăn!
-------------------------------
Đám đông theo Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay khá tử tế. Họ kỳ vọng, họ ước muốn, họ đói và họ khát lời của Ngài. Mặc dù giờ đã muộn, họ vẫn cứ bám theo khi Chúa đi nghỉ. Họ đi bộ quanh bờ hồ. Họ quyết định không cho Chúa nghỉ yên.
Nguyên nhân nào thúc đẩy họ như vậy?
- Phải chăng họ đói lời Ngài?
- Phải chăng họ bị cuốn hút bởi con người Ngài và coi Ngài như là một siêu sao?
- Phải chăng họ muốn trông thấy phép lạ Ngài làm, nên họ dẫn đưa các bệnh nhân đến để Ngài cứu chữa?
Tất cả những nguyên nhân đó không phải là động lực chính thúc đẩy họ. Điều đáng ghi nhận ở đây là họ luôn có khát vọng cao hơn!
Chúng ta hôm nay cũng là một tập thể, cũng là một đám đông.
- Nhưng liệu chúng ta đến đây tham dự thánh lễ với những ước vọng giống như đám đông Dothái thuở ấy không?
- Hôm nay chúng ta đến đây với tâm trạng nào? Đang đói hay là đang no thoả rồi?
Thiên Chúa chẳng có thể làm được gì đối với những ai không ước muốn! Ngài cũng đành chịu bó tay đối với những người ngủ quên đời sống tâm linh hoặc tự mãn cho mình là đủ.
Đứng trước đám đông như vậy, Chúa Giêsu xúc động và một lòng thương xót vô bờ choáng ngập tâm can Ngài. Ngài thấy các bệnh nhân kêu xin Ngài. Ngài thấy những người Dothái trông chờ Đấng Messia, và cả những người dù không có vai trò gì trong tôn giáo thời ấy cũng  đang khát Thiên Chúa. Họ theo Ngài suốt  cả ngày đàng và chiều tối đã đến gần. Chả nhẽ lại cứ để họ như đàn chiên không người chăn ư?
Có rất nhiều lý do chính đáng để Chúa cần ở lại nơi thanh vắng: suốt một ngày làm việc mệt nhọc cần phải nghỉ ngơi một chút, nghỉ ngơi để cầu nguyện và hướng về Cha. Tuy nhiên, lòng thương xót của Ngài đối với đám đông đó không cho phép Ngài đi nghỉ.
Lòng thuơng xót của Chúa ở đây không có tính chất cảm tình chảy nước mắt. Lòng thương xót của Ngài năng động và có hiệu lực. Ngài nghĩ trong thâm tâm: “Giảng dài thêm nữa liệu có lợi không? Bệnh nhân ốm yếu nhiều quá rồi. Chúng ta cần phải chữa họ ngay đi. Hoàng hôn đã buông xuống, họ đói và cái bụng của họ đã rỗng hết. Khi bụng đói, thì nghe cũng chẳng vào. Chúng ta hãy hành động thôi!”
Các tông đồ lúc đó có một giải pháp rất người và cụ thể: “Đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng để họ vào các làng mạc mua cái gì đó để ăn”.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chấp nhận giải pháp đó. Ngài chẳng hề giải tán kẻ quấy rầy, kẻ có tội hoặc ông bố của đứa con gái đau nặng xin Ngài cứu chữa? Phải chăng Ngài đến trần gian để giải tán những người mà Ngài được sai đến hay sao? Cần phải hành động ngay thôi: họ sẽ có bánh ăn! Họ sẽ có một bữa ăn khai trương miễn phí, một tiệm ăn tâm hồn trong rừng vắng.
Điều quan trọng ở đây chúng ta cần chú ý: Chúa Giêsu không phải là nhà ma thuật làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để người ta tin Ngài. Vì chưng, Ngài nói với các tông đồ: Chính anh em hãy cho họ ăn! Câu nói này làm các tông đồ hết sức ngạc nhiên, vì họ đâu có phải là những người thợ làm bánh mì.
