Thứ năm, 28/11/2024

Giải đáp các vấn nạn liên quan đến Đức tin và Khoa học (tiếp theo)

Cập nhật lúc 16:42 10/05/2016
Vấn đề 26 : Tôn giáo hứa hẹn một thứ thiên đàng xa xôi không tưởng. Đáng lẽ phải xây dựng một thiên đàng ấm no hạnh phúc cho con người ngay tại trần gian này mới đúng.
 
TRẢ LỜI
 
1. Trước hết, cần phải xác định việc xây dựng cho dân chúng một đời sống vật chất ấm no hạnh phúc không phải là nhiệm vụ trực tiếp của tôn giáo, mà là trách nhiệm hàng đầu của chính quyền. Còn tôn giáo là con đường giúp con người hướng thượng, vươn lên cao để đạt tới chân thiện mỹ là Thiên Chúa. Một khi đạt tới Thiên Chúa thì đương nhiên con người sẽ có hạnh phúc vĩnh cửu. Thiên đàng không phải chỉ là một thứ hạnh phúc tưởng tượng, nhưng thực sự hiện hữu và là phần thưởng cho những người biết tuân giữ mọi giáo huấn của tôn giáo ở đời này (xem phần Phụ chú).
2. Người ta không thể đòi hỏi tôn giáo phải dẫm chân lên chính quyền, dành lấy cho mình công việc của chính quyền vì những bất lợi như đã từng xảy ra trong
quá khứ.
a) Thời Giáo Hội sơ khai, các tông đồ đã ý thức được sự bất tiện khi các ngài quá ôm đồm công việc, vừa rao giảng Tin Mừng, vừa dọn bàn ăn cho giáo dân, nên đã phân chia nhiệm vụ, thiết lập chức phó tế chuyên lo công việc vật chất cơm bánh, để các ngài có thể chu toàn nhiệm vụ chính yếu của mình là “đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân” (Mt 28,19). Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại như sau :
Lúc đó, số giáo hữu thêm lên, thành ra người Hy Lạp ta thán người Do Thái, bởi vì các bà góa của họ không được cung cấp chu đáo. Mười hai tông đồ hội họp cùng toàn thể các môn đệ mà bảo : “Chúng ta chẳng nên bỏ việc giảng Lời Thiên Chúa mà lo lắng mâm bàn. Vậy anh em hãy chọn lấy bảy người trong anh em có lý lịch tốt, đầy ơn Thánh Linh và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ ủy việc này cho. Phần chúng tôi sẽ chuyên chăm cầu nguyện và giảng dạy” (Cv 6,1-4).
b) Đến thời Trung Cổ, khi hầu hết các nước Âu châu tòng giáo, thì Giáo Hội trở nên có quyền thế rất lớn. Một số các nhà lãnh đạo tôn giáo vì không lường trước được hậu quả tai hại, nên đã cộng tác với vua chúa, lẫn lộn hai phạm vi đạo đời. Vì thế, Giáo Hội đã bị mang tiếng và bị vạ lây khi các vua chúa thời bấy giờ theo đuổi chính sách sai lạc.
3. Tuy không trực tiếp lo cơm áo cho dân chúng, nhưng tôn giáo cũng góp một phần không nhỏ trong việc xây dựng cuộc sống vật chất cho nhân loại một cách gián tiếp. Giáo Hội đã không ngừng khuyên dạy giáo dân thực thi công bằng bác ái như Phúc Âm đòi hỏi trong đời sống hằng ngày. Rất nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đã can đảm đứng lên bênh vực giai cấp thợ thuyền nghèo khổ, đòi hỏi phải phân phối lợi tức cách công bằng, chấm dứt cảnh người bóc lột người, và còn nói lên tiếng nói trung thực của lương tâm con người tại các diễn đàn quốc tế.
Rất nhiều tổ chức Công Giáo đã có những hành động cụ thể, tích cực trong việc kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn bằng cách nâng cao đời sống vật chất của giai cấp nghèo khổ, phát triển các dân tộc kém mở mang. Rất nhiều trung tâm huấn nghệ tìm việc làm cho người thất nghiệp, nhiều trường học miễn phí, bệnh viện, cô nhi viện, viện dưỡng lão, trại câm điếc, trại cùi... đã được các tổ chức đoàn thể trong Giáo Hội thiết lập nhằm phục vụ những người bị xã hội bỏ rơi. Ngoài ra, còn nhiều đoàn thể công giáo đặc biệt đứng về phía người nghèo để tranh đấu như Thanh Lao Công của đức hồng y Giuse Cardjin, nhiều tổ chức cứu trợ cấp thời những rủi ro, thiên tai cho những người bị nạn, như Caritas quốc tế... đã chứng tỏ một cách hùng hồn sự đóng góp hữu hiệu của Giáo Hội trong việc kiến tạo cho xã hội một đời sống ấm no hạnh phúc hơn ngay tại trần gian này.
Tóm lại, dù nhiệm vụ chính của tôn giáo là hướng dẫn tinh thần của con người, giúp họ sống xứng đáng với phẩm giá của con người có trí khôn, người con hiếu thảo của Thượng Đế để sau này được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng, nhưng tôn giáo, đặc biệt là Kitô Giáo, cũng không quên xây dựng cho con người một đời sống ấm no hạnh phúc hơn ngay tại trần gian này một cách gián tiếp bằng lời giảng dạy cũng như bằng việc làm cụ thể thiết thực tùy theo nhu cầu và hợp với khả năng của mình nữa.
 
