Chúa nhật, 24/11/2024

Giải đáp các vấn nạn liên quan đến Đức tin và Khoa học (tiếp theo)

Cập nhật lúc 20:48 03/05/2016
Vấn đề 25 : Về xã hội, tôn giáo tán dương chế độ nô lệ, nông nô, cố duy trì sự bất công giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị để dễ bề lợi dụng.
 
TRẢ LỜI
 
Trong quá khứ, tại một vài nơi trên thế giới, nếu thực sự đã có những nhà lãnh đạo tôn giáo cấu kết với giai cấp vua chúa quan quyền, và để mặc cho bọn này đàn áp bóc lột dân đen nghèo khổ, thì đó cũng chỉ là một thiểu số nhỏ bé, giới hạn trong một thời gian, và ở một vài địa phương mà thôi, chứ không phải là toàn thể Giáo Hội đều theo chủ trương đường lối như thế.
Thực vậy, Giáo Hội Công Giáo trong lý thuyết cũng như thực hành đã không bao giờ tán dương chế độ nô lệ, nông nô bất công như có người chỉ trích, trái lại đã luôn cố gắng xoá bỏ giai cấp, tạo lập công bình bác ái trong xã hội.
 I. GIÁO THUYẾT CÔNG GIÁO VỀ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
Đọc Kinh Thánh cũng như các thông điệp của các vị Giáo Hoàng xưa nay, chúng ta thấy Giáo Hội Công Giáo đã luôn có một lập trường bênh vực lớp người nghèo khổ, và cố san bằng mọi giai cấp.
 1. Kinh Thánh
a) Mọi người đều bình đẳng, đều là anh em với nhau, và cùng có một Cha chung là Thiên Chúa :            
- “Các con chỉ có một thầy, còn các con tất cả đều là anh em... Các con chỉ có một Cha ở trên trời” (Mt 23,
8 - 10) .
- “ Lạy Cha chúng tôi ở trên trời...” (Lc 11,2-4).
b) Người cai trị không được lợi dụng quyền thế để hà hiếp bóc lột người dưới :      
- “Trong các con, hễ ai muốn làm lớn, phải làm đầy tớ các con. Con Người đến không phải để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc thiên hạ” (Mt 20,25–28 ; Mc 9,35 ; 10,43– 45; Lc 22, 26).
- “Nếu Ta là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng hãy rửa chân cho nhau. Ta đã làm gương cho các con để các con cũng bắt trước mà làm như vậy” (Ga 13,14 -15; Lc 22,27).
c) Chúa Giêsu chúc phúc cho những người có tinh thần nghèo khó, đồng thời Ngài cũng quở trách những người giàu có mà ăn ở bất nhân :              
            - “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ” ( Mt 5,3).
            - “Chúa đã hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao, và đã nâng người hèn mọn lên. Chúa đã cho người đói khó no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không” (Lc 1,52-53 ;16,20 –25).
            - “Kẻ giàu có rất khó vào nước thiên đàng, hỡi các con, những kẻ cậy vào tiền của thật khó lên thiên đàng lắm. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước thiên đàng” (Mc 10,23–25).
 
2) Thông điệp các Đức Giáo Hoàng, các công đồng :
            a) Với tư cách là Giáo Chủ và với cái nhìn của một người cha chung, đứng trên và đứng ngoài mọi phe phái tranh chấp, mọi thế lực chính trị, mọi ý thức hệ, các Đức Giáo Hoàng đã không ngừng lên tiếng bênh vực những người nghèo khổ, các thợ thuyền, các dân tộc thiểu số bị áp bức, các quốc gia nhược tiểu, và đòi hỏi các quốc gia giàu mạnh phải tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc khác, kêu gọi lương tâm nhân loại ý thức và thực thi công bình xã hội... (Thông điệp “Tân Sự” (1891) của Đức Lêô XIII, “Tứ thập niên” (1931) của Đức Piô XI, “Mẹ và Thầy” (1961) và “Hoà bình trên thế giới” (1963) của Đức Gioan XXIII, “Phát triển các dân tộc” (1967) của Đức Phaolô VI).
b) Công đồng Vatican II cũng kêu gọi sự bình đẳng giữa các giai cấp, các dân tộc, các quốc gia : “... dưới tất cả những đòi hỏi đó, tàng ẩn một ước vọng sâu xa và đại đồng hơn, mọi cá nhân và tập thể đều khao khát một cuộc sống đầy đủ và tự do xứng đáng với con người...” (Hiến chế Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 8, 9).
c) Mới đây, Hội nghị các Giám Mục Á Châu đã nhóm họp, và cũng đã mạnh mẽ khẳng định: “Giáo Hội phải trước tiên là Giáo Hội của những người nghèo”.
II. GIÁO HỘI THỰC HÀNH VIỆC SAN BẰNG GIAI CẤP
Giáo Hội Công Giáo không phải chỉ giảng dạy lý thuyết suông, mà còn có những hành động tích cực nhằm xoá bỏ sự cách biệt giữa các giai cấp, kiến tạo một xã hội công bằng và đầy tình nhân đạo yêu thương như Chúa Kitô đòi hỏi.
1. Trong các lễ nghi phụng vụ :
Khi hội họp cầu nguyện, trong các lễ nghi phụng tự công cộng, mọi người không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội, giàu nghèo đều có quyền bình đẳng như nhau, đều tham dự cùng một bánh và uống cùng một chén thánh (1Cr 11,18- 22)
2. Hoạt động của các dòng tu, hội đoàn Công Giáo :
Trong Giáo Hội, có rất nhiều dòng tu sống khó nghèo, lao động chân tay vất vả như mọi người, và chuyên tâm lo lắng săn sóc, cải thiện đời sống của người nghèo như dòng Anh Em Hèn Mọn, dòng Tiểu Đệ Chúa Giêsu...
            Cũng có những phong trào, đoàn thể dành đặc biệt cho người lao động, tranh đấu cho giới lao động, thăng tiến đời sống của người lao động về tinh thần cũng như vật chất, chẳng hạn Thanh Lao Công, hội Bác Ái Vinh Sơn, Caritas quốc tế...
            Ngoài ra, còn rất nhiều những người con ưu tú của Giáo Hội, trong đó có linh mục, giám mục... đã tận hiến cuộc đời để phục vụ cho giới lao động. Các ngài sống lam lũ vất vả như người thợ, nhưng với tinh thần bác ái phục vụ Kitô giáo cao độ.
            Tóm lại, Giáo Hội Công Giáo trong lý thuyết cũng như trong hành động, không bao giờ chủ trương duy trì những bất công để dễ bề lợi dụng. Trái lại, đã không ngừng giảng dạy, khuyên bảo, cổ võ, thực hiện sự bình đẳng. Nếu trong quá khứ, có một ít phần tử đi sai đường lối chung, thì cũng không thể nại vào đó để vu khống, đổ thừa trách nhiệm hoàn toàn cho Giáo Hội được.
  
GIẢNG DÀI
Về thôn quê vào dịp nghỉ hè, một du khách đến nhà thờ dự lễ. Cha sở giảng say sưa, một tiếng, rồi hai tiếng đồng hồ. Sốt ruột quá, du khách hỏi ông cụ kế bên :
- Này cụ! Ông cha này giảng ở đây bao lâu rồi ?
- Khoảng…10 năm.
- Vậy à! Tôi sẽ nán lại, chắc là sắp xong rồi.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log