Latêranô là thánh đường lâu đời nhất trong bốn vương cung thánh đường ở Roma. Chính hoàng đế Constantine đã dâng hiến cho Giáo hội trước năm 311.
Mỗi thánh đường thường gợi nhớ và chất chứa bao bao kỷ niệm vui buồn của người Kitô hữu. Đời sống tín hữu gắn liền với thánh đường. Từ đó, họ lớn lên trong niềm tin và trào dâng niềm hy vọng giữa cuộc đời đầy thách đố.
Latêranô là thánh đường lâu đời nhất trong bốn vương cung thánh đường ở Roma. Chính hoàng đế Constantine đã dâng hiến cho Giáo hội trước năm 311. Từ đó, thánh đường Latêranô luôn luôn là trung tâm của đời sống Kitô hữu trong thành phố; dinh thự của các Đức Giáo Hoàng và là nhà thờ chánh tòa của Roma. Qua nhiều thế kỷ, năm Công Đồng chung và nhiều nghị hội địa phận đã nhóm họp tại Thánh Đường Latêranô. Chính vì thế, thánh đường Latêranô xứng đáng “Mẹ của các giáo đường khắp thế giới” .
Năm Đức Tin, tôi có đến Roma kính viếng Thánh Đường Latêranô.
1. ĐẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH GIOAN LATERANO
a. Lịch sử
Vào cuối thế kỷ thứ III, Đế quốc Roma theo chế độ “Tứ đầu chế” tức là có 4 vị tiểu hoàng đế trị vì: tại vùng Nocomedia có Hoàng đế Diocleziano, vùng Sirmium có Hoàng đến Galerio, vùng Milano có Hoàng đế Massimio và vùng Trevi có Hoàng đế Costanzo Chlore. Ngày 28 tháng 10 năm 312, tướng La Mã Constantino (306- 337) con của hoàng đế Costanzo Chlore chiến thắng quân của hoàng đế Massenzio (306- 312) là con của Hoàng đế Massimio ở cầu Milvio, và khải hoàn tiến vào Roma. Ngày nay chúng ta còn thấy Khải hoàn môn Constantinô ở cạnh đấu trường Côlôseum ghi nhớ việc ông khải hoàn tiến vào thành Roma. Sau đó ông trở thành hoàng đế Roma ở đế quốc Tây Phương. Nhờ vào dấu hiệu Thánh giá trên bầu trời với hàng chữ latinh “cứ dấu hiệu này ngươi sẽ chiến thắng”. Tướng Constantinô đã cho đúc hình Thánh giá trên các khiên thuẫu của binh sĩ ông và quả nhiên ông đã chiến thắng đạo quân của hoàng đế Massenzio
Năm 313, ông ra chiếu chỉ tại Milano, ngưng bách hại các người Kitô hữu, cho tự do hành đạo, và ra lệnh trả lại tất cả tài sản đã tịch thu của Giáo Hội trong thời kỳ bách hại của các hoàng đế tiền nhiệm. Sau cùng, hoàng đế trở lại đạo Công giáo và ấn định Chúa nhật là ngày nghỉ hằng tuần.
Vào khoảng năm 313-318, Hoàng đế Constantinô đã ra lệnh xây Thờ Chúa Cứu Thế ở khu vực Laterano. Đây là khu vực của gia tộc Laterano giàu có đã bị hoàng đế La mã là Nero (54- 68) tịch thu tài sản, sau khi ông ta đã giết người cuối cùng của gia tộc này là Plauzio Laterano bằng cách gán cho ông này tội mưu phản.
Hoàng đế Constantino ra lệnh san bằng doanh trại rộng lớn của đoàn quân cận vệ hoàng đế Massenzio để lấy đất xây Đền thờ Chúa Cứu Thế. Qua quyết định này, ông làm một công đôi việc, một đàng muốn phá hủy dấu tích hùng vĩ của đối phương, đàng khác muốn tái khẳng định ý định nâng đỡ Kitô giáo.