PHỤ CHÚ : CÓ THIÊN ĐÀNG KHÔNG ?
 
I. Thiên đàng là điều có thực :
Không có chân lý nào được Chúa Giêsu quả quyết nhiều lần như chân lý này, là có một nơi hạnh phúc hoàn toàn để thưởng công những người lành thánh.
Đây thực là một điều hợp lý, hợp với sự khôn ngoan và đức công bình vô cùng của Thiên Chúa, và đó cũng chính là mục đích của mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Giêsu. Ngài đến để trả lại cho chúng ta sự sống mà Ađam đã làm mất, cho chúng ta được lại địa vị làm con Chúa không những trên trần gian, mà còn trên thiên đàng mai sau nữa (Rm 5,12-21).
Đây còn là một chân lý đức tin, vì dựa trên lời giảng dạy chắc chắn của Chúa  Giêsu trong Phúc Âm
như sau :
- “Ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật, vì sẽ được NƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI làm của mình”. (Mt 5, 3)
- “Ai có lòng trong sạch ấy là phúc thật vì sẽ được THẤY MẶT ĐỨC CHÚA TRỜI”. (Mt 5,8)
- “Các con hãy vui mừng, vì phần thưởng của các con sẽ LỚN LAO TRÊN NƯỚC TRỜI”.(Mt 5,12:)
   - : “ Hãy tích chứa của cải TRÊN TRỜI, là nơi mối mọt, rỉ sét không làm hư hại được”.(Lc 12,33)
Trong dụ ngôn nén bạc, Chúa Giêsu cũng hứa ban thưởng cho người tôi tớ trung tín, biết làm lợi những nén bạc Ngài trao phó cho : “Tốt lắm, hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín, vì ngươi trung thành trong việc nhỏ, Ta sẽ đặt ngươi làm việc lớn. Hãy vào hưởng sự sung sướng cùng chủ ngươi” (Mt 25,21).
Với các tông đồ, Ngài nói : “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở. Thầy đi dọn chỗ cho các con rồi Thầy lại đến đón các con về cùng Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó” (Ga 14,2-3).
Chúa nói về ngày phán xét chung, là ngày Ngài sẽ thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ. Ngài sẽ phán với những người lành như sau : “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến nhận lấy NƯỚC đã sắm sẵn cho các con từ thuở sáng tạo vũ trụ” (Mt 25,34).
Các tông đồ cũng nhấn mạnh rằng nước thiên đàng là cùng đích của cuộc đời trần gian chúng ta (2 Cr 5,1; Rm 8,18; 1 Pr 1,4; 1 Ga 3,2).
II. Hạnh phúc thiên đàng như thế nào ?
1) Những quan niệm sai lạc về hạnh phúc thiên đàng
Một số người có những ý nghĩ không đúng đắn về thiên đàng. Chẳng hạn, thiên đàng là một phần thưởng Thiên Chúa ban nhằm thúc đẩy con người ăn ngay ở lành, giống như cha mẹ hứa cho con cái kẹo bánh để chúng chịu khó làm việc. Như thế, con người chỉ làm việc lành vì lý do ích kỷ, tìm lợi lộc cho bản thân mình hay sao ?