Lúc bấy giờ ở đó chỉ có 5 chiếc bánh nhỏ và 2 con cá. Thật là nực cười! Nhưng Chúa muốn cho các tông đồ hiểu rằng Ngài cần họ và Ngài sẽ chẳng làm gì nếu họ không cộng tác với Ngài. Thiên Chúa có thể thực hiện những việc cao cả với điều kiện là con người hợp tác với Ngài trong hành động.
Giọt nước mà linh mục khi dâng lễ rót vào chén rượu là phần đóng góp của con người vào việc biến đổi bánh ruợu trở thành Mình Máu Chúa. Khi dâng lễ, mỗi người chúng ta hãy trở nên giống như đứa trẻ trong bài Tin mừng hôm nay có 5 chiếc bánh và 2 con cá, để nói với Chúa rằng: “Lạy Chúa, trong cuộc đời phục vụ của con, con chỉ là đứa trẻ mang một số sản phẩm đến đây, còn việc tiếp theo Chúa biến đổi là việc của Chúa”.
Đứng trước nỗi đói khát của đám đông nhân loại hôm nay, trái tim chúng ta có mở ra đủ để cảm thông với họ chưa? Trong phép lạ hoá bánh ra nhiều hôm nay, Chúa Giêsu không có vẻ đắc chí vì đã cho đám đông đang đói được ăn no nê. Nếu Ngài không giải tán đám đông như lời các Tông đồ yêu cầu, chính là vì Ngài cũng muốn đem đến cho họ một điều gì khác. Ngài muốn tỏ cho họ thấy điều mà chỉ sau này họ mới hiểu được mà thôi: họ đói một loại của ăn khác, không phải là của ăn vật chất này. Đúng vậy! Chúa Giêsu không đến trần gian để làm thoả mãn những nhu cầu vật chất của chúng ta. Ngài không đến để thay hết các thợ bánh mì, các nhà buôn cá, các tiệm ăn và quán ăn bình dân, các thầy thuốc và các dược sỹ.
Ngài đến để trả lời cho cơn khát vô tận còn tiềm ẩn sâu xa bên trong mỗi người. Hãy chú ý bài Tin Mừng hôm nay: Những cử chỉ cho việc hoá bánh ra nhiều cũng chính là những cử chỉ trong bữa Tiệc Ly: “Ngài ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ”. Phép lạ này nhằm mục đích báo trước Ngài sẽ lập Bí tích Thánh Thể. Ngài chuẩn bị cho đám đông hôm nay sẽ nghe những lời khó hiểu: “Tôi sẽ cho anh em thịt tôi để ăn và máu tôi để uống.” Lòng thương cảm của Ngài không phải chỉ gửi đến những cái bụng trống rỗng cồn cào, mà còn gửi đến những con tim đang đói tình yêu thương.
Thế giới hôm nay và cả xã hội chúng ta, có rất nhiều cử chỉ bác ái của những người công giáo đối với những người xấu số thiệt phận và nghèo đói: các nước giàu xoá nợ cho các nước nghèo, xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa. Điều đó tốt! Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì chưa đủ:
- Lẽ nào người kitô chúng ta lại không xao xuyến và đầy lòng trắc ẩn đối với biết bao người thời nay quên lãng giá trị đích thực?
- Chúng ta có thể lãnh đạm sao được trước biết bao bạn trẻ đã mất đức tin?
            - Biết bao sinh viên không có người hướng đạo hoặc đào tạo đầy đủ?
- Biết bao cặp vợ chồng đã không lãnh nhận Bí tích Hôn Phối rồi lại bỏ nhau.
- Biết bao người già không được một linh mục hoặc một nữ tu thăm viếng vì công việc của các ngài chồng chất?
Hãy xin Chúa cho chúng ta ơn biết đói. Biết đói không phải để gầy đi cho đẹp hoặc để bớt độ cao máu, nhưng là để cảm thông với những người đói trên thế giới này. Hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết đói Chúa Kitô để tôn giáo mà chúng ta theo không phải là một ý thức hệ hoặc là đạo cha truyền con nối, nhưng là đạo tình yêu say đắm Tình Yêu.