Theo các sử gia, sở dĩ Hoàng đế Constantino chọn khu vực ngoại ô này của thành Roma hồi đó để xây Đền thờ đầu tiên của Kitô giáo, cạnh tường thành Aurelia, là để khỏi đụng chạm đến sự nhạy cảm của nhiều người dân Roma hồi đó vẫn còn theo ngoại giáo.
Tương truyền kể lại rằng: Hoàng đế Constantino bị bệnh phong cùi. Đêm kia trong giấc mộng, ông được Thánh Phêrô và Phaolô hiện ra và hứu chữa khỏi nếu ông lãnh nhận bí tích Rửa tội. Hoàng đế ra lệnh tìm kiếm Đức Giáo Hoàng Silvestro1 (314- 335) và Ngài rửa tội cho hoàng đế năm 314 và chữa ông khỏi bệnh phong cùi. Để tỏ lòng biết ơn, hoàng đế ra lệnh xây cất Đền thờ này.
Năm 334, Đền thờ được Đức Giáo Hoàng Silvestro I thánh hiến. Theo tương truyền có ảnh Chứa Cứu Thế “achiropita”, nghĩa là không do tay người phàm vẽ ra, xuất hiện cách lạ lùng trong lễ thánh hiến Đền thờ. Sau này, ảnh này được vẽ lại trên mặt tiền và được coi là phép lạ suốt thời Trung Cổ.
Đền thờ này là Thánh đường đầu tiên của Giám Mục Rôma, và cũng là Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Rôma. Thánh đường này được gọi là “Mater et Caput”, là Mẹ và là Đầu của tất cả Nhà thờ khác trên thế giới.
Đền thờ này cũng tượng trưng cho sự trỗi dậy của Kitô giáo. Thật vậy, sau chiếu chỉ tha đạo của hoàng đế Constantino, một cộng đoàn Kitô hữu đã xuất đầu lộ diện, công khai cử hành phụng vụ và biểu lộ đời sống đức tin. Đền thờ này tượng trưng cho chính Giáo hội
Vì tầm quan trọng này, nên lễ Cung Hiến Đền Thờ Thánh Gioan Laterano hằng năm được cử hành với lễ kính bậc hai vào ngày 9 tháng 11, quan trọng hơn cả lễ Cung Hiến Đền Thờ Thánh Phêrô và Phaolô, cử hành với bậc lễ nhớ bậc ba vào ngày 18 tháng 11.
Đền thờ này lúc đầu được dâng kính Chúa Cứu Thế, sau đó dưới thời Đức Giáo Hoàng Gregorio 1 (590- 601) thì lại được dâng kính cả hai Thánh Gioan Tẩy Giả và Gioan Tông Đồ. Dân chúng ở Roma có lòng kính mến đặc biệt đối với thánh Gioan Tông Đồ, vì theo tương truyền (có nhiều sử liệu chứng minh, trong đó có cả Tertulliano), Thánh nhân đã thoát khỏi cuộc hành hình cách lạ lùng tại thành Roma: tại đây ngài bị dìm vào một chảo dầu đun sôi (cách cửa Latina vài mét, ngày nay có Đền thờ nhỏ kính thánh Gioan ở trong chảo dầu – mang tên San Giovanni in Oleo). Đức Giáo Hoàng Ilaro (461- 468) đã thoát khỏi cuộc bạo động của những người rối đạo, sau đó để ghi ơn, ngài đã cho xây một Nhà nguyện cạnh giếng rửa tội hiện nay ở Laterano, và quyết định dâng kính Đền thờ này cho thánh nhân. Cho nên Đền thờ hiện nay mang tên Gioan Latêranô do Đức Giáo Hoàng Lucio đặt tên vào năm 1144.
