Thứ sáu, 21.08.2021
(Mt 23, 1-12)
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rápbi”. Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rápbi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Ðức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”
SUY NIỆM “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.” (Mt 23,12) Sự khiêm nhường là một mâu thuẫn. Tư tưởng của chúng ta dễ dàng bị cám dỗ rằng con đường đi đến sự tuyệt hảo là làm cho người khác biết những việc tốt chúng ta đang làm. Nhiều người bị cám dỗ để họ trưng ra bộ mặt tốt nhất của mình, và hy vọng rằng người khác sẽ nhìn thấy và ngưỡng mộ. Chúng ta ai cũng muốn mình được chú ý và được tôn vinh. Chúng ta thường cố gắng bằng những điều nhỏ bé trong lời nói và việc làm của mình, nhưng lại có xu hướng phóng đại những điều ấy lên để người khác biết chúng ta là ai.
Mặt khác, nếu chúng ta nghe ai đó nói điều gì tiêu cực về mình, chúng ta dễ rơi vào trạng thái chán nản hoặc tức giận, trong vài ngày hay thậm chí là cả tuần. Tại sao lại như vậy? Bởi niềm tự hào của chúng ta bị tổn thương. Vết thương ấy sẽ gây ra đau đớn nếu chúng ta không tự mình khám phá ra món quà mang tên Khiêm Nhường.
Khiêm nhường là một nhân đức khiến chúng ta trở nên người hơn, giúp chúng ta vượt qua những giả dối lọc lừa và khiến chúng ta trở nên người như chúng ta là. Chúng ta sẽ trở nên thoải mái hơn với những phẩm chất tốt, hay dễ dàng chấp nhận ngay cả những thất bại. Nhiêm nhường, không gì khác hơn là trở nên thành thật với cuộc sống của chính mình, và thoải mái với mọi người.
Chúa Giê-su dạy chúng ta một bài học thú vị trong Tin Mừng hôm nay, sống khiêm nhường là điều khó, nhưng đó là chìa khóa mở ra cánh cửa của một cuộc sống hạnh phúc. Chúa Giê-su muốn chúng ta được nâng lên. Ngài muốn chúng ta được mọi người chú ý. Ngài muốn ánh sáng của sự tốt lành nơi chúng ta được chiếu tỏa, và đó là ánh sáng của sự biến đổi. Nhưng Ngài muốn điều ấy được thực hiện bằng sự thật, không phải bằng sự hiện diện giả dối. Ngài muốn một “Tôi thật” tỏa sáng. Đó là sự khiêm nhường.
Khiêm nhường là chân thực và thành thật. Khi ai đó thấy những phẩm chất này nơi chúng ta, họ dễ bị ấn tượng. Họ không nhìn chúng ta bằng ánh mắt ghen tị, thay vào đó, họ sẽ thấy những phẩm chất thực mà chúng ta có, họ vui với điều ấy, bằng lòng ngưỡng mộ và muốn noi theo. Khiêm nhường giúp bạn tỏa sáng theo cách riêng, dù tin hay không, bạn thực sự trở nên người mà người khác muốn gặp gỡ và làm quen.
Phản tỉnh: hôm nay, bạn thực sự muốn trở nên như thế nào. Hãy dùng khoảng thời gian trong mùa Chay này để phá tan sự dại dột của niềm kiêu hãnh. Hãy để Thiên Chúa tước đi hình ảnh sai lệch của chính bạn, để bạn trở nên thật sáng chói hơn. Hãy hạ mình xuống, rồi Chúa sẽ nâng bạn lên và tôn vinh bạn theo cách của Ngài, để trái tim bạn có thể được nhìn thấu và được yêu mến bởi những người xung quanh.
Lạy Chúa, xin cho con trở nên khiêm nhường. Xin giúp con trung tín và thành thật như chính con là. Với lòng trung thực đó, xin giúp con, để trái tim Chúa sống trong con, và tỏa sáng cho tha nhân. Lạy Chúa, con tín thác vào Chúa.