Thực ra, thiên đàng là một phần thưởng (Mt 5,12), nhưng trước hết, thiên đàng là cứu cánh, mục đích cuối cùng mà con người phải hướng tới. Nếu con người không tha thiết về với Thiên Chúa thì cuộc đời của họ sẽ trở thành vô nghĩa. Chúng ta làm điều thiện trước hết vì yêu mến Thiên Chúa, muốn đẹp lòng Ngài và đương nhiên hạnh phúc sẽ được Chúa ban cho ta.
- Nhiều người khác lại nghĩ thiên đàng một cách vật chất, được khỏi mọi lo âu thử thách, khỏi đau khổ, trái lại được sung sướng khoái lạc, nhìn xem những cảnh thật đẹp mắt, được nghe những điệu nhạc du dương …
Thực ra, hạnh phúc thiên đàng trước hết là hạnh phúc siêu nhiên, thỏa mãn được những nhu cầu của linh hồn chúng ta, được hưởng kiến tôn nhan Thiên Chúa diện đối diện (1 Cr 13,12).
- Có người lại quan niệm thiên đàng một cách tình cảm ướt át. Theo họ, khi lên thiên đàng ta sẽ được gặp mặt người thân yêu, được nối lại tình xưa nghĩa cũ giữa vợ chồng, cha mẹ anh em …
Thực ra, thiên đàng không phải chỉ là nơi gặp gỡ
các tình cảm trần gian. Thiên đàng là GIA ĐÌNH, nhưng trước hết là GIA ĐÌNH THIÊNG LIÊNG, là NHÀ CỦA THIÊN CHÚA là Cha, trong đó mọi người đều là anh em với nhau.
2) Hạnh phúc thiên đàng chính là được hưởng Nhan
Thiên Chúa
Hiện nay, chúng ta không thể diễn tả hạnh phúc thiên đàng như thế nào, vì chưa có ai trong chúng ta được lên đó. Muốn hiểu hạnh phúc ấy, ta nên dựa vào Lời Chúa :
- Chúng ta sẽ vào nhà của Thiên Chúa (Ga 14,2)
- Ở đó, chúng ta sẽ trông thấy Chúa (Mt 5,8)
        - Chúng ta sẽ thấy Ngài mặt đối mặt. (1 Cr 13,12)
        - Chúa Kitô sẽ đưa chúng ta đến gần Ngài, chúng ta sẽ được hưởng vinh quang với Ngài. (1 Tx 2,12)
        - Thấy Chúa sẽ làm cho tất cả nguyện vọng của chúng ta được thỏa mãn : “Mắt chưa bao giờ được xem thấy, tai chưa bao giờ được nghe, lòng chưa bao giờ được nếm những sự mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những kẻ Ngài yêu mến. (1 Cr 2,9)   
        - “Thiên Chúa sẽ lau khô mọi giọt lệ khỏi mắt họ. Chẳng còn phải chết nữa, hết tang chế, hết than vãn, đau đớn cũng chẳng còn, vì những cái trước kia đã đi vào quá khứ”. (Kh 21,4)
3) Sự tiếp nhận hạnh phúc của Thiên Chúa nhiều ít là do công nghiệp của chúng ta
Thực vậy, không phải mọi người đều được hưởng hạnh phúc bằng nhau. Trái lại mỗi người được hưởng kiến Tôn Nhan Thiên Chúa nhiều ít là tùy công nghiệp họ lập được ở trần gian. Ai yêu mến và giữ luật Chúa nhiều thì hạnh phúc nhiều, người mến ít và có ít công nghiệp sẽ hưởng phúc kém hơn.
Đây cũng là điều dễ hiểu vì hợp lý và hợp với sự công bằng vô cùng của Thiên Chúa. Kinh Thánh có nhiều đoạn đề cập tới vấn đề này như sau :