Đền thờ chịu nhiều phá hủy qua dòng thời gian: bị quân man di Genserico cướp bóc vào năm 455: bị động đất vào năm 896. Tổng cộng có hơn 20 vị Giáo Hoàng xây cất, tái thiết, tu bổ và trang hoàng Đền thờ. Đặc biệt vào giữa thế kỷ 17, Đức Giáo Hoàng Innocentê 10 (1644- 1655) đã ủy thác cho kiến trúc sư Francesco Borromini điều chỉnh sửa lại hoàn toàn ngôi Đền thờ. Năm 1735 mặt tiền Đền thờ như ta thấy hiện nay với cổng vào do kiến trúc sư Alexandro Galilei thiết kế. Năm 1885 Đức Lêô 13 cho sửa lại hậu cung Đền thờ.
Như thế, trong 10 thế kỷ, từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIV, Đền thờ này cũng như tòa nhà bên cạnh đây là trung tâm của Giáo hội Roma, là trụ sở và là biểu tượng của Đức Giáo Hoàng. Cho nên các nhà nguyện, đan viện, nhà trọ và khách sạn được thiết lập chung quanh Trung Tâm này.
Chính tại Đền thờ này, Đức Giáo Hoàng Innocentê III (1198- 1216) đã bãi chức hoàng đế Otto, và phê chuẩn luật dòng của Thánh Phanxico Assisi. Tại đây đã khởi xướng nhiều cuộc xuất quân của Thập tự chinh để tái chiếm Thánh địa khỏi tay người Hồi giáo. Năm 1300, Năm Thánh đầu tiên của Giáo hội được củ hành tại đây.
Vào năm 1962, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII muốn đưa Tòa Giám Quản Roma đến Laterano và đặt trung tân hành chánh của Giáo phận Roma trong Tòa giám quản này. Sau đó, Đức Phaolô VI đã cho xây tại Vatican các khu bảo tàng viện mới để lưu giữ các kỷ vật trước kia để ở Laterano như Bảo tàng viện truyền giáo và nhân chủng học.
b.Kiến trúc
Mặt tiền Đền thờ có từ thế kỷ XVIII trông rất cân đối, và được coi là hùng vĩ uy nga nhất trong số các mặt tiền Đền thờ ở Roma. Kiến trúc sư Alessandro Galilei, người Florence đã thiết kế mặt tiền này vào năm 1735 theo lời yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Clemente XII. Tất cả đều bằng cẩm thạch, và rất phù hợp với quảng trường phía trước. Bên trên nóc tiền đường ở giữa là tượng Chúa Cứu Thế, hai bên là tượng Thánh Gioan Tẩy Giả cầm Thánh giá, và Gioan Tông Đồ cầm chén lễ. Hai bên có 12 vị thánh Tiến sĩ Giáo hội La tinh và Đông phương, mỗi tượng cao 7 mét, tượng trưng sự hiệp nhất giáo lý của Hội Thánh Kitô. Tổng cộng là 15 tượng. Bốn Thánh tiến sĩ Giáo hội Đông phương là: Gregorio Nazianzeno, Basillio, Gioan Kim Khẩu, và Anatasio. Bốn thánh tiến sĩ Giáo hội Tây phương là Ambroxio, Augustino, Giêronimo và Hilario.
Mặt tiền có ghi hàng chữ: “Sacrosancta Lateranensis ecclesia omnium uthis et othis ecclesiarum mater et caput”. Mẹ và Đầu của tất cả nhà thờ ở Roma và trên thế giới.
Ở giữa mặt tiền Đền thờ, có ban công chính, các Giáo Hoàng thường ban phép lành cho dân chúng trong dịp Năm Thánh. Cũng tại đây Đức Hồng Y Gaspani, nhân danh Đức Piô XI ký hiệp định Laterano với Italia, thành lập Nhà nước Vatican năm 1929, tái lập sự độc lập pháp lý và lãnh thổ của Tòa Thánh. Từ lúc đó, Đức Giáo Hoàng mới long trọng nhận Đền thờ này là Nhà thờ Chính tòa của mình, với tư cách là Giám Mục Roma.