 
 Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
=====================
Suy niệm 2
 
HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT
(Is 55,1- 3; Rm 8,35.37- 39; Mt 14,13- 21) 
 
Nếu lên mạng rồi vào google.com và đánh típ: “Vị Tổng thống nghèo nhất thế giới” chỉ trong 18 giây, chúng ta đã có ngay kết quả lên tới 1.210.000 chuyên mục liên quan đến vị tổng thống này. Ông là ai? Thưa ông là Mujica, Tổng thống Uruguay.
“Dinh thự” của Tổng thống Uruguay là ngôi nhà cũ nát nằm ở ngoại ô thủ đô Montevideo, Uruguay. Ông đã sống ở đó gần hết cuộc đời với người bạn thân thiết là 1 chú chó 3 chân. Tài sản giá trị nhất của vị tổng thống này là chiếc ô tô cũ kỹ có giá chưa đến 2 ngàn đô la Mỹ. Ông là vị Tổng thống không thích sống trong nhung lụa.
Tuy nhiên, Mujica được nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ không hẳn vì ông sống giản dị và nghèo, nhưng vì đã dành 90% tiền lương của mình, cho công tác từ thiện.
Chúng ta không cần biết ông có theo đạo Công Giáo hay không! Nhưng chúng ta biết chắc rằng: “Ông là người biết ‘thương xót’ người nghèo”.
Hôm nay, bài Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy Đức Giêsu đã “thương xót” dân chúng. Ngài đã chữa lành bệnh tật và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi họ. Qua đó, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ và cả chúng ta hãy tiếp bước trên con đường “thương xót” của Ngài, để làm toát lên vẻ đẹp của Thiên Chúa là Tình Yêu nơi hành động của chúng ta.
1. Đức Giêsu là Đấng “thương xót”
Trong suốt hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu luôn yêu thương, quan tâm đến con người, nhất là những người ốm đau, bệnh tật, những người thấp cổ bé họng và đói khát. 
Khởi đi từ việc rời bỏ vinh quang Thiên Quốc để nhập thế và sinh ra trong cảnh nghèo, lớn lên trong sự thiếu thốn, hẳn Đức Giêsu hiểu rõ hơn ai hết nỗi bần cùng của con người. Vì thế, đã nhiều lần, Tin Mừng cho thấy: khi dân chúng đến với Ngài, mang theo những bệnh tật trên thân xác, Ngài đã “thương xót” và chữa lành họ.
Không chỉ chữa lành bệnh tật thể lý, Ngài còn đi xa hơn để chữa trị tâm hồn cho những ai đang hoang mang, bất hạnh và thất vọng.
Vẫn tình thương đó, hôm nay, khi thấy dân theo mình nghe giảng, và khi trời đã xế bóng, Đức Giêsu không nỡ để dân chúng bụng đói ra về, nên Ngài đã ra tay để làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng.
Tuy nhiên, điều mà Đức Giêsu đã làm, đã nói và hành động, Ngài không muốn cho các môn đệ ngoài cuộc, bởi vì mai đây chính các ông là những người sẽ thay Ngài để thi hành lòng “thương xót” của Thiên Chúa cho dân. Vì thế, khi được hỏi: "Ðây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi, xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn". Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng: "Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn". Như thế, qua câu nói của Đức Giêsu, không phải vì vô lý, cũng chẳng phải Ngài thách thức các ông, nhưng:
Trước hết, Đức Giêsu muốn các ông hãy ra khỏi sự ích kỷ của bản thân, sự an phận của vật chất để biết chia sẻ với những ai bất hạnh, nghèo đói, vì: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ(Gaudium et Spes, số 1)
Thứ đến, Đức Giêsu muốn mặc khải cho các ông về sứ mạng của chính mình, Đấng đến “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10,10). 
Cuối cùng, Đức Giêsu cũng dạy cho các ông bài học về sự tin tưởng, cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa. Vì:Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).
