Thứ sáu, 27/12/2024

100 năm ngày sinh của Hàn Mạc Tử ( Bài 3)

Cập nhật lúc 13:07 26/09/2012
 VÀI SUY TƯ TỪ TÌNH BẠN CỦA HÀN MẠC TỬ

Thiện Chân

Hôm nay chúng ta tụ họp về đây kỉ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử. Đã có quá nhiều luận văn, chuyên đề, bút mực nói đến tài thơ trác việt của Hàn Mạc Tử một cách khéo léo và tài tình. Cũng đã nhiều người nói về những mối tình Hàn Mạc Tử, về chứng bệnh và những đau đớn của nhà thơ. Hôm nay tôi xin được nói đến một khía cạnh không kém quan trọng và ý nghĩa trong cuộc đời nhà thơ, một khía cạnh mà chính bầu khí sinh hoạt hôm nay đang họa lại. Tôi muốn nói về TÌNH BẠN của Hàn Mạc Tử.

Anh chị em chúng ta từ nhiều nơi về đây, lắm người mới gặp nhau lần đầu, thế nhưng tất cả đều tay bắt mặt mừng như đã từng quen biết. Dường như một mối đồng cảm, một tình bạn đã nằm sẵn trong tâm tư và cả trong máu huyết. Tình bạn phát xuất từ chút duyên thơ, mà hơn nữa, từ niềm ngưỡng mộ chung của chúng ta với Hàn Mạc Tử. Có thể nói rằng tình bạn là một nét nổi bật của Hàn Mạc Tử, cả khi anh còn sống và khi anh đã qua đời, mãi đến hôm nay.

Một tình bạn chân thành

Trong tác phẩm Hàn Mạc Tử: Tác phẩm phê bình và tưởng niệm, tr. 63-64, Giáo sư Phan Cự Đệ viết: "Về tình bạn thì chúng ta phải tìm hiểu thêm vì ít có một người nào giữ được tình bạn lâu dài, trong sáng và chung thuỷ như Hàn Mạc Tử. Sự có mặt đông đủ bạn thân của Hàn Mạc Tử thời ấy trong tập sách này đã chứng minh tình bạn cao quý đó".

Chúng ta không còn giữ được những chứng từ về tình bạn của Hàn Mạc Tử trên ghế nhà trường, nhưng vẫn còn những chứng từ rất sớm, từ khi anh mới bước vào làng báo, năm 21 tuổi.

Hôm nay vui quá anh Phùng ơi

Buồn xa không đến, lệ không rơi

Buồn không thắt ruột, tình không lại

Cười nói làm sao cho hả hơi

Gửi anh (tặng Trần Tái Phùng)

Lời thơ sảng khoái như vậy phải xuất phát từ một tâm tư chân thật, một tình cảm nồng thắm, thiết thân.

Hàn Mạc Tử đối đãi chí tình với bằng hữu. Khi làm báo ở Sài Gòn, mỗi tháng được trả 50 đồng- một số tiền khá lớn, nhưng nhận tiền buổi sáng thì buổi chiều đã sạch trơn vì các bạn văn nghệ mà theo lời Hàn Mạc Tử là "Tụi hắn chết đói dăn răng ra cả ở trong ấy, mà mình để tiền làm chi". Cả chiếc valy quần áo, khi về Qui Nhơn cũng để lại cho anh em trong đó. Một nhà Mạnh Thường Quân nghèo, cao quý thay và đau xót thay!

Bạn đến thăm, cùng ngâm thơ, đọc thơ, cùng nhau nằm ngắm trăng trên bãi biển. Hàn Mạc Tử có lối tiếp xúc với bạn bè rất lạ và đầy tình thương mến. Ai đến thăm, Tử đều kêu lên một tiếng nhỏ mừng rỡ cảm động, không bắt tay mà chắp hai tay lại với nhau như vái chào.

Trần Tái Phùng viết trên Người Mới, số 7-12-1940 rằng: "Chúng ta không cần nhắc lại tình bạn của chàng mà ai cũng công nhận là tuyệt nhiên thanh cao và điểm toàn những màu tươi vui mát mẻ. Ngay đến phút cuối cùng, chàng đã không muốn phiền bận đến một người quen biết nào, bằng ít lời than hay một hơi thở".