Trong hành lang ở tiền đường Đền thờ, ở phía tay trái, có tượng Hoàng đế Constantino
Các hình nổi trên xà cửa Đền thờ diễn tả những biến cố trong cuộc đời thánh Gioan Tẩy Giả.
Từ thời đầu tiên cho đến ngày nay chỉ còn lại sơ đồ 5 gian và Đền thờ dài 130 mét, gian chính rộng 16 mét, và dài 87 mét.
Trong gian chính của Đền thờ, có 30 cột bằng cẩm thạch màu vàng, ở hai bên có tượng 12 thánh Tông Đồ (cao khoảng 6 mét) do Đức Clemente IX (1700- 1721) cho tạc. Bên trên có hình nổi kể lại sự tích Cựu ước và Tân ước.
Trần Đền Thờ bằng gỗ thật huy hoàng do kiến trúc sư Pirri Ligorio khởi sự theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Piô IV (1559- 1565), ngài thuộc gia tộc Medici nên có huy hiệu của ngài. Công trình này được hoàn thành dưới thời Đức Giáo Hoàng Piô V (1566- 1572). Gần tường lối vào là huy hiệu của Đức Piô VI (1775- 1799) là vị đã cho trùng tu trần đền thờ này.
Tranh khảm đá ở hậu cung Đền thờ là của 2 nghệ nhân Jacopo Torriti và Jacopo da Camerino, thực hiện từ 1288 đến 1294 với chủ đề tuyên dương Thánh Giá. Trên mây là Chúa Cứu Thế, có hình các thiên thần xung quanh. Giữa là Thánh giá có hình chim bồ câu đậu trên. Thánh giá ở trên ngọn đồi bao trùm Jêrusalem thiên quốc từ đó có 4 dòng sông chảy xuống là 4 Phúc Âm, giải khát cho cho các con nai và chiên tượng trưng cho dân Chúa. Bên trái có hình Đức Mẹ và Đức Giáo Hoàng Nicola IV đang quỳ, 2 thánh Phêrô và Phaolô. Bên phải có Thánh Gioan và Anrê. Có hai hình nhỏ là Thánh Phanxico Assisi ở bên trái và Thánh Antôn Padova ở bên phải được vẽ thêm vào theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Nicola IV, vì ngài thuộc dòng Phanxicô.
Toàn bộ bức tranh khảm đá này được tháo gỡ ra trong cuộc trùng tu hồi năm 1896, rồi được ghép trở lại, nhưng vì thế bị mất đi phần lớn giá trị nguyên bản.
Ở cánh ngang Đền thờ, gần cửa ra vào bên phải, có đàn phong cầm vĩ đại với 2 ngàn ống, đây là một trong những đàn phong cầm quan trọng nhất tại Italia, được 2 cột lớn bằng cẩm thạch màu vàng, trang trí bằng gỗ mạ vàng, chống đỡ. Do kiến trúc sư Luca Blasi thiết kế năm 1599.
Có nhiều phần mộ trong Đền thờ này, đặc biệt là của các Hồng Y Rasponi (1670), Casati (1287), Antoni del Portogallo… Các vị Giáo Hoàng Sergio IV (1012), Alexandro III.
Bàn thờ của Đức Giáo Hoàng ở điểm chính giữa Đền thờ, được thiết kế lại vào năm 1851. Trước đây, chỉ có Đức Giáo Hoàng được làm lễ tại bàn thờ này mà thôi. Trên bàn thờ có lọng tán kiểu Gôtích, được trang trí bằng những bức bích họa có từ thế kỷ 13. Bàn thờ hiện nay bao gồm bàn thờ cũ bằng gỗ do 33 vị Giáo Hoàng đầu tiên sử dụng, từ thánh Phêro tới thánh Silvestro (thế kỷ thứ I đến IV).
