Vấn đề 23 : Tôn giáo chính là công cụ của bọn phong kiến tư bản dùng để củng cố chế độ và yên tâm bóc lột dân nghèo. Muốn tiêu diệt chế độ, trước hết phải tiêu diệt tôn giáo.
TRẢ LỜI
I. TÔN GIÁO VÀ PHONG KIẾN TƯ BẢN KHÔNG NHẤT THIẾT ĐI ĐÔI VỚI NHAU
1. Xét về lý thuyết :
Có thể có sự chấp nhận tôn giáo trong các xã hội phong kiến và tư bản. Trong các xã hội này, tôn giáo được tôn trọng và tự do phát triển. Đây cũng là một điều dễ hiểu. Tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng là những con đường dẫn đưa con người đi lên. Tôn giáo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, dạy làm điều lành và xa lánh điều ác, dạy thực hiện công bằng bác ái với nhau. Đó thực là những điều tốt đẹp thiện hảo, mà con người có trí khôn ở bất cứ thời đại nào, thuộc bất cứ chế độ chính trị nào cũng đều công nhận.
2. Xét về thực hành :
Trong xã hội nào cũng có kẻ tốt người xấu. Một số vua chúa quan quyền hoặc thương gia giàu có, tuy không chống đối tôn giáo về giáo lý, và có khi là tín đồ của tôn giáo nữa, nhưng trong đời sống của họ, vì bị hoàn cảnh chi phối hoặc chỉ giữ đạo hình thức, nên đã thực sự sống ngược lại với những điều dạy bảo của tôn giáo. Những người này chỉ biết hưởng thụ khoài lạc vật chất, ham mê quyền lực đến nỗi có thể ơhạm những tội ác xấu xa, chỉ biết kiếm thật nhiều tiền bạc đến độ có thể làm những việc có hại cho người khác như đầu cơ tích trữ hàng hóa để tăng giá hàng, cho vay nặng lãi, bớt xén công quỹ, tham nhũng hối lộ…
Như vậy, tôn giáo và tư bản không luôn đi đôi với nhau. Tuy không chống đối tôn giáo về lý thuyết, nhưng trong thực hành, có rất nhiều người đã không theo một tôn giáo nào, hoặc tuy có đức tin, nhưng lại sống như không có Thiên Chúa, không có đời sau. Họ là những người vô thần thực hành.
II. VẤN ĐỀ LỢI DỤNG TÔN GIÁO TRONG CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN TƯ BẢN
1. Trong chế độ tư bản thường không có vấn đề lợi dụng tôn giáo.
Thực vậy, chế độ tư bản tôn trọng quyền tự do cá nhân, ai muốn theo một tôn giáo hoặc không theo tôn giáo nào cũng được. Các tôn giáo được tự do phát triển và hoạt động tùy ý, đồng thời muốn tách biệt khỏi chính trị để có thể nói lên tiếng nói của lương tâm con người cách trung thực hơn. Nếu có vấn đề lợi dụng tôn giáo thì cũng chỉ giới hạn trong phạm vi nhỏ hẹp cá nhân hoặc địa phương mà thôi.
2. Trong chế độ phong kiến trước đây, tôn giáo đôi khi đã bị lợi dụng tại một số nơi.
Đọc lịch sử, chúng ta thấy trong quá khứ, tại một vài quốc gia tây phương như Nga, Đức, Pháp, Ý…, tôn giáo xem ra đã bị lợi dụng và có lúc trở nên như dụng cụ để vua quan sử dụng hầu có thể củng cố địa vị và yên tâm hưởng thụ trên sự lầm than cơ cực của dân chúng. Vua chúa thường tự hào là thiên tử (con trời), cho rằng mình được Thượng Đế ban quyền cai trị nên tha hồ chuyên chế. Còn dân chúng thì lại được một số vị lãnh đạo tôn giáo đi với chính quyền dạy dỗ phải tuân phục quyền bính của nhà vua dù vua quan bất tài bất xứng, nhưng không dám bày tỏ nguyện vọng chính đáng của mình, hoặc không dám đứng lên làm cách mạng lật đổ bạo quyền. Họ chỉ còn biết cúi đầu chịu đựng và mơ tưởng một cuộc sống hạnh phúc lý tưởng ở thế giới bên kia.
Tuy nhiên, cho dù tôn giáo có thật sự bị vua quan lợi dụng, cũng không vì thế mà trở nên xấu và cần phải dẹp bỏ. Cũng giống như người ta không thể nại cớ lưỡi dao sắc bén có thể làm đứt tay người sử dụng, nên kết luận rằng phải dẹp bỏ không được dùng dao nữa. Hoặc nói rằng vì có người dùng thuốc tây quá liều đã chết, nên thuốc tây là chất độc cần phải loại bỏ. Tôn giáo là sự hướng thượng của con người, là động lực giúp con người sống tốt đẹp hơn, là một đặc điểm chỉ duy loài người có trí khôn mới có, nên vẫn luôn có giá trị trong mọi thời đại, dưới bất cứ chế độ chính trị nào. Sở dĩ trong quá khứ, đôi khi tôn giáo đã bị một số người lợi dụng, là vì người ta đã lẫn lộn thế quyền và giáo quyền. Ngày nay, để khỏi đi vào vết xe cũ, để khỏi trở thành công cụ phục vụ thế quyền cách bất chính, tôn giáo cần phải đứng biệt lập trong phạm vi tinh thần và tôn giáo của mình.
Tóm lại, cho dù trong quá khứ, tôn giáo có lần đã bị nhà cầm quyền lợi dụng, nhưng thực sự tôn giáo chân chính không bao giờ có thể đi đôi với cường quyền bạo lực, với nếp sống xa hoa trụy lạc, với chính sách bóc lột bất công của bất cứ chế độ chính trị nào. Ngày nay, người ta thấy rõ tôn giáo muốn thi hành đúng nhiệm vụ tốt đẹp của mình như giáo lý đòi hỏi, thì cần phải phân biệt với thế quyền, không được đồng hóa với thế quyền, để có thể nói lên tiếng nói của lẽ phải, của lương tâm con người.