Theo Hồi ký của Quách Tấn thì bằng hữu của Hàn Mạc Tử khá đông. Chế Lan Viên, Bích Khê và Hàn Mạc Tử là bạn thơ coi nhau như anh em ruột, ảnh hưởng nhau, thương yêu, kính trọng nhau, những giờ rảnh rang đều có Chế Lan Viên bên cạnh Hàn Mạc Tử.

Yến Lan, Hoàng Diệp, Trọng Miên, Trần Thanh Địch, Trần Tái Phùng, Nguyễn Đình Thủy, Hoàng Trọng Quy, Bùi Tuân, Lê Đình Ngân, Hoàng Tùng Ngâm, Bửu Đào, Trần Kiên Mỹ... là những người bạn ở gần, thường lui tới thăm viếng.

Thời kì văn học lãng mạn 1932 – 1945 bắt đầu với Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ mới, trăm hoa đua nở, với các nhóm Phong Hóa, Ngày Nay, Hà Nội Báo, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Xuân Sanh Nhã Tập, Sông Thương, nhóm Huế, nhóm Hà Tiên nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là nhóm Bình Định với Bàn Thành Tứ Hữu (Long, Lân, Quy, Phụng: Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Quách Tấn và Chế Lan Viên) đã lập nên một trường phái mà người đời đánh giá với tất cả ngưỡng mộ và yêu mến là Trường thơ loạn.

Bạn hữu ai nấy cũng đều thương Tử và yêu thơ Tử và ai nấy cũng tìm cách nâng đỡ tinh thần và truyền bá thơ Tử. Sau khi Hàn Mạc Tử mất đi, họ đã tôn vinh Tử trên báo chí, giúp độc giả khắp nơi biết Hàn Mạc Tử.

Cả những mối tình của Hàn Mạc Tử cũng khởi đi từ tình bạn, rồi một lúc nào đó đã tiến đến ranh giới tình yêu.

Mộng Cầm hay Chị Nghệ, Hoàng Cúc, Mai Đình, Ngọc Sương, Thanh Huy, Thu Yến, Mỹ Thiện, Thu Hà...suy cho cùng là những bạn thơ của Hàn Mạc Tử. Chàng có gần gũi được họ đâu mà chỉ thơ qua thơ lại, những vần thơ lãng mạn tuyệt vời, kỳ diệu, làm cho tên tuổi họ trở nên quen thuộc với thi đàn, với quần chúng và góp phần tạo nên những nhà thơ nữ cho làng thơ mới Việt Nam.

Không dừng lại ở những người bạn cùng trang lứa, Hàn Mạc Tử còn được cả cụ Phan Bội Châu coi là bạn, một tình bạn vong niên giao. Bị liên lụy vì tinh thần ái quốc của Cụ, không được đi Pháp du học vẫn không chút ưu phiền, Hàn Mạc Tử còn thủ thỉ với "ông già Bến Ngự":

Bây giờ chỉ có đôi ta

Bao nhiêu tâm sự Hằng Nga biết rồi...

Đêm khuya tự tình với sông Hương- (Công luận 2-3-1935)

Hàn Mạc Tử mau mắn cởi mở thân tình với mọi người. Chỉ đến Quy Hòa vài tháng, anh đã có hai người bạn thân: ông Phạm Văn Trung và Nguyễn Văn Xê, với hai tập Thơ Đời và Thơ cầu nguyện đề tặng hai người. Chắc chắn không hẳn là "đồng bệnh tương lân" mà là cả tấm lòng thân ái muốn chia sẻ tất cả những gì mình có của Hàn Mạc Tử với mọi người xung quanh.

Nẻo đường chia sẻ

Đi xa hơn, phải nói đến chất Kitô hữu trong tình bạn của Hàn Mạc Tử, "tuyệt nhiên thanh cao và điểm toàn những màu tươi vui mát mẻ". Ghi nhận đó của Trần Tái Phùng nói lên chất Kitô hữu ấy. Vâng, không chỉ mọi người xung quanh, với sự cởi mở đầy xã hội tính, Hàn Mạc Tử khơi gợi cho các tác giả văn thơ nhạc Kitô hữu một nẻo đường hồn nhiên của Tin mừng: Con đường dậy men nhờ tình bạn.