Phần dưới bàn thờ được thiết kế vào thế kỷ thứ IX, ở bên dưới có mộ Đức Giáo Hoàng Martino V Colouna (1484- 1492), là vị Giáo Hoàng đầu tiên ở đây sau cuộc ly khai của anh em chính thống Đông và Tây phương. Ngài cũng là vị đã cho thực hiện lát nền đền Nhà thờ bằng nhiều đá cẩm thạch màu sắc khác nhau.
Theo tương truyền phần trên của Nhà tạm do Đức Urbano V thiết lập năm 1367, với khung xám bằng sắt, có giữ đầu của Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ. Trong thời quân Pháp xâm lăng vào năm 1799, hai Thánh tích này bị cướp mất và phá hủy. Ngày nay, người ta có thể thấy vật sao lại do nghệ nhân Valasier làm. Trong Mặt nhật đựng Thánh tích bên trên bàn thờ để Mình Thánh Chúa (làm năm 1600) có giữ một mảnh gỗ bàn bằng gỗ rất cổ kính và đơn sơ, theo tương truyền ở Roma, đây là bàn thờ, trên đó Thánh Phêrô đã cử hành thánh lễ. Thánh tích này chỉ được trưng bày ngày lễ Phục Sinh.
Ngày nay, Đền thờ này do một vị Hồng y thay mặt Đức Giáo Hoàng làm Giám quản.
c. Giếng Rửa tội
Ở khu vực bên phải Đền thờ, sau Tòa giám quản có giếng rửa tội. Giếng này có từ thời hoàng đế Constantino (theo lưu truyền vị hoàng đế này đã được Đức Giáo Hoàng Silvestro rửa tội tại đây) và từ năm 432 dưới thời Đức Giáo Hoàng Sixto III (432- 440), giếng rửa tội có hình bát giác, sau đó trở thành kiểu mẫu cho các giếng rửa tội trong toàn thể thế giới Kitô giáo. Giếng này được trùng tu vào năm 1637 dưới thời Đức Giáo Hoàng Urbano VIII.
d. Tháp Bút
Đây là tháp bút cao nhất và cổ kính nhất Roma, cao 47 mét tính cả bệ (không có bệ thì cao 32 mét). Tháp bút này bằng đá hoa cương màu đỏ của Ai cập cổ từ thế kỷ XIV trước Công nguyên, và được đưa từ Thèbes bên Ai Cập (tại đền thờ thần Ammoni) về Roma hồi thế kỷ thứ 4, theo lệnh hoàng đế Constanzo 2 trên một con tàu đặc biệt để chở tháp này về Roma. Tháp được đặt tại Circo Massimo dưới chân dinh thự Palatino. Vậy là tháp này có độ tuổi 3.500 tuổi.
Năm 1588 Đức Giáo Hoàng Sixto V đã tái thiết và cho chở từ Circo Massimo về Latêranô và dựng trước Đền thờ. Trước mặt bệ tháp có ghi hàng chữ: “Constantino, người chiến thắng nhờ sự chuyển cầu của Thánh Giá, đã được Thánh Silvestro rửa tội tại nơi này, ông đã truyền bá vinh quang của Thánh Giá”.
Tiện đây cũng xin ghi nhận Roma là thành phố cổ có nhiều tháp bút nhất thế giới, tổng cộng có chừng 13 tháp.
e. Khu vực cạnh Đền thờ
Gần Đền thờ có tường thành do Hoàng đế Aurelio xây vào thế kỷ thứ III và có cổng San Giovanni. Phía trước Đền thờ có đài kỷ niệm với tượng thánh Phanxico Assisi, nhắc lại sự tích vào năm 1210, thánh nhân cùng với các bạn đến Laterano để xin Đức Giáo Hoàng Innocentê III phê chuẩn luật dòng của mình.