Còn chúng ta, những người tin và theo Đức Giêsu, hẳn mỗi người cũng được mời gọi để thi hành công việc mà chính Ngài đã làm và muốn các môn đệ thi hành khi xưa. Vậy chúng ta phải làm gì?
2. Thực trạng xã hội
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy vươn xa tầm nhìn để thấy được trong xã hội loài người gồm hơn 7 tỷ người, trong đó có hàng triệu triệu trẻ em mồ côi, bệnh tật, bị bóc lột sức lao động và buộc làm nô lệ cho tình dục...
Số người chết vì đói, vì thiếu thuốc chữa bệnh cũng lên cả triệu người trên năm. Hàng triệu người vô gia cư, thất nghiệp, mù chữ... Rồi những người mắc phải những căn bệnh thế kỷ, nạn buôn bán phụ nữ để làm gái bán dâm, buôn bán ma túy và tham nhũng cũng tăng lên từng ngày.
Tình trạng loạn luân, phi đạo đức nhan nhản trong xã hội hiện nay. Những chuyện như: cha giết con, con giết cha; vợ giết chồng và ngược lại. Nhiều nạn nhân chết oan uổng chỉ vì một cái nhìn bị cho là “nhìn đểu”, hay chỉ là một câu nói vô tình nào đó...
Như vậy, ngày nay, người ta “bội thực” đủ thứ... nhưng lại “đói khát” đời sống đạo đức và tâm linh hơn bao giờ hết.
Sự thật thà dường như vắng bóng trong học đường, và ngoài xã hội. Niềm tin tưởng lẫn nhau có lẽ quá xa vời đối với thương trường. Sự tương thân tương ái cũng không còn mấy ý nghĩa, mà thực ra chỉ là lợi dụng. Đạo đức gia đình, nghề nghiệp là thứ gì đó xa xỉ phẩm đối với giới trẻ, các ông chủ và ngay cả những người được coi là mang danh đạo đức... Tình trạng thờ ơ, vô cảm và ngăn cấm tôn giáo là điểm “hot”; “nhạy cảm” tại nhiều nơi!
Tất cả những hiện tượng đó, Đức Giêsu không ngừng mời gọi chúng ta phóng tầm nhìn để có một tấm lòng biết “thương xót”. Đồng thời, hãy ra khỏi sự yên thân để cùng nhau lên đường nhằm góp chút men, chút muối và trở thành ánh sáng để ướp đời và soi sáng thế gian.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Thực ra, chúng ta không thể nào làm thay đổi nổi màu đen trên thế giới!!! Thế nhưng, ngay thời điểm hiện tại và nơi chúng ta sinh sống, không thiếu gì những con người tương tự.
Họ là những người đang đi lạc hướng trong niềm tin, lệch lạc trong lối sống, cách nhìn và suy nghĩ; những người sống trong tội; ham tiền, mê bạc và hám dục... sống dửng dưng, vô cảm với anh chị em đồng loại. Vì thế, không thiếu những Lazarô nghèo ngay bên cạnh người Phú hộ giàu có...
Những hình ảnh trên có thể là chính chúng ta. Nếu quả là vậy, thì chúng ta hãy hối cải và trở về với Chúa. Còn nếu hình ảnh đó là hình ảnh mà người anh chị em chúng ta đang vô tình hay cố ý vấp phải, thì không phải ai, mà là chính chúng ta hãy làm một cái gì đó bé nhỏ như:
  • Một cái nhìn thân thiện, cảm thông;
  • Một ly nước cho người đỡ khát, một chén cơm cho khách qua đường;
  • Một hành động khước từ sự bất chính như cờ bạc, rượu chè, trai gái;
  • Một thái độ khẳng khái với sự bất công, tham nhũng;
  • Một lời cầu nguyện, hy sinh để xin Chúa “thương xót” và làm động lòng những người dư giả, để họ giúp cho những người đói khát, bần cùng, để kẻ giàu không no và người nghèo không đói.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con có được “con mắt của Chúa” để chúng con có cái “nhìn giống Chúa”. Xin cho chúng con “con tim của Chúa” để chúng con cũng biết “chạnh lòng thương” như Chúa. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển

=======================
Suy niệm 3
Tình Liên Đới Đồng Loại
 (Mt 14, 13 - 21)
Báo cáo của tổ chức vận động chống đói nghèo quốc tế Oxfam có tiêu đề "Nền kinh tế của 99%", được đưa ra trước thời điểm khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) từ 17-20/1, theo đó, tổng tài sản của 3,6 tỷ người nghèo nhất thế giới chỉ tương đương với tổng giá trị tài sản ròng của 8 người gồm 6 công dân Mỹ, một doanh nhân Tây Ban Nha và một doanh nhân đến từ Mexico. Trong số này có những tỷ phú như Bill Gates - nhà sáng lập Tập đoàn công nghệ danh tiếng Microsoft, Mark Zuckerberg - ông chủ trang mạng xã hội "đình đám" Facebook và Jeff Bezos, nhà sáng lập trang bán hàng trực tuyến Amazon. Ước tính, giá trị tài sản của nhóm người giàu nhất này tăng trung bình 11% mỗi năm kể từ 2009.