- Chúa Kitô đã phán : “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ lắm” (Ga 14,2).
- “Ai bỏ một điều rất nhỏ mọn trong những huấn lệnh này, lại dạy người ta làm như thế, sẽ kể là nhỏ nhất trên Nước Trời. Còn ai làm và dạy người ta làm như vậy thì kể là kẻ lớn nhất trên Nước Trời” (Mt 5,19)
- Thánh Phaolô trình bày về vấn đề này như sau : “Mặt trời sáng khác, mặt trăng sáng khác, tinh tú sáng khác, sao này sáng khác sao kia. Việc kẻ chết sống lại cũng như vậy : đã gieo sẽ bị mục nát, mà được sống lại thì sẽ không còn bị hư nát nữa” (1Cr 15,41-42).
Ngoài ra, công đồng Florence dựa trên bản văn này cũng tuyên bố : “Các đấng thánh tùy theo công trạng khác nhau sẽ được thấy Chúa khác nhau, người này hoàn toàn hơn người kia”.
Tuy không bằng nhau, nhưng sẽ không có sự phân bì ghen ghét, vì mỗi người đều được tràn đầy hạnh phúc, đều ý thức rõ ràng tình yêu và sự công bằng vô cùng của Thiên Chúa. Ta có thể ví hạnh phúc thiên đàng giống như nước đổ đầy các đồ chứa của mỗi người. Người ở trần gian lập nhiều công nghiệp là người sắm một chiếc thùng lớn, còn người ít công nghiệp chỉ có chiếc chậu, chiếc chén nhỏ. Vì mọi người đều được đổ đầy tràn đồ chứa của mình nên tuy có số lượng nhiều ít khác nhau, nhưng không ai phân bì ghen ghét ai.
4) Thiên đàng là nước tình yêu
Người tín hữu sống trên trần gian có sự qui hướng về Thiên Chúa bằng ba nhân đức : Tin, Cậy, Mến.
Đức tin làm cho ta nhìn thấy Chúa qua tạo vật.
Đức cậy làm cho ta hy vọng, cậy trông vào Chúa.
Đức mến làm cho ta yêu mến Chúa trên hết mọi sự.
Nhưng ở trên thiên đàng thì khác, đức tin không còn cần thiết, vì ta sẽ được thấy Chúa nhãn tiền, diện đối diện.
Đức cậy cũng không còn đối tượng, vì ta đã có Chúa đời đời, không còn sợ phải lìa xa Chúa bao giờ nữa.
Chỉ còn đức mến sẽ còn tồn tại mãi mãi. Từ đây chỉ còn tình yêu ngự trị. Thiên đàng là nước tình yêu. Các thánh chỉ còn yêu mến Chúa đời đời, và có tình yêu là có tất cả. Thánh Phaolô nói : “Hiện nay, chúng ta có 3 điều: đức tin, đức cậy, đức mến. mà đức mến là điều trọng hơn hết (1 Cr 13,13).

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Huynh đoàn Đaminh và Ban Phục vụ Liên huynh Yên Tập mừng lễ Bổn mạng
Huynh đoàn Đaminh và Ban Phục vụ Liên huynh Yên Tập mừng lễ Bổn mạng
Ngày 25 tháng 11 năm 2024, tại nhà thờ Giáo xứ Yên Tập, Huynh đoàn Đaminh Liên huynh Yên Tập thuộc Giáo hạt Tây Bắc Phú Thọ, đã hân hoan mừng lễ bổn mạng: Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log