“Từ Nazareth, nào có chi hay?”; “Hãy đến mà xem!”.
Hôm nay, kính thánh Bartôlômêô tông đồ, sách Khải Huyền nói đến thị kiến của Gioan, một Giêrusalem từ trờ ixuống, với “Tường thành xây trên mười hai nền móng, có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên”. Ngày nay, tại trần nhà điện Sistine, Rôma, tượng trưng cho ‘Giêrusalem mới’ là Hội Thánh, kiệt tác “Bartôlômêô xách tấm da” của mình đã được Michelangelo vẽ hơn 400 năm vẫn còn đó; nếu bạn không tin, “Hãy đến mà xem!”. Bởi lẽ, theo một truyền thống, Bartôlômêô đã tử đạo do bị lột da, chặt đầu; ngài là Quan Thầy các thợ thuộc da, đóng sách và người bán thịt!
Kính thưa Anh Chị em,
Trong Tin Mừng hôm nay, Nathanael, người còn có tên là Bartôlômêô đã phản ứng mạnh mẽ, “Từ Nazareth, nào có chi hay?” khi Philipphê cho biết, họ đã gặp Đấng Messia. Tại sao ông lại phản ứng theo cách này? Rất có thể vì người Do Thái biết rằng, Đấng Messia sẽ đến từ Bêlem, chứ không phải từ Nazareth; điều này lập tức dấy lên nơi Nathanael một sự nghi ngờ. Đúng, Chúa Giêsu sinh ở Bêlem, về sau, lên định cư ở Nazareth; nhưng Nathanael đã quên mất chi tiết này!
Như Nathanael, chúng ta cũng có thể dễ dàng nghi ngờ các vấn đề đức tin và bao nhiêu vấn đề khác vì không hiểu đầy đủ. Nếu từ đầu, Philipphê cho biết, Chúa Giêsu sinh ở Bêlem, lớn lên ở Nazareth thì có thể, Nathanael đã cởi mở hơn. Nhưng, sự việc đã xảy ra như Tin Mừng cho biết, thì phải chăng, Chúa Thánh Thần muốn dạy chúng ta một điều gì đó quan trọng hơn. Điều quan trọng ấy là, ‘đừng bao giờ đóng cửa trước chân lý’ chỉ vì một điều gì đó thoạt đầu không có ý nghĩa đối với chúng ta! Sự nghi ngờ không bao giờ đến từ Thiên Chúa! Tin tốt lành là, dẫu bày tỏ tức khắc một sự nghi ngờ, nhưng Nathanael vẫn cởi mở với những gì Philipphê cho biết. Và để trả lời cho nghi ngờ này, Philipphê đã nói một điều tốt nhất mà ông có thể nói, “Hãy đến mà xem!”.
Đến với Chúa Giêsu, Nathanael nhanh chóng tuyên xưng niềm tin vào Ngài, “Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel”, Đấng đã nói rất ít với ông. Ngài cho biết, đã nhìn thấy ông “dưới cây vả”; và biết ông là một người “không có gì gian dối”, nghĩa là một người trung thực và thẳng thắn, không phải là người hai mặt. Nathanael lập tức nhận ra sự vĩ đại của Chúa Giêsu, điều này chỉ có thể có được nhờ ân sủng đang hoạt động trong tâm hồn ông. Ông đã đến, đã nhìn xem Chúa Giêsu và đã tin, ngang qua quà tặng đức tin bên trong. Từ đó, cùng với Philipphê, Nathanael có thể thưa lên như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang Nước Chúa!”.
Vậy, điều gì đang khiến chúng ta khó hiểu về cuộc sống, các mối tương quan cũng như những mù mịt về đức tin của mình? Nếu có điều gì đó khiến chúng ta đang khó khăn theo cách này, hãy cho phép mình lắng nghe những lời của Philipphê, “Hãy đến mà xem!”. Nathanael cho biết, nếu chúng ta đem sự bối rối của mình đến với Chúa Giêsu, cởi mở với Ngài, tất cả sẽ được sáng tỏ; mọi cám dỗ nghi ngờ sẽ được xua tan, và chúng ta cũng sẽ có một niềm tin vượt quá trí hiểu
con người.
Anh Chị em,
“Hãy đến mà xem!”. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta qua các trung gian, người thân, bạn bè…dẫu có thể có những nghi ngờ, nhưng miễn là chúng ta biết mở lòng mình ra, thì Thiên Chúa vẫn có cách để lôi kéo chúng ta đến gần Ngài. Tuy nhiên, dẫu có thể đến với Chúa qua những trung gian, nhưng về sau, dần dần, chúng ta cũng sẽ đặt niềm tin của mình dựa trên kinh nghiệm cá nhân của chúng ta về Ngài. Từ cuộc gặp gỡ đầu tiên qua việc “đến mà xem”, Bartôlômêô đã bỏ những thành kiến, định kiến cá nhân và phó mình hoàn toàn cho Chúa Giêsu. Được Ngài biến đổi, Bartôlômêô trở nên một vị thánh vĩ đại, đã sống trọn vẹn trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng của một tông đồ. Giờ đây, Chúa Giêsu Thánh Thể và Lời ân sủng của Ngài cũng đang chờ đợi chúng ta; “Hãy đến mà xem!”, hãy chìm sâu trong cầu nguyện, lặng thinh lắng nghe; Ngài cũng sẽ biến đổi chúng ta!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, Chúa đang mời gọi con,“Hãy đến mà xem!”. Xin mở rộng tâm trí của con với tất cả những gì Chúa muốn nói với con, để con cũng được biến đổi trong mọi sự”, Amen.