2. ĐỀN THỜ ĐÍCH THỰC
Kỷ niệm ngày thánh hiến Vương cung thánh đường Latêranô là dịp suy nghĩ về đền thờ đích thực, tức chính thân thể Đức Giêsu Kitô (Ga 2,21). Chính nơi đền thờ này, Thiên Chúa đã thi thố tất cả quyền năng cứu độ nhân loại. Cũng chính nơi đền thờ này sự thờ phượng đích thực mới được dâng lên Thiên Chúa. Quả thế, Thánh Linh đã phục sinh thân thể Đức Giêsu. Chúa Cha đã đặt Người làm Trung gian duy nhất để chuyển cầu cho nhân loại (x. 2 Tm 2,5; Dt 9,15; 12,24). Không thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào ngoài đền thờ này. Người Do thái đã phá hủy đền thờ này. Nhưng nội trong ba ngày Đức Giêsu đã xây dựng lại nhờ quyền lực Thánh linh để chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa và anh em đồng loại. Tất cả mọi giá trị và ý nghĩa của vương cung thánh đường Latêranô cũng như các thánh đường khác đều phải bắt nguồn từ đền thờ này. Thật vậy, “không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giêsu Kitô” (1Cr 3,11) Máu và nước từ cạnh sườn Đức Giêsu tuôn chảy như giòng sông. “Sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống” (Ed 47,9). Nếu Đức Giêsu không chết và sống lại, nhân loại không thể đón nhận được nguồn mạch sự sống lớn lao như vậy.
Người được phúc đón nhận sự sống đó đầu tiên phải là tín hữu. Vì họ là “thân thể Đức Kitô” (2 Cr 12,27). Bởi đó, họ cũng là “Đền Thờ của Thiên Chúa” (1 Cr 3,16). Nếu thế, tất cả những gì diễn ra trong thân xác Đức Giêsu cũng sẽ tìm thấy nơi con người Kitô hữu. Thật là một vinh dự vô cùng lớn lao khi biết Thiên Chúa cư ngự trong thân xác chúng ta. Tội lỗi đã phá hủy đền thờ này nhiều lần. Nhưng Thánh linh đã lấy ân sủng tái thiết và trang hoàng lộng lẫy cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Từ đó, con người có thể tìm lại niềm hy vọng và sự sống mới. Chúa Thánh linh không bao giờ mỏi mệt phục hồi “Đền Thờ của Thiên Chúa”. Cuối cùng Thánh linh sẽ phục sinh thân xác chúng ta cũng như đã phục sinh Đức Giêsu (x. 1 Cr 6,14).
Chính vì niêm tin lớn lao đó, Kitô hữu luôn tràn đầy niềm hy vọng giữa bao nhiêu thăng trầm cuộc đời hôm nay. Trái lại, chỉ những ai không tôn trọng Đền Thờ Thiên Chúa, mới đánh mất niềm hi vọng đó. Nhiều giá trị đảo lộn chỉ vì thân xác đã bị lạm dụng cho những mục tiêu văn hóa, chính trị, kinh tế …Con người đã trở thành công cụ phục vụ chế độ. Người ta sẵn sàng hy sinh con người. Nhưng nên nhớ “ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy là chính anh em” (1 Cr 3,17).
Hôm nay, trong khi tôn vinh Thánh đường Latêranô, thánh đường Mẹ ở Rôma, chúng ta tôn vinh chính thánh đường của giáo xứ chúng ta, nơi chúng ta họp nhau lại cầu nguyện nhân danh Chúa. Chính Chúa đang hiện diện ở giữa chúng ta khi chúng ta liên kết với Ngài trong tình yêu mến và liên kết với nhau trong tình huynh đệ để xây dựng nên đền thờ của Thiên Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết xây dựng chính đền thờ tâm hồn mình và biết cùng nhau hiệp nhất xây dựng đền thờ Giáo hội.