Chúa nhật, 24/11/2024

Giải đáp các vấn nạn liên quan đến Đức tin và Khoa học (tiếp theo)

Cập nhật lúc 14:49 20/04/2016
Vấn đề 24 : Về kinh tế, tôn giáo chỉ sản xuất ra những chuyện tưởng tượng thay vì sản xuất ra vật chất có thực để phục vụ con người.
 
TRẢ LỜI
 
I. PHÂN BIỆT TÔN GIÁO VÀ CHÍNH QUYỀN
1. Chính quyền là một cơ chế gồm một số người có quyền hành đối với dân chúng, điều khiển quốc gia theo như hiến pháp quy định. Chính quyền có nhiệm vụ làm cho dân giàu nước mạnh, phải bao quát mọi vấn đề trong nước như chính trị, quân sự, văn hóa, xã hội, thông tin, giáo dục, kinh tế…, và phải chịu trách nhiệm trước quốc hội, đại diện của dân chúng về những vấn đề ấy.
2. Còn tôn giáo là một tổ chức thuộc lĩnh vực tinh thần. Tôn giáo có nhiệm vụ khác với chính quyền, là hướng dẫn tín đồ của mình thi hành bổn phận của mình đối với thượng đế và các bổn phận đối với gia đình, xã hội, quốc gia.
            Do đó, đòi hỏi tôn giáo phải sản xuất ra vật chất, cơm bánh là điều không hợp lý, vì như vậy, tôn giáo đã dẫm chân lên chính quyền, làm công việc không phải nhiệm vụ chính yếu trực tiếp của mình.
 
II. ĐÓNG GÓP CỦA TÔN GIÁO VỀ KINH TẾ
            Tuy không có nhiệm vụ trực tiếp lo sản xuất kinh tế cơm gạo cho dân chúng như chính quyền, nhưng tôn giáo cũng có phần nào trách nhiệm trong việc kiến tạo một cuộc sống tươi đẹp hơn cho tín đồ, nên cũng đã đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực này một cách gián tiếp như sau :
1. Tôn giáo khuyến khích, cổ võ công việc lao động chân tay bằng lời khuyên dạy, bằng gương sáng.
            - Chúa Kitô, mẫu gương hoàn hảo của người công giáo, cũng đã chia sẻ thân phận của một người lao động nghèo khó trong suốt thời gian ẩn dật 30 năm tại Nazareth: «Nào ông này chẳng phải là con bác thợ mộc hay sao? » (Mt 13,55). Ngài sinh ra trong cảnh nghèo, sống như một người nghèo và khi chết, trên mình không có một mảnh áo che thân (Lc 2,7; 9,58; Mt 27,35).
            - Trong thời gian giảng đạo công khai, Đức Kitô không ngừng khuyên dạy tránh tính ích kỷ, hưởng thụ một mình, trái lại phải biết nghĩ đến người khác, phải chấp nhận đi con đường gian khổ, chật hẹp, để phục vụ anh em mình. Ngài phán : “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Mt 16,24). “Điều gì các con muốn người ta làm cho mình thì hãy làm cho người ta” (Lc 6,31). “Ai trong các con muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ anh em”(Mt 20,26-27).
            - Chúa Kitô cũng chọn lựa người lao động đánh cá làm tông đồ của Ngài: “Hãy theo Ta, Ta sẽ cho các ngươi trở nên kẻ chài lưới người” (Mt 4,18-19; Mc 1,17).
            - Tông đồ Phaolô đã khẳng định lập trường của Kitô giáo về sự làm việc tay chân : “Ai không làm việc thì không đáng ăn”(2Tx 3,10). Chính Phaolô cũng làm gương lao động, dù bận bịu công việc truyền giáo, Ngài cũng vẫn dành ra thời giờ làm việc dệt vải để tự mưu sinh, không  nhờ vào sự giúp đỡ của tín hữu (cf. 1 Cr 9,4-14).
2. Ngoài ra, rất nhiều dòng tu trong Giáo Hội đã coi trọng lao động tay chân, với đời sống làm việc không ngừng. Phương châm của các ngài là: “Ora et labora” (Cầu nguyện và làm việc). Nhất là tôn giáo đã giúp đỡ chính quyền trong việc tạo lập một xã hội trật tự, an ninh, là điều kiện cần thiết để người dân an tâm sản xuất kinh tế. Napoléon đã quả quyết sự hữu ích của tôn giáo trong việc duy trì an ninh trật tự xã hội khi nói “Một dân tộc không tôn giáo phải được cai trị bằng súng đạn, nhà tù và bạo lực”. Châteaubriand cũng đồng quan điểm khi phát biểu “Nếu muốn phá hủy nhà thờ thì mỗi làng phải xây nhiều nhà ngục và phải có nhiều đao phủ thủ”.
            Tóm lại, về lãnh vực kinh tế, tuy tôn giáo không trực tiếp sản xuất ra vật chất cơm bánh, vì không phải nhiệm vụ chính yếu của tôn giáo, nhưng tôn giáo cũng đã đóng góp công sức rất nhiều một cách gián tiếp trong việc tạo lập một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn cho xã hội. Chính nhờ lời giảng dạy cùng với gương sáng của các tu sĩ công giáo, mà xã hội đã trở nên tốt đẹp hơn, con người bớt những tội lỗi xấu xa hơn, và cũng chính nhờ giáo thuyết công bình bác ái của Phúc Âm, mà hòa bình giữa các quốc gia trên thế giới được duy trì. Tất cả những điều ấy là điều kiện cần thiết để sản xuất kinh tế.
 
 CÁC XƠ TRONG BỆNH VIỆN
Một thiếu niên đến bệnh viện thăm bạn. Cậu hỏi :
- Tại sao có xơ mặc áo trắng, xơ mặc áo đen ?
- À! Các xơ mặc áo trắng thì phát thuốc cho mình, còn các xơ mặc áo đen thì cầu nguyện cho mình khi… thuốc không có tác dụng.
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log