(Mt 22, 1-14)
Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!" Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới." Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
"Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."
SUY NIỆM Một tiệc cưới hoàng gia cho chúng ta biết gì về vương quốc của Chúa? Một trong những hình ảnh đẹp nhất được dùng trong Kinh thánh để mô tả thiên đàng cũng giống như là lễ mừng đám cưới và bữa tiệc hoàng gia do nhà vua tổ chức cho hoàng tử và tân nương. Dù là bất cứ bữa tiệc lớn nào chúng ta có thể tưởng tượng trên trái đất, thiên đàng là bữa tiệc của tất cả các bữa tiệc vì Chúa tể trời đất mời chúng ta đến bữa tiệc quan trọng nhất - không chỉ đơn giản là người ngoài cuộc hay chỉ là thực khách - mà là thành viên của chính Chúa Kitô, nàng dâu Hội Thánh! Cuốn sách cuối cùng trong Kinh thánh kết thúc bằng lời mời dự tiệc cưới của Chiên Con - Chúa Giêsu, người đã hiến dâng cuộc đời của mình như một sự hy sinh chuộc tội cho chúng ta và hiện đang là Vua các Vua và Chúa các Chúa. (Kh 22,17). Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hiệp nhất với Ngài trong vương quốc của hòa bình và công bình trên trời.
Tại sao câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giêsu về bữa tiệc cưới lại có vẻ như tập trung vào vị vua tức giận, cuối cùng trừng phạt những người từ chối lời mời của ông và phạt kẻ đã ngược đãi những người hầu của ông? Dụ ngôn của Chúa Giêsu có hai câu chuyện. Việc đầu tiên là với các khách mời ban đầu được mời đến tiệc cưới. Nhà vua đã gửi lời mời trước cho các quan khách của mình, vì vậy họ sẽ có nhiều thời gian để chuẩn bị cho bữa tiệc. Thật là xúc phạm biết bao khi những vị khách được mời từ trước mà lại từ chối khi giờ khai tiệc đã đến! Họ xem nhẹ yêu cầu của nhà vua vì họ đặt lợi ích của mình lên trên yêu cầu của vua. Họ không chỉ xúc phạm vua mà còn xúc phạm người thừa kế ngai vàng. Sự tức giận của nhà vua là hợp lý bởi vì họ công khai từ chối tôn trọng danh dự mà nhà vua đáng phải có. Chúa Giêsu đã đưa ra lời cảnh báo này cho người Do Thái trong thời đại đó, vừa để truyền đạt ý muốn chia sẻ niềm vui Nước Trời với họ của Thiên Chúa, đồng thời cũng để cảnh báo về hậu quả của việc từ chối Người Con, Đấng Thiên Sai và Đấng Cứu Chuộc của họ.
Phần thứ hai câu chuyện tập trung vào những người không có liên hệ với nhà vua và những người sẽ không bao giờ nghĩ đến việc nhận được lời mời như vậy. "Ra các ngã đường… bất luận tốt xấu" chắc chắn là đề cập đến những người dân ngoại (không phải người Do Thái) và những người tội lỗi. Đây chắc chắn là một lời mời của ân sủng – một ân huệ trao ban dù người nhận chẳng xứng đáng hay có công trạng chi! Nhưng lời mời này cũng chứa một lời cảnh báo cho những người thẳng thừng từ chối hoặc những người đến dự tiệc cưới cách không xứng đáng. Ân sủng của Chúa là một món quà miễn phí, nhưng nó cũng là một trách nhiệm tuyệt vời.
Dieterich Bonhoeffer, một mục sư và là nhà thần học Lutheran ở Đức đã chết vì đức tin dưới sự cai trị của Đức Quốc xã của Hitler, đã phân biệt "ân sủng rẻ tiền" với "ân sủng vô giá":
"
Ân sủng rẻ tiền là ân sủng mà chúng ta tự ban cho chính mình... rao giảng về sự tha thứ mà không đòi hỏi phải ăn năn thống hối... (là thứ) ân sủng không cần môn đệ, không có thập giá, không có Chúa Giêsu Kitô xuống thế làm người, phục sinh và đang sống... Ân sủng vô giá là phúc âm phải được tìm kiếm không ngừng, là món quà được trao khi khẩn xin, là cánh cửa mà chúng ta phải gõ mới được mở. Ân sủng đó thật đắt vì nó mời gọi chúng ta bước theo Chúa Giêsu Ki-tô. Nó thật quý giá vì phải trả giá bằng chính mạng sống mình, và nó là ân sủng vì nó mang lại cho con người sự sống đích thực duy nhất."
Thiên Chúa mời mỗi chúng ta như mời những người bạn hữu đến dự bữa tiệc trên trời của Ngài, bữa tiệc mà chúng ta có thể ăn mừng với Ngài và cùng chia sẻ niềm vui của Ngài. Bạn đã sẵn sàng để tham dự vào bàn tiệc của Chúa chưa?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết sống vui trong sự hiện diện của Ngài và lớn lên trong niềm hy vọng được diện kiến Nhan Thánh Chúa trong vương quốc bất diệt của Ngài. Amen.