Đã là bạn bè, bằng hữu với nhau thì phải bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Yêu nhau muôn sự chẳng nề,

Dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.

Đấy chẳng phải là nơi tinh thần Việt gặp gỡ Tin Mừng Kitô sao?

Hàn Mạc Tử làm bạn với nhiều người khác đức tin nhưng luôn tôn trọng ý kiến quan điểm của anh em, học cái hay cái tốt và trân trọng niềm tin của họ.

Trăng Thập Tự ghi nhận: "Mối chân tình giữa Hàn Mạc Tử và các bạn anh thì đã rõ, tuy vậy, từ tình bạn tới chỗ đồng cảm về kinh nghiệm đức tin có một khoảng cách rất lớn. Qua chiêm niệm trong tĩnh nguyện hay giữa cuộc sống, nhiều lúc Hàn Mạc Tử thấy trong "tâm tư có một điều rất thích, không nói ra vì sợ bớt say sưa" (Ra đời, c. 20). Anh "đã phát tiết hết tinh lực của hồn, của máu, bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc" (Quan niệm thơ, PCĐ-1, t. 178) mà liệu chừng được mấy ai đồng cảm? Phản xạ bình thường là thích giữ lấy niềm riêng giữa mình với Chúa (x. Biển Hồn Ta, c. 9; Say Thơ, c. 69), không thích diễn thành thơ vì ngôn từ thật giới hạn.

Là một tín hữu ngoan đạo, hẳn Hàn Mạc Tử luôn để cho đức tin dẫn dắt những cảm xúc và cách diễn tả của anh. Dù vậy, lắm lúc anh diễn tả rất tự do, dùng đủ mọi thứ để lột được điều anh cảm nhận, và như thế cũng là chấp nhận bị hiểu lầm, mặc cho người đọc đoán mò về điều anh đã cảm nhận thâm sâu.

Vâng, có lẽ nhiều bài thơ đạo của Hàn Mạc Tử chưa được đánh giá đúng lắm. Khi tác giả đưa thơ cho bạn bè, họ rất thích nhưng tác giả "không có lấy được một người hiểu mình" (Quan niệm thơ). (Thi sĩ của Thánh giá, trang 190-191)

Lúc đầu có thể bạn bè ngạc nhiên không hiểu nhưng dần dần đã cảm nhận đức tin và đời sống đạo của Hàn Mạc Tử để rồi đi đến công nhận như hai nhà phê bình nổi tiếng đương thời – Hoài Thanh và Hoài Chân: "Huống chi thơ HÀN MẠC TỬ ra đời, điều ấy chứng tỏ rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tình lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể" ( Trích từ Thi sĩ của Thánh giá, trang 233)

Hòa nhi bất đồng, có lúc bạn bè giới văn nghệ rủ Tử đi hát ả đào, nhưng Hàn Mạc Tử đã nhã nhặn từ chối. Cách đối nhân xử thế, tình cảm và thiên tài Hàn Mạc Tử đã để lại trong lòng bạn bè những cảm phục sâu xa. Chế Lan Viên đã viết một câu có tính sấm truyền gây tiếng vang rất lớn: "Mai sau, những cái tầm thường mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại ở thời kì này chút gì đáng kể, đó là Hàn Mạc Tử".

Âu cũng là xuất phát từ tình bạn rất mực chân thành và vô cùng trân trọng của các nhà thơ có ảnh hưởng từ HÀN MẠC TỬ.

Còn đối với bạn bè đồng đạo thì, như Nguyễn Văn Xê cho thấy, Hàn Mạc Tử gặp bạn đồng đạo như cá gặp nước. Bùi Tuân nửa đêm lặn lội đi tìm Hàn Mạc Tử là vì thế. Ta có thể tìm được rất nhiều chứng từ về điều này trong phần Trong mối đồng cảm của những người đồng đạo của tập Thi sĩ của thánh giá

Hiến lễ cô đơn

Là con người ai không có lúc thắt lòng khi sinh ly tử biệt với bạn thân. Như Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê:

Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua

Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết

Viết đưa ai, ai biết mà đưa.