Cũng theo cách tính toán mới, con số của năm là 43 người giàu nhất và 3,6 tỷ người (50% dân số thế giới).   
Câu hỏi được đặt ra: Tại sao lại có sự bất bình đẳng và chênh lệch giầu nghèo quá lớn như vậy? Có phải vì con người ích kỷ, hẹp hòi không biết chia sẻ cho nhau không, hay thay vì chế tạo ra bột mỳ, lương thực, thuốc men giúp con người đỡ khổ, thì lại tích luỹ làm giầu, chế tạo súng ống chạy đua vũ trang?
Thật nguy hiểm, khi con người ngày càng giầu về vật chất, nhưng lại nghèo về tinh thần như: đạo lý, công bằng, tình thương, sự thật, tình liên đới và trách nhiệm, kéo theo sự đói nghèo tổng thể. Phải khẳng định rằng, Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh và như họa ảnh của mình (x. St 1,26). Người cũng là Thiên Chúa tình thương (x. 1Ga 4,8), nên con người tự bản chất là tình thương. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người sẽ là kẻ không thể hiểu được đối với chính bản thân mình, cuộc sống con người mất nghĩa nếu không nhận lấy mạc khải về tình yêu, nếu không gặp tình yêu, nếu không kinh nghiệm tình yêu và không nhận lấy kinh nghiệm đó làm của mình và dự phần vào đó cách mãnh liệt” (Thông điệp Đấng Cứu Chuộc số 10). Không có tình thương, thế giới không còn là thế giới của con người nữa.
“Anh em hãy cho họ ăn”, lệnh Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải làm ngay lập tức. Nhìn thấy đám đông, Đức Giêsu chạnh lòng thương. Đây là một đám đông nghèo khổ, đói khát, bệnh tật, bơ vơ không người chăn dắt. Đám đông tội nghiệp đi tìm Đức Giêsu không phải chỉ để được ăn no, nhưng còn để được chữa lành bệnh, nhất là được ủi an, dạy dỗ và bảo ban.
Các môn đệ đã nhìn thấy đám đông đói khát. Các ngài muốn thoái thác, phủi tay: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn”. Đó là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngoài tầm tay của các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng, ai lo phần nấy, thật dễ dàng. Nhưng, đó là giải pháp không được Chúa chấp nhận. Tại sao vậy? Vì thiếu tình liên đới.
Triệu chứng thờ ơ xuất hiện, gặp người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn mà không thấy xót xa, không ra tay giúp đỡ dù có điều kiện; đứng trước sự bất công mà không thấy phẫn nộ; thấy điều tốt đẹp, cao thượng mà không ngưỡng mộ, cảm phục. Dù là thờ ơ, dửng dưng, hay mặc kệ, bất cần đều là vô cảm.
Chúa muốn loại bỏ sự vô cảm nơi các môn đệ, Người phán: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy lo cho họ ăn. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn”. Một trách nhiệm nặng nề vượt quá sức các môn đệ, nhưng đã đồng cảm thì phải có trách nhiệm. Trái tim cảm thương thật sự phải truyền tới bàn tay.
