Thứ bảy, 23/11/2024

Câu chuyện truyền giáo – Sửa lỗi qua ngôn từ

Cập nhật lúc 15:13 20/01/2022


Trong dịp Giáng Sinh vừa qua, chúng tôi được mời dùng cơm tại giáo xứ kia. Nhân dịp này, cha xứ cũng mời một số người đến tiếp đoàn chúng tôi, trong đó có một số người tân tòng và mới sống Đạo trở lại. Nơi ngài đón tiếp chúng tôi là một khu đất mới rất rộng và đẹp. Giáo xứ mới xây một ngôi nhà cấp IV khang trang, sạch sẽ. Cha xứ nhiệt thành dẫn chúng tôi thăm đất và nói về dự phóng của ngài trong tương lai. Chúc cho dự phóng đó được diễn ra tốt đẹp!
Có một người nghỉ hưu ngồi dùng bữa cùng bàn. Lúc đầu, anh có vẻ ngại ngùng vì đã một thời gian khá lâu, anh không đi nhà thờ và ít khi gặp gỡ các linh mục. Sau đó, thấy các linh mục cởi mở nên anh đã tự tin hơn và chia sẻ về quá khứ sống đạo của mình, nhất là khi chuẩn bị xây dựng gia đình. Vì anh đi công tác xa nhà và lại lấy người tôn giáo bạn nên các thủ tục khá phức tạp. Tưởng chừng như không thể làm phép cưới được nhưng cha xứ quê hương cũng tạo điều kiện cho anh được toại nguyện.
Theo lời anh kể, “lúc đó chúng con chứng hôn cũng chỉ để bố mẹ yên lòng và mời mọi người đến ăn cỗ thôi, còn trong lòng thì không có chút nào. Sau khi cưới, chúng con dẫn nhau đi và cũng từ đó chúng con không sống Đạo nữa. Chắc Chúa buồn lắm”!
Anh hăng say nói. Tôi lắng tai nghe. Như được tiếp sức, anh lại càng nói hăng hơn. Những điều anh muốn diễn đạt chỉ là “xa Chúa, bỏ nhà thờ, không sống Đạo” nhưng ngôn từ anh dùng lặp đi lặp lại quá nhiều từ “báo cáo”. Báo cáo Chúa. Báo cáo cha. Báo cáo anh em. Tôi mạnh dạn mời anh uống một chén rồi góp ý. Này anh, những điều anh nói  khá phong phú, nhưng nếu có thể anh dùng từ “báo cáo” vừa thôi được không? Anh nói: “Báo cáo cha, bao nhiêu năm qua con nói nên quen cha ạ”. Tôi tiếp lời đúng vậy nhưng cần phải tập. Hôm nay, anh tập một chút. Mai anh tập một chút. Dần dần anh sẽ quen. Anh trả lời: “Báo cáo cha, vâng ạ”.
Hơn nữa, các linh mục không phải là cán bộ nên không cần “báo cáo” mà chỉ cần nói “thưa cha” hoặc nếu muốn trân trọng hơn thì nói “trình cha” là được. Anh nói: “Dạ, báo cáo cha, vâng ạ”. Vậy thì thưởng ông một chén rượu thôi. Anh cười và nói tiếp: “Báo cáo cha. Thưởng thì con xin nhận. À, thưa cha, con xin nhận mới đúng chứ nhỉ”. Mọi người trong bàn ăn cười đến nỗi không thể ăn được nữa.
Tôi chuyển chủ đề sang việc sống Đạo ngày nay. Anh ạ, thời nào giữ Đạo cũng có cái thuận lợi và cái khó khăn. Ngày xưa, khi còn ở với ông bà thì sớm tối đọc kinh. Chúa nhật đến nhà thờ mà nhà thờ cũng là nơi vui nhất trong làng. Nhưng ngày nay, khi đi ra ngoài xã hội, mình không còn bị kiểm soát bởi người thân nữa nên tự do sống theo cách của mình. Hơn nữa, có quá nhiều thứ chi phối nên việc đọc kinh sớm tối và đi lễ Chúa Nhật bị lãng quên, thậm chí còn không có khái niệm đó nữa. Chính vì thế, chúng ta cần phải trưởng thành về tư tưởng, về đức tin, về lối sống. Anh đáp lời: “Báo cáo cha, năm nay con ngoài 60 tuổi rồi nên cũng có suy nghĩ phải trở về với Chúa nhưng không biết bắt đầu từ đâu”? Tôi đáp: hãy bắt đầu bằng việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật. Đọc kinh tối sớm, nhất là kinh tối trong gia đình. Khi đọc Kinh tối nhớ đọc Lời Chúa nữa. Anh vui vẻ đón nhận và nói rằng thưa cha con sẽ cố gắng làm điều đó.
Lạy Chúa! “Nhân vô thập toàn” - trên đời này không ai là hoàn hảo. Việc sử dụng ngôn từ như quà tặng quý giá Chúa ban cho chúng con cũng vậy. Hôm nay, chúng con chân thành xây dựng cho nhau để giúp nhau sử dụng ngôn từ đẹp ý Chúa, đượm tình anh em hơn. “Anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau, như anh em vẫn làm.” (1Tx 5,11).
Lm Giuse Nguyễn Văn Thành
Giáo xứ Tp Sơn La
Thông tin khác:
Gia đình... (26/12/2021)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log