Hay như Đavít tế Gionathan, khi chàng hoàng tử này bị quân Philitinh giết hại:

Anh hỡi, lòng tôi se lại vì anh! Tôi thương anh biết mấy!

(2Sm 1,26)

Ngày nay, tìm đâu được những tình bạn như thế? Ngày nay người ta có quá nhiều rượu bia nhưng ít tình bạn, người ta chỉ mong tìm sự khuây khỏa chứ khó tìm được sự cảm thông. Người ta sợ ra khỏi mình, sợ tin vào người khác vì hình như người ta cảm thấy rằng chính mình cũng chưa đáng tin. Không tin tưởng nhau, nghi ngờ nhau dẫn đến chỗ người ta khép kín tâm hồn, dè dặt không dám chia sẻ cho nhau những gì là cao đẹp. Giữa thời buổi kim tiền này còn đâu nữa những bạn hữu cưu mang nhau, trân trọng, yêu thương, giúp đỡ nhau như Hàn Mạc Tử xưa? Áp lực của công việc, của văn minh tiêu thụ khiến ít còn ai dám hy sinh thời giờ cho bạn bè một cách chân tình, vô vị lợi.

Còn đâu nữa tình bạn trung thành, chỉ một chút quan tâm chăm sóc đã được đền ơn đáp nghĩa bằng hai tập thơ bằng cả máu cân của Hàn Mạc Tử cho anh Xê và anh Trung ở Qui Hòa.

Còn đâu nữa sự tin cậy phó thác nơi bạn đến độ gởi gắm cả di cảo cho bạn như Hàn Mạc Tử và Quách Tấn.

Văn minh tiêu thụ đẩy ta vào cô đơn, nỗi cô đơn chính Hàn Mạc Tử đã từng cảm nếm. Để ý tới xã hội tính nhanh nhạy của Hàn Mạc Tử, ta sẽ hiểu anh đau khổ tới mức nào khi do bạo bệnh mà phải tự cách ly với bạn bè thân thuộc, cô độc một mình.

Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng

Một vũng cô liêu cũ vạn đời

(Cô liêu)

hoặc:

Một mai kia bên khe nước ngọc

Với sao sương anh nằm chết như trăng

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

Đến hôn anh và rửa vết thương tâm

Nỗi cô đơn của Hàn Mạc Tử khiến ta liên tưởng tới Đức Giêsu Con Thiên Chúa, Đấng ban xã hội tính cho loài người, đã trở nên Anh Cả của loài người và là bạn hữu của tất cả.

12 Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 13Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. 14Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. 15Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết. (Ga 13,12-15)

Nhiều người lấy câu nói của Tào Tháo làm phương châm: "Thà ta phụ người khác hơn để người khác phụ ta". Còn Chúa Giêsu thì chấp nhận bị bạn mình phản bội, như câu chuyện trong vườn Ghetsêmani theo Tin mừng Matthêô:

47Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong nhóm Mười Hai, đã đến. Cùng đi với hắn, có cả một đám người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến. 48Kẻ nộp Người đã cho họ một dấu hiệu, hắn dặn rằng: "Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy!" 49Ngay lúc đó, Giu-đa tiến lại gần Đức Giê-su và nói: "Ráp-bi, xin chào Thầy!", rồi hôn Người. 50Đức Giê-su bảo hắn: "Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi!" Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Đức Giê-su. (Mt 26,47-50)

Còn tin mùng Luca thì viết: Đức Giê-su bảo hắn: "Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?" (Lc 22, 48).

Phụng vụ Tuần Thánh sẽ đọc lại ở đây tiếng kêu thương của vua Đavít:

13Giả như tên địch thù phỉ báng, thì tôi cũng cam lòng,

hay kẻ ghét ghen lên mày lên mặt, tôi có thể lánh đi.

14Nhưng đây lại là bạn, người đồng vai đồng vế,

chỗ thân tình tâm phúc với tôi,

15đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi,

trong đền Thiên Chúa, giữa hội vui cùng sánh bước.

(Tv 54/55,13-15)

Tác giả của Tình Bạn sầu muộn đến chừng nào khi bị bạn hữu chối từ, ruồng rẫy và phải chết cô đơn, tức tưởi trên thập giá?