Đồng cảm là góp phần mình. Chúa không cần những phép tính vĩ mô, năm ngàn người thì cần bao nhiêu bánh? Những tính toán như thế, không thực tế và làm ta lo sợ. Chúa dạy các môn đệ khởi đi từ thực tế: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm chiếc bánh và hai con cá”. Thật là ít ỏi, nghèo nàn, Chúa không chê cái ít ỏi nghèo nàn ấy: “Hãy mang lại đây cho Thầy”. Có ít hãy đóng góp ít. Nhưng quan trọng là phải bắt tay vào. Đồng cảm không đòi ta phải quán xuyến mọi sự, nhưng đòi ta góp phần của mình vào việc chung.
Đồng cảm là chia sẻ. Chúa chúc tụng để làm phép bánh và cá như ta thấy, những đóng góp dù ít ỏi của ta đã thành thiêng liêng cao quí. Chúa không làm phép lạ tức khắc biến ngay cá và bánh ra một núi lương thực cho mọi người tự do đến lấy. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực cho mọi người. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ. Các môn đệ trao cho mọi người. Và mọi người trao lại cho nhau. Đó là bài học lớn của phép lạ. Chính khi mọi người trao cho nhau, Chúa làm phép lạ. Bánh và cá cứ tiếp tục sinh sôi bao lâu những bàn tay còn trao cho nhau. Bánh và cá vẫn tiếp tục nhân lên bao lâu mắt con người vẫn còn nhìn nhau. Những tấm bánh của tình liên đới. Những đàn cá của sự chia sẻ nhân lên theo nhịp đập đồng cảm của trái tim. Khi trái tim chan chứa yêu thương, quan tâm, liên đới, lương thực trở nên phong phú, dư thừa.
Thế mà các môn đệ đã vội lo. Cũng như ta thường lo thế giới này quá chật hẹp không đủ chỗ cho mọi người. Lương thực trên thế giới không đủ nuôi mọi người. Hôm nay Chúa dạy ta mỗi người hãy chia sẻ những gì mình có thì thế giới sẽ dư thừa lương thực. Khi trái tim mở ra thế giới sẽ có đủ chỗ cho mọi người.
Quả thật, có lòng thương cảm người khác là một điều tốt, nhưng chưa đủ, cần phải có hành động thực sự nữa. Chúa Giêsu đã làm và dạy chúng ta như thế. Thử nghĩ, trước nỗi đau và túng cực của tha nhân, ta có thái độ thế nào? Ngoảnh mặt làm ngơ hay bưng tai giả vờ làm điếc, không thể chấp nhận được. Chúa không đòi chúng ta làm những việc to lớn, nhưng đòi chúng ta biết chia sẻ những gì trong tầm tay của chúng ta, phần còn lại Chúa sẽ thực hiện. Ngạn ngữ phương tây có nói: Giúp người thì trời giúp cho. Việt Nam ta cũng thường nói: ở xởi lởi thì trời cởi cho, ở xẻn xo thì trời co tay lại.
Hôm nay, Đức Giêsu dạy chúng ta hãy nhìn những người chung quanh bằng ánh mắt của tình liên đới, đừng dửng dưng, vô cảm. Những người già bị bỏ rơi cô đơn, người này đói vì tôi vô tâm hay đã ăn quá nhiều, người kia rách vì tôi đã mê mải chạy theo mốt. Những đứa trẻ này hư hỏng vì tôi đã thiếu quan tâm chỉ bảo. Những đứa trẻ kia rơi vào tội phạm vì tôi đã không làm gương tốt cho chúng. Thế giới này chưa tốt một phần có trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Thế giới này chưa công bằng trong đó có phần lỗi của chúng ta. Ý thức về sứ mạng này, chúng ta hãy phấn đấu để trở nên những tông đồ, những sứ giả, những người cổ vũ và kiến tạo nền văn minh tình thương.
Lạy Đức Maria, Đấng chỉ bảo đàng lành, xin cầu cho chúng con. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log