Nẻo đường đang mời gọi ta

Thiên Chúa của mầu nhiệm Ba Ngôi, Thiên Chúa của xã hội tính không có chương trình cứu vớt lẻ tẻ từng người nhưng Ngài kết hiệp chúng ta thành một dân tộc, thành Hội Thánh, thành cộng đoàn... Chính Thiên Chúa ấy hôm nay đang liên kết chúng ta thành nhóm bạn những tác giả Công giáo VN, dù ít ỏi, dù chưa đóng góp được gì mấy cho công cuộc Tin Mừng nhưng chúng ta đang lặp lại con đường của Hàn Mạc Tử, con đường của tình bạn.

Sáu năm qua, chúng ta đã bắt đầu có một Đồng Xanh Thơ tươi mát – những tác giả "đồng thanh tương ứng, đồng đạo tương thông". Những buổi họp mặt lần đầu ở Phan Thiết, rồi từ đó phát triển thành những Đồng Xanh Thơ địa phương khác: Sài Gòn, Nha Trang, Qui Nhơn, Xuân Lộc, Hải Phòng, Đà Nẵng... Chúng ta viết cho nhau, đọc cho nhau những tâm tình thờ phượng Chúa tối cao, ca ngợi Mẹ nhân lành, chia sẻ những vui buồn sướng khổ trong đời trong đạo, động viên khích lệ nhau tưới tắm cho mảnh vườn văn hóa Công giáo ngày thêm xanh tốt nở hoa.

Nhớ ngày họp mặt Đồng Xanh Thơ tại Phan Thiết tháng giêng năm 2010, ba cha con anh em Qui Nhơn cùng Trần Vạn Giã Nha Trang ngồi đợi chuyến xe khuya đã chia sẻ tâm tình, ý tưởng về tác phẩm "Nhà thơ Xuân Ly Băng - Cuộc đời và tác phẩm" đã được thai nghén cùng ra đời sau đó. Và soạn giả lại phải xuyên màn đêm phóng xe máy hơn hai trăm cây số để ra Qui Nhơn ký tặng sách cho anh em.

Anh em Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn đầu xanh quay quanh đầu bạc bên cạnh nhà thơ TTT chia sẻ cho nhau nhiều hương thơm và cũng không ít mật đắng để câu lạc bộ thành hình bắt đầu đơm hoa kết quả.

Còn Cao Huy Hoàng và Lê Hồng Bảo cày xới như hai bác nông phu thực thụ trên đồng thơ và vườn văn của mình. Hiếm có sự kiện văn nghệ Công giáo Việt Nam nào thiếu mặt hai bác này, thiết nghĩ là cũng chỉ để nối kết tình bằng hữu trong giới chúng ta.

Mỗi lần Đồng Xanh Thơ có tin vui như phong chức, tuyên khấn, gia đình ai đó có hôn sự v.v... là như có luồng gió mát cho cả cánh đồng. Các tác giả chia vui, hồ hởi như là của chính mình.

Và xúc động biết bao, khi Đồng Xanh Thơ có ai hoặc thân nhân ai được Chúa gọi về là mọi người cách này cách khác cùng chung lời cầu nguyện. Những tâm tình trong lễ tang linh mục Anrê Trần Cao Tường, sơ Maria Vũ Loan, nhà thơ nữ Đỗ Thảo Anh hay cụ Tôma thân phụ của Vũ Thủy và Cù Mè ... sẽ còn đọng lại sâu thẳm với thời gian.

Những cố gắng cảm động khác nữa từ mỗi người chúng ta, nhất là sự tập họp đầy tình thân ái hôm nay phần nào nói lên sự gắn kết, cái thiết thân của tình bạn trong thơ, trong Chúa mà Hàn Mạc Tử đã luôn mơ tưởng và đã sống.

*

Xin ơn Chúa là nguồn thơ bất diệt nuôi mãi trong chúng con tình thương mến sâu xa, tình bằng hữu trong lành, tình hiệp thông như nhất để chúng con cùng cất cao lời thơ tiếng hát ca ngợi danh Chúa vinh hiển đến muôn đời!

THIỆN CHÂN DƯƠNG THÀNH THIÊNG

CLB ĐXT QUI NHƠN

Thông tin khác:
Thăm Trại Phong (16/05/2013)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log